Thông tin

MỘT VÀI SUY NGHĨ TỪ PHONG TRÀO CHẤN HƯNG PHẬT GIÁO

 

TT.TS. THÍCH THANH ĐIỆN*

 

Từ công cuộc Chấn hưng Phật giáo của sư Khánh Hòa tại miền Nam, sư Phước Huệ tại miền Trung và sư Thanh Hanh tại miền Bắc, nhiều hội Phật học, nhiều trường giảng dạy Phật học được thành lập, nhiều ấn phẩm như sách, báo, tạp chí viết về Phật giáo ra đời từ đây.

Phật giáo được du nhập vào Việt Nam từ rất sớm. Đặc biệt, từ thế kỷ thứ II và thứ III, với sự hiện diện của trung tâm Phật giáo tại Luy Lâu và đóng góp của Mâu Tử, Khương Tăng Hội đã chứng minh cho sự phát triển rực rỡ của Phật giáo Việt Nam từ những năm đầu của công nguyên. Và do nhiều nguyên nhân, Phật giáo Việt Nam ở thế kỷ XX đã chìm sâu vào suy thoái. Trước tình hình đó, Phật giáo cần một phong trào chấn hưng là vô cùng bức thiết. Phong trào Chấn hưng Phật giáo được khởi xướng từ Thiền sư Khánh Hòa tại miền Nam đã ra đời như là một sự kiện tất yếu của lịch sử Phật giáo Việt Nam. Cùng với thiền sư Khánh Hòa, Thiền sư Phước Huệ tại miền Trung và Thiền sư Thanh Hanh tại miền Bắc là ba vị được tôn là Tổ của phong trào Chấn hưng Phật giáo Việt Nam ở thế kỷ XX.

Trải qua nhiều biến cố thăng trầm cùng lịch sử dân tộc, đến nay, hơn hai mươi thế kỷ tồn tại và phát triển, Phật giáo vẫn âm thầm nuôi dưỡng lòng nhân ái, đức từ bi và trí tuệ cho loài người, góp phần tạo nên một trào lưu về văn hóa tư tưởng vô cùng đặc sắc mà các nhà khoa học ngày nay từ Đông sang Tây vẫn không ngừng quan tâm nghiên cứu. Việc tìm hiểu sâu hơn về phong trào chấn hưng phật giáo ở Việt Nam không chỉ cho chúng ta những bài học kinh nghiệm, tránh được những sai lầm để hoàn thiện cách thức tổ chức thực hiện các hoạt động Phật sự ngày càng phù hợp với xu thế phát triển của thời đại và nhu cầu tín ngưỡng Phật giáo của nhân dân, mà còn đồng thời góp phần mạnh mẽ vào sự phát triển bền vững của Phật giáo nước nhà.

Đến hôm nay, phong trào Chấn hưng Phật giáo do Hòa thượng Khánh Hòa khởi xướng, lãnh đạo đã diễn ra được 95 năm. 95 năm qua là 95 năm Phật giáo không ngừng nỗ lực vượt qua những khó khăn, những trở ngại để khẳng định vai trò của phong trào chấn hưng Phật giáo vẫn là mạch nguồn xuyên suốt, tạo đà cho sự phát triển mọi mặt của Phật giáo Việt Nam và góp phần bồi đắp thành tựu văn hóa của dân tộc.

Một số tổ chức và nhân vật của phong trào chấn hưng Phật giáo

Chấn hưng Phật giáo là một phong trào vận động cho sự phục hưng Phật giáo nhằm tìm lại các giá trị truyền thống và phát triển Phật giáo tại Việt Nam.

Mục tiêu của tất cả các hoạt động phong trào chấn hưng Phật giáo đều nhằm khẳng định vai trò, vị trí độc lập và tự do của Phật giáo trong lòng dân tộc Việt Nam, dù hoàn cảnh kinh tế, chính trị xã hội có nhiều biến động. Việc chấn hưng Phật giáo đồng thời nhằm khai hóa dân trí, tìm kiếm và xác định một ý thức hệ dân tộc...

Tổ chức Lục Hòa Liên Hiệp ở miền Nam: Phong trào chấn hưng Phật giáo ở Việt Nam bắt đầu bằng sự vận động của thiền sư Khánh Hòa ở chùa Tiên Linh, Bến Tre và các đồng sự của ông. Năm 1923, nhân ngày giỗ tổ tại chùa Long Hoa, quận Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh, vào ngày 19 tháng 9 âm lịch năm Quý Hợi, ông vận động mời tất cả những vị tôn túc khắp miền Tiền Giang và Hậu Giang về Tiểu Cần để dự lễ, đồng thời để họp bàn về vấn đề chấn hưng Phật giáo. Kết quả là hội Lục Hòa Liên Hiệp được thành lập và tất cả các vị tôn túc có mặt trong buổi họp như Huệ Quang, Chí Thiền, Trí Thiền, Từ Phong, Chánh Quả, An Lạc, Huệ Định, Diệu Pháp, v.v… đều có mặt đầy đủ. Sự có mặt của các vị tôn túc lên đến trên bốn trăm người, trong đó có một vị cư sĩ có tên Nguyễn Văn Nhiêu làm cai tổng, được ủy nhiệm là thủ quỹ cho hội. Mục đích của hội là vận động thành lập một hội Phật giáo toàn quốc.

