Thông tin

MÙA XUÂN: THỜI KHẮC CỦA ƯỚC MƠ VÀ SỰ THẬT

 

NGUYÊN CẨN

 


 

Câu hỏi không có lời đáp

Ngày 18/1/2015, trong buổi lễ tại một trường đại học ở thủ đô Manila, Philippines, do Giáo hoàng Francis làm chủ lễ, cô bé Glyzelle Palomar, 12 tuổi, đứng trước đám đông hàng ngàn người và hỏi: “Thưa Đức Cha, rất nhiều đứa trẻ bị cha mẹ bỏ rơi; rất nhiều trẻ em bị dính vào ma túy và mại dâm. Tại sao Chúa lại để điều đó xảy ra với chúng con? Trẻ em không có tội gì cả!”.

Giáo hoàng Francis lặng người, xúc động với câu hỏi. Ngài ôm chặt cô bé vào lòng trong vài giây. Sau đó Giáo hoàng đã bỏ bài diễn văn bằng tiếng Anh chuẩn bị trước của mình, để phát biểu bằng tiếng Tây Ban Nha, tiếng mẹ đẻ, đáp lại câu hỏi của một đứa trẻ. Ngài nói: “Cô bé là người duy nhất đưa ra câu hỏi mà chúng ta không thể đưa ra câu trả lời. Cô bé thậm chí không diễn đạt được bằng lời nhưng những giọt nước mắt đã nói lên tất cả”.

Ngài nhấn mạnh mọi người cần phải lắng nghe lời kêu cứu của những người bị gạt ra bên lề xã hội, kêu gọi mọi người thể hiện lòng bác ái đối với những mảnh đời bất hạnh, và tiếp tục nói: “Mỗi người trong số chúng ta hãy tự hỏi bản thân rằng liệu ta đã học cách khóc như thế nào chưa… Chúng ta sẽ khóc như thế nào khi nhìn thấy một đứa trẻ bị bỏ đói, một đứa trẻ dùng ma túy trên đường, một đứa trẻ vô gia cư, một đứa trẻ bị bỏ rơi, một đứa trẻ bị lạm dụng, một đứa trẻ bị biến thành nô lệ?”.

(Theo thống kê của Quỹ Bảo vệ trẻ em, tại Philippines, có khoảng 1,2 triệu trẻ em sống lang thang trên đường phố, 35,1% trẻ em sống trong nghèo đói). Vâng, thưa Giáo Hoàng, chúng ta biết khóc như thế nào khi trẻ em là nạn nhân của người lớn và khi người lớn vẫn điên cuồng tranh giành quyền lực và lợi lộc, vẫn bắn giết lẫn nhau, vẫn làm giàu bằng ma túy, mãi dâm thì tránh sao trẻ em thoát khỏi tình trạng bị vùi dập, bỏ rơi…? Khi tiếng súng vẫn chưa ngơi trên thế giới này từ Aleppo (Syria) đến Vienna (Áo) hay Michigan (Mỹ), từ chiến trường đến cả trường học. Chưa nói đến hiểm họa va chạm rình rập ở những vùng đất hay biển nóng lên từng ngày dù là Ukraine hay Biển Đông của chúng ta cũng đang nằm trong tham vọng bá quyền của những thế lực đen tối.

