Thông tin

NĂM MƯƠI NĂM NHÌN LẠI

PHONG TRÀO PHẬT GIÁO MIỀN NAM (1963 - 2013)

 

PGS.TS. LÊ CUNG
Trường ĐHSP – Đại học Huế

 

Phong trào Phật giáo miền Nam năm 1963 đi qua với thời gian đã tròn 50 năm. Trong khoảng thời gian đó, phong trào đã là nguồn hứng cảm, thu hút sự chú ý nghiên cứu của các ngành sử học, văn học, tôn giáo học, chính trị học, v.v... kể cả trong nước và ngoài nước. Với chúng tôi, hơn hai thập kỷ qua, ngoài luận án tiến sĩ: Phong trào Phật giáo miền Nam Việt Nam năm 1963, một số chuyên luận và nhiều bài viết liên quan đến chủ đề này, đã được công bố trên các tạp chí chuyên ngành lịch sử, tôn giáo trong và ngoài nước. Từ kết quả nghiên cứu đó, nhân kỷ niệm “50 năm phong trào Phật giáo miền Nam năm 1963”, tham luận này trình bày và phân tích thêm một số vấn đề liên quan đến phong trào này, vốn đã và đang gây tranh cãi trong giới nghiên cứu ở trong nước và ngoài nước như về nguyên nhân, về sự kiện mở đầu, về ý nghĩa lịch sử của phong trào.

1. VỀ NGUYÊN NHÂN PHONG TRÀO

Khi đề cập về nguyên nhân phong trào Phật giáo miền Nam năm 1963, có nhiều ý kiến trái ngược nhau. Ý kiến cho nguyên nhân phong trào không đến từ chính sách giáo trị của chính quyền Ngô Đình Diệm, như công và tội cho “biến cố Phật giáo là một biến cố giả tạo do những người chống đối Ngô Đình Diệm gây ra”(1); hoặc An International History of Vietnam War (Vol II) khẳng định: “Cho đến năm 1962, có ít bằng chứng về sự ngược đãi đối với tín đồ Phật giáo, mặc dầu Diệm là một tín đồ Thiên Chúa giáo nhiệt thành và sự mong muốn của Nhu là làm cho ‘chủ nghĩa nhân vị’ trở thành triết học nhà nước”(2). Ngay cả khi phong trào đang diễn ra, Đại sứ Mỹ Frederick E. Nolting, trong cuộc phỏng vấn của Don Baker (UPI), đã cho rằng “Hơn hai năm tôi sống ở Việt Nam, tôi chưa bao giờ nhận thấy dấu hiệu nào chứng tỏ có sự kỳ thị tôn giáo”(3).

Một số công trình khác(4) lại lập luận rằng nguyên nhân của phong trào Phật giáo miền Nam năm 1963 là do chính sách kỳ thị Phật giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm, rằng “ngọn lửa chống đối chính quyền Ngô Đình Diệm đã âm ỉ nung nấu trong giới Tăng Ni và Phật tử từ lâu”(5). Lập luận này đi sát với sự thực. Tuy nhiên, tính thuyết phục chưa cao, vì các công trình hoặc đề cập đến vấn đề một cách đơn giản, hoặc chỉ khai thác nguồn tư liệu từ phía Phật giáo. Dẫu vậy, các công trình này vẫn đáng được trân trọng vì nó được ra đời khi ngay phong trào Phật giáo miền Nam năm 1963 vừa kết thúc.

Ý kiến khác lại cho rằng nguyên nhân phong trào chính là Công điện 9195 của Phủ Tổng thống Ngô Đình Diệm ban hành ngày 6-5-1963 với nội dung cấm treo cờ Phật giáo thế giới vào dịp Đại lễ Phật đản 1963. Thực ra, Công điện 9195 “chỉ như là một giọt nước cũng thừa sức làm chảy tràn ra một bát nước vốn đã quá đầy”(6), chỉ được xem là duyên cớ của phong trào. Nếu nói là nguyên nhân thì đây là nguyên nhân trực tiếp.

Trên cơ sở tiếp cận nguồn sử liệu từ nhiều phía, điều cần được khẳng định là nguyên nhân phong trào Phật giáo miền Nam năm 1963 chính là chính sách giáo trị một chiều hết sức cao độ của chính quyền Ngô Đình Diệm. Điều này được hiểu là chính quyền Ngô Đình Diệm đã thực hiện nhiều chính sách, biện pháp nhằm đưa Thiên Chúa giáo lên vị trí độc tôn trên tất cả lãnh vực của đời sống xã hội miền Nam. Và tất nhiên với hệ thống chính sách này, Phật giáo trở thành đối tượng khủng bố và áp bức của chính quyền Ngô Đình Diệm. Xin dẫn một số ít sử liệu tiêu biểu để chứng minh cho lập luận này.

Trên lãnh vực tư tưởng, chế độ Ngô Đình Diệm lấy chủ nghĩa duy linh nhân vị làm hệ tư tưởng chỉ đạo. Phần mở đầu Hiến pháp “Đệ nhất Cộng hòa” (26-10-1956), chủ nghĩa duy linh nhân vị được xem là tiêu điểm mà hầu hết các lãnh vực quốc gia phải khuôn theo: “Xây dựng dân chủ về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội cho toàn dân trong sự tôn trọng nhân vị”(7).

Thực chất, chủ nghĩa duy linh nhân vị là những ý niệm theo khuôn mẫu của giáo lý Thiên Chúa giáo. Thuyết này “quan niệm rằng, vạn vật trong vũ trụ, kể cả con người phải do một bàn tay toàn năng vô hình vô ảnh, sáng tạo. Đồng thời duy linh cũng chủ trương con người gồm có linh hồn và thể xác, mà linh hồn là thiêng liêng, bất tử, biết suy tưởng và tự do”(8). Gia đình họ Ngô chủ trương: “Nhân vị ở trên gia đình, ở trên các đoàn thể, ở trên quốc gia và trên cả chủ quyền quốc gia, những việc ấy trước hết phải nhằm vào sự nảy nở nhân vị chứ không để đè bẹp nó”(9). Tay chân gia đình Ngô Đình Diệm ra sức cổ vũ cho sự thăng tiến của chủ nghĩa duy linh nhân vị: “Đường về Nhân vị đã mở rõ dưới ánh bình minh buổi sáng, giờ giải thoát vang lên như chuông báo hiệu một hạnh phúc huy hoàng, thì chúng ta còn chần chờ gì mà chưa kiện toàn thể xác và cải tạo tính thần để góp phần với nhân loại, thúc đẩy cuộc cách mạng nhân vị mau chóng thành công”(10).

Do vậy, chính quyền Ngô Đình Diệm có cả những biện pháp bôi đen Phật giáo. Tài liệu của Trung tâm Huấn luyện Vĩnh Long, do Ngô Đình Thục trực tiếp điều hành, viết: “Theo Phật giáo nguyên thủy, thì đức Phật không bàn đến nguồn gốc vũ trụ. Ngài cho rằng vũ trụ biến chuyển, có có không không, mà hồn vũ trụ là Brahman (Phạm Thiên) cũng bị lôi cuốn trong vòng biến chuyển ấy.

Tư tưởng này của đức Thích Ca được phái Tiểu thừa nhất loạt tuân theo.

Nhưng vì thấy quan điểm này quá hẹp hòi, phản tiến hóa, nên đạo sĩ Ashvagosha mới lập ra phái Đại thừa”(11).

Hoặc biện pháp cưỡng ép tín đồ Phật giáo cải đạo qua Thiên Chúa giáo thông qua việc học tập chủ nghĩa duy linh nhân vị. Tại Bình Thiện (Quảng Ngãi), “chính quyền địa phương đã tổ chức lớp học về duy linh rồi lợi dụng lớp học ấy mà xuyên tạc đạo Phật của chúng tôi, dọa nạt và bắt hội viên của chúng tôi phải ký đơn qua Thiên Chúa giáo, nếu không sẽ đi học tập dài hạn tại quận và tỉnh”(12); Giấy yêu cầu gởi Chi hội Phật giáo Đồng Xuân (Phú Yên) ngày 4-9 năm Canh Tý (1961), nhờ can thiệp với các cấp chính quyền, ông Trần Kỷ thôn Phú Xuân, xã Xuân Phước cho biết cán bộ xã gây áp lực buộc ông theo Thiên Chúa giáo, rằng “bây giờ anh vô thì không có gì hết mà không vô thì tôi cho anh biết nội trong năm nay không biết tháng nào anh cũng bị người ta, anh có biết không? Ông quận trưởng cũng Công giáo, chi công an cũng Công giáo, đại diện xã cũng Công giáo, tôi thường đi nhà thờ huyện, tôi biết người ta ngó chăm chăm trong đạo Phật của anh và nói chung trong gia đình đạo Phật nhiều hơn ... những người vô Công giáo nếu truyền đơn gạc rải một bên, cũng không sao, chứ Phật giáo người ta túm cổ”(13),...

