MỘT VÀI SUY NGHĨ VỀ ĐÀO TẠO TĂNG TÀI HIỆN NAY
PGS.TS. LÊ CUNG*
Bài học rút ra cho hoạt động đào tạo tăng tài ngày nay, đòi hỏi cấp lãnh đạo các học viện, các trường cao đẳng, trung cấp Phật học phải là những tăng sĩ không chỉ trí tuệ, mà cần phải có đạo hạnh, kinh nghiệm cùng nhiệt huyết...
Nghiên cứu phong trào chấn hưng Phật giáo khởi diễn từ đầu những năm 30 của thế kỷ trước, ở lĩnh vực đào tạo Tăng tài, rất ít các nhà nghiên cứu đề cập đến Phật học viện Trung Phần tại Nha Trang mà chỉ chú ý nhiều đến Liên đoàn Phật học xã (1933), Phật học đường Lưỡng Xuyên (1934), Phật học đường Nam Việt (1951),... ở miền Nam; Phật học viện Báo Quốc, Cao đẳng Phật học đường Kim Sơn,... ở miền Trung; Tăng học đường Quán Sứ, Phật học đường Băng Sở,... ở miền Bắc. Điều này dễ hiểu là vì Phật học viện Trung Phần tại Nha Trang không ra đời từ những ngày đầu của phong trào chấn hưng mà nó là kết quả và là sự tiếp nối phong trào này trong hoạt động đào tạo tăng tài khi đất nước qua phân (1954 - 1975). Nhưng phải khách quan mà khẳng định rằng Phật học viện Trung Phần tại Nha Trang ra đời và hoạt động chỉ trong một thời gian ngắn ngủi 20 năm (1956 - 1975), nhưng đã ghi một dấu ấn quan trọng trong việc đào tạo tăng tài trong phong trào chấn hưng Phật giáo, đáng để cho chúng ta suy ngẫm, từ đó rút ra một số suy nghĩ về việc giáo dục và đào tạo tăng tài hiện nay và trong tương lai.
Sự thành lập Phật học viện Trung Phần tại Nha Trang
Như chúng ta đều biết, một trong những nhiệm vụ trọng tâm, mang tính cấp bách của công cuộc chấn hưng Phật giáo là vấn đề đào tạo tăng tài. Về ý nghĩa này, Hòa thượng Thích Tịnh Khiết, Đệ nhất Tăng thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, khi còn là Pháp chủ Giáo hội Tăng già Trung Phần, đã khẳng định: “Đào tạo Tăng tài là trước hết các Phật sự”1. Trong Diễn từ đọc vào dịp lễ mãn khoá niên học 1955, Ban Giám đốc Phật học đường Nam Phần Trung Việt (tại Nha Trang) nhấn mạnh đến lời dạy của Đức Pháp chủ: “Đoàn thể chúng ta không quan niệm và thực hiện được lời dạy chí thiết ấy thì dù chúng ta có làm mọi Phật sự khác qui mô đến đâu rồi cũng thấy thiếu căn bản; và một khi những sự kiện căn bản đã thiếu thì khó mong có sự nghiệp gì trường tồn vĩnh cửu được”2.
Trong bối cảnh lịch sử sau Hiệp định Genève (21-7-1954), đất nước tạm thời chia làm hai miền và hai năm sau sẽ tổ chức tổng tuyển cử thống nhất đất nước, thế nhưng chính quyền Ngô Đình Diệm đã phản bội, cự tuyệt hiệp thương tổng tuyển cử. Vì vậy, Huế tuy là “thủ đô” của Phật giáo Việt Nam nhưng vị trí địa lý không còn là trung tâm của miền Trung nhìn từ vĩ tuyến 17 trở vào. Về phía Phật giáo, để tiếp tục công cuộc chấn hưng, việc duy trì hai hệ thống Phật học đường một thuộc Giáo hội Tăng già và một thuộc Hội Phật học Trung Việt, không còn thích hợp, “vấp phải những thử thách không nhỏ”3. Vì vậy, năm 1956, Tổng Hội đồng của Giáo hội Tăng già và Hội Phật học Trung Việt “đều xác nhận cần phải tăng cường mục đích đào tạo tăng tài mà tiền bối đã theo đuổi, nên quyết định thống nhất tất cả cơ sở Phật học đường của Phật giáo Trung Việt4,... thành 1 cơ quan Phật học viện... Phật học viện, cơ quan chánh sẽ đặt tại Nha Trang. Cơ quan chánh này sẽ tập trung tất cả học tăng cấp bực trung đẳng và cao đẳng, đồng thời sẽ làm Đại Tòng Lâm vĩnh viễn cho các vị đã nguyện hiến mình trọn vẹn cho công việc chung. Ngoài cơ quan chính này ra, Phật học viện sẽ thiết lập chung quanh có một hay hai trường Ni và nhiều chi nhánh sơ đẳng tại các tỉnh, quan trọng nhất vẫn là chi nhánh Huế. Hết thảy chi nhánh này đều phụ thuộc Phật học viện về mọi phương diện”5.
Xác định thành phố biển Nha Trang là địa điểm lý tưởng cho việc xây dựng Phật học viện, thích hợp cho sự lan toả “ánh đạo vàng” cả miền Trung, miền Nam và Tây Nguyên. Mặt khác, “Trung ương Phật giáo Việt Nam tại Trung Phần, cả Giáo hội lẫn Hội Phật học đều đặt tại Huế, là kinh đô Phật giáo Trung Phần. Trung ương Tổng hội Phật giáo Việt Nam toàn quốc đặt tại thủ đô Sài Gòn. Trong khi hai cấp Trung ương: Trung ương toàn quốc và Trung ương cấp Phần đều không thể thiên di đi nơi khác được, thì Học viện ở Nha Trang chính là gạch nối giữa hai cơ quan trên.
Cả hai cái thế ấy đã tạo cho Phật học viện Nha Trang một trụ đứng đặc biệt để dễ phát triển trong hiện tại và tương lai”6.
