Thông tin

MỘT THOÁNG NGHĨ VỀ NIỀM TIN TÔN GIÁO VỚI DỊCH BỆNH

 

VU GIA

 

 

Nếu ai cũng biết “tự cứu mình” thì “bờ giác” ở ngay trước mắt. Khổ là một thực tại không thể chối bỏ, nên phải đối diện với thực tại này, trước mắt là cái khổ do Covid-19 đã và đang mang đến.

Tháng 7 âm lịch hằng năm, dân gian gọi là tháng cô hồn, nhưng năm nay, đại dịch Covid-19 tái phát, nhiều người cho rằng cô hồn sợ cô-vít, không dám quậy phá, nên cầu cúng chắc giảm. Nhưng thực tế ở TPHCM, tôi thấy các đền, chùa vẫn đông người, dù chùa nào cũng thực hiện giãn cách xã hội. Nhiều người không vào chánh điện thì đứng ngoài sân bái vọng với tinh thần “Nguyện đem lòng thành kính/ Gửi theo đám mây hương/ Phưởng phất khắp mười phương/ Cúng dường ngôi Tam bảo”…

Dân gian với dịch bệnh

Tiền bán thế kỷ XX, ánh sáng văn minh đã chiếu rọi nhiều nơi và nhiều người tin tưởng chuyện cúng cô hồn, tống ôn, tống cói (quái)… sẽ không còn. Trên báo Ngày Nay, số 12, ngày 4 tháng 5 năm 1935, Thạch Lam có phóng sự ảnh: “Đại binh Nam Việt chinh phục quan ôn”. Thạch Lam viết minh họa các ảnh do mình chụp, và cho người đọc ngày nay biết cách nay 85 năm và nhiều năm trước nữa, ở miền Bắc cũng có lễ “Tống ôn” như thế: “Năm nào cũng vậy, cứ đến đầu mùa hè, lần lượt các phố trong tỉnh cất quân đi đánh giặc quan ôn” (trang 7). Và những kỵ binh, bộ binh, thủy binh, pháo binh, không quân, “chừng ấy đội quân cảm tử dấn thân vào nơi khói lửa liều chết để… bắt những quan ôn (vi trùng thổ tả được phóng lớn dưới kính hiển vi)” (trang 7). Không biết bà con miền Bắc ngày nay còn lễ tống ôn hay không, chứ ở miền Trung, miền Nam vẫn còn, và tùy theo địa phương, người ta tổ chức vào tháng giêng, tháng 5, tháng 7 hay tháng chạp.

Tống ôn là tiễn đưa/ xua đuổi dịch bệnh rời xa cộng đồng để người người an lạc, mùa màng tươi tốt, gia súc tăng trọng, gia cầm đầy sân... Và nhiều người tin như thế. Lễ vật không tốn kém bao nhiêu, quan trọng là tấm lòng (lễ tuy bất túc, tâm rày hữu dư), nếu không thực hiện, rủi có chuyện dịch bệnh xảy ra, người chết, gia súc chết, cây trái èo uột… thì tốn kém gấp nhiều lần hơn. Với tâm lý “mua đường vắng”, nên lễ tống ôn/ tống cói/ tống gió (gió độc. Chúng ta thường nghe nói “trúng gió”) vẫn tồn tại trong đời sống nhân dân.

Địa điểm tiến hành lễ Tống ôn là miếu Âm Linh của làng - nơi thờ cô hồn, nhưng nhân dân nhiều địa phương không dám gọi “cô hồn” mà gọi “cô bác”; có nơi tổ chức tại đình làng, hoặc lăng Bà - nơi thờ những nữ thần. Nghi lễ này, bắt buộc phải có chiếc bè làm bằng thân cây tre/ lồ ô, hoặc thân cây chuối, thường gọi là “long chu”, bởi phía trên bè, người ta tạo tác chiếc thuyền giấy đầu rồng đuôi phụng khá đẹp mắt. Đây là phương tiện chuyên chở ôn hoàng dịch lệ tống ra sông biển, đồng thời cũng là phương tiện chuyên chở tiễn đưa “cô bác” - những người khuất mày khuất mặt - về cõi thủy phủ, địa phủ,…

Bên trong bè để một số vật phẩm cúng như trên bờ (mỗi thứ một ít): gạo sống, muối sống, rượu trắng, hương đăng hoa quả, bộ tam sanh, cháo trắng… Sau lễ ấy, người người bớt lo lắng dịch bệnh “đến thăm” cộng đồng, bởi thực tế trước mắt, người ta thấy dù khoa học - công nghệ tiến bộ đến mức nào, y học tiến bộ đến mức nào, vẫn không thiếu người chết bởi dịch bệnh.

