Thông tin

MỘT VÀI SUY NGHĨ VỀ TÍNH CÁCH CỦA NGƯỜI XỨ NGHỆ

TRONG NỀ NẾP GIA ĐÌNH TRUYỀN THỐNG

VÀ SỰ PHÁT TRIỂN CỦA PHẬT GIÁO XỨ NGHỆ

 

NGUYỄN THỊ THANH XUYÊN*

 

Xứ Nghệ, một vùng đất giàu truyền thống cách mạng và văn hóa, giàu giá trị văn hóa vật chất và tâm linh. Tính cách của con người xứ Nghệ vừa là sự gắn kết giữa tính chất lý tưởng, trí tuệ với lòng yêu quê hương, gia đình; vừa có tính chất của người chí sĩ nhiệt tình với đất nước, không màng danh lợi lại vừa có ý chí phấn đấu vươn lên thoát khỏi hiện tại tù túng để vươn đến tìm kiếm tri thức rộng lớn. Những phẩm chất này được hun đúc trên chính mảnh đất quê hương, được gia truyền qua các thế hệ và nhất là được tạo nên trong chính cội nguồn của nề nếp gia phong, rèn luyện đạo đức trong gia đình.

Trên nền tảng gia đình, đạo đức truyền thống, thông qua những biểu hiện của đời sống tôn giáo mà cụ thể là đạo Phật của những gia đình đã và đang duy trì nề nếp gia phong để tìm hiểu những động thái truyền thống và hiện đại xen kẽ nhau trong tâm thức kính Phật của người xứ Nghệ.

1. Nề nếp gia đình của người xứ Nghệ

Nề nếp gia đình của người xứ Nghệ được thể hiện rõ nhất ở tinh thần hiếu học và hướng về nguồn cội, tổ tiên.

Tinh thần hiếu học của người xứ Nghệ đứng đầu cả nước ta, hình ảnh ông đồ Nghệ là một ví dụ điển hình. Người xứ Nghệ dù xuất thân trong gia đình nghèo nhưng không nghèo về mặt tri thức, họ luôn ý thức vươn lên để làm chủ tri thức, kiến thức và vận mệnh của mình. Chính chất lý tưởng trong con người xứ Nghệ và đặc điểm tự nhiên, văn hoá của vùng Nghệ Tĩnh là cái nôi của những cá nhân xuất sắc, có tầm ảnh hưởng quan trọng, lớn lao đối với thời đại và lịch sử dân tộc như Hồ Chí Minh, Phan Bội Châu, Nguyễn Trường Tộ, Lê Hồng Phong…Truyền thống hiếu học đó còn được ghi lại trong các gia phả của các cự tộc lâu đời ở đất này như dòng họ Nguyễn Đức (Nghi Lộc, Nghệ An), dòng họ Phan Huy (Lộc Hà, Hà Tĩnh và Đức Quang, Nghệ An), dòng họ Trần Huy (Diễn Châu, Nghệ An), dòng họ Nguyễn Cảnh (Đô Lương, Nghệ An) và dòng họ Hồ (Yên Thành, Nghệ An)[1].

Nét đẹp trong tính cách của người trí thức xứ Nghệ đó tính “gàn” đặc trưng, xem tiền tài danh vọng là vật ngoài thân. GS. Cao Xuân Phổ cho rằng cái “gàn” của người xứ Nghệ là “không bằng lòng với thực tại”. Cũng với cái “gàn”, nhưng GS. Phạm Đức Dương lại cho là họ “có khung giá trị định sẵn và bất kỳ trong hoàn cảnh nào cũng không chịu thay đổi”, bản chất này đôi khi lại là một thứ pha trộn của tính cố chấp của người tiểu nông Việt Nam yêu nước với người quân tử của Nho giáo. Một người con xứ Nghệ khác là GS. Phan Ngọc thì khẳng định “gàn là làm theo cái mô hình trong óc, coi mô hình trong óc lớn hơn thực tế…(họ) không hoà mình vào cuộc đời như người Nam Bộ mà thích nghi với cuộc đời bằng cách vạch giữa cuộc đời với mình với giới hạn cho phép anh ta sống với cái thế giới mô hình mà anh ta thích”. Qua một số quan niệm về tính chất “gàn” của người xứ Nghệ phần nào hiểu được tính cách đặc trưng của con người sống theo lý tưởng mà mình định hình sẵn, dù cho hoàn cảnh xã hội thay đổi họ cũng giữ được lý tưởng và tìm cách thích nghi theo một giới hạn cho phép.

