Thông tin

NĂM PHÁP MÔN PHƯƠNG TIỆN NIỆM PHẬT(1)

NĂM PHÁP MÔN PHƯƠNG TIỆN NIỆM PHẬT(1)

THIÊN THAI TRÍ GIẢ ĐẠI SƯ (2) soạn.

Hán dịch:  MINH NGỌC

 

 

I-Có năm loại thiền:

1-Ngưng tâm thiền

2-Chế tâm thiền

3-Thể chân thiền

4-Phương tiện tùy duyên thiền

5-Tức nhị biên phân biệt thiền.

Phàm trụ tâm vào một cảnh thì gọi là Ngưng tâm. Vả lại, như khi hành giả niệm Phật, quán tưởng rõ tướng thân sắc vàng, tướng bạch hào của Đức Như Lai sáng rõ như ngọc, tâm thản nhiên, lắng đọng, vẳng lặng, thấu suốt, đó gọi là Ngưng tâm thiền. Kế đến, trước tuy đã Ngưng tâm, mà do tập quán tâm rong ruổi, tán loạn thì cần phải kiềm chế, khiến cho trở lại duyên chặt vào thân tướng sắc vàng của Phật, đó gọi là Chế tâm thiền. Lại nữa, trước tuy đã Chế tâm, được trú cảnh định, nhưng vốn chẳng phải là quán Lý, đều thuộc tu Sự; thể của nó vốn Không, thì kiềm chế cái gì? Không Phật, không niệm, gọi đó là Thể chân thiền. Lại nữa, trước tuy đã Thể chân, nhưng vẫn còn vướng nơi không tịch, vô lượng danh tướng mịt mờ chẳng biết. Nay đem phương tiện “vô sở đắc”, từ Không đi vào Giả, vạn tướng đều thông suốt rõ ràng, không bị cảnh trần Không làm hoặc loạn, ấy gọi là Phương tiện thiền. Lại nữa, Thể chân thiền và Phương thiện thiền đều căn cứ vào Không và Có, không lìa Nhị biên, nay khiến cho quán tưởng rõ tĩnh hay loạn vốn không có tướng mạo, bặt hết ngôn ngữ, dứt mọi tư tưởng, ấy gọi là Tức (dứt) nhị biên thiền. Phân biệt từ cạn đến sâu như thế, tiến đến Viên quán tuy chẳng có cạn sâu mà cạn sâu rõ ràng.

Từ đây, triển khai năm môn niệm Phật:

1. Xưng danh vãng sinh niệm Phật Tam-muội môn.

2. Quán tướng diệt tội niệm Phật Tam-muội môn.

3. Chư cảnh duy tâm niệm Phật Tam-muội môn.

4. Tâm cảnh câu ly niệm Phật Tam-muội môn.

5. Tánh khởi viên thông niệm Phật Tam-muội môn.

Chư Phật vì tâm đại từ đại bi, thường dạy bảo, thuyết pháp cho các Bồ-tát… nên dùng các pháp phương tiện để cho chúng sinh dễ hiểu. Tự thân Ngài cũng dùng các thứ phương tiện để khai thị Bát-nhã Ba-la-mật. Lý do gì Phật giảng thuyết Bát- nhã Ba-la-mật ấy? Phật dạy: Vì muốn khiến chư Bồ-tát tăng trưởng niệm Phật Tam-muội. Vì nhân duyên gì lại khiến niệm chư Phật? Phật bảo: Nên biết, người niệm Phật đó, không khác với Văn-thù-sư-lợi và chư Bồ-tát. Vì sao? Vì Tam-muội này là nơi du hành của chư Phật Thế Tôn, là chỗ xuất phát ban đầu của các Đại Tam-muội Thủ-lăng-nghiêm...

Phàm vào Phật pháp bằng rất nhiều phương tiện, nhưng dùng một lời mà nói đầy đủ các pháp môn thì không gì bằng niệm Phật. Vì tất cả chư Hiền Thánh đều từ niệm Phật mà sinh ra; tất cả trí tuệ đều từ niệm Phật mà có. Dù là hàng Thập tín Bồ-tát và bậc tam Hiền Bồ-tát cũng đều không lìa niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, nhẫn đến không lìa niệm Nhất thiết chủng trí. Từ hàng Sơ địa Bồ-tát cho đến Bát địa, Cửu địa, Thập địa cũng đều không lìa niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng cho đến cũng không lìa niệm Nhất thiết chủng trí.

