Thông tin

MỘT SỐ VẤN ĐỀ CẦN QUAN TÂM

TRONG VIỆC BẢO VỆ PHÁT HUY

DI SẢN VĂN HÓA PHẬT GIÁO Ở VIỆT NAM

                                                                                                              

ĐOÀN VĂN NAM*

 

Vài nét về đạo Phật

Việt Nam là quốc gia rộng, đông dân, khí hậu khắc nghiệt, giàu tài nguyên thiên nhiên và có truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời.

Quá trình kiến tạo về địa lý, địa chất cùng với tác động của khí hậu, môi trường và công cuộc đấu tranh thiên nhiên, đấu tranh xã hội đã để lại ở nước ta nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp và các di sản văn hóa do cộng đồng người Việt sáng tạo ra.

Tục thờ tô tem vật tổ của người Việt đã có từ thời nguyên thủy. Khi nước Việt bước sang thời kỳ phong kiến, tín ngưỡng thờ tổ, tín ngưỡng dân gian của cộng đồng xã hội đã chịu ảnh hưởng của các tín ngưỡng tôn giáo khác từ phương Bắc, phương Nam chuyển hóa, phát triển thành tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, thờ mẫu, thờ thần thánh, ma quỷ theo thuyết “vạn vật hữu linh”. Đạo Phật, đạo Nho được truyền bá, phát triển mạnh ở nước ta, từ thời kỳ phong kiến đã trở thành những tôn giáo lớn, đồng hành cùng với tín ngưỡng dân gian trong các thời kỳ lịch sử ở Việt Nam.

Đạo Phật có nguồn gốc từ đất nước Ấn Độ cổ đại du nhập vào Việt Nam từ rất sớm qua các nước Miến Điện – Lào và Trung Hoa. Sử Việt và truyền thuyết cho biết: Thế kỷ thứ I, người Giao Châu đã tiếp nhận đạo Phật thông qua các nhà tu hành, một số quan lại, thương nhân đến sinh sống, làm việc ở nước Việt. Xa xưa, nhiều vùng như Luy Lâu, Thuận Thành (Bắc Ninh), Tràng An (Ninh Bình), Nam Đàn, Đô Lương (Nghệ An) đã trở thành trung tâm Phật giáo ở nước ta. Phật giáo ở phía Bắc thuộc phái Đại Thừa (Bắc Tông), ở phía Nam thuộc phái Tiểu Thừa (Nam Tông). Đạo Phật dạy con người biết sống thân thiện với tự nhiên và đồng loại, tin tưởng vào đức Phật và chăm tu luyện để giải thoát được khổ đau, sớm trở về cõi Niết bàn.

Giáo lý của đạo Phật là nhân sinh quan, thế giới quan về con người, sự vật và các hiện tượng xã hội. Thông qua các luận thuyết về vô thường, vô ngã, nhân quả, nhân duyên, nghiệp báo luân hồi, tứ diệu đế.

Lý thuyết về vô thường, vô ngã cho rằng: sự vật, hiện tượng sinh ra chỉ là ảo giác vô minh, không thể tồn tại mãi mãi, thường biến đổi. Con người chỉ là sự kết hợp giữa “sắc” (vật chất) và “danh” (tinh thần).

Lý thuyết về nhân quả cho rằng: Nhân là gốc sinh ra quả. Duyên là điều kiện để nó hình thành. Giữa nhân và duyên có sự liên hệ ở trong quá khứ, hiện tại và ở tương lai.

Lý thuyết về nghiệp báo luân hồi cho rằng: số phận con người, sướng hay khổ là do con người tạo ra, thông qua sự tu dưỡng, rèn luyện. Cuộc sống của con người ở kiếp sau là do kết quả tu dưỡng của họ ở kiếp trước.

Lý thuyết về tứ diệu đế: là hệ thống các quan niệm về con người và đời người gồm: khổ đế, tập đế, diệu đế, đạo đế.    

Giáo luậtcủa đạo Phật là những quy định về phép tắc, giới luật của đạo Phật. Trong tổ chức, sinh hoạt của các nhà tu hành.      

Lễ nghilà những quy định, biểu hiện về trang phục của tăng ni, vật phẩm, phương tiện thờ cúng để làm tăng sự linh thiêng của đạo Phật; quy định về thời gian, số lần tụng kinh trong ngày, hàng tháng, lễ trọng để cầu an và giải thoát.    

