Thông tin

NGẪM LẠI TỪ CHUYẾN ĐI CHÙA

NGẪM LẠI TỪ CHUYẾN ĐI CHÙA

ĐĂNG KHOA

 

Nhìn hàng người giẫm đạp lên nhau để giành lá ấn, núi tiền lẻ được vung vải khắp nơi trong các mùa lễ hội… đó là những gì đáng tiếc nhìn thấy được cứ mỗi độ Xuân về. Ngẫm mình lại nghĩ đến người - Đất nước Phật giáo Myanmar!

Có dịp trải nghiệm cuộc sống với người dân Myanmar, tôi đã hòa quyện vào đời sống tâm linh của họ, đi vào thôn xóm, để tìm hiểu, để xem họ tín ngưỡng và y theo chánh pháp của Đức Thích Ca như thế nào. Chính sách mở cửa của Myanmar càng được mở rộng, nhưng dường như nếp sống và đời sống tinh thần của người dân vẫn thế. Họ từ tốn, chậm rãi và cung kính đảnh lễ chư Phật với lòng thành tôn kính.

Bước vào bất cứ ngôi chùa, hay tu viện nào ở vùng đất này, điều đầu tiên, khách thập phương cần cởi bỏ dép, giày, kể cả vớ, phải mặc những chiếc quần dài qua gối hay khoác lên người chiếc khăn choàng nếu bạn mặc áo quá ngắn. Dòng người Myanmar vào viếng Phật đầy trang nghiêm và thanh tịnh. Họ dâng cúng đấng Từ Tôn những bó hoa, hay đơn giản chỉ là một cành cây, nhành hoa dại ven đường. Họ rửa sạch và quỳ sát đất để dâng lên Người. Qua nét mặt, họ nhìn Ngài ngự trên tòa sen, họ hướng tâm mình về Thế Tôn với tất cả lòng thành kính và y giáo phụng hành những chánh pháp mà Ngài đã dạy cho hàng đệ tử. Nét mặt họ tươi cười, lúc nào cũng có những nụ cười ở chốn này. Không chen lấn, không nhất thiết phải chạm  tay, cọ tiền hay bất cứ hình thức xô đẩy nào để được chạm vào tôn tượng của Đức Phật. Họ đến chùa và không có gì quý hơn là dâng lên chư Phật với lòng thanh tịnh, dứt bỏ muộn phiền, lìa bỏ tâm tham sân si ở cõi đời bên ngoài. Họ vào chùa, vào tu viện để gột sạch lòng trần đang vướng nặng chuyện thế gian, lắng lòng lại và hướng về Thế Tôn để chiêm ngưỡng Ngài, hình ảnh của lòng hỷ xả và của tâm từ bi.

Những người con Phật ở xứ mình đi lễ Ngài có phải như vậy không? Hay chúng ta xô đẩy nhau, chúng ta vọng tưởng với đầy hỷ nộ ái ố, với tâm không thanh tịnh, đầy sự tham lam, đầy lòng đố kỵ? Chúng ta lạy cho có lạy, nhìn Phật trên tòa sen mà trong lòng cứ sợ bị mất đồ hay sợ chiếm chỗ, rồi tâm khởi tham để cầu việc gì đó lợi lạc cho cá nhân, rồi vung vải tiền bạc ra ngoài, khắp bàn Phật, trên tượng Ngài, không chừa một chỗ nào, và cho rằng đó là tôn kính, là y vào chánh pháp của Ngài?


Những hình ảnh phản cảm ở chùa: đặt tiền trước các tượng La Hán tại chùa Tây Phương 

Phật dạy: “Theo ta, mà không hiểu chánh pháp của ta là phỉ báng ta”. Vậy thử hỏi xem, bao nhiêu Phật tử đi chùa, lễ Phật và tôn kính như những người con Phật đất nước Myanmar? Cũng là con Phật nhưng người dân Myanmar nào có “mua Thần bán Thánh”, hay cúng vái để giải hạn, cúng sao đâu? Họ có đốt vàng mã hay mê tín bói toán, cầu hồn chi đâu? Vậy tại sao chúng ta không nhìn lại, để thấy rằng, giáo lý của chư Phật dạy hàng Phật tử là bỏ lòng tham, sân, si, để trở về với thân tâm thanh tịnh hằng có. Để thấy rằng, mỗi chúng ta đều có Phật tánh, Phật nào có đâu xa, Ngài luôn ngự trị trong ta, Ngài luôn hướng về chúng ta với lòng từ bi vô bờ bến. Kinh Pháp Cú, dạy rằng:

Chư ác mạc tác

Chúng thiện phụng hành

Tự tịnh kỳ ý

Thị chư Phật giáo

Nghĩa là:

Tất cả các nghiệp ác chớ có làm

Nên làm tất cả các việc lành

Cố gắng làm cho tâm ý được thanh tịnh

Đó là lời dạy của chư Phật

Giáo lý và chánh pháp của chư Phật sẽ là ánh sáng và ngọn đèn soi rọi cho chúng ta trên con đường chánh tín Tam bảo. Cầu mong những người con Phật luôn noi gương theo Đức Bổn Sư, phát tâm tín nguyện với lòng từ bi hỷ xả, bác ái, bỏ lòng tham sân si, tinh tấn tu học để không còn thấy những cảnh tượng đau lòng như những gì đã và đang xảy ra.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 17
    • Số lượt truy cập : 6130620