NGÀY TẾT, NGHĨ VỀ TÍN NGƯỠNG DÂN GIAN
TRONG LỄ TỤC PHẬT GIÁO
LƯƠNG THỊ THU
Đạo Phật khi đã du nhập vào Việt Nam, ít nhiều phải hội nhập một phần những loại tín ngưỡng dân gian vào đời sống sinh hoạt thờ cúng của tôn giáo mình.
Ở Việt Nam, những ngày vía trong dân gian từ lâu đã đi vào những ngôi chùa Phật giáo Bắc tông. Mỗi năm có ba ngày Rằm lớn: Rằm tháng Giêng còn gọi là Tết Thượng nguyên, Rằm tháng Bảy còn gọi là Tết Trung nguyên, Rằm tháng Mười còn gọi là Tết Hạ nguyên. Tại sao những ngày Rằm cho đến ngày nay đối với người dân Việt Nam lại mang nhiều giá trị tâm linh, còn đối với Phật tử, những ngày Rằm trên lại là dịp để người con Phật hướng tâm tu tập cúng dường mười phương chư Phật, hồi hướng công đức tu tập cho tổ quốc, đồng bào, tổ tiên ông bà trong đó kết nối truyền thống gia đình trong ý nghĩa tri ân báo ân?
Thứ nhất, ba ngày Rằm lớn đó gắn với pháp hội như Pháp hội Dược sư thất châu, Pháp hội Địa tạng, Pháp hội Thủy quan giải ách mà phần biểu hiện là một quá trình dung hợp lễ tục Phật giáo và phong tục dân gian trên tinh thần Phật pháp tại thế gian. Có những tục vốn là của Đạo giáo trong dân gian, được Phật giáo hóa bằng nghi lễ. Phần lễ đôi khi lấn át phần hội, tạo nên đặc thù riêng có của lễ hội tôn giáo.
Thứ hai, Phật giáo đi đâu cũng dùng nghi lễ, chẳng hạn như ứng phú đạo tràng là dùng nghi lễ, dùng phương tiện đó để xoa dịu những nỗi lo thường nhật của con người. Từ đó, những sứ giả Như Lai có điều kiện tiếp cận với các giới, rồi lan truyền ý nghĩa tôn giáo. Việc làm này, nhà Phật gọi là “tùy duyên hóa độ”. Pháp sự trong lễ hội là mục tiêu cốt lõi, nhằm chuyển hóa con người tăng trưởng thiện lành, giảm đi xấu ác góp phần ổn định trật tự xã hội, hướng về nguồn cội.
Thứ ba, trong kho tàng văn hóa dân gian của mỗi dân tộc luôn có mặt của văn hóa lễ hội. Đó là một loại hình di sản văn hóa phi vật thể phong phú nhất về đời sống tinh thần. Lễ hội của tôn giáo là một thành phần của lễ hội truyền thống, với đặc điểm: Lễ hội Phật giáo gắn liền với pháp hội. Trong đó, “lễ” không chỉ tôn kính chư Phật và Bồ tát… mà “hội” còn là cơ hội, là môi trường, là không gian mọi người quây quần bên nhau thể hiện sự cố kết gắn bó của một cộng đồng dân tộc, cộng đồng tôn giáo có cùng ngưỡng vọng về một đối tượng mà họ suy tôn, tưởng niệm.
Cái điều đáng nói ở đây, môi trường lễ hội, nơi đó, những tín niệm dân gian được biểu hiện hóa qua các nghi thức Phật giáo. Lễ hội đã khúc xạ trong nó những bước đi của lịch sử, những phong tục, nề nếp sinh hoạt của vùng miền và của từng con người nơi ấy một cách tự nhiên. Chính vì vậy, nếu trong dân gian chúng ta thắp một vài nén hương cho ngôi mộ bên đường, ta đặt một lẳng hoa trên đài liệt sĩ, ta có một mâm nhỏ trước nhà cúng cô hồn lang thang trong một vài nghi lễ như vãi gạo, thả giấy vàng bạc, rắc muối… thì nhà chùa cũng lập đàn Thủy quan giải ách, một trong những pháp hội cầu siêu lớn trong năm. Những tập tục dân gian và lễ tục Phật giáo có liên quan đến triết lý sinh tồn của tiền nhân vào buổi đầu mở nước, nay đã thành những vốn liếng văn hóa vùng miền. Vì lễ hội vốn đã mang theo trong nó đặc điểm của văn hóa nghệ thuật địa phương và được thực hiện theo khoa nghi Phật giáo. Lễ hội còn chứa đựng các giá trị thẩm mỹ cao bởi lễ hội chính là không gian cho con người phát huy năng lực sáng tạo nghệ thuật của mình.