Từ tính cách cho đến hành động, người xứ Nghệ bị chi phối bởi một hệ thống giáo điều và phạm trù về đạo đức rất sâu sắc, đó là tích cực làm điều lành, tránh điều ác. Phải tích đức để phúc cho đời sau. Tu nhân tích đức, gia đình có gia phong là cội nguồn của văn hóa. Người xứ Nghệ rất quan trọng việc giữ đạo nhà, con cái phải giữ gìn gia phong, gia pháp và thực hiện đúng theo Thọ mai gia lễ. Gia phong của gia đình tạo ra môi trường truyền thống hướng con người về với cội nguồn, tổ tiên và hơn nữa là thờ kính các lực lượng siêu nhiên. Trong mối quan hệ giữa truyền thống gia pháp và thờ cúng tổ tiên có mối quan hệ biện chứng qua lại. Người xứ Nghệ không chỉ tôn trọng và ngưỡng vọng tổ tiên mà đời sống tâm linh của họ cũng rất phong phú. Thờ kính Phật, thờ các vị tiền hiền, thờ cúng các vị phúc thần cai quản, thờ thành hoàng...là những nét văn hóa tiêu biểu thể hiện đức tin về phúc đức, về thái độ ứng xử với cội nguồn, với tâm linh. Trong gia đình của người xứ Nghệ truyền thống, ngoài bàn thờ tổ tiên, họ còn thờ Phật, thờ các vị thần linh khác. Mỗi sự ngưỡng vọng là mỗi khía cạnh tâm linh thầm kín và có ý nghĩa sâu sắc trong tâm thức của người xứ Nghệ.

Phong cách bố trí bàn thờ Phật thường theo dạng thức “Tiền Phật hậu linh”. Không gian thiêng trong các gia đình xứ Nghệ là bàn thờ thần Phật và bàn thờ gia tiên. Bàn thờ Phật thường được bố trí đằng trước, sau là bàn thờ gia tiên. Thờ phụng Tam Bảo và ông bà tổ tiên tại tư gia là đạo lý truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Đạo lý này được lưu giữ ở các gia đình có truyền thống gia phong và có tinh thần kính Phật hoặc đã quy uy Tam Bảo. Trong cội nguồn tâm thức luôn có sự tôn nghiêm đối với các đấng sinh thành, các bậc tiền hiền. Chính nguồn tâm thức này là đầu mối kết giao khăng khít với lòng thành kính Phật Tổ.

Gia đình là môi trường gìn giữ và phát huy những giá trị tốt đẹp của lòng thành kính Phật pháp bất chấp những biến đổi của lịch sử và sự vắng bóng của chùa chiền trên xứ Nghệ trong suốt thời gian dài. Mối liên hệ khăng khít giữa truyền thống đạo nhà và tinh thần hướng Phật đã củng cố thêm sự trường tồn của Phật giáo trong lòng người dân xứ Nghệ.

2. Mối giao hoà giữa tính cách người xứ Nghệ và tinh thần Phật giáo

Tính cách của người xứ Nghệ trước hết được hình thành nên từ mối giao hoà với điều kiện tự nhiên, sau đó được duy trì, cố kết và phát triển trong truyền thống nề nếp của gia đình. Sự tương tác này có thể nhận thấy ở các phương diện như sau: sự gần gũi của tính cách người xứ Nghệ với các quan điểm về đạo đức của Phật giáo; sự tích hợp của tinh thần Phật giáo trong đời sống của người xứ Nghệ và những tác động tích cực của tính cách xứ Nghệ đến việc phát triển đời sống tôn giáo song song với những tục lệ thờ cúng cổ truyền.

