Thông tin

NGHI LỄ LÀ NHỮNG NGUYÊN LÝ HƯỚNG DẪN HÀNH VI

 

LƯƠNG THỊ THU 
Học viên Cao học - Học viện
Phật giáo Việt Nam tại TPHCM

 

Nghi lễ góp phần giúp cho con người không quên nguồn cội, không phủ nhận quá khứ và biết hướng tới tương lai với những điều tốt đẹp hơn.

Tôn giáo nào cũng có nghi lễ, bởi nó là một thiết chế, một quy tắc, một biểu tượng của thực thể tồn tại. Ai không thực hiện nghi lễ của một tôn giáo thì không phải là tín đồ tôn giáo. Trong Phật giáo, Tăng ni đều có luật riêng về nghi lễ. Trong lịch sử Phật giáo Ấn Độ, tôn giả A-nan đã từng nói rằng Thế tôn mất thì trông vào luật. Đó chính là lời dạy của đức Phật. Qua đó, có thể nói, luật, nghi lễ đều là thiết chế. Loại bỏ nó thì tổ chức không tồn tại. Nghi lễ nằm trong thiết chế của Phật giáo là gì? Đó là luật, tăng già, cơ sở thờ tự, giáo dục tôn giáo, nghi lễ,...

Tín ngưỡng truyền thống tuy chưa có một tổ chức quy củ, nhưng khi hòa nhập vào Phật giáo thì có những tập tục dân gian đã được nghi lễ hóa như: lễ Cầu siêu - cúng ông bà, lễ Chẩn tế - cúng cô hồn, Cúng vong - cúng cơm, Đàn thủy lục - vớt vong, lễ Cầu an đầu năm - cúng sao hạn, lễ Sám hối - cúng Sóc vọng, lễ Thượng nguyên - Rằm tháng Giêng, lễ Hạ nguyên - Rằm tháng Tư, lễ Trung nguyên - Rằm tháng Bảy, … và tác giả Thích Đồng Bổn trong công trình nghiên cứu Phong tục dân gian Nam bộ và Phật giáo đã giúp chúng ta thấy được sự trao đổi ảnh hưởng lẫn nhau giữa mảng phong tục tập quán dân gian và Phật giáo1. Cũng thông qua nghi lễ, chúng ta nhận diện bản sắc của văn hóa Nam bộ.

Điều này cũng nói lên, đạo Phật khi đã du nhập vào Việt Nam, ít nhiều phải hội nhập một phần những loại tín ngưỡng đó vào đời sống sinh hoạt thờ cúng của tôn giáo mình. Lễ hội tháng Bảy ở nước ta, theo chúng tôi xu hướng phát triển của sự dung hợp giữa Phật giáo và thờ cúng tổ tiên của người Việt thông qua nghi lễ đã và đang phát triển. Chẳng hạn như đưa người đã khuất lên chùa an vị, giữ gìn hồn cốt. Nghi lễ được thiết lập chung quanh hành vi tôn giáo này. Và khi nghiên cứu mảng này, chúng ta không thể phủ nhận sự góp phần của Ấn giáo, Khổng giáo, Nho giáo, Đạo giáo trong mỗi một hành vi tôn giáo. Đây là những cuốn hút trên con đường đi của Phật giáo. Theo thông lệ từ xưa tới nay, tháng Bảy âm lịch, các chùa Bắc tông đều có ghi tên cầu siêu, cầu an. Một số lượng đáng kể của tín chúng ghi tên cầu cúng ở các chùa Bắc tông minh chứng cho tín ngưỡng của cộng đồng cư dân dưới nghi lễ Phật giáo đã và đang nằm ở thang nhu cầu của phạm trù “linh thiêng”, một loại cảm giác mang lại trong tâm thức con người trong quá trình ứng xử với môi trường tự nhiên đầy bất trắc với một hy vọng được chở che, được cứu giúp bởi đấng siêu nhiên mầu nhiệm của người dân Nam bộ trước kia, và những mối đe dọa thường trực trong cuộc sống của người đương thời. Linh thiêng đã gắn chặt với thế giới tâm linh, linh thiêng có thể được cộng đồng thừa nhận thông qua cảm giác hơn là một quy ước xã hội, thể hiện thành tính đa dạng trong nhận thức của từng cá nhân cụ thể. Nhận thức đa dạng này có mặt trong nghi thức tuyên sớ cầu siêu, cầu an. Trong năm, phần lớn các chùa tổ chức ghi sớ hai lần, tháng Giêng và tháng Bảy. Ngày Rằm tháng Bảy, lưu hành trong dân gian những tên gọi liên quan đến tín ngưỡng thờ cúng âm linh là “Rằm Trung nguyên”, Vía “Địa Quan Đại đế”, “Địa Quan Giải ách” ngày “Địa Quan xá tội”, ngày “Xá tội vong nhân”, “mùa Báo hiếu”, “lễ Vu lan”, có lẽ những tên gọi này cũng khá quen thuộc, liên quan đến tập tục thờ cúng tổ tiên, cúng cô hồn trong dân gian. Nhưng tục cúng cô hồn của dân gian khác với cầu siêu Vu lan bồn trong chùa. Chính nghi lễ đã làm cho hủ tục này trở nên quy củ thông qua các quy trình của lễ hội.