Có một điều trùng lặp lý thú là khi hai Tổng Trị sự đang tìm kiếm địa điểm thì gặp được đại nguyện của Hòa thượng Phước Huệ, trụ trì Tổ đình Hải Đức, Nha Trang hiến cúng ngôi Tổ đình này và toàn bộ đất đai của chùa Hải Đức cho việc xây dựng một trung tâm đào tạo tăng tài. Văn bản “Tình nguyện cúng chùa” ký ngày 26-7-1956, Điều 1 ghi rõ: “Chúng tôi, chủ chùa, môn đồ và bổn đạo của chùa Hải Đức thành tâm nguyện cúng ngôi chùa tư cho hai Tập đoàn Phật giáo Trung Việt thống thuộc Tổng hội Phật giáo Việt Nam để đặt Phật học viện tại đó với mục đích đào tạo tăng tài, tiếp dẫn hậu lai, báo Phật ân đức”7. Trong Diễn từ tại Lễ Khánh thành Phật học viện Trung Phần ngày Mồng Tám tháng Chạp năm Bính Thân (8-1-1957), 2 Ban Tổng Trị sự Phật giáo Trung Phần đánh giá cao đại nguyện của Hòa thượng Phước Huệ: “Chúng tôi lại có bổn phận tách riêng trong ân đức đối với Phật học viện, mà ghi chú ở đây, thiện nguyện của Hòa thượng Phước Huệ, môn đồ và bổn đạo của Ngài. Sau khi Phật học viện thành lập, trong một trường hợp hy hữu, Ngài, môn đồ và bổn đạo của Ngài đã cúng ngôi chùa Hải Đức này cho chúng tôi để góp sức với chúng tôi trong đại nguyện chung. Chúng tôi tách riêng ân đức ấy và đặc biệt đề cao nó ở đây”8. Đây là một cử chỉ vô cùng cao đẹp. “Chỉ một cử chỉ ấy thôi cũng đủ biện minh cho suốt một đời tu hành xả kỷ của Ngài: không bỉ thử, không ngã nhơn. Đối với Ngài, chỉ có Đạo pháp ngày mai mới thật quan trọng”9.
Từ bối cảnh lịch sử và tiền đề đã nêu, sự thành lập Phật học viện Trung Phần tại Nha Trang, mà trụ sở đạt tại chùa chùa Hải Đức, Nha Trang, được xem là tất yếu.
Phật học viện Trung Phần tại Nha Trang thành lập trên cơ sở hợp nhất giữa Phật học đường Báo Quốc (Huế) và Phật học đường Tổng hội Việt Nam Phật học tại Nha Trang (Tăng học đường Nha Trang). Đây chính là hai cơ sở tiền thân của Phật học viện Trung Phần tại Nha Trang.
Phật học đường Báo Quốc (Huế)10 được Hội An Nam Phật học thành lập năm 1935, Thượng toạ Thích Trí Độ làm Đốc giáo, với sự trợ lực tích cực của Bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám, Hội trưởng Hội An Nam Phật học. Đến năm 1943, Phật học đường chuyển lên chùa Kim Sơn, làng Lựu Bảo (cách thành phố Huế khoảng 10 cây số về phía Tây), bấy giờ thuộc địa phận huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên, lấy tên là Cao đẳng Phật học đường Kim Sơn. Tuy nhiên, không bao lâu trường gặp khó khăn do nạn đói năm 1945 hoành hành, nên đến năm 1947, trường lại dời về chốn cũ lấy lại danh xưng cũ: Phật học đường Báo Quốc, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Giáo hội Tăng già Trung Việt, do Thượng toạ Thích Trí Thủ làm Giám đốc kiêm Đốc giáo. Theo Nguyễn Lang, “Phật học đường Báo Quốc do thiền sư Trí Thủ chủ trì là một đạo tràng rất hưng thịnh. Từ năm 1952 trở đi, Phật học đường này đã thu nạp nhiều học tăng từ Hà Nội và Sài Gòn gửi tới,...”11.
Phật học đường Tổng hội Việt Nam Phật học tại Nha Trang (Tăng Học Đường Nha Trang) thành lập năm 1952, dưới sự lãnh đạo của Hội Phật giáo Trung Việt, hậu thân của Hội An Nam Phật học. “Phật học đường của Tổng hội tại Nam Phần Trung Việt... thành lập để tiếp tục công việc đào tạo tăng tài của Đại học viện Kim Sơn”. Trường khai giảng khai giảng vào ngày 19-10-1952, nguyên đóng tại tầng lầu Trung học Bồ Đề Nha Trang cạnh chùa Long Sơn. Trong Diễn từ đọc trong dịp lễ mãn khoá niên học 1955, Ban Giám đốc khẳng định: “Phật học đường Nha Trang là đứa con chính thống thừa tự đạo nghiệp của Đại học đường Kim Sơn truyền lại”12.
Cho đến niên khoá cuối cùng (1955-1956), trước lúc hợp nhất với Phật học đường Báo Quốc, để trở thành Phật học viện Trung Phần tại Nha Trang, Ban Giám đốc Phật học đường Tổng hội Việt Nam Phật học tại Nha Trang được củng cố và kiện toàn gồm:
Cố vấn: Thượng toạ Thích Thiện Minh.
Giám đốc: Thượng toạ Thích Huyền Quang.
Phó Giám đốc: Thượng toạ Thích Trí Thủ
Đốc giáo: Thượng toạ Thích Thiện Siêu.
Trên cở sở Phật học viện Bảo Quốc và Tăng Học Đường Nha Trang như đã đề cập, Phật học viện Trung Phần tại Nha Trang được thành lập. Ngày Mồng Tám tháng Chạp năm Bính Thân (8-1-1957), ngày kỷ niệm Thành đạo của Đức Bổn Sư, Phật học viện Trung Phần tại Nha Trang tổ chức lễ khánh thành và chính thức đi vào hoạt động với trụ sở là chùa Hải Đức, Nha Trang.
Mục đích và tôn chỉ của Phật học viện
- Về mục đích. Như lịch sử đã chỉ rõ: “Tăng bảo là hiện thân cụ thể cho tinh thần vô thượng của đạo Phật. Tăng bảo còn, Phật giáo còn; Tăng bảo bị suy đốn thì Phật giáo bị bại vong”13. Thật vậy, tương lai Phật giáo mờ nhạt hay tỏ rạng là do Tăng giới. Tăng giới đóng vai trò quyết định chủ yếu vì Tăng giới thay Phật đẩy Chánh pháp giữa cõi Ta bà. Do vậy, đối với Tăng giới trách nhiệm hết sức nặng nề. “Nặng nề vì cùng một lúc, nó đòi hỏi quá nhiều điều kiện: Giới hạnh nghiêm túc, học vấn quảng bá, tinh thần mềm dẻo, ý chí hùng dũng, an nhiên bình thản khi an cũng như lúc nguy, không hề chấp cũng như không hề vọng cầu, lấy việc độ sanh làm sự nghiệp, lấy hạnh phúc chúng sanh làm lẽ sống duy nhất cho đời sống chân thật”14.
Do trách nhiệm nặng nề như đã nêu nên Ban Quản trị Phật học viện Trung Phần tại Nha Trang xác định: “Mục đích của Phật học viện là đào tạo Tăng tài để hoằng pháp lợi sanh... Mọi hoạt động của Phật học viện đều phải hướng đến mục tiêu duy nhất là lo cho học tăng đầy đủ cả hai phương diện tinh thần và thể xác, hầu mong đào tạo cho họ trở thành những vị Tăng già đầy đủ đức hạnh và tài năng để họ trở lại phục vụ Đạo Pháp một cách đắc lực”15.
