MỘT VÀI TỔ ĐÌNH TIÊU BIỂU CỦA LIÊN TÔNG TỊNH ĐỘ NON BỒNG
MỘT VÀI TỔ ĐÌNH TIÊU BIỂU
CỦA LIÊN TÔNG TỊNH ĐỘ NON BỒNG
ThS. NGUYỄN VĂN QUÝ
Viện Nghiên cứu Tôn giáo,
Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam
- Tổ đình Linh Sơn, tọa lạc khoảng giữa núi Dinh, trong quần thể núi Dinh cao 591 mét. Trong quần thể núi Dinh có các hang động, bên trong là các ngôi chùa như chùa Hang Mai, chùa Hang Tổ, điện Hàm Rồng1. Mặt trước chùa Linh Sơn nhìn ra biển và núi Ông Trần; mặt sau giáp núi Hang Tổ, núi Bao Quan và núi Long Mai (Hang Mai); phía Nam giáp Suối Tiên vì mùa mưa nước trong mát, tạo phong cảnh đẹp, nhưng mùa khô không có nước nên còn gọi là Suối Đá; phía Bắc giáp núi Bồng Lai, núi này có suối Bồng Lai chảy từ núi Long Mai xuống chân núi Dinh ra đến cầu Rạch Ván và Chu Hải. Như thế, chùa Linh Sơn tọa lạc trên một vị trí đắc địa, lại là nơi có nhiều cây gỗ quý như Dầu, Sao, Săn Đá, Cẩm Lai, Huỳnh Đàn... Đồng thời, đây cũng là nơi có nhiều loài thú quý hiếm như hổ, vượn, khỉ... tạo cảnh thanh vắng, u tịch, thích hợp cho việc tu hành. Tương truyền, Hòa thượng Thi (1814-1852) là người khai sơn lập chùa đầu tiên; Ngài Yết Ma Đối (1853-1876) và ngài Yết Ma Sanh (1877-1895) tiếp tục xây dựng; Ngài Giáo Thị Nhi (1895-1913) trụ trì gần 20 năm tiếp tục tu bổ chùa Linh Sơn; Phật tử Diệu Đường (1914-1926) tiếp nối xây dựng chính điện, lập thêm các am, thất; Hòa thượng Trừng Tát (1926 - 1946), hiệu Phước Như tiếp tục trùng tu chùa và hoằng pháp Mật tông, mở phòng thuốc trị bệnh cứu người. Đến năm 1945, giặc Pháp càn đến núi Dinh đốt phá, chùa Linh Sơn từ đó tiêu điều đổ nát, cây cối rậm rạp quạnh hiu.
Năm 1955, Hòa thượng Thích Thiện Phước (1957-1986), hiệu Đức Mẫu Trầu Bồng Lai đến núi Dài ẩn tu với Sư Ông Bửu Đức tại chùa Bửu Quang, xã Ba Chúc. Ít lâu sau, Đức Sư Ông khuyên ông về Miền Đông hành đạo. Năm 1956, ông gặp Hòa thượng Hồng Ân Trí Châu và được ban hiệu Nhựt Ý tại chùa Long Sơn. Hòa thượng ở đây qui tụ được rất đông tín đồ Phật tử, khiến chính quyền tỉnh Biên Hòa bấy giờ e sợ nên đã trục xuất ông và môn đồ ra khỏi tỉnh Biên Hòa. Năm 1957, ông và môn đồ về ẩn tu tại chùa Linh Sơn. Tại đây, ông thấy cảnh chùa Linh Sơn điêu tàn bèn cùng môn đồ tôn tạo, tiếp tục khai sơn, xây dựng. Tại đây, ông đã khai sáng hệ phái Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng. Để đào tạo tăng tài, ông lệnh cho đệ tử là Ni sư Huệ Giác mở Phật học đường Tây Phương Bồng Đảo, thỉnh mời chư vị cao tăng về đây giảng dạy giáo lý Phật giáo. Sau đó, ông tiếp tục khai khẩn và tìm những hang động đẹp để làm nơi cho tín đồ Niệm Phật như Bồ Đề Phật Điện, Tào Khê Phật Điện, Bát Tiên Phật Điện…
- Tổ đình Long Sơn: thuộc ấp Tân Ba, xã Thái Hòa, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Năm 1803, chùa là một thảo am, đến năm năm 1872 thì Thiền sư Như Tường An Tịch, thuộc phổ hệ Lâm Tế thứ 39 khai Sơn hưng công xây dựng. Năm 1903, Hòa thượng Hồng Ân Quảng Chánh kế nối trụ trì. Năm 1941, Hòa thượng Hồng Ân Trí Châu kế nối trụ trì. Thời kỳ này, Hòa thượng là người nổi tiếng đức hạnh, uyên thâm Phật học, độ được nhiều đệ tử và Phật tử. Đây cũng là thời kỳ sư Thiện Phước đến cầu pháp và được hòa thượng ban pháp hiệu Nhựt Ý.
