Thông tin

MỘT SỰ NHẦM LẪN VỀ HÒA THƯỢNG THÍCH TÂM GIÁC

MỘT SỰ NHẦM LẪN VỀ HÒA THƯỢNG THÍCH TÂM GIÁC

 

NGUYỄN HỮU MINH

 

 

 

Tạp chí Xưa và Nay số 315 ra tháng 9 năm 2008, đăng bài của Yên Giang “Về Quảng Nguyên thăm đền thờ thánh tổ ca trù” giới thiệu họ Nguyễn Ngọc quê ở làng Quảng Nguyên (tên Nôm là Kẻ Bưởi), xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội). Ở trang 29, Chuyện ông Kép Khai, tác giả viết: Ông (kép Khai) là con trai thứ ba cụ Trùm cả (tên thật là Nguyễn Ngọc Phụng, đời thứ 9). Ông cùng với hai bà em gái là đào Hảo lớn, đào Hảo nhỏ ra hát ở Hà Nội từ những năm hai mươi của thế kỷ trước. Sau đó có Đào Hiếu, người Hưng Yên - vợ nhà tư sản Vĩnh Long, bạn của đào Hảo - bỏ tiền ra mở tiệm hát lớn ở Khâm Thiên (nơi ấy là rạp Dân Chủ bây giờ) mời mấy anh em nhà ông về giữ tiệm. Dần dà, các đào kép dòng họ Nguyễn Ngọc – Quảng Nguyên tụ họp về đây hàng chục người, tiếng tăm vang khắp Hà Thành. Ở trang 28 tác giả cho biết bà Đào Phẩm con cả của cụ Trùm mất năm 1958 thọ 76 tuổi, tức là bà sinh năm 1882; ông kép Khai (tức Tâm Giác) là con thứ hai ít nhất cũng sinh vào những năm 1884 - 1888, tức là khi kép Khai cùng hai em gái ra Hà Nội hát vào những năm 1920, ông ở quãng trên dưới 30 tuổi.

Nhưng sách Tiểu sử danh tăng Việt Nam thế kỷ XX do Thượng tọa Tiến sĩ Thích Đồng Bổn chủ biên, Thành hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh xuất bản năm 1995, tập 1, trang 469 viết:

“Hòa thượng Thích Tâm Giác, thế danh là Trần Văn Mỹ, sinh năm 1917 tại tỉnh Nam Định, thân phụ là cụ ông Trần Văn Quý, thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Suôi. Ngài là con trai thứ hai trong gia đình gồm hai trai một gái.

Năm 2002, khi chuẩn bị sinh hoạt lịch sử về Nhà văn hóa Thiều Chửu – Nguyễn Hữu Kha, tôi được đại tá CCB Trần Việt Quang (nguyên là sư Thích Quảng Quang) cho biết: “Cuối  năm 1946, khi tôi đang cùng một số đệ tử của Thiều Chửu trông nom gần 70 trẻ mồ côi ở Đan Thầm, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông thì gặp ngài Trí Hải cùng các đệ tử là sư Quảng Thạc và sư Tâm Giác đến nhận chừng trên dưới 30 em trên 10 tuổi tản cư kháng chiến về chùa Đông Kiệt, Hưng Yên để chia sẻ khó khăn với Thiều Chửu. Cuối năm 1948, tôi cùng hai đệ tử của Đại lão Hòa thượng Thích Trí Hải ở chùa Mai Xá, Hà Nam là sư Thích Tâm Giác và sư Trần Thánh Tuấn, Ni sư Thích Đàm Ánh (chùa Phụng Thánh, Hà Nội), sư Thích Mật Trọng (chùa Phú Ninh, Gia Lam, Hà Nội) và trên dưới 40 tăng ni của 4 tỉnh theo học lớp Phật học Trần Nhân Tông do thầy Thiều Chửu mở tại Cao Phong Phật học tràng, Phúc Yên (nay là sân bay Nội Bài). Sư Tâm Giác với tôi cùng quê Nam Định, tôi ở Hải Hậu còn ngài ở Nam Trực. Ngài là một trong mấy người học giỏi nhất lớp. Khoảng tháng 3 hay tháng 4 năm 1949 lớp học bế giảng, chúng tôi chia tay nhau”.

Như vậy từ quê quán, song thân, năm sinh và họ tên của Hòa thượng Tâm Giác khác hẳn với sư Tâm Giác của Yên Giang. Ngay truyền thống gia đình của hai người cũng khác nhau. Một người sinh trưởng trong một gia đình Nho phong. Thân phụ Ngài tinh thông Hán học. Cả hai ông bà lại rất thâm tín Phật pháp. Do đó, Ngài được hấp thụ ngay từ thuở ấu thơ hai nền văn hóa cổ truyền của dân tộc là Khổng giáo và Phật giáo. Còn Tâm Giác của Yên Giang là con trai thứ ba của cụ Trùm cả - một dòng họ nổi tiếng về ca trù.