- Năm 1930, tại Sài Gòn, Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học được thành lập, trụ sở tại chùa Linh Sơn, Hội trưởng là Thiền sư Từ Phong. Hội cũng xuất bản tạp chí Từ Bi Âm do thiền sư Khánh Hòa chủ nhiệm, số đầu tiên ra mắt vào ngày 1 tháng 3 năm 1932.

- Hội Phật học Kiêm Tế tại Rạch Giá, ra tạp chí Tiến hóa;

- Hội Tịnh độ Cư sĩ tại Chợ Lớn của giới cư sĩ, ra tạp chí Pháp âm;

- Hội Thiên Thai Thiền Giáo tông Liên hữu do Thiền sư Huệ Đăng sáng lập năm 1934 tại Bà Rịa, ra tạp chí Bác Nhã;

- Hội Phật giáo Tương tế do trụ trì chùa Thiên Phước là Lê Phước Chi thành lập ở Sóc Trăng, ra tạp chí Bồ Đề.

- Hội Lưỡng Xuyên Phật học tại Trà Vinh, ra tạp chí Duy tâm (1935).

Tổ chức An Nam Phật học ở miền Trung: Từ những kết quả bước đầu mà Phật giáo ở miền Nam đạt được đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến Phật giáo ở miền Trung và miền Bắc Việt Nam. Ở Huế, thiền sư Giác Tiên tập hợp một số cư sĩ như Lê Đình Thám, Nguyễn Khoa Tân, v.v… thành lập hội An Nam Phật học (1932), đặt trụ sở tại chùa Trúc Lâm nơi Giác Tiên trụ trì và bắt đầu tổ chức giảng diễn tại chùa Từ Đàm. Giác Tiên làm chứng minh đạo sư và cư sĩ Lê Đình Thám được mời làm hội trưởng. Tạp chí Viên âm – cơ quan hoằng pháp của hội – số đầu ra ngày 1 tháng 12 năm 1933.

- Hội Đà Thành Phật học Đà Nẵng ra tạp chí Tam bảo (1937).

Tổ chức Phật giáo ở Bắc Kỳ: Ở miền Bắc Việt Nam, các thiền sư Trí Hải, Tâm Ứng và Tâm Bảo ở Hà Đông thấy miền Nam và miền Trung đã lập hội, liền lên Hà Nội tìm các ông Lê Dư (lúc đó đang làm quản lý chùa Quán Sứ, Nguyễn Hữu Kha, Trần Trọng Kim và Bùi Kỷ để bàn tính chuyện lập hội Phật giáo Bắc Kỳ. Hội thành lập năm 1934, lấy chùa Quán Sứ làm trụ sở, suy tôn thiền sư Thanh Hanh (TổVĩnh Nghiêm) làm thiền gia pháp chủ và bầu Nguyễn Năng Quốc làm Hội trưởng. Hội xuất bản Tập kỷ yếu số đầu tiên vào ngày 1 tháng 5 năm 1935, sau đó ít lâu thì xuất bản tạp chí Đuốc tuệ.

Như vậy, ngay thời kỳ đầu của phong trào chấn hưng Phật giáo, ba hội Phật giáo đầu tiên ở ba miền đã được thành lập. Tiếp theo đó còn có nhiều hội nữa được thành lập, hội nào cũng xuất bản tạp chí. Các hội phát triển nhanh chóng và các chi hội lần lượt được thành lập ở các tỉnh. Phong trào phục hưng Phật giáo ngay từ buổi đầu đã trở thành động lực thúc đẩy các hoạt động của các tổ chức Phật giáo ngày càng trở nên mạnh mẽ. Sự ra đời của các tổ chức đã quy tụ được nhiều bậc cao tăng và nhân sĩ trí thức như Trần Trọng Kim, Thiều Chửu, Bùi Kỷ. Lễ Phật đản tại Huế năm 1935 có sự hiện diện của vua Bảo Đại và Thái hậu làm Hội chủ danh dự. Các trường giảng dạy Phật học được tổ chức ở khắp ba miền, tập trung tại các chùa lớn, đào tạo nhiều tăng ni sinh. Có thể nói Phong trào chấn hưng được khởi xướng của sư Khánh Hòa tại miền Nam, sư Phước Huệ tại miền Trung, và sư Thanh Hanh tại miền Bắc. Ba vị được tôn là Tổ của phong trào.

* Từ thập niên 20 đến 1945, các nhân vật chính của phong trào chấn hưng Phật giáo ở ba miền đất nước phải kể đến, đó là:

- Tại miền Nam: Thiền sư Thích Từ Phong giảng dạy tại chùa Giác Hải; Thiền sư Khánh Hòa tại chùa Tiên Linh; Thiền sư Chí Thành tại chùa Phi Lai, chùa Giác Hoa; Thiền sư Huệ Quang tại chùa Long Hòa; Thiền sư Khánh Anh tại chùa Long An.

- Tại miền Trung: Thiền sư Giác Tiên - chùa Trúc Lâm, Thiền sư Tuệ Pháp giảng dạy tại chùa Thiên Hưng; Thiền sư Thanh Thái - chùa Từ Hiếu; Thiền sư Đắc Ân - chùa Quốc Ân; Thiền sư Tâm Tịnh - chùa Tây Thiên; Thiền sư Phước Huệ - chùa Thập Tháp; Thiền sư Phổ Tuệ - chùa Tĩnh Lâm.