Về chính trị, chính quyền Ngô Đình Diệm tiến hành hàng loạt biện pháp mang tính “trung cổ” nhằm thực hiện mục tiêu “Thiên Chúa giáo” miền Nam. Cụ thể, mọi chức vụ chủ chốt từ trung ương đến tỉnh, quận dưới thời Ngô Đình Diệm đều nằm trong tay giáo dân Thiên Chúa giáo. Ở nông thôn, bằng biện pháp “chỉ định”, dẫn đến hầu hết các xã trưởng, thôn trưởng đều là Cần Lao Thiên Chúa giáo. Trần Văn Đôn, một trong những viên tướng tham gia cuộc đảo chính lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm (1-11-1963), đã chỉ ra rằng: “Một trong những khuyết điểm lớn nhất của Diệm trong năm 1956 là việc các viên chức làng xã được bầu cử đã bị chính quyền trung ương thay thế một cách độc đoán bằng những kẻ tay sai được chỉ định”(14).

Các linh mục có thế lực chính trị rất lớn. Người vào đảng Cần lao phải tuyên thệ có sự chứng giám của một linh mục, thề chiến đấu vì Chúa và “đem hết thể xác và linh hồn cho đến hơi thở cuối cùng để chống cộng sản vô thần, chống Phật giáo ma quỷ, chống các đảng phái quốc gia”(15). Nguyễn Chánh Thi, người cầm đầu cuộc đảo chánh (11-11-1960), viết: “Hầu như mỗi tỉnh của miền Nam, nhất là tại miền Trung, cứ mỗi tỉnh có một linh mục có quyền sinh sát trong tay mà chả ai dám đả động đến, vì đằng sau linh mục là sức mạnh của chính quyền. Họ còn lộng hành hơn là nhận đơn kiện của con chiên, rồi phê vào đơn, đưa đến quận trưởng, tỉnh trưởng, bảo phải xử theo ý linh mục, không thì mất chức”(16). “Thời đó dân chúng xầm xì biết bao nhiêu chuyện về cha này, cha nọ, ... Việc gì khó đến đâu, cứ đến tay ‘các cha’ là xong hết! Mà từ trên địa hạt nào cũng thấy bóng dáng áo đen lẫn vào: Chính trị, kinh tế, thương mại, v.v...”(17).

Về kính tế - xã hội, ngay khi vừa lên cầm quyền, Ngô Đình Diệm đã tiến hành chính sách cưỡng ép và dụ dỗ đồng bào miền Bắc di cư vào Nam với chiêu bài “Đức Mẹ và con trai là Chúa Giê-su đã vào Nam”; tới tháng 9-1955, chính quyền Ngô Đình Diệm đã thành lập được 286 làng định cư (Nombre des Villages de Resimplantation), trong đó có đến 265 làng Thiên Chúa giáo, mỗi làng do một linh mục đứng đầu(18). Trong số 887.895 người di cư vào Nam sau năm 1954 đã có đến 754.710 người là tín đồ Thiên Chúa giáo, chiếm 85%(19). Cũng cần thấy thêm rằng: “Điều được xem như là ‘thắng lợi’ của chính sách cưỡng ép và dụ dỗ đồng bào miền Bắc vào Nam của chính quyền Ngô Đình Diệm cũng lại chính là ‘nhát cuốc’ đầu tiên đào huyệt chôn chế độ Ngô Đình Diệm sau đó”(20).

Hoặc với chính sách dinh điền, đối tượng bị cưỡng bức di dân chủ yếu là tín đồ Phật giáo, trước hết là “những tín đồ thuần thành, tích cực hay cốt cán của các tổ chức Phật giáo ở địa phương. Bộ phận này dù cho có nhà to, ruộng nhiều vẫn bị đem ra ‘bình nghị’ bắt đi di dân, một sự bình nghị có bố trí công khai để khủng bố các nạn nhân và dân chúng vốn phần đông cùng chung tín ngưỡng Phật giáo”(21). Và nếu không chịu theo Thiên Chúa giáo thì “đành nghiến răng, ngậm nước mắt mà đập nhà, bán ruộng, bồng con, tróng chó ra đi và trở thành tù nhân suốt đường đi cũng như vĩnh viễn ở nơi họ bị đưa đến”(22).

Dưới chế độ Ngô Đình Diệm, các ngành kinh tế chủ chốt đều nằm trong tay những người Thiên Chúa giáo, được chính quyền hoặc linh mục bảo trợ. Don Luce và John Sommer cho biết: “Những người Phật giáo... đã tố cáo rằng dưới sự cai trị của ông (Diệm - TG chú thích), họ đã bị áp bức,... hoặc bị qua mặt không cho hưởng những đặc quyền như những người Thiên Chúa giáo. Thí dụ, Thiên Chúa giáo được cấp phát nhiều đất đai để xây dựng trường học, bệnh viện, cũng như hầu hết những tín dụng nông nghiệp, đặc quyền khai thác gỗ và độc quyền một số ngành xuất nhập khẩu. Ảnh hưởng của các linh mục rất lớn và đã có nhiều kẻ cơ hội theo Thiên Chúa giáo... Sau này những người Thiên Chúa giáo Việt Nam cũng phải nhìn nhận là dưới chế độ Diệm họ được ưu đãi”(23).

Trong lúc đó, hoạt động kinh tế của tín đồ Phật giáo bị vu khống, trù dập. Nổi bật nhất là việc Ngô Đình Cẩn tạo ra “Vụ án gián điệp miền Trung” giả tạo. Nạn nhân chủ yếu là tín đồ Phật giáo có thế lực về kinh tế bị ghép vào tội làm gián điệp cho Pháp, bị bắt giam, có người bị tra tấn đến chết, tập trung nhất là ở Huế, như ông Nguyễn Văn Yến (chủ khách sạn Morin, Huế) bị bắt giam ở Chín Hầm, các ông Nguyễn Đắc Phương (thầu khoán), Trần Bá Nam (thầu khoán) bị tay chân Ngô Đình Cẩn giết chết; hoặc có nghị định bắt nhân dân miền Nam thực hiện những tín điều Thiên Chúa giáo: “Cấm hạ và bán thịt heo trên toàn lãnh thổ Việt Nam Cộng hòa, 3 ngày trong tuần lễ: thứ Ba, thứ Sáu và Chúa nhật, cho đến khi có lệnh mới,... Trong ba ngày cấm trên đây, thịt heo quay, thịt heo ướp lạnh của những ngày trước còn lại cũng không được phép bán trong các tiệm, các chợ, mặc dầu dưới hình thức nào”(24).

Về văn hóa - giáo dục, chính sách giáo trị của chính quyền Ngô Đình Diệm thể hiện rất đậm nét. Tại Dinh Độc Lập, chính quyền Ngô Đình Diệm tổ chức lễ Giáng sinh với qui mô lớn. Có thể hình dung qua chương trình lễ Giáng sinh năm 1958 như sau:

Hồi 23 giờ15: Tại Dinh Độc Lập, Phó Tổng thống đại diện Tổng thống và các Bộ trưởng dự lễ này do Lữ đoàn Liên binh phòng vệ Tổng thống phủ tổ chức.

“Thông điệp của Tổng thống.

“Rước kiệu Chúa vong quanh Dinh,...

“Trong đêm Chúa Giáng sinh, đài phát thanh có truyền thanh thông điệp của Tổng thống gởi đồng bào toàn quốc, ...”(25).

