Thông tin

MỘT VỊ HOÀNG ĐẾ A DỤC VƯƠNG THỜI NGUYỄN

 

THÍCH TUỆ MINH*

 

Vua A Dục (Asoka) được xem như một vị hoàng đế vĩ đại nhất của Ấn Độ, người đầu tiên thống trị toàn cõi Tiểu lục địa Ấn. Đối với Phật giáo, Asoka là người Phật tử có công lớn trong việc xiển dương Phật giáo, bằng sự nhiệt tâm ủng  hộ Tăng đoàn và gửi các phái đoàn đi truyền đạo khắp nơi. Chính nhờ vào những nỗ lực này của ông, Phật giáo đã trở thành một tôn giáo thế giới từ thế kỷ thứ III tr. TL; và cũng chính dưới triều đại của ông, Phật giáo đã đạt đến điểm xán lạn nhất của nó trong dòng phát triển tại Ấn, không chỉ vì nó trở thành quốc đạo của Ấn mà còn bởi những nguyên tắc đạo đức Phật giáo đã được ứng dụng vào trong đời sống xã hội một cách thiết thực[1].

Nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp của ông, chắc không một ai không khỏi thán phục trước một con người vĩ đại trong những người vĩ đại; trước một vị vua tuyệt vời trong những vị vua. Và tất cả những mỹ từ đó, có thể không ngoa lắm khi chúng tôi sử dụng nó để chỉ về một vị Chúa dưới triều đại các chúa Nguyễn ở Việt Nam, người chúng tôi muốn nói ở đây, không ai khác chính là chúa Nguyễn Phúc Chu.

I. THÂN THẾ SỰ NGHIỆP

Nguyễn Phúc Chu (1675 -1725), là con trưởng của chúa Nguyễn Phúc Trăn, thân mẫu người họ Tống. Được nối nghiệp Chúa từ tháng 1 năm Tân Mùi (1691), xưng là Tiết chế thủy bộ chư dinh, Tổng nội ngoại bình chương quân quốc trọng sự, chức Thái bảo, tước Tộ Quận Công, dân thường gọi là Quốc chúa[2] hiệu là Minh Vương[3].

Lúc nhỏ, ông rất chăm chỉ học hành, chữ viết lại đẹp, văn võ toàn tài, được phong làm Tộ Trường Hầu. Bản tính vốn nhân từ hiền hậu, luôn biết học hỏi, đọc nhiều sách vở, sáng tác thơ văn. Khi lên làm Chúa, ông rất biết chăm lo đời sống cho dân chúng, trọng hiền đãi sĩ, giúp kẻ thế cô, giảm thuế sưu dịch, bỏ bớt ngục hình[4]. Đặc biệt Chúa rất chú trọng công cuộc mở mang bờ cõi để đáp ứng tình hình xã hội bấy giờ của đất nước. Cho nên, việc mở khoa thi chọn người tài giỏi ra giúp nước; củng cố hệ thống tổ chức quân dân; tu sửa thành ấp, đường xá, cầu cống… đều được Chúa hết mực quan tâm.

Về việc mở rộng lãnh thổ, thời Chúa có 3 lần đáng chú ý nhất:[5]

Lần thứ nhất: Lấy hết đất còn lại của Chiêm Thành (năm Quý Dậu 1693), bờ cõi xứ Đàng Trong kéo dài đến Bình Thuận ngày nay.

Lần thứ hai: Lấy một phần đất Chân Lạp tiếp giáp với xứ Đàng Trong, tương ứng với miền Đông Nam Bộ ngày nay (năm Mậu Dần 1698).

Lần thứ ba: Nhận đất xứ Hà Tiên do Mạc Cửu dâng. Đất này tương ứng với toàn bộ tỉnh Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau và một phần nhỏ tỉnh An Giang và Sóc Trăng ngày nay (năm Giáp Ngọ 1714).

