Thông tin

MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ CHÙA BỬU LÂM

VÀ TỔ TÁNH NHẪN - THIỆN CHÂU

 

TRIỀU PHÚ

 


 

Thế kỷ XVII - XVIII, trong bối cảnh châu thổ phương Nam còn hoang vu, đặc biệt Đồng Tháp Mười là vùng ngập úng rất khó khăn cho cư dân sinh sống, một ngôi chùa hiếm hoi đã xuất hiện. Đó là chùa Bửu Lâm do hòa thượng Tánh Nhẫn - Thiện Châu sáng lập. Đây không chỉ là di tích gắn liền với quá trình người Việt khai phá đồng bằng sông Cửu Long, mà còn là một trong những ngôi chùa đầu tiên ở vùng đất mới. Xung quanh lịch sử ngôi chùa và hành trạng tổ khai sơn có nhiều thông tin giá trị. Song, đáng tiếc là hàng chục năm qua, nhiều nghi vấn về chùa Bửu Lâm và hòa thượng Tánh Nhẫn - Thiện Châu chưa thật sự sáng tỏ.

Chùa Bửu Lâm - ngôi cổ tự ở Đồng Tháp Mười

Thế kỷ XVII được xem là thời điểm người Việt bắt đầu công cuộc khai phá Nam Bộ. Nhìn chung lúc bấy giờ, ngoại trừ một số thị tứ lớn, đại bộ phận còn lại vẫn hoang hóa. Trong bối cảnh ấy, Phật giáo dù đã đi cùng những di dân đến vùng đất mới, nhưng chưa có nhiều điều kiện phát triển. Tuy vậy, những nhà sư đầu tiên đã xuất hiện, những ngôi chùa đầu tiên đã hình thành, những câu kinh đầu tiên đã âm vang… trở thành điểm tựa tinh thần cho những người lưu xứ. Trong đó, có lẽ ít ai ngờ ở Đồng Tháp Mười hoang vu, một ngôi chùa đã ra đời và tồn tại hàng trăm năm.

Chùa Bửu Lâm nằm cạnh rạch Cái Bèo, ngày nay thuộc xã Bình Hàng Trung, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Dân gian còn gọi là chùa Tổ hoặc chùa Tổ Cái Bèo. Chùa do hòa thượng Tánh Nhẫn - Thiện Châu sáng lập. Dù chưa đủ cơ sở để khẳng định thời điểm thành lập chính xác của chùa Bửu Lâm, nhưng chắc hẳn nằm trong khoảng 20 năm cuối thế kỷ XVII và 20 năm đầu thế kỷ XVIII. Có tài liệu cho rằng chùa ra đời vào năm 1702 [Trần Thị Ngọc Ly 2021: 203], nếu đối chiếu với hành trạng của tổ khai sơn thì con số nầy có thể chấp nhận được.

Ra đời ở Đồng Tháp Mười hoang vu, chùa Bửu Lâm không chỉ đóng vai trò là trung tâm truyền bá Phật giáo, mà còn góp phần lưu truyền văn hóa dân tộc cho những di dân trên vùng đất mới. Sau hơn ba trăm năm, chùa trải qua nhiều thế hệ tu sĩ kế thừa, đóng góp không nhỏ vào lịch sử Nam Bộ nói chung và lịch sử Phật giáo nói riêng. Trong đó, nhiều nhà sư xuất thân từ chốn tổ Bửu Lâm đã tiếp tục hoằng hóa, sáng lập, trụ trì các ngôi chùa ở khắp đồng bằng sông Cửu Long.

Đặc biệt, trong phong trào Chấn hưng Phật giáo Việt Nam đầu thế kỷ XX, chùa Bửu Lâm dù ở nơi xa xôi hẻo lánh nhưng cũng có những đóng góp đáng ghi nhận. Trong bài viết “Tự trần” trên tạp chí Pháp âm, hòa thượng Khánh Hòa [1929: 18]cho biết: “Bấy giờ có hòa thượng ở chùa Bảo Lâm (Cái Bè Sadec) động chút thương tâm, buộc thầy phải đôi dòng tầm tã!”. Đó chính là chùa Bửu Lâm ở Cái Bèo, Sa Đéc và trụ trì khi ấy là Hòa thượng Như Liễn - Phổ Lý1. Năm 1931, Hội Nam Kỳ nghiên cứu Phật học được chính thức thành lập, hòa thượng là một trong những thành viên tham gia đầu tiên.

