MỘT VÀI SUY NGHĨ
VỀ NGÔN HÀNH PHẬT GIÁO CỦA THIỀU CHỬU
PGS. NGUYỄN DUY HINH
Viện Nghiên cứu Tôn giáo
Thiều Chửu được 19 tuổi thì phong trào chấn hưng Phật giáo xuất hiện. Đầu tiên là Lục Hoà Liên Xã do hai nhà sư Khánh Hoà và Thiện Chiếu tổ chức, đến năm 1929 thì xuất bản tạp chí Pháp Âm. Từ đó phong trào lan ra Huế, năm 1932 thành lập Hội An Nam Phật học do một nhà sư Giác Tiên và cư sĩ Lê Đình Thám chủ trì. Đến năm 1934 thì xuất bản tạp chí Viên Âm do Cư sĩ bác sĩ y khoa Lê Đình Thám làm chủ bút. Năm 1934 mới hình thành Bắc Kỳ Phật giáo hội do các nhà sư Thích Thanh Hanh, Tố Liên và nhiều trí thức Tây học tổ chức, năm 1935 xuất bản tạp chí Đuốc Tuệ do Tổng đốc trí sĩ Nguyễn Năng Quốc làm chủ nhiệm và Thiều Chửu được mời quản lí tạp chí đó.
Thiều Chửu con nhà Nho học, nhờ gia đình dạy chữ Hán và Nho học. Rồi ông tự học Phật giáo. Năm 19 tuổi (1920) ông đi tìm sư học đạo, đến Yên Tử, vào Thập Tháp ... Cũng không chính thức học theo một nhà sư nào. Ông dịch các bộ kinh như kinh Kim Cương, kinh Tứ thập nhị chương, kinh Viên Giác, kinh Địa Tạng, kinh Pháp Hoa, Lục Tổ Đàn kinh... đặc biệt là Khoá Hư Lục. Khoá Hư Lục không phải kinh điển ngoại lai mà là trước tác của Trần Thái Tông mà theo ông là của Trần Nhân Tông (một ý kiến không phải vô căn cứ ). Ông cũng sáng tác Lịch sử Phật tổ, Con đường học phật ở thế kỉ XX, giải thích truyện Quan Âm thị Kính...
Tư tưởng Phật học của ông thể hiện chủ yếu trong các lời mở đầu cho bản dịch các kinh Địa Tạng, A Di Đà, Thuỷ Sám, Tứ thập nhị chương, kinh Di giáo, trong những bài viết về kinh Kim Cương, về Khoá Hư Lục, trong lời chú giải truyện Quan Âm Thị Kính và bài Con đường học Phật ở thế kỉ thứ XX.
Ông không phải là một nhà sư, mà là một trong những số cư sĩ trí thức đương thời, nhưng khác với một số cư sĩ khác thường được đề cập đến, ở chỗ ông là một nhà trí thức tự học tuy có biết các ngoại ngữ khác nhưng chủ yếu là chữ Hán với nền Tam giáo. Không như Lê Đình Thám là bác sĩ y khoa hoàn toàn hấp thu Tây học trước khi đến với Phật giáo. Không như Trần Văn Giáp từ Hán học chuyển sang tự học tiếng pháp chuyên nghiên cứu lịch sử Phật giáo nước nhà và thư tịch cổ. Thiều Chửu là một nhà hoạt động xã hội theo đường lối Phật giáo canh tân: Làm báo, mở trường, dịch kinh, lập hội cứu tế.
Trong bài này tôi thử tìm hiểu hai khía cạnh tư tưởng Phật học của ông.
Vấn đề thứ nhất: Về 6 lý do cần chấn hưng Phật giáo ở thế kỷ thứ XX.