Như vậy, có thể nói, kể từ sau năm 1558, khi Tiên chúa Nguyễn Hoàng vào khai mở bờ cõi vùng Đàng Trong, cho đến thời Chúa Nguyễn Phúc Chu được xem là giai đoạn hưng thịnh nhất về mọi mặt, từ kinh tế, xã hội, văn hóa, tôn giáo…

II. ĐỐI VỚI PHẬT GIÁO

1. Xây chùa, đúc chuông

Đối với đạo Phật, hầu hết các chúa Nguyễn trước đó đều là những người có tinh thần Phật giáo sâu sắc. Thậm chí, “chúa Tiên có thâm ý muốn lấy Phật giáo để làm nơi nương tựa tinh thần cho công trình lập quốc cho các chúa Nguyễn, đồng thời lấy Phật giáo để làm phương tiện chiến tranh chánh trị chống lại chủ trương tôn sùng Nho gia của nhà Hậu Lê ở Đàng Ngoài”[6]. Cho nên, tiếp nối tinh thần của các vị tiên chúa, Chúa Nguyễn Phúc Chu cũng là một người rất hâm mộ đạo Phật và nhiệt tình hộ trì Phật pháp[7].

Khi vừa lên ngôi chúa trong vòng một năm, Quốc Chúa Nguyễn Phúc Chu đã bắt đầu thực thi rất nhiều chính sách quan tâm đến việc phát triển đạo Phật. Đầu tiên, chúa đã cho xây dựng chùa Mỹ An ở núi Mỹ An (nay là núi Túy Vân), và chúa rất trọng đãi với Thiền sư Hưng Liên Quả Hoằng trụ trì chùa Tam Thai ở Quảng Nam[8].

Năm 1710, chúa lại cho đúc chuông chùa Linh Mụ nặng 3.285 cân[9], sau đó đại trùng tu chùa vào năm 1714, sau một năm thì hoàn thành, chúa liền cho mở đại hội ở vườn Tỳ Da, ăn chay một tháng, phát chẩn, bố thí cho người nghèo và đích thân làm văn bia ghi lại sự kiện này[10]. Trong văn bia nói rất rõ tâm ý của Quốc Chúa đối với Phật giáo: sống theo đạo Nho, chuộng đạo Phật vì chánh trị không thể chẳng làm nhơn, tin đạo kính thầy, lấy nhân quả mà nghĩ điều gieo phước. Nhờ vậy, biên giới được thanh bình, thân tâm an ổn…n guyện họ Nguyễn, nội ngoại xa gần, đều lên pháp hội, luôn làm chứa phước, thường hộ chùa chiền, nội ngoại thân thích đều chứng bồ đề…[11].

Năm 1716, chúa cho trùng tu chùa Kính Thiên ở Thuận Trạch. Năm 1721 chúa cho lập chùa Giác Hoàng ở Phong Điền. Bởi xưa ở đây đã có một ngôi chùa nổi tiếng là linh ứng, khi cất mới, chúa đã đặt tên là Giác Hoàng và ban bảng vàng cho tên chùa[12].

Tại sao Phật giáo lại chiếm được lòng tin của mọi tầng lớp người như vậy? Theo thiển ý của chúng tôi là Phật giáo không chỉ là những nguyên tắc đạo đức đáp ứng nhu cầu xây dựng hạnh phúc, ổn định cho cá nhân ngay hiện tại, mà Phật giáo còn hướng nhân sinh đến con đường an lạc giải thoát. Đạo Phật ra đời cũng chỉ vì những nỗi khổ niềm đau của nhân loại, những nhu cầu thiết yếu của nhân sinh, đó là làm sao cho mọi người hết khổ được vui, làm sao cho mọi người thân khỏe tâm an, cuộc sống được yên bình hạnh phúc… Và lúc ấy, Phật giáo đã cho họ những niềm tin đó. Vì vậy, giáo lý đạo Phật tất cả Tam Tạng Kinh điển cũng không ngoài mục đích chỉ ra sự khổ và con đường dứt hết khổ đau[13]cho chúng sanh.

Quả thật, tinh thần Phật giáo trải qua bao thế kỷ đã ngấm sâu vào huyết mạch của mọi tầng lớp nhân dân. Những nguyên tắc của Phật giáo cũng chính là những cơ sở đạo đức cho xã hội. Hành vi theo Phật giáo phải mang tính tự giác, không ép buộc vì bất cứ một áp lực nào, ngoài nhu cầu hạnh phúc và an ổn cho đời sống cá nhân, cộng đồng một cách lâu dài. Luôn lấy căn bản nhân quả, nhân duyên, nghiệp báo làm kim chỉ nam cho đời sống của mình. Tính chất phổ quát, rộng lớn ấy suốt mấy ngàn năm nay vẫn luôn như mới mẻ. Đấy chính là tính ưu việt riêng và sự tích cực vô cùng của đạo Phật.

