Thông tin

MỘT VÀI NGHI THỨC VÀ NGHI LỄ CỦA PHẬT GIÁO NGƯỜI HOA TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

MỘT VÀI NGHI THỨC VÀ NGHI LỄ

CỦA PHẬT GIÁO NGƯỜI HOA

TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

 

HUỲNH TÚ HƯƠNG

 


 

Nghi thức của Phật giáo người Hoa không khác biệt nhiều so với Phật giáo Việt Nam. Hàng ngày vào các buổi sáng và chiều, chùa Hoa Phật giáo đều có đủ 2 thời khóa công phu. Thời công phu buổi sáng thường bắt đầu lúc 4g sáng, sau khi khai thỉnh hồng chung, thì tụng chú Lăng Nghiêm, chú Đại Bi, đồng thời khác với các chùa Việt, chùa Hoa bắt buộc phải dâng cháo cúng Phật trong thời công phu sáng. Thời công phu chiều, chủ yếu là tụng Kinh A Di Đà và Hồng Danh Bảo Sám sau đó thí thực cho các vong linh. Kinh sách của hai thời công phu sáng và chiều của các chùa Hoa đều sử dụng  chung quyển “Phật Môn Tất Bị”(佛門必備). Chùa người Hoa thường không có tổ chức những thời tụng kinh buổi tối cho các Phật tử như các chùa Việt. Chỉ khi có pháp hội định kỳ hàng năm của chùa thì các Phật tử mới vân tập về chùa cùng nhau bái sám vào ban ngày theo ngày giờ mà chùa đã thông báo. 

Như đã mặc định khi có pháp hội bái sám các chùa Hoa thường chia ra 3 nhóm Phật tử như sau:

- Nhóm tụng kinh bái sám được chùa trả tiền công được gọi là “kinh sinh 經生”. Nhóm này là các cư sĩ tín đồ tại gia, hoặc có người là không phải cư sĩ, nhưng biết rõ và sử dụng các pháp khí như mõ, trống, chuông, sáo, thuộc các âm điệu tán xướng...

- Nhóm thứ hai là nhóm đến tham gia với hình thức gieo duyên.

- Nhóm thứ ba là những vị mạnh thường quân (theo cách xưng hô của người Hoa gọi là hộ pháp) của chùa. Nhóm thứ ba này luôn được sự ưu đãi của nhà chùa như được dâng đốt trầm hương khi khai đàn, hay trong thời khóa cúng Phật...

Về trang phục lễ Phật,  Phật tử cư sĩ khi tụng kinh đều mặc áo Hải Thanh (tên thường gọi của áo Bát Nhã), đây là loại áo tràng tay rộng, kiểu dáng cũng giống như áo tràng lễ Phật của các vị tu sĩ nhưng là sắc màu đen. Đối với Phật giáo người Hoa, danh từ lễ phục “Hải Thanh”  này có thể dùng chung cho các vị tu sĩ và cư sĩ. Hải Thanh là một loại  áo thuộc lễ phục của người Trung Hoa ra đời vào thời đại nhà Đường, không phải là y áo do Phật chế, nên vì vậy nó có kiểu dáng như y áo của thời đại Đường Trung Hoa, phần hông, tay áo đều rất rộng, và loại y lễ Phật này được các vị tôn túc thời đại đó đặt tên “Hải Thanh”, với ý nghĩa “Hải” (tức biển) sâu và rộng lớn mênh mông, có thể chứa đựng hết tất cả vạn vật, tự tại vô ngại; “Thanh” xuất phát từ câu thành ngữ “Thanh xuất ư lam” với ý nghĩa sách tấn người tu hành, người tu hành luôn luôn không giống với người phàm tục, thế hệ sau lúc nào cũng phải hơn thế hệ trước, khi mặc áo Hải Thanh vào, người mặc nó sẽ tự động suy xét lại bản thân đã trở thành một cư sĩ chân chính.

Áo Hải Thanh của Phật giáo người Hoa được sử dụng trong các trường hợp không khác nhiều so với áo tràng của người Việt như: tụng kinh, nghe giảng, hội nghị, hoặc diện kiến các vị chư tôn trưởng lão Hòa thượng. Bởi áo lễ Phật Hải Thanh  là danh từ chung cho các tu sĩ và cư sĩ Phật tử nên gồm 2 màu: màu đen dành cho các cư sĩ Phật tử, màu vàng dành cho các tu sĩ. Hiện nay, có thêm một màu nâu dành cho cho cả giới tu sĩ và cư sĩ.

Lễ phục chư Tăng khi tụng kinh thì mặc áo lễ màu vàng và đắp y màu đỏ, áo thường màu lam, luôn buộc chân, đi giày La Hán. Chư Ni thì áo lễ màu lam hoặc màu nâu, y pháp màu vàng, áo thường màu lam cũng phải buộc chân đi giày La Hán. Khác với Phật giáo người Việt, giới tu sĩ người Hoa khi mới xuất gia được gọi là sư phụ, sau một thời gian được xưng tụng là pháp sư hoặc ni sư (nếu là phụ nữ), còn người lớn tuổi được gọi là đại sư.[1] Ngày nay, do điều kiện ngoại giao được mở rộng, các chùa người Hoa ở Thành phố Hồ Chí Minh đều kết giao với các chùa ở Trung Quốc  Đài Loan nên cách xưng hô đối với các vị tu sĩ cũng thay đổi như sau: những vị mới xuất gia thì gọi là pháp sư, sau một thời gian thời gọi là sư phụ, tiếp theo thì là hòa thượng.

