NGHĨ THÊM VỀ MÊ TÍN
VU GIA
Các yếu tố mê tín đóng một vai trò tâm lý quan trọng, ảnh hưởng đến hạnh phúc tinh thần của con người, và ngày nào cuộc sống còn tồn tại những bất ổn, thì mê tín vẫn còn chi phối đời sống của nhân loại.
Thời gian qua, báo chí phản ánh nhiều về việc mê tín ở xứ ta. Nhiều người cho rằng chỉ vì trình độ dân trí thấp mới như thế. Mới nghe, tôi cũng đồng tình, song ngẫm lại chưa chắc như thế. Ai dám nói những nhân viên kỹ thuật của NASA (Mỹ), những phi hành gia của Nga tri thức kém? Chắc chắn, tri thức những người ấy không kém. Thế mà Tạp chí Kiến thức ngày nay, số 1057, ra ngày 20-12-2019, đăng bài dịch của Nguyễn Văn, nhan đề: Năm truyền thống kỳ lạ, khá vui. Bài dịch này có đoạn: “Mặc dù là những người theo trường phái logic và lý trí, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu và các nhà học thuật chuyên nghiệp khác lại là những người mê tín với rất nhiều truyền thống rắc rối và kỳ quái” (trang 113). Trong bài dịch này có 2 “truyền thống” mà tôi muốn dẫn ra đây để chúng ta cùng tham khảo:
1 - Nhân viên kỹ thuật của NASA ăn đậu phộng để cầu may
Qua nhiều năm, giống như Tư lệnh Shepard trong phim Mass Effect 2, NASA đã thăm dò rất nhiều hành tinh để khám phá những bí ẩn xung quanh chúng. Tuy nhiên, không giống như Tư lệnh Shepard, các nhà trí thức của NASA không ăn mừng bằng một cuộc hẹn hò gợi cảm với một người ngoài hành tinh hấp dẫn, mà là với một nắm đậu phộng!
Truyền thống này bắt đầu từ năm 1964 khi một kỹ thuật viên đãng trí đã mở một cái bình đậu phộng trong phi vụ Ranger 7 (một tàu thăm dò không người lái gửi đến mặt trăng). Như cái tên của nó đã nói lên, Ranger 7 là chiếc tàu thăm dò thứ 7 được đưa lên bề mặt của mặt trăng thăm dò nhưng nó lại vinh dự trở thành chiếc tàu đầu tiên thành công. Các kỹ thuật viên của NASA, đi ngược lại với chính lý luận logic của mình, cho rằng sự thành công này là nhờ đậu phộng và bây giờ họ ăn chúng trước mỗi chuyến bay thăm dò đến lúc hạ cánh để cầu may.
Khi phóng một tên lửa hoặc một chuyến bay thăm dò thành công, họ cũng ăn nhiều đậu phộng.
Cùng với việc ăn đậu phộng thì việc ăn rất nhiều đậu phộng cũng là một truyền thống mỗi lần phóng tên lửa thành công. Truyền thống có từ thập niên 1960 và được các kỹ thuật viên mô tả như là một “cách để xả hơi”. Mục đích là để cho mọi người khắp các phân cấp của NASA ăn cùng nhau, từ đó nâng cao tinh thần của đội.
2- Phi hành đoàn tè khắp bánh xe buýt trước khi đến bệ phóng
Nếu bạn nghĩ rằng NASA mê tín dị đoan, các phi hành gia Nga sẽ còn làm bạn ngạc nhiên hơn nữa. Trước khi rời khỏi quỹ đạo, các phi hành gia Nga phải hoàn thành một danh sách những công việc dường như tầm thường, bao gồm trồng cây, khắc tên mình vào một cánh cửa và tè lên xung quanh các bánh xe buýt chở họ đến bệ phóng.
Các phi hành gia làm điều này để tôn vinh Yuri Gagarin, phi hành gia đầu tiên - người được cho rằng đã làm tất cả những điều này trước khi tự mình bay lên không trung. Truyền thống này được giữ gìn một cách nghiêm túc đến mức các phi hành gia nữ được cho là cũng mang theo nước tiểu của họ để tưới vào lốp xe buýt trước khi cho lên bệ phóng; như vậy, họ cũng có thể tỏ sự kính trọng của mình” (trang 113-114).
