Thông tin

NGHỆ THUẬT CÁC BÀI THƠ ĐƯỜNG LUẬT

TRONG TÁC PHẨM NAM HẢI QUÁN ÂM BẢN HẠNH

CỦA THIỀN SƯ CHÂN NGUYÊN

 

THÍCH NỮ NHUẬN MỸ

 


 

Phật giáo Việt Nam luôn đồng hành cùng với dân tộc Việt Nam trong sự nghiệp dựng nước, giữ nước, đánh bạt âm mưu xâm lược, nô dịch văn hóa của thế lực phương Bắc. Tiếp nối tinh thần ấy, thời Lê - Nguyễn thiền sư Chân Nguyên là một trong những danh tăng góp công lớn trong việc phục hưng lại mạch nguồn Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử thời Trần. Tác phẩm Nam Hải Quán Âm bản hạnh của thiền sư cũng góp phần lớn vào công cuộc chống đồng hóa giặc phương bắc, gìn giữ và bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc. Tác phẩm Nam Hải Quán Âm bản hạnh mang nội dung, tư tưởng Phật giáo được thiền sư Chân Nguyên trước tác theo thể loại văn học của dân tộc, cụ thể là thể loại truyện thơ Nôm lục bát có xen lẫn thể thơ Đường luật với mười bài thơ.

Thiền sư Chân Nguyên (1647 - 1726), là ngọn đuốc sáng trong công cuộc khôi phục mạch nguồn Thiền Trúc Lâm Yên Tử của Phật giáo Đại Việt do sơ Tổ Trần Nhân Tông sáng lập. Thiền sư cũng có công đào tạo nên thế hệ đệ tử để tiếp nối sự nghiệp của mình. Vào thời Lê-Nguyễn (cuối TK XVII, đầu TK XVIII), tác phẩm Nam Hải Quán Âm bản hạnh do thiền sư Chân Nguyên trước tác, là một trong số những tác phẩm văn học đi tiên phong trong thể loại truyện thơ Nôm lục bát, mang nhiều giá trị đặc sắc về nội dung, tư tưởng và lịch sử, văn hóa, văn học Đại Việt. Nội dung tác phẩm kể về tích Nam Hải Quán Âm Bồ tát, vốn là công chúa Diệu Thiện muốn tu tập theo Phật pháp. Cô phải vượt qua những cản trở, quan niệm phong kiến “trọng nam khinh nữ” của vua Trang vương và nhẫn nhục tu tập đạt được Bồ đề đạo quả. Tuy rằng cốt truyện mang tính chất hư cấu, nhưng mang giá trị nhân văn sâu sắc về chữ hiếu và đức nhân. Trong đó mười bài thơ Đường luật trong tác phẩm cũng chứa đựng nhiều giá trị nghệ thuật văn chương cổ của dân tộc.

Thi pháp của Trung Quốc và âm luật của ta. Thơ Nôm làm theo phép tắc thơ Trung Quốc mà âm thanh tiếng ta cũng tương tự tiếng Trung Quốc (cũng là thứ tiếng đan âm và cũng chia làm tiếng bằng tiếng trắc)1. Thơ cổ phong và thơ Đường luật. Theo cách làm, thơ chia làm hai thể; 1) Cổ phong là thể thơ có trước đời nhà Đường, không theo niêm luật nhất định. 2) Đường luật hoặc cận thể là thể thơ đặt ra từ đời nhà Đường (618-907) phải theo niêm luật nhất định2. Thơ tứ tuyệt và thơ bát cú. Theo số câu, thơ Đường luật chia làm hai lối: 1) Tứ tuyệt, mỗi bài bốn câu. 2) Bát cú, mỗi bài tám câu. Thuộc thể thơ Đường luật (gồm: ngũ ngôn, thất ngôn, tứ tuyệt, bát cú), thể thơ này khá phổ biến ở Trung Quốc rồi xuất hiện ở nước ta. Thể thơ này có kết cấu niêm luật chặt chẽ.

Mười bài thơ trong tác phẩm Nam Hải Quán Âm bản hạnh của thiền sư Chân Nguyên, thuộc thể loại thơ Đường luật thất ngôn tứ tuyệt có kết cấu, niêm luật chặt chẽ, vần (vần chân, độc vận), gồm 7 chữ, 4 câu làm thành một bài thơ. Về Niêm, Luật, Vần của thể thơ này thì tuân thủ theo đúng quy tắc.