Tinh thần an lạc và quá trình tìm kiếm sự an lạc của cõi nhân sinh cũng đều bắt đầu từ những mối quan hệ gia đình, dòng họ...Gia đình là cội nguồn của hạnh phúc, trong mối quan hệ gia đình của người xứ Nghệ thấy rõ hơn hết là tinh thần tương thân, tương ái, khắng khít giữa anh em, chồng vợ, bố mẹ và con cái. Người xứ Nghệ luôn hướng về quê hương dù sinh sống và làm việc ở bất kỳ đâu mà hội đồng hương xứ Nghệ là một minh chứng điển hình cho tinh thần cố kết này. Những quy tắc ứng xử thuộc phạm trù đạo đức trong gia đình đã được khởi xướng bởi Đức Phật từ hàng nghìn năm trước. Những lời căn dặn theo một nguyên tắc nhất định ứng xử trong gia đình không nằm ngoài mục tiêu tìm kiếm cho con người một đời sống an lạc, vui vẻ. Sự gắn bó với gia đình, dòng họ phổ biến ở hầu hết người Việt Nam, nhưng không có nơi nào sự gắn bó này thể hiện rõ rệt như ở xứ Nghệ. Dù với góc độ nào, cũng cho thấy sự gần gũi về tính cách người xứ Nghệ trong tương tác với tinh thần Phật giáo.

Mặt khác, tính cách và văn hoá xứ Nghệ là một tổng hợp đa màu sắc song khá thống nhất. Nhà nghiên cứu hàng đầu về xứ Nghệ Ninh Viết Giao đã tổng kết các tục thờ của người xứ Nghệ bao gồm tục thờ Trời đất, tổ tiên và thờ Thần. Phong cách và tục thờ của người xứ Nghệ vừa có nét tương đồng vừa có nét dị biệt với các vùng miền khác trong cả nước. Nét khác biệt chủ yếu do tích cách của người xứ Nghệ tạo nên. Xứ Nghệ là một đất khá đặt biệt với khí hậu và thiên nhiên khắc nghiệt, người xứ Nghệ chọn cách chung sống hoà bình trên vùng đất này đã chứng tỏ một tinh thần quả cảm và ý chí vượt lên trên mọi hoàn cảnh khắc nghiệt. Đây cũng là vùng đất có vị trí đặc biệt trong lịch sử, là phên dậu về phía Nam của Đại Việt trong quá trình Nam tiến và cũng là nơi chứng kiến những đổi thay của lịch sử và sự hưng vong của các vương triều phong kiến. Vì những lẽ trên, người xứ Nghệ tự thân đã có tính gan góc, cương trực với chất lý tưởng sâu sắc và tìm cách phấn đấu cho mục tiêu đã đặt ra. Hoàn cảnh và sự tương tác văn hoá đã làm nảy sinh nhiều nhân vật anh hùng, danh nhân xuất sắc, những bậc tiền hiền và những người có công khai phá, lập dân, lập làng. Người xứ Nghệ thờ thần, thờ ông tổ dòng họ, thờ những vị có công, thờ những bậc tiền hiền khai sáng. Xa hơn nữa họ còn sùng kính các hiện tượng thiên nhiên như thờ Trời đất, thờ thần sông, thần rừng, hầu như mỗi gia đình đều thờ thần thổ địa trong nhà hoặc thiên đài ngoài sân dù là vùng bán sơn địa hay vùng thấp...Ngoài ra họ còn thờ các vị thần linh trong tín ngưỡng dân gian như thờ Tứ Vị Thánh Nương (Quỳnh Lưu), một tín ngưỡng đặc sắc của cư dân biển, tổng hoà các mối giao lưu văn hoá Việt – Chăm – Hoa. Tổng quát các phong tục thờ cúng và các đối tượng người xứ Nghệ thờ tự, có thể nhận thấy mối liên hệ mật thiết trong sợi dây liên hoàn từ Gia đình - Dòng họ - Tổ tiên cho đến Làng xã và xa hơn nữa là tín ngưỡng truyền thống của cư dân Việt. Người xứ Nghệ không quan niệm rõ ràng về một hình thức thờ cúng mang tính giáo phái hay riêng biệt mà tất cả được hình thành và hun đúc nên từ cội nguồn gia đình, dòng họ. Tuy nhiên, trong hạt nhân gia đình – dòng họ lại định hình sẵn những nguyên tắc và giá trị đạo đức rất phù hợp với tinh thần nhà Phật. Quan niệm “công minh chính trực chết ra thành thần” là nguyên tắc, là lằn ranh giới hạn với cuộc đời và cũng là điều răn dạy với con cháu.