Thông qua các nghi thức cúng bái, cầu nguyện, con người cảm nhận như được chiếu cố, che chở, bảo vệ. Thật ra, về âm linh, âm hồn và thế giới bên kia mãi cho đến thế kỷ XXI vẫn còn là vấn đề thấp thỏm trong tâm trí mọi người. Nghi thức tiến hành trong thời đương đại, tất nhiên, có sự dính dáng đến tín niệm của các tục trong dân gian. Có khoa nghi buổi đầu được hình thành bởi nhu cầu của những vị đế vương. Đất nước có chiến tranh, dù đã thắng lợi nhưng vẫn thấy sinh linh đồ thán như vua A Dục khi lên ngôi cũng đã làm công việc tế anh linh tử sĩ. Không riêng gì Ấn Độ, qua các nước phương Đông các vị vua cũng có sự thương cảm đó! Mặt khác, trong cuộc sống của chúng ta luôn có những nỗi sợ, theo chúng tôi, sự sợ hãi của người đương đại không khác gì người nguyên thủy. Nó đi theo nhân loại mới sinh ra đố kỵ, ganh ghét, đua nhau chiếm đoạt những cái không phải của mình. Nhưng cũng phải nói rõ rằng lý thuyết tôn giáo có nguồn gốc của sự sợ hãi là chưa đúng. Bởi chừng nào có con người thì chừng đó có sự sợ hãi. Từ những nhu cầu có tính chất nhân văn đó mà các tổ biên soạn thành khoa hoàn chỉnh về nghi lễ.

Như chúng ta đã biết, trong dân gian, mỗi quốc gia đều có những “nghi lễ cổ truyền”. Ở Việt Nam, ngoài những nghi lễ có tính cách gia đình như lễ gia tiên, lễ cưới, đối với xã thôn, cộng đồng còn có nghi lễ thờ phượng các bậc anh hùng dân tộc. Bên cạnh đó lại còn có những lễ trên quy mô quốc gia chẳng hạn như Việt Nam dưới thời quân chủ có lễ Nam giao do đích thân nhà vua chủ tế, không ngoài mục đích cầu cho mưa thuận gió hòa, bá tánh an cư lạc nghiệp. Ngày nay ý nghĩa của tế Nam giao được chuyển hóa thành lễ cầu cho quốc thái dân an do hàng trăm, có khi hàng ngàn chư tăng ni vân tập chí tâm cầu nguyện.

Không thể nói đây là chuyện mê tín dị đoan, cứ cầu nguyện van vái thì quốc sẽ thái, dân sẽ an. Chúng ta hiểu rằng, bằng oai lực của chư Phật, chư vị Bồ tát, Tiên hiền Liệt sĩ, bằng tâm nguyện chí thành của chư Tăng ni, qua nghi lễ này, từ chính quyền đến thứ dân, trăm họ sẽ cùng cảm thông, cùng chia sẻ vinh dự, trách nhiệm và đóng góp hết sức mình vào như là một tổng lực của quốc gia để xây đắp sự cường thịnh và thái hòa cho đất nước:

Thái bình nghi nỗ lực,

Vạn cổ thử giang san.

(Thượng Tướng Trần Quang Khải)

Với truyền thống hộ quốc an dân của Phật giáo Việt Nam, ngày xuân các chùa đều tổ chức những lễ hội cầu cho mưa thuận gió hòa, nhân dân an lạc.

Còn tháng Bảy, với truyền thống báo tứ trọng ân của nhà Phật cũng bao hàm khát vọng trên. Trai đàn chẩn tế vào tháng Bảy âm lịch, thì nặng về âm linh hơn. Ảnh hưởng từ trong dân gian, hàng năm, người Việt cúng cô hồn kéo dài một tháng, còn được gọi là “tháng cô hồn” hoặc “mở cửa mả”. Dân gian quan niệm đây là tháng của ma quỷ, đặc biệt là ngày Rằm tháng Bảy là ngày “xá tội vong nhân”, ngày mà Diêm Vương mở cửa Quỷ môn quan để ma quỷ được tự do trở về dương thế, đó cũng chính là ngày “âm khí xung thiên”.

Ở Việt Nam, cúng cô hồn là một tín ngưỡng tâm linh truyền thống của người Việt, được truyền từ đời này sang đời khác. Người Việt cho rằng, con người bao gồm hai phần là hồn và xác. Khi con người mất đi nhưng phần hồn vẫn tồn tại, có người thì được đầu thai kiếp khác hay có người thì bị đày xuống địa ngục, làm quỷ đói quấy nhiễu dương gian. Cho nên, ngoài việc làm cơm cúng gia tiên, cúng chúng sinh ở nhà, mọi người còn lên chùa thắp hương để mong bình an, hạnh phúc.