Lễ hành hương tại Nhà thờ Đức Mẹ La Vang, tổ chức ba năm một lần, như ngày 17-8-1961, lễ dâng hiến Trung tâm Thánh Mẫu và khánh thành “Vương cung Thánh đường” La Vang được tổ chức rất trọng thể. “Những khải hoàn môn trưng bày ảnh tượng Đức Mẹ và cờ Công giáo kéo dài từ thành phố Huế đến thành phố Quảng Trị dọc theo quốc lộ số 1”(26). “Hàng vạn giáo dân cùng đại diện của các đoàn thể nô nức tham dự. Đại hội sẽ tiếp tục đến hết ngày 22/8”(27). “Vé xe lửa đi La Vang cho các toán hành hương để dự lễ khánh thành được bớt 50%”(28).

Đối với Phật giáo, chính quyền Ngô Đình Diệm tìm cách gây trở ngại trong tổ chức hành lễ. Nổi bật nhất trong chính sách này là chính quyền Ngô Đình Diệm hủy bỏ ngày nghỉ lễ Phật đản, một lễ trọng đại nhất của Phật giáo, trong danh sách những ngày nghỉ lễ dành cho công chức và binh sĩ. Rồi những tín đồ Phật giáo nhiệt thành, bị chính quyền Ngô Đình Diệm theo dõi, có khi bị ám sát như một Huynh trưởng ở Khuôn hội Kim An (Kim Long, Huế) đã bị giết. Cũng tại Huế, “ngay bên cạnh chùa Từ Đàm, tháng 2-1962, một Tăng sĩ trẻ tên Trần Kim Phú đã bị công an mật vụ của chế độ trùm bao bố, bóp cổ, bắt cóc đem giam trên Chín Hầm”(29).

Chính sách ưu tiên cho Thiên Chúa giáo, kỳ thị Phật giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm cũng xâm nhập sâu trong học đường. Theo Nguyễn Văn Trung (GS. Đại học Văn khoa Sài Gòn), một tín đồ Thiên Chúa giáo, thì: “Trong lĩnh vực nhà trường, người ta có thể ghi nhận những vi phạm sau đây như những hành động chống lại tinh thần dân chủ và tự do tín ngưỡng. Ví dụ, bắt buộc phải theo một tôn giáo và không thể nói khác được, hoặc tuyển mộ giáo sư phải theo tôn giáo, ý thức hệ mà chính quyền muốn nâng đỡ; phải có thiện cảm hay theo ý thức hệ của chính quyền. Đối với sinh viên, học sinh, thí dụ phải biểu lộ trong bài vở những ý nghĩa, lập trường đối với tôn giáo, ý thức hệ chính thức mới được nhận vào học”(30),... Hệ thống trường Thiên Chúa giáo ở miền Nam phát triển nhanh chóng. Avro Manhat­tan trong “Vietnam Why did We go?” cho chúng ta những con số nổi bật: “Từ năm 1953 đến năm 1963, Diệm đã xây dựng 145 trường cấp II và cấp III, riêng ở Sài Gòn có 30 trường với tổng số 62.324 học sinh. Trong cùng thời gian, Giáo hội Thiên Chúa giáo ở miền Nam Việt Nam, từ chỗ chỉ có 3 trường cấp II và III trong năm 1953, đến năm 1963 đã lên tới 1060 trường”(31).

Đối với việc xét chọn các tác phẩm văn chương hàng năm, những tác phẩm nào nặng lời chỉ trích Phật giáo, đề cao Thiên Chúa giáo đều được chính quyền Ngô Đình Diệm đánh giá cao, như tác phẩm “Văn chương bình dân” và “Xây dựng trên Nhân vị”. Cả hai tác phẩm này đã đoạt giải nhất trong số 13 giải thưởng văn chương toàn quốc năm 1957(32).

Chính sách giáo trị mà chính quyền Ngô Đình Diệm tiến hành khắp trên các lãnh vực ở miền Nam đã khiến “tín đồ Thiên Chúa giáo có vẻ đông hơn vì những cuộc rước kiệu trên đường phố vào những dịp lễ. Những ngày nghỉ lễ của Thiên Chúa giáo được công khai kỷ niệm nhờ vị Tổng thống ngoan đạo, và trong những dịp lễ chính thức thường có nhiều linh mục tham dự. Những làng di cư được thiết lập dọc theo các quốc lộ giống hệt như các làng ngoài Bắc. Những ngọn tháp giáo đường nổi bật trên các cánh đồng lúa và chuông giáo đường rền vang khắp đồng quê”(33). Chính Thượng nghị sĩ Mỹ Mansfield, người đã từng ủng hộ Ngô Đình Diệm, cũng khẳng định rằng: “Hiện nay chẳng những dư luận báo chí Mỹ mà phần lớn các nhân vật trong Chính phủ Mỹ đều cho rằng chế độ ông Diệm là một chế độ độc tài, gia đình trị, Công giáo trị”(34). Rõ ràng là “bất chấp mọi điều kiện lịch sử và tâm lý dân tộc, Mỹ - Diệm đã có nhiều cố gắng theo hướng ‘Công giáo hóa’ nhân dân ta, biến Thiên Chúa giáo thành quốc giáo ở miền Nam”(35). Dưới con mắt của Phật giáo: “Diệm muốn thống nhất cả nước thành một khối Công giáo và chuyển các tôn giáo và đảng phái sang Công giáo. Công giáo ở Việt Nam là chủ nghĩa tư bản. Giáo hội là đại diện của chính phủ. Nếu anh muốn giàu sang, nếu anh muốn trở thành sĩ quan, anh phải là Công giáo”(36).

Chính sách giáo trị một chiều cao độ như trên đây, dù chỉ được trình bày hết sức khái quát, đã làm mâu thuẫn dân tộc và mâu thuẫn giai cấp biểu hiện qua “lăng kính” tôn giáo dưới chế độ Ngô Đình Diệm là hết sức gay gắt. Đây được xem là nguyên nhân dẫn đến sự bùng nổ phong trào Phật giáo miền Nam năm 1963.

2. SỰ KIỆN MỞ ĐẦU PHONG TRÀO

Vấn đề này, các công trình đã không có sự thống nhất. Cuộc đấu tranh của Phật giáo Việt Nam của Quốc Tuệ, Việt Nam Phật giáo tranh đấu sử của Tuệ Giác và Việt Nam Phật giáo sử luận, tập III của Nguyễn Lang, tuy trình bày về những sự kiện đầu tiên của phong trào, nhưng đều không khẳng định cụ thể sự kiện mở đầu phong trào; Phật giáo tranh đấu của Quốc Oai, Vietnamese Engaged Buddhism The struggle Movement of 1963-1966 của Quán Như Phạm Văn Minh và Lotus Unleashed (The Buddhisd Peace Movemant in South Vietnam 1964-1966) của Robert J. Topmiller cho phong trào mở đầu ngày 8-5-1963 bằng cuộc biểu tình dưới hình thức rước Phật từ chùa Diệu Đế về chùa Từ Đàm; Lửa thiêng đạo mầu của Lan Đình - Phương Anh, cho phong trào Phật giáo miền Nam năm 1963 mở đầu ngày 15-5-1963, tức là ngày mà phái đoàn Phật giáo Việt Nam (tại Sài Gòn) hội kiến với Ngô Đình Diệm(37); The New Face of Buddha của Jerrold Schecter cho phong trào Phật giáo mở đầu từ cuộc tự thiêu của Thích Quảng Đức (11-6-1963), dĩ nhiên đây là cách nhìn của nhà báo.

