Thông tin

MÙA HOA BÁO HIẾU

 

THÍCH HUYỀN LAN

 

 

Mùa báo hiếu lấp lánh gương đại hiếu Bồ tát Mục Kiền Liên, đóa hoa hiếu tử ngàn đời tô đẹp bản sắc cội nguồn dân tộc Đông phương. Còn chúng ta mỗi lần đón lễ Vu Lan thì cảm thấy ân tình cha mẹ ngày một cao sâu vời vợi hơn biển trời.

Thời gian trôi lênh đênh, không gian thì buồn tênh cho những đứa con viễn xứ. Ân tình cha mẹ mãi dạt dào biển khơi, mượt mà như đồng lúa quê hương. Trong sâu thẳm cõi lòng, ai cũng luôn ẩn hiện hình bóng thân thương của mẹ cha, đã một đời gieo neo, khó khổ nuôi lớn thân con… Và đong đầy tình tự dân tộc trong lời ru ca dao của mẹ thấm vào máu thịt những đứa con đi xa, mỗi lần nhớ về là mềm lòng với nỗi nhớ quê xưa có bóng hình mẹ thân thương như La Mai Thi Gia cảm nhận:

“… Nhớ xưa còn ở quê nhà

Đêm đêm ngủ, có mẹ già hát ru

Giờ đây nơi tít xa mù

Đêm nhớ mẹ, tự mình ru giấc mình…”

Tuổi áo trắng chúng ta khi còn sống bên mẹ thì lại quá vô tư đến nỗi hóa ra vô tình trước bao sự lo toan của mẹ khi bắt đầu thấy con mình khôn lớn, mẹ cứ lo đêm lo ngày cho con trai con gái, vậy mà lúc đó chúng ta chẳng đoái hoài gì đến nỗi lo lắng của mẹ. Là con trai chúng ta cảm thấy bực bội khi vừa dắt chiếc xe định đi đâu đó là nghe mẹ nhắc: “Cẩn thận nghe con, đường sá xe cộ đông, con nên chạy chậm cho an toàn…”; là con gái chúng ta cảm thấy mẹ mình lạc hậu, đôi khi còn cằn nhằn buồn mẹ nữa chứ, bởi mẹ thường nhắc: “Là con gái đi, đứng, nằm, ngồi phải giữ ý giữ tứ, không khéo sau này vào đời người ta chê cười có mà mang nhục…”. Ân tình của mẹ là vậy đó, kinh nghiệm từng trải bản thân trong cuộc sống đời thường lo cái ăn, cái mặc, nuôi con khôn lớn, rồi phải lấy bản thân mình ra làm tấm bản đồ mà dạy cho con học làm người, biết tránh cái ác điều xấu, mà hướng đến cái tốt điều thiện. Cho nên thật cảm động làm sao khi chúng ta trải lòng ra với dòng thơ của Đinh Lăng:

“… Mẹ cho con cả cuộc đời

cho con trang sách làm người hôm nay

Cánh chim bạt gió ngàn mây

Khoảng trời - lòng mẹ con bay bay hoài…”

Tuổi áo trắng chúng ta khi bắt đầu xa mẹ cha để vào đời, mưu sinh cuộc sống cho riêng mình, thì mới thấm thía những lời cha mẹ dạy xưa kia mà ta cho là “chuyện nhỏ” giờ trên bước đường chông gai, đá sỏi hơn thua trường đời, ta mới có phút giây nhớ về những gì mà cha mẹ đã uốn nắn, hun đúc cho tâm tính chúng ta toàn diện nhân cách một con người, nhất là những tình cảm dịu dàng của mẹ dành trọn cho ta một thời hoa niên mà chỉ có làm nũng, nhõng nhẽo mà thôi. Một chút ấm đầu khi trời trở gió trái mùa là mẹ cứ hỏi han, chăm chút cho ta từng giờ từng phút, khi ta ho mẹ cảm thấy đau rang cả lồng ngực, khi ta sốt mẹ như lửa cháy trong lòng, rồi nài nỉ ta uống từng muỗng sữa, ăn một miếng cháo thì mẹ mới an lòng. Bởi vậy, bất cứ ai không khỏi ngậm ngùi khi đọc câu thơ này của Lê Công:

“… Đi học về con đi chợ, nấu cơm

No đói gì, đời sinh viên là thế

Những bát cơm giữa lòng thành phố

Bao vui buồn con lại nhớ mẹ hơn…”.