Mặc dù với đời sống hiện đại, nhiều điều đã không còn phù hợp, thiếu căn cứ khoa học nhưng người Việt cho rằng cúng cô hồn là một hành động nhân đạo, mang tính nhân văn cao cả của con người, thể hiện lòng kính trọng, tôn nghiêm của người còn sống đối với người đã khuất, đề cao việc báo hiếu và làm phúc. Tháng Bảy hội tụ những quan điểm khác nhau trong dân gian, trong Phật học. Dù thế này hay thế khác, cơ bản là những giá trị đóng góp của lễ hội trên nhiều lĩnh vực khác nhau như đạo đức, giáo dục, âm nhạc, lễ nghi cần được nhìn nhận một cách nghiêm túc trong lễ hội Phật giáo.

Phật giáo thay vì thể hiện những ước mong, khát vọng, tâm tư, chia sẻ giữa con người với con người, của con người với đấng suy tôn bằng ngôn từ thì được thực hiện bằng nghi lễ. Nguyễn Quốc Tuấn, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo, cho rằng: “Khi chúng ta thắp một nén nhang bái lễ tổ tiên là ta thực hiện nghi lễ của một tôn giáo. Đó chính là cách bày tỏ cảm xúc rất dân dã, thiêng liêng vì thắp một nén nhang và trò chuyện như lúc tổ tiên còn sống. Lúc này, hành vi, thái độ, cảm xúc đang hướng về tổ tiên. Như vậy là chúng ta đang thực hiện hành vi nghi lễ”. Qua ý kiến này, thì những người đến với lễ hội tháng Bảy âm lịch bằng cảm xúc đó, và trong suy nghĩ, trong tâm tưởng của họ, tổ tiên như cùng có mặt với con cháu vậy.

Nghi lễ Phật giáo trong đời sống tâm linh của người Việt Nam, từ trước đến nay giữ vai trò thiết yếu trong nuôi dưỡng niềm tin và nâng cao chất lượng đạo đức xã hội. Đã từ lâu, Phật giáo tận dụng niềm tin dân gian để hướng người vào đạo đúng với tuyên ngôn “Thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh”. Đồng thời, thông qua nghi lễ, người tu sĩ tạo được mối quan hệ gắn bó giữa đạo và đời, giữa nhà chùa và thôn xóm, giữa người tu hành với quần chúng nhân dân. Qua đó, người đệ tử Phật đã xuất gia làm công việc của Phật là giúp chúng sanh chuyển hóa tâm thức, bỏ ác làm lành sống đời đạo đức và trước hết là đạo đức trong gia đình. Tác giả Minh Chi trong công trình Phật giáo Việt Nam thế kỷ XXI có viết:

Lễ bái ở chùa, lễ cầu siêu, cầu an cần thiết trong chừng mực, nó an ủi tinh thần người chết cũng như người sống, nó nhắc nhủ mọi người dự lễ hãy noi theo lời dạy của Phật làm mọi điều lành, tránh mọi điều dữ … chứ lễ bái đâu có khả năng rửa sạch tội lỗi nếu tâm vẫn còn bất thiện? Phật giáo Việt Nam của thế kỷ XXI phải là Phật giáo của lý trí, không thể dung túng những tập tục mê tín dị đoan có thể là nguồn lợi dưỡng đáng kể và người có trí không thể chấp nhận được2.

Qua trải nghiệm, chúng tôi cũng cho rằng một trong những bước quyết định vào con đường Phật pháp, đó là một sự khởi sự bằng hình thức xúc cảm. Xúc cảm đó có từ những nét đẹp của nghi lễ, bên cạnh một bầu không khí an bình lan tỏa từ những vị tỳ kheo. Nhận thức của chúng tôi là qua nghi lễ cụ thể như thế đã góp phần giúp cho chúng ta cái nhìn về nhân sinh, vũ trụ…

Nhìn chung, nghi lễ có vai trò cực kỳ quan trọng trong tôn giáo nói chung và Phật giáo Việt Nam nói riêng. Ngoài ra, nghi lễ còn giúp cho con người không quên nguồn cội, không phủ nhận quá khứ và biết hướng tới tương lai với những điều tốt đẹp hơn. Do vậy, cũng có thể nói nghi lễ là những nguyên lý hướng dẫn hành vi.

Viết ngày 11/3/2020

 


1. Thích Đồng Bổn (2013), Phong tục dân gian Nam bộ và Phật giáo, Nxb. Hồng Đức, tr. 58, 59, 60.

2. Minh Chi (2005), Phật giáo Việt Nam thế kỷ XXI, Nxb. Hà Nội, tr. 58, 59.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 10)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 9)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 22
    • Số lượt truy cập : 6796071