- Tại miền Bắc: Trí Hải, Tâm Ứng và Tâm Bảo ở Hà Đông, Thiền sư Thanh Hanh giảng dạy tại chùa Vĩnh Nghiêm; chùa Bà Đá cũng là một đạo tràng lớn; Thiền sư Đỗ Văn Hỷ in ấn kinh sách rất nhiều.

* Mục đích và tôn chỉ thành lập của Hội: “Thiệt hành và truyền bá đạo Phật. Trong hội quán, không được luận bàn về chính trị và công kích các tôn giáo đã có chỗ đứng trong bản xứ”. Mặt khác, “làm hậu thuẫn để chấn hưng và duy trì phát triển Phật giáo, làm việc hữu ích và thống nhất đạo pháp. Bảo trì các vị tăng già có giới hạnh, có khả năng hướng dẫn Phật tử, nhất là những người có chí nguyện với công Đức Phật sự. Hướng dẫn, giải thích giáo lý Phật giáo, những nếp sống đạo vị, lòng tâm thành hướng thiện. Hướng dẫn giúp nhau đào tạo, tu dưỡng chính bản thân một cách xứng đáng, thực hiện trong gia tộc và xã hội, tạo niềm tin vào đạo hạnh của Phật giáo. Công bố hoạt động cho lý tưởng từ bi, chống thù hận, chia rẽ và gây chiến tranh”.

* Các thành phần tham gia chính:

Thứ nhất là những người tân học, có bằng cấp cao về Tây học và Hán học. Họ là những vị quan lại giữ chức cao trong triều đình, nhưng đã về trí sĩ như Nguyễn Đình Hòe, Nguyễn Khoa Tân,… hay trong hoàng tộc như Ưng Bình, Viễn Đệ, các trí thức như Lê Thanh Cảnh, Lê Đình Thám, Trương Xướng, Nguyễn Khoa Toàn và một số phụ nữ như Cao Xuân Xang, Công Tôn Nữ Thị Bân, Hồ Thị Thể Anh… Đây là những người học kinh, giảng pháp theo phương pháp mới, chủ trương chấn hưng Phật giáo cho phù hợp với thời đại.

Thứ hai là những nhà nho danh tiếng, trong đó có người đỗ đại khoa như Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng và một số nhà văn như Phan Khôi, nữ sử Đạm Phương. Đây còn là những nhà hoạt động chính trị xã hội. Họ hiểu Phật giáo là một thành phần cốt lõi của văn hóa dân tộc và chủ trương chấn hưng Phật giáo để củng cố tinh thần dân tộc.

Thứ ba và cũng là thành phần quan trọng nhất trong công cuộc chấn hưng Phật giáo ở miền Trung là giới Tăng sĩ. Dưới sự vận động của Thiền sư Giác Tiên, các Tăng sĩ có tâm huyết với sự tồn vong của Phật giáo như Thiền sư Phước Hậu, Tịnh Hạnh, Mật Khế, Mật Nguyện, Mật Thể, Trí Thủ, Đôn Hậu,… đã tích cực chung tay xây dựng và phát triển Hội An Nam Phật học.

Các sự kiện lan tỏa trên khắp ba miền đất nước

Bắt đầu từ đầu thế kỷ XX, công cuộc chấn hưng Phật giáo đã làm thay đổi rất nhiều về nội dung và hình thức hoạt động của Phật giáo tại Việt Nam. Khởi phát của phong trào bắt đầu ở miền Nam Việt Nam rồi nhanh chóng lan tỏa khắp cả nước và trở thành một phong trào sôi nổi, sâu rộng và toàn diện trên mọi lĩnh vực của đời sống Phật giáo Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử.

Các sự kiện chấn hưng Phật giáo giai đoạn 1945 - 1954

Trong giai đoạn kháng chiến, tỉnh nào cũng thành lập Ủy ban Phật giáo Cứu quốc. Giai đoạn này có nhiều tổ chức được chuyển đổi, thành lập, trong đó có 6 tổ chức lớn nhất tại ba miền, mỗi miền một tổ chức của Tăng sĩ, một tổ chức của Cư sĩ.

- Tại miền Bắc các sự kiện của phong trào chấn hưng Phật giáo tiêu biểu là:

Năm 1949, Hội Phật giáo Bắc Kỳ đổi thành Hội Tăng Ni Chỉnh lý Bắc Việt do thiền sư Tố Liên làm Hội trưởng;

Năm 1950 đổi thành Hội Phật giáo Tăng già Bắc Việt và tôn thiền sư Thích Mật Ứng làm Thiền gia Pháp chủ, ra báo Phương tiện.Thành lập Hội Việt Nam Phật giáo tại chùa Quán Sứ, do cư sĩ Bùi Thiện Cơ làm Hội trưởng.

Ở Hà Nội các thượng tọa Tố Liên, Trí Hải với sự giúp đỡ của một nhóm cư sĩ tận tâm vì Đạo, đã làm cho phong trào chấn hưng Phật Giáo trở nên mạnh mẽ và đem lại một sắc thái mới, chú trọng nhiều về các công tác từ thiện và xã hội, như lập cô nhi viện, tư thục, các cơ quan từ thiện cứu trợ nạn nhân chiến tranh.