Các vị tu sĩ người Hoa thường ở trong chùa trú xứ lo việc nhang đèn, tụng niệm 2 thời công phu sáng tối và đi đến nhà của các tín đồ để thực hiện nghi thức cầu siêu khi được thỉnh,  đặc biệt là trong đám tang. Đến nay, các chùa vẫn sử dụng kinh sách đem từ Trung Hoa sang. Tùy theo từng chùa mà có chùa tụng kinh bằng tiếng Phổ Thông hoặc tiếng Quảng Đông, hoặc tiếng Triều Châu. Nhưng hiện nay, theo khảo sát của chúng tôi phần lớn các chùa đều tụng kinh bằng tiếng Phổ Thông (Quan Thoại) chỉ có một số chùa như: Tịnh xá Sư Trúc Hiến, Khả Diệu Đàn là tụng kinh và tuyên đọc sớ văn bằng tiếng Triều Châu, còn lại hầu hết hiện nay các chùa Phật giáo người Hoa đều tụng kinh và xướng hồng danh chư Phật bằng tiếng Phổ Thông như: Nam Phổ Đà, Thảo Đường, Từ Ân, Vạn Phật, Hoa Nghiêm… Do vậy, bất cứ cho dù là người Quảng Đông, người Triều Châu, người Phúc Kiến hay người Hẹ thì khi tụng kinh tại chùa, họ phải sử dụng chung một ngôn ngữ để tụng là tiếng “Phổ Thông” mà người Hoa quen gọi là “Tiếng Quốc Ngữ”. Điều này có thể cho ta thấy rõ được tinh thần đoàn kết dân tộc của các nhóm người Hoa di cư. Khi tụng kinh, các chùa người Hoa ở TPHCM, ngoài sử dụng các pháp khí như khánh, mõ, giống như các chùa người Việt, họ còn sử dụng thêm sáo, đàn, trống, thủ lư, chập choảng, tang… Cũng như các kinh sách, các pháp khí này phần lớn được thỉnh từ nước ngoài về.

Phật giáo người Hoa ngoài tán xướng hồng danh của chư Phật và Bồ tát khi bái sám ra, họ còn có một phong tục là tán các bài kệ. Khi tán, họ thường kết hợp các pháp khí như: khánh, mõ, chập choảng, sáo, đàn, tang, trống… họ cùng sử dụng chung một quy ước theo quyển “Phật môn tất bị”, nên dù là một Phật tử hay tín đồ ở bất cứ nơi nào, chỉ cần biết chữ Hán là họ có thể cùng hòa nhập và có tham dự tán bằng tiếng Quan Thoại và có thể tự học sử dụng các pháp khí đã quy định trong quyển “Phật môn tất bị”. Các quy ước như sau:

                 

Tín ngưỡng Phật giáo người Hoa có thói quen tổ chức các Đạo tràng bái sám như: Lương Hoàng sám, Vạn Phật sám, Tam Thiên Phật sám… cho các pháp hội trong năm. Trước khi tổ chức pháp hội bái sám, các chùa thường dán thông bạch cho các Phật tử biết để họ tiến hành đăng ký tên cúng cầu an và cầu siêu, thông thường thì cầu an sẽ được ghi trên một tờ sớ  bằng giấy màu đỏ và tờ sớ này sẽ được vị Hòa thượng chủ sám xướng đọc tên trong thời khóa tụng cúng Phật. Cầu siêu thì nhà chùa sẽ thiết lập bài vị cho ông bà, cha mẹ quá vãng để các Phật tử có thể dâng cúng ông bà, cha mẹ mình trong suốt thời gian cử hành pháp hội. Sau khi mỗi một pháp hội kết thúc thì vào chiều ngày cuối cùng của pháp hội,  nhà chùa thường tổ chức “Mông Sơn Thí Thực” hay “Du Già Diệm Khẩu” (Chẩn tế) để cúng tiễn các vong linh, lúc này các bài vị sẽ được gỡ xuống và đốt đi.

Khi tổ chức bái sám xong, chùa người Hoa thường tổ chức cúng dường chư thiên gọi là lễ tạ ơn công đức viên mãn. Đối với Phật giáo người Hoa, lễ cúng dường chư thiên hay lễ tạ ơn chư thiên là một lễ rất quan trọng và thường được tổ chức trong khoảng 6g sáng đến 10g sáng là phải kết thúc. Vì theo họ, buổi sáng chính là giờ của các chư thiên.

Về nghi lễ cúng dường chư thiên của Phật giáo người Hoa có ý nghĩa như sau: Cúng dường chư thiên, tên gọi đầy đủ là “Cúng Phật chay thiên”, dân gian gọi “Cúng thiên”, có sự khác biệt nhau rất lớn giữa “Cúng thiên” của dân gian với “Cúng Phật chay thiên” của Phật giáo, bởi vì Cúng chư thiên của Phật giáo là sau khi cúng dường Tam bảo rồi thì mới cúng chư thiên. Vậy câu hỏi đặt ra tại sao đã là tín đồ Phật tử chánh tín Tam bảo, đã quy y Phật, Pháp, Tăng, tại sao lại còn “cúng thiên”?  Bởi vì chư thiên đều quy mạng với Đức Phật, mà lại còn hộ trì Tam bảo, làm các thiện nghiệp, cho nên vì vậy mà nên cần phải lễ kính chư thiên. Vả lại, trong kinh Pháp Bảo Đàn có câu:

Phật pháp tại thế gian

Bất ly thế gian giác

Ly Pháp mịch Bồ đề

Há như tầm thố giác

Nghi thức cúng chư thiên, được khởi nguồn từ Thiên Đài tông của Trí Giả đại sư  vào đời nhà Tùy của Trung Hoa, đại sư dựa vào “Kinh Kim Cang Minh” và “Kinh Kim Cang Minh Sám Pháp”, mà chế định ra “Sám pháp Kim Cang Minh”, khi cúng chư thiên, tên các vị chư thiên sẽ được sắp xếp liệt kê ra, có 12 vị chư thiên, 16 vị chư thiên, 18 vị chư thiên, 20 vị chư thiên, 24 vị chư thiên tăng giảm tùy theo các tông phái. Ở Việt Nam hiện nay hầu hết các chùa Hoa đều cúng khóa lễ 24 vị chư thiên. Và tụng một phần của “Kinh Kim Quang Minh”  thuộc phẩm Không.