Về hành trạng, Yên Giang cho biết: “Đến năm 1932, chỉ vì một bất hòa nhỏ trong nhà ông bỏ vào Sài Gòn rồi cắt tóc đi tu với pháp danh Thích Tâm Giác. Năm 1973, Hòa thượng Thích Tâm Giác viên tịch tại chùa Vĩnh Nghiêm. Chính Hoà thượng là người có công đầu trong việc xây dựng chùa Vĩnh Nghiêm từ bãi sình lầy thành ngôi đại tự nổi tiếng nhất ở Sài Gòn hồi đó.

Giới Tăng già và Phật tử Sài Gòn hẳn mới chỉ biết ông là người chân tu, xả thân vì đạo pháp tăng chúng, có hay ông còn là một danh cầm tài hoa? Phải chăng phẩm chất nghệ sĩ chân chính vốn có cơ duyên với hạnh chí thiện mỹ của Thiền gia”.

 

 

Sách Tiểu sử danh tăng Việt Nam thế kỷ XX viết: Được biết thuở nhỏ, Ngài cứ yếu đau, quặt quẹo luôn, rất khó nuôi. Theo tập quán địa phương, Ngài được hai cụ thân sinh đem “bán khoán” cho vị tăng trú trì tại ngôi chùa trong thôn và ở luôn trong chùa. Đến khi lên 7 tuổi, vì đã quen sống cuộc đời chay tịnh, nên Ngài xin với song thân cho xuất gia đầu Phật.

Được sự chấp thuận của hai cụ, bước đầu ngài thụ nghiệp với Hòa thượng Thích Trí Hải tại chùa Mai Xá thuộc Phủ Lý, tỉnh Hà Nam”.

Sách Đại lão Hòa thượng Thích Trí Hải (1906-1979)[1] cho biết  cuối năm 1949 Hòa thượng Trí Hải cùng sư Tâm Giác từ Mai Xá lên chùa Quán Sứ, Hà Nội. Sư Tâm Giác tham gia Ban Hướng dẫn Gia đình Phật hóa phổ Bắc Việt lâm thời và các Phật sự khác. Sau ngày Giáo hội Tăng già Việt Nam thành lập (14/9/1952), năm 1953, ngài cùng 3 người là các sư ông: Chân Từ (Thanh Kiểm) ở Bắc; Thiện Âm ở Trung; Quảng Minh ở Nam được Giáo hội cử sang Nhật Bản du học Phật pháp

Sau khi lấy bằng Tiến sĩ ở Nhật Bản về, Ngài tích cực tham gia các Phật sự ở Sài Gòn: “... Ở cương vị đại diện miền Vĩnh Nghiêm, Ngài đã chủ xướng và vận động thập phương tín hữu phát tâm cúng dường, xây dựng ngôi chùa Vĩnh Nghiêm, là ngôi chùa lớn và đẹp nhất Sài Gòn mà ngày nay du khách trong và ngoài nước thưòng đến tham quan lễ bái công trình văn hóa tín ngưỡng này. Và cũng để cho những Phật tử quê hương ở miền Bắc có điều kiện sinh hoạt tín ngưỡng theo truyền thống văn hóa nghi lễ đặc thù, ngôi chùa này đã trở thành Tổ đình của Tăng ni Phật tử đất Bắc ở tại Nam Bộ.

Trong lúc các Phật sự được tiến triển một cách tốt đẹp, thì một cơn bệnh “vô thường” chợt đến, mặc dầu các bác sĩ trong và ngoài nước đem hết tài năng và phương tiện hiện đại ra tận tình chữa trị, nhưng chiếc xe hữu tình vẫn cứ lăn nhanh về nơi tịnh cảnh. Ngài viên tịch vào ngày 20 tháng 10 năm Quý Sửu, tức ngày 15/11/1973. Nhục thân của Ngài đã được an táng tại nghĩa trang Vĩnh Nghiêm, huyện Hóc Môn”[2].


Đối chiếu họ tên, quê quán, hành trạng của hai người, có thể thấy tác giả Yên Giang đã có sự  nhầm lẫn đáng tiếc về Hòa thượng Thích Tâm Giác.

[1] Đại lão Hòa thượng Thích Trí Hải (1906-1979), nhà xuất bản Tôn giáo, 2008.

[2] Tiểu sử danh tăng Việt Nam thế kỷ XX, Thượng tọa Tiến sĩ Thích Đồng Bổn chủ biên, Thành hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh xuất bản năm 1995, tập 1.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 10)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 9)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 41
    • Số lượt truy cập : 6799388