Thông tin

NGÀY ĐỂ YÊU THƯƠNG, TIN TƯỞNG

 

VU GIA

 


 

Phật tâm là ngọn đuốc soi đường giúp chúng ta không lạc vào bến mê. Năm mới, chúng ta gặp nhiều lời chúc “thân tâm an lạc”, nhưng để được “thân tâm an lạc” không dễ lắm đâu, nếu không chịu khơi dậy Phật tâm, tức là làm cho bản tâm thanh tịnh không vì lợi mình hại người...

Vừa rồi, người bạn gửi cho tôi file ảnh ngài Dalai Lama (Đạt-lai Lạt-ma) kèm theo lời khuyên được dịch sang tiếng Việt: “Trong một năm chỉ có hai ngày là không làm được gì cả.Đó là ngày hôm qua và ngày mai, vì vậy ngày hôm nay chính là ngày để yêu thương, tin tưởng, để làm và để sống”.

Xưa nay, trên bước đường hoằng pháp, các Tăng sĩ thường chuyển ý những lời Phật dạy để “hạ hóa chúng sinh”. Hồi thập niên 20-30 của thế kỷ trước, phong trào chấn hưng Phật giáo nở rộ khắp ba miền Trung - Nam - Bắc Việt Nam, trong đó có việc đào tạo Tăng tài để đưa những lời Phật dạy đến với mọi người một cách dễ hiểu nhất. Đến nay, vẫn còn nhiều Tăng sĩ chuyển kinh Phật ra văn vần cho dễ đọc, dễ nhớ. Do đó, lời của ngài Đạt-lai Lạt-ma vừa dẫn trên cũng là một dạng tương tự như thế.

Kinh Tiểu Bộ 3, đức Phật có dạy: “Đừng tìm về quá khứ/ Đừngtưởng tới tương lai/ Quá khứ đã không còn/ Tương lai thì chưa tới/ Hãy quán chiếu sự sống/ Trong giờ phút hiện tại...”.

Lòng người rộng mở, không ai giống ai

“Hãy quán chiếu sự sống/ Trong giờ phút hiện tại”, theo ngài Đạt-lai Lạt-ma thì “ngày hôm nay chính là ngày để yêu thương,tin tưởng, để làm và để sống”. Muốn có yêu thương phải có tâm từ bi, nếu không có tâm từ bi, những sự gọi là yêu thương phần lớn là giả dối. Trong kinh Tạp A Hàm, đức Phật dạy: “Số người tu tập lòng từ bi ít như hòn đất trong tay. Số người không tu lòng từ bi nhiều như đất của đại địa này. Có người mang 300 chảo cơm bố thí ba lần sáng, trưa, chiều, công đức bố thí này không bằng một phần muôn ức của người rải lòng từ bi đến khắp cả chúng sinh dù chỉ trong khoảng thời gian ngắn như người vắt sữa bò”.

Từ xưa tới nay, trên tinh thần “Thương người như thể thươngthân”, nhân dân ta hay làm việc phúc, nói rộng ra một chút là hạnh bố thí theo quan điểm nhà Phật. Những ngày Xuân về Tết đến, lòng người rộng mở hơn, nên không ít người ngồi chờ trước cổng chùa nhằm mong được sự yêu thương của những người viếng chùa lễ Phật. Nhưng sự thể hiện lòng yêu thương với những người cùng khổ ấy, không ai giống ai.

Trong sách “Bố thí Ba La Mật” (NXB Phương Đông, 2007), thầy Thích Trí Siêu, cho biết: “Tài thí chân chính: là những đồ vật được bố thí không phải do từ trộm cắp hay cướp giật. Nếu ngược lại là tài thí không chân chính.

Ngoài ra, nếu ta bố thí trong những trường hợp sau đây thì phước báo sẽ tăng lên gấp bội:

1. Bố thí đúng lúc. Có nghĩa là bố thí cho: những người đi xa, người từ xa mới đến, người bịnh, người trông coi kẻ bịnh, trong những mùa giá lạnh.