Trong bài "Con đường học Phật ở thế kỷ thứ XX", ông trình bày 6 nguyên nhân Phật giáo nước nhà suy tàn như sau:
1. Chỉ độ bừa đi mà không dạy dỗ.
Thầy nhận đồ đệ để sai chăn trâu cắt cỏ... chỉ dạy mấy bài khoá cúng rồi cho thụ cụ túc giới, cho nên có người xuất gia trên 10 năm mà ngoài mấy bài khoá cúng, mấy cuốn kinh thông thường để ứng phó kiếm gạo ra chẳng còn biết tí gì nữa.
2. Coi rẻ giới pháp mà nuôi ong tay áo nhiều.
Thời Lý, Trần thì sư phải qua sát hạch mới cấp điệp, nay không sát hạch nữa thì tuỳ ý các chùa truyền cho nhau, cho nên phẩm hạnh học vấn không ra gì chỉ cốt kiếm tiền.
3. Trọng hình thức thiếu tinh thần.
Xưa các Tổ độ chúng chọn lựa kỹ, chịu khó dạy bảo, buộc đệ tử phải dụng công tu thực chứng, tham thiền niệm Phật. Nay chỉ làm cho có hình thức.
4. Chỉ học nhồi sọ mà không biết biến thông.
Ngày xưa tu học chia làm bốn bậc: Tín, Giải, Hành, Chứng, giải thích kinh cặn kẽ thấu đáo. Nay thì chỉ theo lời chú giải của kinh mà giảng, theo nghĩa đen mà không hiểu đúng nghĩa chữ Hán trong kinh Phật. Cho nên giảng mà người nghe không hiểu chỉ nhức đầu long óc mà thôi.
5. Giữ rịt lối cổ mà không hiểu đại thể.
Giáo lý đạo Phật không biến đổi được nhưng về phần chế độ và cách giáo hoá thì luôn luôn phải tuỳ theo đất nước dân tình mà thay đổi phương lược như Ấn Độ khác Tàu, Tàu khác Nhật Bản, Nhật Bản lại khác ta. Nước ta thời phong kiến vua chúa theo Nho giáo, vua lợi dụng lối thanh tu nơi rừng núi của Phật để làm tiêu mòn ý chí anh hùng hào kiệt, vì thế phần tích cực của Đại thừa không thực hiện ra xã hội được. Nay phần lớn tín đồ vẫn theo lối tu tiêu cực cũ đó mà không làm việc tế thế độ sinh thì làm sao chung sống trong xã hội?
6. Chỉ niệm Di Đà mà đợi cái chết
Phật giáo truyền sang ta tuy cũng có cả Thiền, Luật, nhưng xét kỹ chỉ có một tông Tịnh Độ là thịnh hơn cả, nói cho đúng thì hoàn toàn chỉ có một tông Tịnh Độ. Tông Tịnh Độ sở dĩ chiếm được chiếu thứ nhất trong Phật giáo gần đây là vì bản tính người ta đã lười, nhất là người Tàu và người ta lại càng trội hơn, lại qua bao nhiêu cơn binh lửa người ta đã cảm thấy sự đời những khổ là khổ, cho nên khi được nghe cái thuyết Tịnh Độ rằng chỉ chăm niệm Phật Di Đà thì khi chết được về Cực Lạc muốn gì có nấy, sung sướng vô cùng, cho nên ai nấy đều đổ xô vào cả Tịnh Độ vừa dễ dàng vừa lợi lạc, chẳng cần nghiên cứu, chẳng cần tu trì, mà giải thoát hết khổ, hưởng đủ cảnh sướng, như vậy thì ai chẳng thích chẳng theo. Có biết đâu rằng chính pháp chính nhân được sang Tịnh Độ là ở chỗ mở lòng Bồ đề làm nhiều công đức, không cầu gì phúc lợi thế gian mới được vãng sinh Cực Lạc, chứ có phải chỉ niệm Phật suông thôi mà được thế đâu! Lại không hiểu rõ cái đích của Phật là dùng phương pháp tuỳ thuận chúng sinh nói ra một cõi sung sướng như thế để khêu gợi cho người mở lòng tu được về Cực Lạc cho dễ tu học, khi thành đạo rồi lại quay về nhân gian mà làm việc lợi sinh mới thành Phật được, chứ có phải là sang Cực Lạc rồi cứ ở lỳ bên ấy mà hưởng sung