Thông tin

NĂM TÝ, NÓI CHUYỆN CON CHUỘT

 

PHAN THỊ BÍCH TRẦM

 


 

Xưa kia ở Trung Quốc người ta dùng mười hai loài động vật xếp tuần hoàn để ghi năm. Người sinh vào năm con chuột thì tuổi con chuột, người sinh vào năm con trâu thì tuổi con trâu. Mọi người nhất định sẽ cảm thấy rất kỳ lạ. Tại sao con chuột nhỏ bé thế kia mà lại xếp hàng đầu tiên trong mười hai con giáp? Tại sao trong mười hai con giáp lại không có con mèo? (Người Trung Quốc xem năm Mèo là năm con Thỏ). Ở đây có một câu chuyện rất thú vị.

Xưa thật là xưa, người ta cảm thấy sử dụng động vật để ghi năm rất hay và dễ ghi nhớ, cho nên chọn một ngày cho mọi loài động vật tự nguyện đến báo danh, mười hai loài động vật đến báo danh sớm nhất thì làm mười hai con giáp.

Mèo và chuột vốn là hàng xóm của nhau, lại là những người bạn thân thiết nhất, chúng nó cảm thấy làm con giáp thật là có ý nghĩa, nên đều muốn đi báo danh. Trước ngày báo danh một ngày, mèo nói với chuột rằng: “Chúng ta ngày mai cùng dậy thiệt sớm để đi báo danh, nhưng tôi có tật ngủ nướng, sáng sớm mai không dậy nổi thì làm sao đây?” Chuột bèn vỗ ngực nói: “Không sao, an tâm đi, có tôi đây. Anh cứ việc ngủ, tôi dậy rất sớm, lúc đó tôi sẽ kêu anh thức dậy, chúng ta cùng đi báo danh là được mà”. Mèo nghe xong mừng lắm, tối đó an tâm đi ngủ.

Chuột nằm trên giường rất phấn khích nên mãi không ngủ được. Chuột nghĩ bụng: “Dù sao cũng không ngủ được, thôi dậy xuất phát cho rồi”. Nó mò dậy và âm thầm lên đường trong đêm tối, quên luôn cả việc gọi mèo dậy.

Chuột dậy rất sớm, nhưng không ngờ trâu cũng dậy thật sớm. Thế là hai con vật đi cùng nhau. Trâu chân dài, vóc dáng to lớn, đi rất nhanh, chuột chân ngắn, người lại bé tí, nó gắng hết sức cũng không thể nào đuổi kịp trâu. Chuột lo lắng: mình đã dậy sớm như vậy, nhưng vị trí đầu tiên lại để trâu cướp mất, thật sự chẳng cam tâm chút nào.

Nó bèn nghĩ cách, nghĩ một hồi thì ra được một ý xấu. Nó nói với trâu rằng: “Ngưu ca ca ơi, đi đường mệt rồi phải không? Để tôi hát cho anh nghe nhé, để anh bớt mệt”. Trâu nói: “Được đó. Anh hát đi. Tôi thích nhất là nghe hát đó”.

“Ủa, sao anh không hát?”.

Chuột đáp: “Tôi đang hát đó. Tại sao anh không nghe vậy nè. À, có thể là do âm thanh của tôi quá nhỏ. Như vầy đi, anh cho tôi cưỡi lên cổ anh rồi hát, như thế anh sẽ nghe được thôi”.

Con trâu thiệt thà nào biết âm mưu của chuột, bèn vui vẻ nhận lời. Con chuột vui vẻ nhảy lên cổ trâu để cho trâu cõng mình đi tiếp, thật là thoải mái quá đi.

Con chuột đắc ý, ôm cổ trâu mà hát: “Ngưu ca ca, thông minh nhất, anh nhất định xếp hạng nhất”. Trâu nghe xong thì vui lắm, một mạch chạy thẳng đến nơi báo danh. Trâu nhìn xung quanh, chẳng thấy ai đến cả, thì mừng rỡ la lên: “Ôi, tốt quá, tôi xếp hạng nhất rồi, tôi xếp hạng nhất rồi!”. Nhưng chưa kịp nói xong thì chuột đã rời khỏi cổ trâu nhảy lên phía trước, phút chốc chạy trước mặt trâu.

