Thông tin

MỘT THOÁNG NGHĨ VỀ NHÂN QUẢ, LUÂN HỒI

MỘT THOÁNG NGHĨ VỀ NHÂN QUẢ, LUÂN HỒI

 

VU GIA

 

 

Một câu nói cửa miệng thường nghe ở người Việt Nam: “Buông đao đồ tể, lập tức thành Phật” (Phóng hạ đồ đao, lập địa thành Phật), nhưng họ quên rằng đó là cái đao đồ tể ở trong tâm, chứ không phải con đao đồ tể ai cũng thấy, ai cũng biết.

Từ xưa đã nghe đồn Diêm vương muốn ai đó chết vào lúc canh ba, thì không người nào có thể sống tới khi trời sáng. Và tôi đã từng cho rằng trong suy nghĩ của phàm nhân, bởi vì sự sợ hãi đối với cái chết cho nên mới có địa ngục hoàng tuyền, mới có Diêm vương, âm phủ… Nhưng càng lớn, nhất là khi bước qua đẳng tuổi “ngũ thập tri thiên mệnh” thì lại càng có suy nghĩ khác. Thiền sư Thích Nhất Hạnh gọi ngày sinh nhật của ông là “ngày tiếp nối”. Với ông, con người không có chết, chỉ chuyển từ trạng thái động sang trạng thái tĩnh. Nếu ai đó, khi còn ở trạng thái động gieo nhiều nhân lành, thì khi ở trạng thái tĩnh sẽ gặt được nhiều quả thiện. Theo quan điểm nhà Phật, tu hạnh bố thí là gốc rễ của tất cả các thiện pháp. Có 2 loại bố thí: bố thí tài vật (tiền bạc, thức ăn, vật dụng) và bố thí pháp (chia sẻ sở học mà mình có được để giúp cho nhiều người cùng tu học). Trong 2 loại này, bố thí pháp là cao quý và có nhiều lợi lạc hơn, như Kinh Pháp cú (số 354) khẳng định: “Bố thí Pháp là cao thượng hơn tất cả các pháp bố thí khác”. Suy nghĩ như thế, thì soi vào những danh nhân, như Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du,… thật dễ lý giải.

Mới rồi, khi đọc một bài dịch từ báo nước ngoài đăng trên Tạp chí Kiến thức ngày nay (1-2-2019) với nhan đề: “Trải nghiệm do những người chết hồi sinh kể lại”, tôi lại tiếp tục nghĩ suy về nhân quả, luân hồi. Bài dịch có đoạn mở đầu: “Hiện nay, vấn đề luân hồi tái sinh đang là một đề tài nóng bỏng ở xã hội phương Tây nói chung và Mỹ nói riêng. Chương trình “60 minutes” cách đây vài năm có đề cập đến vấn đề luân hồi tái sinh và báo cáo hiện có đến 78% dân Mỹ (vào khoảng 195.000.000 người) tin có kiếp trước, kiếp sau.

Raymon Moody, giáo sư triết học, bác sĩ y khoa, là một nhà nghiên cứu người Mỹ tiền phong về vấn đề luân hồi tái sinh, nói rằng, sự hiểu biết về hiện tượng “có đời sống khác sau đời sống này” (life after life) đã được giấu nhẹm rất kỹ cho đến bây giờ.

Nếu ai muốn tìm hiểu xem người Mỹ nghĩ thế nào về luân hồi, chỉ việc vào thăm Google, gõ chữ “book on reincarnation” (sách về tái sinh) thì sẽ thấy một con số khổng lồ, hơn 2.000.000 tài liệu gồm sách và các bài luận giải về nhân quả và luân hồi…” (trang 73).

Gần đây, nhiều vụ án nổi cộm hiện lên mặt báo, dư luận lại xầm xì. Nhiều người cười nhạo, cho rằng những người ấy cầu cúng ít quá, hoặc cầu cúng mà không được chứng, hoặc bỏ tiền làm từ thiện nhằm đánh bóng tên tuổi mình để cuối cùng phải hầu tòa, phải ngồi tù, v.v… Nói chung, họ hối lộ thần thánh không thành, hoặc vì lòng tham làm mờ mắt, nghe lời mấy ông thầy, bà thầy tào lao để tiền mất tật mang khắc lại tiếng đời không tốt cho con cháu. Có người thì chẳng trách móc ai, cho đó là nhân quả và quả báo nhãn tiền, chứ chẳng phải đợi lâu; mình làm mình chịu vậy mà hay, đỡ cho đời sau con cháu phải gặt hái quả đắng do cha ông đã cố tình gieo hạt.