sướng được đâu. Thí dụ như ở nước ta chưa đủ trường học chuyên môn, chưa đủ thầy hay bạn giỏi thì ta phải sang Âu sang Mỹ mà du học, khi học thành tài tất phải quay về làm mọi việc ích quốc lợi dân, chứ cứ ở lỳ bên Âu bên Mỹ thì còn có thể gọi là con người có căn bản được không? Tăng đồ nước ta, nhiều người không hiểu cái chân lý đó, cứ ngồi lỳ đấy mà lần tràng niệm Phật, đợi ngày thần chết nó đến rồi vãng sinh Tịnh Độ. Trong tâm đã ôm ấp tấm lòng chán cõi đời này, thích cõi đời kia, mà nói cho đúng thì hạng người này hiếm lắm, chỉ có thể chán sự làm lụng vất vả, mà thích hưởng thụ phú quí của đời này mà thôi, như thế thì còn làm gì có lòng làm việc xã hội để lợi sinh nữa.
Nói cho đúng thì thời gian gần đây, cũng hiếm có người niệm Phật bằng một tấm lòng chân thật để cầu vãng sinh, mà số nhiều cũng chỉ giả danh niệm Phật để kiếm cơm, kiếm áo qua ngày, bằng một cách nhàn nhã đễ dàng trong cái cảnh cả thế gian phải đổi bát mồ hôi lấy bát cơm ăn. Hơn nữa kiếm tiền bằng cách buôn thần bán Phật một cách dễ dàng thì nhàn cư vi bất thiện, lại càng tạo thêm bao nhiêu sự nhơ bẩn, làm cho người đời phải ghê tởm mà phê bình cho những câu: "Miệng Phật tâm xà", "Miệng Nam mô bụng một bồ dao găm", "ăn mặn nói ngay, còn hơn ăn chay nói dối" v.v... đều là những lời phê bình đúng sự thật. Như vậy thì Phật pháp có ích gì cho thế gian mà thế gian mến mộ Phật nữa nhỉ? Tăng già còn có ích gì cho thế gian mà thế gian kính Tăng nữa ư? Hơn nữa trong Phật giáo, nếu có ai biết cái nguy cơ của Phật giáo mà kêu gào, mà nhắc nhở thì Tăng già cũng chỉ trả lời bằng mấy câu: "Mô Phật, chỉ về Cực Lạc là xong, chấn hưng mà làm chi!", "Đồ vô đạo, sao dám bới móc Tăng già như vậy!", "Đồ ngông cuồng chưa ráo máu đầu, đã biết chi mà khua môi múa mép !", "Phật pháp đã có Thiên Long bát bộ hộ trì ai làm gì nổi." (Tập tư liệu Thiều Chửu Nguyễn Hữu Kha, phần hai).
Tuy Thiều Chửu nêu ra 6 nguyên nhân của sự suy tàn Phật giáo thế kỷ XX, nhưng có thể gộp lại thành 3 nguyên nhân.
Thứ nhất là tác động kim tiền vào Đạo khiến cho việc đi tu, đào tạo và hoạt động của người tu hành đều chỉ nhằm đạt mục đích làm các khoá cúng để kiếm cơm. Và như vậy Thiền môn không còn là chốn nương thân của những con người cầu đường giải thoát cho bản thân nghiệp chướng mà là nơi trú ngụ của những người lười lao động, lợi dụng Phật giáo làm cần câu cơm tiến hành buôn thần bán Phật, không còn nhà sư mà chỉ còn người hành nghề tôn giáo. Tất nhiên hiện tượng tiêu cực này không phải của toàn thể Phật tử, mà chỉ của đa số người xuất gia đương thời mà thôi. Vẫn có những người chân tu. Nhưng không thể nói là hiện tượng tiêu cực chỉ là cá biệt mà đã là phổ biến. Tình hình đó có nên nêu ra không? Có người không đồng tình với việc đưa ra ánh sáng những hiện tượng như vậy, hiện nay trong thời đại mới này thì vẫn có người chủ trương như vậy. Họ cho rằng nói lên những hiện tượng tiêu cực trong Phật giáo là nói xấu Phật giáo. Thật họ đã kém cả Thiều Chửu nửa thế kỷ trước!