Theo “Kinh Kim Cang Minh” ghi lại rằng, các vị chư thiên ở Hội Kim Cang Minh, tất cả các vị này đều phát tâm Bồ đề, hộ trì Phật pháp, đọc tụng viết kinh Kim Cang Minh, và được sự phó chúc của Đức Phật tuần hành ở nhân gian, dùng tâm từ bi hộ trì các vị Tăng Ni ở thời mạt pháp, hộ trì người thiện, trừng phạt kẻ ác, vì thế mà người thế gian cử hành pháp hội cúng thiên, tụng kinh bái sám, thí thiết tịnh thực, để cúng dường thập phương Tam bảo, các vị chư thiên hộ thế gian. Vì vậy mà dùng các phẩm vật như: hương, hoa, quả, đèn, các vật thực chay để phụng cúng các vị chư thiên, để tạ ơn đồng thời cũng vì trăm họ mà cầu an kỳ phước, đó chính là nguyên nhân xuất phát việc cúng chư thiên.

Cúng dường chư thiên là một hình thức cầu an, mà trong giới Phật giáo người Hoa gọi là “kỳ phước 祈福”. Thời gian cúng dường chư thiên trước đây thường vào khoảng 3g- 4g sáng, nhưng hiện nay, đối với các chùa Hoa ở Thành phố Hồ Chí Minh vì muốn thuận tiện cho các Phật tử tín đồ tham gia nên thường cử hành từ 6g hoặc 7g sáng. Cúng chư thiên không có hạn định, phàm khi khánh thành chùa, chúc thọ, đều có thể cử hành pháp hội cúng chư thiên. Nơi dựng đàn cúng chư thiên thông thường ở trong chánh điện của chùa, hoặc là nơi pháp đường. Đàn cúng chư thiên thường được dựng vào tối ngày hôm trước, gồm hình tượng của 24 vị chư thiên bằng tranh kiếng được sắp xếp ngay ngắn trên kệ thờ. Các phẩm vật dâng cúng phải đủ 24 phần, gồm: nhang trầm,  hoa,  bánh bao, trái cây, thuốc bắc, thức ăn chay nấu chín, đèn… Nghi lễ cúng dường chư thiên là một nghi lễ rất quan trọng đối với tín ngưỡng Phật giáo người Hoa, vì vậy mà nó rất được xem trọng. Bất cứ khi kết thúc một khóa lễ bái sám hay một pháp hội lớn thì đối với họ đều phải thực hành nghi quỹ cúng dường 24 vị chư thiên.

Theo “Kinh Kim Cang Minh, phẩm Quỷ Thần”, thì 24 vị chư thiên trong nghi quỹ cúng dường chư thiên là những vị chư thiên sau như sau:

1/ Đại Phạm Thiên Vương

2/ Đế Thích Thiên

3/ Đa Văn Thiên Vương

4/ Trì Quốc Thiên Vương

5/ Tăng Trưởng Thiên Vương

6/ Quảng Mục Thiên Vương

7/ Kim Cang Mật Tích

8/ Đại Tự Tại Thiên

9/ Tán Chỉ Đại Tướng

10/ Đại Biện Tài Thiên

11/ Đại Công Đức Thiên

12/ Vi Đà Thiên Thần

13/ Kiên Lao Địa Thần

14/ Bồ Đề Thọ Thần

15/ Quỷ Tử Mẫu

16/ Ma Lợi Chi Thiên

17/ Nhật Cung Thiên Tử

18/ Nguyệt Cung Thiên Tử

19/ Sa Kiệt La Long

20/ Diêm Ma La Vương

21/ Cẩn Na La Vương 

22/ Tử Vi Đại Đế

23/ Đông Nhạc Đại Đế

24/ Lôi Thần

Trong Phật giáo, “trời” không phải là chủ tể duy nhất, cũng không phải là tối cao nhất, mà cõi trời cũng là một trong sáu cõi luân hồi, bởi do tu thập thiện nghiệp mà được vãng sanh nơi cõi trời. Cõi trời có 28 cõi, được gọi là 28 cõi trời, mỗi một cõi đều có một vị thống lĩnh. Các chư thiên ở cõi trời, được Đức Phật phó chúc hộ trì cho các chúng sanh tu trì Phật pháp, và dùng oai thần của họ để tiêu trừ tà ác, ban phúc tiêu tai, giúp đỡ các vị tu hành viên mãn thành Phật quả. Vì vậy mà chư thiên cũng được gọi là Hộ pháp chư thiên, hộ trì Tam bảo, hộ trì Phật pháp không bao giờ ngừng nghỉ. Vì muốn cảm tạ các vị chư thiên nên các chùa Phật giáo người Hoa thường dùng nghi thức long trọng trang nghiêm nhất nghênh thỉnh các vị chư thiên đến thọ chay. Đối với tín đồ Phật giáo người Hoa tuy rằng không quy y với chư thiên, nhưng vẫn lễ kính chư thiên, bởi do chư thiên quy mạng với Đức Phật, phụng hành chánh pháp, tu các thiện nghiệp, không tạo ác nghiệp.

Về nghi thức thờ cúng, Phật giáo người Hoa thường thờ các tôn tượng trong một khám bằng kính phía bên trên lợp bằng ngói tượng trưng cho sự tinh khiết khác với cách thờ cúng tôn tượng của Phật giáo người Việt. Một phần có lẽ bởi do người Hoa có thói quen đốt quá nhiều nhang, nên các tôn tượng được đặt trong khám kính để tránh khói bụi. Trong cách thức thờ cúng, họ thường chia thành nhiều gian riêng biệt khác nhau, không thờ chung một chỗ.

Một pháp hội quan trọng nhất đối với Phật giáo người Hoa tại TPHCM là pháp hội Vu Lan. Theo phong tục dân gian, ngày rằm tháng bảy được gọi là “Lễ Trung Nguyên”, còn đối với đạo Phật của người Hoa  thì gọi là “Hội Vu Lan Bồn 盂蘭盆” hay gọi tắt là “Lễ Vu Lan”. Nếu theo cách gọi của Đạo giáo là “Lễ Trung Nguyên”.  Đối với Phật giáo Đại thừa Bắc truyền ngày Rằm tháng bảy cũng là một ngày lễ có liên quan đến đạo Phật, bởi do ngày này chính là ngày của chư Tăng sau khi an cư kiết hạ 3 tháng, đến ngày Rằm tháng bảy thì mãn hạ, và tập hợp lại để cử hành sám hối, nên ngày này được gọi là ngày “Chư Tăng tự tứ”. Nghi thức của “Chư Tăng tự tứ” chỉ có ở đạo Phật, không có liên quan đến đạo giáo hay Nho giáo, cũng như các tín ngưỡng dân gian. Nhưng từ câu chuyện Mục Kiền Liên cứu mẹ của Phật giáo mà diễn hóa ra “Hội Vu Lan Bồn”, lại có ảnh hưởng rất lớn đối với nhân gian. Từ đó, hình thành nên một ngày  lễ hội “Vu Lan” chung của Phật giáo và của nhân gian.

