Thông tin

MÙA XUÂN CHÚNG TA HY VỌNG NHỮNG GÌ?

 

NGUYÊN CẨN

 

 

Một xã hội nhân ái, tử tế

Đây là mục đích đầu tiên và sau cùng của bất cứ một cuộc cách mạng nào, một thể chế nào vì con người là nguyên nhân cũng đồng thời là kết quả của mọi nền văn hóa, và là biểu tượng của một xã hội văn minh.

Tình trạng không tôn trọng luân lý hay luật pháp, sử dụng bạo lực trong hành xử là một vết đen trên bức tranh toàn cảnh xã hội. Chúng ta đã nói nhiều đến tình trạng xuống cấp về văn hóa. Chúng ta nhiều lần nhắc cụ Phan Chu Trinh với câu khẩu hiệu của phong trào Duy Tân “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” mà đến nay còn nguyên giá trị. Người ta trở nên ích kỉ, bất chấp đạo lý trong đời sống hay kinh doanh, sẵn sàng làm tổn hại người khác để mưu lợi cho mình. Một xã hội chỉ cai trị bằng luật lệ chưa chắc đã hiệu quả bằng một xã hội gồm những con người biết sống trong tập thể, hòa hợp cộng đồng. Tình thương là nền tảng cho sự phát triển và vững bền của một quốc gia. Những hình thức tổ chức xã hội dù được trang bị bằng lý thuyết hay ho, được điều hành bởi những người thông minh hạng nhất thế giới, được dựa vào những dân tộc và lãnh thổ chẳng kém ai, nhưng chỉ vì thiếu cái căn bản là tình thương mà đã bỏ cuộc khỏi đường đua của thế giới” (Nguyễn Thế Đăng, “Sự hiện đại của tình thương”, VHPG số 129).

Chính trị mà thiếu tình thương, thì chỉ là hành chính lạnh lùng, trong khi thiên chức của nó là phục vụ, là phụng sự cộng đồng hướng đến một xã hội an vui. Chúng ta cần đặt lại những giá trị vì trong một xã hội mà các giá trị vật chất được suy tôn, kẻ giàu bất kể nguồn gốc của tài sản từ đâu đều được trọng vọng, ngưỡng mộ! Nói một cách khác khi mà sự dối trá được đời sống bảo hộ, thì văn hóa giáo dục không có cơ hội để thể hiện sức mạnh kiểm soát của mình đối với động cơ hay hành động của cá nhân con người đang trong khủng hoảng tiêu cực. Ý thức bạo lực lúc đó dễ dàng cấu thành tội ác. Ở đây, chúng ta thấy toát lên nguyên lý nhân-quả như một chân lý. Chúng ta đang gặt hái những gì mình gieo trồng trong những năm qua. Một xã hội và một nền giáo dục thiếu vắng lòng từ bi. Và ở đây toát lên vai trò của giáo dục không chỉ trong nhà trường mà là cả cộng đồng. Chúng ta cần đưa nội dung giáo dục thiết thực về lòng bi mẫn, tinh thần tương trợ vào những nội dung cần sinh hoạt, dạy dỗ trong gia đình và học đường. Cha mẹ, thầy cô tốt đẹp thì con cái hay học sinh cũng sẽ noi theo tấm gương họ, vì thân giáo là một trong những phương pháp giáo dục hiệu quả nhất của nhà Phật. Môi trường xã hội sẽ tốt đẹp hơn nếu từng gia đình trở thành những hạt nhân hạnh phúc.

Đức Phật dạy rằng lòng từ bi và sự bình yên nội tâm là điều quan trọng vì khi thực hành tâm từ bi, bạn cũng sẽ giúp cho chính bản thân mình. Một khi bạn có được sự bình yên nội tâm, thì bạn có thể bắt đầu giúp người khác và khi bạn giúp người khác, bạn tiếp tục làm cho sự bình yên nội tâm của mình mạnh hơn. Việc thực hành tâm từ bi giúp con người quan hệ với nhau tốt hơn. Một xã hội xây dựng trên nền tảng từ bi là một xã hội nhân ái, văn minh.

Ở đó chúng ta có quyền tự hào khi hát:

Từ nay người biết yêu người

Từ nay người sống cho người.