2. Bố thí luôn luôn mà không thấy mệt mỏi hay chán nản.

3. Bố thí tùy theo sở thích của người xin.

4. Bố thí những vật quý giá.

5. Bố thí cho những người làm việc cho Chùa, làm vườn, đào mương...

6. Bố thí cho chư Tăng.

7. Bố thí mà kính trọng người nhận.

8. Bố thí cho những người có đức hạnh.

9. Bố thí tất cả những gì mà mình có”.

Giúp người, người lại giúp cho

Sách “Bố thí Ba La Mật” còn cho biết: “Có hai loại bố thí: Trong sạch và không trong sạch.

1) Thế nào là bố thí không trong sạch?

Đó là bố thí vì: tư lợi, bất kính, chán ghét, yếu hèn, muốn dụ dỗ, sợ chết, muốn chọc tức, ghen tức, ganh đua, kiêu ngạo, cầu danh, tránh né sự nguy hiểm, muốn mê hoặc lòng người,... Tóm lại, bố thí vì một cái tâm xấu xa, không nghĩ đến sự an vui hay lợi ích cho người nhận.

 


 

2) Thế nào là bố thí trong sạch?

Nói một cách giản dị, đó là sự bố thí có tánh cách ngược lại những gì đã tả ở phần trên. Còn có nghĩa là Bố thí mà muốn đem lại lợi ích cho người nhận”.

Và kể câu chuyện về “Sự bố thí toàn vẹn của Họa sĩ Karna(Sùtralamkara)”, như sau:

“Thuở đó, ở làng Puskaravàvati có một người họa sĩ tên là Karna. Vì làm ăn không khá nên anh ta đã từ giã gia đình vợ con, lên đường một mình sang nước lân cận là Taksasila. Nơi đây, anh ta tận tụy làm việc, kết quả là sau mười hai năm, anh ta đã dành dụm được ba chục đồng tiền vàng. Hớn hở, anh ta trở về quê cũ, trên đường về làng nghe thấy một hồi chuông trống báo hiệu sắp có một cuộc hội họp quan trọng của Chư Tăng, thế là anh ta lần mò đến.

Với một đức tin trong sạch anh đi gặp vị Tăng Tri sự (tức vị Tăng phân phối chỉ huy buổi họp) mà hỏi rằng: “Thưa ngài, buổi họp như vậy nếu kéo dài một ngày thì phải cần chi phí bao nhiêu để có thể cúng dường (vật thực) đầy đủ cho chư Tăng?”. Vị Tăng Tri sự trả lời: “Khoảng ba mươi đồng vàng thì đủ cho một ngày”. Nghe vậy xong, anh liền móc túi lấy ra ba mươi đồng vàng đưa hết cho vị Tri sự mà thưa rằng: “Con xin thành tâm, dâng cúng vật thực một ngày cho chư Tăng”. Sau đó, anh ta trở về nhà với hai bàn tay trắng.

Về đến nhà, vợ anh mừng rỡ chạy ra đón và hỏi: “Trong suốt mười hai năm anh đã làm được bao nhiêu tiền?”. Anh ta trả lời: “Được ba mươi đồng vàng”. Vợ anh hỏi tiếp: “Thế ba mươi đồng vàng đâu anh hãy cho xem?”. Anh ta nói: “Tôi đã gieo tất cả vào một ruộng phước (punyaksetra) rồi”. Vợ anh hỏi ruộng phước nào thì anh trả lời: “Tôi đã cúng dường hết cho Giáo đoàn Tăng Già (Sangha)”.

Vừa nghe như vậy xong, người vợ liền nổi giận la hét, mắng chửi và đánh đập anh, rồi lôi kéo anh ra tòa nhờ quan trên xét xử và trừng phạt anh.

Ra đến tòa, quan hỏi có chuyện gì thì vợ anh thưa rằng: “Chồng tôi là một tên khùng nặng! Trong suốt mười hai năm trời đi làm ở nước ngoài, dành dụm được ba mươi đồng vàng. Nhưng về đến đây không biết nghĩ và thương hại đến vợ con, nên chồng tôi đã phung phí, cho người ta hết không còn đồng nào. Chiếu theo pháp luật, tôi lôi anh ta đến đây xin quan trên xét xử”.