Vậy sự kiện nào đây cho phù hợp với logic lịch sử? Trong một số công trình và một số bài nghiên cứu, chúng tôi khẳng định thời điểm mở đầu phong trào là ngày 7-5-1963. Tuy nhiên, trong ngày này nhiều sự kiện nối tiếp nhau diễn ra. Đầu tiên, phản ứng của Phật giáo đối với Công điện 9195 ngày 6-5-1963 là sự ra đời ba bức công điện vào 2 giờ sáng ngày 7-5-1963. Một, gởi Phật giáo thế giới: “Cờ Phật giáo bị không cho treo tại các tự viện Phật giáo ngay trong ngày Đại lễ Phật đản quốc tế, yêu cầu can thiệp với chính phủ Việt Nam Cộng hòa”; một gởi Ngô Đình Diệm: “Phật giáo rất xúc động khi nhận được Công điện số 9159 không cho treo cờ Phật giáo ngay trong Đại lễ Phật đản quốc tế. Chúng tôi không tin rằng quyết định đó xuất phát từ Tổng thống. Thỉnh cầu Tổng thống ra lệnh điều tra và thu hồi công điện nói trên. Trân trọng”; một gởi các tập đoàn Phật giáo Việt Nam: “Cờ Phật giáo bị triệt hạ bởi Công điện số 9159. Đã điện cho Phật giáo thế giới can thiệp và đã điện cho Tổng thống thỉnh cầu đình chỉ. Nhưng các tập đoàn Phật giáo vẫn thông báo cho các đơn vị và chờ chỉ thị”(38). Tiếp theo, buổi sáng, Phái đoàn đại diện tăng già và Ban Tổ chức lễ Phật đản gặp Tỉnh trưởng Thừa Thiên tại Tỉnh tòa(39), yêu cầu không thi hành Công điện 9195, nhưng không được thỏa mãn. 11 giờ Phái đoàn Phật giáo hội kiến với Cố vấn chỉ đạo miền Trung Ngô Đình Cẩn. Hai bên thống nhất: Bộ trưởng Bộ Nội vụ Bùi Văn Lương có mặt tại cuộc hội kiến, lãnh trách nhiệm trở lại Sài Gòn yêu cầu Ngô Đình Diệm thu hồi công điện cấm treo cờ Phật giáo, tối thiểu là ở Huế không thi hành công điện này. Tuy nhiên, cả ba sự kiện này không thể xem là mở đầu phong trào, vì đây chỉ là những cuộc hội kiến giữa giới lãnh đạo Phật giáo và chính quyền Ngô Đình Diệm tại Thừa Thiên, cũng chỉ trong phạm vi “dinh thự” mà thôi, giống như cuộc gặp của viên tỉnh trưởng Thừa Thiên với giới lãnh đạo Phật giáo tại chùa Từ Đàm chiều ngày 6-5-1963; trên thực tế quần chúng chưa thực sự xuống đường.

Ngay sau cuộc hội kiến vừa kết thúc, từ Văn phòng Cố vấn chỉ đạo miền Trung Ngô Đình Cẩn, Tỉnh trưởng Thừa Thiên đã truyền khẩu lệnh cho Trưởng ty Cảnh sát Quốc gia thành phố Huế huy động cảnh sát mật vụ thi hành việc triệt hạ cờ Phật giáo. Với khẩu lệnh này, chính quyền Ngô Đình Diệm đã “tự kêu gọi” quần chúng Phật tử xuống đường thay cho giới lãnh đạo Phật giáo. Khi cảnh sát mật vụ được tung ra triệt hạ cờ Phật giáo, khiến Phật giáo đồ Huế không thể tiếp tục chịu nhẫn nhục như trước nữa. 14 giờ ngày 7-5-1963, nhiều đoàn đại diện của các khuôn hội Phật giáo liên tiếp kéo đến chùa Từ Đàm báo cáo với giới lãnh đạo Phật giáo về việc cảnh sát mật vụ triệt hạ cờ và chất vấn rằng: “Theo thông tư của Ban Tổ chức có lời kiểm ký của tình tòa, chúng tôi được phép và đã treo cờ, đèn tại sao bây giờ bị triệt hạ, xé bỏ và khủng bố? Chúng tôi phải theo lệnh nào đây, khi những kẻ đi triệt hạ, xé bỏ và khủng bố chúng tôi lại chính là cảnh sát trực thuộc tỉnh tòa”(40). Quần chúng Phật tử yêu cầu giới lãnh đạo Phật giáo phải có ngay thái độ, một hành động phản đối cái mệnh lệnh vô lý ấy của chính quyền Ngô Đình Diệm.

Trước đòi hỏi của quần chúng Phật tử, một phái đoàn Phật giáo gồm tăng già và Phật tử đông tới hằng trăm người, kéo đến Tỉnh tòa Thừa Thiên đòi phải được treo cờ Phật giáo như cũ. Tin này loan đi rất nhanh, quần chúng Phật tử khắp nơi trong thành phố và vùng phụ cận tấp nập đổ về phía tỉnh tòa với khí thế sục sôi: “Phố phường như bừng dậy trong một cuộc động quân. Khắp các đường phố, từ trong thành, Đông Ba, Gia Hội từng đoàn người lũ lượt kéo qua cầu Trường Tiền. Từ Vĩ Dạ lên, ở trên Ga xuống, phía Kho Rèn An Cựu về, dân thị xã và phụ cận đổ xô về phía tỉnh đường đông nghịt cả người, đông một cách đáng sợ, như cuồng phong tới, như bão tố lên”(41).

Trước mặt chính quyền Ngô Đình Diệm tại Thừa Thiên, giới lãnh đạo Phật giáo khẳng định: “Cuộc hội kiến khi sáng, chính quyền đã phản bội. Chúng tôi sẽ ở lại tại đây cho đến khi nào cờ và đèn Phật giáo được treo lại y nguyên mới chịu về chùa cử hành lễ Phật đản”(42). Cùng lúc quần chúng ở bên ngoài đã phá tung cửa chính, ào vào tỉnh tòa. Trước thái độ cương quyết của giới lãnh đạo Phật giáo, được sự hỗ trợ tích cực của đông đảo quần chúng, viên tỉnh trưởng thú nhận:

Chính quyền chỉ có ra khẩu lệnh cho cảnh sát đi khuyên đồng bào triệt hạ cờ, họ nghe thì tốt, họ không nghe thì thôi”(43). Đáp lại, giới lãnh đạo Phật giáo đòi hỏi chính quyền Ngô Đình Diệm tại Thừa Thiên “phải cho chính xe thông tin chính quyền đi loan báo trước 21 giờ, rằng cờ, đèn Phật giáo vẫn được treo như cũ để cử hành Đại lễ Phật đản”(44). Viên tỉnh trưởng buộc phải chấp nhận. Đứng trên thềm ban công tỉnh tòa, trước đông đảo quần chúng, viên tỉnh trưởng tuyên bố: “Tỉnh tòa sẽ cho 2 xe thông tin đi loan báo để đồng bào treo giáo kỳ lại như cũ”(45).

Ngay khi ấy, một lá cờ Phật giáo được phất cao trước sân tỉnh tòa cùng với tiếng hoan hô vang dậy của quần chúng. Công điện triệt hạ cờ Phật giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm đã bị nhân dân Huế làm mất hiệu lực ngay từ cuộc đụng độ đầu tiên. Với cuộc biểu tình bao vây tỉnh tòa Thừa Thiên chiều ngày 7-5-1963, lần đầu tiên tăng ni, Phật tử đã công khai phản đối chính sách bất công, kỳ thị Phật giáo của quyền Ngô Đình Diệm, đưa cuộc đấu tranh từ nhà chùa đến công đường với khí thế mãnh liệt, buộc chính quyền Ngô Đình Diệm phải nhượng bộ. Sự kiện này đánh dấu sự mở đầu phong trào Phật giáo miền Nam Việt Nam năm 1963.

3. Ý NGHĨA PHONG TRÀO

Hầu hết các công trình đều không đề cập cụ thể ý nghĩa phong trào Phật giáo miền Nam năm 1963. Chỉ Quốc Tuệ với “Công cuộc tranh đấu của Phật giáo Việt Nam” đã căn cứ những ngôn từ cụ thể trong Bản Phụ đính bản Tuyên ngôn ngày 10-5-1965, mà khẳng định rằng: “Phật giáo đã không chủ trương lật đổ chế độ thì nguyên nhân của cuộc Cách mạng ngày 1-11-1963, không đơn thuần bởi phong trào đấu tranh của Phật giáo mà còn nhiều nguyên nhân sâu xa khác nữa”. Theo chúng tôi, dĩ nhiên là “nhiều nguyên nhân sâu xa khác nữa”, nhưng phải khẳng định rằng phong trào Phật giáo miền Nam năm 1963 là yếu tố trực tiếp đưa đến sự cáo chung của chế độ độc tài gia đình trị, giáo trị Ngô Đình Diệm.

Công trình “Phong trào Phật giáo miền Nam Việt Nam năm 1963” xuất bản lần đầu tiên (1999), nêu và phân tích ba ý nghĩa cơ bản: Phong trào chứng minh tinh thần đấu tranh bất khuất của Tăng Ni, Phật tử Việt Nam trong tinh thần đấu tranh của dân tộc; phong trào góp phần quan trọng trong cuộc đấu tranh lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm, tạo điều kiện cho cách mạng miền Nam phát triển; phong trào tạo tiền đề trực tiếp cho sự thống nhất các hệ phái Phật giáo miền Nam.