Chỉ vì  niệm, biết vốn có sai biệt mà tùy theo nghĩa đặt tên gọi khác nhau, nên chúng sinh mê chấp ở danh, vọng sinh giải thích không đồng, rơi vào ma giới, khinh thường niệm danh hiệu Phật, và cho mình có lối tu khác tốt hơn. Vì thương xót hạng người này, nên nay tôi lược nói qua.

Luận về người tu nhân, thì không ngoài tam Hiền, thập Thánh; luận về người chứng quả, thì chính là chư Phật Như Lai. Người tu nhân, buộc tâm thường nghĩ, niệm đến chư Phật ở mười phương. Người chứng quả, lại đặc biệt khai mở pháp này là đệ nhất thiền vi diệu thanh tịnh. Nên biết, pháp môn dễ nhập mà chứng sâu, đều không gì bằng niệm Phật.

Than ôi! Người học đạo thời sau, xem nhẹ pháp dễ nhập, làm mất sự chứng sâu, bị kiến chấp trói buộc, thật là đáng thương!

Lại nữa, chư Phật vì thấy chúng sinh thích xưng danh hiệu chư Phật, để cầu sinh về nước kia, nên chỉ bày pháp môn Xưng danh vãng sinh niệm Phật; vì chúng sinh ưa thích thấy được thân Phật, mà lo sợ chướng duyên không thấy, nên chỉ bày pháp môn Quán tướng diệt tội; vì chúng sinh có mê tâm chấp cảnh, nên chỉ bày pháp môn Chư cảnh duy tâm; vì chúng sinh chấp thật có, nên chỉ bày pháp môn Tâm cảnh câu ly (đều lìa); vì chúng sinh ưa định sâu lắng, hướng về vô sinh diệt, nên chỉ bày pháp môn Tánh khởi viên thông.

Cao cả thay! Đức Thế Tôn khéo cứu chúng ta, chỉ ra một con đường thẳng đến quả Bồ-đề, một pháp môn thậm thâm, đó chính là niệm Phật. Xin các bậc Đại trí độ, bậc thông tuệ bẩm sinh, người tu sâu định tuệ, người hiểu giỏi kinh luận, thử xét pháp môn niệm Phật này so với các kinh liễu nghĩa Đại thừa, có nghĩa lý nào mà không thâu tóm hết, xin hãy nói ra. Mới biết, xưng danh hiệu Phật, trí sâu càng sâu, một lời mà đầy đủ hết các pháp môn, tin có chứng cứ vậy.

II- Trình bày thứ tự phương tiện đi vào:

 Nếu hành giả lúc miệng niệm xưng A-di-đà-Phật, tâm nhất quyết nguyện sinh về nước Cực lạc, đó chính là Xưng danh vãng sinh môn. Hành giả tưởng tượng Phật thân, chuyên chú không thôi, liền được thấy Phật, hào quang sáng rực, chiếu đến người hành trì, lúc này bao nhiêu tội nghiệp đều tiêu trừ, đó chính là Quán tướng diệt tội môn. Lại quán thân Phật này do tâm khởi ra, không có cảnh giới nào riêng khác, đây là Chư cảnh duy tâm môn. Lại quán tâm này cũng không có tự tướng có thể đắc, tức là Tâm cảnh câu ly môn. Hành giả lúc này tiến vào định sâu xa, vẳng lặng buông bỏ hết tất cả tâm ý và ý thức, thâm nhập Niết-bàn, được mười phương chư Phật gia bị hộ niệm, hưng khởi Bát-nhã môn. Bấy giờ, hành giả chỉ trong một niệm liền làm thanh tịnh cõi Phật và thành tựu ý nguyện cứu độ chúng sinh. Những công đức có được của bốn môn trước, trăm ngàn vạn phần cũng không bằng một môn này. Vì sao? Vì  trụ ở vị “vô công dụng”; có thể lấy một thân làm thành vô lượng thân, tùy ý tu tập, Phật niệm hộ trì, pháp môn của chư Phật cùng tận vô biên, nguyện nhân của Phổ-Hiền thảy đều viên mãn, bổn nguyện lực và pháp “như thị” tức là Tánh khởi viên thông môn.