Ngày nay, chùa tọa lạc trên một khuôn viên rộng 1.500 m2 với kiến trúc kiểu dân gian Nam Bộ gồm các công trình chính như tiền điện, chính điện, nhà tổ, giảng đường, và hệ thống sân vườn. Khi Hòa thượng Thiện Phước Nhựt Ý trụ trì và phát triển pháp tu Tịnh Độ, lập hệ phái riêng thì chùa Long Sơn đã trở thành một trong các tổ đình quan trọng thuộc hệ thống Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng. Hiện nay, trong chính điện chùa tôn trí phụng thờ bộ tượng Phật A Di Đà, Bồ tát Quán Thế Âm và Bồ tát Đại Thế Chí; tiếp đến là bộ tượng Phật Thích Ca Mâu Ni, hai bên là Bồ tát Văn Thù và Bồ tát Phổ Hiền; tượng Thích Ca Sơ Sinh; tượng Ngọc Hoàng ở giữa, hai bên là bộ tượng Tứ thiên vương. Phía trước Phật điện còn bài trí tượng Di Lặc, tượng Chuẩn Đề... Hai bên chính điện bài trí tượng Già Lam, Thập điện Diêm Vương, Bồ tát Địa Tạng, Hộ Pháp, Dược Sư2...
- Tu viện Thắng Liên Hoa: Sau khi Hòa thượng Thiện Phước Nhựt Ý cùng môn đồ từ chùa Linh Sơn về xã Hiệp Hòa, tỉnh Biên Hòa năm 1965. Lúc này, có hai Phật tử là Tư Hơn và Tư Đâu đã cúng dường đất để xây dựng Tịnh xá Thắng Liên Hoa. Tại đây, Hòa thượng Thiện Phước đã cùng môn đồ và nhân dân đã đắp đường Hiệp Hòa, tu sửa cầu xuống bến đò Long Kiểng. Năm 1976, Hòa thượng Thiện Phước giao cho Thượng tọa Thích Giác Thông trụ trì.
- Tu viện Quan Âm, tọa lạc tại đường Nguyễn Ái Quốc, khu phố 3, phường Bửu Hòa, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Đây là khu đất do các ông Phạm Văn Hai, Phạm Văn Sức và Phạm Văn Tàu đã cúng dường đất để xây dựng. Ni trưởng Huệ Giác được Tôn sư giao trách nhiệm xây dựng. Sau khi tìm hiểu kiến trúc tu viện ở Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kông, Ni trưởng trở về thiết kế, xây dựng tu viện từ năm 1966 đến năm 1969 thì hoàn thành.
Ngày nay, tu viện Quan Âm ngày nay bao gồm 48 công trình lớn nhỏ chia thành nhiều khu: thờ phụng, học tập, sinh hoạt. Khu vực thờ phụng nổi bật là ngôi chính điện tứ giác lớn có diện tích gần 100 m2. Bên trong tôn trí tượng Phật Thích Ca Mâu Ni trong tư thế thiền định cao 2.5 mét. Sau chính điện còn có các điện thờ Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn, tháp thờ Phật Dược Sư, tháp Phật A Di Đà, tháp tượng Bồ Đề Đạt Ma, tháp mộ Hòa thượng Thiện Phước Nhựt Ý, tháp mộ Hòa thượng Thích Thiện Chơn, tháp Hòa thượng Thích Giác Châu, nhưng nổi bật nhất là tháp Quán Thế Âm Bồ Tát cao 12 mét. Tu viện Quan Âm có hai phân viện, một phân viện Tăng ở hướng Tây và một phân viện Ni ở hướng Đông. Ngoài ra còn có hậu viện, khu an dưỡng...