Giáo lý, giáo luật của đạo Phật răn dạy tuyệt đối tin tưởng ở đức Phật là người có quyền năng vô hạn, có thể giải thoát, cứu khổ chúng sinh; con người muốn đạt được chính quả phải biết gạt bỏ ham muốn về vật chất, tinh thần, sống lương thiện, tu thân tích đức để được cứu giải hết khổ đau.

Giáo luật và lễ nghi của đạo Phật chỉ rõ, những người theo đạo có thể tu hành ở chùa, hoặc tu tại gia, tu tại tâm. Hình thức và lễ nghi đơn giản phù hợp với cuộc sống đời thường của cư dân người Việt sinh sống bằng nông nghiệp. Nhà nước, giai cấp cầm quyền nhận thấy Phật giáo nêu cao lòng từ, bi, hỉ, xả, phù hợp với truyền thống đoàn kết, nhân ái, khoan dung và tín ngưỡng dân gian của người Việt nên đã ban hành nhiều chính sách cởi mở để tạo điều kiện cho Phật giáo phát triển nhằm tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân và củng cố sự đoàn kết, hòa hợp dân tộc.

Từ khởi đầu của chế độ phong kiến đến thời Đinh- Lê, Phật giáo được các triều đại phong kiến ủng hộ nên phát triển mạnh. Nhiều vị cao tăng như: Sư Pháp Thuận, Ngô Chân Lưu, Vạn Hạnh… đã trở thành Quốc sư, cố vấn của nhà vua, về chính trị, quân sự, văn hóa, kinh tế, ngoại giao. Năm 971, Đinh Tiên Hoàng sau khi lên ngôi vua đã quy định cấp bậc tăng đạo đồng thời với cấp bậc quan lại văn võ của triều đình. Phật giáo ảnh hưởng đến hầu hết các lĩnh vực đời sống của xã hội ở nước ta.

Thời Lý, Phật giáo phát triển rực rỡ và trở thành Quốc giáo. Nhiều vị vua sau khi nhường ngôi đã vào chùa. Ngoài các thiền viện, trung tâm lớn của đạo Phật, hệ thống chùa chiền được xây dựng ở các trấn lị, làng quê, không chỉ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tâm linh mà còn góp phần củng cố sự đoàn kết trong cộng đồng người Việt.

Thời Trần, Phật giáo tiếp tục được Nhà nước nâng đỡ, vua Trần Nhân Tông sau khi nhường ngôi, đi tu, lập ra phái Thiền Trúc Lâm, truyền được 3 đời: Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Tăng, còn gọi là Trúc lâm tam tổ. Đạo Phật phát triển dung hòa với Nho giáo. Nhà Trần nhận thấy muốn trị nước phải dùng Nho giáo, nhưng để duy trì đạo đức phải dùng Phật giáo.

Dưới thời Hậu Lê, khi Nhà nước phong kiến Việt Nam ở thời kỳ cực thịnh, vương quyền mạnh hơn thần quyền nên Nho giáo được coi trọng hơn Phật giáo.

Đến thời Trịnh Nguyễn, Phật giáo được phục hưng, sau đó suy yếu dần khi nước ta bị thực dân đế quốc xâm lược và đô hộ.

Từ năm 1975 đến nay, đạo Phật dần được coi trọng, và được Nhà nước tạo nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển.

Di sản văn hóa Phật giáo, vốn quý của di sản văn hóa Việt Nam

Phật giáo du nhập, tồn tại, phát triển ở Việt Nam đã hàng ngàn năm, có ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa của cộng đồng và đã để lại nhiều di sản quý trong kho tàng di sản văn hóa Việt Nam.

Tinh hoa của di sản văn hóa Phật giáo ở nước ta đã và đang tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau cả về vật chất và tinh thần, thông qua các hoạt động như: ăn, ở, mặc, đi lại, học tập, chữa bệnh, thờ cúng…của cộng đồng, phật tử.

Về văn hóa ăn: người xuất gia ăn chay, kiêng việc sát sinh. Các món ăn chay được chế biến từ các loại hoa lá, củ quả, thực vật. Nhiều đồ ăn, thức uống đã trở thành món ăn ngon, thể hiện bàn tay khéo léo của người Việt trong việc chọn nguyên liệu, chế biến và thưởng thức.