Từ mục đích đó, Ban Quản trị xác định ba điều cốt tử, coi đó như là tôn chỉ của Phật học viện mà mọi học Tăng khi ngồi trên giảng đường Phật học viện cũng như về sau trên con đường hành đạo phải thường xuyên ghi lấy và thực hiện:
“I. Nhận thức bổn phận và sự nghiệp: Không có cá nhân tranh thắng, chỉ có vấn đề Đạo pháp trường tồn”.
II. Đối với tín đồ: Tín đồ là tất cả chúng sinh. Khả năng của tín đồ là một lực lượng vô biên để phát huy Chánh pháp”.
III. Nhận thức hoàn cảnh: Hoàn cảnh khách quan giúp cho tổ chức chúng ta phát triển có thuận, nghịch khác nhau; nhưng đường lối chủ quan mà Chánh pháp đã dạy là phải giải cứu tất cả đau khổ của chúng sanh và không phân biệt oan thân”16.
Cơ cấu tổ chức và chương trình đào tạo của Phật học viện
- Về cơ cấu tổ chức, ngay sau khi giao nhận chùa Hải Đức vào ngày Rằm tháng Tám năm Bính Thân (19-9-1956), hai Tổng Trị sự quyết định thành lập Ban Quản trị Phật học viện gồm:
Viện trưởng: Hòa thượng Thích Giác Nhiên
Phó Viện trưởng: Thượng toạ Thích Trí Quang
Giám viện: Thượng toạ Thích Trí Thủ
Giáo thọ trưởng: Thượng toạ Thích Thiện Siêu
Tổng Thư ký: Thượng toạ Thích Huyền Quang
Việc hình thành Ban Quản trị trên đây xuất phát từ việc “Phật học viện đặt cho mình cái trọng trách đào tạo những vị tăng già đảm nhận công việc hoằng pháp” mà “ngày nay thời công việc hoằng pháp không phải chỉ có diễn giảng, cũng không phải chỉ trước thuật sách báo; cạnh khía thiết yếu của việc hoằng pháp còn phải nhìn vào các trường tư thục Bồ Đề, nhìn vào đoàn thanh niên Phật tử, nhìn vào quần chúng cơ sở là các Khuôn, nhìn vào vai trò lãnh đạo, sau hết, quan trọng nhất là phải giữ vững tôn chỉ thuần tuý của Đạo Pháp và xây dựng cho tín đồ một nhận thức, một bản lãnh và nếp sống đúng với tôn chỉ đó”. Chính tầm quan trọng đó, “hai Ban Tổng Trị sự Phật giáo Trung Việt đã cung nghinh Ngài Hòa thượng Giác Nhiên làm Viện trưởng và phụ tá Ngài trong sự điều khiển Phật học viện là một số các vị giảng sư đủ mặt những người mà danh sách ai cũng biết và hiện đang nắm giữ vận mạng Phật giáo Trung Việt qua chính hai Ban Tổng Trị sự”17.
Về chương trình đào tạo, toàn viện chia làm ba khối: Khối Tỳ kheo, khối Sa di và khối Điệu; Chương trình đào tạo cho cả ba khối bao gồm cả nội điển và ngoại điển. Phần nội điển gồm Kinh, Luật, Luận, lịch sử Phật giáo,... Đây là nội dung đào tạo chính. Về ngoại điển gồm có Việt văn và các môn giáo khoa căn bản. Về sinh ngữ có Anh, Pháp. Về cổ ngữ có Hán, Sancrit và Pali. Riêng ba tháng an cư, học tăng chỉ chuyên tâm tu tập và trau dồi nội điển.
Tuy vậy, tuỳ theo khối mà chương trình học tập18 được thực hiện ở mức độ khác nhau. Khối Tỳ kheo do Thượng toạ Giáo thọ trưởng và Thượng toạ Giám Viện trực tiếp giảng dạy, gồm Kinh học, Luật học, Luận học, Duy thức, Nhân minh,... Soạn đề tài để thuyết giảng, thuyết trình, tham khảo lịch sử Phật giáo trong nước, nước ngoài, văn học Phật giáo thời Lý, Trần... do học giả Cao Hữu Đính phụ trách. Về sau có thêm thi sĩ Quách Tấn, cụ Chơn An Lê Văn Định dạy Hán Nôm, Tứ thư, Ngũ kinh. Đại đức Thích Nhất Hạnh, Đại đức Thích Thiện Châu thuyết giảng các đề tài tu tập, thiền định, kinh nghiệm thuyết giảng. Song song với việc học tập, tu tập tại Phật học viện, các Tỳ kheo theo học các lớp tại trường Trung học tư thục Bồ Đề hay các trường trung học thế đời. Một nội dung khác không kém phần quan trọng là các Tỳ kheo còn phải tham gia thực tế tại các Chi hội, Khuôn hội hay Tỉnh hội khắp miền Trung vào các ngày lễ, vía lớn trong năm để thuyết giảng, hướng dẫn Phật tử thọ Bát Quan Trai, sinh hoạt đoàn thể.... Hoạt động này nằm trong chương trình học tập, giúp học tăng hiện thực hoá những kiến thức mà mình đã lĩnh hội được từ Phật học viện.
Khối Sa di học chương trình Kinh, Luật, Luận thấp hơn khối Tỳ kheo một bậc, không đi sâu vào nghĩa lý khúc chiết. Phần lớn Giáo thọ giảng dạy khối Tỳ kheo phụ trách giảng dạy khối này. Đặc biệt, Thượng toạ Giáo thọ trưởng Thích Thiện Siêu cắt cử một số học tăng thuộc khối Tỳ kheo dạy một số giờ ở khối Sa di và khối Điệu,... Việc học tập, thực hành, đi thực tế cũng giống như khối Tỳ kheo nhưng mang tính chọn lọc nhiều hơn.
Khối hành Điệu, phần lớn có bằng Tiểu học hoặc trình độ lớp Đệ thất, Đệ lục (lớp Sáu, lớp Bảy ngày nay). Chương trình Phật học giống như chương trình Tiểu học nhị niên của Tăng học đường Nha Trang trước đây. Đó là các môn Luật Sa di, Di giáo, Tứ thập nhị chương, Phật học giáo khoa thư, Kinh sách, Duy thức giản dị - thêm vào các món thường thức như dịch thuật, soạn bài, tập giảng, v.v...19. Phụ trách giảng dạy phần lớn là các học tăng của khối Tỳ kheo, một số ít hơn trong khối Sa di. Hầu hết các Điệu đều học ở Trường Tư thục Bồ Đề hay các trường trung học thế đời .