Hài thanh theo mô hình:

Dòng 1: - T - B - T -

Dòng 2: - B - T - B - Vần

Dòng 3: - B - T - B -

Dòng 4: - T - B - T- Vần

Nét đặc sắc về nghệ thuật của thể thơ Đường luật tứ tuyệt, được nhiều người ưa thích, tuy chỉ có 7 chữ, 4 câu ngắn gọn nhưng miêu tả đầy đủ cái đẹp về tâm hồn con người, thiên nhiên, cảnh vật. Nghệ thuật thể thơ Đường luật thể hiện thông qua 10 bài thơ trong tác phẩm Nam Hải Quán Âm bản hạnh của thiền sư Chân Nguyên như sau:

- Bài thứ 1: Nói về việc công chúa Diệu Thiện không muốn nghe theo sự sắp đặt của vua Trang vương, nên bị vua đày ra sau vườn.

“Bất thính chiêu phu ngỗ nhị thân

Hậu hoa viên nội thọ cô linh

Y quan lễ phục đô bác tận

Nhất quỵ phiên thành việt lộ nhân”.

Dịch: Không chịu lấy chồng trái mẹ cha/ Lẻ loi ngày tháng tại vườn hoa/ Đồ sang áo mũ đều lột sạch/ Một ngã thành ra kẻ đi qua (Lê Mạnh Thát dịch).

Bài thơ trên thuộc thể loại thơ Đường luật thất ngôn tứ tuyệt. Nghệ thuật của bài thơ này về kết cấu 7 chữ, 4 câu. Tuy nhiên về niêm, luật, vần thì không tuân thủ theo đúng quy tắc. Tác giả gieo thanh trắc (T) dòng thứ nhất và thứ hai thì đúng quy luật, dòng thứ ba gieo thanh (-B-T-T) thay vì ở câu số 6 gieo vần bằng (B), thì tác giả lại gieo vần trắc (T), dòng thứ bốn thì đúng quy luật. Thông qua bài thơ tứ tuyệt thiền sư Chân Nguyên cho chúng ta nhận định được cái hà khắc của chế độ phong kiến xưa. Chính quan niệm chấp trước của chế độ ấy đã làm nhạt nhòa đi tình cha con mà thay vào đó là sự đối xử thiếu tình thương, thể hiện rõ nét nơi con người vua Trang vương. Từ đó nhân vật Diệu Thiện trong đoạn thơ trở thành “kẻ đi qua”. Để nâng đỡ cho niềm ước vọng trong sáng của Diệu Thiện thì chỉ có Phật pháp.

- Bài thứ 2: Miêu tả tâm trạng mong muốn được xuất gia vào cửa Phật của Diệu Thiện, mặc dù lệnh của vua Trang vương rất nghiêm.

“Câu cấm hoa viên tụng Phật kinh

Phao khai ái dục luyện kim tinh

Thanh phong minh nguyệt vô biên thú

Thánh chỉ tuy nghiêm bất cải tình”.

Dịch: Bắt nhốt vườn hoa tụng Phật kinh/ Mở quăng ái dục luyện tinh thần/ Gió trong trăng sáng ưa khôn xiết/ Vua lệnh tuy nghiêm không đổi tình (Lê Mạnh Thát dịch).

Bài thơ thuộc thể loại thơ Đường luật thất ngôn tứ tuyệt. Nghệ thuật của bài thơ về kết cấu 7 chữ, 4 câu. Về niêm, luật, vần tuân thủ theo đúng quy tắc gieo thanh trắc (T) và thanh bằng (B) của thể thơ thất ngôn tứ tuyệt. Thông qua bài thơ, chúng ta có thể thấy triết lý tu tập được tác giả thiền sư Chân Nguyên biểu lộ ở câu thứ hai, đó là “Mở quăng ái dục luyện tinh thần”, ái dục là đầu mối của đau khổ luân hồi sinh tử nhiều đời nhiều kiếp của chúng sanh. Tu tập là cắt đứt sợi dây ái dục để thân, tâm được thanh tịnh, giải thoát. Câu tiếp theo, tác giả dùng hình ảnh ẩn dụ của thiên nhiên, cảnh vật “vườn hoa, trăng sáng, gió trong”, dụ cho tâm trạng của nhân vật Diệu Thiện. Khi bị vua Trang vương bắt nhốt, bỏ mặc ở vườn sau, nhưng nhân vật lấy đó làm điều kiện để tu tập thăng hoa tinh thần, cảnh vật thiên nhiên đối với Diệu Thiện vẫn đẹp lạ thường, mặc cho lệnh của vua nghiêm ngặt nhưng cô vẫn một lòng tu tập theo Pháp Phật.