Lễ Hội Vu Bồn là một trong những nghi thức quan trọng của đạo Phật, thông thường thì được cử hành vào ngày Rằm tháng bảy. Ở Trung Hoa trước đây,  khi Phật giáo hòa nhập với Đạo giáo thì Vu Lan Bồn (tức  thau Vu Lan) của họ có nghĩa  là một cái thau được đan bằng tre, phía dưới  bồn được dựng bằng 3 chân đỡ, trong hộp bằng tre sẽ chứa đầy vàng mã, và được gọi là “Vu Lan Bồn”. Vào ngày rằm tháng bảy, Vu Lan Bồn sẽ được đốt đi, và các giấy tiền vàng mã vì vậy cũng được đốt hóa cho tổ tiên quá vãng và các vong hồn ngạ quỷ, cho nên gọi là “Hội Vu Lan Bồn”, vì thế mà lễ Trung Nguyên cũng được gọi là “Hội Vu Lan Bồn”.

Về duyên khởi của  “Hội Vu Lan Bồn” của Phật giáo, thuyết này liên quan đến một trong các đệ tử của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là ngài Mục Kiền Liên với thần thông đệ nhất, sau khi có được thần thông, vì muốn báo đáp công ơn sinh thành của mẹ, nên ngài đã dùng thiên nhãn thông đề tìm mẹ mình là bà Thanh Đề, và ngài đã thấy mẹ mình rơi vào cảnh ngạ quỷ để hoàn trả nghiệp ác mà bà đã tạo tác khi còn sống, bà không thể ăn uống được, chỉ còn da bọc xương. Mục Kiền Liên là người con hiếu thảo, chứng kiến cảnh này ngài bèn dùng thần thông hóa ra cái bát thức ăn đưa đến trước mặt mẹ. Bà Thanh Đề thấy được đồ ăn, sợ quỷ đói khác giành ăn, tay trái vội vàng che lại, tay phải bốc thức ăn cho vào miệng, nhưng khi đồ ăn đến trước miệng lại hóa thành than nóng, không thể nào ăn được. Mục Kiền Liên thấy vậy vô cùng bi thương, mặc dù ngài có thần thông quảng đại nhưng không thể cứu giúp mẹ mình. Thế là ngài bèn đi bạch với Đức Phật làm thế nào để mẹ mình thoát khỏi cảnh ngạ quỷ. Đức Phật nói: “Mẹ của ông nghiệp sâu nặng, một người không thể cứu độ được, cần phải dùng thần uy của chúng tăng thập phương mới có thể cứu được”. Đức Phật dặn dò Mục Kiền Liên, vào ngày này chuẩn bị ngũ quả, bữa cơm trăm vị và quần áo, đủ loại dụng cụ, cho vào trong cái chậu, thỉnh mời chúng tăng thập phương đến cúng dường, cùng phát ra thiện niệm cầu nguyện thì mới có thể cứu được mẹ. Sau đó, Mục Kiền Liên đã làm theo lời dạy của Đức Phật và cứu được mẹ mình ra khỏi cõi ngạ quỷ.

Câu chuyện Tôn giả Mục Kiền Liên cứu mẹ thoát khỏi cõi ngạ quỷ là có sự tương đồng với tư tưởng “hiếu đạo” của Nho gia trong văn hóa truyền thống. Con cái hiếu đạo với cha mẹ, đây là gốc rễ làm người, là đạo lý thuận trời đất và cũng là truyền thống xưa nay của người phương Đông nói riêng và con người thế gian nói chung. Vì vậy, xưa nay trong cả Đạo giáo, Nho giáo, Phật giáo hay theo tín ngưỡng dân gian đều dạy con người sống phải hành thiện tích đức. Việc tu hành là ở ngay tại bản thân mình, nhận được thiện báo hay ác báo là do bản thân mình mà ra.

Ngoại trừ lễ Trung Nguyên của Đạo giáo và pháp hội Vu Lan Bồn của Phật giáo ra, theo tín ngưỡng dân gian của người Hoa vào ngày Rằm tháng bảy cũng là ngày “lễ quỷ ma “鬼節 ”. Như vậy có thể nói rằng “lễ quỷ ma” của dân gian người Hoa, và lễ Trung Nguyên của Đạo giáo hay lễ Vu Lan của  Đạo Phật đều có quan hệ mật thiết với nhau, tất cả đều có sắc thái độc lập riêng. Và cứ như vậy Tăng sĩ, Đạo sĩ, và dân gian thế tục hợp lại cùng nhau, cấu thành nên nhiều hoạt động phong phú vào ngày Rằm tháng bảy.

Điểm đặc sắc của các ngôi chùa Phật giáo người Hoa tại Thành phố Hồ Chí Minh là lễ Vu Lan bắt đầu từ mùng 1 tháng bảy đến hết ngày 30 tháng bảy (âm lịch) với pháp hội Vu Lan cầu siêu rất hoành tráng và quy mô. Lễ Vu Lan  tháng bảy được Phật giáo người Hoa xem là một trong những ngày lễ cầu siêu trọng đại nhất. Vào những ngày này, các ngôi chùa đều thiết lập các bài vị tổ tiên, ông bà, cha mẹ đã quá vãng. Các bài vị cầu siêu có rất nhiều loại và nhiều kiểu dáng khác nhau, có thể nói nôm na là từ bình dân đến cao cấp. Trong những ngày của pháp hội tại các chùa Phật giáo người Hoa đều dựng lên các kệ nhiều tầng, hoặc là những bàn thờ cầu kỳ với nhiều kiểu dáng, và tín chủ có thể tùy theo khả năng tài chính để đăng ký các loại bài vị tại chùa. Có thể nói rằng hầu hết các chùa Hoa đều khói hương nghi ngút, vàng mã chất đống. Chùa Hoa thường không tổ chức lễ hội dâng y, cúng dường chay tăng, hay cài hoa hồng như các chùa Việt.