- Tại miền Trung các sự kiện của phong trào chấn hưng Phật giáo tiêu biểu là:

Sơn môn Tăng già Trung Việt được thành lập tại chùa Thừa Thiên, do Hòa thượng Thích Tịnh Khiết làm Tùng lâm Pháp chủ.

Sự ra đời của Hội An Nam Phật học đánh dấu bước đi quan trọng trong phong trào chấn hưng Phật giáo tại Trung kỳ mà Huế là trung tâm của cuộc vận động. Trong bối cảnh đất nước rơi vào ách thống trị của chủ nghĩa thực dân cũng như Phật giáo Trung kỳ đang có dấu hiệu mất dần vị thế, Hội An Nam Phật học đã ra đời có những đóng góp vô cùng quan trọng cho phong trào chấn hưng Phật giáo Trung kỳ những năm ba mươi của thế kỷ hai mươi.

Năm 1933, thiền sư Giác Tiên cùng đệ tử là Mật Khế đã khai giảng lớp học “An Nam Phật học đường” đầu tiên tại chùa Vạn Phước (Huế), nhận 50 Tăng sinh chưa thọ Sadi giới vào học.

Đến năm 1935, lớp học thứ hai do thiền sư Giác Tiên và Mật Khế tổ chức tại chùa Trúc Lâm (Huế). Chương trình học được hoạch định làm hai cấp là tiểu học và đại học. Sau khi tốt nghiệp tiểu học, học tăng thụ Sadi giới và đủ điều kiện học lên đại học. Tốt nghiệp đại học, học tăng được thụ Tỷ khiêu giới. Sau khi học xong đại học, học tăng có thể ở lại trường ghi tên vào lớp Tham cứu, lớp học này cũng được tổ chức trong vòng 5 năm. “Điểm tích cực của chương trình này là xây dựng một chương trình đào tạo tăng tài rõ ràng với hai cấp học cho mỗi học tăng, số lượng học phần cụ thể cho mỗi năm, số lượng năm học cho mỗi cấp. Tuy nhiên, hạn chế của chương trình này là chương trình học quá nặng và còn nhiều chỗ chưa hợp lý”.

Ở Huế nhiều vị Tăng già và cư sĩ đã hợp tác sửa sang lại những ngôi chùa đã bị đổ nát do chiến tranh, đứng lên quy tụ những tín đồ và hội hữu đã tản mác vì thời cuộc, lập lại các tỉnh hội, các khuôn hội Phật học và đặc biệt phát triển tổ chức gia đình Phật tử và tổ chức giáo dục thanh, thiếu niên để làm hậu thuẫn cho Phật Giáo ngày mai.

- Tại miền Nam các sự kiện của phong trào chấn hưng Phật giáo tiêu biểu là:

Năm 1951, Giáo hội Tăng già Nam Việt được thành lập, trụ sở tại chùa Ấn Quang, do Hòa thượng Đạt Thanh làm Pháp chủ và Hòa thượng Đạt Từ làm Trị sự trưởng.

Hội Phật học Nam Việt được thành lập, Hội trưởng là cư sĩ Nguyễn Văn Khỏe, trụ sở đầu tiên tại chùa Khánh Hưng, sau xây chùa Xá Lợi làm trụ sở.

Ngoài ra còn một số tổ chức như: Phật học đường Báo Quốc do Hòa thượng Thích Trí Thủ đứng đầu.

Phật học đường Nam Việt quy tụ của bốn Phật học đường lớn nhất khi đó. Ởmiền Nam, các vị Tăng già và cư sĩ thành lập hội Phật học Việt Nam. Mặc dù ở trong những hoàn cảnh cực kỳ khó khăn nhưng các hội nói trên đã phát triển một cách nhanh chóng, mạnh mẽ, được sự tín nhiệm của đồng bào nói chung và nhất là của giới tín đồ Phật tử nói riêng. Trong khoảng vài năm của phong trào chấn hưng Phật giáo, các hội đó đã xây dựng thêm được nhiều tổ chức Hội, mở nhà in, phòng phát thuốc, thư viện, phát hành báo, kinh bằng chữ Quốc ngữ… Đồng thời với các hội nói trên, các giáo hội Tăng già cũng tuần tự được tổ chức có quy củ, tập trung được nhiều vị tăng tài, có thực tu, thực học, đã tạo được tín nhiệm lớn trong hàng Phật tử và quấn chúng tin Phật.

Năm 1951, sáu tổ chức Phật giáo ba miền họp tại Huế thành lập tổ chức thống nhất là Tổng hội Phật giáo Việt Nam, do Hòa thượng Thích Tịnh Khiết làm Hội trưởng, chức Thượng thủ và Giám luật luân chuyển giữa các miền. Đức Đệ nhất Thượng thủ là Hòa thượng Thích Tuệ Tạng ở miền Bắc. Tuy nhiên, Tổng hội chỉ là một tổ chức hình thức, không có quyền điều hành kiểm soát. Mỗi hội vẫn hoạt động riêng biệt. Bên ngoài Tổng hội Phật giáo Việt Nam vẫn còn những tổ chức Phật giáo khác hoạt động.

