Thông tin

MÙA LỄ TẠ ƠN LẠI VỀ

 

TIỂU LỤC THẦN PHONG

 

 

Tháng mười phương ngoại lá đã chớm vàng, bí ngô ngập tràn khắp nơi nhưng nhiều nhất vẫn là những món đồ trang trí và hoá trang cho lễ Halloween: những mặt nạ, áo quần các nhân vật trong phim horrors, mạng nhện, dơi, mèo đen, phù thuỷ, lồng đèn O’ Jacl lanten… đầy khắp các chợ. Nhịp đời dường như tưng bừng hơn, âm dương đồng mở hội, người và ma cùng hoan hỷ trong cuộc chơi này. Thế gian vốn nhiều đau khổ, cách biệt, chia chẻ. Lòng người hẹp hòi, ích kỷ nhưng cũng có lúc mở lòng ra với người cõi âm. Lễ Halloween tháng mười có chút gì đó giống như tháng bảy cô hồn (quan niệm dân gian) của xứ mình. Ngày lễ này, con nít hoá trang thành những: Dracula, Frankenstein, người nhện, người dơi, người sói, phù thủy… để đi xin kẹo. Tự nhiên chợt nhớ một thời xa xưa của xứ mình, những đêm trung thu thuở ấy, con nít đi theo những đoàn lân để xin bánh kẹo, chè, trái cây… Con nít rước đèn ông sao, cá chép, đèn bươm bướm, đèn lon… tung tăng theo nhịp thì thùng của trống múa lân. Ngày ấy múa lân rất nghiệp dư, ngây thơ, rất vui, rất lãng mạn. Múa lân ngày nay đã chuyên nghiệp rồi, trở thành công việc chuyên môn để làm tiền, múa lân ngày nay chỉ múa khi có khách đặt hàng, múa mừng khai trương, tân gia, đình, chùa, đám ma… Còn trong đêm trung thu thì chỉ múa cho những nhà nào chịu trả tiền.

Qua tháng mười một, đất trời phương ngoại vàng ươm trong sắc lá, muôn sắc gấm hoa bừng lên, những gam màu: vàng, cam, đỏ, nâu… như cháy sáng dưới ánh nắng vàng, như muôn triệu bướm bay. Bí ngô bày biện khắp phố thị cho đến thôn quê, những bành rơm khô, những hình nộm bù nhìn bằng thân bắp trông ngộ nghĩnh làm sao, những chùm bắp khô treo lủng lẳng, hình tượng chú gà tây hiền lành dễ thương… tất cả như biểu trưng cho một mùa màng bội thu, tất cả đã sẵn sàng cho mùa lễ tạ ơn.

Mùa lễ Tạ Ơn về lại với đất trời Bắc Mỹ. Mấy trăm năm trước, khi những người di dân đầu tiên đến xứ sở này, họ đã trải qua một mùa đông khắc nghiệt, số người chết hơn quá nửa. Những người sống sót đã được người bản địa (American Native) giúp đỡ lương thực, chỉ dẫn canh tác, săn bắt… Năm sau đó, họ đã gặt được vụ mùa bội thu. Từ đó, họ mới bày ra lễ tạ ơn trời đất, mùa màng bội thu, tạ ơn những điều tốt đẹp đã đến với cuộc sống. Dần dần theo năm tháng lễ tạ ơn được chính thức trở thành ngày lễ lớn của quốc gia. Người Âu - Mỹ có những ngày lễ rất thiết thực, rất nhân bản như: Lễ mẹ, lễ cha, lễ tình nhân, lễ tạ ơn… Có nhiều người thắc mắc: “Tại sao diệt xong phát-xít, chấm dứt Chiến tranh thế giới lần thứ 2, một số nước có công không làm cuộc lễ vui mừng chiến thắng?”. Không, không hề có cái lễ nào để mừng trên nỗi đau của một nửa đồng loại, không có cái lễ nào để vinh danh kẻ thắng nhục mạ người thua, bởi tất cả đều là con người, vì con người.