Thời gian đào tạo ở Phật học viện nếu tính từ khối Điệu đến khối Tỳ kheo được quy định là 10 năm trước lúc tốt nghiệp, gồm ba cấp: tiểu học, trung học và đại học, trong đó một năm dự bị, ba năm tiểu học, ba năm trung học và ba năm đại học. Muốn vào dự bị, học tăng phải đủ 15 tuổi trở lên và phải có bằng tiểu học ngoài đời. Và khi tốt nghiệp Đại học Phật giáo, trình độ ngoại điển của học tăng ít nhất là tương đương với tú tài thế đời trở lên.
Ngành đào tạo
Phật học viện Trung Phần tại Nha Trang có năm ngành đào tạo:
- Ngành Giáo thọ. Tốt nghiệp ngành giáo thọ phải là những học tăng tinh thông nội điển nhằm đảm nhận việc giảng dạy giáo lý cho các lớp từ tiểu học, trung học và đại học Phật giáo hay được bổ nhiệm làm giảng sư tại các chi nhánh của Phật học viện. Học tăng tốt nghiệp ngành này còn có nhiệm vụ nghiên cứu, dịch thuật, trước tác để xuất bản sách báo Phật giáo. Ngành này tương đương với ngành giáo sư tại các trường trung học, đại học và được xem là ngành trọng yếu nhất của Phật học viện.
- Ngành Trụ trì. Tốt nghiệp ngành trụ trì là những học tăng thông thạo nghi lễ, có năng lực hành chánh và tổ chức, thường trú tại các tự viện, các chùa Hội quán Tỉnh, Chi, Khuôn hội để hướng dẫn các buổi lễ và điều hành Phật sự tổng quát tại địa phương với tư cách là đại diện chính thức của chùa Phật giáo địa phương, đối nội cũng như đối ngoại. Trú trì có thể kiêm luôn trách nhiệm giảng sư, nếu tại địa phương đó chưa có.
- Ngành Giảng sư. Tốt nghiệp ngành Giảng sư, học tăng chuyên giảng dạy Phật pháp cho các tầng lớp tín đồ từ thành thị đến thôn quê, giúp họ nắm bắt được giáo lý căn bản Phật giáo để tu học, trở thành người hữu dụng cho xã hội và gia đình. Để đảm nhiệm giảng dạy khác với trụ trì, giảng sư thường xuyên lưu động.
- Ngành Giáo sư tư thục. Tốt nghiệp ngành Giáo sư tư thục, học tăng đảm nhiệm việc giảng dạy không chỉ giáo lý mà còn một số môn ngoại điển (tuỳ theo khả năng) tại các trường tư thục Phật giáo. Ngoài ra, ngành này còn hợp lực với Ban Giáo thọ để xuất bản sách báo Phật giáo.
- Ngành Kinh tài. Nhằm có phương tiện tối thiểu để tu học và kiến thiết thêm trường ốc, Phật học viện cần phải có một kế hoạch sinh tài phụ thêm. Vì vậy, ngành Kinh tài được thành lập. Đảm nhận ngành này phải là những học tăng có sáng kiến, có tài thế thiệp và được đào tạo riêng về chuyên môn trong các lãnh vực sản xuất, kinh doanh. Các cơ sở kinh tài của Phật học viện gồm có Nhà Xuất bản Liên Hoa, nhà in Hoa Sen, hãng vị trai Lá Bồ Đề, Hương Giải Thoát, xưởng sản xuất đèn sáp Giác Ngộ, thuốc tẩy Phiền não, xà phòng Chân Như,... Phần lớn các cơ sở kinh tài này đều hoạt động ở Nha Trang và Huế20.
Ngoài ra, từ năm 1958, Phật học viện cho xây dựng Thư viện nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho học tăng trong nghiên cứu và học tập. Có thể thấy một phần nào về ý nghĩa của thư viện đối với hoạt động học tập và nghiên cứu của học tăng qua đoạn hồi ký sau: “Một điều thú vị là Phật học viện Nha Trang có thư viện lớn. Trong thư viện có đủ sách về nghiên cứu Phật học, văn học, truyện cổ Phật giáo, truyện Tàu, các sách văn học hiện đại... tiếng Việt , tiếng Anh, Pháp và chữ nho. Nhưng với đầu óc tuổi mới lớn, tôi say mê đọc các sách về tiền thân Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, sách về truyện Tàu như: Đông Châu Liệt Quốc, Tam Quốc Diễn Nghĩa, Thuỷ Hử, Phong Thần, Tây Du Ký ..., sách của Tự lực Văn đoàn như Nửa chừng xuân, Đoạn tuyệt, Hồn bướm mơ tiên, Tiêu sơn tráng sĩ, vì loại sách này nằm trong chương trình phổ thông đang dạy học tại các trường lúc bấy giờ”21.
Chi nhánh Phật Học Viện
Phật học viện Trung Phần tại Nha Trang có 3 chi nhánh đặt tại Huế, Đà Nẵng và Sài Gòn.
- Chi nhánh Phật học viện Báo Quốc tại Huế. Chi nhánh này có số học tăng đông, chương trình cả nội điển và ngoại điển. Tại chi nhánh này, nguyên có trường Trung học Tư thục Bồ Đề Hàm Long do Giáo hội Tăng già quản lý. Từ khi Phật học đường Báo Quốc trở thành chi nhánh của Phật học viện Trung Phần, Trường Trung học Tư thục Bồ Đề Hàm Long cũng đặt dưới sự quản lý của Phật học viện.
- Chi nhánh Phật học viện Phổ Đà tại Đà Nẵng. Chi nhánh này, số học tăng không đông, chỉ chuyên đào tạo nội điển, có thêm một số giờ bổ túc về Quốc văn và Sinh ngữ. Chi nhánh này chính thức khai giảng ngày 19-2 Phật lịch 2504 (1960), cơ sở đặt tại chùa Phổ Đà22 do Hội Phật học Đà thành cúng cho Phật học viện từ năm 1957.
Cả hai chi nhánh Báo Quốc và Phổ Đà đều cùng mục đích là đào tạo và tuyển chọn học tăng của Phật học viện Trung Phần. Những học tăng nào sau khi hoàn tất khoá học tại hai chi nhánh này, có trình độ loại khá sẽ được chuyển vào Phật học viện tại Trung Phần tại Nha Trang để tiếp tục đào tạo, trước khi được phân phối theo khả năng đi phụ trách hoằng pháp tại các địa phương.
- Chi nhánh Tu viện Quảng Hương Già Lam. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho học tăng có nơi học tập và tu niệm sau khi tốt nghiệp Phật học viện Trung Phần vào Sài Gòn tiếp tục học lên bậc học cao hơn, được sự uỷ quyền của Ban Quản trị Phật học viện Trung Phần tại Nha Trang, Thượng toạ Thích Trí Thủ, Giám viện Phật học viện “đã mua một sở đất rộng rãi tại xóm Gà Gia Định để xây cất một ký túc xá dành cho những học tăng ấy”23. Sau đó phát triển thành Tu viện Quảng Hương Già Lam. Tu viện chính thức mở cửa đón học tăng đến nhập chúng tu học từ năm 1962. Các học tăng tại đây, hoặc theo học Trường Cao đẳng Phật học Pháp Hội, sau này là Viện Đại học Vạn Hạnh; hoặc theo học các ngành như Y Dược, Luật khoa, Kiến trúc, Văn chương,... của các đại học thế gian.