Một đất nước nếu nền kinh tế sung mãn đến đâu, binh quyền có mạnh ra sao, nhưng chỉ biết dùng uy quyền để trị quốc, dùng bạo lực để dạy dân, chắc chắn một điều, quốc gia đó sẽ không bao giờ được hưng thịnh. Muốn thu phục nhân tâm, quy hướng lòng người, ngoài chí đức tối cao, lòng khoan dung nhân hòa thì phải biết đề cao nhân nghĩa, đạo đức nhân sinh. Được thế, quốc gia sẽ không biến mà hưng, chẳng suy mà thịnh vậy.

2. Khai mở đại giới đàn để tiếp tăng độ chúng

Vào thời chúa Nghĩa Nguyễn Phúc Trăn, lúc bấy giờ đã có Thiền sư Nguyên Thiều thỉnh các bậc cao tăng tông Lâm Tế từ bên Trung Hoa sang truyền đạo. Năm 1694 do xảy ra biến cố trong nước nên Tổ đã ra đi. Được sự giới thiệu của Thiền sư Hưng Liên, Chúa đã cử hai vị sư qua Trung Hoa để thỉnh Hòa thượng Thạch Liêm tông Tào Động sang hoằng dương Phật pháp.

Về Hòa thượng Thạch Liêm, theo Việt Nam Phật giáo sử luận[14] thì Hòa thượng Thạch Liêm hiệu Đại Sán Hán Ông, người Giang Tây, sinh năm 1633, xuất gia hồi niên thiếu ở chùa Thượng Lam, sau nhập chúng tu học ở Chùa Trường Thọ Quảng Đông do Thiền sư Thực Hành trụ trì. Sau Thiền sư Thực Hành tịch, Ông được kế thừa trụ trì, từ đó Chùa Trường Thọ trở thành một danh thắng ở Quảng Đông nhờ vào tài năng của Ông.Thiền sư Thạch Liêm là một nghệ sĩ. Ông sở trường về nhiều môn: thi văn, hội họa, chữ viết, thủ công….và sự giao thiệp thân mật với hầu hết các văn nhân nổi tiếng của thời đại ông[15].

Khi chúa Nguyễn Phúc Chu cho người sang mời hòa thượng qua Việt Nam, cùng đi lúc ấy có cả hơn 100 người, trong đó phân nửa là tăng chúng. Và suốt trong thời gian lưu trú tại Đàng Trong, công tác quan trọng nhất mà ông làm được là tổ chức đại giới đàn Thiền Lâm. Một giới đàn quy mô nhất thời bấy giờ. Thời gian tổ chức 12 ngày (từ mồng 1 tới 12 tháng 4 âm lịch năm 1695), quy tụ trên 3.000 giới tử thọ pháp, trong đó hơn 1.400 giới tử xuất gia. Các giới tử trong đại giới này đều được cấp giới điệp đóng ấn của phủ Chúa[16].

Đặc biệt hơn nữa, cũng trong năm ấy, tức lúc đó chúa 21 tuổi, sau bốn năm lên ngôi, Chúa đã chính thức thọ giới Bồ Tát với Hòa thượng Thạch Liêm, được ban pháp danh là Hưng Long, hiệu Thiên Túng Đạo Nhân, thuộc phái Thiền Tào Động đời 30. Sau đó, Quốc mẫu, các vương phi, công chúa cũng phát nguyện thọ giới Bồ Tát trong giới đàn tại chùa Giác Hoàng trong phủ[17].

Đây được xem là sự kiện có một không hai ở các đời chúa, đánh dấu một bước phát triển mới của Phật giáo bấy giờ. Nhờ vào sự ủng hộ nhiệt tình của Quốc Chúa mà Phật giáo Đàng Trong đã có những bước phát triển rực rỡ. Chúa còn sai người sang Trung Quốc để thỉnh kinh về lưu trữ tại chùa Thiên Mụ[18], nhưng đối với các bậc cao tăng ở các tỉnh, chúa cũng rất trọng dụng và nâng đỡ, đồng thời ban biển ngạch sắc tứ cùng câu đối cho rất nhiều chùa. Những biển ngạch này đều được ký tên “Thiên Túng Đạo Nhân”[19].