 


Lễ Tống ôn ở làng Xóm Chài thuộc phường Hưng Phú, quận Cái Răng, Cần Thơ

 

Tôn giáo với dịch bệnh

Những ngày cận Tết Canh Tý (2020) và bắt đầu rộ lên từ Tết Canh Tý, nhân loại lo lắng dịch bệnh đang tràn về quậy phá cuộc sống. Chiều ngày 27-1-2020 (mùng 3 Tết), chủ trì cuộc họp về bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của Coronavirus (nay có tên chung là Covid-19), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: “Chống dịch như chống giặc”. Và chúng ta đã có những thành công được bạn bè quốc tế ngợi khen. Nhưng càng lúc, nhân loại càng thấy chống Covid-19 còn khó gấp nhiều lần chống giặc, bởi giặc thì thấy trước mắt, còn Covid-19 mơ mơ màng màng ở đâu, nên chỉ biết “phòng thủ” là chính, chứ muốn “tấn công” quả rất khó. Đến nay, nhân loại vẫn chưa có “vũ khí đặc chủng” để triển khai “tấn công” Coronavirus, nên một số người hướng về phần tâm linh, về niềm tin tôn giáo cũng là điều dễ hiểu.

Như chúng ta đã biết những ý niệm cơ bản về tôn giáo chia thế giới thành hai phần: thiêng liêng trần tục. Trần tục là những gì bình thường trong cuộc sống con người, còn thiêng liêng là cái siêu nhiên, thần thánh. Đứng trước sự thiêng liêng, con người sử dụng lễ nghi để bày tỏ sự tôn kính, sùng bái và đó chính là cơ sở của tôn giáo. Tôn giáo có thể chứa những câu chuyện tượng trưng, đôi khi được những người tin theo cho là đúng, có mục đích phụ là giải thích nguồn gốc của sự sống, vũ trụ và những thứ khác. Theo truyền thống, đức tin, cùng với lý trí, đã được coi là một nguồn gốc của các niềm tin tôn giáo.

Kinh Thánh có viết: “Phước cho người chịu đựng sự thử thách; vì khi đã chịu nổi sự thử nghiệm, họ sẽ nhận mão triều thiên của sự sống” (Gia-cơ 1:12). Và một khi có “phước” mới được Chúa thử thách thì tại sao phải từ chối cái “phước” ấy? Nếu từ giã cõi tạm này, chính là được Chúa chọn để về hầu hạ Ngài, thì có gì phải buồn phải lo? Chúa còn dạy: “Hãy xem sự thử thách trăm chiều xảy đến cho anh em như là điều vui mừng trọn vẹn, vì biết rằng sự thử thách đức tin anh em sinh ra kiên nhẫn. Nhưng sự kiên nhẫn phải phát huy hết hiệu lực của nó, để chính anh em được trưởng thành, hoàn hảo, không thiếu sót điều gì” (Gia-cơ 1:2-4). Ông cha ta cũng từng dạy: “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, kia mà.

Kinh Phật, Hòa thượng Thích Minh Châu có dịch nguồn gốc của bài kinh Hộ Trì, như sau:

“Thuở đức Phật còn tại thế, năm nọ, mạn phía Nam sông Gaṅgā trời đổ mưa liên tục từ ngày này sang ngày khác; nhưng suốt bốn năm tháng đó, mạn phía Bắc lại không có một giọt mưa. Một thảm họa từ đó đã phát sinh với các tiểu quốc ở vùng này, nhất là kinh thành Vesāli. Đất đai thì nứt nẻ, đồng ruộng, nương vườn khô cháy; mùa màng thất bát, lúa gạo dự trữ không đủ sức cầm hơi, rau cỏ không có mà ăn.

Thế là đói khát trầm trọng đã xảy ra. Đó là nạn thứ nhất.

Vì đói nên người chết rất nhiều, người sống không còn đủ sức mang xác ra nghĩa địa hoặc hỏa thiêu; họ chỉ việc quăng xác ra ngoại thành, mùi hôi thối tỏa khắp mọi nơi. Ác dạ-xoa lộng hành quậy phá làm khổ dân chúng. Đó là nạn thứ hai.

Vì xác chết, vì hôi thối nên dịch bệnh lan tràn càng làm cho người chết nhiều thêm nữa. Đó là nạn thứ ba!