Chưa hết! Những năm gần đây, ngày Tết chúng ta thường được nhận hoặc tặng lì xì tờ giấy bạc 2 USD, gọi là “đồng tiền may mắn” (Lucky Money). Có vài ba chuyện kể về “đồng tiền may mắn” này được các phương tiện thông tin đại chúng nhắc tới, nhưng có câu chuyện phổ biến nhất là trong một vụ tai nạn máy bay thảm khốc trên đất Mỹ, tưởng chừng đã cướp đi tất cả sinh mạng của phi công và các hành khách trên chuyến bay, nhưng khi đến hiện trường vụ tai nạn thì người ta đã phát hiện ra một người đàn ông còn sống sót, có thể nói đó là một sự thoát chết diệu kỳ trong lịch sử. Khi tình hình sức khỏe của người đàn ông này dần hồi phục, người ta đã có dịp trò chuyện với ông về vụ việc đã xảy ra. Câu chuyện kể trong nước mắt của ông, khiến người nghe không khỏi cảm động rơi nước mắt, kết thúc câu chuyện người phóng viên có hỏi ông: “Anh có biết vì sao anh thoát nạn không hay có ai đã bảo vệ cho anh vào lúc đó không?”. Người đàn ông trả lời: “Nhân dịp sinh nhật 6 tuổi, mẹ đã tặng tôi một tờ 2 USD 1976. Mẹ nói, mỗi khi con gặp chuyện không may, hãy nhắm mắt vào cầu nguyện, nó sẽ mang lại điều may mắn cho con. Và tôi đã cầm nó lên và cầu nguyện khi tai nạn xảy ra. Lúc tỉnh dậy, tôi thấy mình ở đây”.
Quả đúng như vậy, khi vào hiện trường, người ta phát hiện ra người đàn ông vẫn còn thở trong tay nắm chặt tờ tiền 2 USD năm 1976 do mẹ ông tặng. Câu chuyện về vụ tai nạn không được lan truyền tin tức rộng khắp bởi lẽ nguyên nhân của vụ tai nạn liên quan tới vấn đề chính trị, trong đó nên chỉ được truyền tai nhau, nhất là câu chuyện liên quan tới tờ giấy bạc 2 USD là được quan tâm hơn cả.
Hoặc một số giáo phái ra đời gần đây, thu hút rất nhiều tín đồ mà hầu hết những tín đồ của họ không phải là những người vô học. Khi giáo phái ấy bị vướng tới pháp luật, người đời mới gọi đó là tà giáo. Cụ thể, giáo phái Aum Shinrikyo (Chân lý tối thượng) ở Nhật, do một anh mù tên là Chizuo Matsumoto (sinh năm 1955, tại đảo Kyushu - Tây Nam nước Nhật), bắt đầu thu hút “tín đồ” hồi những năm 1980, tự phong là Giáo chủ Asahara. Theo thông tin của báo chí trong nước và thế giới, ban đầu, Aum chỉ là một trường dạy yoga, sau đó trở thành một tà giáo kỳ quái kết hợp giáo lý nhà Phật với đạo Thiền Hindu và giảng dạy giáo lý Thiên Chúa giáo cũng như tin có ngày tận thế. Giáo phái Aum từng có hơn 10.000 thành viên ở Nhật và từng khoe có 30.000 “tín đồ” ở Nga. Các “tín đồ” có không ít sinh viên tốt nghiệp các trường đại học tốt nhất Nhật Bản, họ tin sẽ sống sót vào ngày tận thế (do Mỹ tấn công hạt nhân) nhờ sản xuất chất độc thần kinh sarin tại trụ sở của giáo phái.
Sau vụ tấn công bằng khí độc thần kinh sarin vào chuyến tàu điện ngầm Tokyo ngày 20-3-1995, giết chết 13 người và làm cho hơn 6.000 người khác bị thương, giáo phái Aum bị cấm hoạt động và Giáo chủ Asahara cùng với 13 thành viên lĩnh án tử hình. Thế nhưng, báo Dân trí, ngày 20-4-2016, có đăng bài: Giáo phái nguy hiểm Aum Shinrikyo tái xuất hiện ở châu Âu. Bài báo cho biết: “Vừa qua, cảnh sát Nga đã tiến hành hàng chục cuộc đột kích vào những cơ sở liên quan đến giáo phái Aum Shinrikyo của Nhật Bản hoạt động ở nước này. 10 người bị bắt giữ và hàng chục người khác bị đưa vào diện điều tra. Những vụ bắt giữ ở Nga cũng như chiến dịch mới đây ở Montenegro, cho thấy Aum Shinrikyo đang xuất hiện trở lại”. Bài báo còn cho biết: “Vào cuối tháng 3-2016, nước Cộng hòa Montenegro (thuộc Liên bang Nam Tư cũ) ở vùng Balkan phải trục xuất 58 người nước ngoài nghi ngờ làm việc cho giáo phái Aum Shinrikyo. Theo Bộ Nội vụ Montenegro, trong số người bị trục xuất có 4 người Nhật Bản, 43 người Nga, 7 người Belarus, 1 người Ukraine và 1 người Uzbekistan”, và riêng ở Nga đã “quy tụ đến 30.000 thành viên”. Tại sao? Khó tìm câu trả lời chính xác!