Ngoài ba chi nhánh trên đây, Phật học viện Trung Phần tại Nha Trang còn có ba Ni viện trực thuộc: Ni viện Diệu Quang tại Nha Trang, Ni viện Bảo Quang tại Đà Nẵng và Ni viện Diệu Đức tại Huế.
Song song với hoạt động giáo dục đào tạo, Phật học viện còn đặc biệt tổ chức các đại giới đàn. Đại giới đàn lần thứ nhất diễn ra trong ba ngày 7, 8, 9 tháng Chạp năm Bính Thân (nhằm 7, 8, 9 tháng 1-1957 ); Đại giới đàn lần thứ hai diễn ra trong ba ngày 17, 18, 19 tháng Sáu năm Mậu Thân (nhằm này 12, 13, 14 tháng 7-1968; Đại Giới đàn lần thứ ba lấy tên là Đại giới đàn Phước Huệ diễn ra trong ba ngày 19, 20, 21 tháng 9 năm Quý Sửu (nhằm ngày 14, 15, 16 tháng 10-1973)
Phật học viện Trung Phần tại Nha Trang chuyển thành Viện Cao đẳng Phật học Hải Đức, Nha Trang
Nhằm tiến đến thành lập một Đại học Phật giáo tại Nha Trang đúng như kế hoạch đề ra ban đầu của Ban Quản trị Phật học viện; đồng thời căn cứ vào sự phát triển của Phật học viện Trung Phần tại Nha Trang, ngày 28-11-1974, Tổng Vụ Giáo dục, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất ra quyết định thành lập Viện Cao đẳng Phật học Hải Đức, Nha Trang trên cơ sở Phật học viện Trung Phần tại Nha Trang. Thành phần Ban Giám viện gồm:
Viện trưởng: Thượng toạ Thích Thiện Siêu
Phó Viện trưởng kiêm Trưởng Ban Kinh tế tự túc của Viện: Thích Đổng Minh
Học vụ kiêm Thư ký: Đại đức Thích Tuệ Sỹ
Trị sự: Đại đức Thích Trừng San
Quản chúng: Đại đức Thích Phước Châu
Thủ thư, phụ tá học vụ: Đại đức Thích Phước An
Về ý nghĩa sự thành lập Viện Cao đẳng Phật học Nha Trang, Diễn văn khai mạc Lễ nhậm chức Viện trưởng Viện Cao đẳng Phật học Hải Đức, Nha Trang của Thượng toạ Thích Minh Châu, Tổng Vụ trưởng Tổng vụ Giáo dục ngày 28-11-1974 khẳng định: “Với sự thành lập Viện Cao đẳng Phật học Hải Đức Nha Trang này, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất có được hai Viện Cao đẳng Phật học, hai cơ sở giáo dục Phật giáo thượng thặng nhất Việt Nam”24.
Với Viện Cao đẳng Phật học, đòi hỏi tăng sinh phải được thông quán, đi sâu vào ba tạng kinh điển và thiền học của các hệ phái Phật giáo: “Chương trình giảng huấn phải như thế nào để tăng sinh phải thấu hiểu Phật giáo nguyên thuỷ, Phật giáo các Học phái và Phật giáo Đại thừa, không phải thấu hiểu những tổng quát đại cương về triết thuyết, lịch sử, phương pháp hành trì, mà còn phải đi sâu vào những chuyên ban Kinh học, Luật học, Luận học, Thiền học của từng học phái”25.
Ngoài Kinh, Luật, Luận là chủ yếu, Ban Giám Viện chủ trương nâng cao sinh ngữ, cổ ngữ và một số môn ngoại điển cho học tăng, như Sancrit, Pali, Hán cổ, Anh ngữ, Nhật ngữ, Văn học, Sử học, Triết học, Sử Phật giáo, Văn học Phật giáo, Nghi lễ, Diễn giảng,... Chủ trương này của Viện Cao đẳng Phật học Hải Đức Nha Trang được tỏ rõ trong Diễn từ nhậm chức Viện trưởng của Thượng toạ Thích Thiện Siêu: “Bên cạnh công phu nghiên tầm nội điển, tăng sinh còn cần có những kiến thức bao trùm các ngành văn hoá, dù kiến thức đại cương nhưng không thể không có, mà có thể đáp ứng được thời cơ, vận dụng khả năng hoằng pháp vào mọi trường hợp, để chuyển hướng lòng người về đường giác ngộ. Ngày xưa Đức Phật đã từng dùng bốn tất đàn trong việc hoá đạo, nên Ngài đã nhiếp hoá được mọi người, đủ mọi trình độ. Ngày nay, một nhà đạo sĩ nếu chưa thành tựu được quán chiếu thì phải là một nhà văn hoá, mới mong phát huy sự nghiệp hoằng hoá của mình trước mọi biến chuyển của thời đại. Do đó, những môn văn chương, triết lý, sinh ngữ... đều được kèm theo chương trình nội điển từ thấp đến cao”26.
Về sinh ngữ, “nếu xưa kia cách đây 10 năm, chúng ta có quyền để 10 năm để học Hán tự và học cũng chỉ đọc được hiểu được mà thôi. Ngày nay, không cho phép chúng ta làm như vậy. Chúng ta chỉ có quyền để dành tối đa là 4 năm để học một cổ ngữ hay sinh ngữ, và học ở đây đòi hỏi phải học được, nghe được, hiểu được, nói được và viết được”27.
Để đạt được mục tiêu đào tạo, ngoài giáo thọ sư của Viện, nhiều nhà sư, học giả danh tiếng được mời tham gia giảng dạy như Thượng toạ Thích Trí Nghiêm, Thượng toạ Thích Viên Giác, các học giả sư Nguyên Hồng, Cao Hữu Đính, Lê Mạnh Thát, Doãn Quốc Sĩ, Võ Hồng,... Viện Cao đẳng Phật học Hải Đức Nha Trang hoạt động chưa đầy nửa năm (từ cuối tháng 11-1974 đến giữa năm 1975), nhưng đây là bước phát triển cao, đầy ý nghĩa của Phật học viện Trung Phần tại Nha Trang.
Tóm lại, Phật học viện Trung Phần tại Nha Trang đã ghi một dấu ấn sâu đậm trong sự nghiệp đào tạo tăng tài được đặt ra trong “chương trình nghị sự” của phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam từ đầu những năm 30 của thế kỷ trước.