Các vị vua khẩn trương hội họp, đề cử một viên đại thần, tên là Mahāli - làm trưởng đoàn sứ giả, mang lễ phẩm trọng hậu đến Rājagaha, nhờ đức vua Bimbisāra giúp đỡ, trình lên đức Phật, mong ngài đến vùng Licchavī, kinh thành Vesāli để cứu khổ cho đại chúng. Đức vua không dám nhận hậu tình, bảo rằng đoàn sứ giả nên đến đảnh lễ đức Phật, dâng lễ phẩm và tường trình mọi sự lên ngài, hiện ngài đang an cư ở Veḷuvana với đại chúng Tỳ Khưu.

Tôn giả Moggallāna đứng một bên, sau khi nghe viên đại thần Mahāli trình bày ba thảm nạn tại Vesāli, rồi khẩn cầu đức Phật giải họa, tự nghĩ: “Trong con mắt của thế gian, đức Thế Tôn không những thuyết giáo con đường giác ngộ, giải thoát - mà bây giờ ngài còn là một bậc Đại Siêu Nhân có thể có khả năng điều động thiên nhiên, kêu gió gọi mưa như các Bà La Môn phù thủy. Tuy nhiên, không những đức Tôn sư làm được, mà các vị thượng thủ A La Hán cũng làm được. Đấy chỉ là sự vận hành tâm sinh vật lý tương quan, tương tác lẫn nhau. Trong trường hợp này, năng lực của tâm là tăng thượng có thể dẫn dắt, điều động các năng lực khác”.

Lúc phái đoàn sứ giả ra về rồi, đức Phật nói với vị đại đệ tử:

- Này Moggallāna! Con nghĩ đúng đấy! Tuy nhiên, ba thảm nạn của Vesāli xảy ra là do ba nguyên nhân tương tác lẫn nhau mà không phải ai cũng thấy rõ, biết rõ:

Thứ nhất là do nắng nóng khô hạn, thứ hai là do ác pháp phát sanh từ các người lãnh đạo, thứ ba là do chư Thiên, thiện Thần, thiện Dạ Xoa bỏ đi. Bây giờ, con hãy gọi Ānanda đến đây.

Sau đó, đức Phật dạy cho ngài Ānanda bài kinh Hộ Trì an lành có tên Ratana Sutta; rồi ngài Ānanda lựa chọn thêm năm trăm vị Tỳ khưu trẻ có trí nhớ tốt cùng học thuộc…

Đúng ngày, khi đức Phật vừa đặt chân lên bờ Đông của tiểu quốc Licchavī thì một trận mưa rất lớn, tối trời tối đất như tự cổng trời mở ra, xối xả đổ xuống vùng đất đại hạn như đã chờ đợi đâu từ lâu lắm. (Tại nhân gian không biết, chứ lúc ấy, Thiên Chủ Sakka đã huy động Tứ Đại Thiên Vương, Thiên Binh, Thiên Tướng, hội chúng rồng, hội chúng Dạ Xoa cùng theo hầu đức Phật. Ác thần, ác Dạ Xoa sợ hãi trốn đi nơi khác; các thiện Thần, thiện Dạ Xoa đồng loạt tìm về).

Trận mưa lớn kéo dài nửa ngày, bao nhiêu xú uế tan mất. Nhân dân khắp nơi tràn ra đường, vui mừng hò reo, hát ca, nhảy múa… Các đức vua, hội đồng tướng lãnh, quý tộc đến sụp lạy bên chân đức Phật, nghẹn ngào tri ân, chảy nước mắt, không nói được nên lời!

Đêm ấy, bài kinh Paritta được đọc lên…

Ôi! Bài kinh với âm giọng của năm trăm vị Tỳ khưu đồng cất lên suốt đêm trường, thật là trầm hùng khôn tả. Cả không gian rung rinh, chao đảo. Cả đất trời Vesāli như chìm ngập giữa biển âm thanh thẳm sâu, cao diệu… Chư Thiên vân tập đầy đặc cả không gian, thành kính lắng nghe kinh rồi cất lên lời đại nguyện Hộ trì Tam bảo và Hộ trì Quốc độ nếu các đức vua và hội đồng quan cận thần bỏ ác pháp mà sống theo chánh pháp.

Ngày hôm sau, rất nhiều người không hiểu chư Tăng đọc mật chú gì mà có uy lực kinh khiếp như vậy? Nó làm cho toàn bộ dân chúng kinh thành Vesāli phải kính cẩn lắng nghe, tất thảy lo âu, sợ hãi đều tiêu tan. Không những trong lòng người mà cả không gian xung quanh cũng cảm giác cả một bầu khí thanh bình và an lạc.