Trên cơ sở những bài nghiên cứu, chúng tôi đã công bố từ sau “Phong trào Phật giáo miền Nam Việt Nam năm 1963” xuất bản (1999) đến nay, tham luận trình bày và phân tích thêm một số ý nghĩa của phong trào nhưng cũng chỉ tập trung ở những điểm nổi bật nhất.

Một là, phong trào đã qui tụ, tập hợp được mọi tổ chức, mọi tầng lớp xã hội dù khác màu da, chính kiến, quốc tịch vào cùng một khối đấu tranh vì mục tiêu công bằng xã hội.

Ở trong nước, ngoài Tăng Ni, Phật tử là lực lượng chủ đạo, thanh niên, sinh viên, học sinh đã tham gia tích cực. Lực lượng này có mặt ở những thời điểm khó khăn nhất của phong trào, như cuộc tổng bãi khóa của sinh viên Huế (17-8-1963); rồi cùng với Tăng Ni, Phật tử chống trả quyết liệt lực lượng Diệm khi chúng tấn công chùa đồng loạt (đêm 20 rạng ngày 21-8-1963); những cuộc xuống đường rầm rộ của sinh viên và học sinh Sài Gòn sau “Kế hoạch nước lũ”, ... Phụ nữ quyện chặt cùng phong trào, không chỉ tham gia xuống đường, tuyệt thực,... mà còn đổi cả thân mạng mình, như nữ sinh Mai Thị Tuyết An tự chặt tay mình để phản đối chính quyền Ngô Đình Diệm (12-8-1963); hoặc trong điều kiện lực lượng Diệm bao vây bốn bề sau “Kế hoạch nước lũ” vẫn có những phụ nữ bất chấp hiểm nguy, vượt qua lực lượng cảnh sát mang thư đến Tòa Đại sứ Mỹ, như ngày 24-8-1963, 2 nữ sinh và 2 phụ nữ(46) đến Tòa Đại sứ Mỹ yêu cầu can thiệp để Tăng Ni bị bắt giữ được trả tự do. Họ mang theo biểu ngữ với nội dung “Yêu cầu ông Đại sứ Mỹ giải quyết vấn đề kỳ thị tôn giáo tại miền Nam Việt Nam”(47); có cả những phụ nữ bất khuất chết trước họng súng của kẻ thù như Quách Thị Trang. Công chức, giáo chức từ chức nghỉ việc, như cuộc từ chức nghỉ việc của tập thể của các khoa trưởng, giáo chức Viện Đại học Huế (17-8-1963). Công thương, kỹ nghệ gia từ đầu đã lên tiếng ủng hộ phong trào, như ở Huế, ngay sau cuộc đàn áp đẫm máu của chính quyền Ngô Đình Diệm tại Đài phát thanh (đêm 8-5-1963), “một số thương gia đường Trần Hưng Đạo và Phan Bội Châu ... đứng ra tổ chức biểu tình. Người cắm cờ lên xe chạy, có thương gia ném cờ và biểu ngữ từ trên lầu xuống cho người biểu tình, có thương gia lại chạy ra lôi kéo mời mọc đám quá khích vào uống nước giải khát rồi đi! Quang cảnh lúc này có thể khiến mọi người có cảm tưởng là họ vừa chiếm xong được thành phố sau một cuộc cách mạng???”(48). Sĩ quan, binh sĩ tuy không hình thành một mặt trận rõ rệt, nhưng từ đầu họ đã đứng về phía Phật giáo, như “binh sĩ giữ trật tự thì có binh sĩ lại xúi giục dân chúng: Cứ đi qua đi, không ai bắn đâu mà sợ!”(49). Theo Đỗ Mậu, “biến cố Phật giáo vào những tháng mùa Thu năm 1963 đã để lại những ấn tượng sâu xa trong tâm hồn tôi. Báo cáo của các Ty, Sở An ninh Quân đội cả khắp bốn Quân khu gửi về đều nhấn mạnh đến tình trạng suy sụp tinh thần quân nhân các cấp. Riêng tại Quân khu I, đa số sĩ quan đều trực tiếp hay gián tiếp yểm trợ cho phong trào đấu tranh của Phật giáo chống đối chính phủ”(50). Có cả hàng giáo phẩm, giáo dân Thiên Chúa giáo cấp tiến lên tiếng công kích chế độ Ngô Đình Diệm, bày tỏ sự ủng hộ phong trào, như Linh mục Lê Quang Oánh cùng 9 linh mục và giáo dân gởi “Huyết lệ thư” cho giới lãnh đạo Phật giáo (12-5-1963) lên án chính quyền Ngô Đình Diệm: “Chúng tôi lên án tội bất công đã giết hại đồng bào vô tội. Thật là tàn bạo, dã man, phản dân chủ, phản tự do, phản đạo đức, làm nhục cho quốc thể Vệt Nam, một nước văn hiến trên bốn ngàn năm lịch sử. Dám quả quyết rằng nhân nghĩa sẽ thắng”(51). Rõ ràng, “phong trào đấu tranh của đồng bào Phật giáo ở miền Nam đã vượt khỏi ranh giới đơn thuần tôn giáo mà hình thành một phong trào yêu nước rộng rãi trong toàn dân”(52).

Trên bình diện quốc tế, phong trào hầu như không cô lập đối với bất cứ ai. Khắp nơi trên thế giới, từ các cơ quan báo chí, các hãng thông tấn, các tổ chức và đoàn thể tôn giáo, chính trị đến các nguyên thủ quốc gia và cả Liên Hiệp Quốc, với nhiều hình thức và biện pháp khác nhau, đã vạch trần sự tàn bạo của chính quyền Ngô Đình Diệm; đồng tình với cuộc đấu tranh chính nghĩa của Phật giáo miền Nam. Ngay cả Mỹ, đồng minh thân cận nhất của chính quyền Ngô Đình Diệm, thì từ người dân bình thường cho đến người đứng đầu Nhà Trắng đều lên tiếng công kích, và cuối cùng trong thế “chẳng đặng đừng”, phải “bật đèn xanh” cho nhóm tướng lãnh Sài Gòn làm cuộc đảo chính lật đổ Diệm - Nhu.

Sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế nói chung, đặc biệt là các quốc gia Phật giáo, đã tạo thêm thế và lực giúp cho phong trào Phật giáo miền Nam năm 1963 vượt qua khó khăn, hiểm nguy để đi đến thắng lợi, dù cho chính quyền Ngô Đình Diệm đã tiến hành cuộc đàn áp, khủng bố hết sức quyết liệt. Điều này giải thích tại sao ngày 28-8-1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời tuyên bố về tình hình miền Nam Việt Nam hiện nay” khẳng định: “Cả thế giới đều lên tiếng phản đối, nhân dân tiến bộ Mỹ cũng tỏ lòng bất bình” và bày tỏ sự cám ơn nhân dân thế giới đã ủng hộ cuộc đấu tranh chống chế độ bạo quyền Ngô Đình Diệm của Tăng, tín đồ Phật tử miền Nam: “Thay mặt nhân dân Việt Nam, tôi chân thành cảm ơn nhân dân và chính phủ các nước Phật giáo, các nước xã hội chủ nghĩa anh em, cảm ơn nhân dân yêu chuộng hòa bình và chính nghĩa trên thế giới, cảm ơn nhân dân và nhân sĩ tiến bộ nước Mỹ đã nghiêm khắc lên án Mỹ - Diệm và nhiệt liệt ủng hộ nhân dân miền Nam”(53).

Sự kết khối bất phân giai tầng xã hội, chính kiến ở trong nước và ngoài nước để ủng hộ Tăng, tín đồ Phật giáo đấu tranh chống chế độ bạo trị Ngô Đình Diệm, được xem như là một nét độc đáo xét trong phạm vi một phong trào do một tôn giáo khởi xướng.