Suốt cuộc đời của mẹ sống tất cả vì con, dành cho con những gì con muốn để cho con ngẩng cao đầu nhìn thiên hạ, nếu gặp phải chuyện gì, thì mẹ cũng đành cam chịu, miễn là con có được niềm vui hạnh phúc. Thuở còn thơ dại, mẹ ẵm bồng nâng niu con như hoa như trứng. Rồi khi con đòi ăn, mẹ là người nhai cơm để mớm cho con với bao ngọt bùi chất liệu tình thương mà mẹ gởi gắm vào từng miếng cơm nhai, để sau này con lớn lên không đánh mất cội nguồn, tổ tiên. Rồi từng giấc con ngủ mẹ trải lòng ra như biển cả mênh mông với từng tiếng hát ru con ngủ, rồi trái tim mẹ dạt dào mát tươi như dòng suối, mẹ hôn lên trán, lên má con và mẹ mỉm cười vui sướng với đôi mắt hiền như bụt nhìn con trẻ say nồng trong giấc ngủ thiên thần bé nhỏ của mẹ. Con cứ thế mà ngủ ngon, dù ngoài trời có cuồng phong bão tố, gió mưa thâu đêm và nếu không may nhà mẹ nghèo, thì con vẫn được tròn yên giấc ngủ tuổi thơ, vì bên ướt mẹ nằm để chở che, dành cho con bên khô ráo. Vậy mà có mấy ai trong đời như nỗi niềm da diết nghĩ về mẹ của Lê Phước Trịnh:

“… À ơi, tiếng mẹ ru đưa

Khúc ru từ thuở con chưa hiểu gì

Bây chừ mỗi bước con đi

Lời ru quê mẹ thầm thì, mẹ ơi…”

Tuổi áo trắng chúng ta lớn lên bay ra khỏi tổ ấm yêu thương của cha mẹ để tìm hiểu đời, đôi khi làm cho mẹ phải khổ hơn, phiền lòng hơn. Nhưng mẹ không bao giờ trách móc lấy một câu, than oán một lời là con không nhớ ơn mẹ, con không có hiếu với mẹ… có chăng mẹ chỉ thầm trách là mẹ không dạy được con, không uốn nắn cho con nên khuôn mẫu nhân cách đạo đức để hữu ích cho gia đình, xã hội. Mẹ sanh con ra mười phần chết, một phần sống. Rồi bao gian truân nhọc nhằn nuôi con khôn lớn, mà nhằm phải đứa con ngỗ nghịch, bất nhân bất hiếu, thì đời mẹ coi như đã hết, trái tim mẹ dần héo mòn trong đau khổ vì đứa con của mình rứt ruột sinh ra, giờ không dạy được, thì mẹ chỉ còn có biết ngửa mặt lên trời than van ôi đứa con của tôi và những bà mẹ đó khóc - khóc cho đến mù cả mắt. Ước gì trong đời đừng có những đứa con bất hiếu mà chỉ toàn là những đứa con hiếu thảo như Đơn Phương Thạch Thảo:

“… Mẹ là bến, mẹ là bờ

Cho con êm ấm tuổi thơ của mình

Cả đời mẹ đã hi sinh

Để con nên vóc nên hình mẹ ơi…”

Tình mẹ thương con hơn quả địa cầu, nhưng không vì thương con mà mẹ cứ giữ con hoài bên mình. Là con trai, mẹ muốn con mình đi đó đây để mở rộng tầm nhìn cho thỏa chí làm trai. Là con gái, mẹ muốn con mình đừng khổ lụy vì yêu như nhi nữ thường tình, mà phải có một mái ấm gia đình đàng hoàng để con mình có được đong đầy hạnh phúc. Bởi vậy, nuôi đàn con bao nhiêu năm khổ cực trăm bề, nhưng được chúng quanh quẩn bi bô gọi mẹ và dìu dắt chúng từng bước đi chập chững, vậy mà vui với bao đầm ấm tình mẫu tử. Đến khi chúng ta khôn lớn mỗi đứa đi một nẻo, thì mẹ lại cô đơn độc bóng nơi mái nhà xưa quạnh hiu ra vào hết trông đứa này đến trông đứa khác. Tình mẹ là vậy đó, còn chúng ta thì có mấy ai trên bước đường danh vọng mà thường tưởng nhớ về quê nhà có ân tình mẹ đang chờ những đứa con từng ngày từng giờ trong mỏi mòn thương nhớ, rưng rưng hạt lệ và sẽ không phũ phàng lỗi đạo làm con, nếu chúng ta ai cũng chạnh lòng luôn tưởng nhớ về quê mẹ như Dương Văn Thi:

“… Chị đi, em cũng ra đi

Thời gian nhòa nhạt những gì ngày xưa

Chiều nay dừng bước trú mưa

Giật mình thương mẹ, nhà thưa… một mình…”

Chiều xa quê xứ người mưa rả rích, thành phố lưa thưa người qua lại trong gió lạnh. Nhớ mẹ một thoáng… Rồi cuộc vui sinh nhật của anh bạn lại kéo tôi vào say sưa tình bạn cho đến thâu đêm. Song có một chuyện là cô gái, người yêu của anh bạn tôi đến dự sinh nhật trễ, trên tay cô ấy cầm bó hoa phong lan thật đẹp và cô tươi cười nói trong sự bỡ ngỡ của tôi và anh bạn: “Anh yêu! Đây là lần đầu tiên em tặng hoa cho người bạn trai, mà không phải là hoa hồng. Anh thứ lỗi cho em vì đến dự tiệc trễ sinh nhật của anh, bởi hôm nay cũng là ngày sinh nhật của mẹ em và riêng em đã từ lâu lấy bông hồng tặng mẹ…”, tôi nghe choáng váng trước một nhân cách hiếu thảo của cô gái người yêu anh bạn tôi. Suốt đêm ấy, tôi không sao ngủ được, trong căn gác nhỏ cuối phố ven con sông Sài Gòn, tôi nghe lòng tái tê nhớ về mẹ hơn bao giờ hết. Có lẽ bắt đầu từ nay, tôi sẽ như cô gái bạn tôi, sẽ không tặng hoa hồng cho người tình mà chỉ để dành riêng tặng cho mẹ mà thôi. Vì tôi cảm thấy rằng: Bông hồng cho tình đầu không ý nghĩa bằng bông hồng cho tình mẹ, lại càng cảm động thấm thía vào lòng người khi chúng ta đọc câu thơ của Cao Hiền:

“… Bỗng thấy mình chợt vui

Trước một người xa lạ

Bỗng thấy mình bé nhỏ

Trong vòng tay mẹ hiền…”

Trong cuộc hành trình làm người, nếu ai đó đi hết vòng trái đất, thì có lẽ không đâu đẹp bằng hình ảnh bà mẹ Việt Nam trong dải đất mang hình chữ S. Mẹ lom khom dáng cò bên ruộng vườn, mẹ đi chân đất, oằn vai gánh nặng bán hàng rong, mẹ ngồi hàng giờ nhặt thóc bên hiên nhà, tất cả chỉ để vì tương lai sáng đẹp cho xứ sở và gìn giữ cội nguồn. Còn con thì rong ruổi đi tìm mải miết công danh bỏ lại bóng hình mẹ ngày một héo hon nơi quê nhà, đôi khi nhớ quá thì lại thổn thức viết thành mấy câu thơ như Thùy Trang:

“… Lệ rơi trong giấc ngủ vùi

Vì thương nhớ mẹ bùi ngùi nỗi xa

Lặng thầm cơn gió thổi qua

Ngỡ như tiếng vọng quê nhà gọi con…”

Ở xa mà thương tưởng, nhung nhớ về quê nhà có bóng hình mẹ thì chúng ta sẽ không bao giờ đánh mất mình trong cuộc mưu cầu danh vọng, và chắc chắn rằng trong tâm hồn chúng ta vẫn vẹn nguyên tình cảm như Bùi Nguyễn Trường Kiên:

“… Mẹ cho con

Một tấm lòng son

Xa vạn dặm

Vẫn nhớ con đường về

Đêm nay dưới ánh trăng thề

Có thằng bé khóc

Khi về

Làng xưa…”

Làm sao chúng ta không khóc được khi mà chân ta chạm đất mang đầy ân tình của mẹ. Con đường làng có lũy tre xanh, mẹ đã đi về năm tháng từ thuở còn là con gái cho đến khi làm vợ, làm mẹ. Ở quê nhà, mẹ tảo tần gieo neo đi về đội nắng mưa, để có được đồng tiền cho ta yên bề học vấn mà bước vào con đường tương lai rực rỡ. Tất cả chúng ta, ai cũng thấy hãnh diện ngồi trên ghế trường đại học, nhưng các bạn ơi hãy nhớ thật nhiều như nỗi niềm của Nguyễn Ngọc Hạnh:

“… Tảo tần đời mẹ chân quê

Bao năm lặn lội đi về triền sông

Nón che không hết mùa đông

Phố che không hết nỗi buồn trần gian…”