Về văn hóa mặc, y phục của người theo đạo Phật: đơn giản, không cầu kỳ. Các phật tử thường mặc quần áo nâu sồng, đi chân đất, khi hành lễ, các vị sư tăng, chức sắc của đạo Phật mặc áo cà sa, màu vàng, đỏ, in thêu hoa văn biểu trưng cho truyền thống của đạo Phật. Trang phục không chỉ là vật che thân mà còn là phương tiện phản ánh tư duy, đạo đức của Phật tử, các nhà tu hành.

Về văn hóa ở: các vị cao tăng, sư sãi xuất gia thường sống ở các chùa, thiền viện. Các Phật tử bình dân, đa phần sống trong các ngôi nhà tranh, nhà gỗ chung với gia đình. Dù ở đâu họ cũng dành một không gian nhất định để thực hiện các nghi lễ thờ Phật.

Về văn hóa đi lại: Các vị chức sắc, cao tăng sống ở chùa thiền viện, được mời tham gia triều chính, khi cần đi lại để giảng kinh, hành lễ có ngựa xe, kiệu võng cùng với vua quan. Tăng ni, phật tử khi xuất hành khất thực đều đi bộ, chân đất, đầu trần, tay đeo túi vải, tay cầm âu để nhận bố thí của chúng sinh.

Về văn hóa học: việc học tập để hiểu biết về đạo Phật, kinh sách, lễ nghi được tiến hành dưới các hình thức khác nhau. Những vị cao tăng được đào tạo ở các thiền viện trong nước hoặc thụ giáo ở nước ngoài. Phật tử thường đến các chùa để học chữ Phạn, chữ Hán, chữ Nôm và nghe giảng về đạo Phật. Nhiều chùa đã mở lớp dạy học, dạy chữ để mở mang dân trí cho cộng đồng.

Về văn hóa chữa bệnh: Ngôi chùa thờ phật là nơi trụ trì của nhiều vị cao tăng, chân tăng có kiến thức rộng, am hiểu về nho, y, lý, số. Nhà chùa đã sưu tầm, kế thừa được nhiều kiến thức y học dân gian để chữa bệnh cho dân chúng như: Chùa Bộc (Hà Nội), chùa Dâu, chùa Dạm (Bắc Ninh), chùa Bà Bụt, chùa Gám, chùa Phúc Thành (Nghệ An) nổi tiếng là nơi bốc thuốc, chữa bệnh, cứu người trong lịch sử.

Về văn hóa thờ cúng: Việc thờ cúng chư Phật được ghi rõ trong giáo luật, lễ nghi diễn ra ở các thiền viện, ngôi chùa hết sức trang nghiêm. Không gian thờ Phật ở chính điện bài trí bộ tượng Tam thế, Bồ tát, La Hán, Kim cương và các phương tiện phục vụ nghi thức thờ cúng như Lư hương, cọc nến, lọ hoa, chén đĩa, mõ gỗ, chuông đồng…. Vật phẩm tiến cúng được lấy từ vườn chùa, núi rừng, đồng ruộng hoặc sắm sửa từ các chợ quê. Ngoài việc tụng kinh, niệm phật thường ngày, thời gian sóc vọng, ở chùa còn có nhiều nghi lễ khác. Lễ phật đản và lễ cúng thập loại chúng sinh được coi là ngày lễ trọng diễn ra hàng năm. Trình thức của lễ Phật đản có các phần Nghi thức và lễ cúng dường. Nghi thức lễ Phật đản gồm: Cung nghinh chư tôn đức Phật và mời quan khách đến trước lễ đài; (tuyên bố lý do, giới thiệu thành phần dự lễ); chào giáo kỳ, cử hành nhạc phật, mặc niệm, gióng ba hồi chuông trống bát nhã, rước lễ đản sinh, dâng hoa cúng dường, tuyên đọc thông điệp của đức Pháp chủ…Nghi lễ cúng dường gồm: niệm hương, cung tuyên Pháp ngữ, xướng hồng danh Đức bổn sư, tụng bài Khánh đản, niệm danh Đức Bổn sư, niệm danh hiệu Đạo tràng Hội thượng Phật Bồ Tát, tụng Tứ Hoằng Thệ nguyện, thả bồ câu (chim, cá phóng sinh), lời cảm tạ, hồi hướng, cử chuông trống Bát Nhã kết thúc buổi lễ.

