Thông tin

MÙA VU LAN NHỚ LẠI NGÔI CHÙA DI ĐỘNG

 

TUỆ QUÁN

 


 

Ngay nơi bản thân của mỗi người, đều sẵn một vị Phật, nhưng không ai chịu nhận. Bao nhiêu Phật, Tổ ra đời, thuyết ngàn kinh muôn luận, cũng không ngoài chỉ cho mọi người nhận ra vị Phật nơi chính bản thân mình, không phải cầu tìm ở nơi khác.

Ngôi chùa nào lại di động? Nghe lạ quá! Chẳng lẽ chùa xây trên đảo biển rồi bị dịch chuyển bởi sóng nước? Hay là chùa được đặt trên một phương tiện vận chuyển như xe vận tải hay trên một toa tàu?...

Ngày xưa, khi ngài Đơn Hà Thiên Nhiên (Nổi tiếng trong giai thoại đốt tượng Phật để khai thị cho vị Viện chủ), lúc mới về tòng lâm, một hôm Tổ Thạch Đầu bảo chúng:

- Ngày mai cắt cỏ trước điện Phật.

Sáng hôm sau, đại chúng mỗi người cầm liềm, cầm cuốc đến trước chùa làm cỏ. Chỉ riêng Sư lấy thau múc nước gội đầu, đến quỳ gối trước Hòa thượng. Thạch Đầu thấy thế cười, liền cạo tóc cho Sư.

Tăng chúng theo tiếng chạy theo ngôi chùa bên ngoài, riêng Sư đã thấy ngôi chùa nơi bản thân mình rồi đó! Đúng là ngôi Đại Hùng Bửu Điện trang nghiêm, có Phật hiện tiền, đang tỏa sáu đạo hào quang!

Một ngôi chùa luôn đem lại lợi ích, không những cho con người mà còn cho hàm linh muôn thú xung quanh nơi trú xứ. Bất cứ ngôi chùa nào, dù lớn nhỏ, đều có tôn tượng Đức Phật trang nghiêm để mọi người chiêm ngưỡng, đảnh lễ, cầu gia hộ,… Một ngôi chùa không có Phật thì sẽ trở thành Tiểu Lôi Âm cho ma quỷ lộng hành, tác oai, tác quái, lừa gạt mọi người. Ai không nhận ra vị Phật nơi ngôi chùa tứ đại này thì dễ bị quỷ thần chiếm ngự, tạo tác tạo nghiệp, cùng theo đó theo nhân quả mà vào đường dữ, nhiều kiếp trầm luân.

Hãy xem Tổ Triệu Châu khai thị cho học nhân:

Có vị tăng đến hỏi Tổ Triệu Châu:

- Thưa hòa thượng, Phật ở đâu?

- Ở trong điện.

- Con không hỏi tượng Phật bằng bùn đất đắp thành đó.

- Ừ. Ta cũng không nói ông Phật đó.

- Vậy cho con hỏi lại, Phật ở đâu?

- Ở trong điện.

Vị tăng ngẩn ngơ, không lãnh hội được.

Vậy đó, dù là một vị tăng, có duyên lớn được gặp bậc thiện tri thức khai thị, nhưng cũng không dễ nhận ra. Biết bao giờ mới thôi rong ruổi tìm cầu, ngay lời khai thị, thầm nhận lại vị Phật xưa luôn sẵn nơi ngôi Già lam thanh tịnh này!

Lẽ thường là như vậy sao? Cứ mong cầu xa xôi, cứ tìm kiếm tận đâu đâu, còn cái gần gũi sát bên thì lại bỏ quên, chẳng đoái hoài. Chẳng nói riêng ai, ngay cả loài người, khoa học ngày nay tiến bộ vượt bậc, chế tạo phi thuyền bay vào không gian, những viễn vọng kính tối tân, thám hiểm vũ trụ xa xăm cách trái đất hàng tỉ năm ánh sáng, nhưng riêng dưới chân mình là trái đất mà loài người đang sinh sống, sự hiểu biết chắc cũng chưa có bao nhiêu! Con người cứ thích phóng ra ngoài tìm cầu, mà việc trước mắt lại để lầm qua. Thật giống như thấy đến cả Mặt Trăng, sao Hỏa, nhưng lông mi trước mắt lại không thể thấy!