(Mùa Xuân Đầu Tiên, Văn Cao)

Xã hội đó có thể theo tôn giáo hoặc không theo tôn giáo vì như Đức Đạt-lai Lạt-ma từng giảng rằng mặc dầu nhân loại có thể sống mà không cần tôn giáo, nhưng không thể sống mà không có những giá trị bên trong… Đạo đức và các giá trị bên trong không có nội dung tôn giáo giống như nước, là thứ mà chúng ta cần hàng ngày để sống còn và khỏe mạnh. Các tôn giáo giống như trà hay cà phê… Nhưng dù trà hay cà phê được pha chế thế nào, thì thành phần chính vẫn là nước. Trong khi chúng ta có thể sống mà không có trà hay cà phê, chúng ta không thể sống thiếu nước. Tương tự, chúng ta sinh ra không có tôn giáo, nhưng chúng ta không sinh ra mà lại không có nhu cầu về lòng từ bi… Tình thương là nền tảng văn hóa cho một xã hội an vu, là yếu nghĩa của Phật pháp.

Hướng về Xuân Di Lặc

Di Lặc, tiếng Phạn là Maitreya, dịch là Từ Thị (người có lòng từ) là vị Phật của mùa xuân, của tương lai. Từ trong nghĩa Từ thị là Vô duyên từ, tức lòng từ không đợi có một ngoại duyên nào tác động làm cho lòng từ phát khởi, mà tâm từ đó đã có sẵn một cách tự nhiên, rộng rãi, bao dung, bình đẳng, vô phân biệt.

Kinh điển ghi Di Lặc là vị Phật của hạnh Hỷ xả. Hỷ xả là chất gắn kết mọi người trong tình thương yêu, cùng hóa giải những oán kết, hận thù gây khổ đau triền miên, mang lại an lạc, hạnh phúc cho cộng đồng.

Thiền sư Nhất Hạnh nói rằng: “Chúng ta không nên chờ đợi Đức Di Lặc một cách quá ngây thơ. Chúng ta phải sửa soạn đón tiếp ngài”.

Thế giới và đất nước này cần sửa soạn như thế nào? Sửa soạn một khung cảnh nhân tâm hướng thiện, một khung cảnh thực chất của đạo pháp, xứng đáng làm nơi ngự tọa của một đức Phật. Khung cảnh ấy được xây bằng cộng nghiệp hướng thượng của chúng ta, của tâm linh chúng ta. Đừng than phiền đời này là đời mạt pháp. Hãy buông bỏ hình thức Hãy phủi sạch hai tay. Hãy đứng lên gạt qua những mối tơ vò cũa thế kỷ. Hãy để tâm hồn trong sạch lắng đọng Và hãy tiếp nhận hình bóng tròn đầy của mặt trăng đêm rằm xuất hiện trong biển tâm thức của mình.

Hướng về Xuân Di Lặc, chúng ta phải đem Phật giáo trở lại phục vụ sự sống, phục hoạt một đạo Phật trẻ trung, tràn trề sinh lực.

Thiền sư Nhất Hạnh nhấn mạnh: “Đạo Phật phải hiện hữu để giải quyết những vấn đề thực tại. Đừng biến Đạo Phật thành một tổ chức có uy quyền thế lực, có giáo đường vàng son, có điện ngọc thâm u” (TNH - Đạo Phật Đi Vào Cuộc Đời).

Người Phật tử lý tưởng là con người tự nguyện sống vì lý tưởng nhân loại, đồng lao cộng khổ giữa xã hội, biết mang tâm thế của vị Bồ tát mà đi vào cuộc đời để làm vơi đi những niềm đau khổ, khai mở những chân trời đạo pháp. Chừng nào xã hội gồm phần lớn những con người biết sống với nhau, cùng nhau và cho nhau, ngày ấy, thế giới quanh ta hóa thành Tịnh Độ.

Nguyễn Thế Đăng có lần viết: “Chúng ta hẳn phải suy diễn ra trong một xã hội mà ai ai cũng nhìn nhau như là hoa sen, dầu đã nở dầu chưa nở, thì xã hội ấy có đủ mọi điều tốt đẹp, có tất cả nhân đức, có tất cả giới định huệ, và xã hội đó biến thành một Tịnh độ nhân gian, một quốc độ thanh tịnh của Phật (NTĐ, Cái nhìn mùa xuân).

Trước thềm xuân mới, hãy chúc nhau dũng cảm trong hành động, tinh tấn trong tư duy và tương tức trong cảm xúc, và rồi trao nhau cành hoa nhân ái vì hương công đức sẽ luôn bay ngược gió! Và Mùa xuân Di Lặc bắt đầu!

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 10)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 9)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 90
    • Số lượt truy cập : 6736913