Quan tòa hỏi người chồng: “Tại sao anh lại đưa cho người ta hết thay vì đem về đưa cho vợ con?”. Anh trả lời: “Trong những kiếp sống trước của tôi, tôi đã không biết làm các hạnh lành, vì thế nên trong kiếp này tôi phải chịu cảnh nghèo và cực khổ. Nhưng cũng trong kiếp này, tôi có duyên may gặp được một ruộng phước, và nếu tôi không nắm lấy cơ hội gieo vào đó những hạt giống lành, thì chắc chắn trong những kiếp vị lai tôi sẽ phải chịu mãi mãi cảnh nghèo khổ không biết đến bao giờ mới hết. Vì muốn thoát khỏi cảnh nghèo khổ nên ngày hôm nay tôi đã cúng dường hết số vàng của tôi cho đoàn Tăng Già”.

Vị quan tòa này lại là một Ưu bà tắc (Upàsaka), có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, nên sau khi nghe anh họa sĩ trả lời như thế, liền hết lòng tán thán: “Việc làm của anh quả thật là cao thượng, anh đã biết bố thí toàn vẹn cho Giáo đoàn số tiền dành dụm được sau bao năm làm lụng cực khổ. Thật là cao quý, tôi đây thiệt không bằng”. Thế rồi, vị quan tòa liền tháo cái vòng ngọc đang đeo ở cổ đưa tặng anh ta, cùng lúc cho anh ta con ngựa của mình đang cưỡi và một làng nhỏ. Rồi cuối cùng, quan tòa lại nói thêm: “Anh vừa mới hiến tặng cho Giáo đoàn, thì tôi đây cũng xin hiến tặng lại anh, nhưng đó chỉ gọi là một chút quả báo hiện tại, chắc chắn trong những kiếp tới phước đức quả báo của anh sẽ vô lượng”.

Hành động như Karna không dễ chút nào. Tôi nghĩ, trên đời này, khó tìm ra một Karna thứ hai. Phản ứng của vợ Karna cũng không chút nào sai, bởi cô ấy cũng là phàm nhân, chứ chẳng phải thiên thần.

Xử lý chuyện của Karna như vị quan tòa kia cũng chắc không có người thứ hai, dẫu trên cửa miệng dân gian Việt Nam luôn có câu: “Giúp người, người lại giúp cho/ Làm ơn chẳng thiệt đâu mà vội lo”.

Thiện căn ở tại lòng ta

Từ suy nghĩ đến hành động luôn có khoảng cách nhất định. Trên đường học Phật hay chỉ mộ đạo Phật, chúng ta cố gắng đừng làm việc gì để lương tâm cắn rứt, khơi mạch thiện ngày một rộng hơn là đã thấy đời đáng yêu, đáng sống rồi. “Thiện căn ở tại lòngta/ Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”. Với nhà Phật, đó cũng chính là Phật tâm. Phật tâm là ngọn đuốc soi đường giúp chúng ta không lạc vào bến mê.

Năm mới, chúng ta gặp nhiều lời chúc “thân tâm an lạc”, nhưng để được “thân tâm an lạc” không dễ lắm đâu, nếu không chịu khơi dậy Phật tâm, tức là làm cho bản tâm thanh tịnh không vì lợi mình hại người; ngay cả việc trải lòng thương yêu đến mọi người cũng không nên vì một cái tâm xấu xa, không nghĩ đến sự an vui hay lợi ích cho người nhận.

Trong kinh Tăng chi bộ (Anguttara Nikaya), đức Phật dạy rằng: “Tâm không được tu tập thì khó sử dụng. Tâm được tu tập thì dễ sử dụng. Tâm không được tu tập đưa đến bất lợi lớn. Tâm được tu tập đưa đến lợi ích lớn. Tâm không được tu tập, không được làm cho sung mãn, đem lại đau khổ. Tâm được tu tập, được làm cho sung mãn, đem lại an lạc”.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 7)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 6)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 28
    • Số lượt truy cập : 6703990