- Bài thứ 3: Khi được đến ở chùa Bạch Tước, tâm ý của Diệu Thiện lạy tạ cha mẹ lần cuối để cô gia nhập đời sống thanh đạm, thoát tục.

“Bái biệt song thân khứ nhập thiền

Tẩy tâm địch lự sạ trì diên

Không môn quảng bố tu hành sự

Tiện thị tiêu diêu tự tại tiên”.

Dịch: Lạy tạ hai thân đến ở chùa/ Rửa lòng gột trí khá dây dưa/ Cửa thiền rộng rãi niềm tu tập/ Tự tại tiêu dao tiên ấy vừa3 (Lê Mạnh Thát dịch).

Bài thơ thuộc thể loại thơ Đường luật thất ngôn tứ tuyệt. Nghệ thuật của bài thơ về kết cấu 7 chữ, 4 câu. Về niêm, luật, vần tuân thủ theo đúng quy tắc (gieo thanh trắc (T) và thanh bằng (B) của thể thơ thất ngôn tứ tuyệt. Tác giả thiền sư miêu tả tâm trạng của Diệu Thiện có phần xúc động khi từ biệt cha mẹ để vào chùa Bạch Tước xuất gia tu hành. Lòng của Diệu Thiện “lạy tạ” hai đấng sanh thành, “rửa lòng gột trí khá dây dưa” không khỏi niềm thương xót lo cho cha mẹ, nhưng rồi cô vẫn quyết định đi vào cửa chùa thoát tục và thanh tịnh tu hành, cho đến khi đạt được sự tự tại của sự giác ngộ giải thoát, đó mới là sự chân thật báo đáp công ơn cha mẹ của nhân vật. Thiền sư Chân Nguyên trong bài thơ đã dùng các từ ngữ Phật học như: Cửa thiền, tự tại, nhập thiền, tẩy tâm.

- Bài thứ 4: Tâm trạng của Diệu Thiện khi rời cung đến tu ở chùa Bạch Tước, cô không e ngại sự gian khổ dù núi cao, đường xa.

“Từ phụ phao nương xuất ngoại phương

Tầm tư lễ Phật thật vi cường

Nhược hoàn tham đắc huyền cơ thấu

Bất quản sơn diêu dữ lộ trường”.

Dịch: Rời bỏ mẹ cha đến ở chùa/ Lòng mơ lạy Phật thật say sưa/ Nếu mà lại hiểu huyền cơ ấy/ Đường ngái chẳng sờn với núi xa4 (Lê Mạnh Thát dịch).

Bài thơ thuộc thể loại thơ Đường luật thất ngôn tứ tuyệt. Nghệ thuật của bài thơ về kết cấu 7 chữ, 4 câu. Về niêm, luật, vần tuân thủ theo đúng quy tắc gieo thanh trắc (T) và thanh bằng (B) của thể thơ thất ngôn tứ tuyệt. Bài thơ này tác giả thiền sư Chân Nguyên đặc biệt nhấn mạnh tâm trạng của nhân vật đã từ bỏ mẹ cha đến ở chùa rồi thì cô chỉ một lòng tu tập đi đến mục đích giác ngộ giải thoát. Nên nhân vật không quản sự nhọc nhằn, đường xa cách trở. Tác giả sử dụng những ngôn ngữ thiền học để diễn tả sự tu tập của nhân vật “tham đắc huyền cơ thấu” một cách khéo léo.

- Bài thứ 5: Tấm lòng chân thành của Diệu Thiện trong công phu, công quả cô đều tinh tấn đã cảm ứng được các vị thiện thần theo hộ trì khi cô ở chùa Bạch Tước.

“Nhất điểm chân tâm cách thượng thương

Chư thần lãnh chỉ các bôn mang

Quả ư tác thiện thiên thân quyến

Bạch Tước Như Lai bất khả lường”.