Thuở còn nhỏ dại thì vô tư sống bên mẹ, đến lúc khôn lớn thì lại sống xa mẹ, nên ít có ai trong chúng ta có dịp ngồi lại để chiêm ngưỡng chân dung mẹ bao giờ. Càng đau lòng hơn và suy tưởng cho cùng, thì có những đứa con trong chúng ta chỉ thích nhìn ngắm người tình, hoặc làm thơ viết văn tả về nét đẹp của người yêu, mà chẳng đoái hoài gì đến mẹ cả. Cho đến lúc bị tình đời hắt hủi, đổi trắng thay đen thì mới quay đầu tìm lại bóng hình mẹ mà vẫn nghe lòng dâng lên bao nỗi xót xa như Huỳnh Duy Lộc:

“… Con lặng chìm ký ức xa xôi

Nghe bất hiếu tháng năm xa xứ

Búi tóc má xòa bay trong gió

Xa trên đồng trắng một mùa lau…”

Tuổi trẻ chúng ta có cái bệnh là nhìn đời cao ngạo, một khi đã gặt hái được chút công danh và càng sai lệch hơn, cứ mê muội nghĩ rằng: Ta kiếm cho thật nhiều tiền rồi cưới vợ lấy chồng, đón mẹ về để mướn người lo phụng dưỡng mà vui vầy với con cháu. Nhưng các bạn ơi, đời mẹ đã từng trải nhục vinh, khổ đau, đắng cay, ngọt bùi, mẹ đã sống mà không sợ hãi để nuôi con đến lúc trưởng thành. Tiền bạc mẹ không cần, giàu sang mẹ không cầu, mẹ chỉ cần nơi chúng ta sự chân thành trong cuộc sống đạo đức đúng nghĩa một con người. Nếu chúng ta cứ quan niệm nông cạn cho là có tiền mới có hiếu, thì đã làm tổn thương trái tim của mẹ rồi, vì mẹ nuôi con biển hồ lai láng nào có tính tháng tính ngày. Chúng ta đừng sống theo lối sống thực dụng và luôn cho người đi trước đã lạc hậu, lỗi thời, nhất là ông bà, cha mẹ của mình, đến khi hiểu ra thì ân hận đã muộn màng, để rồi mãi nghe lòng rưng rứt nỗi đau như Đào Phong Lan:

“… Những mùa giông bão đi qua

Một mình mẹ một hiên nhà vắng tanh

Con nghe lá gãy trên cành

Mà không hàn được cho lành vết đau…”

Hiện nay, vẫn có một số bạn trẻ tuổi áo trắng chúng ta làm cho cha mẹ phải chết dần chết mòn vì sự bất hiếu của con, có bạn sống và lớn lên trong chăn êm nệm ấm, nhà sang cửa rộng, rồi lợi dụng lòng thương của mẹ, chạy theo dục vọng cá nhân tầm thường của mình, bỏ học sống thác loạn trong nhà hàng vũ trường, tập tành theo con nghiện đến thân tàn ma dại bởi chất độc ma túy tàn phá cơ thể và tinh thần. Có một hôm đi công tác về khuya qua con phố lạnh buốt trời đông, bỗng một tốp đua xe làm náo động cả đường phố, đến nỗi mấy người công nhân vệ sinh quét rác phải bỏ chạy lánh xa bọn hung thần xa lộ rồi bỗng bên cạnh tôi có tiếng khóc và khi hiểu ra thì người khóc đó lại là một bà mẹ tuổi đã ngoài năm mươi, đã làm công nhân quét rác đường phố hơn ba mươi năm. Bà mẹ này đã mất một đứa con khi nó vừa tròn mười tám tuổi, chỉ vì mẹ lo đi làm ngày làm đêm cho có tiền đóng học phí, nó đã nhẹ dạ nghe lời bạn xấu tham gia cuộc đua xe cá độ tử thần và cuối cùng nó đã bỏ mẹ ra đi mãi mãi. Bây giờ, mỗi lần thấy con nhà ai đua xe thì mẹ lại khóc thương nhớ đến đứa con của mình. Không biết những đứa con mỗi lần qua phố có nghe chân mình ấm lại bởi vô tình giẫm lên những giọt nước mắt của các bà mẹ khóc con đã khờ dại đến mất cả thân mạng trong các cuộc chơi. Đi giữa đường phố đêm đông Sài Gòn giá buốt, lạnh thấu xương, nhưng tôi vẫn nghe lòng ấm áp tình thương yêu mẫu tử khi thầm đọc mấy câu thơ thật cảm động của Lương Đình Kha:

“…Con nằm trong chăn ấm

Biết ngoài kia giá băng

Thương mẹ bao nhọc nhằn

đêm đông đi quét rác…”