Thứ tư, thờ cúng ông bà, tổ tiên là niềm tin cha truyền con nối lắng đọng trong tâm thức và hầu hết các nhà nghiên cứu khi cho đạo Khổng một tính chất gọi là tôn giáo nào đó đều đưa vào đó việc thờ cúng, trong đó có thờ cúng ông bà (không bàn đến việc thờ kính ấy có trước hay sau hay của Khổng Tử). Đây còn là cách nghĩ dân gian ngoài tình cảm mến thương, còn là việc làm thỏa mãn những nhu cầu của người quá cố.
Truyền thống này từ ảnh hưởng giáo lý đạo Phật, thấy rõ hơn là các giáo phái ra đời ở Nam Bộ trong hoàn cảnh nước nhà loạn lạc như Bửu sơn kỳ hương, sau tiếp tục phát triển thành giáo phái Tứ ân hiếu nghĩa là một kết quả của sự tiếp biến tôn giáo. Phật giáo từ nước ngoài du nhập vào đã dung hợp thờ cúng tổ tiên, bởi thờ cúng đã bắt rễ sâu xa trong tâm thức của người dân Việt, nó có một sức sống dồi dào dù nó mang theo nhiều tín niệm khác nhau.
Nhìn vào pháp hội Địa Tạng, chúng ta có thể bắt gặp trong khóa lễ mang ảnh hưởng Nho giáo về tư tưởng, về lễ nghi, âm nhạc của Đức Khổng Phu Tử. Ngài dạy người ta Lục kinh (Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Dịch, Kinh Lễ, Kinh Nhạc, Kinh Xuân Thu) và Lục nghệ (lễ, nhạc, xạ, ngự, thư, số). Lục kinh, cốt nhất là những điều hiếu, đễ, trung, thứ, tu, từ, trị, bình. Hiếu để thờ cha mẹ cho có lòng hiếu thuận, đễ để ở với anh em cho có lòng hòa thuận, trung để thờ vua cho hết lòng, thứ để ở với người cho biết suy bụng ta ra bụng người, tu là sửa cái nết trong mình, tề là đạo tề gia, trị là đạo trị nước, bình là đạo trị thiên hạ. Riêng về lễ tức lễ nghi, nhạc tức âm nhạc. Lễ hội còn có màu sắc của Mật giáo trong các bài chơn ngôn, ấn, quyết, pháp khí... Chúng ta thấy, trong đó ảnh hưởng Phật giáo qua sự dung hòa các tôn giáo khác.