Dịch: Một điểm lòng chân động tới trời/ Các thần vâng lệnh mỗi xong xuôi/ Đúng là làm thiện trời thương xót/ Bạch Tước Như Lai chẳng sánh vời5 (Lê Mạnh Thát dịch).

Bài thơ thuộc thể loại thơ Đường luật thất ngôn tứ tuyệt. Nghệ thuật của bài thơ về kết cấu 7 chữ, 4 câu. Về niêm, luật, vần tuân thủ theo đúng quy tắc gieo thanh trắc (T) và thanh bằng (B) của thể thơ thất ngôn tứ tuyệt. “Một điểm lòng chân động tới trời”: Thiền sư Chân Nguyên trong câu thứ nhất của bài thơ, đã đặc biệt nhấn mạnh về tâm niệm thiện lành của nhân vật Diệu Thiện cảm động đến trời, cảnh giới cao của các vị thần thánh. Từ đó chư thần đã thầm giúp cho cô qua khỏi các nạn khổ do vua Trang vương gây ra. Thiền sư dùng những từ “lòng chân”, “làm thiện” chủ yếu nhấn mạnh về vấn đề tâm niệm thiện lành, việc làm tốt, điều thiện lành là nhân tố chủ yếu của sự tu tập giác ngộ, còn cảm ứng, mầu nhiệm của Phật Pháp thì không thể nào nói hết, diễn tả hết được “Bạch Tước Như Lai bất khả lường”.

- Bài thứ 6: Sự khấn nguyện đến trời Phật về ý chí tu hành dù chết cũng không thay đổi của Diệu Thiện mặc dù vua nổi giận đốt chùa, đem cô xử ở pháp trường.

“Nhất tử bạc mạng khinh thái sơn

Tu hành bất cải nhiệm tồi tàn

Chúc nguyền dĩ hữu thiên thần trợ

Thuyết thậm cung tù huyết nhiễm hoàn”.

Dịch: Một chết mình hèn nhẹ thái sơn/ Tu hành không đổi dầu tồi tàn/ Khấn nguyền đã có trời thầm giúp/ Nói hết tù vua máu nhuốm hòn6 (Lê Mạnh Thát dịch).

Bài thơ thuộc thể loại thơ Đường luật thất ngôn tứ tuyệt. Nghệ thuật của bài thơ này về kết cấu 7 chữ, 4 câu. Tuy nhiên về niêm, luật, vần thì không tuân thủ theo đúng quy tắc gieo thanh trắc (T) và thanh bằng (B) của thể thơ thất ngôn tứ tuyệt. Dòng thứ nhất (-T-T-T-), câu số 4 thay vì là thanh bằng thì lại biến thể thành thanh trắc, ba dòng còn lại thì gieo thanh (B), (T) vẫn đúng với quy tắc. Tác giả thiền sư Chân Nguyên trong bài thơ trên, ngay câu thứ nhất tác giả nêu lên cái cốt yếu của sự tu tập là hướng đến sự giác ngộ giải thoát khổ đau, sanh tử, từ đó coi cái chết nhẹ như sợi lông, phải cao thượng như núi thái sơn. Thể hiện ý nguyện quyết tu tập hướng đến sự thanh tịnh, giải thoát của nhân vật Diệu Thiện bất kể sự sống chết. Tác giả dùng những từ ngữ liên tưởng đến các hình ảnh như: Tử bạc, thái sơn, chúc nguyền, thiên thần, huyết nhiễm hoàn, thể hiện tâm niệm, nguyện ước tu tập lớn lao, sâu sắc của nhân vật Diệu Thiện.

- Bài thứ 7: Lời than trách sự đối xử tàn nhẫn của vua, nhưng ý chí tu hành của công chúa sau khi được chư vị thiện thần xuống cứu giúp sẽ có ngày được thành công.

“Công chúa tu hành nhất mạng khuynh

Phu tâm hà nhẫn táng nhi cung

Khởi tri tác thiện thiên lân niệm

Nam Hải công thành vạn cổ vinh”.

Dịch: Công chúa tu hành dốc một mình/ Lòng cha sao nỡ giết con thân/ Đâu hay làm thiện trời thương xót/ Muôn thuở công thành dội biển Nam7 (Lê Mạnh Thát dịch).