Đất xứ Nghệ là đất học, đất nhân tài. Vùng đất này đã sản sinh cho lịch sử nhiều danh nhân văn hoá của dân tộc. Sức mạnh và sự thôi thúc của học hành, của lý tưởng đã giúp họ vượt qua nhiều gian nan, khó khăn, bất chấp mọi hoàn cảnh để tìm đến sự học và tri thức. Hình ảnh ông đồ nghệ “đeo khăn gói đỏ” là một điển hình về tinh thần và ý chí phấn đấu không mệt mỏi. Mặc dù luôn phấn đấu để vươn lên tìm kiếm tri thức song họ không phải bất chấp mọi thủ đoạn mà luôn giữ mình thanh sạch hợp với đạo nhà. Đạo nhà và truyền thống gia đình là kỷ cương hướng đạo mọi thành viên gia đình thực hiện theo, mọi điều đi ngược và xấu xa được xem như là điều “điếm nhục gia phong” có ảnh hưởng xấu đến cả dòng họ và làng xã. Một con người xem thường danh lợi, rũ bỏ mọi đua chen của cải vật chất đời thường để hướng về những giá trị của tri thức và đạo đức, xem danh lợi phù phiếm là cái trước mắt, tạm thời. Những phẩm chất này của ông đồ Nghệ đã được nhân dân cả nước vinh danh và ca ngợi. Nhìn thoáng qua có thể thấy đó cũng là lời răn dạy và tinh thần của Phật pháp, hướng con người đến đời sống an vui và lòng từ bi. Những hàm ý và nội dung bên trong của những đức tính thanh sạch đó là nền tảng xây dựng đạo đức cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Chính vì vậy mà sự song hành giữa Phật giáo và con người xứ Nghệ luôn trường tồn và không đứt đoạn qua những thăng trầm của lịch sử.

Tầm ảnh hưởng của ông đồ Nghệ trong giáo dục và rèn luyện đạo đức rất sâu rộng. Nhiều danh nhân văn hoá và anh hùng dân tộc đã lớn lên trong môi trường truyền thống và có sự hướng đạo của nhân cách ông đồ Nghệ. Thời đại mới, đất Nghệ đã sản sinh ra lãnh tụ Hồ Chí Minh, một con người với nhân cách cao đẹp, một vĩ nhân của thời đại, Người đã tổng kết đạo đức cần có của một người chiến sĩ là “cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”. Tư tưởng này cũng rất gần với những giá trị đạo đức nhà Phật khởi xướng. Thượng tọa Thích Huệ Thông cho rằng đức nhân bản của Bác Hồ rất gần với đạo lý Từ Bi của đạo Phật, hay nói cách khác “Bác là hiện thân của sự sống trong đạo Phật”. Từ một chiến sĩ cách mạng đến một anh hùng dân tộc và danh nhân văn hoá thế giới, Bác luôn luôn nghĩ tới đất nước, dân tộc và luôn hướng đến cuộc sống thanh bạch, giản dị, đem lại hạnh phúc, ấm no cho đồng bào. Tinh thần và sự uyên bác của Người cùng với tâm hồn của bậc vĩ nhân đã cổ vũ hơn nữa cho sự song hành của Phật giáo với sự phát triển của dân tộc nói chung và với người dân xứ Nghệ nói riêng.

Tóm lại, tính cương trực, nguyên tắc, thi gan cùng thời cuộc đã làm nên những phẩm chất rất Nghệ mà không trùng lặp ở bất kỳ nơi nào. Trong những phẩm chất đó lấp lánh những hạt nhân và những viên ngọc sáng ngời song hành và gần gũi với đạo Phật. Đó cũng là nét đặc trưng mà người xứ Nghệ đóng góp cho công cuộc phát triển đất nước và sự phát triển của Phật giáo

3. Những nhân tố đóng góp cho quá trình tích hợp tư tưởng Phật giáo trong tính cách của người xứ Nghệ

Như đã phân tích ở trên về phong tục truyền thống về thờ cúng của người xứ Nghệ trong mối quan hệ của gia đình - dòng họ cho thấy người xứ Nghệ không chủ trương giáo phái và thờ cúng riêng biệt. Vậy thì điều gì đã tích hợp tinh thần Phật giáo vào đời sống người xứ Nghệ, và sự tích hợp này thể hiện ra sao, phải chăng đó là sự lĩnh hội một cách tự nhiên với những điều phù hợp với đạo lý truyền thống và gia phong xứ Nghệ?