  1. 3.    Áp dụng tinh thần Phật giáo vào chính sách trị quốc

Trong suốt khoảng thời hoằng hóa ở Đàng Trong (1695-1696) Hòa thượng Thạch Liêm đã nỗ lực hoằng dương Phật pháp và phát triển Thiền phái Tào Động. Chúa thường rước Hòa thượng Thạch Liêm vào Vương phủ để tham khảo ý kiến về việc ổn định chánh giáo, kỷ cương phép nước, đồng thời học hỏi Phật pháp

Một bữa nọ chúa đến thăm Hòa thượng Thạch Liêm, thấy hòa thượng đang trì một bài chú mà trời đang mưa mấy ngày phải tạnh. Chúa rất thích và đòi học. Thay vì dạy cho chúa, hòa thượng đã đưa một bản điều trần gồm 18 điểm về cách trị nước theo tinh thần Phật giáo và nói với chúa nếu thực hành đúng những điều này thì phong điều vũ thuận, sự linh nghiệm cũng không khác bài chú kia. Hoặc lúc chúa lập đàn trai giới để thanh tịnh nhưng ngài lại khuyên, sự trai giới viên mãn của vua chúa tức phải làm cho quốc gia từ trên xuống dưới đều được hòa thuận, không người nào không ngồi đúng chỗ, không việc nào mà không giải quyết thỏa đáng. Đặc biệt hơn nên phóng thích bớt tù nhân, chẩn cấp kẻ nghèo, bỏ bớt luật lệ hà khắc, những hình phạt ác độc, khuyến khích và tạo cơ hội cho những người buôn bán… đó mới là những việc làm thật sự có ý nghĩa[20].

Một tư tưởng đặc biệt nữa của Quốc Chúa Nguyễn Phúc Chu đó là tinh thần “cư Nho mộ Thích” – sống Nho chuộng Phật. Tư tưởng này rất giống với tinh thần “cư trần lạc đạo” của đức vua Trần Nhân Tông khi ngài vẫn chưa đi tu. Có lẽ vì thế mà có người đã ví Quốc Chúa Nguyễn Phúc Chu là Trần Nhân Tông thứ hai của Phật giáo[21].

Mặc dù Nho và Phật lúc này đã khác xa tinh thần Nho và Phật ở thời Lý - Trần và đầu Lê nhưng Quốc Chúa luôn khéo léo vận dụng dung hợp hai tư tưởng này vừa dùng Nho để xây dựng xã hội theo quan niệm của các chúa nhà Nguyễn vừa trọng Phật để chuẩn giá đạo đức cho việc rèn luyện tu dưỡng của kẻ tôi trung. Tuy vậy, việc trọng Phật của chúa Nguyễn không chỉ có tính cách suông mà rất thật tâm toàn ý. Hầu hết bà con trong hoàng gia đều quy y thọ giới, các chúa Nguyễn về sau đều có pháp danh đạo hiệu, quý trọng các cao tăng, lo việc dựng chùa, đúc tượng, ban pháp khí nhằm làm công đức, cầu mong sự gia trì của Phật tổ cho sự nghiệp của mình. Đồng thời còn thể hiện rõ quan niệm của mình là đạo Phật sẽ là phương tiện tốt để giáo hóa nhân dân nhằm xây dựng đất nước thái hoà, thịnh vượng. Bài minh mà Chúa viết tại chùa Quốc Ân, chúng ta sẽ rõ hơn: “Ta vâng mệnh trời chăm coi trăm họ, gà gáy đã vội dậy, chăm chắm không dám quên đạo làm điều thiện. Cứ xem nước Việt ta từ khi mở nước đến nay, việc lập chùa dựng am, thỉnh sư thờ Phật, rộng truyền phương tiện, khiến cho dân chúng kinh kỳ ngày càng phồn thịnh, từ đó cũng chăm chỉ tu tập, cầu được sinh thuận tử an... Ta cũng mong người người muôn đời ngưỡng mộ thiện đạo,chứng được quả của đấng vô thượng Như Lai để cùng hưởng thái bình đến vô cùng”.

Như vậy, ở trên ngôi cao, công việc triều chính lao tâm khổ tứ, an bang trị quốc vất vả lo toan, thế nhưng đối với việc tu hành cho bản thân, làm điều phước thiện để mong cho đất nước thái bình, nhân dân ấm no hạnh phúc lại không bao giờ trễ nãi. Những việc làm này quả thật phải để cho hậu thế chúng ta tự xét lại mình!

  1. III.   NHẬN ĐỊNH

Tóm lại, trải qua 9 đời chúa Nguyễn, kể từ Tiên chúa Nguyễn Hoàng đến Định vương Nguyễn Phúc Thuần, vị nào cũng đều là những Phật tử mộ đạo, hộ trì Phật giáo ở Đàng Trong phát triển. Nhưng người có vai trò nổi bật hơn cả chính là Quốc chúa Nguyễn Phúc Chu.