Năm 1947, Hội Phật giáo cứu quốc Nam Bộ được thành lập, tổ chức lễ ra mắt tại chùa Bửu Lâm. Trụ sở của hội đặt tại chùa Ô Môi, cách chùa Bửu Lâm khoảng 20 km, song nhiều hoạt động của hội được tổ chức ở chùa Bửu Lâm. Năm 1949, hội xuất bản đặc san Tinh tấn, do hòa thượng Tam Không (bí danh của hòa thượng Minh Nguyệt) làm Chủ nhiệm, nhà giáo Lê Văn Đông làm  Chủ bút, tòa soạn đặt tại chùa Bửu Lâm2.

Ngoài những đóng góp đối với Phật giáo, chùa Bửu Lâm có nhiều đóng góp đối với đất nước. Trong những thời kỳ kháng chiến chống ngoại xâm, chùa trở thành nơi liên lạc, tiếp tế lương thực, hậu cần, nuôi giấu chiến sĩ… Do đó, chùa nhiều lần bị đánh phá gây hư hỏng nghiêm trọng, cổ vật bị thất thoát, kinh sách bị hủy hoại… Tuy vậy, vượt qua mọi khó khăn, chư Tăng nhà chùa và cư sĩ địa phươngluôn hết lòng phụng sự đạo pháp và dân tộc.

Ngày nay, dù trải qua nhiều lần bị tàn phá và xây dựng lại, nhưng chùa Bửu Lâm vẫn giữ được nét cổ kính của chùa quê Nam Bộ. Chùa có kiến trúc theo hình chữ “tam” trong Hán tự, nằm giữa khuôn viên cây cối xanh tươi, thoáng mát, yên tĩnh. Chánh điện bề thế, mặt tiền có ba cổ lầu trang nghiêm, nóc lợp ngói cổ kính. Sau chánh điện là nhà tổ, xung quanh có khu tháp mộ, các miễu thờ, tiểu cảnh, tượng Phật… Chùa còn lưu giữ nhiều pho tượng gỗ quý, hoành phi, liễn đối, chuông, ấn, lư đồng…

Hành trạng tổ khai sơn Tánh Nhẫn - Thiện Châu

Để nghiên cứu về hành trạng của hòa thượng Tánh Nhẫn - Thiện Châu, có ba nguồn tài liệu quan trọng, mặc dầu chúng có những thông tin khác biệt: (1) Một số giấy tờ còn lưu giữ ở chùa Bửu Lâm, (2) Lai lịch của tổ do hòa thượng Phổ Lý sưu tầm, (3) Thông tin về tộc họ Nguyễn do tác giả Nguyễn Hữu Hiếu sưu tầm.

Theo một số giấy tờ còn lưu giữ ở chùa Bửu Lâm, tổ Thiện Châu thế danh là Lê Kiên Nhẫn, sinh năm 1586 trong gia đình nông dân nghèo ở Đồng Tháp Mười. Cha là Lê Pháp Như, mẹ là Nguyễn Thị Hà. Ngài lên 3 tuổi thì cha qua đời, đến 15 tuổi thì mẹ cũng mất. Năm 25 tuổi, ngài xuất gia [Hữu Nghĩa 2017].

Thập niên 1920 - 1930, hòa thượng Phổ Lý là trụ trì chùa Bửu Lâm khi đó đã sưu tầm một số thông tin về tổ Thiện Châu. Theo đó, ngài là người miền Trung, vào Nam hoằng hóa, đi cùng có hai đệ tử là Thiện Ý và Thiện Tín. Đến núi Chà Bang (tỉnh Ninh Thuận ngày nay), ba thầy trò dừng chân tu hành trong hang đá. Thời gian sau, ngài và đệ tử Thiện Ý tiếp tục vào Nam, đệ tử Thiện Tín ở lại. Hang đá mà ba thầy trò tu hành về sau trở thành chùa Trà Cang [Nguyễn Hữu Hiếu 2003: 43]. Song, theo tài liệu từ chùa Trà Cang, ngôi chùa nầy được hòa thượng Bảo Tạng khai sơn vào năm 1835 [Thái Sơn Ngọc 2013].