Một vài suy nghĩ về đào tạo tăng tài hiện nay
Từ Phật học viện Trung Phần tại Nha Trang, chúng ta có thể rút ra một vài suy nghĩ cho hoạt đọng tăng tài hiện nay và trong tương lai.
Một là, sự thành công của một nền giáo dục bắt nguồn từ “cái gốc rễ sâu bền” của nó. Phật học viện Trung Phần tại Nha Trang thừa kế truyền thống vẽ vang của Phật học đường Báo Quốc và Tăng học đường Nha Trang. Phật học đường Báo Quốc, nơi đã quy tụ những tăng sĩ, cư sĩ vừa nhiệt tâm, vừa đạt được trình độ uyên thâm Phật học, tinh thông ngoại điển, họ vì trường tồn của dân tộc và Đạo pháp mà dốc lòng chấn hưng. Những tên tuổi như Giác Tiên, Tịnh Khiết, Giác Nhiên, Phước Huệ (chùa Thập Tháp tỉnh Bình Định), Trí Độ, Tâm Minh Lê Đình Thám, Trí Thủ, ... là những người tiên phong đặt nền móng vững chắc cho phong trào chấn hưng Phật giáo miền Trung, tạo được tiếng vang trong sự nghiệp đào tạo tăng tài. Phật học đường Báo Quốc là nơi xuất thân của những tăng sĩ ưu tú như Trí Quang, Trí Nghiễm, Trí Đức, Trí Thuyên, Trí Tịnh, Thiện Hoa, Thiện Hoà, Thiên Ân, Thiện Châu, Nhất Hạnh, Mãn Giác, Minh Châu,... Còn “Phật học đường Nha Trang là đứa con chính thống thừa tự đạo nghiệp của Đại học đường Kim Sơn truyền lại; Phật học đường Nha Trang đã ra đời trong yếu đuối, sống trong gian khổ, nhưng có một điều đặc biệt nhất là trưởng thành khôn lớn trước tuổi phải lớn”28. Nhờ vậy, Phật học đường Nha Trang “khi có lệnh từ Tổng Trị sự... hợp nhất với Phật học viện Báo Quốc để thành lập Phật học viện Hải Đức vào thượng tuần tháng 1-1957 đã ổn định mọi việc”29. Và trụ cột Ban Quản Trị Phật học viện Trung Phần tại Nha Trang đều là hàng giáo phẩm vốn lãnh đạo của Phật học đường Báo Quốc và Tăng học đường Nha Trang. Cũng cần nói thêm ở đây là hàng giáo phẩm lãnh đạo Phật học viện Trung Phần về sau đều trở thành những thạch trụ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất cũng như Giáo hội Phật giáo Việt Nam sau đó như Thích Giác Nhiên, Thích Trí Thủ, Thích Trí Tịnh, Thích Thiện Siêu, ... Bài học rút ra cho hoạt động đào tạo tăng tài ngày nay, đòi hỏi cấp lãnh đạo các học viện, các trường cao đẳng, trung cấp Phật học phải là những tăng sĩ không chỉ trí tuệ, mà cần phải có đạo hạnh, kinh nghiệm cùng nhiệt huyết trong sự nghiệp “tiếp dẫn hậu lai, báo Phật ân đức”.
Hai là, cái cốt chính là chương trình, nội dung đào tạo, nông hay sâu tuỳ theo khối, nhưng Phật học viện Trung Phần tại Nha Trang đã tuyển chọn được một đội ngũ giáo thọ sư không chỉ hăng hái và nhiệt tình, cái quý hơn là trình độ uyên thâm Phật học, tinh thông ngoại điển, đạo hạnh trang nghiêm. Chương trình, nội dung đào tạo lại gắn với thực tiễn, hầu hết tăng sinh thuộc khối Tỳ kheo, một phần ít hơn khối Sa di hằng năm đều được đưa về các Khuôn hội, Chi hội, Tỉnh hội vào các dịp lễ, vía lớn để như kiểm nghiệm và hiện thực hoá những gì đã nắm bắt được từ Phật học viện, từ đó mà nhận thức sâu hơn, kỹ hơn, rõ hơn giáo lý Phật đà trong sự nghiệp phục vụ nhân quần, chúng sinh an lạc. Lời tâm sự của một cựu học tăng phần nào cho thấy ý nghĩa giáo dục thông qua thực tiễn của Phật học viện Trung Phần tại Nha Trang: “Lớp tăng sinh nhỏ như chúng tôi, dù mới 23, 24 tuổi cũng đã được Hoà thượng Giám viện chỉ định hành lễ và thuyết pháp tại các khuôn hội, chi hội Phật giáo gần, thuộc tỉnh Khánh Hòa và xa hơn trên Tây Nguyên: Pleiku, Kon Tum, sông Mao (Bình Thuận). Trước mệnh lệnh của Hòa thượng Giám viện chỉ định chúng tôi phải soạn bài giảng, ... Qua chục lần như vậy, tăng sinh trẻ chúng tôi bỗng nhiên trở thành giảng sư. Đó là cách phát triển giảng sư của Phật học viện Hải Đức ngày xưa”30. Ngay trong Phật học viện vẫn có trường hợp “vừa học tăng, vừa là giáo thọ”, học tăng của khối trên được sàng lọc, tham gia giảng dạy khối dưới. Vì vậy, ở một mức độ nào đó, Phật học viện Trung Phần tại Nha Trang còn là một nơi thực hành đào tạo, “một trường sư phạm thực hành”. Mặt khác, ngoại ngữ, kể cả Hán văn, từ Phật học viện đến Viện Cao đẳng Phật học đòi hỏi tăng sinh “phải học được, nghe được, hiểu được, nói được và viết được”. Ở đây, Phật học viện đã sớm “hiện đại hoá” phương pháp học tập ngoại ngữ, một phương pháp mà ngày nay không chỉ Đại học Phật giáo, mà đại học thế đời đang tích cực thực hiện nhằm sớm khắc phục tình trạng “đọc hiểu mà không nghe được, nói được”,... Đó là những bài học quý đối với đào tạo tăng tài hôm nay và cả trong tương lai. Nếu nhìn vào xu thế hội nhập quốc tế ngày nay thì việc học tập ngoại như Phật học viện Trung phần chủ trương càng có ý nghĩa.