Các vị Trưởng lão và các vị A La Hán với trí tuệ thâm sâu phải giải thích:

“Chẳng phải là huyền chú, mật chú gì đâu. Đấy là bài kinh nói lên uy lực của Tam bảo, ân đức của Phật, của Pháp, của Tăng làm cho chư Thiên hoan hỷ, lòng người hoan hỷ. Uy lực ấy lại còn được hội tụ bởi uy lực của năm trăm vị Tỳ khưu đọc tụng, tạo thành năng lực của Tăng Thượng Tâm, có thể tác động toàn bộ nội tâm và ngoại giới đem đến sự bình yên và mát mẻ cho quốc độ này”…

Cái năng lực của Tăng Thượng Tâm ấy, tin cũng được, không tin cũng được, bởi đức Phật đã dạy: “Đời người là bể khổ, mọi sự đều khổ”. Đã nằm trong bể khổ, thì cố gắng nhìn thấu nó (qua tu tập) để men tới bờ giác, chứ chẳng ai giúp được mình. Điều này Phật cũng đã dạy: “Hãy tự thắp đuốc lên mà đi”. Trước đại dịch Covid-19, mỗi người cũng phải “tự thắp đuốc lên mà đi”, chứ không thể dựa vào ai khác. Nếu ai cũng biết “tự cứu mình” thì “bờ giác” ở ngay trước mắt. Khổ là một thực tại không thể chối bỏ, nên phải đối diện với thực tại này, trước mắt là cái khổ do Covid-19 đã và đang mang đến.

Tự mình cứu mình

Thật lòng mà nói, thiên địa có hạn, giống như con thuyền, cho dù là hàng không mẫu hạm lớn bao nhiêu chăng nữa cũng chỉ chở một số người nhất định, nếu vượt quá sức chịu đựng ắt sẽ đắm, mọi người cùng chết. Bên cạnh đó, con thuyền cũng phải được tu bổ thường xuyên chứ không thể phá nó, hoặc gặm nhấm chút đỉnh để thỏa lòng tham trong lúc nhất thời cũng làm cho thiên địa mất cân đối, dẫn tới tai kiếp như núi lửa, động đất, sóng thần… Quả báo nhãn tiền là như thế. Môi trường sống và khí hậu càng thay đổi nhiều, hệ sinh thái của trái đất càng bị tàn phá, đã, đang và sẽ tạo cơ hội cho thiên tai, dịch bệnh, nhất là các bệnh mới phát triển chưa có thuốc đặc trị. Chúng đã hiện ra trước mắt loài người với các dịch bệnh gần đây, như: Ebola, Zika, SARS 2003, MERS 2012, Coronavirus 2020… Đây là những hệ quả thường gặp từ cơn thịnh nộ của đất trời.

Khoa học - công nghệ ngày càng phát triển là niềm vui của nhân loại. Sẽ có một ngày, con người di tản đến những tinh cầu khác, cuộc sống cũng sẽ khác đi. Tôi vững tin điều ấy, bởi thiên địa hữu hạn, nhưng lòng người vô hạn. Không biết có phải vì tuổi già mà suy nghĩ lung tung hay không, chứ cập kề tuổi “tri thiên mệnh” và những thiên tai, dịch bệnh xảy ra đây đó được biết qua truyền hình, qua báo chí, tôi hiểu rằng thứ tạo hóa cho, vốn thuộc về toàn bộ sinh linh có mặt trên cõi đời này, chứ không chỉ dành riêng cho con người. Nếu chúng ta mạnh tay giành hết là đi ngược với quy luật của trời đất, ắt phải trả một cái giá nhất định.

Con người dù lợi hại đến mấy cũng bị thời gian bào mòn, trái đất cũng vậy. Tôi nghĩ, nếu mọi sinh vật trên trái đất không biết giữ gìn, chăm sóc nó thì nó cũng bị thời gian bào mòn, khô kiệt mà chết, bởi nó cũng có sự sống như con người. Và niềm tin tôn giáo lại đến với tôi qua lời Phật dạy: “Các con hãy tự mình cải thiện, tự mình đoạn diệt ác pháp và lòng ham muốn và tự mình vươn lên sống toàn thiện, đó là các con đã tự mình cứu mình ra khỏi tai ương hoạn nạn khổ đau của cuộc đời này” (Thích Thông Lạc, Những lời gốc Phật dạy, T. 3, NXB Tôn giáo, H, 2001).

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 15
    • Số lượt truy cập : 6125939