Từ khảo sát thực tế ở tỉnh Đồng Tháp, tác giả Nguyễn Hữu Hiếu đã sưu tầm được tờ tông chi của dòng họ Nguyễn, có liên quan đến tổ Thiện Châu. Theo đó, ngài thế danh là Nguyễn Văn Nhẫn, sinh năm 1622. Cha là Lê Pháp Như, mẹ là Nguyễn Thị Hà, cả hai đều mất sớm. Ngoài ra, ngài có một người anh là Nguyễn Văn Lăng [Nguyễn Hữu Hiếu 2003: 43-44]. Chưa rõ lý do gì, hai anh em đổi từ họ Lê sang họ Nguyễn, có lẽ do bối cảnh chánh trị đương thời.

Từ ba nguồn tài liệu nói trên, chúng ta có thể phác thảo một cách sơ bộ về hành trạng của hòa thượng Tánh Nhẫn - Thiện Châu. Trước hết về thế danh, có hai trong ba tài liệu xác nhận cha của ngài là Lê Pháp Như, vậy có khả năng họ tên thật của ngài là Lê Kiên Nhẫn, về sau mới đổi thành Nguyễn Văn Nhẫn. Về niên đại, tổ viên tịch vào năm 1714, thọ 92 tuổi, như vậy năm sinh là 1622.

Về nguyên quán, một tài liệu cho rằng hòa thượng là người địa phương, một tài liệu cho rằng ngài là người miền Trung vào Nam, một tài liệu không đề cập rõ ràng. Dĩ nhiên, trong bối cảnh thời khai hoang, hầu hết người Việt ở Nam Bộ có nguồn gốc từ miền Trung. Song, chưa thể xác định rằng sau khi cha mẹ qua đời thì hai anh em vào Nam, hay cụ ông và cụ bà vào Nam mới sinh ra hai người con.

Đến đây có thể tạm kết luận về lai lịch của hòa thượng Tánh Nhẫn - Thiện Châu (1622 - 1714). Tổ thế danh là Nguyễn Văn Nhẫn, có thể họ tên ban đầu là Lê Kiên Nhẫn, gốc miền Trung nhưng chưa rõ thời điểm vào Nam. Cha là Lê Pháp Như, mẹ là Nguyễn Thị Hà, cả hai qua đời sớm. Ngài có một người anh là Nguyễn Văn Lăng, về sau hai anh em đổi từ họ Lê sang họ Nguyễn. Lúc trưởng thành, người em trai xuất gia, pháp danh Tánh Nhẫn, pháp hiệu Thiện Châu.

 


 

Trước khi sáng lập chùa Bửu Lâm, tổ Thiện Châu có thời gian tu hành ở một am nhỏ, trong phần đất bên cạnh nhà anh trai Nguyễn Văn Lăng. Sau đó, ngài quyết định vân du hành đạo. Theo giai thoại dân gian, hòa thượng đi trên chiếc bè tre, phát nguyện nếu bè tấp vào đâu mà xô ra ba lần vẫn tấp vào chỗ cũ thì lên bờ cất am tu hành. Đến vàm rạch Cái Bèo, bè tiếp tục trôi vào con rạch nhỏ ngoằn ngoèo, rồi tấp vào một bãi bồi. Hòa thượng xô ra ba lần, bè vẫn tấp vào chỗ cũ. Theo lời nguyện, ngài lên bờ cất am tu hành.

Trong thời gian ở đây, hòa thượng tìm kiếm thảo dược để trị bệnh cho dân chúng xung quanh, được nhiều người cảm mến đức độ và quy y. Ngoài ra, dân gian còn truyền tụng nhiều giai thoại ly kỳ về những năng lực siêu phàm của ngài như đứng trên nón lá để qua sông, đi trên bè không cần chèo chống, thu phục thú dữ ở rừng… Dần dà, ngài quy tụ cư dân đến khai hoang mở đất để canh tác và cư ngụ càng đông đảo.