Hỏi:

- Vì sao gọi là Nhất hành Tam-muội?

Đáp:

- Có kinh làm chứng, kinh Đại Bảo Tích, phẩm 116 nói: “Văn-thù-sư-lợi bạch Phật rằng: Bạch Thế Tôn, phải tu tập thế nào để mau chứng đắc quả Vô thượng Bồ-đề?

Phật đáp:

-Nếu thiện nam, thiện nữ nào tu tập hạnh Nhất hành Tam-muội thì sẽ mau chứng quả Vô thượng Bồ-đề.

Văn-thù-sư-lợi bạch Phật:

-Tại sao lại gọi là Nhất hành Tam-muội?

Phật dạy:

-Pháp giới nhất tướng, buộc duyên pháp giới, đó gọi là Nhất hành Tam-muội. Như thiện nam, thiện nữ nào muốn vào Nhất hành Tam-muội, thì trước nên nghe Bát-nhã Ba-la-mật, như thuyết mà hành trì, rồi sau mới có thể vào Nhất hành Tam-muội. Như duyên pháp giới thì bất thoái, bất hoại, bất tư nghì, vô ngại, vô tướng. Nếu có thiện nam, thiện nữ nào muốn vào Nhất hành Tam-muội thì nên ở chỗ vắng vẻ, xả hết loạn ý, không giữ tướng mạo, buộc tâm duyên một vị Phật, chuyên xưng danh hiệu Phật, tùy theo phương sở của Phật, ngay thân hướng thẳng, niệm niệm tương tục danh hiệu Phật ấy, thì trong một niệm sẽ thấy chư Phật ba đời. Vì sao? Vì niệm một vị Phật công đức vô lượng vô biên; công đức ấy không khác niệm vô lượng chư Phật. Như thế, khi vào Nhất hành Tam-muội, thì biết hết tướng của hằng hà sa chư Phật trong pháp giới không sai biệt”

Hỏi:

–Người phần nhiều vẽ tượng Phật rồi lấy đó để quán tưởng lễ bái, việc đó có Thánh  giáo dạy không?

Đáp:

–Kinh Đại Bảo Tích quyển 89 nói: “Bấy giờ, Bồ-tát Đại Tinh Tấn cầm bức lụa vẽ hình tượng Phật, đem vào trong núi sâu yên tĩnh không có người và cầm thú qua lại, rồi mở bức họa ra, lót cỏ làm tòa, ngồi kiết già phu, chánh thân chánh niệm, trước hình vẽ ấy, quán sát Đức Như Lai mà suy nghĩ : Đức Như Lai thật hi hữu vi diệu, hình vẽ mà Ngài còn ngồi ngay ngắn tươi đẹp như vậy, huống là thân Như Lai Chánh Biến Tri! Tiếp lại nghĩ rằng:  Làm thế nào quán Phật?

 Bấy giờ, có vị thần cây biết được ý nghĩ của Bồ-tát liền thưa: Này Thiện nam tử! Phải chăng ông đang nghĩ làm thế nào quán tưởng Phật? Thần lại đáp: Nếu muốn quán Phật, nên quán hình vẽ. Quán hình vẽ này không khác Như Lai, đó gọi là quán Phật. Quán Phật như thế mới gọi là thiện quán.

Lúc ấy, Bồ-tát Tinh Tấn lại nghĩ: Nay ta làm thế nào quán tưởng hình vẽ như quán tưởng Như Lai?

Lại nghĩ: “Hình vẽ phi giác, phi tri; tất cả các pháp cũng đều như thế, chỉ có danh tự. Danh tự như thế, tự tánh là không tịch, vốn không có sở hữu; thân của Như Lai, tướng cũng như thế. Hình vẽ là phi chứng, phi quả, (sở) phi chứng giả, phi đắc giả, phi trụ giả (năng), phi khứ lai, phi sinh, phi diệt, phi tịnh, phi sắc, phi tham, sân, si; hình vẽ là phi ấm, giới, nhập, phi sơ, trung, hậu; tất cả các pháp cũng đều như thế, thân tướng của Như Lai cũng như thế. Hình vẽ như thế là phi giác, phi tri, phi tác; tất cả chư Phật cũng lại như thế, cho đến sáu căn cũng như thế.