Ngài Vĩnh Gia Huyền Giác sau khi chứng đạo, nói rằng:

Vô minh thực tánh tức Phật tánh

Ảo hóa không thân tức Pháp thân

Tánh thật vô minh tức Phật Tánh

Thân không ảo hóa tức Pháp thân

Chứng Đạo Ca

Ngay nơi thân giả tạm, huyễn hóa này cũng chính là Pháp Thân Như Lai thanh tịnh. Điều này có lẽ làm giật mình không ít người!

Người đọc kinh Phật đều biết thân này là thân giả tạm do tứ đại là bốn yếu tố đất, nước, gió, lửa hợp thành. Rồi sau lại được học thêm: Ngoài tứ đại (Địa Thủy Hỏa Phong), ngay nơi thân này còn có thêm ba đại nữa là: Không Đại, Kiến Đại và Thức Đại. Hợp thành đủ bảy báu: Địa - Thủy - Hỏa - Phong - Không - Kiến - Thức, mà trong kinh Lăng Nghiêm đã chỉ ra cụ thể. Thất Đại hay Thất Bảo này, cùng khắp Pháp Giới, không hề chướng ngại, tùy theo nghiệp thức chúng sanh mà biến hiện.

Ngay nơi bản thân của mỗi người, đều sẵn một vị Phật, nhưng không ai chịu nhận. Bao nhiêu Phật, Tổ ra đời, thuyết ngàn kinh muôn luận, cũng không ngoài chỉ cho mọi người nhận ra vị Phật nơi chính bản thân mình, không phải cầu tìm ở nơi khác.

Phật nói: Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh. Chắc ai cũng tin lời Phật dạy, không nghi ngờ gì, nhưng khi xác quyết lại Phật nơi mình, thì lại do dự, tần ngần,…

Bồ tát Thường Bất Khinh trong kinh Pháp Hoa, gặp ai cũng chắp tay xá lạy rồi nói: Tôi xin lạy các ngài, các ngài đều là Phật. Nhưng chẳng có ai tin, thậm chí cho ngài là không bình thường, có người còn xua đuổi và lấy đất đá ném ngài!

Một khi chưa nhận ra vị Phật nơi chính mình, mọi việc thật rối bời. Chư Tổ nói: Không rõ Bổn Tâm, học đạo vô ích! Lời này thật đáng ghi nhớ! Mà Bổn Tâm là gì? Chắc cũng giống câu hỏi: Phật là gì?, hoặc: Đạo ở đâu? Chưa rõ được, nơi ngôi chùa di động tuyệt vời này, trở thành hang ổ cho ma vương chiếm ngự, ngoại đạo lộng hành.

Bồ tát Văn Thù, hiện thân qua đồng tử Quân Đề, để lại bài kệ dạy ngài Văn Hỷ:

Trên mặt không sân vật cúng dường

Trong miệng không sân xuất diệu hương

Trong tâm không sân là châu báu

Không nhơ không nhiễm tức Chơn Thường

Được như vậy, mới đúng là biết trang nghiêm ngôi chùa di động này! Quan trọng nhất, vẫn là phải nhận ra vị Phật đang thường trú nơi thân tứ đại này.