Vào ngày Rằm tháng bảy,  họ thường để một thau nhựa thật to thay cho thau bằng tre  ngay trước bàn thờ chánh điện chùa, phía bên ngoài thau dán bằng giấy đỏ ghi là “Vu Lan Bồn”, thay vì đặt vào thau các loại  vàng mã  như  phong tục dân gian và tín ngưỡng Đạo giáo để hóa cho các vong hồn thì các tín đồ đến lễ chùa có thể dâng cúng các phẩm vật như: đường, gạo, dầu ăn, bánh hoặc các phẩm vật tứ sự… vào trong Vu Lan Bồn này.  Sau khi pháp hội kết thúc, những phẩm vật này sẽ được đem chia đều cho các vị tu sĩ thường trụ trong chùa.

Đối với tín ngưỡng Phật giáo người Hoa, trước khi tổ chức “Lễ Vu Lan” cầu siêu trong dịp tháng bảy thường có một nghi thức thượng phan và chiêu hồn, mà dân gian thường gọi là “chiêu hồn”, tục lệ này khởi nguồn từ Đạo giáo. Nhưng Phật giáo luôn luôn hòa nhập mà không làm mất đi tính chất Từ Bi. Vì vậy, về ý nghĩa trong đạo Phật thì việc “chiêu hồn” chính là “Thỉnh cầu chư Phật Bồ tát đến tiếp dẫn”, để từ đó nương nhờ oai lực của Chư Phật và Bồ tát mà  các vong linh được siêu sanh,  phổ độ tất cả chúng sanh thoát khỏi khổ đau.

Đối với các tu sĩ người Hoa, ngoài vị thầy thế phát xuất gia ra, thì họ cần tìm thêm một vị thầy để cầu pháp.  Đối với họ, vị thầy truyền trao pháp là rất quan trọng, người đệ tử sau khi được truyền pháp thì được gọi là “Pháp tử” của dòng  phái truyền thừa đó.  Sau khi được truyền pháp, người đệ tử sẽ nhận được một y hậu màu đỏ (cà sa đỏ), một bình bát, và một tấm cụ, một giới điệp. Tấm cụ của giới Phật giáo người Hoa được may ghép bằng nhiều mảnh vải gồm nhiều màu sắc như: xanh dương, vàng, đỏ, trắng, và rất được xem trọng.  Khi chủ trì chính cho một buổi lễ như “Chẩn tế”, “Cúng Phật”, thì họ đều phải cầm theo tấm cụ này bên mình trong suốt buổi lễ, khi đảnh lễ Phật trong các đàn tràng pháp hội thì họ phải trải nó ra và đảnh lễ trên tấm cụ này.

Về lễ quy y Tam bảo và thọ ngũ giới cho các Phật tử, khác với chùa Phật giáo người Việt là trao truyền Tam quy - ngũ giới trong cùng một ngày, các chùa Hoa thường chỉ truyền quy y Tam bảo (còn gọi là Tam quy), nếu các cư sĩ Phật tử muốn thọ ngũ giới thì sẽ truyền trao riêng vào một giờ hoặc một ngày khác, và sau khi thọ ngũ giới, họ sẽ đưa trao một y hậu màu nâu với 5 đường dọc (y 5 điều). Còn đối với các cư sĩ Bồ tát giới thì được phép đắp y màu nâu gồm 3 đường dọc và 2 đường ngang, gồm một đường ngang dài và một đường ngang ngắn, gọi là “Man Y”.

Về phương thức lễ lạy, khác với Phật giáo người Việt; khi lễ lạy, Phật giáo người Hoa thường có thói quen lễ lạy trên một miếng gỗ hình vuông giống như Bồ đoàn được lót bằng nệm cao su, bên ngoài bọc bằng nhựa, cao khoảng nửa tấc, bề rộng từ khoảng 1,5 tấc đến 2 tấc, bề dài khoảng 2 đến 3 tấc được gọi là “Ghế lạy”. Khi bái sám họ cũng không đồng lễ lạy một lượt mỗi khi tán hoặc xướng một hồng danh của một Đức Phật, mà thường được chia làm hai bên mà họ gọi là Đông phương và Tây phương, tức bên phải và bên trái thuộc nơi Đàn tràng chánh; cứ như vậy hai bên Đông phương và Tây phương sẽ lần lượt luân phiên lễ lạy tán danh hiệu và lễ lạy. Khác với Phật giáo người Việt; khi tụng kinh, họ không ngồi dưới sàn nhà mà thường sử dụng những cái bàn dài cao khoảng 0.5 mét được phủ  khăn trải và ngồi tụng kinh trên ghế. Chỉ khi nào bái sám thì họ mới quỳ trên những “Ghế lạy” để tụng và đảnh lễ chư Phật.

Cũng như các chùa ở Việt Nam, Phật giáo người Hoa ở Thành phố Hồ Chí Minh hàng năm cũng đều tổ chức lễ Phật Đản, Vu Lan, các ngày vía của chư Phật và Bồ tát, trong những ngày này, các tín đồ, chư tăng, chư ni… tập trung tại chùa làm lễ cúng Phật và bái sám.  Ngoài ra, trong những tiết lễ như Thanh Minh theo phong tục của Hoa, họ đều tổ chức tụng kinh Địa Tạng hay kinh Di Đà hồi hướng công đức cho các vong linh. Trong lễ Phật Đản vào ngày mùng 8 tháng 4 âm lịch, các chùa Hoa tông đều tổ chức lễ tắm Phật, đồng thời đều tổ chức pháp hội bái sám cầu an và lập đàn tràng cầu siêu trong khoảng thời gian từ ba ngày đến bảy ngày.