Hai là, lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc, ý nghĩa thực tiễn của phương pháp “bất bạo động” đã được khẳng định. Đối với Phật giáo lòng từ bi đem lại cho chúng sinh tất cả sự yên ổn cả về tinh thần lẫn vật chất. Nhưng từ bi của Phật giáo cũng đòi hỏi “kẻ nào đáng trừng phạt thì phải được trừng phạt. Như Lai không dạy rằng những người tham chiến để bảo vệ chính nghĩa là đáng trách sau khi đã hết mọi phương tiện duy trì hòa bình”(54); và cũng theo Phật giáo thì “thật không gì dại dột hơn là thụ động đưa thân ra cho kẻ bạo tàn dày xéo... Không nên lấy oán báo oán nhưng phải biết bảo vệ lấy mình chống lại mọi bạo tàn”(55). Đó là chân ý nghĩa của lý thuyết “bất bạo động” của Phật giáo.

Cũng cần thấy rằng Thánh Gandhi là người đã thành công trong việc áp dụng phương pháp “bất bạo động” trong sự nghiệp giải phóng dân tộc Ấn Độ. Theo Gandhi, “bất bạo động” không nên hiểu là phản kháng thụ động (passive resistance), mà phải được hiểu là satyagraha (bám lấy chân lý). Với Gandhi, bất bạo động không phải là đồng lõa với tội ác, cũng không phải tự hạn chế mình một cách đê hèn trước những bất công bạo tàn. Gandhi từng chỉ rõ: “Chủ nghĩa bất bạo động của ông không chấp nhận sự chạy trốn nguy hiểm, để mặc cho những người thân yêu không được bảo vệ. Giữa bạo động và chạy trốn một cách hèn nhát, ông chỉ chọn lấy bạo động”(56). Phong trào Phật giáo miền Nam năm 1963, ngay từ đầu đã khẳng định: “Chúng tôi phải thực hiện tư tưởng Phật giáo ngay trong cuộc đấu tranh của chúng tôi… Ngay bây giờ, chúng tôi có thể tuyên bố một cách minh bạch rằng người Tăng sĩ Phật giáo là người sẵn sàng noi theo Gandhi, vị Thánh của sức mạnh bất bạo động”(57).

Bất bạo động” mà Gandhi sử dụng là chính sách “bất hợp tác” tiến bộ dần trong “bất bạo động”, được thể hiện từ những hình thức như bãi công, bãi thị, bãi khóa, công chức cự tuyệt mọi chức vụ, không làm việc trong các cơ quan do Chính phủ Anh lập ra, nông dân không nộp thuế, hàng hóa Anh bị tẩy chay, toàn dân Ấn tự dệt vải may mặc,… đến việc quần chúng biểu tình không mang vũ khí…, song tuyệt nhiên chưa có hình thức tự thiêu. Sức mạnh “bất bạo động” của Gandhi là sức mạnh “bất hợp tác” của số đông người; “bất bạo động” trong phong trào Phật giáo miền Nam, tiêu biểu là ngọn lửa Thích Quảng Đức, là sức mạnh tinh thần của một cá thể mà lay chuyển cả một chế độ, cảnh tỉnh một thế gian đầy bạo lực.

Mặc cho chính quyền Ngô Đình Diệm vừa tiến hành những cuộc tra tấn, đánh đập, giết hại hết sức dã man; vừa kết hợp với mọi thủ đoạn gian manh để trả lời những đòi hỏi hợp lý, hòa bình, “bất bạo động” của Tăng Ni, Phật tử; song từ đầu đến cuối phong trào, giới lãnh đạo Phật giáo trước sau vẫn tuân thủ phương pháp “bất bạo động” như đã vạch ra. Điều này không chỉ thể hiện ở nội dung của những tuyên ngôn, nghiêm lệnh, thông bạch, kiến nghị, thông cáo ..., cao hơn nữa là bằng chính hành động cụ thể của Tăng Ni, Phật tử miền Nam, nổi bật là có đến 7 cuộc tự thiêu, từ cuộc tự thiêu Thích Quảng Đức (11-6-1963) đến cuộc tự thiêu của Thích Thiện Mỹ (27-10-1963).

Trên thực tế, “bất bạo động” trong phong trào Phật giáo miền Nam năm 1963 đã trở thành tòa án của lương tri tố cáo một cách đanh thép chế độ bạo quyền Ngô Đình Diệm, đã có sức kích động nhân tâm sâu sắc và rộng lớn, đã trở thành một niềm tin sắt đá hướng dẫn quần chúng tham gia đấu tranh. Chọn bất bạo động làm phương pháp chỉ đạo cho cuộc đấu tranh chống lại bạo quyền Ngô Đình Diệm, Tăng Ni và Phật tử miền Nam biết trước là phải “chấp nhận một sự hy sinh đến cùng độ”, nhưng họ vẫn tin tưởng rằng sự hy sinh cùng độ ấy sẽ làm “rung động tận lòng người, chứ không chỉ rung động chính sách mà thôi”(58). Chính sự “rung động đến tận lòng người” ấy mà chế độ bạo trị Ngô Đình Diệm bị đánh đổ không do chính bàn tay của Phật giáo thực hiện.

Ba là, phong trào Phật giáo miền Nam Việt Nam năm 1963 đóng góp to lớn cho sự phát triển của phong trào cách mạng miền Nam. Ở đây cần phải thấy cả hai mặt chính trị và quân sự. Về chính trị, trong suốt 9 năm thống trị miền Nam, tay chân họ Ngô bằng mọi biện pháp đã dùng hết lời ca ngợi Ngô Đình Diệm, nào “anh minh”, “chí sĩ”; nào “gương hy sinh ngàn muôn kiếp không hề phai”,... Chế độ Ngô Đình Diệm, “một chế độ mà kẻ thù của nhân dân đinh ninh rằng không một lực lượng nào dưới quyền thống trị của chúng dám đả động đến”(59), nhưng khi phong trào Phật giáo diễn ra, với những khẩu hiệu: “Phản đối chính sách bất công gian ác”, “Đả đảo hành động sát nhân, vu khống”, “Hãy giết chúng tôi đi”, “Máu đã chảy, chúng tôi sẵn sàng trả bằng máu”; rồi những đoàn người với những đầu trọc, tay không quyết đương đầu với bạo lực; rồi những nhà sư tự nguyện hy sinh thân mình ngồi yên trong lửa đỏ,... ; “chủ nghĩa nhân vị”, “cần lao”, “cộng đồng, đồng tiến”, ... của chính quyền Ngô Đình Diệm đã hoàn toàn bị lật tẩy. Nhân dân ở các đô thị miền Nam, trước hết là tuổi trẻ, lâu nay bị bưng bít, giờ nhận thức rõ bản chất phản dân tộc, phi chính nghĩa của gia đình họ Ngô; đồng thời sáng tỏ về tính chính nghĩa của sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Hiểu như vậy “thì ‘cú hích’ năm 1963, xóa bỏ chế độ độc tài gia đình trị, giáo trị Ngô Đình Diệm được xem như là một bước ngoặt có tầm vóc to lớn, mở ra một lỗ hổng được đột phá rất to cho mọi giai tầng xã hội ở các đô thị miền Nam luồn qua, để cùng với nhân dân miền Nam tiến lên giải phóng mình”(60). Điều này giải thích tại sao nhân dân miền Nam “phấn khởi reo mừng như vừa thoát một tai ách đè nặng trên đời mình”. Họ “đòi hỏi muốn thấy một bộ mặt hoàn toàn mới, đạp đổ tất cả những cái gì do chế độ cũ tạo ra, không cần cân nhắc lợi hại”(61).

Sau sự sụp đổ của chế độ Ngô Đình Diệm, ở các đô thị miền Nam, phong trào nối tiếp phong trào với hàng hàng, lớp lớp người trai gái, trẻ già, không phân biệt giai tầng xã hội, chính kiến thực sự đã “dậy mà đi”, cùng với phong trào rừng núi, nông thôn đồng bằng tạo ra thế “hai chân”, “ba mũi”, “ba mũi giáp công”, làm cho “Việt Nam Cộng hòa còn tồi tệ hơn hồi chính quyền Diệm: Kinh tế suy sụp, vật giá leo thang, tiền sụt giá so với Mỹ kim, nạn thất nghiệp, đầu cơ tích trữ và tham những gia tăng”(62). Đảo chính và phản đảo chính diễn ra liên tục.