Tổng hội Phật giáo Việt Nam thời kỳ này là đoàn thể quan trọng nhất của Phật giáo ở Việt Nam, có tổ chức chặt chẽ theo đúng tinh thần của Phật giáo và quy tụ trên một triệu hội viên. Tổng hội Phật giáo Việt Nam cũng là hội viên sáng lập của Tổng hội Phật giáo Thế giới, thành lập năm 1950 tại Columbo và đã cử đại biểu đi tham dự tất cả các khóa họp của Tổng hội Phật giáo Thế giới. Tổng hội Phật giáo Việt Nam gồm các ngành hoạt động sau đây: Hoằng pháp, Giáo dục, Văn mỹ nghệ, Thanh niên, Nghi lễ, Từ thiện xã hội...

Sự ra đời của Tổng hội Phật giáo Việt Nam năm 1951 là đỉnh cao và là sự kết thúc giai đoạn một (1920-1951) trong phong trào chấn hưng Phật giáo ở Việt Nam thế kỷ XX, mở ra một thời kì mới - thời kì mà Phật giáo Việt Nam có sự chuyển hóa về chất trong cuộc tranh đấu bảo vệ sự vẹn toàn của Đạo pháp. Mặc dù, sự thống nhất Phật giáo lần thứ nhất này còn có nhiều hạn chế, song nó đã thực sự tạo nên những nguồn sức mạnh vô cùng lớn lao cho cuộc đấu tranh của Tăng tín đồ Phật tử sau này. Sau gần 20 thế kỷ du nhập và đồng hành cùng dân tộc, đây là lần đầu tiên Phật giáo đồ trong cả nước có chung một mái ấm thực sự và cùng nhau thể hiện những khát vọng của mình. Điều quan trọng hơn là chính từ mái ấm này, đã tạo nên sức mạnh đoàn kết cho Phật giáo Việt Nam vượt qua Pháp nạn năm 1963, tiếp tục khẳng định vị thế của mình trong lòng dân tộc.

Các sự kiện chấn hưng Phật giáo giai đoạn 1954 - 1975

- Tại miền Nam các sự kiện của phong trào chấn hưng Phật giáo tiêu biểu là:

Phật giáo chia làm hai thời kỳ dưới Chính quyền Việt Nam Cộng hoà. Chính quyền Việt Nam Cộng hoà đệ nhất của Tổng thống Ngô Đình Diệm kì thị đạo Phật một cách công khai và quyết liệt. Trong những năm cầm quyền, ông dùng quyền hạn của mình để đàn áp đạo Phật bằng nhiều cách khác nhau.

Phật tử miền Nam Việt Nam đã xuống đường đông đảo ủng hộ Phật giáo ở Huế, Đà Nẵng và Sài Gòn.

Năm 1963, sự kiện nhà sư Thích Quảng Đức tự thiêu để phản đối sự kì thị này đã trở thành một sự kiện lịch sử đặc biệt. Mặc dù có nhiều trở ngại, nhưng Phật pháp thời kỳ này vẫn phát triển. Trong cuốn "Phật Giáo tại Việt Nam", ông Mai Thọ Truyền cho biết lúc ông Diệm lên cầm quyền tại miền Nam là 2.206 ngôi chùa. Dưới thời ông Diệm, số lượng chùa lên đến 4.776 ngôi chùa.

Sang đến thời Việt Nam Cộng Hoà đệ nhị của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, Phật giáo có điều kiện phát triển hơn. Có nhiều phong trào Phật giáo phát triển trong thời kỳ này, cả thân chính quyền lẫn thân Cộng sản. Điển hình là:

- Viện Cao đẳng Phật học được thành lập ngày 13/3/1964, có quyền cấp Cử nhân Phật học, Cao học Phật học và Tiến sĩ Phật học. Bên cạnh đó, Hội Lục hòa Phật tử (Chủ tịch Thích Thiện Hào) được thành lập nằm trong Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam.

- Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất do 11 tông phái và hội Phật giáo thành lập ngày 4/1/1964. Giáo hội hình thành trong cuộc đấu tranh đòi bình đẳng tôn giáo năm 1963 dưới thời Đệ nhất Cộng hòa ở miền Nam Việt Nam.

- Giáo hội Thiền tông Việt Nam được thành lập tháng 11/1964 tại Gia Định.

- Tổng Giáo hội Phật giáo Việt Nam do liên phái Phật Bửu Tự, Bửu Lâm Tự, Bình Hòa Tự, Long Quang Tự, Chơn Đức Tự và Giác Lâm Tự, thành lập tháng 12/1964, tách khỏi Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất.

Ngay từ những năm 1960, Giáo hội Phật giáo tại miền Nam đã có sự rạn nứt trong giới lãnh đạo. Hàng giáo phẩm ngả thành hai khối: "khối Ấn Quang" (gồm 3 đoàn thể) và "khối Việt Nam Quốc Tự" (có 8 đoàn thể).

Khối Ấn Quang (do Thượng tọa Thích Trí Quang và Đại đức Thích Nhất Hạnh lãnh đạo) có khuynh hướng thiên tả nên bị chính quyền Việt Nam Cộng hòa ra sắc luật 23/67 ngày 18 tháng 7 năm 1967 công nhận khối Việt Nam Quốc Tự thay vì khối Ấn Quang.

Khối Ấn Quang từ đó hoạt động mạnh hơn trong việc ủng hộ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam.

Khối Việt Nam Quốc Tự do Hòa thượng Thích Tâm Châu chủ trương thì chọn đường lối đấu tranh ôn hòa hơn.