Với tinh thần nhân bản, văn hóa Phật giáo có ảnh hưởng sâu rộng đến các hoạt động đời sống của con người. Lịch sử hàng ngàn năm Phật giáo kể từ khi hưng phát tại đất Nghệ, trải qua biết bao thăng trầm đã chứng kiến nhiều đổi thay thế sự, thế nhưng tinh thần nhân bản của Phật giáo luôn đồng hành với những phong tục thờ cúng của từng gia đình, từng làng xã. Dấu ấn Phật giáo trên đất Nghệ phải kể đến thời vua Trần Nhân Tông, vua Lê Lợi, vua Quang Trung và tiếp tục vào thời kỳ cận hiện đại của dân tộc, Phật giáo xứ Nghệ cũng gieo những hạt mầm tươi xanh qua phong trào đấu tranh cách mạng. Sự đóng góp của giới tăng ni, phật tử xứ Nghệ cho sự nghiệp đất nước rất đáng được trân trọng. Dù ở chặng đường nào, sự cổ xuý cho tinh thần nhân bản luôn được đề cao. Trong suốt chiều dài lịch sử, yếu tố nhân bản đã không ngừng tích hợp vào văn hóa và phong tục truyền thống của người xứ Nghệ. Người xứ Nghệ không những thờ ông bà tổ tiên tại tư gia mà họ đặt bàn thờ Phật ở những vị trí quan trọng. Tính lôgic của trật tự sắp đặt gian thờ thể hiện rõ nhất tinh thần hỗn dung và tích hợp đã nêu trên. Đối với những gia đình có điều kiện, họ lập hai gian thờ riêng cho Phật và cho tổ tiên; đối với những nhà có diện tích khiêm tốn, việc lập các gian thờ khác nhau là điều không cần thiết, vì vậy, họ bài trí theo kiểu “tiền Phật, hậu linh”; đối với những gia đình đã quy uy Tam Bảo luôn tuân theo nguyên tắc bàn thờ gia tiên thấp hơn bàn thờ Phật một bậc. Ngoài thờ Phật và gia tiên, trong nhà luôn có những bàn thờ các vị thổ thần, thổ công, các vị án sát…Sự phong phú, đa dạng của hệ thống thần linh cũng thể hiện bộ mặt đa dạng của đời sống tâm linh. Thờ cúng tại gia về mặt tâm linh là cầu nối giữa người sống với những người đã mất, những người có ơn với cộng đồng và sâu sắc hơn nữa là với thế giới linh thiêng, màu nhiệm vô hình, trong đó Phật pháp luôn ở vị thế khác hẳn, là cứu cánh và niềm tin của con người về đời sống an lạc, yên vui, và hiện hữu ở cách thức thực hiện theo nếp sống ấy. Đó là niềm tin có cơ sở, có căn cứ và thể hiện qua sự rèn luyện hàng ngày, vừa xuất phát từ sức mạnh nội tâm và được duy trì bởi những giá trị đạo đức truyền thống.

Vậy đâu là động lực phát triển của tinh thần Phật giáo được thăng hoa từ tính cách của người xứ Nghệ? Nhìn nhận dưới góc độ tích cực và tiêu cực để thấy rõ những giá trị đóng góp của tính cách Nghệ cho sự phát triển của Phật giáo. Đã có một thời gian dài, văn hoá Phật giáo có dấu hiệu chững lại, nhường bước cho quá trình phát triển kinh tế sôi động và sự lấn áp của “văn hoá” thị trường. Sự xuống cấp của đình chùa, sự vắng bóng của tiếng kinh kệ đã từng làm xót xa nhiều tấm lòng tri ân với đất Nghệ An nghìn năm văn hiến Phật giáo. Trong đó chỉ còn lại chùa Cần Linh tương đối nguyên vẹn và đơn độc tiếng kinh cầu. Mặc dù vậy, mạch đạo pháp vẫn không ngừng bám trụ và phát triển, cho đến hiện nay, hơn 200 ngôi chùa cổ được chấn chỉnh và xây dựng lại, các hoạt động hoằng pháp và hướng dẫn phật tử được tăng cường; bên cạnh đó là sự giao lưu văn hóa Phật giáo với nước bạn Lào; đồng hành với những hoạt động xã hội nhân ái từ thiện.