Về quân sự, “sau sự sụp đổ của Diệm, chiến tranh cách mạng đã phát triển lên một bước mới”(63). Theo thú nhận của Lầu Năm Góc: “Trong vòng ba tháng sau đảo chính, Việt Cộng nổi dậy khắp nơi. Tỉnh Kiến Hòa phải rút đi 51 đồn bót, mất 15 xã,... Trong số 4.248 ấp chiến lược ở miền Nam thì có 3.915 ấp bị phá hẳn. Trong phúc trình gửi Tổng thống Johnson ngày 16-3-1964, Mc. Namara đưa ra một bức tranh bi thảm, hậu quả của cuộc đảo chính lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm: Trong số đất đai của 22 tỉnh (trong 44 tỉnh), Việt Cộng kiểm soát tới 50% hoặc nhiều hơn thế. Phước Tuy, Việt Cộng kiểm soát 80%; Bình Dương 90%; Hậu Nghĩa 90%; Long An 90%; Định Tường 90%; Kiến Hòa 90%; An Xuyên (Cà Mau) 85%. Quận Mỏ Cày và các xã Định Thủy, Bình Khánh, Phước Khánh, Phước Hiệp, “đỏ 100%”...”(64).

Ở Vùng I Chiến thuật(65), theo thú nhận của đối phương, “trong hai tháng vừa qua đã dao động trở lại. Việt Cộng đã hoạt động mạnh đều khắp trên bình diện quân sự, hoạt động Việt Cộng được đẩy mạnh. Đối tượng chính vẫn là ấp tân sinh. Đa số các vụ chạm súng, đánh phá ấp tân sinh đều diễn ra trong quận Hải Lăng (Quảng Trị), quận Phong Điền, Hương Trà (Thừa Thiên) các quận miền Bắc Quảng Nam nhất là Hòa Vang, Điện Bàn.

Đặc biệt thiệt hại đáng kể là vụ đột nhập trụ sở Hội đồng Hải Phú, Hải Lăng, Quảng Trị. Vụ đột nhập ấp tân sinh Phú Bình, Quảng Nam. Vụ phục kích Đại đội Bảo an tại Tam Kỳ Quảng Tín. Sau cùng là vụ tấn công quận lỵ Ba Lòng”(66). Các vụ tấn công ấp tân sinh gia tăng mạnh. Nếu tháng 10-1963 có 22, thì trong tháng 11-1963, chỉ tính đến ngày 25, con số lên tới 98(67), gần gấp 5 lần.

Ở rừng núi, phong trào cách mạng phát triển vượt bậc. Lầu Năm Góc thú nhận: “Sau đảo chính 1963, trong một thời gian ngắn, đường mòn Hồ Chí Minh trở thành một “xa lộ thênh thang”, thực hiện chỉ thị của Đảng: “Lấy phương thức vận tải cơ giới làm chủ yếu, kết hợp với phương thức vận tải thô sơ, vận dụng linh hoạt phương châm “đánh, phòng, tránh”. Trước đây, đoàn vận tải ô tô chỉ vào Khe Hó đổ hàng rồi từ đây dùng voi hay sức người chuyển vào Palin Thừa Thiên. Đầu năm 1964, các đoàn ô tô đã có thể đi tới điểm trạm ngã ba biên giới KonTum, số lượng vận tải tăng 40 lần so với năm trước, tỉ trọng vận tải cơ giới là 51%”(68).

Sự đóng góp của phong trào Phật giáo năm 1963 đã được khẳng định. Tuy nhiên, khi bàn về phong trào này, hầu hết các nhà nghiên cứu chỉ giới hạn ý nghĩa lớn lao của phong trào này như là một yếu tố tích cực trong cuộc đấu tranh lật đổ chế độ độc tài gia đình trị, giáo trị Ngô Đình Diệm. “Trong thực tế, ý nghĩa của phong trào này còn vượt xa hơn, trong đó vấn đề nổi trội nhất chính là ở chỗ phong trào bước đầu góp phần làm phá sản chính sách can thiệp của Mỹ ở Việt Nam, tạo đà cho phong trào cách mạng miền Nam đi đến thắng lợi trọn vẹn cho Đại thắng mùa Xuân năm 1975”(69).

Điều này giải thích tại sao, trong hơn một thập kỷ trở lại đây, phong trào Phật giáo miền Nam năm 1963 đã được đưa vào giảng dạy chuyên đề ở một số trường đại học trong nước. Cao hơn, nó đã được cấu tạo với một dung lượng lớn trong Giáo trình Lịch sử Việt Nam (1954-1975) ở bậc đại học và cao đẳng(70). Đây chính là một trong những kết quả có ý nghĩa nhất trong quá trình nghiên cứu phong trào Phật giáo miền Nam Việt Nam năm 1963.

 


1. Nguyễn Trân. Công và tội - Những sự thực lịch sử. Nxb. Xuân Thu, Los Alamitos, CA, USA, 1992, tr. 416.

2. R.D. Smith. An International History of Vietnam War (Vol II). Sreet Martin Press, New York, USA, 1987, tr. 149.

3. Quốc Tuệ. Công cuộc tranh đấu của Phật giáo Việt Nam. Tác giả xuất bản, Sài Gòn, 1964, tr. 298.

4. Như Lan Đình - Phương Anh. Lửa thiêng đạo mầu. Tác giả xuất bản, Sài Gòn, 1963; Quốc Oai. Phật giáo tranh đấu. Nxb. Tân Sanh, Sài Gòn, 1963; Tuệ Giác. Việt Nam Phật giáo tranh đấu sử. Nxb. Hoa Nghiêm, Sài Gòn, 1963; Quốc Tuệ. Công cuộc tranh đấu của Phật giáo Việt Nam. Tác giả xuất bản, Sài Gòn, 1964; Nguyễn Thanh. Sự thật cuộc tranh đấu của Phật giáo Việt Nam. Nxb. Hoa Đạo, Sài Gòn, 1964; Nam Thanh. Cuộc tranh đấu lịch sử của Phật giáo Việt Nam. Viện Hóa Đạo xuất bản, Sài Gòn, 1964;...

5. Quốc Oai. Phật giáo tranh đấu. Nxb. Tân Sanh, Sài Gòn, 1963, tr. 17.

6. Thích Trí Quang. Cuộc vận động của Phật giáo Việt Nam. Hải Triều Âm (Tuần báo), số 18, ngày 27-8-1964, tr. 5.

7. Dương Thành Mậu. Đường về nhân vị. Trung tâm Huấn luyện Nhân vị Vĩnh Long xuất bản, Sài Gòn, 1960, tr. 46.

8. Dương Thành Mậu, Sđd., tr. 99.

9. Bùi Tuân. Xây dựng trên nhân vị. Nxb. Nhận Thức, Huế, 1956, tr. 24.

10. Dương Thành Mậu, Sđd., tr. 149.

11. Dương Thành Mậu, Sđd., tr. 77.

12. Hồ sơ gởi Tổng thống và Quốc hội của Hội Phật giáo Trung phần ngày 20-2-1962 (Bản đánh máy). Thư viện Học viện Phật giáo Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh, Sài Gòn, 1968, tr. 41.

13. Hồ sơ đã dẫn, tr. 18.

14. Trần Văn Đôn, Our Endless Wa r Inside Viet-Nam. Pressidio Press, San Rafaej, CA, USA, 1978, tr. 24.

15. Chu Bằng Lĩnh. Đảng Cần Lao. Nxb. Mẹ Việt Nam, San Diego, CA, USA, 1993, tr. 165.

16. Nguyễn Chánh Thi. Việt Nam - Một trời tâm sự. Nxb. Anh Thư, Los Alami­tos, CA, 1987, tr. 80.

17. Chu Bằng Lĩnh, Sđd., tr. 128.

18. Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II. Ký hiệu tài liệu Đệ ICH - 4410.

19. Tổng kết thành tích đệ nhị chu niên của Chính phủ Việt Nam Cộng hòa. Sài Gòn, 1956, tr. 224.

20. Lê Cung. Một vài suy nghĩ về giảng dạy lịch sử kháng chiến chống Mỹ ở các trường đại học. Tạp chí Lịch sử quân sự, Số 233, tháng 5-2010, tr. 44.