Nay, tuổi tôi đã cập kề thất thập, mà nói như Khổng Tử: “Thất thập nhi tùng tâm sở dục bất du củ”, nghĩa là tới 70 tuổi, con người sẽ đạt đến tình trạng rất hoàn hảo về cách xử sự và xử thế. Nhờ đó mà mỗi khi người ta định nói điều gì hay làm việc gì thì tự nhiên thể hiện đúng với chủ tâm của lòng mình, muốn sao được vậy, và không bao giờ vượt ra khỏi khuôn khổ của đạo lý hay lẽ thường. Ý này, tôi cũng suy nghĩ, bởi dễ gì đạt được. Nhưng một thoáng suy tư về nhân quả, luân hồi và những gì báo chí đã phản ánh thời gian vừa qua, tôi nghĩ rằng trời đất đổi thay đều có quy luật cả. Đây là một loại trật tự, bốn mùa luân chuyển, nắng, mưa, gió, sương… xuất hiện cũng là một loại trật tự - trật tự tự nhiên, không cần ai quan tâm. Nhưng sinh linh không giống như thế. Thế giới của sinh linh, vô luận là thần, tiên, yêu, ma, người hay thú… nếu có linh thức thì đã có quy tắc mạnh được yếu thua. Khi linh trí phát triển ngày càng cao thì càng biết lập ra những ước chế để cuộc sống vui hơn. Nhưng khi linh trí phát triển thì tham niệm cũng phát triển, ảnh hưởng đến trời đất ngày càng nhiều, nếu như không tiến hành khống chế thì dù trời đất có nhiều rừng vàng biển bạc cũng bị vắt kiệt và trời đất nổi giận, con người phải nhận lãnh sự giận dữ ấy.

Không thiếu người phá hoại môi trường, lừa trên gạt dưới, thu lợi về mình rồi nhả ra một ít, thậm chí hơn một nửa để làm chút việc gọi là công đức. Với tôi, đó không phải công đức. Công đức không dễ dàng như vậy. Thế nhân, nhất là những người theo đạo Phật nhưng hiểu giáo lý Phật đà chưa tời nơi tới chốn, hoặc được truyền thừa từ văn hóa dân tộc, đều cho rằng làm bao nhiêu việc tốt, cứu bao nhiêu người liền tin rằng có thể đạt được bấy nhiêu công đức. Kỳ thật, đây là sự hiểu lầm. Cái gì thiện, cái gì ác đều do con người định. Loại thiện ác này không thể gọi là công đức được. Loại công đức này chẳng khác nào việc đòi hỏi trình độ ngoại ngữ dành cho học viên cao học, nghiên cứu sinh hiện nay. Hơn mười năm trước, đòi hỏi đầu vào cao học, nghiên cứu sinh có trình độ ngoại ngữ nhất định qua kiểm tra của hệ thống kiểm định quốc tế, như IELTS, TOEFL iBT, chứ không thừa nhận chứng chỉ A, B, C của các trung tâm ngoại ngữ cấp, nhưng có sự phản ứng từ người học, nên Bộ GD-ĐT chuyển qua tiêu chuẩn châu Âu mà Việt Nam dạy, Việt Nam ra đề thi, Việt Nam chấm điểm, Việt Nam cấp chứng chỉ. Qua một thời gian, thấy chứng chỉ B 2 châu Âu này chẳng khác gì với các chứng chỉ A, B, C trước đó, nên lần nữa Bộ GD-ĐT quyết định mạnh dạn hơn là phải qua hệ thống kiểm định của IELTS, hoặc TOEFL iBT. Nhưng, trên có chính sách thì dưới có đối sách. Theo quy định, người học nào có văn bằng Cử nhân Anh văn thì không cần IELTS, TOEFL iBT, nên một số khoa ngoại ngữ của một số trường đại học vào cuộc đào tạo văn bằng 2 Cử nhân Anh văn. Đào tạo văn bằng 2 chỉ cần 2 năm, và học theo tín chỉ, nên chỉ cần mấy tháng là ai ai cũng vui vẻ có trong tay văn bằng Cử nhân Anh văn.