Sự phục hồi của đạo pháp xứ Nghệ trong dòng chảy của Phật giáo cả nước có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong bối cảnh hiện nay. Đặc biệt, xứ Nghệ lại là trung tâm giữa miền Bắc và miền Trung, là mảnh đất hội tụ về văn hiến, văn vật và là đất phát sinh nhiều danh nhân văn hoá, chính trị nhất nước ta. Trong lịch sử và hiện tại, tính cách của người xứ Nghệ không những có ảnh hưởng lớn đến sự tồn vong của đạo pháp mà còn có ý nghĩa tích cực cho sự phát triển của Phật giáo xứ Nghệ trong thời gian không xa.

Sự cố kết gia đình - dòng họ - làng xóm cùng chung một nền đạo đức truyền thống, xem trọng nhân lễ nghĩa và coi trọng truyền thống gia đình, không ngừng củng cố gia phong. Đây là những phẩm chất tốt đẹp, có ý nghĩa giáo dục hướng về cội nguồn, là cơ sở nền tảng để tiếp thu giá trị chân từ bi và đạo học của Phật.

Lý tưởng hóa mục đích sống, xem trọng danh tiết, tự đặt bản thân vào phận sự phục vụ cộng đồng, phục vụ đất nước có ý nghĩa cứu đời nhập thế, sống vị tha và hướng con người đến mục đích sống cao cả phù hợp với trí huệ và nguyện vọng giúp đời, giúp người của nhà Phật.

Tuy nhiên, sự phát triển của kinh tế và giao lưu văn hóa đã tạo ra những nhu cầu, động lực khác nhau, những phẩm chất đạo đức trên ít được cổ xuý mà bị xem là lạc hậu, không hợp thời. Người dân tìm đến thế giới tâm linh hoặc Phật pháp một cách thực dụng hơn, nhằm đáp ứng kịp thời các nhu cầu về tâm lý do sự mê tín hoặc hẫng hụt về đời sống kinh tế, tình cảm. Chính những yếu tố này là nguồn ngăn trở việc phát huy những giá trị truyền thống của tính cách xứ Nghệ. Thay đổi và làm giàu thêm bản sắc trong tính cách là điều tối quan trọng để hòa nhập với sự phát triển của đất nước hiện nay.

Sự gắn kết giữa yếu tố nhân bản của Phật giáo và yếu tố nhân bản trong tính cách của người xứ Nghệ trong rất nhiều cảnh huống của đời sống và phong tục tập quán tạo động lực cho sự phát triển Phật giáo của xứ Nghệ trong tương lai. Một mặt, đưa con người đến gần hơn với Phật pháp nhờ tính nhân văn; mặt khác, củng cố các giá trị đạo đức truyền thống đang dần bị suy thoái. Hơn thế nữa, người xứ Nghệ thành công với những phẩm chất và tính cách của mình, thì trong công cuộc chấn hưng Phật giáo, thành công không phải là một ngoại lệ.

Sự chi phối của đời sống mới, các nhu cầu mới nảy sinh, thế hệ trẻ dường như ý thức được sự thoát ly quê hương để tìm kiếm một cuộc sống tốt hơn. Quan hệ gia đình dòng họ tuy vẫn còn tính cố kết nhưng sợi dây cố kết này cũng dần bị nới lỏng do những mối quan hệ mới can thiệp bên cạnh nghĩa vụ và trách nhiệm đối với người thân, họ hàng. Một số ít những gia đình còn duy trì nền nếp gia phong truyền thống, phần còn lại đã thay đổi theo nếp sống hiện đại. Gia đình hạt nhân hiện đại là một sự phát triển tích cực song cũng hàm chứa những tiêu cực do sự xa cách và thiếu sự quan tâm tiếp xúc giữa các thế hệ với nhau, tạo ra những rào cản về tâm lý và tình cảm giữa các thành viên trong gia đình. Những đứt gãy của giá trị truyền thống trong đời sống hiện đại là điều không thể tránh khỏi, một số giá trị đạo đức truyền thống bị lu mờ và có phần bị suy thoái. Ngày hội hè, ngày giỗ tổ, ngày lễ của dòng họ không chỉ là ngày lễ mà còn là ngày họp mặt của các thành viên để ghi nhớ công ơn tổ tiên, song không có sức thu hút với thế hệ trẻ. Thế hệ trẻ là những người kế tục phát huy những giá trị truyền thống của gia đình dòng họ và những phong tục của địa phương, tuy nhiên những động thái truyền thống này có phần bị đứt đoạn giữa các thế hệ, điều này ảnh hưởng rất lớn đối với sự phát triển lâu dài của Phật giáo xứ Nghệ. Khi những người trẻ tuổi thờ ơ và quay lưng với những giá trị tâm linh về lâu dài chắc chắn sẽ không thể có thế hệ kế tục những truyền thống tốt đẹp của bậc tiền nhân.

