MÙA XUÂN MỚI, GIAI ĐOẠN MỚI!
HOÀNG VĂN LỄ
1.091 đại biểu dự Đại hội lần IX
Đến mùa xuân này, Giáo hội Phật giáo nhiệm kỳ IX bước vào giai đoạn mới với chương trình hoạt động 12 điểm1 nhiều kỳ vọng phát triển bền vững; tất cả được Đại hội với 1.091 đại biểu về dự (từ Đại hội các tỉnh thành cả nước bầu chọn nghiêm minh dân chủ) thông qua; mặt khác Hiến chương của Giáo hội được điều chỉnh sát hợp với luật pháp và thực tế hoạt động của Giáo hội; đặc biệt nhân sự Hội đồng Chứng minh và Hội đồng Trị sự có sự kế thừa với nhân tố mới thực hành thiết thực.
Những thành tựu được Hội đồng trị sự báo cáo cô đọng nhưng thật vẻ vang, trong đó thách thức từ đại dịch Covid-19 là điểm nổi trội, và cũng từ đây, Phật giáo nước nhà thể hiện khá trọn vẹn triết lý từ bi và tình thương con người vô hạn... truyền thừa từ đức Phật Thích ca, người vĩ đại nhất của nhân loại chúng ta!
Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN nhấn mạnh: “... Đại hội phát huy cao nhất tinh thần trách nhiệm, tậptrung trí tuệ để đánh giá đúng thành tựu Phật sự đạt được, chỉ rõ những hạn chế, nguyên nhân, rút ra những bài học kinh nghiệm trong công tác điều hành Phật sự của Hội đồng Trị sự; đồng thời phân tích sâu những tiềm năng, lợi thế, nhìn ra những khó khăn, thách thức phía trước từ đó đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ Phật sự trọng tâm và sáng tạo đột phá nhằm thực hiện thành công một cách hữu hiệu nhất các Phật sự ích đạo, lợi đời, đồng hành cùng cả hệ thống chính trị đem lại đời sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân”.
Thượng tọa Thích Đức Thiện trình bày tóm tắt Báo cáo Tổng kết công tác Phật sự nhiệm kỳ VIII (2017-2022) và phương hướng hoạt động Phật sự nhiệm kỳ IX (2022-2027) như sau: “Ổn định hoạt độngTăng sự; Tổ chức các kỳ An cư kiết hạ, các Đại Giới đàn truyền thọ giới xuất gia, quy y Tam bảo cho Phật tử; Mở mang xây dựng cơ sở tự viện; tổ chức các khóa tu, thuyết giảng; Thực hiện công tác từ thiện an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo với giá trị hơn 7.000 tỷ đồng; phối hợp chặt chẽ với MTTQVN và các đoàn thể trong hệ thống chính trị; Chung tay thực hiện tốt sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc, thực hiện đúng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, v.v... Công tác giáo dục Phật giáo được đặc biệt quan tâm đào tạo thế hệ Tăng Ni trẻ có trình độ về Phật học và thế học, tạo nguồn lực cho sự phát triển Giáo hội. Các hoạt động hợp tác giáo dục quốc tế, tổ chức các hội thảo khoa học, xuất bản, hướng dẫn sinh hoạt Phật tử, tổ chức các sinh hoạt tu học, v.v... được chú trọng. Trong lĩnh vực văn hóa, nghi lễ thể hiện qua việc biên soạn khoá tụng thống nhất, Việt hóa nghi lễ, triển khai các đề án thống nhất pháp phục, kiến trúc, ngôn ngữ, di sản Phật giáo, v.v... Quan hệ Phật giáo quốc tế và hoạt động đối ngoại giao lưu, hợp tác quốc tế là một trong những thành tựu Phật sự nổi bật trong nhiệm kỳ vừa qua, khẳng định vai trò, vị thế của Giáo hội trong đời sống tôn giáo ở Việt Nam, cũng như sự chủ động, năng lực hội nhập quốc tế của Giáo hội. Đặc biệt trong đại dịch Covid-19 vừa qua, bằng nhiều hình thức, việc làm ý nghĩa, xung phong “cởi áo cà-sa, khoác áo blouse”, các cấp Giáo hội, Tăng Ni, Phật tử GHPGVN đã chung tay cùng cả hệ thống chính trị và toàn xã hội góp phần đẩy lùi, chiến thắng dịch bệnh.”