Học như thế mà muốn sánh vai với các cường quốc năm châu mới là chuyện lạ. Hại người, hại cộng đồng, hại thiên nhiên như thế mà mong có công đức cũng là chuyện lạ. Với tôi, làm việc công đức không nên giống việc kiểm tra trình độ ngoại ngữ nêu trên, mà phải làm những việc có ý nghĩa với sự tuần hoàn của thiên địa, không tùy ý phá hư sự tuần hoàn ấy, đơn giản hơn là không mưu lợi cho mình mà hại người, hại cộng đồng, dối trên lừa dưới…

Trong kinh Pháp bảo đàn của Lục Tổ Huệ Năng cũng có ghi như sau:

“Vi công hỏi Ngài Lục Tổ Huệ Năng: Đệ tử nghe chuyện Đạt Ma thuở xưa giáo hóa cho Lương Võ Đế. Vua hỏi: “Một đời trẫm cất chùa, cúng dường tăng, bố thí, ăn chay, có công đức gì không?”. Đạt Ma đáp: “Thật không công đức gì”. “Đệ tử chưa hiểu lẽ ấy, xin hòa thượng giảng giải cho”.

Sư đáp: “Thật không có công đức. Đừng nghi ngờ lời của bậc Thánh đời trước. Võ Đế lòng mê, chẳng rõ pháp chánh. Cất chùa, cúng dường tăng, bố thí, ăn chay, gọi là cầu phước. Không thể lấy phước ấy mà xem là công đức. Công đức ở nơi Pháp thân, chẳng phải ở sự tu phước”.

Sư lại nói: “Thấy tánh là công, bình đẳng là đức. Mỗi niệm tưởng không ngăn ngại, thường thấy bản tánh, chân thật diệu dụng, gọi là công đức. Trong lòng khiêm nhượng là công, việc làm theo lễ là đức. Tự tánh sanh ra muôn pháp là công, tâm lìa vọng niệm là đức. Chẳng rời tự tánh là công, ứng dụng mà không đắm nhiễm là đức. Muốn tìm Pháp thân công đức, cứ nương theo đó mà làm, ấy là công đức chân thật. Nếu người tu công đức thì lòng chẳng khinh mạn, thường cung kính hết thảy. Lòng hay khinh người, tánh tự tôn chẳng dứt là tự mình không có công, tánh hư vọng chẳng thật là tự mình không có đức. Vì tánh tự đại tự tôn, nên thường khinh hết thảy.

“Các vị thiện tri thức! Chánh niệm không gián đoạn là công; trong tâm công bình, chánh trực là đức. Tự tu tánh mình là công, tự tu thân là đức.

Các vị thiện tri thức! Công đức nên nhìn từ trong tự tánh, không phải do bố thí, cúng dường mà cầu được”.

Tạo hóa sinh vạn vật, nuôi dưỡng vạn vật, nhưng khi linh trí của con người phát triển hơn, liền phá vỡ sự cân đối, chỉ biết đòi lấy, không biết hồi báo, tàn sát bừa bãi vạn vật để thỏa mãn dục vọng. Từ đó, thiên địa tuần hoàn bị xáo trộn làm thương tổn lại con người.