Thử ngẫm xem lại, nơi thân tứ đại này, tại sao lại không chịu nhận là một ngôi chùa? Có thiếu gì nào? Có sẵn Phật xưa, mà Đức Phật đã thốt lên lúc thành đạo dưới cội Bồ đề: Lạ thay! Tất cả chúng sanh đều đầy đủ đức tướng Như Lai. Nơi ngôi chùa này, có Phật, có Bồ tát, có Hộ pháp Già lam, có tăng, có tứ chúng vây quanh, biết thuyết pháp, biết làm lợi cho mọi người. Bồ tát Văn Thù biểu hiện cho trí tuệ, cầm kiếm huệ chặt đứt những tình chấp vô minh, phá dẹp lưới mê, hàng phục ngoại đạo. Bồ tát Quán Thế Âm biểu hiện cho lòng từ bi, cảm thông những khổ đau nơi cõi Ta bà, tùy duyên phổ hiện, ứng hóa ba mươi sáu thân, khi làm Phật, khi làm vua, khi làm tể tướng, khi làm cư sĩ, khi vào thân rồng,… vì lợi ích mà thuyết pháp. Tăng biểu hiện cho sự hòa hợp. Thân này hòa hợp vi diệu, sáu căn dung thông, gọi là: Một Minh tinh sinh ra sáu hòa hợp, ứng hóa vô cùng. Nếu không hòa hợp, tương giao, lẽ ra mắt chỉ biết thấy, tai chỉ biết nghe, thân chỉ biết xúc chạm. Vì sao khi tai nghe người hô cháy nhà, mắt thấy lửa cháy, miệng lại la lên Cháy! Cháy! Và chân vùng bỏ chạy? Thân này thi triển thần thông kỳ diệu suốt ngày, mọi người không nhận ra, lại thấy bình thường, nên mới tìm xem những trò ảo thuật, những điều kỳ lạ bên ngoài, do xảo thuật làm ra, như chuyện phim trên màn ảnh,…

Ngày trước, ba vị thiền sư Nam Tuyền, Quy Tông và Ma Cốc cùng nhau đi tham vấn Tổ Cảnh Sơn. Trên đường gặp một quán nước, ba người đồng vào ngồi. Bà già chủ quán nấu một bình trà, bưng đến hỏi:

- Hòa thượng nào có thần thông thì uống trà?

Ba người nhìn nhau chưa biết làm gì.

Bà già liền bảo:- Xem kẻ già này trình thần thông đây.

Nói xong bà vén tay áo, cầm nghiêng bình rót trà vào từng chung, rồi đi.

Chà! Thần thông gì đơn giản, bình dị như vậy. Ai chịu nhận!

Cư sĩ Bàng Long Uẩn là một người ngộ lý thiền, đã trình bài kệ chỗ sinh kế của mình đến Tổ Thạch Đầu và được Tổ chấp nhận:

Nhật dụng sự vô biệt                  Hằng ngày không việc khác

Duy ngô tự ngẫu hài                  Chỉ tôi tự biết hay

Ðầu đầu phi thủ xả                    Vật vật chẳng bỏ lấy

Xứ xứ vật tương oai                   Chỗ chỗ nào trái bày

Châu tử thùy vi hiệu                  Ðỏ tía gì làm hiệu

Khưu sơn tuyệt điểm ai              Núi gò bặt trần ai

Thần thông tịnh diệu dụng        Thần thông cùng diệu dụng

Vận thủy cập ban sài.                Gánh nước bửa củi tài.

Người ngộ lý thiền, ứng dụng vào cuộc sống thường nhật bình thường, giản dị, đâu có cầu kỳ, cao siêu gì!

Thiền sư Thần Tán sau khi gặp Tổ Bá Trượng chỉ dạy và khai ngộ. Ngài trở về quê hầu hạ bổn sư. Một hôm, nhân khi bổn sư tắm, bảo Sư kỳ lưng. Sư bèn vỗ vào lưng bổn sư nói:

- Chỗ điện Phật đẹp mà Phật chẳng thánh.

Bổn sư xoay đầu ngó lại.

Sư nói tiếp:

- Phật tuy chẳng thánh vẫn hay phóng quang.

Sư tùy duyên, tùy lúc cố gắng giúp bổn sư nhận ra, nhưng khó thật!

Lại một hôm, bổn sư ngồi trong cửa sổ xem kinh, có con ong chui đầu vào tấm giấy bóng dán ở cửa sổ tìm lối ra. Sư trông thấy nói:

- Thế giới thênh thang như thế mà chẳng chịu ra, dùi đầu vào giấy cũ biết năm nào ra được?

Sư liền nói bài kệ:

Không môn bất khẳn xuất

Ðầu song dã thái si

Bách niên tán cổ chỉ

Hà nhật xuất đầu thì?

Dịch:

Cửa không chẳng chịu ra

Quá ngu chui cửa sổ

Giấy cũ trăm năm dùi

Ngày nào dùi được phủng?

Bổn sư để kinh xuống hỏi:

- Ngươi đi hành khước gặp người nào, ta trước sau nghe ngươi nói lời dị thường?