Thứ hai là không canh tân. Trong nguyên nhân này, Thiều Chửu phê phán nệ cổ không thay đổi theo thời cuộc, ông cho rằng nếu bỏ qua cái sự nghiệp làm lợi ích cho nhân gian thì không còn có cái gì gọi là Phật pháp nữa, phải tế thế lợi sinh. Qua ngôn hành của Thiều Chửu thấy việc tế thế lợi sinh là hoạt động tế sinh. Ông đã tham gia cứu tế, và dốc sức nuôi dạy trẻ mồ côi trong hoàn cảnh chiến tranh phải sơ tán về nông thôn. Ông không lập gia đình, lấy các trẻ mồ côi làm gia đình, làm sự nghiệp. Trong các cư sĩ thời này thì ông là người thiên về từ thiện tức nói theo Phật giáo là thiên về bố thí độ trong Lục độ. Dù ông cũng tham gia các công tác chấn hưng Phật giáo khác như dạy học, dịch kinh, làm báo nhưng bố thí là mục tiêu chính của ông. Đó là đặc điểm riêng của ông trong làng Cư sĩ thời chấn hưng Phật giáo. Tuy có chịu ảnh hưởng của Thái Hư khi dịch các kinh Phật nhưng cái chủ thể của Thái Hư là tham gia cách mạng xã hội thì ông lại không theo. Đấy có thể là điều đáng tiếc cho ông. Chính vì vậy mà trong các tư liệu viết về Phật giáo chấn hưng ít đề cập đến ông. Nhưng đứng về phương diện cá nhân một tín đồ Phật giáo mà nói thì hoạt động bố thí của ông đã thể hiện được tư tưởng Từ Bi của Bồ tát thừa chân chính. Chúng ta không thể và không nên đánh giá mọi vị chân tu như nhau; vì cùng một nguồn Phật giáo mà dẫn đến Đại Giác còn phân biệt nhiều nẻo đường - Yana - nào Tiểu thừa, Đại thừa, Bồ tát thừa, Duyên giác thừa, Thanh văn thừa, Tối thượng thừa... và bao nhiêu tông phái khác nhau, và con đường độ vẫn có tới 6 - Lục Độ. Thiều Chửu theo con đường Bồ tát thừa bằng phương tiện bố thí độ cũng đã đạt đến chân như Phật giáo.
Thứ ba, tư tưởng Tịnh Độ khiến cho người tu hành chỉ niệm Phật Di Đà mà đợi cái chết. Đây là một nhận xét độc đáo của Thiều Chửu về tông Tịnh Độ chưa từng thấy ai đề cập như thế.
Tông Tịnh Độ lấy kinh A Di Đà làm chủ kinh. Kinh này đã được Thiều Chửu dịch và viết lời tựa. Trong lời tựa này ông chỉ nói đến sự cần thiết và khả năng dịch kinh chữ Hán ra chữ quốc ngữ chứ không giải thích điều gì liên quan đến kinh A Di Đà như trong Lời tựa bản dịch kinh Thuỷ Sám hay khi dịch Tứ thập nhị chương đã làm.
Tông Tịnh Độ rất phổ biến ở nước ta, điều đó Thiều Chửu công nhận. Nhưng ông
cho lý do của sự phổ biến đó là vì bản tính người ta đã lười lại quá khổ nghe nói chỉ cần niệm Phật A Di Đà là được lên cõi Cực Lạc sung sướng không cần nghiên cứu, chẳng cần tu trì vừa dễ dàng vừa lợi lạc.