Lễ Tạ Ơn là ngày lễ lớn nhất, quan trọng hơn cả lễ giáng sinh và lễ mừng năm mới. Người lao động được nghỉ dài ngày nhất. Ngày lễ này, người ta sum họp gia đình, thăm viếng họ hàng, gặp mặt những người thân yêu… ai ai cũng hoan hỷ. Ngày lễ Tạ Ơn thường diễn ra với những bữa ăn thịnh soạn, món không thể thiếu ấy là gà tây, đây là truyền thống của người Mỹ. Người ta nói có đến mấy mươi triệu con gà tây bị giết để làm thức ăn cho ngày lễ Tạ Ơn. Trong khi mình tạ ơn trời đất, tạ ơn mùa màng nhưng lại giết mấy mươi triệu sinh mạng để phục vụ cho ngày lễ này, xem ra đây là một điều thật trớ trêu thay!

Khi nói đến lễ Tạ Ơn, nhiều người trong chúng ta sẽ liên tưởng đến tứ trọng ân trong nhà Phật. Thật tình mà nói thì tứ trọng ân sâu sắc hơn, toàn diện hơn và cao cả hơn. Đầu tiên phải nói đến ơn Phật, Phật là bậc giác ngộ, là bậc phước trí nhị nghiêm, có đủ tam thân, tứ trí, ngũ nhãn, lục thông. Phật là đấng thiên nhơn chi đạo sư, từ bi vô lượng, trí huệ vô biên. Phật đã khai sáng con đường giải thoát cho chúng sanh. Trời, người, phi nhân chìm đắm trong ngũ dục, trong đau khổ, trong luân hồi sanh tử đã lâu. Phật đến vườn Nai ba lần chuyển pháp luân, giảng tứ diệu đế, bát chánh đạo, mười hai nhân duyên, ba mươi bảy phẩm trợ đạo, sau đó thì giảng Pháp hoa, Bát Nhã, Lăng nghiêm… truyền trao tất cả bí quyết tu tập để thoát khổ, thoát luân hồi sanh tử… Không có Phật thì chúng sanh mãi mãi trôi lăn trong sanh tử luân hồi, mãi mãi chìm trong tăm tối, vô minh. Ơn Phật như trời biển, bởi vậy mà trời người quy ngưỡng Phật, tôn xưng phật là “Thiên nhơn chi đạo sư”. Dưới Phật thì nhớ ơn thầy tổ, không có thầy tổ thì ai giữ gìn mạng mạch Phật pháp? Ai truyền thừa ngọn đèn chánh pháp? Thầy tổ hướng dẫn chúng ta tu học, giảng kinh, thuyết pháp, dịch kinh, viết sách… Thầy tổ là gạch nối giữa Phật và hậu sinh, giữa pháp và Phật tử. Thầy tổ từng đời nối dòng truyền thừa, xây chùa, đúc chuông, hành đạo, độ sanh…

Ơn cha mẹ, điều này thì dễ hiểu rồi. Con người sanh ra ai mà không biết ơn cha mẹ mình, ai mà không thấy công lao to lớn của cha mẹ. Sách vở văn chương bác học, văn học dân gian đã có không biết bao nhiêu bài ca tụng công ơn cha mẹ. Người đã mang nặng đẻ đau, đã nuôi dưỡng ta từ tấm bé cho đến khi nên người. Người đã rứt ruột tạo cho ta hình hài này, gây dựng sự nghiệp để dành cho con. Công ơn cha mẹ to lớn lắm, không làm sao nói hết được. Những áng văn, bài thơ, bản nhạc, bức tranh… chỉ tả được phần nào công lao của cha mẹ, làm sao có thể miêu tả cho đầy đủ, trọn vẹn được, tất cả chỉ là tương đối, chỉ là cái bờ mé thôi. Truyện cổ Phật giáo có tỷ dụ rằng: “Ví như có người gánh cha mẹ trên hai vai đi khắp thế gian này cũng không làm sao đền đáp được công ơn cha mẹ”. Kho tàng ca dao Việt Nam cũng có câu:

Công cha như núi Thái sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra

Một lòng thờ mẹ kính cha

Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con

Bài ca dao ngắn gọn này miêu tả một cách khái quát và đầy đủ về mức độ to lớn thâm sâu của công lao cha mẹ, về cách hành xử của con cái. Công cha nghĩa mẹ như núi Thái, như biển lớn biết bao giờ mới có thể báo đáp cho tròn. Hiếu là đạo con, đạo làm người, cũng là đạo lý ngàn đời của dân tộc ta. Hiếu không chỉ ảnh hưởng sâu rộng ở nước ta mà còn ở nhiều nước khác, nhất là những nước chịu ảnh hưởng văn hoá Nho giáo và Phật giáo. Trong nhà Phật thường nói: “Hiếu hạnh vi tiên”, hiếu mà không có thì đừng nói chi đến việc học Phật, vì đạo Phật là đạo hiếu, muốn học Phật thì trước hết phải là người có hiếu đạo. Biết ơn cha mẹ, không phải chỉ cung phụng vật chất là đủ mà còn phải quan tâm đến tinh thần nữa, phải tạo cách nào cho cha mẹ sống thân an tâm lạc. Nếu cha mẹ biết Phật pháp thì quá tốt, còn như chưa biết thì phải tạo mọi cách để cha mẹ gieo duyên với Phật pháp, phát triển tín tâm với Phật pháp. Điều này vô cùng quan trọng vì nó không chỉ ảnh hưởng ở hiện tại mà còn ảnh hưởng đến nhiều đời sau. Gieo duyên và trồng căn lành trong Phật pháp, nếu giữ được năm giới thì tái sanh làm người, còn như giữ được mười giới thì sanh thiên. Điều này quả là quan trọng và lợi lạc to lớn, bởi vậy hướng dẫn cha mẹ đến với Phật pháp là cách báo hiếu to lớn và hữu hiệu.

Ơn quốc gia, con người ta sinh ra và lớn lên trong một cộng đồng, một quốc gia cụ thể, ngoài trách nhiệm và nghĩa vụ của công dân ra mình còn có lòng yêu nước, lòng biết ơn quốc độ cưu mang mình, dung dưỡng mình, ấy cũng là lẽ thường tình. Ở thế gian này có không ít những con người không có quốc gia. Người Do Thái (Israel) đã lang thang hai ngàn năm, mãi đến 1947 mới tái lập được quốc gia. Người Digan, người Rohingya, người Kurd… đều là những người không có quốc gia. Họ chịu biết bao đau khổ, cả thể xác lẫn tinh thần. Họ bị truy sát, bách hại của những quốc gia mà họ đang sống tạm. Những quốc gia lân cận nơi họ sống cũng săn đuổi và tàn sát họ. Những quốc gia ấy sợ họ chiếm đất lập quốc (cho dù chính đất ấy là của tổ tiên xa xưa của họ). Lịch sử từ cổ chí kim, từ đông sang tây có biết bao những tấm gương anh hùng dũng sĩ hy sinh đền nợ nước. Đó là những tấm gương báo ơn quốc gia một cách cao cả, là biểu tượng cho đời sau. Bên cạnh đó cũng có không ít những kẻ phản bội, vong ơn… đem quốc gia dâng cho giặc, hoặc nối giáo làm nội gián cho giặc. Quốc gia vốn thiêng liêng, con người không biết ơn quốc gia thì thua cả cầm thú, vì cầm thú còn biết quyến luyến lãnh địa của nó, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ lãnh địa của nó.