Ba là, cùng với hoạt động đào tạo, Phật học viện Trung Phần chủ trương hoạt động phát triển kinh tế. Đầu tiên là hãng vị trai Lá Bồ Đề. Cơ sở ở Nha Trang đặt bên cạnh Trường Trung học Bồ Đề, ở Huế đặt cạnh chùa Từ Đàm, ở Sài Gòn đặt tại chùa Giác Sanh; sau đó là Nhà xuất bản Liên Hoa, nhà in Hoa sen, Hương Giải thoát, xưởng sản xuất đèn sáp Giác Ngộ, thuốc tẩy Phiền Não, xà phòng Chân Như,... Phần lớn các cơ sở kinh tài này đều hoạt động ở Nha Trang và Huế. “Thương phẩm Vị trai Lá Bồ Đề và các sản phẩm khác như: Đèn Giác Ngộ, Hương Giải thoát, xà phòng và dấm ăn phát hànhmạnh mẽ tại thành phố Nha Trang lên đến Cao nguyên Đà Lạt (Tuyên Đức), Lâm Đồng, Buôn Ma Thuột và các tỉnh thành như Phan Rang, Phan Thiết, Bình Định đến Huế, Đà Nẵng”31. Nhờ vậy, Phật học viện có thêm phương tiện hoạt động đào tạo tăng tài và kiến thiết thêm trường ốc. Có thể xem đây là một kinh nghiệm cho việc duy trì và phát triển các Học viện Phật giáo hiện nay, không nhìn riêng về hoạt động phát triển tài chính mà cả trong lĩnh vực đào tạo nữa.
Bốn là, Huế được xem là trung tâm đào tạo tăng tài trong phong trào chấn hưng Phật giáo ở miền Trung Việt Nam. Ở đây nhiều Phật học viện nổi tiếng sớm ra đời như Trúc Lâm, Tây Thiên, Báo Quốc, Kim Sơn, Diệu Đức... Nhiều vị tăng tài đã trưởng thành từ đây như Trí Quang, Trí Thủ, Trí Nghiểm, Trí Tịnh, Thiện Hoa, Trí Đức, Thiện Hoà, Nhất Hạnh, Thiên Ân, Minh Châu, Mãn Giác,... Huế là nơi đóng trụ sở của Trung ương Trung Phần Phật giáo, kể cả Giáo hội Tăng già và Hội Phật học; thế nhưng một khi “khế lý khế cơ” đặt ra, các nhà lãnh đạo Phật giáo đã vượt thắng chính mình, không chút ngã mạn, để tạo dựng nên Phật học viện Trung Phần tại Nha Trang. Nhìn vào thành phần Ban Quản trị Phật học viện Trung Phần đến Viện Cao đẳng Phật học Hải Đức, Nha Trang cùng với địa điểm thiết lập Phật học viện cho chúng ta thấy rõ điều đó. Rõ ràng, “Phật không chia Nam - Bắc”, điều cốt yếu là làm sao Đạo pháp và dân tộc trường tồn, chúng sinh an lạc. Đây là một trong những kinh nghiệm cho sự thành công những Phật sự hôm nay và tương lai, trong đó có lĩnh vực đào tạo tăng tài.
Năm là, khi ký “Giấy tình nguyện hiến chùa” ngày 26-7-1956, Hòa thượng Thích Phước Huệ cùng môn đồ, bổn đạo nói rõ đại nguyện của mình: “Chúng tôi, chủ chùa, môn đồ và bổn đạo của chùa Hải Đức thành tâm nguyện cúng ngôi chùa tư cho hai Tập đoàn Phật giáo Trung Việt thống thuộc Tổng hội Phật giáo Việt Nam để đặt Phật học viện tại đó với mục đích đào tạo tăng tài, tiếp dẫn hậu lai, báo Phật Ân đức”32.
Trong Lễ khánh thành Phật học viện ngày 8-1-1957, Diễn từ của Ban Quản Trị Phật học viện đã bày tỏ ý nguyện: “Phật học viện, cơ quan chánh sẽ đặt tại Nha Trang. Cơ quan chánh này sẽ tập trung tất cả học tăng cấp bực trung đẳng và cao đẳng, đồng thời sẽ làm Đại Tòng Lâm vĩnh viễn (Chúng tôi nhấn mạnh) cho các vị đã nguyện hiến mình trọn vẹn cho công việc chung”33.
Mặt khác, khu đồi Trại Thuỷ nơi toạ lạc của Phật học viện Hải Đức, là điểm cao nhất của thành phố Nha Trang, được xem một thắng cảnh mà thiên nhiên ban tặng cho thành phố biển. Đứng từ Phật học viện “nhìn ra bốn mặt, vọng cảnh thật bao la. Núi đồi sông biển ngoài xa; nhà cửa vườn tược đưới thấp, đồng ruộng mênh mông, phố phường chen chúc ở trước mặt. Muôn màu nghìn sắc càng thêm ưa”34.
Trên thực tế, Trại Thuỷ và Phật học viện thật đã quyện vào nhau trong thi ca, đi vào lòng người một cách nhẹ nhàng thanh thoát.
Trăng lên đồi Trại Thuỷ,
Chuông khua ngời âm ba.
Bồi hồi mây khoá viện,
Sân Bồ Đề sương sa.
(thơ Phạm Công Thiện)
Phật học viện và Nha Trang cũng vậy:
Gió đưa cành trúc la đà,
Tiếng chuông Phật viện canh gà Nha Trang.
Âm thanh vượt biển băng ngàn,
Thức người trần tục tránh đàng lợi danh35.
Gần đây, ngày 29-10-2012, Uỷ ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa có quyết định về việc phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình: “Tôn tạo cảnh quang danh lam thắng cảnh đồi Trại Thuỷ, thành phố Nha Trang”36.
Rõ ràng, từ quá khứ đến hiện tại lòng người đều quy về một mối. Thiết nghĩ, lấy Phật học viện Hải Đức, tái xây dựng ở đây một trung tâm đào tạo tăng tài, trước hết là một trường Cao đẳng Phật học dành cho các tỉnh Nam Trung Bộ là điều mà Nhà nước cũng như Giáo hội Phật giáo Việt Nam nên sớm thống nhất thực hiện.
* Trường ĐHSP - Đại học Huế.
1. Thành tích Phật học đường Tổng hội Việt Nam Phật học tại Nha Trang, Phật học đường Tổng hội phát hành, 1956.
2. Thành tích Phật học đường Tổng hội Việt Nam Phật học tại Nha Trang, Phật học đường Tổng hội phát hành, 1956, tr. 5.
3. Ban Phiên dịch Pháp tạng Phật giáo Việt Nam và Ban Văn hoá Tỉnh Giáo hội Phật giáo Khánh Hòa, Phật học viện Trung phần Hải Đức - Nha Trang, Nxb. Văn hoá Sài Gòn, 2009, tr. 12.
4. Dưới danh hiệu Phật học đường và Tăng học đường, liên tục từ năm 1932, phần chi nhánh đặt ở Báo Quốc có, đặt ở Tây Thiên, đặt ở Kim Sơn có, đặt ở Linh Quang có, đặt ở Nha Trang có. Tất cả đều khuôn đúc học tăng theo một chí nguyện, một chương trình tu học. Trong quá trình, các cơ quan Phật Học Đường này đã cung cấp nhiều Tăng tài cho các cơ sở Phật giáo.