Thứ nhất ở cương vị là một người lãnh đạo đất nước, Quốc Chúa đã có rất nhiều đóng góp quan trọng đối với lịch sử phát triển của Việt Nam bấy giờ và Phật giáo Đàng Trong giai đoạn thế kỷ 17. Những thành tựu đạt được đã nói lên tài năng và đức độ của Quốc Chúa. Chính vì lẽ đó mà suốt 34 năm trên ngôi Chúa, Minh Vương Nguyễn Phúc Chu đã luôn lấy lợi ích cho đất nước làm đầu, bá tính được ấm no, lê dân được hạnh phúc, mưa thuận gió hòa, bờ cõi mở mang, thái bình thịnh trị.

Thứ hai ở cương vị là một Phật tử, đối với việc hộ trì Phật pháp, thì Chúa Nguyễn Phúc Chu thật là một người có công hạnh rất lớn. Phật giáo bấy giờ không ngừng phát triển, chùa chiền xây mới, người xuất gia được trọng dụng. Có lẽ kể từ cuối thế kỷ 14 của thời Trần, khi Phật giáo, đặc biệt là Giáo hội Trúc Lâm bấy giờ bắt đầu suy yếu và dần mất hẳn vị thế của mình, thì đến thời đại của Quốc chúa, một lần nữa Phật giáo nhất là Phật giáo Đàng Trong lại có dịp khẳng định vai trò, vị thế của mình trong lòng dân tộc.

Vì thế, công hạnh hộ trì đạo pháp của Quốc chúa có thể được sánh ngang với sự nghiệp hộ pháp Phật giáo của vị hoàng đế Asoka ở Ấn Độ. Tuy hai người ở hai đất nước khác nhau, sống ở những thời điểm khác nhau, nhưng mục đích lại không khác. Họ đều tôn sùng đạo Phật, lấy Phật giáo làm quan niệm sống và trị quốc. Tinh thần đó, mãi mãi họ sẽ được hậu thế trân trọng.



* Đại đức, Ban PGVN, VNC Phật học Việt Nam.

[1] Thích Nguyên Hiệp, Pháp của vua Asoka, Nguyệt san Giác Ngộ số 178, tháng 1.2011, tr. 42.

[2] Nguyễn Khắc Thuần, Thế thứ các triều vua Việt Nam, NXB. Giáo dục, H,  2010, tr. 100-101.

[3] Nguyễn Hiền Đức, Lịch sử Phật giáo Đàng Trong, NXB. TPHCM, 1995, tr. 28.

[4] Lịch sử Phật giáo Đàng Trong, sđd, tr. 28.

[5] Thế thứ các triều vua Việt Nam, sđd, tr.101

[6] Lịch sử Phật giáo Đàng Trong, sđd, tr.23.

[7] Lịch sử Phật giáo Đàng Trong, sđd, tr.28.

[8] Lịch sử Phật giáo Đàng Trong, sđd, tr.29

[9] Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, NXB. Văn học, H, 2000,  tr.631

[10] Lịch sử Phật giáo Đàng Trong, sđd, tr.31

[11] Lịch sử Phật giáo Đàng Trong, sđd, tr.32-33.

[12] Lịch sử Phật giáo Đàng Trong, sđd, tr.34.

[13] HT. Minh Châu dịch, Kinh Tăng Chi Bộ, tập 1,  NXB. Tôn giáo, H, 2005, tr. 317- 319.

[14] Việt Nam Phật giáo sử luận, sđd, tr. 615-616.

[15] Việt Nam Phật giáo sử luận, sđd, tr.617-618.

[16] Việt Nam Phật giáo sử luận, sđd, tr.616-617.

[17] Lịch sử Phật giáo Đàng Trong, sđd, tr.29

[18] Lịch sử Phật giáo Đàng Trong, sđd, tr.31.

[19] Việt Nam Phật giáo sử luận, sđd, tr.631

[20] Việt Nam Phật giáo sử luận, sđd, tr.629-630.

[21] Nguyễn Đức Sơn, Phật giáo từ thời Trần Nhân Tông đến cận đại, http://www.chuyenphapluan.com/chude.php?tn=view&id=924

 

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 21
    • Số lượt truy cập : 6561458