Thông tin

NGÀY XUÂN NGHĨ VỀ CHUÔNG CHÙA

 

NGUYỄN ĐẠI ĐỒNG

 

Chuông chùa Bảo Lâm, xã Hát môn, huyện Phúc Thọ

 

1. Bài minh trên chuông chùa Bảo Lâm, huyện Phúc Thọ

Cách nay 5 năm, trong chuyến du xuân thăm đồng đội cũ ở huyện Phúc Thọ, Hà Nội tôi có ghé thăm chùa Bảo Lâm ở xã Hát Môn, nơi có bài văn bia hay về chuông chùa mà tôi được đọc trong cuốn Văn bia tỉnh Hà Tây của PGS.TS. Nguyễn Tá Nhí ở Viện Hán Nôm1 Bi ký cho biết: Ngày tốt tháng 3 năm nhuận năm Minh Mệnh thứ 3 (1822). Phan Hoành Hải ở Thanh Oai soạn; Nguyễn Huy Can ở Hát Môn, viết chữ; Nguyễn Tài Lịch ở Đề Cầu đúc chuông và khắc chữ.

Không thấy ghi bằng cấp của người soạn, nhưng qua văn bia đủ thấy tiên sinh Phan Hoành Hải là một người Nho Phật kiêm thông. Ông viết:

“Hôm trước có người hỏi tôi rằng: “Chùa có chuông là cớ làm sao? Đạo Phật lấy cái không làm chủ, thế nhưng tại sao lại dùng nó làm ồn ào lên?”

Tôi nói: “Đạo Phật lấy cái không làm chủ. Thế nhưng có thể không có tiếng, không có mùi, không có hình ảnh được chăng? Cũng có thể không có cái tâm được chăng? Vậy nên, nếu như có cái tâm, thì cái không lập tức thành ngay cái có. Cái tâm quả là không thể có, thế thì cái có lập tức trở thành cái không.

Rõ ràng gió rung phướn động, thế nhưng người giác ngộ đạo Phật lại bảo rằng, ấy bởi cái tâm rung phướn, chứ chẳng phải tại gió. Vậy thì đạo Phật thực quả có cái tâm đấy.

Chùa còn có thể không có, huống hồ quả chuông. Duy có một điều là đạothì dùng khí cụ để biểu hiện, còn tâm thì dùng âm thanh để giác ngộ. Trong nhà của Khổng Tử có đủ cả chuông đồng, khánh đá. Bởi lẽ Ngài muốn giúp cho người học tai nghe thấy được, mắt nhìn tỏ tường, may ra có thể khiến cho cái tâm giác ngộ. Chuông đồng khánh đá đối với đạo cần thiết biết dường nào? Vậy nên chuông là thứ không phải chỉ đạo Phật mới có, mà là người đời đã dùng đến.”

Người hỏi chợt giác ngộ, bèn nói: “thế thì đối với chuông, nếu như có thể không thì hãy để không, nếu như không thể không thì không nên để không”.

Mùa xuân năm Nhâm Ngọ (1822), chùa Bảo Lâm xã Hát Môn đúc xong chuông, có đến xin tôi viết cho bài văn. Tôi bèn dùng lời nói đó làm bài tựa, hơn nữa còn viết cho bài minh rằng:

Quả chuông mất từ lâu

Nay đem đúc lại đó,

Người nghe tiếng chuông này,

Tỉnh mê rồi giác ngộ,

Phúc quả thật vô lường,

Như hằng hà sa số.

2. Chuông đồng có niên đại sớm nhất Việt Nam

Theo báo Dân Trí, ra Chủ nhật, ngày 12 tháng 4 năm 2009: Năm 1986, trong một lần đào mương khai thông hệ thống thủy lợi của thôn, nhân dân làng My Dương, xã Thanh Mai, huyện Thanh Oai thuộc tỉnh Hà Tây cũ đã tìm thấy quả chuông quý giá này. Chuông Thanh Mai nặng 36kg, cao 60cm, đường kính miệng 39cm. Đặc biệt là trên phần thân chuông có khắc một bài minh văn chữ Hán khoảng 1500 chữ, được khắc kín trong 8 ô. Đại ý của bài minh là  chiếc chuông này được nhiều người công đức đúc nên. Danh sách những người công đức có ghi trên thân chuông. Những người này đều là đệ tử của nhà Phật, có chung tâm đức tạo nên chiếc chuông này, họ mong muốn rằng: Khi tiếng chuông vang lên thì được trời, đất, thần, Phật chứng giám cho chúng sinh và tiêu trừ hết khổ nạn. Phật pháp được lưu danh muôn thuở2.

Dựa vào bài minh và danh sách những người có công đức để đúc chuông được ghi trên thân chuông, các nhà Hán Nôm và khảo cổ học đã xác định quả chuông do hội Tuỳ Hỷ của người Hoa và người Việt đúc vào năm Mậu Dần, niên hiệu Trinh Nguyên thứ 14 (năm 798).

Quả chuông được đánh giá có niên đại cổ nhất Việt Nam từ trước tới nay và đã thể hiện đỉnh cao của nghệ thuật đúc đồng dưới thời bấy giờ. Cũng thông qua bài minh, các nhà nghiên cứu cho rằng, thời kỳ xuất hiện quả chuông là thời kỳ Phật giáo khá phát triển trong cộng đồng người Việt và người Hoa trên đất nước Việt Nam. Chỉ tiếc là chuông không ghi rõ được đúc ở chùa nào.