Một câu nói cửa miệng thường nghe ở người Việt Nam: “Buông đao đồ tể, lập tức thành Phật” (Phóng hạ đồ đao, lập địa thành Phật), nhưng họ quên rằng đó là cái đao đồ tể ở trong tâm, chứ không phải con đao đồ tể ai cũng thấy, ai cũng biết. Có được hình hài là có tâm. Tâm nhận lý của trời gọi là tính, nhận sự tác động bên ngoài gọi là tình. Thương người, thương mình. Có thân phải lo thân. Tâm dưỡng thân tạo ra tính tình. Tâm là gốc của sự sống. Người xưa đã nói: “Thảo mộc hữu bản tâm” (Cây cỏ cũng có tình riêng). Tôi không chê những người “cố gắng tạo chút công đức” và sớm nhận quả đắng, cũng không chê những người được gọi là đủ đạo hạnh để sắp xếp cuộc đời cho ai đó. Nói như nhà Phật là “tùy duyên hóa độ”, tạo cho con người thêm niềm tin để sống hết cuộc đời này. Albert Schweitzer (1875-1965), nhà thần học, nhà văn, triết gia, bác sĩ, từng viết: “Nếu một người đánh mất niềm tôn kính vào bất cứ phần nào của cuộc sống, anh ta sẽ đánh mất niềm tôn kính với toàn bộ cuộc sống”. Nhân sinh đều tự tùy duyên, cần phải tin vào chính mình. Nhiều thứ tưởng chừng không qua được, không quên được, nhưng bằng nghị lực bản thân, nhiều năm về sau quay đầu nhìn lại, bất quá cười mà thôi.

Vào đẳng tuổi này, tôi tin mỗi người đều có vận khí của mình, có người gọi là số mệnh. Người có số mệnh cường đại coi như nhắm mắt cũng đi đến đích mà không gặp chút nào trắc trở, nguy hiểm. Người có số mệnh không tốt thì có đến đích cũng không hưởng được thành quả mà mình đã nỗ lực, đã đổ mồ hôi thậm chí đổ cả xương máu mới đạt được. Vận khí là thứ huyền diệu không có ai nắm được. Xưa nay, rất nhiều bậc thức giả bỏ công sức cả đời nghiên cứu qua nhưng không có ai nắm giữ được, không ai biết rõ ràng nó là cái gì, tại sao như thế. Người có vận khí tốt nhặt đá không ngờ gặp phải kim cương, lượm cục gạch không ngờ lại là vàng khối, gieo nhân xấu thì lép, vô tình rơi nhân lành thì tốt tươi; có người gieo nhân xấu những lại thấy gặp được quả ngọt, vì họ hưởng hoặc cộng hưởng nhân lành có khi từ vô lượng kiếp… Vận khí tưởng chừng tào lao như thế song không thể nói không có và nó cũng không chiếu cố đều khắp mọi người.

Ở đời, hung danh không ai muốn, bởi bị cộng đồng chê cười, để lại tiếng xấu cho đời sau, nhưng có đôi khi hung danh cũng là một loại ưu thế - ưu thế để người khác không dám trêu chọc mình. Do vậy, theo tôi, sự vĩ đại nhất trên thế gian này là dung hợp chứ không phải bài xích.

Ai cũng biết trên thế gian này, không có gì tự nhiên mà hưởng lợi, không có nỗ lực thì vĩnh viễn đừng nghĩ tới thu hoạch. Và trong sự nỗ lực ấy, nếu tâm bị lu mờ thì gieo nhân xấu. Chúng ta hãy mở lòng, đừng đem những quả đắng ấy ghim sâu trong dạ. Người luôn sống trong thù hận, buồn bực thì không thể nào hưởng được hạnh phúc. Cởi bỏ khúc mắc mới có hạnh phúc.

Luân hồi có hay không thì tôi chưa bước vào nên chưa biết. Trong kinh sách nhà Phật có nói đến lục đạo luân hồi: cõi trời, cõi người, cõi Atula, cõi súc sinh, cõi quỷ đói, cõi địa ngục. Phật giáo cho rằng tất cả chúng sinh chưa được giải thoát, dưới sự thúc đẩy của nghiệp lực đều phải lưu chuyển sinh tử trong lục đạo, nên tùy duyên vậy. Xưa nay, ở thế gian này làm gì có chuyện tuyệt đối công bình, mặc kệ dùng phương pháp ti tiện nào, chỉ cần thuận lợi đạt tới mục tiêu, đó chính là phương pháp tốt nhất, và dĩ nhiên là được ca ngợi. Thắng thành vua, thua thành giặc là như thế. Và như thế mới gọi là Đời!

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 330
    • Số lượt truy cập : 6947215