Nhờ dân đông, am tranh ngày nào được xây dựng lại khang trang, có tên là chùa Bửu Lâm3. Trong bối cảnh thời khẩn hoang còn khó khăn, chùa không có tượng Phật để thờ cúng. Tổ và các đệ tử vào rừng cắt dây mây để thắt thành cốt tượng, trộn đất sét với cỏ tranh khô để trát bên ngoài, cuối cùng lấy cây cánh kiến làm nước sơn để tô điểm cho các pho tượng.

Năm 1714, tổ triệu tập đệ tử xuất gia và tại gia vào ngày 14 tháng 2 âm lịch để thuyết pháp lần sau cùng. Đến ngày rằm, ngài thông báo để lại ngón tay út và cái tà phà (miếng thắt y) sau khi hỏa thiêu, rồi viên tịch vào giờ Ngọ. Đệ tử hỏa thiêu nhục thân thầy, quả thật tìm thấy hai di vật đó, bèn đặt vào bảo tháp thờ chung với di cốt. Trên bảo tháp có bia đề: “Linh vị bảo tháp: TếThượng Chánh Tông tam thập tam thế, húy Tánh Nhẫn, thượng Thiện hạ Châu đường thượng tổ sư giác linh4. Linh vị trong nhà tổ đề: “Tế Thượng Chánh Tông tam thập tam thế, húy Tánh Nhẫn,thượng Thiện hạ Châu đường thượng tổ sư giác linh chi vị”.

Về môn đồ, hòa thượng Thiện Châu có nhiều đệ tử tại gia, nhưng chúng ta không thể biết chính xác hòa thượng có tất cả bao nhiêu đệ tử xuất gia. Những tài liệu và di vật mà chùa Bửu Lâm còn lưu giữ chỉ ghi nhận thông tin một nhà sư có pháp danh Hải Nguyện, pháp hiệu Thiện Ý.

Những nghi vấn cần làm sáng tỏ

Trước nay, về tiểu sử của hòa thượng Tánh Nhẫn - Thiện Châu, một vấn đề khiến các nhà nghiên cứu băn khoăn là tổ thuộc dòng truyền thừa nào?

Theo bia tháp và linh vị, hòa thượng Tánh Nhẫn - Thiện Châu có pháp danh bắt đầu bằng chữ Tánh và thuộc đời thứ 33 của tông Lâm Tế, đệ tử của ngài là hòa thượng Hải Nguyện - Thiện Ý có pháp danh bắt đầu bằng chữ Hải và thuộc đời thứ 34. Trong các bài kệ truyền thừa của tông Lâm Tế được sử dụng ở Việt Nam, những trường hợp có chữ Tánh và chữ Hải liền kề nhau bao gồm:

- Bài kệ của tổ Trí Bản5 - Đột Không (đời thứ 25): “Trí huệthanh tịnh / Đạo đức viên minh / Chân như tánh hải / Tịch chiếu phổ thông6. Trong bài kệ, hai chữ Tánh và Hải thuộc đời thứ 35 và 36. Bài kệ nầy được du nhập từ Trung Hoa vào Đại Việt, phổ biến ở cả Đàng Trong lẫn Đàng Ngoài, nhưng về sau mai một dần ở Đàng Trong, chủ yếu được truyền thừa ở Đàng Ngoài đến nay.

- Bài kệ của tổ Minh Hành - Tại Tại (đời thứ 32): “Minh chânnhư tánh hải / Kim tường phổ chiếu thông / Chí đạo thành chánh quả / Giác ngộ chứng chân không”. Trong bài kệ, hai chữ Tánh và Hải thuộc đời thứ 35 và 36. Tuy nhiên, bài kệ nầy ra đời ở Đàng Ngoài, truyền thừa trong phạm vi đó và chỉ qua vài thế hệ [Ngô Quốc Trưởng 2009: 89].

- Bài kệ của tổ Thiệt Diệu - Liễu Quán (đời thứ 35): “Thiệt tếđại đạo / Tánh hải thanh trừng / […] / Hạnh giải tương ưng / Đạt ngộ chơn không”. Trong bài kệ, hai chữ Tánh và Hải thuộc đời thứ 39 và 40. Song, tổ Thiện Châu ra đời trước tổ Liễu Quán gần nửa thế kỷ, không thể cách nhiều thế hệ đến vậy.