Trong suốt hai mươi mốt ngày, Bồ-tát ngồi kiết già quán thân Như Lai như thế rồi, thành tựu được Ngũ thông, cúng dường chư Phật. Chư Thiên rải hoa dâng cúng  và được Phật khen ngợi. Ở trong hội đó có hai vạn người chứng đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác; có vô lượng a-tăng-kỳ người trụ vào công đức Nhị thừa. Bồ-tát Đại Tinh Tấn đó tức là Phật Thích-ca Mâu-ni.” Văn này có thể chứng minh.

III-Luận theo bốn Giáo:

1- Tạng giáo Tiểu thừa: Tâm không tự sinh ra mà phải nhờ duyên khởi. Khi hành giả niệm Phật, thì ý tưởng là nhân, hào quang của Như Lai là duyên, cũng gọi là pháp trần, vì nó đối lại với ý căn. Niệm sở khởi chính là pháp sở sinh; xét căn, trần năng sở, ba tướng biến thiên, lưu động, vừa sinh vừa diệt, niệm niệm chẳng dừng, phân tích phương không, vô Phật, vô niệm.

2-Thông giáo Đại thừa: Quán tâm niệm Phật khởi năng sinh sở sinh, không gì không phải là không. Vọng nói là tâm khởi, tâm thật ra không có khởi. Khởi vốn không có tự tánh, thể của nó là không. Tướng Phật sở quán như ảnh trong gương, là hoa trên hư không, vô Phật, vô niệm.  

3-Biệt giáo Đại thừa: Quán tâm niệm Phật khởi tức là pháp giả danh, thấu suốt sâu cạn, vô lượng danh tướng, như thấy rõ trong lòng bàn tay, biết rõ tâm này, có Như Lai tạng, nhiều kiếp đoạn hoặc mới chứng Chân thường; lìa Nhị biên, hiển bày Trung đạo, vô Phật, vô niệm.

4-Viên giáo Đại thừa: Quán tâm niệm Phật khởi tức không, tức giả, tức trung, căn hay trần đều từ pháp giới khởi, một niệm cũng vậy, chư Phật khắp cõi một niệm chiếu soi, chúng sinh lục đạo trong một sát-na đều cảm ứng, đầu tức là sau, nay mới được giác tri. Như người đại phúc cầm đá thành ngọc báu, ắt không xả niệm mà riêng cầu ly niệm, tức biên mà là trung, vô Phật, vô niệm.

Trong kinh Anh Lạc nói Như Lai đốn ngộ, chính là nghĩa này vậy. 


(1) Đại Chánh Tân Tu quyển 47, số 1962, trang 81

(2) Ngài sinh năm 538, người Hoa Dung, Kinh châu (nay là huyện Hoa Dung, tỉnh Hồ Nam), họ Trần tự Đức An, tên là Trí Khải. Năm 18t, xuất gia ở chùa Quả Nguyện, Tương châu. Sau, đến núi Đại Tô ở Quảng châu theo ngài Tuệ Tư tu bốn hạnh an lạc. Năm 575, sư đến núi Thiên Thai, tăng tục theo về rất đông. Năm 591, sư truyền Bồ tát giới cho Tấn vương Quảng (Tùy Dạng đế) ở Dương châu, vương ban tặng cho sư đức hiệu “Trí Giả”, nhưng người đời thường gọi sư là Thiên Thai Đại sư. Năm 597, sư thị tịch, thọ 60t. Một đời người xây dựng 36 cảnh chùa, viết được 15 tạng kinh, tạo 10 vạn tôn tượng, độ trên ngàn vị Tăng, truyền nghiệp cho 32 vị Học sĩ, và trước tác, soạn thuật nhiều Luận giải, chú sớ các bộ kinh Đại thừa lớn v.vv..(theo Phật Quang Đại Từ Điển- Thích Quảng Độ dịch)

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 20
    • Số lượt truy cập : 6568055