Bên cạnh tình mẹ mát tươi ngọt ngào như dòng suối, dịu dàng như ngọn gió mùa thu mỗi lần gần gũi con, chúng ta còn có một ân tình cao như núi và cứ như cây thông đứng hiên ngang giữa đời, lặng thầm chịu đựng bao nắng mưa thay đổi kiếp người mà chở che, đùm bọc cuộc đời những đứa con. Nếu mẹ là từ mẫu với lời ru dạt dào tình quê hương để cho con biết yêu tổ quốc đồng bào, thì cha lại là nghiêm phụ với đôi mắt nghiêm khắc để uốn nắn, dạy dỗ cho con có đầy đủ tài năng, hiền đức trong phẩm chất một con người khi tuổi trưởng thành. Mẹ dỗ dành cho ngọt cho bùi, cha răn đe cho cay cho đắng để chúng ta cương nghị không ỷ lại mà đứng lên nhìn đời nhiều khía cạnh. Khi mẹ dịu dàng âu yếm bên con thì cha âm thầm với nét mặt lạnh lùng như đài tượng cao nghiêm nghị nhìn đàn con và chỉ cho chúng một cái nhìn đời đầy trí tuệ, một khi dấn thân vào cuộc sống không bị vấp ngã, bạc nhược, bi lụy, lệ thuộc vào một ai cả. Khi chúng ta còn có mẹ bên cạnh và được mẹ dành cho tất cả những gì êm ái nhất, dễ thương nhất cho chúng ta, thì cha cắn răng chịu đựng tất cả những gì mà con không thích, không ưa để giáo dục cho con lấy đó làm những bài học vào đời. Chúng ta phải sáng suốt nhìn nhận như một chân lý về tình cha, lúc nào ân tình ấy cũng giống như vùng sa mạc nóng bỏng, khô cằn để khi ta đi qua đó bị bỏng chân, cháy da. Song chính nhờ sa mạc bỏng chân ấy, sau này ta mới khí phách đạp lên chông gai thử thách cuộc đời. Bởi vậy, mỗi lần nhìn thấy một đám tang nào đó con khóc mẹ, chồng xa vợ, là tôi càng tôn kính cha nhiều hơn, đã vậy còn có những người cha ở vậy làm mẹ dưỡng nuôi đàn con khôn lớn, đến nỗi quên cả thời trai trẻ xuân xanh tình riêng của mình. Chúng ta sẽ không cầm được nước mắt khi chung một nỗi lòng với Đàm Lan:

“… Ngày mẹ… hạc về trời gãy cánh

Những vành khăn nghiệt ngã thắt lòng cha

Út trên tay, cha khản tiếng à ơi

Và năm tháng muối pha tràn râu tóc…”

Tình cha tình mẹ trong mùa báo hiếu Vu Lan như ánh trăng thu tràn đầy tình thương yêu cho tất cả những người con diễm phúc trân trọng cài lên ngực áo một bông hồng thắm tươi ân tình trời biển của cha mẹ. Tuổi áo trắng chúng ta hãy luôn gìn giữ trong trái tim mình bóng hình cha như núi cao, bóng hình mẹ như biển rộng, để chúng ta khỏi lạc lối bước đi vào đời đầy dẫy những cám dỗ trong thế giới tội ác nhiễu nhương luôn rình rập, vây lấy chúng ta. Đã mang ơn thì chúng ta phải nhớ ơn, mà nhớ ơn thì chúng ta không đánh mất cội nguồn tổ tiên, ông bà. Trong cuộc mưu sinh trường đời, chỉ xin các bạn đừng lãng quên ân tình cha mẹ trong những cuộc vui phù phiếm, những hạnh phúc hư ảo và luôn nhớ ngày giỗ kỵ ông bà, ta về dù chỉ thắp một cây nhang thôi, cũng đã cho ta còn đó vẹn nguyên cội nguồn, để muôn ngàn đời ta nhớ hoài lời ru như Nguyễn Tú Nhã:

“… Mẹ ru lời hát xanh cây

Giấc hồng con ngủ cho mây phiêu bồng

Mẹ ru lời gió ngoài đồng

Cho con yêu ngọn cỏ hồng quê hương …”

Ân tình mẹ, ân tình cha, thế đứng đạo đức, thánh thiện che mát cả đời con. Chúng con xin nuôi dưỡng trong lòng một tấm lòng thảo hiếu, một trái tim yêu thương để trong cuộc đời đẹp mãi những mùa hoa Báo Hiếu thơm ngát hương Vu Lan.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 21
    • Số lượt truy cập : 6953235