Có thể thấy, đối chiếu chữ đầu của pháp danh với số thế hệ, tổ Thiện Châu và đệ tử không trùng khớp với các bài kệ truyền thừa của tông Lâm Tế ở Việt Nam, bởi không có bài kệ nào mà hai chữ Tánh và Hải liền kề nhau thuộc đời thứ 33 và 34.

Nguyễn Hữu Hiếu [2003: 52] lý giải rằng hòa thượng Tánh Nhẫn - Thiện Châu thuộc dòng truyền thừa của thiền sư Minh Châu - Hương Hải, “một trong những người có công khôi phục ảnh hưởng của phái Trúc Lâm phục hưng ở Đàng Trong”. Ngài Hương Hải tu học với hai thiền sư Viên Cảnh - Lục Hồ và Viên Khoan - Đại Thâm thuộc thiền phái Trúc Lâm, thiền phái này truyền thừa theo bài kệ của tổ Trí Bản. Năm 1682, do chúa Nguyễn nghi ngờ thiền sư Hương Hải có âm mưu chống đối, ngài và một số đệ tử ra Đàng Ngoài. Bởi thế, những tu sĩ còn lại của thiền phái Trúc Lâm ở Đàng Trong, trong đó có hòa thượng Thiện Châu, phải ẩn lánh và cầu pháp với tông Lâm Tế. Tuy nhiên, lý giải này chưa chính xác.

 


 

Thứ nhứt, sở dĩ có lý giải như thế vì Nguyễn Hữu Hiếu dựa trên Lịch sử Phật giáo Đàng Trong của Nguyễn Hiền Đức [1995: 45]:  “Mãi đến thời Trịnh - Nguyễn phân tranh (1600 - 1788), chúng ta mới thấy phái thiền Trúc Lâm xuất hiện với các thiền sư Viên Cảnh - Lục Hồ, Viên Khoan - Đại Thâm và có cả Viên Văn - Chuyết Chuyết cùng Minh Hành - Tại Tại vào tiền bán thế kỷ 17”. Song, dựa vào đâu để khẳng định hai thiền sư Viên Cảnh - Lục Hồ và Viên Khoan - Đại Thâm thuộc thiền phái Trúc Lâm thì Nguyễn Hiền Đức không cho biết.

Thật ra, ba thiền sư Viên Cảnh - Lục Hồ, Viên Khoan - Đại Thâm, Viên Văn - Chuyết Chuyết đều từ Trung Hoa sang Đại Việt, thuộc đời thứ 31 của tông Lâm Tế, truyền thừa theo bài kệ của tổ Trí Bản. Khoảng năm 1630, thiền sư Viên Văn - Chuyết Chuyết từ Trung Hoa sang Cao Miên, Chiêm Thành, Đại Việt. Ở Đàng Trong một thời gian, ngài ra Đàng Ngoài và đến Thăng Long năm 1633 [Nguyễn Lang 2010: 535]. Hai thiền sư Viên Cảnh - Lục Hồ và Viên Khoan - Đại Thâm đến Đàng Trong khoảng những năm 1648-1650 và hoằng hóa ở Quảng Trị [Lê Bình Phương Luân 2020: 58] Hệ thống truyền thừa của thiền sư Viên Văn ở Đàng Ngoài gồm Minh Hành, Chân Nguyên, Như Hiện, Tánh Tĩnh… Hệ thống truyền thừa hai thiền sư Viên Cảnh - Lục Hồ và ViênKhoan - Đại Thâm ở Đàng Trong gồm Minh Châu, Chân Lý, Như Tông, Tánh Thức… [Ngô Quốc Trưởng 2010: 41]