21. Thích Trí Quang. Cuộc vận động của Phật giáo Việt Nam. Báo Hải Triều Âm, số 13, ngày 16-7-1964, tr. 2.

22. Thích Trí Quang. Cuộc vận động của Phật giáo Việt Nam. Báo Hải Triều Âm, số 14, ngày 23-7-1964, tr. 2.

23. Don Luce và John Sommer. Vietnam - The Unheard Voices. Cornell Univer­sity Press, Ithaca, USA, 1969, tr. 114.

24. Nghị định số 1182-BKT/NTT/NĐ ngày 6-8-1961. Công báo Việt Nam Cộng hòa, ngày 6-11-1961. Trung tâm lưu trữ Quốc gia II. J. 412.

25. Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II. Ký hiệu tài liệu: ĐICH-5425.

26. Đỗ Mậu. Tâm sự tướng lưu vong (Hồi ký). Nxb Công an Nhân dân, Hà Nội, 1991, tr. 430.

27. Đoàn Thêm. Hai mươi năm qua - Việc từng ngày (1945-1964). Nxb. Nam Chi Tùng thư, Sài Gòn, 1966, tr. 303.

28. Nguyễn Lang. Việt Nam Phật giáo sử luận, Tập 3, Nxb Văn học, Hà Nội, 1994, tr.384.

29. Hồ sơ gởi Tổng thống và Quốc hội của Hội Phật giáo Trung phần, ngày 20-2-1962 (bản đánh máy). Thư viện Trường cao cấp Phật học TP. Hồ Chí Minh, Sài Gòn, 1968, tr. 1-50.

30. Nguyễn Văn Trung. Chính trị hóa giáo dục. Bách khoa, số 175, ngày 15-4-1964, tr. 40.

31. Manhattan, Avro, Vietnam why did we go? Chick Publications, Chinese, CA, USA, 1984, tr.85.

32. Đoàn Thêm, Sđd, tr. 239.

33. Ellen J Hammer. A Death in November (American in Vietnam in 1963). E.p Dutton, New York, USA, 1989, tr. 106.

34. Fitzgerald Francess. Fire in the Lake. An Atlantic Monthly Press Book, Bos­ton, USA, 1972, tr.104.

35. Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia, Viện Sử học. Lịch sử Việt Nam (1954-1965). Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1995, tr. 174.

36. Jerrold Schecter. The New Face of Buddha. John Weatherhill, Tokyo, 1967, tr. 172.

37. Lan Đình & Phương Anh. Lửa thiêng đạo mầu. Tác giả xuất bản, Sài Gòn, 1963, tr. 35.

38. Thích Trí Quang, Tài liệu đã dẫn, tr. 4.

39. Phái đoàn gồm có các nhà sư Thích Trí Quang, Thích Mật Nguyện, Thích Thiện Minh và Thích Thiện Siêu.

40. Thích Trí Quang, Tài liệu đã dẫn, tr. 10.

41. Quý Linh. Mở đầu cuộc đấu tranh Phật giáo trong “Trước cơn sóng gió”. Ban Hướng dẫn Gia đình Phật tử Trung phần xuất bản, Huế, 1964, tr. 14-15.

42. Thích Trí Quang, Tài liệu đã dẫn, tr. 10.

43. Thích Trí Quang, Tài liệu đã dẫn, tr. 10.

44. Thích Trí Quang, Tài liệu đã dẫn, tr. 10.

45. Quốc Tuệ, Sđd., tr. 19.

46. Hai nữ sinh là Nguyễn Thị Cẩm Nhung, 15 tuổi, học sinh trường Diên Hồng và Nguyễn Thị Thư, 17 tuổi, học sinh trường Nguyễn Khuyến; hai phụ nữ là Trần Thị Lang, sinh năm 1919, tại Rạch Giá và Trần Thị Linh, 63 tuổi, cựu giáo viên, thường trú tại số 164-P, đường Tự Đức, Sài Gòn...

47. Nha Tổng Giám đốc Cảnh sát Quốc gia, Bộ Nội vụ, số 17357/TGQG/C/U/2/M ngày 24-8-1963. Bản tin hoạt động tôn giáo. Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, Ký hiệu tài liệu: TM-HS 686.

48. Tường trình số 0465/KXICT/2/2/M ngày 16-5-1963 của Đại tá Đỗ Cao Trí, Tư lệnh Sư đoàn 1 Bộ binh, kiêm Tư lệnh Khu XI Chiến thuật gửi Thiếu tướng Tư lệnh Quân đoàn 1, kiêm Tư lệnh Vùng I Chiến thuật. Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II. Ký hiệu tài liệu Đệ I CH - 8169, tr. 6.

49. Tường trình đã dẫn, tr. 6.

50. Đỗ Mậu. Việt Nam Máu lửa quê hương tôi. Nxb. Văn Nghệ, CA, USA, 1993, tr.532.

51. Tài liệu lưu tại chùa Từ Đàm, Huế.

52. Những văn kiện chủ yếu của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (từ tháng 12-1963 đến tháng 10-1964). Nxb. Sự Thật, Hà Nội, 1964, tr. 66.

53. Lời Tuyên bố của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 28-8-1963.

54. S. Radhakishman. Chiến tranh và hòa bình (Thích Quảng Độ dịch). Nxb. Hoa Muôn Phương, Sài Gòn, 1970, tr. 123.

55. Lê Cung. Bất bạo động từ lý thuyết đến hiện thực. Giác Ngộ, số 77, Tp. Hồ Chí Minh, 1994, tr. 10.

56. S. Radhakishman, Sđd., tr. 123.

57. Bản phụ đính “Bản Tuyên ngôn ngày 10-5-1963 của Tăng tín đồ Phật giáo Việt Nam”, công bố vào ngày 23-5-1963. Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, Ký hiệu tài liệu SC.04-HS.8352.

58. Bản Phụ đính bản Tuyên ngôn của tăng tín đồ Phật giáo ngày 10-5-1963. Tài liệu lưu tại chùa Từ Đàm, Huế.

59. Phan Lạc Tuyên. Hương thơm cuộc đời, trong “Luật sư Nguyễn Hữu Thọ cả nước tôn vinh anh”, Nxb. Văn học, Hà Nội, tr. 223.

60. Lê Cung. Tinh thần Đại sư Khuông Việt trong phong trào Phật giáo miền Nam Việt Nam năm 1963. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc tế Quốc sư Khuông Việt và Phật giáo Việt Nam đầu kỷ nguyên độc lập do Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội và Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội tổ chức, tháng 3-2011, tr. 35-36.

61. Bộ Thông tin - Phòng 2, số 13559/VICT/TM2/TB/K. Bản nhận định tình hình Vùng I Chiến thuật sau ngày Cách mạng 1-11-1963. Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II. Ký hiệu tài liệu: TNTP-4129 .

62. Đỗ Đức Thái, Thảm họa Việt Nam (Chính trường và chiến trường 1954-1975). Nxb Mùa Thu, Chicago, Illinois, 1985, tr.132.

63. Lê Duẩn. Thư vào Nam. Nxb Sự Thật, Hà Nội, 1985, tr.248.

64. Cao Thế Dung. Việt Nam ba mươi năm máu lửa – Cuộc chiến tranh tàn sát thương binh lần thứ nhất 1945-1963. Nxb Alpha, Falls Church, VA, USA, 1991, tr.606-607.

65. Vùng I Chiến thuật của Việt Nam Cộng hòa bao gồm các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi.

66. Quân đội Việt Nam Cộng hòa, Vùng I Chiến thuật, Bộ Tham Mưu - Phòng 2, Số 2.513/VICT/TM2/TB/K. Tổng hợp tin tức (Tháng 01 - 02 năm 1964). Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II. Ký hiệu tài liệu TNTP-1705.

67. Bộ Thông tin - Phòng 2, số 13559/VICT/TM2/TB/K. Bản nhận định tình hình Vùng I Chiến thuật sau ngày Cách mạng 1-11-1963. Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II. Ký hiệu tài liệu: TNTP-4129.

68. Cao Thế Dung, Sđd., tr. 608.

69. Lê Cung. Bàn về “Phong trào Phật giáo miền Nam năm 1963” trong giáo trình “Lịch sử Việt Nam hiện đại” ở bậc đại học và cao đẳng. Nghiên cứu Lịch sử, Số 1 (369), 2007, tr. 69-70.

70. Xem Giáo trình lịch sử Việt Nam, Tập VII (từ 1954 đến 1975). Nxb. Đại học Sư phạm, Hà Nội, 2007.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 297
    • Số lượt truy cập : 6948293