Tu viện Quan Âm không chỉ là một tổ đình quan trọng của Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng, mà còn là trung tâm hành chính của môn phái. Đặc biệt, tu viện Quan Âm còn là cơ sở đào tạo tăng tài không chỉ cho môn phái mà còn cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam các cấp. Bên cạnh đó, tu viện Quan Âm còn là một trung tâm từ thiện xã hội của Phật giáo tỉnh Đồng Nai. Thường xuyên có những hoạt động trợ giúp cho những gia đình gặp khó khăn kinh tế, những gia đình nạn nhân chất độc da cam, những nơi xảy ra thiên tai địch họa... Tu viện Quan Âm cũng là nơi khởi xướng nhiều phong trào an sinh xã hội, chương trình khuyến học, xóa đói giảm nghèo...
***
Thuở ban đầu, các bậc tôn sư khai sáng hệ phái Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng như Đức Sư Ông, Hòa thượng Thiên Phước Nhựt Ý thường chọn nơi non cao, cảnh trí u tịch để tu hành. Nhưng dần dần, do nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là sự phát triển của hệ phái mà có sự phát triển về vùng đồng bằng và đến nay trong phạm vi cả nước. Nhiều tự viện, tịnh xá được xây dựng nhằm đáp ứng số lượng và nhu cầu sinh hoạt tu tập ngày càng gia tăng của tín đồ. Bên cạnh đó là công tác từ thiện xã hội ngày càng được Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng chú trọng, nhằm góp phần chia sẻ những đau thương mất mát của con người theo tinh thần nhập thế tích cực của Phật giáo Việt Nam. Ngày nay, Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng có 170 tự viện trên toàn quốc, 1.276 tăng ni và 1.350.000 tín đồ Phật tử trong nước và nước ngoài sinh hoạt theo tông phong và hoạt động theo Hiến chương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Trên phương diện tôn chỉ và phương pháp thực hành. Có thể thấy, Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng dựa trên cơ sở kinh điển pháp tu Tịnh Độ xác lập tôn chỉ tu hành niệm Phật cầu vãng sinh Tịnh Độ. Nhưng tôn sư khai sáng hệ phái rất chú trọng phát triển các nghi thức hành trì riêng, phù hợp để tín đồ, Phật tử có được sự giác ngộ, giải thoát. Điều này cho thấy, các bậc tôn sư Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng không chấp chặt vào văn tự kinh điển mà có xu hướng mở rộng, lựa chọn những phương pháp tu tập phù hợp với người Việt trong bối cảnh lịch sử nhất định. Bên cạnh đó, Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng cũng chú trọng những hoạt động từ thiện xã hội, thể hiện tinh thần của Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng và của Phật giáo Việt Nam. Về cơ cấu tổ chức của Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng, qua Bản nội quy Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng, chúng ta thấy tổ chức của hệ phái khá đơn giản, song có những quy định lại rất chặt chẽ và tất cả đều hướng tín đồ, Phật tử về cuộc sống đạo hạnh, cứu đời. Các cơ sở thờ phụng của hệ phái này cũng rất đa dạng, từ tự viện, tu viện, tịnh xá đến các đạo tràng, am, cốc nhưng sinh hoạt Phật sự và hoạt động xã hội theo đúng tinh thần, tôn chỉ mà Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng đề ra.
1. Tức là Phật điện Bửu Quang.
2. Xem thêm: http://linhsonphatgiao.com/4/10/2014/lien-tong-tinh-do-non-bong-va-phap-tu.htm
Tin tức khác
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 28 – THÁNG 4 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 27 – THÁNG 1 NĂM 2019 (PL. 2562)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 26 – THÁNG 10 NĂM 2018 (PL. 2562)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 25 – THÁNG 7 NĂM 2018 (PL. 2562)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 24 – THÁNG 4 NĂM 2018 (PL. 2561)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 23 – THÁNG 1 NĂM 2018 (PL. 2561)
Bình luận bài viết