Thông tin

NGÀY SANH THEO TÍN NGƯỠNG MYANMAR

NGÀY SANH THEO TÍN NGƯỠNG MYANMAR

LIÊN HIẾU

 

Tượng Phật và con vật tượng trưng

Mỗi quốc gia đều có những phong tục, tập quán riêng, các nước phương Tây, phương Đông như Trung Quốc, Việt Nam, v.v. tính ngày sanh căn cứ vào ngày  trong tháng hoặc âm lịch hoặc dương lịch. Người Myanmar không như thế, họ tính ngày sanh dựa vào ngày trong tuần, nên sinh nhật của người Myanmar xảy ra mỗi tuần một lần. Theo tín ngưỡng Myanmar, mỗi ngày trong tuần có một tượng Phật tượng trưng cho ngày đó, đặc biệt thứ tư có 2 tượng Phật: Một tượng cho sáng thứ tư và một cho chiều thứ tư (được gọi là Yar Hu hay Rahu), nên một tuần  chỉ có 7 ngày nhưng có tất cả 8 tượng Phật. Hầu hết các chùa tại Myanmar đều tôn thờ các tượng Phật này. Ai đã từng chiêm bái các chùa tháp tại Myanmar sẽ thấy được tín ngưỡng  này, thấy các tượng Phật với nhiều kiểu dáng khác nhau tượng trưng cho các ngày sanh trong tuần được tôn trí tại đại điện hoặc quanh đại tháp.

Ngoài 8 tượng Phật tượng trưng cho các ngày sanh trong tuần, mỗi ngày sanh còn có một con vật tiêu biểu cho ngày sanh đó. Tuy nhiên, một  số chùa chỉ thờ tượng Phật, một số chùa thờ cả tượng Phật lẫn biểu tượng con vật, phía trên là tượng Phật và phía dưới là con vật tượng trưng cho ngày sanh và chính nhờ hình tượng những con vật  này  mà  du khách có thể biết được tượng Phật đó tượng trưng cho ngày thứ mấy trong tuần, vì có rất ít chùa viết thứ các ngày trên tượng Phật bằng tiếng Anh, hầu hết họ đều viết tiếng Myanmar. Một điều thú vị nữa là những tượng Phật này được đặt đúng phương hướng xung quanh đại tháp chứ không theo thứ tự trong tuần và mỗi một phương hướng theo thiên văn học tượng trưng cho nhật nguyệt và các tinh tú.

Tượng Phật đầu tiên được tôn trí tại hướng Đông Bắc – hướng  mặt trời, tượng trưng cho người sanh vào chủ nhật với hình tượng nửa người nửa chim; tượng Phật cho người sanh vào thứ hai đi kèm với hình tượng con cọp bên dưới được tôn trí ở hướng Đông - hướng của mặt trăng; tượng Phật ngày thứ ba có hình tượng sư tử đặt tại hướng Đông Nam - vị trí của sao Hỏa; hướng Nam - sao Thủy là tượng Phật dành cho người sanh vào sáng thứ tư với biểu tượng con voi có ngà. Đến đây du khách sanh vào chiều thứ tư có thể nghĩ vị trí tiếp theo là tượng Phật tượng trưng cho ngày sanh của mình, nhưng không phải vậy, du khách  sẽ ngạc nhiên vì hướng Tây Nam – sao Thổ là tượng Phật dành cho người sanh vào thứ bảy với hình tượng con rồng; kế đến tượng Phật ở hướng Tây – sao Mộc tượng trưng cho người sanh vào thứ năm với biểu tượng con  chuột (mouse);  hướng Tây Bắc là tượng Phật có chữ Yar Hu (tiếng Myanmar) hay Ra Hu (tiếng Pàlị) (một phong cách riêng trong thuật chiêm tinh  của  người Myanmar), tượng Phật này  dành cho người sanh vào chiều  thứ tư với hình tượng con voi không ngà; cuối cùng là hướng Bắc – sao Kim, tượng Phật tượng trưng cho người sanh vào thứ sáu với hình tượng con chuột lang (guinea-pig).

Các con vật tượng trưng cho ngày sanh và vị trí được tôn thờ quanh đại tháp

Do niềm tin mỗi  tượng Phật tượng trưng  cho một ngày sanh trong tuần nên mỗi khi đến chùa, sau khi đảnh lễ Đức Bổn Sư, người Myanmar sẽ đến trước tượng Phật tượng trưng  cho  ngày sanh  của mình để cầu nguyện,  sau khi cầu nguyện xong, họ sẽ múc nước rưới lên trên tượng Phật và con vật phía dưới. Đây là một hình thức  tẩy tịnh với ước mong những lo âu phiền muộn, những bất  an trong cuộc sống sẽ được dòng nước tẩy trôi tất cả.

Ngày sanh ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân Myanmar, nên không một người Myanmar nào không biết ngày sanh của mình. Dựa vào ngày sanh, người Myanmar quyết định đời sống của mình, dựa vào ngày sanh để chọn vợ gả chồng,  dựa vào ngày sanh để tìm bạn tốt, để tìm đối tác làm ăn, buôn bán, v.v. vì mỗi ngày sanh đều có một ý nghĩa riêng. Người sanh vào thứ hai tâm tánh rất hay thay đổi, lúc này lúc khác; người sanh vào thứ ba có tâm tốt, ân cần và tử tế với mọi người; những  ai sanh vào sáng thứ tư được xem là người có tánh tình nóng nảy, dễ cáu gắt và hay gây gổ với người khác, người sanh vào chiều thứ tư thì hoàn toàn trái ngược, tâm tánh hiền hoà, nhu mì, dễ gần, dễ mến; người sanh vào thứ năm thật thà, lương  thiện, không dối gạt người; người sanh vào thứ sáu thích nói chuyện ba hoa; người sanh vào thứ bảy tánh tình tiếu lâm hơn người khác và người sanh vào chủ nhật tánh tình keo kiệt, bủn xỉn. Người Myanmar xưa đã dựa vào ngày sanh để cắt tóc và gội đầu. Theo họ, điều bất hạnh sẽ xảy ra nếu gội đầu hay cạo tóc (khi xuất gia tu gieo duyên)  vào thứ hai, thứ sáu hay vào ngày sanh của mình, vì thứ hai và thứ sáu là hai ngày xung khắc nhau.

Tượng Phật sáng thứ tư


 

Sau khi cầu nguyện mọi người rưới nước trên tượng Phật và con vật tượng trưng cho ngày sanh của họ

Đối  với  người Myanmar, những ngày sanh trong tuần rất quan trọng nên mọi người đều phải biết kiến thức cơ bản này. Đến chùa ngoài việc cầu nguyện còn là dịp để họ tạo các thiện nghiệp, hoan hỷ với các thiện nghiệp mình đã làm đồng thời cũng hoan hỷ với các phước lành người khác đã tạo. Thế nên, mỗi khi đến chùa người Myanmar tự hiểu rằng họ đang trên con đường thực hành hạnh bố thí, cúng dường, hạnh từ bi với tất cả nhân  loại; họ đang đi trên thánh đạo, đang đi trên con đường đưa đến sự an tịnh và giải thoát cho tự thân và tha nhân.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 38
    • Số lượt truy cập : 6495040