Chúng ta biết khóc thế nào khi trong nước còn bao nhiêu trẻ em đang thiếu sự chăm sóc cần thiết về y tế và giáo dục? Chúng ta đã thống kê được bao nhiêu trẻ không được đi học chưa? Bao nhiêu trẻ bị lạm dụng sức lao động và tình dục? Bao nhiêu trẻ phải qua sông đến trường bằng cầu treo hay cầu phao? Và đã có hàng nghìn trẻ em mồ côi sau đại dịch Covid-19 ở thành phố chúng ta. Có một lần trong bài diễn văn liên hoan cuối năm, tôi đã nói: “Chúng ta đang đứng trước một Mùa Xuân không trọn vẹn”. Tại sao lại không trọn vẹn? - Vì trong giờ phút chúng ta đang hân hoan chuẩn bị tiệc Tất niên này thì anh chị em có biết còn bao nhiêu công nhân đang trở về nhà mà không có hoặc có rất ít tiền thưởng Tết, bao nhiêu người còn đang thất nghiệp dù học hành tốt nghiệp đại học hẳn hoi, bao nhiêu phận đời cơ nhỡ trên hè phố, dưới gầm cầu? Bao nhiêu nông dân hoặc được mùa nhưng mất giá hoặc thu hoạch chẳng được bao nhiêu? Bao nhiêu ngư dân phải quần quật đầu sóng ngọn gió đối diện với thiên tai địch họa, nạn cướp bóc của quân thù và hải tặc! Thống kê mới nhất cho thấy hàng chục hay hàng trăm nghìn doanh nghiệp phá sản trong năm qua. Bức tranh hiện thực kinh tế xã hội qua ba chỉ số nợ xấu, nợ công, nạn tham nhũng đang ở gam màu tối, không dễ gì cải thiện ngay. GDP quý III/2021 giảm 6,17% so cùng kỳ năm trước, mức giảm mạnh nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP theo quý. Theo Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, với mức suy giảm sâu này và phụ thuộc vào mức độ mạnh mẽ của quá trình phục hồi kinh tế trong quý IV, GDP năm 2021 được ước tính tăng trưởng với tốc độ từ 2,0% đến 2,5%, thấp hơn đáng kể so với dự báo 4,8% thời điểm tháng 8/2021. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, ngành dịch vụ bị ảnh hưởng nặng nề nhất do nhạy cảm với các biện pháp giãn cách xã hội, giảm đến 9,3% so cùng kỳ năm trước, đóng góp 60% trong tổng mức giảm GDP. Ngành công nghiệp cũng bị ảnh hưởng trầm trọng, giảm 5,0% so cùng kỳ năm trước khi các trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo ở khu vực phía Nam phải đóng cửa để kiềm chế dịch lây lan.

Mặt khác, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm tăng lần lượt 1,0 điểm phần trăm và 1,8 điểm phần trăm trong cùng khoảng thời gian. Mức lương thực tế bình quân tháng giảm 10,1% so quý II và 12,1% so với cùng kỳ năm trước, một bước lùi đáng kể trong quá trình phục hồi thu nhập bắt đầu từ quý III/2020. Diễn biến xấu đi của thị trường lao động phản ánh tác động bất lợi của đợt cách ly xã hội và cho thấy những khó khăn kinh tế mà nhiều hộ gia đình có thể đang phải gánh chịu.

Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) chỉ đạt 40,2 trong tháng 9, cho thấy điều kiện kinh doanh tiếp tục gặp khó khăn, trong đó có gián đoạn chuỗi cung ứng và thiếu hụt lao động.

Chưa kể giá xăng tăng cao khiến các dịch vụ thiết yếu như điện, vận tải, y tế đều không giảm?

Đi tìm mùa xuân ấy ở đâu?

Mùa xuân bên trong ta

Chúng ta biết khóc thế nào khi đối diện với những câu hỏi chưa hay không có lời đáp ấy? Vì sao? Từ nghìn xưa, đức Phật đã quan sát, chiêm nghiệm và đúc kết bản chất của cõi người qua bài giảng đầu tiên về Khổ Đế: Rằng sự thật đầu tiên về thực trạng đời sống của chúng sinh là đau khổ, thực trạng mà con người cảm nhận từ lúc lọt lòng mẹ cho đến khi nhắm mắt xuôi tay. Ðức Phật dạy: “Này các Tỳ kheo, sinh là khổ, già là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ, thương yêu mà biệt ly là khổ, mong cầu mà không được là khổ. Tóm lại, “khổ” có thể trên ba phương diện: sinh lý, tâm lý và chấp thủ.