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận không chỉ những thành tựu của Phật giáo trong nhiệm kỳ qua, mà còn nhấn mạnh giá trị lịch sử của Phật giáo nước ta hơn 2000 năm; đặc biệt là các nhận định và lời khẳng định tác động vào Phật giáo với đời sống người dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh, rất sâu sắc và thực tế. Cách thức đó vừa ôn lại chủ trương của Đảng và Chính phủ đối với tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng, cũng là lời nhắc nhở các cấp chính quyền nghiêm túc thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và Nhà nước ta về chính sách tôn giáo trong thời kỳ hiện nay. Tư tưởng “hộ quốc – an dân” không chỉ có giá trị truyền thống hàng ngàn năm nay mà là hiện thực trong thời kỳ đấu tranh chống quân xâm lược, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và đương đại xây dựng đất nước phồn vinh.
Giai đoạn mới dưới sự lãnh đạo, điều hành Giáo hội của ngài Đệ tứ Pháp chủ - Hòa thượng Thích Trí Quảng - thể hiện trong đạo từ ngay sau lễ suy tôn Pháp chủ (ngày 29-11-2022), khởi đầu là trí tuệ, có trí tuệ thấy rõ kỷ cương, mới phát triển bền vững, như trong chủ đề Đại hội lần IX này: “trí tuệ - kỷ cương - đoàn kết - phát triển”. Những điều ngài Pháp chủ nói rất thực tế diễn biến từ ngày thành lập Giáo hội đến nay: đào tạo tăng tài và không ngừng nâng cao đạo phong của tăng ni với định hướng “hộ quốc - an dân”; là chủ trương và hành động rất cơ bản được nối tiếp và phát triển trong giai đoạn mới.
Giai đoạn mới với Hiến chương được bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp với luật pháp quốc gia và thực trạng phát triển lớn mạnh và khá toàn diện của Phật giáo nước nhà. Trong đó bổ sung chương VIII quy định về GHPGVN cấp cơ sở, đặc biệt các quy định cụ thể hóa vai trò và vị thế lãnh đạo tối cao của Hội đồng Chứng minh về Đạo pháp và Giới luật; xác lập mục tiêu tăng cường công tác pháp chế, giám sát, kiểm soát các hoạt động Phật sự của các cấp giáo hội. Giáo hội sẽ quản lý chặt chẽ sinh hoạt tự viện, sinh hoạt của tăng ni theo đúng Hiến chương giáo hội và pháp luật nhà nước. Đồng thời, thường xuyên giám sát, kiểm soát, tăng cường quản lý, chấn chỉnh sinh hoạt của tăng ni, tự viện trong cả nước, nhất là đối với tăng ni trẻ trước những hoàn cảnh xã hội hiện đại. Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh gồm 30 thành viên, Hòa thượng Thích Trí Quảng được suy tôn lên ngôi vị: Đệ tứ Pháp chủ Giáo hội. Suy cử Hội đồng Chứng minh gồm 112 thành viên.
Đệ tứ Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng
Giai đoạn mới, nhân sự mới được tăng cường, khắc phục tình trạng “nhận chức nhưng không nhận việc”, tìm kiếm nhân tố tích cực từ các trường, các tự viện... với tinh thần trách nhiệm, hết lòng vì Phật sự, thực học, thực tu làm rạng danh Giáo hội. Ban Thường trực Hội đồng Trị sự gồm 65 thành viên, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn được tiếp tục suy cử làm Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội. Hội đồng Trị sự gồm 235 thành viên chính thức và 45 thành viên dự khuyết.
Chào mùa xuân mới, mừng Đại hội đại biểu Phật giáo Việt Nam lần thứ IX thành công tốt đẹp, mở ra thời kỳ tiến triển vững mạnh; góp phần thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.
1. Chương trình hoạt động 12 điểm:
1. Nêu cao kỷ cương: Giới luật, gắn liền trách nhiệm trong mọi hoạt động Phật sự của tăng ni, Phật tử là trên hết, trước hết. Nêu cao tinh thần đoàn kết, hòa hợp, xây dựng, phát triển giáo hội vững mạnh trong hội nhập quốc tế. Vững vàng kiên định trên con đường phụng sự theo lý tưởng: đạo pháp - dân tộc - chủ nghĩa xã hội.