Xét về hình thức thì tông Tịnh độ với phương tiện niệm Lục Tự Di Đà (Nam Mô A Di Đà Phật) là tông phái dễ dàng được đông đảo quần chúng tiếp thu nhất. Cho nên Thiền Tịnh song tu là một đặc điểm của thời kỳ cuối của Phật giáo thuộc thế kỷ XV về sau. Đường lối này có lý do lịch sử và ý nghĩa giáo lý đặc biệt trong lịch sử Phật giáo nói chung. Nhưng nói nó đặt cơ sở trên bản tính lười của quần chúng thì có phần không hoàn toàn thích hợp. Nói đúng hơn, nó dựa vào đức tin thần thánh ngoại lực của quần chúng vốn không có khả năng nghiên cứu lý giải kinh lục Phật giáo quá ư phức tạp quá ư siêu thực. Niệm Phật luận đã đưa Phật giáo Đại thừa thâm nhập phổ biến rộng rãi trong quần chúng lao động thoát khỏi phạm vi chật hẹp của Thiền lâm với Tam Tạng như tường thành. Xưa, ít thì sâu, nay rộng thì nông; hậu quả tất phải thế thôi. Không phải vì bản tính lười hay chăm; tuy nhiên đã rộng rộng quá thì nông nông quá tất có không ít người vì lười mà theo Tịnh Độ. Cho nên nhận xét của Thiều Chửu không hoàn toàn vô căn cứ mà là lời cảnh tỉnh cho tông Tịnh Độ trong việc hoằng dương niệm Phật luận. Lời cảnh tỉnh có giá trị cho xưa và cho nay.
Nhìn chung lại những hiện tượng và nguyên nhân khiến cho Phật giáo nước nhà nửa đầu thế kỷ XX suy tàn mà Thiều Chửu đã nhận xét là thực tế cần chấn hưng. Thực tế đó hiện nay vẫn tồn tại mà về mặt mức độ lại còn lớn hơn sâu hơn thời Thiều Chửu.
Thứ hai, về nội dung giải thích truyện Quan Âm Thị Kính.
Truyện Quan Âm Thị Kính được phiên âm ấn hành năm 1911, đến năm 1946 nhà in Đuốc Tuệ ấn hành cuốn Giải thích truyện Quan Âm Thị Kính và mới đây, năm 1997, Ban Xây dựng chùa Hương in lại. Trong phần Tiếng vọng, Thiều Chửu viết: "Tôi ham đọc kinh (tôi nhấn mạnh. NDH) này từ thuở nhỏ, biên tập từ lúc còn để chỏm, mà nay răng đã gãy mắt đã loà, trong chỗ tu học cũng cùng tuổi cùng lên, nên bản thảo lần này, so với mọi lần, thực là khác hẳn, không phải là tôi thuở trước nữa. Các bản khác tôi giải theo nghĩa thế gian, mà lần này hoàn toàn theo nghĩa xuất thế gian, không biết làm như thế có hợp ý tác giả không? (tôi nhấn mạnh. NDH)".
Thiều Chửu đã hơn một lần giải thích truyện Quan Âm Thị Kính (TQATK) và văn bản tôi đang có trong tay là văn bản cuối cùng. Tự ông cho biết đã từng dùng hai cách nhìn theo nghĩa thế gian và theo nghĩa xuất thế gian để giải thích TQATK, và khong biết đúng hay sai.