Thứ hai, ý kiến cho rằng thiền phái Trúc Lâm truyền thừa theo bài kệ của tổ Trí Bản là chưa chính xác. Từ khi ra đời, thiền phái nầy không sử dụng bài kệ truyền thừa. Đại Nam thiền uyển truyềnđăng tập lục do hòa thượng Phúc Điền thực hiện năm 1859 đã liệt kê danh sách 23 tổ sư của truyền thống Yên Tử từ thời khai sơn đến thế kỷ XVIII [Nguyễn Lang 2010: 373-374], trong đó không hề có dấu hiệu của bài kệ truyền thừa nào. Bài kệ truyền thừa trong Phật giáo Đại thừa xuất hiện từ Trung Quốc, sau đó ảnh hưởng sang Đại Việt. Bài kệ của tổ Trí Bản - Đột Không có thể là bài kệ đầu tiên của tông Lâm Tế vào Đại Việt, trước cả bài kệ “Tổ đạo giới định tông…” của tổ Vạn Phong - Thời Ủy (đời thứ 21) và bài kệ “Đạo bổn nguyên thành Phật tổ tiên…” của tổ Đạo Mân - Mộc Trần (đời thứ 33) mà thiền sư Nguyên Thiều - Thọ Tông truyền bá.

Dưới thời Trịnh - Nguyễn, quả thật thiền phái Trúc Lâm được quan tâm nghiên cứu ở Đàng Ngoài. Tuy nhiên cần xác định, đây chỉ là sự phục hưng về tư tưởng và tác phẩm, trên thực tế không phục hưng hệ thống truyền thừa. Những thiền sư được xem là có công lao trong sự phục hưng thiền phái Trúc Lâm thật sự là những thiền sư thuộc tông Lâm Tế, truyền thừa theo bài kệ của tổ Trí Bản, họ chưa bao giờ thật sự là thiền sư thuộc thiền phái Trúc Lâm. Tiêu biểu là thiền sư Chân Nguyên - Tuệ Đăng, có vai trò quan trọng trong sự phục hưng những tinh hoa của thiền phái Trúc Lâm, nhưng Đại Nam thiền uyển truyền đăng tập lục xác định ngài là một trong ba vị tổ của tông Lâm Tế ở Đàng Ngoài [Nguyễn Lang 2010: 558]. Nói cách khác, những thiền sư truyền thừa theo bài kệ của tổ Trí Bản đã góp phần khôi phục những giá trị của thiền phái Trúc Lâm, chứ không phải những thiền sư thuộc thiền phái Trúc Lâm đã truyền thừa theo bài kệ của tổ Trí Bản.

Thứ ba, thiền sư Minh Châu - Hương Hải không phải là người phục hưng thiền phái Trúc Lâm ở Đàng Trong, trên thực tế thiền phái Trúc Lâm chưa bao giờ được phục hưng ở Đàng Trong. Cuộc đời ngài Hương Hải có hai giai đoạn, đó là ở Đàng Trong (1628 - 1682) và ở Đàng Ngoài (1682 - 1715). Giai đoạn ở Đàng Trong, không có bằng chứng nào cho thấy ngài phục hưng thiền phái Trúc Lâm. Giai đoạn ở Đàng Ngoài, dù tư tưởng của ngài có sự tương đồng với tư tưởng của thiền phái Trúc Lâm, nhưng chúng tôi cho rằng để nhận định một thiền sư phục hưng một thiền phái cần dựa trên những hoạt động cụ thể, không chỉ là sự tương đồng về tư tưởng, điều nầy chúng ta không tìm thấy ở ngài. Nguyễn Lang trong Việt Nam Phật giáo sử luận đã dành hẳn một chương về thiền sư Hương Hải, nhưng trong đó không một lần nhắc đến thiền phái Trúc Lâm.

Đến đây có thể kết luận, hòa thượng Tánh Nhẫn - Thiện Châu thuộc tông Lâm Tế, theo bài kệ truyền thừa của tổ Trí Bản - Đột Không. Ở Đàng Trong, do hai bài kệ của tổ Vạn Phong - Thời Ủy và tổ Đạo Mân - Mộc Trần dù du nhập sau nhưng phát triển mạnh, khiến bài kệ nầy mai một dần. Tuy nhiên, đến nay bài kệ ấy vẫn được truyền thừa ở một số chùa thuộc các tỉnh Nam Trung Bộ (Bình Định, Bình Thuận…) và Tây Nam Bộ (Tiền Giang, Bến Tre…).