- Tại miền Trung các sự kiện của phong trào chấn hưng Phật giáo tiêu biểu là:

Vấn đề đầu tiên mà các bậc cao tăng, những vị tu sĩ có tâm huyết với phong trào chấn hưng Phật giáo lo lắng đó là việc “tăng đồ trong nước dần dần sa vào con đường trụy lạc, cờ bạc, rượu chè, đàm trước thanh sắc”.

Số lượng tăng sĩ thiếu học vấn cũng như khá đông các vị thầy chùa, tức là thành phần mang áo tăng sĩ nhưng lại chuyên đi cúng trong dân gian bất kể cúng gì: đám ma, đám chay, cầu an, cúng sao giải hạn… Họ không hiểu hết kinh Phật, không sống theo nếp sống thanh quy của nhà Phật. Hai thành phần này chiếm số lượng hết sức đông đảo, khuynh loát ảnh hưởng của các bậc cao tăng có thực học, thực tu. Chính hai thành phần trên cũng tự họ xa rời và làm cho dân chúng xa rời các bậc chân truyền chính pháp, làm mất uy tín của Phật giáo trong nhân dân. Sự kiện này làm cho những người nhìn xa trông rộng lo âu. Làm thế nào để kết hợp “Chư sơn Tự Tăng” (chỉ các vị xuất gia ở chùa) lại với nhau để có một đường lối phát triển Phật giáo đúng đắn, hợp với quy luật tiến hóa của nhân loại, thứ nữa là phải giải quyết nạn thất học trong tăng giới, nhằm đào tạo một lớp sư tăng trẻ tuổi để những người này trở thành người thông kinh điển nhà Phật.

Để khắc phục những hạn chế trên, Hội An Nam Phật học đã đưa ra một chương trình gồm năm điểm cơ bản sau:

Thứ nhất, thành lập một Hội đồng Giám Luật tại Huế rồi lan ra các tỉnh thuộc Trung kỳ bao gồm những bậc Tăng già tinh thông giới luật để giám sát giới hạn của tăng chúng. Ngoài Ủy ban Trung ương còn có những ban địa phương đặt tại các tỉnh, từ tỉnh xuống đến từng huyện, huyện xuống các chùa. Các vị sư ở chùa làng, chùa tỉnh hay bất cứ chùa nào đều phải chịu sự giám sát của Hội đồng Giám Luật. Hễ khi nào có sự báo cáo về vi phạm giới luật của một tăng sĩ nào đó thì vị giám luật phải thân hành đi đến nơi tra cứu và cuối năm thì trình lên Hội đồng Giám Luật để phán xử.

Thứ hai, tách riêng những tăng sĩ chuyên đi cúng để lập thành Ban Nghi lễ Phật giáo chuyên về khoa ứng cúng và sắp đặt lại những kinh tụng trong các khóa lễ. Những “thầy cúng” này chỉ được mặc áo màu xám năm thân, không được mặc áo tràng, áo nhật bình, áo màu nâu hoặc y màu vàng, họ ở nhà hoặc ở chùa riêng để hành nghề cúng đám chứ không được ở thiền viện hoặc tổ đình - là nơi dành riêng cho tăng sĩ thực thụ mà giới pháp là 10 giới Sa di và 250 giới Tỷ khiêu. Muốn làm thầy cúng thì phải thụ trai tối thiểu từ một đến hai giới.

Thứ ba, mở các đạo tràng và đưa lên thành các trường dạy chữ, kinh, luận, luật,… cho những người thành tâm tu tập thật sự.

Thứ tư, hàng cư sĩ kể cả tân học lẫn cựu học phải hộ pháp bằng cách tham gia vào các đoàn thể để giữ những nhiệm vụ mà một tăng sĩ xuất gia không được làm, vì giới luật không cho phép như làm thủ quỹ để giữ tiền chẳng hạn.

Thứ năm, thỉnh một hội đồng minh chứng gồm bốn đến năm vị cao tăng, có giới luật tinh nghiêm, tuổi đời lớn, hạ lạp cao để chỉ đạo chủ tăng cho đúng đường lối giới luật.

Bên cạnh đó, cư sĩ phải tham dự vào việc chỉnh lí tình trạng tăng sĩ bằng cách: Không nên nhận người phá giới làm tăng sĩ, phá bỏ những điệp quy y thụ giới do các ông thầy tu nói trên cấp cho, công bố sự phạm giới có bằng cớ của các tăng sĩ, bảo hộ và cúng dường các vị tinh nghiêm giới luật, không tham dự vào những công việc không phù hợp với Phật pháp, tham dự vào công việc hoằng dương chính pháp và chỉnh đốn tăng già… Chương trình năm điểm trên đây thật sự đã tạo ra một cuộc cải cách về vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tư cách của tăng đồ trong Phật giáo. Qua đó, hoàn thiện thêm về cơ cấu tổ chức và hoạt động theo một khuôn phép chặt chẽ làm cho Phật giáo ngày càng trở nên tinh anh và tăng cường niềm tin của quần chúng vào đạo hạnh của Phật giáo.

