Thông tin

NGÀN SAU XIN MÃI CHẮP TAY CHÀO NHAU

 

DƯƠNG KINH THÀNH

 

 

Từ cử chỉ chắp tay chào nhau

Trong phần lớn các nước châu Á, đặc biệt những nước có Phật giáo vùng Đông Nam Á như Myanmar, Lào, Campuchia, Thái Lan, cử chỉ chắp tay chào nhau đã trở nên một phần văn hóa đặc trưng giao tiếp hằng ngày trong cuộc sống. Từ những nước có tín ngưỡng Hồi giáo như Indonesia, Malaysia, Brunei, Timor-Leste… đến nước Ấn Độ và những quốc gia nằm theo dãy Himalaya trời mây tuyết phủ; cử chỉ chắp tay chào nhau cũng là một dấu ấn trang trọng dành cho người đối diện. Tất cả, dù ít hay nhiều, dù đã một phần bị mai một nhưng cũng đã trở thành lịch sử văn hóa của mỗi đất nước mình, làm nên nét đẹp cho muôn đời.

Ở đất nước Việt Nam chúng ta, do nhiều yếu tố tác động, trong đó có các thời kỳ chinh chiến triền miên, đã xé lẻ ra từng mảnh nhỏ các thời kỳ xây dựng cung cách sống và nền văn hóa đặc trưng. Cho nên việc chắp tay chào nhau như bị mất hút vào dĩ vãng, khó có thể tìm tra điểm tựa khả dĩ để có thể căn cứ vào, lần ra manh mối từng bước. May mắn và hạnh phúc biết bao, cử chỉ chắp tay chào nhau đã tìm nương dựa và tồn tại trong cửa chùa, trong nếp sống thiền gia, phạm hạnh với nền tảng lịch sử hai ngàn năm có mặt, miệt mài, âm thầm cất giữ.

Từ đầu thế kỷ 20. Bên ngoài cổng chùa, từng có một điểm lóe sáng, tuy yếu ớt, lẻ loi nhưng cũng đủ để tự hào về một cái chắp tay chào nhau đã từng còn tồn tại trong xã hội. Đó là trong hầu hết tiểu thuyết của nhà văn Hồ Biểu Chánh - tức Hồ Văn Trung (1885-1958) người đọc luôn bắt gặp cử chỉ chắp tay chào nhau (hay vái chào) của các nhân vật, từ giai cấp quý tộc trưởng giả cho đến hàng bần nông, ai ai cũng chắp tay như thế khi gặp nhau rất trân trọng. Điều đáng chú ý là những bối cảnh trong tiểu thuyết của ông đều diễn ra trong thời kỳ mất nước, văn hóa dân tộc bị xâm hại gần như rách nát trước văn hóa phương Tây.

Với những ai đã là một Phật tử, cử chỉ chắp tay chào nhau vốn dĩ đã rất quen thuộc, và dưới mắt mình những ai chưa biết làm như thế mới lạc loài cô độc. Phải chăng chính Phật giáo, những người con Phật đã gìn giữ cho văn hóa đất nước này một nét đẹp đáng tự hào và cao cả như thế, hơn bao nhiêu lần cái bắt tay hay ôm hôn cho giống người… phương xa! Do đó, chắp tay chào nhau với người Phật tử còn hàm ý nhiều nghĩa sâu xa hơn là cuộc xã giao làm đẹp lòng nhau. Khi còn nhỏ, chúng tôi rất thích đọc Phẩm “Bồ tát Thường Bất Khinh”, dưới suy nghĩ của tuổi nhỏ vị Bồ tát này được ví như một vị Tế Công, không sợ bị chê cười, thậm chí bị rượt đuổi và khinh miệt chỉ để được chắp tay trước mọi người thuận hay nghịch mà rằng “Tôi không dám khinh ông, vì ông là Phật sẽ thành”! Mãi cho đến khi lớn khôn sau này, bắt gặp câu thơ của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, mới vỡ òa nhiều mảng suy tư khô khốc đeo bám bao lâu nay và mới hiểu thêm chân lý tuyệt vời của cử chỉ chắp tay chào nhau hơn ngàn lần ý nghĩa xã giao:

“Đóa sen xin tặng người

Một vị Phật tương lai”

Cử chỉ chắp tay chào nhau của chúng ta đẹp và ý nghĩa đến như vậy đấy! Chẳng khác nào chúng ta noi theo gương Bồ tát Thường Bất Khinh phó chúc cho mọi người mà không cần phải cất lên tiếng lòng đã gởi. Và cũng nhờ câu thơ này, chúng tôi mới hiểu thêm ý nguyện của vị Bồ tát độc đáo này.

Trong Phật giáo, cử chỉ chắp tay được ví như một đóa sen năm cánh, biểu trưng những điều tốt đẹp cũng như lòng dũng mãnh của ý chí vượt tiến dành cho nhau. Hầu hết, huy hiệu của sáu đoàn thể thanh niên Phật giáo của Tổng Vụ Thanh Niên trước đây đều có hình ảnh hoa sen năm cánh làm nét chủ đạo chính yếu. Trong thơ nhạc còn được ví là chắp tay hoa (thơ của Phạm Thiên Thư, nhạc Phạm Duy).