Phật giáo không phủ nhận rằng trong đời người cũng có lúc vui vẻ sung sướng vì thân tâm được thỏa mãn những điều mong muốn. Những hạnh phúc ấy là quả tốt của những nghiệp lành đã tạo ra trong kiếp trước hay kiếp này. Nhưng Ðức Phật nói cái vui đó là cái vui mong manh trong đau khổ, cái vui còn vướng trong vô minh nghiệp chướng. Bởi lẽ “Trắng răng đến thuở bạc đầu / Tử sinh kinh cụ làm nau mấy lần” hay “Trăm năm còn có gì đâu / Chẳng qua một nấm cỏ khâu xanh rì” (Nguyễn Gia Thiều). Khi đại dịch đã khiến hơn 24 nghìn người ra đi vĩnh viễn và hàng triệu người khốn khổ vì bệnh hoạn, vì mất người thân yêu… chưa kể bao cảnh đời ngang trái khác!

Theo Phật giáo, chính trạng thái tinh thần khi đối đầu với ngoại cảnh mới là điều quan trọng. Đối phó với những khó khăn, dằn vặt, con người tìm quên trong rượu chè, ma túy, đắm chìm trong sắc dục. Từ trẻ em đến người lớn, cả xã hội quay cuồng trong những tệ nạn. Nguyên nhân sâu hơn chính là do vô minh, tức là si mê không thấy rõ bản chất của sự vật đều vô thường. Con người sinh tâm tham muốn, ôm giữ lấy các đối tượng lạc thú. Nếu không bị sự chấp ngã và dục vọng vị kỷ hay phiền não khuấy động, chi phối, ngự trị trong tâm thì cuộc đời sẽ có an lạc, hạnh phúc.

Khi diệt trừ hết những phiền não rồi thì con người được tự do hoàn toàn, yên vui, sáng suốt và khi giải thoát khỏi sinh tử và đạt tới Niết bàn. Đó là ý nghĩa của Diệt đế: “Diệt” là chấm dứt, là dập tắt. Mỗi người tự giải thoát cho chính mình, tìm lấy mùa xuân trong lòng mình, dù là hạnh phúc tương đối hay tuyệt đối. Khi ta làm lắng dịu lòng tham ái, chấp thủ thời tâm trí không còn bị đốt cháy bởi các ngọn lửa phiền muộn, lo lắng, sợ hãi nữa. Chúng ta có hạnh phúc tương đối.

Nếu ta phát triển tuệ quán, hướng tâm đến đoạn trừ toàn bộ phiền não vi tế, thâm sâu, nhìn vũ trụ và con người trong mối quan hệ tương tức, tương sinh, hạnh phúc của nhân loại là hạnh phúc của mình, chừng đó ta có thể đạt hạnh phúc tuyệt đối, tối thượng là Niết bàn.

Và đó chính là con đường mà bất kỳ ai cũng phải đi nếu muốn tìn hạnh phúc tuyệt đối hay còn gọi là Ðạo đế. Con đường gồm có tám điều chân chính, tám phương tiện mầu nhiệm mà người Phật tử phải làm, hay còn gọi là Bát Chánh Ðạo, con đường “Trung Ðạo” mà Ðức Phật đã tìm ra để chứng ngộ Niết bàn. Nó đòi hỏi chúng ta phải có Chánh kiến - nhận thức đúng, rõ ràng như thật về đạo đức của cuộc sống, cái nào là thiện, cái nào là ác. Nhận biết về bản chất của sự vật đúng với sự thật, hợp với lẽ phải; Chánh mạng - đời sống đúng đắn, trong sạch, phương tiện mưu sinh, nghề nghiệp chân chánh, không sống bằng những nghề phi pháp, độc ác, gian xảo gây ra ác nghiệp (như ma túy, mãi dâm); Chánh niệm - nghĩ đến những việc chân chánh, dù là quá khứ hay hiện tại và cả tương lai, nhưng quan trọng là hiện tại, sống tỉnh giác để suy nghĩ và hành động cho hợp với lẽ phải, diệt trừ những ý tưởng sai quấy dẫn đến việc làm sai lầm. Chìa khóa của hạnh phúc không nằm ở đâu khác hơn là trong chính tâm hồn mình. Mà muốn mở được cánh cửa tâm hồn thì phải quán chiếu bên trong bằng thiền định hay tịnh tâm. Niềm vui hay hạnh phúc theo Phật giáo đến từ chánh đạo, con đường giúp ta vượt qua tam độc: tham, sân, si. Lúc bấy giờ, ta đi vào cuộc đời, đối diện bao nhiêu thiên ma bách chiết của cuộc tồn sinh mà không để phiền muộn vướng bận tâm hồn.