Phật giáo người Hoa có một nghi lễ đặc thù đó là nghi lễ cầu an “trường sinh lộc vị”, khi đó tên của người cầu an sẽ được viết lên trên một bài vị màu đỏ và được dán lên tường, phía trước bàn vị luôn có những ngọn đèn cầy được thắp sáng liên tục suốt ngày đêm. Có những chùa thì an trí tôn tượng Đức Phật Dược Sư ở phía trên cùng, phương thức là tụng kinh Dược Sư hoặc chú Dược Sư,  thông qua công đức tụng kinh hoặc trì chú, nương nhờ lực của Tam bảo hồi hướng công đức cầu cho người hiện tiền được Phước thọ khang ninh, tiêu tai tăng thọ, cát tường bình an, tai qua nạn khỏi, tật bệnh tiêu trừ. Thường thì trong các pháp hội, bái sám luôn có một vị trí riêng dành cho bài vị”trường sinh lộc vị” này. Sau khi pháp hội kết thúc, các bài vị “trường sinh lộc vị” sẽ được gỡ xuống và hỏa tịnh trong ngày cúng tạ ơn chư thiên của pháp hội đó.

Một trong những tín ngưỡng quan trọng của người Hoa không  thể nào không đề cập đến là tín ngưỡng Quán Thế Âm Bồ Tát, một hình ảnh thân thiết của mọi quần chúng cũng như tất cả những người Á Đông nói chung. Ở Trung Quốc, niềm tin vào Bồ tát Quán Thế Âm không giới hạn ở giới Phật tử mà những người không phải Phật tử cũng thường hướng niềm tin về Ngài, nên trong giới Phật giáo người Hoa thường có câu ngạn ngữ “Người người niệm Di Đà, nhà nhà thờ Quán Thế Âm”. Ngài vừa được xem như một vị Bồ tát và cũng được xem như là một vị thần linh trong tín ngưỡng đối với Đạo giáo hay là trong tín ngưỡng dân gian. Đối với người Hoa, không những chỉ có trong chùa thuần túy Phật giáo mà ngay cả trong tất cả các hội quán, miếu, đều có hình ảnh tôn tượng của Ngài. Vì vậy, có thể thấy rằng Bồ tát Quan Thế Âm chiếm một địa vị rất lớn trong lòng các tín đồ Phật tử người Hoa.

Đối với người Hoa nói riêng, ngoài tín ngưỡng về Quán Âm Bồ tát của Phật giáo ra còn có tín ngưỡng Quán Thế Âm ở trong Đạo giáo và dân gian. Bởi sau khi du nhập và đồng hóa ở Trung Quốc, tín ngưỡng Quán Thế Âm đã trở nên rất phổ biến đến độ vị Bồ tát này xuất hiện trong Đạo giáo cũng như nhiều nơi công cộng của những tôn giáo dân gian. Về tín ngưỡng dân gian thờ phụng Ngài, không chịu sự ràng buộc của các giáo nghĩa trong kinh điển, vì vậy mà các tín đồ dân gian có thể dựa vào những gì mà họ cần mà hình thành nên nhiều hình thái tín ngưỡng đặc sắc sinh động như Tống Tử Quán Âm, Ngư Lam Quán Âm. Những người bình dân có thể là Phật tử hay không phải Phật tử, khi họ trải qua những khổ nạn thì nhờ vào sự cầu nguyện với Ngài mà được cuộc sống bình an, hạnh phúc, khỏe mạnh vì vậy họ khởi tâm kính cẩn khi nhắc đến danh hiệu Quán Thế Âm, tôn kính và rất tin vào sự linh ứng của Ngài.  Họ xem Ngài là một vị Bồ tát luôn luôn sẵn sàng cứu khổ nạn cho họ. Như vậy, cho dù tín ngưỡng Quán Âm phổ biến rộng rãi trong Đạo giáo, Nho giáo hay dân gian của Trung Quốc, nhưng vẫn giữ lại quan điểm cứu khổ phổ độ chúng sinh.

Về tín ngưỡng Phật giáo, Ngài Quán Thế Âm Bồ tát, còn có danh xưng được dịch từ chữ Hán là “Quán Tự Tại”, “Quán Thế Tự Tại”, tiến Phạn là  Valokitesvara, có ý nghĩa là quán chiếu âm thanh của những chúng sanh xưng niệm danh hiệu Ngài khi gặp đau khổ. “Quán” có ý nghĩ là quán chiếu, nhưng không giống với sự quán sát thông thường, mà là dùng viên thông đại trí tuệ vô lậu (không phiền não) của đạo Phật để quán chiếu. “Thế Âm” là đối tượng và cảnh giới quán chiếu của Bồ tát. “Thế” là âm Hán Việt tức chỉ về thế gian hay thế giới,  ở đây không phải chỉ có con người ở cõi thế gian mà bao gồm cả trong sáu cõi tức: cõi trời, cõi người, cõi A- tu- la, cõi súc sinh, cõi ngạ quỷ, cõi địa ngục. “Âm” là âm thanh bi thương cấp thiết niệm của chúng sanh trong sáu cõi khi gặp nạn mà niệm danh hiệu Ngài. Tóm lại, có thể nói với ba tiếng hồng danh “Quán Thế Âm” tức là Bồ tát dùng đại trí tuệ vô lậu để quán chiếu các âm thanh của chúng sanh, xưng niệm danh hiệu Ngài khi gặp đau khổ, thì Ngài lập tức tầm thanh cứu khổ.

 Theo Kinh Thiên Thủ Thiên Nhãn Vô Ngại Đại Bi Tâm Đà La Ni thì Bồ tát Quán Thế Âm từ lâu đã thành Phật với danh hiệu “Chánh Pháp Minh Như Lai”, nhưng Ngài phát nguyện trở lại cõi Ta bà này, với thân phận là Bồ tát, tầm thinh cứu khổ, đại từ đại bi, quán khắp âm thanh mười phương, tiếp ứng chúng sanh vô biên, cứu độ tất cả khổ nạn, hiện thân ở tất cả các quốc độ, không ngại gian khổ cực nhọc, không lời than trách, hiện thân trong sát na,… Từ bi và cứu thế là động lực của Quán Thế Âm. Ngài thị hiện làm Bồ tát vì muốn đảm đương công việc cứu khổ ban vui cho chúng sanh.