Các lễ hội Phật giáo, một mặt phản ánh hiện thực đời sống tâm linh của xã hội; mặt khác, chúng tôi cho rằng: Lễ hội còn phản ánh một niềm tin. Niềm tin vẫn tồn tại trong đời sống của người Việt như một biện pháp “bảo trọng” cuộc sống, mong được yên lành; vừa như một yếu tố hỗ trợ thêm trong quá trình sản xuất; đồng thời như một phương thức để thực hành và giáo huấn đạo đức, luân lý, hướng con người đến chân, thiện, mỹ. Trước cũng như nay, người Việt muốn thể hiện những ước mong, khát vọng, muốn chia sẻ tâm tình giữa người còn sống và người đã khuất; giữa con người với đấng siêu nhiên bằng ngôn từ thì nó được thể hiện bằng lễ nghi, tục hèm. Nhà văn Sơn Nam, trong công trình “Đình miếu và lễ hội dân gian miền Nam”, cho rằng:
“Trong đời sống bình thường, sinh kế có bận rộn, nhưng thiếu lễ hội, một thứ “xa xí phẩm” thì con người như “hụt chân”, chới với, chẳng biết làm sao giữ được thế quân bình cho tâm thần. Nhưng khi chen chân đến ngôi cổ miếu, hòa nhập trong lễ hội, thả hồn lâng lâng vào thế giới riêng, kiểu “hồn bướm mơ tiên”, ít nhiều thơ mộng, ai nấy như bình đẳng trước số phận không mặc cảm sang hèn, giàu nghèo, ai cũng giữ được tư cách vinh hạnh làm người, lúc thăng lúc trầm, hết bĩ cực đến thái lai, để rồi khi chết,có thế hệ sau nối tiếp. Nên yêu thương nhường nhịn, hễ ơn đức của thần thánh rưới nhuần thì “vạn gia sanh Phật”1.
Các lễ nghi, tập tục trở thành nghệ thuật biểu đạt chẳng hạn như dân tộc ta lấy tiếng trống làm ngôn ngữ chính yếu, tiếng trống phải tròn, ấm “thông thiên triệt địa” xoáy vào lòng đất và vọng lên trời cao, nhằm lay động đánh thức muôn loài. Theo suy nghĩ của chúng tôi, đây là sự kế thừa tiếng trống đồng thời vua Hùng dựng nước hay bằng một hình thức sống động như lễ nhạc, lễ bái, lễ nghi… hội tụ về màu sắc tín ngưỡng của Tam giáo.
Điều này, đối với văn hóa Việt Nam vốn chứa đựng lớp trầm tích văn hóa của một lãnh thổ đa dân tộc, đa tôn giáo thì không thể có một cái gì đó nguyên vẹn xuất xứ. Trong pháp hội có mặt của “lễ” và của “hội”, nội dung giáo nghĩa kinh văn được tuyên bày bằng nhiều khoa nghi khác nhau… Có thể nói lễ hội đã đi vào tâm thức mọi tầng lớp trên nền tảng một triết lý sống. Do vậy, nghi thức lễ bái, cúng kính cho đến ngày nay vẫn còn nằm trong cái thang nhu cầu về tâm linh.
Quả nhiên, trải qua năm tháng, cùng với bước đi của lịch sử dân tộc, Phật giáo Việt Nam đã đồng hành cùng dân tộc kiến tạo cho mình một nền văn hóa Phật giáo và lễ hội chính là nơi hội tụ rõ nét nhất. Từ những lễ hội đã hiện diện trong chùa, chúng ta có thể thấy Phật giáo là khởi nguồn cho vô số lễ hội của Việt Nam mà mỗi một lễ hội đều là một bảo tàng văn hóa dân tộc.
Lễ hội là hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng đặc biệt, bản thân nó là một kho lịch sử khổng lồ, tích tụ vô số những lớp phù sa văn hóa, là bảo tàng sống về sinh hoạt văn hóa, chứa đựng các giá trị tinh thần sâu sắc. Trong lễ hội là kho tàng phong tục tín ngưỡng, là ứng xử của con người với môi trường tự nhiên và môi trường xã hội, là những lớp văn hóa trầm tích và được lưu giữ suốt chiều dài lịch sử.
Lễ hội xuất phát từ tôn giáo tín ngưỡng sẽ thỏa mãn các nhu cầu của con người về đời sống tâm linh, đời sống văn hóa, nó vừa phản ánh hiện thực, vừa thể hiện khát vọng của con người trong cuộc sống. Vì vậy, lễ hội vừa mang ý nghĩa cộng đồng và cộng cảm sâu sắc; vừa mang ý nghĩa dân chủ và nhân bản. Bắt nguồn từ đạo Phật, các lễ hội Phật giáo của Việt Nam thực sự đã làm phong phú cho đời sống văn hóa Việt Nam trong suốt quá trình hình thành và phát triển của văn hóa nước nhà. Hơn lúc nào hết, trong bối cảnh giao lưu văn hóa toàn cầu hiện nay, theo chúng tôi, cần thiết nhìn nhận lại những tập tục nói chung đã có một quá trình lịch sử biến động của nó.