Như đã nói ở trên, tính cách con người và truyền thống gia đình có mối quan hệ khăng khít với nhau, bổ trợ cho nhau cùng phát triển. Tìm thấy những hạt nhân tốt đẹp từ tính cách và sự thành công của người xứ Nghệ để vận dụng và đưa vào đời sống tôn giáo một cách hài hòa rất cần thiết để tạo nguồn mạch tâm linh và khai sáng trí huệ. Những đặc trưng văn hóa của người xứ Nghệ chịu sự chi phối mạnh mẽ của yếu tố dòng họ-gia đình và tự thân nó cũng là nét văn hóa tốt đẹp. Trên nền tảng ấy, sự hòa hợp giữa văn hóa dòng họ và văn hóa Phật giáo không những là môi trường để rèn luyện mà còn là cơ sở để phát huy tư tưởng và tinh thần Phật giáo. Người xứ Nghệ rất nguyên tắc và cương trực, mặc dù họ rất tôn trọng phong tục thờ cúng song cũng không dễ dàng theo những học thuyết, những tôn giáo không đáp ứng những nhu cầu tâm linh mang tính cội nguồn; mặt khác trong mạch nguồn tâm thức họ lại rất đề cao tính nhân bản, nhân văn. Vì vậy, khơi gợi và phát huy tính cách của người xứ Nghệ cũng là một bước tiệm cận đến sự hưng thịnh của tư tưởng Phật giáo.

Thay lời kết, hiểu tính cách và gia phong xứ Nghệ vẫn còn là một chặng đường nghiên cứu lâu dài, bài viết này chỉ tham vọng tìm hiểu mối liên kết giữa tính cách ấy và con đường hoằng hóa Phật pháp trong phạm vi nhỏ hẹp của gia đình – dòng họ như là một cái nôi nuôi dưỡng tính cách người. Người xứ Nghệ, con người của vùng đất cách mạng và cũng là con người của những phong tục lễ hội truyền thống đậm màu sắc tâm linh, đó là hai mặt  thống nhất mang tính cội nguồn. Vừa giàu ý chí đấu tranh, vươn lên để dành quyền chủ động và làm giàu tri thức song cũng vừa nhân ái, từ thiện với người thân, bạn bè với cộng đồng sao cho sống có đức, tạo phúc, tích đức cho đời sau. Đó là cái lẽ nhân sinh quan trọng gắn bó với tư tưởng nhà Phật, đó còn là nét văn hóa Phật giáo sống động trong mỗi thành viên của gia đình.

 


Tài liệu tham khảo:

1. Ninh Viết Giao (2003), Về văn hóa xứ Nghệ, Nxb Nghệ An

2. Vũ Ngọc Khánh (2004), Cuộc sống tâm linh trong gia đình Việt Nam nói chung và ở xứ Nghệ nói riêng có gia phong, Kỷ yếu Hội thảo Gia phong xứ Nghệ trong bối cảnh đất nước đổi mới, Nxb Nghệ An, tr.185-192

3. Nguyễn Nhã Bản (2001) (cb), Bản sắc văn hoá của người Nghệ Tĩnh, Nxb Nghệ An, tr.201

4. Minh Mẫn (2006) (cb), Danh nhân văn hóa Phật giáo Việt Nam đương đại chân dung và đối thoại, Nxb Lao Động

5. Đức Đalai Lama và Jean-Claude Carrière (2003), Sức mạnh của đạo Phật để sống tốt hơn trong thế giới ngày nay, Nxb Phương Đông.



* Viện Phát triển bền vững vùng Trung Bộ

 

[1] Lê Văn Tùng (2010), Tinh thần hiếu học của văn hoá Bắc miền Trung, http://vanhoahoc.edu.vn

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 192
    • Số lượt truy cập : 6948014