Theo “Kinh Lăng Nghiêm”, quyển 6, trong vô lượng hằng hà sa số kiếp về trước, Ngài Quán Thế Âm đã tu thành “Lục căn đại viên thông trí” tùy duyên ứng hóa, với phương tiện thiện xảo, hằng thuận chúng sanh.

Khi đạo Phật truyền vào Trung Hoa, Ngài Quán Thế Âm đã được Trung Hoa hóa, và phổ biến với hình dáng là nữ nhân. Do bị thẩm thấu và hấp thu bởi học thuyết Phật, Lão, Nho, và ở dân gian thì càng ngày càng có nhiều truyền thuyết với nhiều hình tượng về Ngài, có lúc Ngài là Nam Hải Quán Thế Âm, có ngàn tay ngàn mắt, có lúc Ngài là vị Quán Thế Âm Tống Tử, có lúc hình tượng của Ngài là Bạch Y Quán Thế Âm, hay là Ngư Lam Quán Thế Âm, hay truyền thuyết về công chúa Diệu Thiện ở Hương Sơn Tự (Trung Quốc). Nói đến Phật giáo, người ta nghĩ ngay đến đạo Từ bi cứu khổ. Mà hình ảnh cứu khổ tiêu biểu tuyệt vời nhất, thiết tưởng không ai khác hơn là đức Bồ tát Quan Thế Âm.

Cùng với bước chân di dân của người Hoa, tín ngưỡng và hình ảnh Đức Quán Thế Âm được họ đem theo đến Việt Nam, trong quá trình di cư rời khỏi quê cha đất tổ. Những di dân người Hoa đã gặp không ít khó khăn trong chuyến đi, cuộc sống cơ cực nơi đất khách quê người, và hình ảnh, danh hiệu Ngài luôn luôn gắn bó với họ trong suốt cuộc hành trình này.  Do vậy, trong giới Phật giáo người Hoa tại thành phố Hồ Chí Minh, không những chỉ có những chùa thuần túy tôn thờ Ngài là một lẽ đương nhiên, mà ngay cả các miếu, hội quán cũng có tôn tượng của ngài, như Hội Quán Ôn Lăng (thường được gọi là chùa Quan Âm), và hầu như mọi nhà đều có tôn tượng của Ngài. Cũng như tín ngưỡng Phật giáo, vị Bồ tát này có đầy đủ phẩm chất của một người mẹ trong tất cả những người mẹ mà người Hoa thường xưng gọi Ngài  một cách trìu mến là Quán Âm nương nương (觀音娘娘). 

Về hình ảnh phụng thờ tôn tượng Đức Quán Thế Âm thì hầu như các chùa Việt và Hoa cũng như các ngôi miếu, Hội quán tại Thành phố Hồ Chí Minh đều không có sự khác biệt nhiều, với hình dáng tôn tượng là phụ nữ để tượng trưng cho lòng thương không bờ bến của Ngài. Đối với người Hoa, ngoài lễ vía Quán Thế Âm Bồ tát theo truyền thống của Phật giáo như ngày âm lịch như:19 tháng 2; 19 tháng 6; 19 tháng 9. Ngày 19 tháng 11 hàng năm là ngày vía của Đức Quán Thế Âm Tống Tử (một vị Bồ tát theo tín ngưỡng dân gian người Hoa, đối với các chùa thuần túy Phật giáo thì không tổ chức pháp hội vào ngày vía này). Ngày vía Đức Quán Thế Âm rất được các chùa người Hoa xem trọng và xem như là một ngày lễ lớn, vào những ngày vía này các chùa Phật giáo thường tổ chức bái Đại Bi Sám, trì tụng 21 biến chú Đại Bi. Đức Quán Thế Âm Bồ tát mà người Hoa thường gọi là Phật Bà Quan Âm là biểu tượng của sự kết hợp giữa tôn giáo và tín ngưỡng của Phật giáo người Hoa. Đối với người Hoa, Phật Bà Quán Thế Âm là một phụ nữ có đức tính cao đẹp, vị cứu khổ cứu nạn, luôn làm phúc cho mọi người. Điều này định hướng cho sự giáo dục về mối quan hệ người với người, luôn mang lại điềm lành cho nhau, giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn để tìm về hạnh phúc an vui trong cuộc sống.

Một đặc thù của các chùa người Hoa tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng cần phải nhắc đến, đó là tục thờ cúng Quan Công.  “Quan Công”  là theo cách gọi của  dân gian, về Phật giáo còn có một danh xưng khác là “Già Lam Bồ tát”, tôn tượng Già Lam Bồ tát luôn luôn được tôn thờ ngang với tôn tượng Đức hộ pháp Vi Đà trong chánh điện của các ngôi chùa thuần túy Phật giáo người Hoa.  Đối với người Hoa, “Quan Thánh Đế Quân” còn có một cách gọi khác là “Quan Công” theo cách gọi dân gian. Tín ngưỡng tôn thờ “Quan Thánh Đế Quân” vốn là tín ngưỡng thuộc nhà Nho, sau đó đã trở thành tín ngưỡng dân gian. Trong quân ngũ, những người lính phụng thờ ngài như một Võ Thần, người kinh doanh buôn bán thờ ông xem như thần tài, và nhà Nho tôn ông như một vị thánh. Còn về đạo Phật thì xem ông như một vị hộ pháp. Đạo giáo gọi ông là “Lộ Đế Đại Thiên”, là vị thần nắm giữ các việc thiện ác ở nhân gian. Cũng là một trong những cận vệ của Ngọc Hoàng Đại Đế, tôn xưng ông là “Hiệp Thiên Đại Đế”, hoặc là “Võ An Tôn Vương”. Đối với Nho giáo tôn thờ Quan Thánh Đế Quân là một trong năm vị thần Văn Xương và tôn xưng ông là “Sơn Tây Phu Tử”. Nói chung, đối với giới người Hoa “Quan Thánh Đế Quân” là thần linh của Phật giáo, Đạo giáo, Nho giáo.