Chúng tôi cho rằng yếu tố dân gian luôn có vai trò tích cực của nó trong lễ hội Phật giáo. Tuy nhiên, trong bối cảnh giao lưu văn hóa toàn cầu nói chung, Phật giáo Việt Nam nói riêng thì sự tiếp biến vẫn tiếp tục diễn ra. Ảnh hưởng này, mang lại hệ quả: mới cũ đan xen, đậm nhạt màu sắc hiện đại hay cổ truyền… Điều này, có khi còn tùy thuộc quan điểm của mỗi chùa trong cách thức tổ chức lễ hội. Về công chúng tín đồ bao giờ cũng xảy ra thái độ tiếp nhận khác nhau. Từ thực tế các lễ hội trong năm của chùa Bắc tông, chúng ta không thể phủ nhận:
Trong tâm hồn của phần lớn người dân Việt đang có những bước khởi sắc tìm về nếp cũ. Biểu hiện từ vật chất đến tâm linh, ngay cả trong ngôi chùa hiện đại đều cố gắng phục dựng không gian làng quê Việt Nam với những vật dụng tre nứa; một loại trang phục truyền thống và đặc biệt thờ tự là sự biểu hiện kính ngưỡng mang màu sắc của sự dung hợp văn hóa thờ Phật với thờ cúng tổ tiên. Bởi con người ngày càng ý thức đúng đắn hơn về giá trị cái “thiêng” trong cuộc sống hiện đại, dù có tôn giáo để tựa nương hay không tôn giáo cũng vậy! Chúng tôi cho rằng: “thiêng” có từ nội tâm kết hợp với không gian, biểu tượng, sự kiện và nhu cầu thỏa mãn tâm linh trong từng hoàn cảnh lịch sử, hoàn cảnh tâm lý cụ thể và được nuôi dưỡng từ niềm tin của cả cộng đồng.
Trong lễ hội Phật giáo, chúng ta đã có những “đặc sản” về nghi lễ, trong đó có sự trao đổi ảnh hưởng qua lại giữa tín ngưỡng Phật giáo và tín ngưỡng dân gian. Trong đó, nhận thức của Phật tử cũng vẫn là: tụng kinh, bái sám, giữ giới, ăn chay, cúng dường, chẩn tế cho người nghèo khó và cô hồn đói lạnh là những việc tạo công đức, cũng là nội dung tu tập, hành trì.
Nhìn chung, về phương diện tổng hòa tri thức dân gian thì lễ tục Phật giáo có một sự dung hợp tôn giáo ngoại sinh, tín ngưỡng bản địa làm nên bản sắc lễ hội Phật giáo Việt Nam. Lễ hội Phật giáo vẫn có sức sống ngày càng mạnh mẽ bởi tính nhân văn của nó vẫn là tính nhân văn của mọi thời đại, có khác nhau là cách thể hiện mà thôi. Nó là sự tái hiện lại những giá trị truyền thống, kết quả của sự tiếp biến lẫn nhau của tín ngưỡng dân gian và Phật giáo. Lễ hội Phật giáo đối với cộng đồng Phật tử, nó trở thành một sinh hoạt Phật giáo trong tu tập; đối với nhân dân, nó là một sinh hoạt cộng đồng, cộng cảm vừa đáp ứng nhu cầu thiết thực đối với người dân, vừa tác động đến đời sống xã hội, trong đó đạo đức Phật giáo thống nhất với đạo đức xã hội. Tính dân gian hóa thân vào các khoa nghi Phật giáo. Điều này cũng nói lên đạo Phật khi đã du nhập vào Việt Nam, ít nhiều phải hội nhập một phần những loại tín ngưỡng đó vào đời sống sinh hoạt thờ cúng của tôn giáo mình.
1. Sơn Nam (2017), Đình miếu và lễ hội dân gian miền Nam, Nxb. Trẻ, tr. 190.
Bình luận bài viết