2. Nâng cao năng lực quản trị hành chính và điều hành hoạt động Phật sự của giáo hội. Xây dựng giáo hội số theo xu thế thời đại. Kiện toàn và hoàn thành các trung tâm điều hành điện tử của 02 văn phòng trung ương giáo hội và ban trị sự GHPGVN các địa phương.
3. Tăng Ni, Phật tử GHPGVN không ngừng phát huy tinh thần yêu nước, tích cực xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc. Hưởng ứng, tham gia các phong trào thi đua yêu nước, lợi dân, ích đạo, lợi đời, chung tay cùng đồng bào và nhân dân cả nước phấn đấu cho mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
4. Đẩy mạnh sự nghiệp hoằng dương giáo pháp của đức Phật vào mọi mặt của đời sống xã hội. Đổi mới, sáng tạo trong phương thức hướng dẫn tín đồ Phật tử. Hướng dẫn các pháp môn thực hành của Phật giáo phù hợp với xã hội hiện đại, với mọi tầng lớp trong xã hội, góp phần chăm sóc sức khỏe tinh thần, xây dựng và làm đẹp nền đạo đức xã hội.
5. Phát huy tinh thần nhập thế của đạo Phật, đẩy mạnh sự nghiệp giáo dục Phật giáo trên cả hai lĩnh vực: đào tạo Tăng Ni và tham gia vào nền giáo dục xã hội. Nâng cao chất lượng đào tạo, đa dạng loại hình đào tạo, đổi mới phương pháp giảng dạy và thực hành giáo pháp tại các cơ sở giáo dục đào tạo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
6. Giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa Phật giáo Việt Nam, đảm bảo có sự tiếp nối giữa truyền thống và hiện đại, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong thời đại hội nhập quốc tế.
7. Đẩy mạnh hoạt động đối ngoại, quan hệ Phật giáo quốc tế theo định hướng gắn với ngoại giao văn hóa, ngoại giao nhân dân. Chủ động, tích cực trong quan hệ đối ngoại với các tổ chức Phật giáo và tổ chức tôn giáo thế giới. Kiện toàn, mở rộng và kết nối chặt chẽ với các hội Phật tử Việt Nam ở nước ngoài.
8. Mở rộng và thúc đẩy công tác nghiên cứu Phật học tại các viện, trung tâm nghiên cứu Phật học của GHPGVN. Hợp tác và liên kết nghiên cứu Phật học với các cơ sở nghiên cứu, trường đại học trong nước và nước ngoài, nhằm nâng cao chất lượng học thuật Phật giáo. Tập trung nghiên cứu có định hướng, khẳng định và làm nổi bật tinh hoa, bản sắc của Phật giáo Việt Nam.
9. Tăng cường công tác pháp chế, giám sát, kiểm soát các hoạt động Phật sự của các cấp giáo hội. Quản lý chặt chẽ sinh hoạt tự viện, sinh hoạt của Tăng Ni theo đúng hiến chương GHPGVN và pháp luật nhà nước.
10. Xây dựng nền tảng chuyển đổi số của GHPGVN phù hợp và tương thích với công cuộc chuyển đổi số quốc gia. Nâng cao hiệu quả và đẩy mạnh hơn nữa truyền thông Phật giáo là kênh hoằng pháp và chuyển tải các hoạt động Phật sự vào đời sống xã hội, nhằm nêu cao giá trị từ bi, trí tuệ của đạo Phật, hình ảnh tốt đẹp của Tăng Ni, Phật tử, của tổ chức GHPGVN các cấp trong sự nghiệp phụng đạo, yêu nước, xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam XHCN.
11. Phát huy tinh thần từ bi của đạo Phật, không ngừng đẩy mạnh công tác từ thiện xã hội. Kêu gọi Tăng Ni, Phật tử tích cực tham gia, hưởng ứng phong trào xóa đói giảm nghèo, chăm lo công tác an sinh xã hội.
12. Lan tỏa triết lý Phật giáo trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân. Xây dựng đội ngũ doanh nhân Phật tử hướng tới tự chủ tài chính trong các hoạt động Phật sự của giáo hội qua việc xây dựng mô hình kinh tế Phật giáo ở những lĩnh vực hợp lý. Khuyến khích phát triển kinh tế tự túc của các cơ sở tự viện.
Bình luận bài viết