3. Chuông cổ thời Ngô

 

 

Đây là quả chuông được tìm thấy ở văn chỉ thôn Nhật Tảo, xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Quả chuông này khá độc đáo với dáng chuông thon thả, nhỏ nhắn (cao 31cm, đường kính miệng 18,7cm, cân nặng 5,4kg). Đỉnh chuông phẳng, miệng hơi loe vát.

Giống chuông Thanh Mai, trên thân quả chuông này có nhiều đường chỉ đúc nổi và nám tròn nổi. Giữa thân chuông có năm đường chỉ ngang chia thân chuông làm hai phần. Dọc thân chuông, mỗi bên có năm đường chỉ khác chia tiếp thân chuông thành 8 ô (4 ô dưới để trơn, 4 ô trên khắc đầy chữ Hán). Giao điểm giữa các đường chỉ nổi có 4 núm tròn để làm nơi gõ chuông. Xung quanh núm tròn có trang trí 12 cánh hoa tròn nổi. Quai chuông tạo hình động vật uốn cong, tuy nhiên hai con vật này rất khó nhận dạng. Hai con quay đầu về hai phía, phần thân nối liền nhau thành một khối. Ðầu con vật to khỏe, hai mắt lớn hình thoi, hai sừng cong có các khía ngang, bờm đơn giản, thân mập có phủ vảy, chân thon cao. Về mặt bố cục, hình tượng này gần gũi với bố cục trang trí quai chuông Thanh Mai và trang trí trán bia thời Tùy ở Thanh Hóa.

Minh văn trên chuông ghi rõ niên đại và nơi đúc là: Giao Chỉ huyện, Hạ Từ Liêm thôn, thời Càn Hòa lục niên Mậu Thân tuế, tứ nguyệt, nhị thập cửu nhật (thôn Hạ Từ Liêm, huyện Giao Chỉ, ngày 29/4 năm Mậu Thân, niên hiệu Càn Hòa thứ sáu).

Tìm hiểu trong sử liệu các triều đại Việt Nam thì không có niên hiệu Càn Hòa mà niên hiệu Càn Hòa là thuộc về thời vua nước Nam Hán Lưu Thạnh, đóng đô ở Quảng Châu trong thời Ngũ đại thập quốc ở Trung Quốc. Càn Hòa thứ sáu là năm 948. Chính nước này, 10 năm trước đó (938) đã phái quân sang Việt Nam và bị đại bại trên sông Bạch Ðằng.

4. Đại hồng chung chùa Thiên Mụ ở Huế

 

 

Chuông được đúc từ năm 1710 thời chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725) để cúng cho ngôi Quốc Tự, cao 2,5m, đường kính miệng 1,4m nặng hơn 2000kg, hiện đặt tại chùa Thiên Mụ. Trên chuông có khắc bài minh của chúa Nguyễn Phúc Chu “chú nguyện mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an”. Chuông đã trở thành bảo vật của Phật giáo Thuận Hóa, đã được lập hồ sơ để các cấp có thẩm quyền xem xét và đề nghị công nhận là “Bảo vật Quốc gia”.

Chiếc “chuông rung thiên long tam cõi” là vật dùng để thờ phượng hoàng thuộc hàng đại quý hiếm.

 Một số cao tăng qua nghiên cứu sách vở cho rằng, đây đích thị là chiếc “chuông rung thiên long tam cõi” là vật dùng để thờ phượng hoàng thuộc hàng đại quý hiếm.

5. Quả chuông được coi là cực kỳ quý hiếm

 

 

Ngày 27 tháng 6 năm 2012, Cơ quan chức năng tỉnh Phú Yên cho biết: Ông Nguyễn Bông (sinh năm 1964, trú tại huyện Đông Hòa) đang sở hữu một chiếc chuông cổ thuộc hàng quý hiếm. Đó là chiếc chuông có vóc dáng khá nhỏ bằng đồng, chiều cao khoảng 14-16cm, nặng gần 0,5 kg, đường kính lòng chuông khoảng 10cm. Trên thân chuông là 3 vị Phật ngồi khoan thai, nối giữa là những ký tự tượng hình theo tiếng Hán cổ, trên đầu chuông có hình một con rồng in nổi. Chuông có màu nâu đỏ trông rất đẹp mắt.

6. Đại hồng chung lớn nhất Việt Nam

 

 

Cho đến nay, kỷ lục “Đại hồng chung lớn nhất Việt Nam” được xác lập bởi quả chuông đồng nặng 36 tấn, cao 5,5m, đường kính 3,45m là chuông đồng lớn nhất Việt Nam hiện nay, đặt tại chùa Bái Đính, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Đúc 27 tháng 8, năm 2020.

 


1. Bảo tàng Tổng hợp Sở Văn hóa Thông tin Thể thao Hà Tây xuất bản năm 1993.

2. Bản dịch của Viện Hán Nôm. Chuông hiện được trưng bày tại Bảo tàng Hà Nội.

 

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 13
    • Số lượt truy cập : 6130332