Đến xá và lạy trong nghi lễ

Từ cử chỉ chắp tay chào nhau ấy, nhưng khi cúi xuống hơi sâu một chút thì đã trở thành nghi lễ, chúng ta gọi là xá (vái). Và từ xá đến lạy qua biểu hiện hình thể là quỳ xuống và cúi thật thấp. Thuật ngữ nhà Phật chúng ta gọi là “Đầu diện tiếp túc”. Xá và lạy đã có từ thời đức Thế Tôn qua các kinh ghi chép lại (đảnh lễ). Khi Phật giáo phát triển sang các vùng Á Đông thì được kết hợp bên cạnh những nguồn nghi lễ tại chỗ, để rồi chư Tổ sư xưa đã kết hợp và hình thành nên các nghi thức lễ lạy cho riêng Phật giáo. Những quốc gia có Phật giáo đại thừa thường là rõ nét việc lễ lạy rất phong phú, tuy có đôi chút khác biệt nhưng tựu trung vẫn là muốn thể hiện tấm lòng thành qua hình thức lễ lạy. Thí dụ, Phật giáo Tây Tạng có cách lạy rất độc đáo và rất cảm động, không lẫn vào đâu được, đó “Tam Bộ - Ngũ Thể - Nhập Địa”. Có nghĩa đi ba bước, lạy bằng tất cả thân thể mình, nằm sát đất.

Đọc qua các tài liệu về nghi lễ như “Văn Công Thọ Mai’, “Thọ Mai gia lễ”, “Việt Nam Phong tục” của Phan Kế Bính (1875-1921) và các tài liệu, hồi ký, truyện của nhà văn Sơn Nam (1928-2008)… lễ bái luôn chiếm một vai trò quan trọng trong nét văn hóa truyền thống của người Việt.

Chuyên sâu hơn một chút, qua tài liệu nghiên cứu của học giả Lý Việt Dũng, chúng ta thấy rằng lạy là hình thức biểu thị sự cung kính của một người đối với bậc trưởng thượng, còn vái (xá) là của hai người đồng vai vế chào nhau. Xá, lạy đều là lễ nghi có từ thời cổ đại. Nhưng cả hai đều có chỗ khác nhau. Căn cứ vào quy định của lễ tục thời cổ đại thì vái là chỉ cần cung tay chào chứ không cần phải quỳ. Tuy nhiên, vái cũng phân biệt ấp trơn (còn gọi là ấp nhượng) và trường ấp (tức vái dài).

 

 

Cũng theo học giả Lý Việt Dũng, giữa vái và lạy hoàn toàn không giống nhau sau khi phân tích qua Thiên Cao Đế ký (Hàn Thư) và Thiên Chu Bột truyện. Để tách biệt kỹ hơn, ông viết xưa kia bên Ấn Độ có chín phép vái lạy, đó là: 1/ Phát ngôn ủy vấn (mở lời chào); 2/ Phù thủ (cúi đầu); 3/ Cử thủ cao ấp (Cất đầu chào); 4/ Hiệp chưởng bình ung (chắp tay đứng chào); 5/ Khuất tất (quỳ xuống); 6/ Trường quỳ ( quỳ dài); 7/ Thủ cất cứ địa (quỳ hai gối và hai bàn tay chạm đất); 8/ Ngũ luân câu khuất (năm phần thân thể đều cúi); 9/ Ngũ thể đầu địa (hai gối, hai tay và đầu chạm đất).

Như vậy, cụm từ “Nhất tâm đảnh lễ” đến “Đầu diện tiếp túc” và “Quy mạng” v.v… Phật giáo đã khéo léo dung nạp và chọn lọc lễ lạy truyền thống của các nơi để tạo nên nền nghi lễ đặc sắc cho riêng mình. Mỗi vùng miền tuy có khác nhau về ảnh hưởng văn hóa địa phương nhưng không làm mất đi tinh túy của nhà Phật qua ý nghĩa và mục đích của nghi lễ. Điển hình qua cử chỉ chắp tay của giới xuất gia, ý nghĩa bất di dịch và cũng là xuyên suốt, thống nhất cao là “Ấn Phổ Tế”, hay như khi nguyện hương với hai ngón tay trỏ thẳng đứng gìn giữ cây hương, đó cũng gọi là “Ấn Phổ Cúng Dường” vậy.

Đó là chưa nói đến ý nghĩa của động thái Bái sau hai hình thái quan trọng Lễ Lạy, vì lẽ Bái hoàn toàn không có mặt trong nghi lễ Phật giáo. Chủ yếu được thể hiện thường xuyên ở các lễ hội Đình, Miếu hay những nơi quan trường còn thiết đến lễ nghi.

Trong các hình tượng Phật, Bồ tát, chúng ta ít khi thấy vị nào đứng chắp tay, ngoại trừ trong 33 ứng hóa thân của Bồ tát Quán Âm (Viên Quang Quán Âm (hóa thân thứ 4); Liên Ngọc Quán Âm (hóa thân thứ 7) và Hiệp chưởng Quán Âm (hóa thân thứ 29). Nhưng những hình thái đó của Bồ tát hóa thân là để thể hiện công năng cứu độ chúng sanh chứ không phải để thi lễ hay thủ lễ để chào ai.

Trong nền tảng đạo lý Phật giáo, chắp tay là để thể hiện một ý nghĩa tâm nguyện mình muốn thực thi, một biểu hiện tôn trọng, kính ngưỡng cao sâu, chứ không phải chắp tay đứng đó rồi thôi một cách vô hồn. Nhiều người ví von rất hay là Phật giáo là một tôn giáo biết lạy; biết lạy là biết hạ mình và thủ lễ với tất cả tha nhân, chúng sanh, đem mình hòa nhập vào bản thể chân như.

Vì vậy, mai này xin hãy mãi mãi chắp tay chào nhau để thấy mình thường hằng và cũng để thấy sức sống của nền đạo đức Phật giáo lớn lao, rộng khắp đến chừng nào.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 11
    • Số lượt truy cập : 6130230