- Tại miền Bắc các sự kiện của phong trào chấn hưng Phật giáo tiêu biểu là:

Miền Bắc bấy giờ là nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, do theo đuổi chủ nghĩa Marx-Lenin nên chính quyền hạn chế hoạt động tín ngưỡng của người dân, kiểm soát chặt chẽ đạo Phật cũng như các tôn giáo khác, kể cả tín ngưỡng thờ tổ tiên của người Việt. Hiện vẫn chưa có nghiên cứu nào chỉ rõ những hậu quả do chính sách này với đạo Phật tại miền Bắc Việt Nam trong giai đoạn này.

Tháng 3 năm 1958, Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam được thành lập, Hòa thượng Thích Trí Độ làm Hội trưởng và giữ chức vụ này liên tục cho đến ngày viên tịch năm 1979. Ông cũng thành lập Trường Tu học Phật pháp Trung ương tại chùa Quảng Bá (Hà Nội) năm 1969, tiền thân của Trường Cao cấp Phật học Việt Nam sau này.

Các sự kiện chấn hưng Phật giáo giai đoạn 1975 – 1981 vđến nay

Thời kỳ này, tại miền Bắc chỉ còn một tổ chức Phật giáo là Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam; còn tại miền Nam, bên cạnh tổ chức lớn nhất là Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất còn có một số tổ chức khác như Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước Thành phố Hồ Chí Minh, Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Khất sĩ Việt Nam, Hội Phật học Nam Việt…

Trước yêu cầu thống nhất Phật giáo cả nước, ngày 12 và 13 tháng 2 năm 1980, chư tôn giáo phẩm tiêu biểu ba miền Bắc, Trung, Nam đã thành lập Ban Vận động Thống nhất Phật giáo Việt Nam do Hòa thượng Thích Trí Thủ đứng đầu nhằm thống nhất các tổ chức.

Sau gần hai năm vận động các hệ phái Phật giáo, kết quả là một tổ chức mang tên Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra đời vào tháng 11 năm 1981 tại chùa Quán Sứ, Hà Nội.

Từ 1981 đến nay, Phật giáo Việt Nam không ngừng phát triển. Hầu hết các tỉnh thành trong cả nước đều có Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Những năm gần đây, nhiều chùa được trùng tu, xây mới, nhiều sự kiện Phật sự được tổ chức, cũng như số lượng khá lớn ấn phẩm về Phật giáo được xuất bản. Việc tổ chức thành công các hoạt động Phật sự trong nước và quốc tế của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã khẳng định vai trò, vị trí ngày càng vững chắc của Phật giáo Việt Nam đối với cộng đồng Phật giáo trên thế giới và góp phần đáng kể cho sự phát triển vững mạnh của Phật giáo Việt Nam.

Thành tựu cơ bản đã đạt được của phong trào chấn hưng Phật giáo

Công cuộc chấn hưng Phật giáo Việt Nam từ thế kỷ XX đã trở thành sự kiện khởi đầu cho một quá trình lâu dài của Phật giáo Việt Nam... và đã đạt được những thành tựu đáng kể.

- Nhiều tạp chí, ấn phẩm Phật giáo ra đời: Từ công cuộc Chấn hưng Phật giáo của sư Khánh Hòa tại miền Nam, sư Phước Huệ tại miền Trung và sư Thanh Hanh tại miền Bắc, nhiều hội Phật học, nhiều trường giảng dạy Phật học được thành lập, nhiều ấn phẩm như sách, báo, tạp chí viết về Phật giáo ra đời từ đây. Một số tạp chí khác cũng xuất bản như Pháp Âm, Quan Âm, Tam Bảo, Tiếng chuông sớm, Duy tâm, Tiến hóa… Một nhà xuất bản là Phật học Tùng thư do ông Đoàn Trung Còn thành lập năm 1932. Giai đoạn này nhiều kinh sách đã được xuất bản như sách Phật giáo Sơ học, Phật giáo vấn đáp, Phật giáo Giáo khoa thư và những kinh bản bằng quốc ngữ như Kim Cương, Pháp Hoa, Lăng Nghiêm…

- Tổ chức lễ Phật đản năm 1935: Hội An Nam Phât học là hội tạo tiếng vang lớn nhất trong phong trào chấn hưng Phật giáo. Lễ Phật đản mà hội tổ chức năm 1935 là một cơ hội thể hiện lực lượng quần chúng đầu tiên của Phật giáo trong thế kỷ XX. Báo chí trong nước đã nói đến ngày đến này trong nhiều số liên tiếp. Trước đó, Hội trưởng Nguyễn Khoa Tân cùng các vị tôn túc đã vận động được vua Bảo Đại và Tam Tôn Cung nhận chức Hội chủ danh dự của hội. Ngự Tiền văn phòng cho biết tin này bằng văn thư 97.BE ngày 20 tháng 4 năm 1935. Vua cúng dường 150 đồng và Khôn Nghi Xương Đức thái thượng hoàng thái hậu cúng dường 100 đồng.