Và như thế, con chuột xảo quyệt đã xếp hạng nhất, trâu thiệt thà chỉ xếp hạng thứ hai. Một lúc sau thì cọp đến, xếp hạng ba. Cứ thế lần lượt thỏ, rồng, rắn, ngựa, dê, khỉ, gà, chó và heo cũng đến. Mọi người biết chuột xếp hàng đầu đều rất kinh ngạc.

Chuột xếp hạng nhất, huênh hoang trở về nhà, con mèo lười vẫn đang say giấc ngủ. Mèo không đi báo danh, đương nhiên không có cơ hội làm một trong mười hai con giáp. Mèo rất giận, từ đó về sau hễ thấy chuột thì cắn, buổi tối không còn ngủ nữa. Mãi đến ngày nay, mèo đều như thế (*).

Thông qua câu chuyện trên, chúng ta có thể thấy rằng chuột trong văn hóa Trung Quốc là một con vật tuy thân hình nhỏ bé nhưng đầy mưu mẹo. Khác với văn hóa phương Tây, khi nhắc đến chuột người ta thường hình dung là con vật dễ thương có phần lí lắc như trong phim hoạt hình Tom and Jerry hay Chú chuột Mickey. Trong văn hóa phương Đông, người ta nhìn hình ảnh con chuột với một ấn tượng không tốt đẹp, trong kho ca dao, thành ngữ của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, như: Nhát như chuột, Chuột bầy đào chẳng nên hang, Chuột chạy cùng sào, Hôi như chuột chù, Chuột chù chê khỉ rằng hôi / Khỉ mới trả lời: cả họ mày thơm?,...

Một lần đến Trung Quốc, tôi thấy tại một số con đường văn hóa có hình ảnh một vị quan giơ cao cây gậy để đập một con chuột.  Hình ảnh này xuất phát từ câu chuyện thật của một vị thi nhân thời  Vãn Đường là Tào Nghiệp.

Ông viết bài thơ Quan Thương Thử (官仓鼠) để tố cáo tội ác của những kẻ làm quan đương thời, ví bọn tham quan như là lũ chuột trong kho gạo:

官仓老鼠大如斗,

见人开仓亦不走。

健儿无粮百姓饥,

谁遣朝朝入君口?

Quan thương1 lão thử đại như đấu2

kiến nhân khai thương diệc bất tẩu.

Kiện nhi3 vô lương bách tính cơ,

thuỳ khiển4 triêu triêu5 nhập quân6 khẩu?

Ý nói chuột trong kho lương thực của quan, mập như cái đấu gạo. Nhìn thấy người ta mở kho lương cũng chẳng bỏ chạy. Nhưng tướng sĩ nơi biên cương làm nhiệm vụ bảo vệ tiền phương thì chẳng có lương thực mà ăn, lão bá tánh khổ sở đang bị đói, là ai ngày ngày đã đem lương thực này mà nhét vào mồm lũ quan như đám chuột trong kho gạo.

 

Ảnh chụp tại đường văn hóa thành phố Quế Lâm, Trung Quốc

 

Từ đó, có thể thấy rằng cùng  một đối tượng là con chuột nhưng với mỗi nền văn hóa khác nhau, người ta nhìn nhận cũng khác. Nhưng đặc tính của loài chuột là loài phá hoại thì không ai có thể phủ nhận. Năm Chuột này, những mong sao đất nước chúng ta xuất hiện nhiều vị mạnh tay diệt tham nhũng để cho những con chuột hại nước hại dân được tiêu diệt, người người được ấm no, sống trong một xã hội văn minh tiến bộ. 

 


(*) 《读故事学汉语》,北京语言大学出版社,第30页,2008 年。 Tuyển dịch từ sách “Đọc cố sự học hán ngữ”, Đại học Ngôn ngữ Bắc Kinh xuất bản, trang 30, năm 2008.

1. Quan thương: kho lương thực của quan phủ.

2. Đấu: đơn vị đo lường thời cổ đại.

3. Kiện nhi: tướng sĩ nơi biên cương bảo vệ tiền phương.

4. Thùy khiển: ai khiến cho.

5. Triêu triêu: ngày ngày.

6. Quân: chỉ con chuột.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 71
    • Số lượt truy cập : 6946749