Lễ cúng thập loại chúng sinh là ngày lễ để cúng cầu mong cho những oan hồn từng bị khổ đau, hi sinh, chết chóc vì bệnh tật, ốm đau, chiến tranh, lụt bão, thú rừng, sa sinh tảo lạc… sớm được siêu thoát. Chủ trì lễ này là các sư, tăng trụ trì ở chùa. Lễ cúng thập loại chúng sinh thường diễn ra ở sân chùa. Trên bàn thờ, ở phía trên có tượng Tam bảo, Thích ca, Thập điện diêm vương; phía dưới là các lễ vật gồm cỗ chay: hương hoa, quả phẩm, cháo nổ. Hai bên đường quanh chùa là hoa quả đặt trên lá mít, lá bồ đề, để các vong hồn được hâm hưởng. Trình thức của buổi lễ gồm có các phần cầu vong, phá ngục, giải oan, phóng sinh và lễ cúng cháo. Từ cuối thế kỷ thứ 18, ở lễ cúng thập loại chúng sinh người ta thường đọc văn chiêu hồn của Nguyễn Du. Nếu như lễ Phật đản là nơi hiến dâng vật phẩm, tụng kinh, niệm Phật để bày tỏ sự kính trọng đến chư Phật và cầu mong quốc thái dân an thì ở lễ cúng thập loại chúng sinh, người ta đến để bày tỏ sự chia sẻ, tiếc thương và cầu mong cho các oan hồn được siêu thoát.

Không chỉ tồn tại trong các hoạt động đời thường như: ăn, ở, mặc, đi lại…Di sản văn hóa Phật giáo ở Việt Nam còn được phản ánh, lắng đọng dưới nhiều hình thức khác nhau.

Ở trong Luật (văn bản chính sách của Nhà nước) và Lệ (ở các làng xã), thông qua các sắc phong, chiếu, chỉ của triều đình quy định về tổ chức, hoạt động của Phật giáo và các hoạt động mang tính chất dân gian, lệ làng.

Ở trong các di tích và phế tích như cung điện, thành quách của vua chúa, quan lại và các thiền viện, giáo đường ở kinh thành (Hà Nội, Ninh Bình, Huế, Bình Định…), và các vùng đất một thời được coi là trung tâm Phật giáo như: Bắc Ninh, Quảng Ninh…

 Ở trong kinh sách (kinh tạng, luận tạng và luật tạng), tồn tại ở các chùa (sách chữ Hán, chữ Nôm, chữ Quốc ngữ) và lưu giữ trong dân gian bằng trí nhớ và chữ viết.

Ở trong bài giảng, thuyết giáo của các vị cao tăng, chân tăng, các công trình nghiên cứu của các học giả về lịch sử dân tộc, lịch sử địa phương, lịch sử chuyên ngành, về tín ngưỡng, tôn giáo, văn hóa và đạo Phật.

Ở trong các ngôi chùa Phật, đình, đền thờ Thần Thành hoàng, Thờ Phật theo tín ngưỡng và truyền thống của người Việt, thể hiện qua phong tục thờ “tiền Phật hậu Thần” (phía trước thờ Phật, phía sau thờ Thần), hoặc “ tiền Thần hậu Phật”.

Ở trong lịch sử, huyền sử, gia phả, thần phả, đại tự, câu đối, văn bia, bài cúng…phản ánh về truyền thống dựng nước, lập làng của người Việt và cộng đồng.

Ở trong không gian thờ Phật thuộc các gia đình và trong tâm thức sinh hoạt thường ngày của Phật tử, cộng đồng.

Trong các không gian tồn tại của di sản Phật giáo, ngôi chùa Việt là nơi hội tụ, lắng đọng rất nhiều di sản văn hóa quý. Chúng ta biết rằng, khi xây dựng nhà ở, thành lũy, cung điện, các đình, đền, chùa người Việt rất coi trọng về phong thủy và địa lý. Các ngôi chùa Việt thường xây ở vùng đất cao ráo, tĩnh lặng gắn với làng mạc, đồng ruộng, núi rừng để có được sự yên bình cho cộng đồng và sự linh thiêng trong thờ cúng. Chùa Việt thường có khuôn viên rộng để tạo thành hòn non bộ, ươm trồng các loại cây xanh, cây hoa tứ quý: như bồ đề, đại, mít, sung, sen…Kiến trúc chùa Việt có tam quan, chính điện, nhà tổ, nhà trai, nhà tăng, tháp, mộ, bia đá xây dựng bằng gỗ, đá, gạch, vữa; trang trí hoa văn mang tính biểu trưng của đạo Phật như Rồng, Phượng, lá đề, hoa sen….Nội thất công trình bài trí Tượng phật, mõ gỗ, chuông đồng, bàn thờ, câu đối, đại tự, lư hương, cọc nến, lọ hoa, chén sứ… phục vụ cho nhu cầu hành lễ. Các hiện vật này không chỉ là phương tiện thờ cúng mà còn là những tác phẩm có giá trị về lịch sử, mỹ thuật, văn hóa, thể hiện sự khéo léo tài hoa của các nghệ nhân dân gian trong việc tạo ra những sản phẩm có ý nghĩa để thờ chư Phật.