- Về phương diện Phật học, phong trào chấn hưng Phật giáo đã được nhiều kết quả. Sự ra đời của các tổ chức Phật giáo ở cả ba miền và các tỉnh cũng như các tạp chí xuất bản đã làm cho Phật giáo trở nên gần gũi hơn với quần chúng, quy tụ ngày càng nhiều tín đồ Phật tử… Các tổ chức của hội và tạp chí Phật học đã quy tụ được những học giả, nhà văn tha thiết đến nền “quốc học” và tạo niềm hứng thú học Phật ở nhân dân. Tại Hội Phật giáo Bắc Kỳ, nhiều nhân sĩ tham dự vào ban Khảo cứu Phật học, trong đó phải kể đến đó là các vị Nguyễn Văn Tố, Nguyễn Trọng Thuật, Nguyễn Hữu Tiến, Bùi Kỷ, Lê Toại, Lê Dư, Vũ Như Trác, Nguyễn Văn Vĩnh, v.v… Tại tòa soạn Tiếng Chuông Sớm ở chùa Linh Quang (Bà Đá), ta thấy có Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, Trịnh Đình Rư, Mai Đăng Đệ, Nguyễn Mạnh Bổng, Nguyễn Tiến Lãng,… Bên cạnh đó còn cóTrần Trọng Kim, Phan Văn Hùm, Nguyễn An Ninh…

- Về đào tạo tăng tài, ở ba miền nhìn chung còn hiều hạn chế, dù ở ba miền đếu có tổ chức các lớp sơ cấp, trung cấp và cao cấp Phật học cho tăng ni, bên cạnh đó còn triệu tập tăng ni các chùa về học trong những tháng kết hạ, v.v… Tuy nhiên, trong khoảng 1945-1975, những vị tăng ni được đào tạo trong thời kỳ chấn hưng Phật giáo đều có những đóng góp tích cực trong mọi lĩnh vực hoạt động của Phật giáo Việt Nam…

- Về phương diện văn hóa, phong trào chấn hung Phật giáo đã góp phần đáng kể trong việc xác định yếu tố Phật giáo là một trong những yếu tố căn bản làm nền tảng cho văn hóa tư tưởng Việt Nam. Phạm Quỳnh trong dịp viếng thăm hai Phật học đường Báo Quốc và Tường Vân ngày 29 tháng 5 năm 1937 đã nói với tăng ni sinh những lời sau đây: “Cái tinh thần Việt Nam của chúng ta đây tất phải nhờ các học thuyết tạo thành, mà xét về đức dục thì một phần lớn là do công nghệ của Phật học. Phật học đã có ảnh hưởng về luân lý, đạo đức trong dân tộc ta như vậy, thì ai là người muốn bảo tồn tinh thần dân tộc Việt Nam tất phải tán thành cho Phật học”. Phạm Quỳnh là một trong những học giả tha thiết về vấn đề “quốc học” thời bấy giờ.

- Đưa Phật học vào giáo dục thanh thiếu niên: Những năm 1940 trở đi, các hội Phật giáo chú trọng đặc biệt đến giáo dục thanh thiếu niên, nhất là ở Trung kỳ. Hội An Nam Phật học mở lớp đặc biệt dạy Phật học, Lão học và Khổng học cho thanh niên, sau đó Đoàn thanh niên Phật học Đức Dục được thành lập. Dưới sự hướng dẫn của bác sĩ Lê Đình Thám, vừa có tân học, vừa vững chãi về Phật học. Đoàn thanh niên này tiến bộ rất nhanh. Đến đầu năm 1942, báo Viên âm được giao lại cho Đoàn thanh niên Phật học Đức Dục biên tập. Và tờ Viên âm trở thành một tập san gần như của toàn giới trẻ tân học thời bấy giờ. Từ phong trào đó, các hội Phật giáo ở Việt Nam đều xác định rằng đưa Phật học vào giáo dục cho giới trẻ là một trong những thành công lớn nhất của phong trào chấn hưng Phật giáo thế kỷ XX.

Kết luận

Phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam thế kỷ XX đã củng cố và tạo dựng một nền tảng vững chắc cho sự phát triển của Phật giáo Việt Nam không chỉ trong hiện tại mà còn để lại những bài học kinh nghiệm quý báu cho sự phát triển Phật giáo trong tương lai. Đó là sự trưởng thành về tổ chức. Phong trào chấn hưng Phật giáo đã xây dựng được một số cơ sở đào tạo gọi là Phật học đường để đào tạo bồi dưỡng tăng ni một cách có hệ thống và có quy củ ở cả ba miền. Trên một phương diện khác, phong trào chấn hưng Phật giáo có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng không chỉ trong giới Phật giáo mà còn đối với cả đời sống xã hội của các tầng lớp nhân dân. Chấn hưng Phật giáo đã đưa Phật giáo trở lại đúng vị trí, vai trò của Phật giáo trong lòng dân tộc Việt Nam và là bước chuẩn bị để Phật giáo Việt Nam tiếp tục vững vàng đồng hành “Hộ quốc an dân” cùng dân tộc. Từ những ý nghĩa đó, phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam được ví như một cuộc cách mạng ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự chuyển biến tích cực và phát triển của Phật giáo trong đời sống xã hội Việt Nam. Đến nay, Phật giáo đã trở thành một trong những tôn giáo lớn của dân tộc, có đội ngũ tăng ni, Phật tử đông đảo nhất cả nước. Những kết quả và tinh thần đó cũng chính là nền tảng cơ bản cho Phật giáo tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí vững chắc trong lòng dân tộc Việt Nam và là thành viên tích cực của các tổ chức vì hòa bình trên thế giới hướng tới lợi ích mang tính toàn cầu...

 


* Phó Tổng Thư ký, Chánh văn phòng, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 20
    • Số lượt truy cập : 6952389