Báo Thanh niên, ngày 23-9-2014, đăng bài: Kinh hoàng tà giáo tình dục ở Anh. Bài báo này được Danh Toại dịch lại từ tờ The Mirror, về đại thể, Annabelle Forest từng gia nhập một tà giáo tôn thờ tình dục ở Xứ Wales (Anh) và trở thành nô lệ tình dục để gây quỹ cho giáo phái, trong đó có mẹ của cô. Theo tờ The Mirror, Forest bị buộc phải quan hệ với khoảng 1.800 đàn ông vào thời điểm cô bước vào tuổi trưởng thành để gây quỹ cho giáo phái. Khi 17 tuổi, Forest đã có thai với tay giáo chủ Batley. “Ban ngày, tôi là một nữ sinh nhưng về đêm, tôi lại thành một nô lệ tình dục. Việc này diễn ra quá tệ đến mức có lần tôi đã cố kết liễu đời mình”, Forest cay đắng kể về thời kỳ tăm tối nhất của mình. Tuy nhiên, chính tình mẫu tử đã giúp Forest tiếp tục cuộc sống và dũng cảm thoát khỏi nơi đen tối đó khi con gái cô vừa tròn 1 tuổi.
Thủ lĩnh giáo phái Colin Batley (trái) bị bắt, còng tay và bìa cuốn hồi ký
The Devil on The Doorstep: My Escape from a Satanic Sex Cult
(tạm dịch: Quỷ dữ ngay ngưỡng cửa: Cuộc đào thoát khỏi giáo phái tình dục)
của Annabelle Forest - Ảnh: The Mirror
Năm 2011, từ những bằng chứng do Forest và nhiều người khác cung cấp, tòa án ở Xứ Wales đã kết tội Batley cùng 3 người khác, trong đó có mẹ của cô, tội lợi dụng tôn giáo để xâm hại trẻ em, thực hiện hàng loạt vụ lạm dụng tình dục đối với trẻ em. Theo tờ The Mirror, Batley đã bị kết án 22 năm tù giam trong khi bà Marling (mẹ của Forest) lãnh 12 năm tù.
Tại sao? Cũng khó tìm câu trả lời chính xác. Nhưng có những điều chắc chắn, trình độ dân trí ở những nước ấy không thấp.
Trong cuộc sống thường ngày, tôi để ý hiện tượng cùng 2 quán ăn ở gần nhau, cùng một người nấu, chỉ có người chủ khác nhau, tên hiệu khác nhau, người phục vụ khác nhau, cách trang trí khác nhau,… mà có quán đông khách, có quán ế khách. Hiện tượng này có người cho rằng quán đắt khách nhờ cuội đất, hướng nhà... hợp với số mệnh của người chủ, hoặc người chủ ấy có duyên buôn bán, hoặc biết tin vào những kẻ khuất mày khuất mặt… Suy nghĩ như vậy chẳng ảnh hưởng gì đến ai, nhưng cũng có thể gọi là mê tín. Ở góc nhìn lý trí, hiện tượng ấy đã chỉ ra rằng người ta hay tin vào người khác. Ngày nay, trong chiến lược tiếp thị, hiện tượng ấy có tên là “bằng chứng xã hội”, có thể sử dụng thành công trong các tình huống xã hội.
Cũng trong lĩnh vực kinh doanh, chúng ta thấy nhiều hãng hàng không và sân bay thường bỏ hàng ghế thứ 13, bỏ cổng thứ 13. Nhiều tòa nhà cao tầng không có tầng 13, nghĩa là có tầng 12 rồi nhảy tầng 14. Một số bệnh viện, khách sạn cũng không có phòng mang số 13… Phần lớn chúng ta đều biết những niềm tin như thế là phi lý, nhưng nhiều người vẫn tuân theo. Tại sao? Câu trả lời rất đơn giản là tại vì các yếu tố mê tín đóng một vai trò tâm lý quan trọng, ảnh hưởng đến hạnh phúc tinh thần của con người, và ngày nào cuộc sống còn tồn tại những bất ổn, thì mê tín vẫn còn chi phối đời sống của nhân loại.
Với tôi, đã là con người thì bất kỳ sắc tộc nào cũng có những hành vi mê tín. Nguồn gốc mê tín có từ thời kỳ đầu của nhân loại, từ việc bất lực trước những mãnh thú, những thế lực thiên nhiên mà tổ tiên chúng ta không hiểu được và cũng không thể kiểm soát được. Theo thời gian, các hình thức mê tín đã phát triển nhiều, đem lại tâm lý thoải mái khi chúng ta đối mặt với các tình huống bất ổn không thể lường trước được. Nói chung, nhìn ở góc độ nào đó, mê tín đóng vai trò quan trọng làm giảm lo lắng. Nhưng nếu chúng ta mải mê chúi đầu vào những hành vi mê tín thì cái giá phải trả ắt không hề rẻ. Giảm lo lắng để tỉnh táo hơn trong suy nghĩ và hành động trước cuộc sống, chứ không phải phó mặc cho cuộc sống xô đẩy.
Bình luận bài viết