Bài thơ trên thuộc thể loại thơ Đường luật thất ngôn tứ tuyệt. Nghệ thuật của bài thơ về kết cấu 7 chữ, 4 câu. Về niêm, luật, vần tuân thủ theo đúng quy tắc (gieo thanh trắc (T) và thanh bằng (B) của thể thơ thất ngôn tứ tuyệt. Qua bài thơ tác giả thiền sư nêu lên công đức tu hành của nhân vật Diệu Thiện, thể hiện trong việc làm, ý nghĩ lành thiện, được chư thiên ở cõi trời chứng tri. Nhưng cô lại phải chịu bị đem ra pháp trường xử trảm một cách oan ức vì quan niệm phong kiến chấp trước của vua Trang vương đày đọa. Cũng chính tấm lòng chân thật tu tập của cô được chư thiên, thiện thần thương xót, hộ trì cho Diệu Thiện được thành tựu chí nguyện tu hành, Diệu Thiện trở thành Nam Hải Quán Âm Bồ tát. Câu cuối “Nam Hải công thành vạn cổ vinh” tác giả ca ngợi sự thành tựu công đức tu tập của nhân vật Diệu Thiện.

- Bài thứ 8: Miêu tả tâm trạng khi Diệu Thiện du vãng qua các địa ngục, qua sông Nại Hà, cô đã tụng kinh siêu độ cho các chúng sanh nơi địa ngục.

“Du biến âm ty quá Nại Hà

Ngục tù oan trái tận tiêu ma

Mạnh bà đình hạ tương phân thủ

Táp táp tiên phong cố thái hòa”.

Dịch: Chơi khắp âm ty qua Nại Hà/ Sạch không oan nợ ngục tù ra / Dưới đình bà Mạnh chia tay rẽ/ Phất phất gió tiên gõ thái hòa8 (Lê Mạnh Thát dịch).

Bài thơ trên thuộc thể loại thơ Đường luật thất ngôn tứ tuyệt. Nghệ thuật của bài thơ về kết cấu 7 chữ, 4 câu. Về niêm, luật, vần tuân thủ theo đúng quy tắc gieo thanh trắc (T) và thanh bằng (B) của thể thơ thất ngôn tứ tuyệt. Trong bài thơ trên thiền sư Chân Nguyên nhắc đến 2 điển cố thuộc truyền thuyết của Trung Quốc, một là “Nại Hà” là tên con sông ở âm phủ. Vì có ba bến, tội nhân không biết bước xuống bến nào nên có tên Nại Hà, tức là “làm sao”; điển cố thứ hai là “Mạnh bà” là bà họ Mạnh, cũng chỉ cái lầu bà xây. Ở đấy, người ta uống thứ rượu do bà nấu và trở thành lú lẫn không nhớ gì hết9. Và như vậy, thiền sư thông qua bài thơ kể về sự việc Diệu Thiện du vãng Địa ngục, với các điển cố đó cho chúng ta sự nhận định về tâm linh của con người và phát tín tâm, tin kính Phật pháp, tinh tấn tu tập để mau thoát khỏi Địa ngục khổ đau.

- Bài thứ 9: Tiên Phật hóa hiện để cứu giúp bệnh khổ cho vua, từ chối ngôi vua, chỉ hành đúng với thánh đạo xưa nay.

“Ngô nãi tây phương nhất Thế Tôn

Đặc lai cứu nể bệnh trừ căn

Tùng kim chánh đạo vô tà sắc

Mạc sử linh chân nhiễm sắc trần”.

Dịch: Thế Tôn ta chính tự phương Tây/ Riêng đến dứt căn cứu bệnh này/ Chính đạo từ nay không màu quấy/ Linh chân chớ khiến bụi trần vây (Lê Mạnh Thát dịch).

Bài thơ trên thuộc thể loại thơ Đường luật thất ngôn tứ tuyệt. Nghệ thuật của bài thơ về kết cấu 7 chữ, 4 câu. Về niêm, luật, vần tuân thủ theo đúng quy tắc gieo thanh trắc (T) và thanh bằng (B) của thể thơ thất ngôn tứ tuyệt. Với bài thơ này, thiền sư Chân Nguyên dùng các từ Phật học “chánh đạo vô tà sắc”, tác giả cho ta cái nhìn đúng đắn về đạo Phật. Ý của tác giả muốn nói Bồ tát Diệu Thiện đại diện cho Phật pháp, đến để cứu bệnh khổ cho Trang vương. Phật pháp là thanh lương, từ bi, không vì sự tham cầu, nên vị tăng nhân ấy không nhận ngôi vị của vua trao. “Linh chân” ở đây chỉ cho cái tâm chân thật, Phật tánh vốn trong sáng, tác giả thiền sư Chân Nguyên khuyên nên giữ gìn “linh chân”, Phật tánh ấy chớ để bụi trần làm lu mờ.