Sư thưa:

- Con nhờ ơn Hòa thượng Bá Trượng chỉ dạy được chỗ thôi dứt, nay muốn đáp lại đức từ bi.

Bổn sư bèn bảo chúng đến giờ trai, thỉnh Sư thuyết pháp. Sư lên tòa đề cao môn phong của Bá Trượng, nói:

- Linh Hòa ngọc sáng quang riêng chiếu vượt khỏi căn trần, bày hiện chân thường chẳng câu nệ văn tự. Tâm tánh không nhiễm vốn tự viên thành, chỉ lìa vọng duyên tức như như Phật.

Bổn sư nghe câu này liền cảm ngộ, bảo:

- Có khi nào Lão tăng nghe được việc tột thế này!

Ngài Thần Tán ứng dụng phẩm Phổ Môn quá hay, mà bổn sư của ngài xưa nay cũng ít có. Bỏ được ngã chấp của một vị thầy, sẵn sàng chịu bước xuống học đệ tử của mình, đem lại lợi ích cho cả thầy lẫn trò, thật là tấm gương xưa nay hiếm có.

Câu chuyện bên Nhật Bản, trong năm có một ngày lễ lớn, các chùa đều đem kinh sách ra phơi, thành một lễ hội phơi kinh sách truyền thống (Mục đích là đem kinh sách phơi trong ngày trời nắng để tránh ẩm mốc). Ngày lễ này, người dân tụ hội về núi rất đông, họ đồn nhau và tin rằng nhờ làn gió núi thổi qua kinh sách bay đến, mình sẽ được thông tuệ, có nhiều phước báu. Có vị thiền sư, ngày hôm ấy cũng lên núi và cởi trần nằm phơi bụng trên tảng đá. Nhiều người thấy chướng mắt, nhưng cũng hiếu kỳ hỏi sư đang làm gì. Sư trả lời rằng tôi cũng đang phơi kinh. Mọi người cho rằng một ông tăng khùng, bực bội bỏ đi. Sư nói rằng: Đối với những cuốn kinh cũ mục, lại hít hà cho là kỳ diệu. Còn với bộ kinh sống động, biết đi lại, biết nói pháp, biết lạy Phật, biết làm đủ mọi Phật sự, lợi ích vô cùng,… lại coi thường, không đếm xỉa đến. Thật đáng buồn! Đa số mọi người, chắc cũng ít ai chịu nhận bộ kinh sống kỳ diệu này! Lời bộc bạch chân thật như vậy, lại bị uổng qua!

Phần đông mọi người hay ỷ lại, thích dựa dẫm, mong cầu những điều kỳ bí xa xôi. Do không rõ nên hay cầu Trời, khẩn Phật. Ngày xưa thì thờ lửa, mưa, gió, sấm, chớp,… Ngày nay, tiến bộ hơn, nhưng vẫn chưa tin nơi chính bản thân mình. Do chưa nhận ra chính mình vốn sẵn Phật tâm, nên thành lãng tử nghèo khó lang thang. Đức Phật thuyết qua nhiều kinh điển, cặn kẽ chỉ bày, rốt ráo lại cũng không ngoài điều duy nhất: Nhận lại Phật tâm vốn ngay nơi thân tâm một trượng sáu này. Bao nhiêu kinh luận khác, cũng là tùy duyên khai ngộ, tùy thuận căn cơ, phá những lớp chấp mê lầm của con người… Tất cả chỉ là xoay quanh điều hoài bão ban đầu nơi cội Bồ đề, ngày đức Phật sáng tỏ lẽ Chơn Thường. Nhiều người thậm chí thuộc lòng nhiều bộ kinh, đem ra giảng lại cho mọi người, nhưng tự hỏi lại đã ngộ Bổn Tâm chưa thì tự thâm tâm hẳn còn e ngại! Phật Tổ đâu hề che giấu, ví như kinh Pháp Hoa, được xưng tán như là vua của các kinh, đức Phật ra đời vì một đại sự nhân duyên, Khai - Thị - Ngộ - Nhập Tri Kiến Phật cho mọi người. Vậy là đầy đủ lắm rồi. Và điều gì khó khăn khiến người đời nay khó lĩnh hội?