Ơn đàn na tín thí, nói cách khác là ơn cộng sinh giữa người và người, người với muôn loài. Con người không thể tồn tại độc lập một mình được, phải có tương tác qua lại. Cái nguyên lý tương tức tương sinh là thế, cái này có thì cái kia có, cái này diệt thì cái kia cũng diệt. Tỷ như mình có miếng ăn, ấy là nhờ công của người nông phu làm ra hạt lúa, rồi bao nhiêu người trồng rau, dưa, hoa quả. Cái áo mặc là nhờ người dệt vải, may đo. Mình sống được là nhờ dưỡng khí của cây lá, nhờ nông sản phẩm vật của mùa màng… mình đã thọ nhận, mình phải biết ơn tất cả đã cho mình sự sống. Hiện tại, không ít người vì vô minh, vô ơn mà cào sạch rừng, xẻ nát núi, lấp sông rạch, chặn biển, xây đập, xả chất thải độc hại ra biển cả, ao hồ… tàn phá thiên nhiên, để rồi hôm nay lũ chồng lũ, đất lở, núi sập, nước dâng… vô cùng bi thảm. Tiếc thay những kẻ vô minh, vô ơn vì quyền lợi cá nhân, vẫn dày mặt lu loa ngụy biện cho việc họ gây ra. Âu cũng là cộng nghiệp của cộng đồng vậy.

Mùa lễ Tạ Ơn lại về, cơn dịch Corona vẫn hoành hành khắp thế giới. Người ta vẫn loay hoay chưa chế được thuốc ngừa hay thuốc trị, tất cả vẫn còn đang thử nghiệm. Bởi thế mà mùa lễ năm nay không tưng bừng như những năm trước. Nhiều quốc gia, nhiều thành phố vẫn tiếp tục đóng cửa, tiếp tục giãn cách. Dù lễ Tạ Ơn năm nay có ảm đạm và hạn chế thế nào đi nữa thì số phận mấy chục triệu con gà tây vẫn phải chết, màn biểu diễn tha tội cho gà tây thật phù diễn tắc trách. Gà tây nó đang sống bình yên, chẳng hại ai, cớ sao bắt nó rồi lại làm lễ tha tội nó? Nó có tội gì đây? Đây quả thật là một sự vô minh, một sự “Cường khắc phục nhược” (chữ trong kinh Vô Lượng Thọ) của con người. Những người Phật tử ăn chay, những nhóm Vegan phương Tây từ chối ăn thịt cũng là một cách cụ thể hoá việc biết ơn cộng sinh, biết ơn đàn na tín thí. Người Phật tử không tin có đấng sáng tạo, thượng đế (God, Creator) mà tin ở nhân quả nghiệp báo. Mình gieo cái gì sẽ gặt cái ấy (reap what you sow). Cái quả hôm nay là do cái nhân quá khứ, cái quả mai sau là từ cái nhân hôm nay. Những người ăn chay, không còn vay nợ máu xương, giải oán kết với muôn loài, trải tình thương đến vạn vật tức cũng là đang tạo cái nhân lành. Người ăn chay đã buông xuống một phần cái tôi, không còn vui sướng hưởng thụ thịt xương máu huyết của loài vật.

Mùa lễ Tạ Ơn lại về, đất trời Bắc Mỹ đã lạnh lắm rồi. Thử tưởng những ngày xa xưa, khi những người đầu tiên đến khai phá mảnh đất này, chao ơi! cả một trời gian khổ và máu xương cũng đã đổ ra, kế tiếp là những thế hệ lần lượt xây dựng nên xứ sở này. Nhân mùa lễ Tạ Ơn, xin nói một lời cảm ơn nơi chôn nhau cắt rốn, cảm ơn mảnh đất nuôi ta lớn được từng ngày, cảm ơn tất cả những mối quan hệ tương tác qua lại, cảm ơn sự cộng sinh giữa người với người, người với vạn vật muôn loài, nhưng trên hết là cảm ơn cha mẹ đã cho con cái hình hài này, cho con sự sống này. Cảm ơn Phật đã khai sáng con đường giải thoát, đã đem ánh đạo vàng đến thế gian này. Cảm ơn thầy tổ đã giữ gìn và truyền thừa ngọn đèn chánh pháp.

Ất Lăng thành, 11/2020

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 7)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 6)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 15
    • Số lượt truy cập : 6704579