Vậy, tại sao hòa thượng Tánh Nhẫn - Thiện Châu thuộc đời thứ 33, đáng lẽ ra ngài thuộc đời thứ 35 theo bài kệ nói trên? Thật ra, đây chỉ là sự nhầm lẫn do lưu truyền thời gian dài. Tình trạng sai phổ hệ ở dòng truyền thừa theo bài kệ của tổ Trí Bản không phải hiếm. Chẳng hạn, khai sáng An Nam tông tại Thái Lan là hòa thượng Nguyên Bảo - Chánh Tạng, được cho là đời thứ 38 [Nguyên Chơn & Đạo Bình 2015: 91], nhưng đúng là đời thứ 42. Trụ trì đầu tiên của chùa Viên Giác ở tỉnh Bến Tre là hòa thượng Tâm Quang - Thiện Niệm, được cho là đời thứ 40 [Nguyễn Hữu Lộc 2018: 576], nhưng đúng là đời thứ 41.

Có thể thấy, bài kệ nầy có mặt ở Việt Nam từ rất lâu, nhưng lại ít phổ biến hơn các bài kệ khác, truyền thừa tản mác ở một vài chùa với số lượng tu sĩ ít ỏi. Do đó, dòng truyền thừa nầy chưa hình thành một cộng đồng đủ lớn mạnh, dẫn đến sự liên kết theo chiều dọc (giữa các đời) và theo chiều ngang (giữa các chùa) chưa chặt chẽ. Chúng tôi cho rằng, đó là nguyên nhân dẫn đến thông tin về các tổ sư bị sai lệch qua thời gian.

Kết luận

Chùa Bửu Lâm là một trong những ngôi chùa đầu tiên ở Đồng Tháp Mười nói riêng và đồng bằng sông Cửu Long nói chung. Qua hơn ba thế kỷ tồn tại, chùa đã có nhiều đóng góp to lớn cho đạo pháp và dân tộc, góp phần gìn giữ và truyền lưu những giá trị văn hóa của cư dân vùng đất mới phương Nam. Tuy nhiên cần xác định, hòa thượng Tánh Nhẫn - Thiện Châu thuộc đời thứ 35 của tông Lâm Tế, theo bài kệ truyền thừa của tổ Trí Bản - Đột Không, chứ không thuộc thiền phái Trúc Lâm. Vì thế, chùa Bửu Lâm không phải là dấu vết sau cùng của thiền phái Trúc Lâm ở Nam Bộ như các nghiên cứu trước đây từng kết luận.

 


1. Theo Nguyễn Hữu Hiếu [2003: 70], Hòa thượng Phổ Lý từng tham gia đoàn vận động do Hòa thượng Thiện Chiếu dẫn đầu ra miền Trung và miền Bắc năm 1929. Song, theo các tài liệu Phật giáo, chuyến đi nầy diễn ra năm 1927 và không nhắc đến Hòa thượng Phổ Lý. Do đó, thông tin trên cần kiểm chứng.

2. Trước nay, đa số nhà nghiên cứu cho rằng đặc san này ra đời năm 1947 - thời điểm thành lập Hội Phật giáo cứu quốc Nam Bộ. Tuy nhiên, trang bìa Tinh tấn số ra ngày 25/7/1949 có ghi là “năm thứ nhứt”.

3. Do vậy, chưa thể khẳng định năm 1702 là thời điểm tổ Thiện Châu cất am tranh hay thời điểm ngôi chùa được xây dựng với tên gọi Bửu Lâm.

4. Theo Nguyễn Hữu Hiếu [2003: 41], nội dung bia trên tháp là: “Tế thượng chánh tông, tam thập tam thế, húy Tánh Nhẫn, thượng Thiện hạ Châu đường thượng giác linh tổ sư nghê tòa.” Song, theo khảo sát năm 2023, bia trên tháp có nội dung như trên.

5. Nhiều tài liệu viết Trí Bảng là chưa chính xác. Pháp danh của tổ trong chữ Hán là 智板, phiên âm là Trí Bản.

6. Về sau, bài kệ nầy được bổ sung 32 chữ, tổng cộng 48 chữ.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 17
    • Số lượt truy cập : 6920056