Vua Trần Thái Tông thuở ban đầu lòng còn trĩu nặng tâm tư, triều chính một tay Trần Thủ Độ nắm giữ, mới lên núi Yên Tử gặp thiền sư Trúc Lâm, từ bỏ ngai vàng, xin ở lại học Phật. Thiền Lão nói với vua: Phật không có ở núi, Phật ở nơi bệ hạ. Duyên chưa thể ở chùa, ngài đành trở về, trở thành một vị vua cư sĩ, ngoài công việc triều chính, vẫn không quên lời dặn của Thiền Lão, chuyên tâm hành trì nội điển của Phật, trở thành một vị vua ngộ đạo.

Sáu cửa vào động Thiếu Thất (Sơ Tổ Bồ Đề Đạt Ma), hay sáu đường Thần Quang chưa từng cách dứt, là những ý ngầm nhắc người học đạo nhận lại ánh sáng Bát Nhã nơi thân tâm này, từ sáu căn phóng quang, chiếu rọi khắp các cảnh giới, chẳng phải từ nơi khác mà được. Nhận lại được thì thân tâm này trở thành ngôi Thất Bảo trang nghiêm, lợi mình lợi người đầy đủ. Không nhận được, thì trở thành đình hoang miếu lạnh cho thần quỷ lộng hành.

Phật thành đạo, chuyển pháp luân. Từ nơi thân tâm ấy, ngài đi khắp nơi, thuyết pháp. Phật thuyết pháp cho mọi người, mọi người cũng dùng nơi thân tâm này nghe, lãnh hội. Rồi cũng chính nơi thân tâm này tu hành, chuyển hóa. Kinh Phật ghi lại, tất cả các vị Phật xưa đều thành đạo ở cõi người, ngay nơi cõi Ta bà mọi người đang sống đây, chẳng phải ở cõi Trời hay một cõi nào khác. Vậy thì nếu rời thân tâm này, rời cõi này để tu hành, học đạo, là đã không đúng với con đường chư Phật, Tổ đã đi, là đã thấy không thực tế rồi. Vậy hãy kiến lập nơi thân tâm này một ngôi chùa sống động! Suy ngẫm kỹ càng, tham vấn khắp nơi, tìm cho ra vị Phật ấy là ai? Mới thực hiện được: Tự giác - Giác tha , lợi ích bản thân, rồi đem lại lợi ích cho bao người! Ngôi chùa này biết đi khắp nơi, biết hàng phục ngoại đạo, biết chia sẻ, biết cảm thông, biết lan tỏa và nhân ra bao nhiêu ngôi chùa khác. Hãy trang nghiêm ngôi chùa này, mới là không phỉ báng Pháp, làm lợi ích cùng khắp, rất thực tế nơi cuộc sống hiện tại này. Để khắp nơi đều có chùa, đi đâu cũng gặp chùa. Mà kỳ thật, chùa đang có mặt khắp nơi, cùng khắp, chỉ là phải biết rước Phật hiện tiền nơi Chánh điện!

Kết lại, xin mượn một công án độc đáo của Đức Thế Tôn:

Xưa kia Thế Tôn tu hành nơi nhân địa, rũ tóc ra che lên đất sình, dâng hoa cúng dường Phật Nhiên Đăng. Phật Nhiên Đăng chỉ chỗ đất trải tóc đó nói: Miếng đất này nên lập một ngôi chùa.

Khi ấy trong chúng có một trưởng giả đem cây nêu cắm ngay chỗ đó rằng: Kiến lập ngôi chùa xong!

Bấy giờ chư Thiên cùng nhau rải hoa tán thán.

Trưởng giả quả là tài tình, xứng đáng là đệ tử Phật! Ai được như trưởng giả ấy, mới thật sự biết đền ơn Phật!

Ai từng khóc? Cung đàn nào lỡ nhịp?

Kiếp nhân sinh, bao ước vọng tàn phai!

Về lặng lẽ, ngay thân tâm trần trụi,

Kiến lập ngôi chùa - đạm bạc, tiêu dao…

Sài Gòn - Tháng 6-2020

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 140
    • Số lượt truy cập : 6450257