Vô bệnh tối lợi

無 病 最 利

Tri túc tối phú

知 足 最 富

Hậu vi tối hữu

厚 為 最 友

Nê hoàn tối khoái

泥 洹 最 快

Không bệnh là cái lợi tức lớn nhất

Biết đủ là cái giàu có to nhất

Trung thực là người bạn tốt nhất

Niết bàn là cái hạnh phúc cao nhất (Phẩm thứ 36 - Nê Hoàn)

Trong khi đối đầu dịch bệnh, ta càng thấm thía ý nghĩa của câu kinh trên.

Mùa xuân bên ngoài ta

Tiềm lực kinh tế

Trong bài thơ “Đánh thức tiềm lực” của Nguyễn Duy, đã viết:

Hãy thức dậy, đất đai!

cho áo em tôi không còn vá vai

cho phần gạo mỗi nhà không còn thay bằng ngô, khoai, sắn...

xin bắt đầu từ cơm no, áo ấm

rồi thì đi xa hơn - đẹp, và giàu, và sung sướng hơn

Chúng ta đang đối diện với nhiều thử thách và khó khăn nhưng còn đó tiềm lực kinh tế. Cân đối ngân sách từ đầu năm đến nay vẫn bội thu mặc dù ghi nhận bội chi trong tháng 9. Một số biện pháp hỗ trợ tài khóa bổ sung được thông qua, trong đó có gói hỗ trợ tài chính trị giá khoảng 21,3 nghìn tỷ đồng vào tháng 10. Gói hỗ trợ này chủ yếu bao gồm miễn giảm thuế do hộ kinh doanh, doanh nghiệp vừa và nhỏ bị giảm doanh số và các doanh nghiệp trong các ngành dịch vụ bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch. Nhìn chung, qua kinh nghiệm các nước khác trên thế giới, quá trình khôi phục các hoạt động kinh tế sau một giai đoạn cách ly xã hội kéo dài có thể phải đối mặt với một số trở ngại. Việc nối lại các hoạt động sản xuất công nghiệp và cung cấp dịch vụ có thể gặp phải vấn đề thiếu hụt lao động và gián đoạn chuỗi cung ứng. Giúp gỡ bỏ những nút thắt về logistics, tiếp tục thực hiện xét nghiệm và tiêm vắc xin và khuyến khích dịch chuyển lao động được ưu tiên. Thứ nhất, tiếp tục đơn giản hóa thủ tục trong thực hiện ngân sách chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển sẽ giúp hỗ trợ tổng cầu. Thứ hai, mở rộng hơn nữa hỗ trợ cho người lao động cả ở khu vực chính thức và phi chính thức, cũng như các hộ gia đình, sẽ giúp họ vượt qua khó khăn có thể xảy ra khi quay lại làm việc. Thứ ba, cũng cần tiếp tục hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp để tái khởi động các hoạt động kinh doanh sau một thời kỳ dài đóng cửa, đặc biệt trong ngành dịch vụ du lịch, ăn uống và lưu trú. Nhờ thế, kinh tế trong hai tháng 11 và 12 khởi sắc hơn. Thu ngân sách 11 tháng vượt kế hoạch năm 103.4% Tăng 8.9% so với cùng kỳ 2020. Cả 3 khoản     thu từ dầu thô, nội địa và xuất nhập khẩu đều tăng mạnh.