5. Diễn từ của Ban Quản trị Phật học viện tại Lễ Khánh thành Phật học viện Trung Phần ngày Mồng Tám tháng Chạp năm Bính Thân (8-1-1957), Nguyệt san Liên Hoa, số 1, Rằm tháng Giêng Đinh Dậu (1957), tr. 33-34.
6. Phật học viện bốn năm qua, Đời Sống Đạo, Đặc san Kỷ niệm Đệ tứ chu niên Phật Học Viện Trung Phần tại Nha Trang, Phật lịch 2504 (1960), tr. 10.
7. Giấy tình nguyện cúng chùa của Hòa thượng Thích Phước Huệ, môn đồ và bổn đạo của chùa Hải Đức, Nha Trang ngày 26-7-1956, tr. 1, Tài liệu lưu tại chùa Từ Đàm, Huế.
8. Diễn từ của Ban Quản trị Phật học viện tại Lễ Khánh thành Phật học viện Trung Phần...TL đd,tr. 31-32,
9. Phật học viện bốn năm qua, Đời Sống Đạo,… đd, tr. 8.
10. Từ năm 1929, sau khi trùng tu chùa Trúc Lâm, Hòa thượng Giác Tiên đã mở Sơn môn học đường tại chùa Trúc lâm, sau dời về chùa Tây Thiên, đến năm 1935 dời về chùa Báo Quốc, thành lập Phật học đường Báo Quốc.
11. Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, tập III, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1994, tr. 289.
12. Diễn từ của Ban Quản trị Phật học viện tại Lễ Khánh thành Phật học viện Trung Phần...TL đd.
13. Thích Thiện Minh, Lời giới thiệu “Thành tích Phật học đường Tổng hội Việt Nam Phật học tại Nha Trang”, Phật học đường Tổng hội phát hành, 1956, tr. 3.
14. Phật học viện bốn năm qua, Đời Sống Đạo,… đd, tr. 10.
15. Phật học viện bốn năm qua, Đời Sống Đạo,… đd, tr. 12.
16. Huấn từ của Ban Quản trị Phật học viện đọc trong dịp tiễn đưa các học tăng đi hoằng Pháp tại các tỉnh, trong Đời Sống Đạo, Đặc san Kỷ niệm Đệ tứ chu niên Phật Học Viện Trung Phần tại Nha Trang, Phật lịch 2504 (1960), tr. 56-57.
17. Diễn từ của Ban Quản trị Phật học viện tại Lễ Khánh thành Phật học viện Trung Phần...TL đd,tr. 34-35.
18. Chương trình học tập này tham khảo từ “Kỷ yếu Về Cội, Kỷ niệm 55 năm ngày thành lập Phật Học Viện Trung Phần (1957 - 2012)”, Nxb. Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2012.
19. Thành tích Phật học đường Tổng hội Việt Nam Phật học tại Nha Trang,… đd., tr. 6.
20. Phật học viện bốn năm qua, Đời Sống Đạo,… đd, tr. 12-13.
21. Khương Lực. Ngày ấy, nơi trái ngọt cây lành, trong “Kỷ yếu Về Cội, Kỷ niệm 55 năm ngày thành lập Phật Học Viện Trung Phần (1957 - 2012)”, Nxb. Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2012, tr. 80.
22. Chùa Phổ Đà trước có tên là chùa Phổ Thiên. Đây là một ngôi chùa lớn ở Đà Nẵng do hội Đà Thành Phật học xây dựng.
23. Nguyệt san Liên Hoa số 6, Nhâm Dần (1962), tr. 66.
24. Tài liệu lưu tại chùa Từ Đàm, Huế.
25. Diễn văn khai mạc Lễ nhậm chức Viện trưởng Viện Cao đẳng Phật học Hải Đức của Thượng toạ Tổng Vụ trưởng Tổng vụ Giáo dục ngày 28-11-1974, tr. 2, Tư liệu lưu tại chùa Từ Đàm, Huế.
26. Thích Thiện Siêu, Diễn từ nhậm chức Viện trưởng Viện Cao Đẳng Phật học Hải Đức Nha Trang, ngày 28-11-1974, tr. 3, Tư liệu lưu tại chùa Từ Đàm, Huế.
27. Diễn văn khai mạc Lễ nhậm chức Viện trưởng Viện Cao đẳng Phật học Hải Đức của Thượng toạ Tổng Vụ trưởng Tổng vụ Giáo dục ngày 28-11-1974, tr. 2, Tư liệu lưu tại chùa Từ Đàm, Huế.
28. Thành tích Phật học đường Tổng hội Việt Nam Phật học tại Nha Trang,… đd, tr. 19.
29. “Kỷ yếu Về Cội, Kỷ niệm 55 năm ngày thành lập Phật Học Viện Trung Phần (1957 - 2012)”, Nxb. Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2012, tr. 10-11.
30. Đức Hạnh, Quá trình hình thành và phát triển của Phật học viện Trung Phần, trong “Kỷ yếu Về Cội, Kỷ niệm 55 năm ngày thành lập Phật Học Viện Trung Phần (1957 - 2012)”, Nxb. Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2012, tr. 63.
31. Phạm Văn Thạnh, Vị trai lá Bồ Đề, trong “Kỷ yếu Về Cội, Kỷ niệm 55 năm ngày thành lập Phật Học Viện Trung Phần (1957 - 2012)”, Nxb. Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2012, tr. 73.
32. Giấy tình nguyện cúng chùa của Hòa thượng Thích Phước Huệ, môn đồ và bổn đạo của chùa Hải Đức, Nha Trang ngày 26-7-1956, tr. 1, Tài liệu lưu tại chùa Từ Đàm, Huế
33. Diễn từ của Ban Quản trị Phật học viện tại Lễ Khánh thành Phật học viện Trung Phần ngày Mồng Tám tháng Chạp năm Bính Thân (8-1-1957), Nguyệt san Liên Hoa, số 1, Rằm tháng Giêng Đinh Dậu (1957), tr. 33-34.
34. Quách Tấn. Xứ Trầm hương. Hội Văn học Nghệ thuật Khánh Hòa, Nha Trang, 2002, tr. 277.
35. Nguyệt san Liên Hoa số 7, tháng Bảy năm Canh Tý (1960), tr. 66.
36. Quyết định số 2073/QĐ/UBND ngày 29-10-2012 của Uỷ ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa V/v phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình: “Tôn tạo cảnh quang danh lam thắng cảnh đồi Trại Thuỷ, Tp. Nha Trang”. Tài liệu lưu tại Sở Nội vụ, Uỷ ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa.
Tin tức khác
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 31 – THÁNG 1 NĂM 2020
- NHÂN VẬT PHẬT GIÁO VIỆT NAM
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 30 – THÁNG 10 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 29 – THÁNG 7 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 28 – THÁNG 4 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 27 – THÁNG 1 NĂM 2019 (PL. 2562)
Bình luận bài viết