 Trong kinh sách Phật giáo, không có ghi chép sự kiện Quan Công trở thành “Già Lam Bồ Tát”. Trước đời nhà Tùy của Trung Hoa, tín ngưỡng Quan Công là một tập tục tín ngưỡng dân gian, có truyền thuyết cho rằng Trí Giả Đại Sư của phái Thiên Đài Tông tìm địa điểm xây chùa trên núi Ngọc Tuyền ở Kinh Châu, ban đêm khi Đại sư nhập định, Quan Công hiển hiện, phát nguyện giúp đại sư Trí Giả xây chùa, sau khi xây chùa xong, ông quy y Phật pháp và thọ giới với  đại sư Trí Giả  và phát nguyện hộ trì Phật pháp, từ đó phái Thiên Đài bắt đầu tôn thờ ông.  Bởi do sự trung nghĩa của ông, nên Phật giáo Trung Hoa tôn thờ ông là hộ Pháp. Các chùa Phật giáo người Hoa tôn thờ “Quan Công” và xem ông là một vị “Già Lam Hộ Pháp”, đó chính là một hiện tượng dung hợp Phật giáo với văn hóa Trung Hoa.

Trong các ngôi chùa Phật giáo, vào các buổi công phu sáng và tối đều phải niệm tụng tán Già Lam Bồ tát như sau: “Già Lam chủ giả, hợp tự uy linh, khâm thừa Phật sắc cộng thâu thành; ủng hộ pháp vương thành, vi hàn vi bình, phàn sát vĩnh an ninh. Nam Mô Hộ Pháp Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát, Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật” để cảm tạ công đức thù thắng hộ trì Phật pháp của Già Lam Bồ tát (Dịch nghĩa bài tán: Tán thán công đức các vị hộ pháp trong chùa, mà Già Lam Bồ Tát tức Quan Công là chủ tể, và khắp mọi nơi của ngôi chùa đều tràn đầy uy linh, và hộ pháp đã cung kính thọ nhận lời dặn dò của Đức Phật với tâm thành của mình hộ trì Phật pháp và là một tấm bình phong để bảo vệ chùa, nhờ vậy mà chùa được thanh tịnh, không bị tà ma quấy rối).

Một nghi lễ rất truyền thống trong Phật giáo người Hoa đó là “Lễ Thập Phương”, đây là một trong những nghi lễ quan trọng của Phật giáo Trung Hoa cũng như Phật giáo người Hoa tại Thành phố Hồ Chí Minh.  Ý nghĩa của Lễ Thập Phương là tri ân với những vị pháp sư hay những người đã tụng vì mình mà có những thời khóa cầu an hay  những thời khóa cầu siêu cho bổn sư đã viên tịch hoặc người thân đã quá vãng của mình. Bằng phương thức đảnh lễ ở nhiều hướng khác nhau trong pháp hội. Khi tiến hành thực hành nghi lễ Lễ Thập Phương, nếu là cầu an thì người Duy Na và đại chúng tham dự phải khởi “Bài Tán Dược Sư”, còn nếu là cầu siêu thì khởi “Bài Tán Di Đà”, vừa tán vừa thực hành “Lễ Thập Phương”.

Khi lễ lạy, người hành lễ trước hết là hướng về phía trước của Phật đài đảnh lễ chư Phật, Bồ tát 3 lễ, sau đó hướng về bên phải đảnh lễ đại chúng (những người tham gia khóa tụng) lạy 1 lễ, hướng trở về Phật đài đảnh lễ chư Phật Bồ tát 1 lễ, hướng về đại chúng bên trái lạy 1 lễ, sau đó đi theo hình chữ Vạn của Phật giáo卐 đến gần vị thầy Duy Na (tức người cầm khánh)  lạy 1 lễ, sau đó trở về vị trí cũ hướng về phía Phật đài lạy 1 lễ, tiếp tục đi theo hình chữ Vạn về phía tay trái đến vị trí người đánh mõ đảnh 1 lễ, sau đó trở về vị trí cũ, hướng về phía Phật đài lạy 1 lễ, sau đó tiếp tục đến vị trí của vị Hòa thượng chủ trì đàn tràng đảnh 1 lễ. Nghi lễ Thập Phương được thực hiện với bài tán “Dược Sư” hoặc bài tán “Di Đà” sau khi chuẩn bị kết thúc các thời khóa lễ như: Cúng Phật cầu an, hoặc trong các nghi thức điếu giác linh của các tu sĩ.

Nghi thức này chỉ là một phương tiện trong các nghi lễ mà thông qua các Phật sự như cầu an tiêu tai để được tăng phước thọ, hoặc là siêu độ. Mục đích của “Lễ Thập Phương” là để biểu thị lòng cung kính và tri ân, bởi thông qua nhiều lần và lễ lạy nhiều người như vậy là để tiêu trừ tâm lý cống cao ngã mạn, đồng thời với lòng thành đảnh lễ mà cảm niệm tri ân Thập phương tam thế chư Phật, hồi hướng công đức cho tất cả chúng sanh cùng thành Phật đạo; cũng như qua việc hành “Lễ Thập Phương” và gieo duyên lành nơi Mười phương chư Phật, gieo duyên lành với tất cả chúng sanh.

Tóm lại, mục đích của nghi lễ Phật giáo nói chung và nghi lễ của Phật giáo người Hoa tại TPHCM nói riêng đó chính là biểu đạt sự cung kính đối với chư Phật và Bồ tát, lễ bái chư Phật cũng là lễ bái Phật tánh nội tại của chính mình. Lễ bái chư Phật ngoại trừ phản quán tự thức tỉnh bản thân ra, cũng xem trọng tinh thần từ bi lợi tha. Nghi lễ Phật giáo chính là lấy sức mạnh cùng tu của tập thể để từ đó mà ta “trên cầu Phật đạo, dưới thì độ hóa chúng sanh”.

 


[1] Phan An(2005), Người Hoa ở Nam Bộ, Nxb Khoa học xã hội, tr 227

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 33
    • Số lượt truy cập : 6946708