Nào biết ai là tác giả và tác giả nghĩ gì mà nói đúng sai ! Cái sai cái đúng là của người đời đánh giá một tác phẩm nghệ thuật, có thể trùng hợp hay không trùng hợp với ý đồ của tác giả. Ngay cả khi tác giả vẫn còn sống đọc những lời đánh giá tác phẩm của mình cũng đã từng có lời than "Trăm năm sau người ta sẽ hiểu tôi!" mà Nguyễn Du đã diễn đạt bằng hai câu thơ não nuột: "Bất tri tam bách dư niên hậu, thiên hạ hà nhân khấp Tố Như!". Đấy thông thường là do lập trường quan điểm tâm tư tình cảm của những con người khác nhau đối với cùng một tác phẩm. Như vậy rất dễ hiểu. Nhưng đây lại là một người mà hai nhà chú giải Thiều Chửu khác nhau quan điểm lại hoàn toàn khác nhau như ông đã viết "... không phải là tôi thuở trước nữa". Đáng tiếc tôi chưa có điều kiện tìm hiểu sâu hơn về vấn đề lý thú này, cũng không biết những bản thảo trước của Thiều Chửu có tồn tại hay không. Trong bài viết này tạm không bàn về văn bản TQATK mà chỉ bàn đôi điều về quan điểm Phật học của Thiều Chửu thể hiện trong các lời "Thích".
Xuất phát điểm của toàn bộ nội dung Thích là quan điểm của Thiều Chửu cho TQATK không phải là truyện mà là kinh, nghĩa là không phải tác phẩm văn học mà là kinh Phật. Và từ đó ông giải thích thế nào là Phật, Bồ tát, Tâm, Độ v.v...
Trong kinh Phật có nhiều truyện mà thường gọi là Phật thoại. Thiều Chửu coi TQATK là một trong những Phật thoại như nhiều loại Phật thoại khác, ví dụ như các Phật thoại nổi tiếng được dẫn trong Lục Độ kinh của Khương Tăng Hội hay trong các sưu tập khác. Nhưng theo hiểu biết của tôi không có Phật thoại Thị Kính hay một cái gì tương tự như thế. Thiều Chửu nhận thấy tính chất Phật thoại đó trong các câu thơ kể lại Quán Âm vốn là nam nhi đã tu hành chín kiếp, Phật bèn thử lòng, hiện ra làm mỹ nữ ép duyên, Quán Âm khước từ nhưng lại nói "Có chăng kiếp khác hoạ là, Kiếp này sợi chỉ chót đà buộc tay." Như vậy chưa phải đã rũ bỏ lòng dục hoàn toàn mà vẫn lưu luyến sắc dục. Phật bèn bắt Quán Âm trải qua thử thách tình yêu để chứng đắc. Đó là lý do Quán Âm nam đầu thai làm Thị Kính, lấy chồng, hàm oan giết chồng, đi tu, hàm oan Thị Mầu.... Tất cả để giúp Quán Âm thoát tục hoàn toàn trở thành Bồ tát Quán Thế Âm. TQATK là một mẫu mực về độ tha, hy sinh hoàn toàn bản thân để độ tha. Nói cho rõ ràng trong trường hợp này độ tha là ai thì cũng không thể khẳng định được. Độ Thiện Sĩ? độ Thị Mầu? độ con Thị Mầu? Sự không rõ là lý do khiến Thiều Chửu băn khăn không biết đã giải thích đúng ý tác giả hay chưa. Và tôi cũng không biết TQATK là Phật thoại hay là vở chèo cổ hay nhất của nước ta. Thôi vậy, hãy để cho người đời thưởng thức vở chèo theo nội tâm của họ. Nhưng đáng khen Thiều Chửu đã nhận thấy chất Phật thoại trong khi mọi người say đắm với cảnh Thị Mầu lên chùa và lâm ly cho số phận Thị Kính. Chất nhân văn của vở chèo là giá trị bất hủ của TQATK trội vượt lên trên ý nghĩa Phật thoại.
Nói như vậy có đúng ý Thiều Chửu hay không? Tôi không biết cũng như Thiều Chửu không biết giải thích TQATK như thế có đúng ý tác giả hay không.
Ngày 30.3.2002
Bình luận bài viết