Ở nhiều chùa, việc thờ Phật dung hòa, gắn bó với việc thờ các vị thần, anh hùng, danh nhân có công với nước theo mô típ “tiền thần hậu phật” hoặc “tiền phật hậu thần”.

Không gian thờ Phật ở các gia đình khá đơn giản. Ở đây bài trí lư hương, sách kinh, mõ gỗ để Phật tử hàng ngày tụng kinh, niệm Phật. Việc dung hòa phối thờ giữa Phật và thần, gắn kết giữa tín ngưỡng dân gian với đạo Phật, đạo Nho đã trở thành nét đẹp trong tín ngưỡng văn hóa tâm linh đầy sáng tạo của người Việt.

Trong lịch sử dựng nước và giữ nước ở Việt Nam, đạo Phật đã có những đóng góp tích cực thông qua hoạt động hướng thiện, đoàn kết dân tộc. Đã có nhiều thời kỳ lịch sử, các vị cao tăng, chân tăng có đức, có tài đã tham gia việc triều chính, đóng góp những kế sách để xây dựng và bảo vệ đất nước. Chùa Việt không chỉ là nơi giải thoát khổ đau, làm cho cuộc sống của con người được bình an, thanh thản mà đã có nhiều tăng ni, phật tử tham gia kháng chiến chống giặc ngoại xâm. Ngôi chùa là nơi cầu yên, cầu phúc cho cộng đồng, đất nước, nơi công đức, vật chất, tinh thần phục vụ cuộc sống của con người. Hoạt động giải oan, chữa bệnh, từ thiện…từ lâu đã được lịch sử và cộng đồng ghi nhận.

Bên cạnh những tinh hoa của văn hóa Phật giáo, đạo Phật ở nước ta đang có những hạn chế về tư tưởng, giáo lý và hoạt động. Đạo Phật dạy con người sống hướng thiện, hòa hợp với cộng đồng, tự nhiên là hết sức nhân văn. Nhưng các phật tử, con người muốn tồn tại trong xã hội phải lao động, phấn đấu để có được cái ăn, cái mặc, nâng cao chất lượng cuộc sống về vật chất, tinh thần. Chúng ta không thể nhẫn nhịn, từ bỏ các hoạt động về sản xuất, tiêu thụ, học tập, giao lưu để nâng cao dân trí, ứng phó với các thảm họa của thiên nhiên, xã hội, chắn chắn sẽ khó tồn tại trong thế giới đang phát triển. Nếu không đấu tranh, gìn giữ hòa bình, kịp thời ngăn chặn ham muốn tiêu cực của con người, đấu tranh chống lại các hoạt động phá hoại xâm lược của đế quốc, thực dân thì Phật tử, nhân dân không thể có độc lập, tự do và yên tâm hành đạo.

Một số vấn đề cần quan tâm

Kế thừa truyền thống uống nước nhớ nguồn, nhân văn của dân tộc, hơn 80 năm qua Đảng và Nhà nước ta đã có những chính sách cởi mở để tạo điều kiện cho tín ngưỡng, tôn giáo hoạt động. Nhiều đình, đền, chùa đã được phục hồi, tu bổ, xây dựng, Hội đồng Trị sự Phật giáo ở Trung Ương ra đời, đã tạo điều kiện cho việc tuyên truyền, chấn hưng đạo Phật. Thông qua các hoạt động hướng thiện, từ thiện cầu siêu cho các anh hùng, liệt sĩ,  giúp đỡ người nghèo, giáo hội và Phật tử Việt Nam đã tích cực góp phần vào sự nghiệp đoàn kết, xây dựng, bảo vệ đất nước. Trong điều kiện đất nước còn khó khăn về kinh tế, các thiền viện như: Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên ở Tam Đảo, Vĩnh Phúc, Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt (Lâm Đồng), Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử (Quảng Ninh), Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã (Huế), Trung tâm Phật giáo Tràng An (Ninh Bình) vẫn được tu bổ, xây dựng đã thể hiện sự trân trọng của Nhà nước và nhân dân đối với Phật giáo. Đã có hàng trăm ngôi chùa lưu giữ nhiều di sản văn hóa quý của dân tộc được nghiên cứu, công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, cấp tỉnh.