Khai phóng tiềm lực con người

Mùa xuân nhìn lại: Chúng ta còn tiềm lực gì? Còn một tiềm lực cực lớn mà chúng ta lãng phí bấy lâu; chất xám, hay nói đúng hơn là con người. Đã nhiều lần chúng tôi viết về giáo dục, về “hiền tài là nguyên khí quốc gia”, là sự chảy máu chất xám khi du học sinh ra nước ngoài không mấy ai trở về, là sự thất nghiệp của hơn 200 nghìn thạc sĩ, cử nhân, là đào tạo thiếu định hướng ngay từ bậc trung học. Chúng ta còn đó nguồn tài nguyên hết sức lớn lao: tuổi trẻ và đội ngũ trí thức. Hãy nhìn các công ty công nghệ của Mỹ: một mình doanh số Apple đã bằng GDP của 14 nước Cộng hòa Trung Mỹ, trong đó có những người trẻ tuổi Việt Nam đang làm việc, chưa kể các bạn khác ở Silicon Valley. Cần phải khai thác nguồn tài nguyên… vô tận ấy vì nếu chúng ta phát triển đúng, có đường lối chính sách thu hút nhân tài ở lại, chắc chắn chúng ta cũng sẽ là một cường quốc công nghệ trong một tương lai không xa.

Phải bắt đầu từ cải cách giáo dục một cách triệt để, toàn diện và hướng thượng. Thay đổi chương trình theo hướng khai phóng, phát huy dân chủ trong học tập, tránh áp đặt, chấm dứt phong trào thi đua vì những danh vị hão huyền đã và đang gây nên bao chuyện dở khóc dở cười trong trường học, gây nên bao thảm cảnh cho học sinh, và cả thầy cô. Dạy và học là một quá trình tương tác, hay nói theo Thiền sư Nhất Hạnh là “thiết lập truyền thông” giữa thầy và trò, hay suy rộng ra giữa người và người, phải nhớ hai điều kiện căn bản để truyền thông có hiệu quả là: nghe sâu và ái ngữ...”. Mùa xuân chính là thời khắc chúng ta ngồi lại bên nhau, lắng nghe, chia sẻ và động viên nhau, tiếp thêm sức mạnh đi tiếp cuộc hành trình cam go của cá nhân, của cộng đồng hay đất nước, nhất là trong giai đoạn đầy thử thách trước mắt.

Vậy thì hãy đánh thức tiềm lực tuổi trẻ ngay, nếu không thì chúng ta lại mất đi một cơ hội vàng ròng để đưa đất nước đi lên nhanh nhất.

Khát vọng chúng ta hôm nay hết sức giản dị là sống với ước mơ chân chính: khai phóng nguồn lực con người khi mọi tài nguyên đều có ngày sẽ cạn kiệt. Để Nguyễn Duy khỏi trăn trở vì:

Tiềm lực còn ngủ yên

trong quả tim mắc bệnh đập cầm chừng

Tiềm lực còn ngủ yên

trong bộ óc mang khối u tự mãn

(Đánh thức tiềm lực)

Mùa xuân bên ngoài sẽ đi qua nhưng mùa xuân trong tâm hồn ta còn mãi. Nói như Xuân Diệu trong cảm thức về mùa xuân, khi con người thấy cuộc đời đáng yêu và khi con người biết yêu cuộc đời thì tình yêu bao giờ cũng song hành với mùa xuân. Nó tồn tại như một thực thể của tâm hồn, tinh tế mà tha thiết.

Bình minh quá, mỗi khi tình lại hứa,

Xuân ơi xuân vĩnh viễn giữa lòng ta

(Xuân không mùa)

Hạnh phúc thực sự bắt nguồn từ sự tịnh hóa nội tâm, vượt lên trên thế giới cảm xúc, không phóng theo những cuồng vọng bên ngoài. Hãy chúc nhau mùa xuân chân thành bộc bạch, nói thẳng nói thật, kết nối truyền thông, khát khao mơ ước, hướng thiện và an lạc.

Mùa xuân là giây phút đối diện sự thật hôm nay và thắp lên mơ ước cho ngày mai, vượt lên trên thực tại nhiều thách thức.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 10)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 9)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 27
    • Số lượt truy cập : 6713049