- Bài thứ 10: Hai lần bố thí tay, mắt làm thuốc cho vua cha của tiên nhân.

“Lưỡng thứ Hương sơn yết đại tiên

Tín tri thân nữ vọng trung huyền

Trực giao quát khởi tầm thường nhãn

Thùy thức thần tăng thử đại tiên”.

Dịch: Hai lượt Hương sơn viếng đại tiên/ Tin hay thân nữ ngóng trông tìm/ Chỉ cần đôi mắt tầm thường ngước/ Ai biết thần tăng ấy đại tiên10 (Lê Mạnh Thát dịch).

Bài thơ trên thuộc thể loại thơ Đường luật thất ngôn tứ tuyệt. Nghệ thuật của bài thơ về kết cấu 7 chữ, 4 câu. Về niêm, luật, vần tuân thủ theo đúng quy tắc gieo thanh trắc (T) và thanh bằng (B) của thể thơ thất ngôn tứ tuyệt. Bài thơ trên tác giả thiền sư Chân Nguyên nhắc đến điển tích núi Hương Sơn, tức núi Hương Tích nơi thờ phụng thánh tích Nam Hải Quán Âm Bồ tát, có ở nước ta. Trong hai câu đầu tác giả nói về việc Trang vương 2 lần vào núi Hương Sơn để xin thuốc của Tiên nhân. Hai câu sau, tác giả thiền sư đã liên hệ sự việc với thực tế, dùng đôi mắt bình thường để nhìn nhận, thì vị tăng nhân tu hành ấy chính là bậc đại tiên dùng thuốc hay để trị hết bệnh cho vua.

Thể loại thơ Đường luật thất ngôn tứ tuyệt, được xen vào thể thơ lục bát trong nội dung tác phẩm Nam Hải Quán Âm bản hạnh của thiền sư Chân Nguyên. Mười bài thơ tứ tuyệt được tác giả viết với ngôn ngữ cô đọng, hàm súc, tinh tế có tác dụng nghệ thuật giúp cho người đọc dễ hiểu, dễ tiếp thu ý nghĩa của nội dung cốt truyện muốn truyền tải. Thông qua mười bài thơ thiền sư Chân Nguyên đã gửi gắm vào đó triết lý Phật pháp biểu hiện qua các tình tiết của cốt truyện, gợi cho người đọc cảm xúc đồng cảm với chí nguyện tu tập của nhân vật Diệu Thiện.

Hơn thế nữa cấu trúc của mười bài thơ Đường luật cũng hoàn thiện về vần, luật, đối, bố cục giới hạn câu chữ, bố cục thi pháp, thanh độ cao thấp, dài ngắn, nặng nhẹ, hài hòa đúng với niêm luật của thể thơ Đường. Qua đó chứng tỏ nét riêng của tiếng Việt sử dụng trong thơ Đường luật đã đi vào đời sống văn hóa tinh thần của người dân Việt, thể hiện nên nghệ thuật văn chương cổ của dân tộc. Lời thơ hài hòa mang đậm phong cách dân gian, góp phần làm phong phú, độc đáo thêm cho nền văn học Phật giáo, văn học Việt Nam. Nhờ vậy nghệ thuật đặc trưng thơ Đường luật trong văn hóa, văn học đại Việt trường tồn theo thời gian. Và như vậy, người dân đã tiếp nhận Nam Hải Quán Âm bản hạnh, sống với nó và đồng hành cùng với nó đi qua những thăng trầm của cuộc đời.

 


1, 2, 3, 4, 5, 6, 7. Dương Quảng Hàm (1969), Việt Nam Văn học sử yếu, Nxb. Bộ giáo dục, Trung tâm học liệu.

8, 9, 10. Lê Mạnh Thát (2018), Toàn tập Chân Nguyên Tuệ Đăng, tập 2, Nxb. Hồng Đức.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 10)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 9)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 34
    • Số lượt truy cập : 6794853