Từ khái quát về đạo Phật, nhận diện di sản văn hóa Phật giáo và những khó khăn, thuận lợi của hoạt động Phật giáo ở nước ta; trong thời gian tới, muốn bảo vệ được tinh hoa của di sản văn hóa Phật giáo, chúng ta cần quan tâm đến những vấn đề sau:

- Cộng đồng người Việt cần thấy được những yếu tố tích cực của văn hóa đạo Phật và đóng góp quan trọng của Tăng ni, Phật tử trong việc xây dựng khối đoàn kết dân tộc và sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc.

- Tuyên truyền, thực hiện tốt chính sách của Đảng, Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo để gây dựng được khối đoàn kết dân tộc, chung tay góp sức vào sự nghiệp xây dựng bảo vệ đất nước.

- Tiếp tục thực hiện các đề án, đề tài nghiên cứu khoa học về đạo Phật để nhận diện các yếu tố tích cực của đạo Phật và văn hóa Phật giáo để giúp Nhà nước, cộng đồng có chính sách, phương pháp ứng xử hài hòa, phù hợp với tín ngưỡng tôn giáo trong tình hình hiện nay.

-  Phối hợp với Hội đồng trị sự Trung Ương Phật giáo Việt Nam vận động phật tử, cộng đồng chọn lọc, sưu tầm các di sản, hiện vật tiêu biểu về văn hóa Phật giáo để góp phần vào việc lưu giữ, phát huy di sản văn hóa Việt Nam.

-  Không có các hoạt động tự phát tu sửa, xây dựng các chùa khi chưa có các điều kiện thực tế như: đất đai, kinh phí hoặc làm trái với quy định của Luật pháp về tín ngưỡng tôn giáo và truyền thống tốt đẹp của văn hóa dân tộc.

-  Vận động tăng ni, phật tử tham gia vào các hoạt động từ thiện, đoàn kết cộng đồng, đền ơn đáp nghĩa, chống các tệ nạn trong xã hội, góp phần gìn giữ hòa bình, nâng cao chất lượng cuộc sống theo xu hướng “tốt đời, đẹp đạo”.

- Bảo vệ và phát huy tốt các di sản văn hóa Phật giáo, nhất là các di tích lịch sử văn hóa đã được nhà nước công nhận, giữ cho môi trường di tích, ngôi chùa được xanh, sạch, đẹp để tạo điều kiện cho cộng đồng tham quan, du lịch, thực hiện các nghi lễ về văn hóa tâm linh.

-  Nghiên cứu, chọn lọc, biên tập, xuất bản các ấn phẩm văn hóa (Phim, sách, hiện vật lưu niệm tiêu biểu…) để giới thiệu về ngôi chùa có kiến trúc, cảnh quan nổi tiếng, hoặc giới thiệu về các vị chân tăng, cao tăng đã có công với đạo Phật và sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc.

- Tổ chức các cuộc hội thảo khoa học để làm rõ nguồn gốc, nội dung của đạo Phật ở Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử hoặc làm sáng tỏ các giá trị văn hóa của chùa Việt, phong tục, tín ngưỡng thờ Phật ở các địa phương; cung cấp tư liệu, thông tin cho việc biên soạn lịch sử của quê hương, đất nước.

- Tổ chức một số hoạt động giao lưu, trao đổi kinh nghiệm về công tác quản lý, tổ chức hoạt động văn hóa, tín ngưỡng để giúp nhà nước, chính quyền có chính sách hài hòa, sáng tạo trong việc ứng xử với hoạt động văn hóa tín ngưỡng.

Phật giáo đã tồn tại, phát triển ở nước ta từ lâu đời. Tinh hoa của di sản văn hóa Phật giáo là vốn quý của di sản văn hóa dân tộc, cần được trân trọng, gìn giữ để đóng góp tích cực vào việc củng cố khối đoàn kết dân tộc và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước.

 

Vinh, ngày 18/6/2012



* Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Nghệ An

 

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 15
    • Số lượt truy cập : 6116195