Thông tin

NGHĨ VỀ BIẾT ƠN VÀ TRẢ ƠN

 

VU GIA

 


 

Từ ngày xa xưa ấy, Đức Phật đã xem gia đình là đơn vị cơ bản của hội nhập xã hội và tiếp biến văn hóa. Đặc biệt là mối quan hệ yêu thương, gần gũi giữa cha mẹ và con cái, nuôi dưỡng đạo đức và ý thức trách nhiệm nhân tính cần thiết cho một trật tự xã hội gắn kết. Đức Phật nhấn mạnh lòng hiếu thảo và lòng biết ơn của con cái đối với cha mẹ.

Tiết tháng bảy mưa dầm sùi sụt/ Toát hơi may lạnh buốt xương khô/ Não người thay buổi chiều thu/ Ngàn lau nhuốm bạc lá ngô rụng vàng…” (Nguyễn Du - Văn tế thập loạichúng sinh). Mỗi năm đến tiết tháng bảy này, phần lớn bà con ta từ Nam chí Bắc gọi là “tháng cô hồn” và nhiều người, nhiều xóm làng có “cúng cô hồn”, bởi vì đó là những hạng người đáng thương.

Người xưa cho là số chín là cực, số mười là viên mãn, nên “thập loại chúng sinh” là bao gồm tất cả kiếp người, chứ không chỉ “thập loại”. Đã có không ít người thử đếm và thấy “thập loại chúng sinh” trong bài văn tế nổi tiếng của Nguyễn Du, bao gồm:

1. Những kẻ “tính đường kiêu hãnh” tham danh vọng mà quên mạng sống.

2. Những kẻ giàu sang sống trong “màn loan trướng huệ” tự kiêu, tự mãn về nhan sắc.

3. Những kẻ làm quan to “mũ cao áo rộng” cầm ngọn bút sinh sát trong taỵ.

4. Những tướng sĩ “bài binh bố trận”, “đem mình vào cướp ấn nguyên nhung” phơi thây trăm họ để lấy công cho bản thân mình.

5. Những kẻ bôn ba lìa bỏ quê nhà để mong được giàu sang.

6. Những kẻ “rắp cầu chữ quý”.

7. Những kẻ vào sông ra bể, trong sóng gió hiểm nguỵ.

8. Những kẻ thương buôn đường xa.

9. Những kẻ phải đi lính.

10. Những kẻ sa cơ thất thế rơi vào “buôn nguyệt bán hoa”.

11. Những người hành khất “sống nhờ hàng xứ, chết vùi đường quan”.

12. Những kẻ mắc vòng tù ngục oan khiên.

13. Những kẻ hữu sinh vô dưỡng.

14. Những trẻ sơ sinh mất mẹ cha.

15. Những kẻ chết vì các loại nạn tai: thuỷ, hỏa, ác thú...

16. Những kẻ vô tự (không con cái, thân thuộc).

Thời Nguyễn Du (1766-1820) là thời của tam giáo đồng nguyên (Nho, Phật, Đạo), nhưng Nguyễn Du cũng cho rằng chỉ có dựa vào Phật pháp mới cứu vớt được những hạng người này: “Tiết đầu thulập đàn giải thoát/ Nước tĩnh đàn sái hạt dương chi/ Muôn nhờ đức Phật từ bi/ Giải oan cứu khổ độ về Tây phương”.

Theo kinh Vu Lan của Phật giáo Bắc tông, thì ngày xưa, Mục Kiền Liên đã tu luyện thành công nhiều phép thần thông. Mẹ ông là bà Thanh Đề đã qua đời, ông tưởng nhớ và muốn biết bây giờ mẹ như thế nào nên dùng mắt phép nhìn khắp trời đất để tìm. Thấy mẹ mình, vì gây nhiều nghiệp ác nên phải sanh làm ngạ quỷ, bị đói khát hành hạ khổ sở, ông đã đem cơm xuống tận địa ngục để dâng mẹ. Tuy nhiên, nghiệp ác đã đến lúc phải trả quả thì không ai có thể ngăn cản được, vì vậy khi thức ăn đưa lên miệng đã hóa thành lửa đỏ.

Mục Kiền Liên quay về tìm Phật để hỏi cách cứu mẹ, Phật dạy rằng: “Dù ông thần thông quảng đại đến đâu cũng không đủ sứccứu mẹ ông đâu. Chỉ có một cách nhờ hợp lực của chư tăng khắp mười phương, hồi hướng công đức để tiêu trừ nghiệp ác mới mong giải cứu được. Ngày rằm tháng bảy là ngày thích hợp để cung thỉnh chư tăng, hãy sắm sửa lễ cúng vào ngày đó”.

Làm theo lời Phật, mẹ của Mục Liên đã được giải thoát. Phật cũng dạy rằng: chúng sinh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ cũng theo cách này (Vu-Lan-Bồn Pháp). Từ đó, ngày lễ Vu Lan ra đời và tín đồ Phật giáo gọi mùa Vu Lan là mùa Báo hiếu.

Với chữ Hiếu thì tôn giáo chân chính nào cũng đề cập tới. Với Phật giáo, kinh Tăng chi bộ (Anguttara Nikàya), ghi lời dạy của Đức Phật rất cụ thể về việc tôn kính cha mẹ và trả ơn cha mẹ:

“1- Tôn kính cha mẹ

Những gia đình nào, này các tỳ khưu, các cha mẹ được các con đảnh lễ cúng dường ở trong nhà, những gia đình ấy được xem là cộng trú với Phạm thiên. Những gia đình nào, này các tỳ khưu, các cha mẹ được các con đảnh lễ cúng dường ở trong nhà, những gia đình ấy được xem là cộng trú với bậc đạo sư thời xưa. Những gia đình nào, này các tỳ khưu, các cha mẹ được các con đảnh lễ cúng dường ở trong nhà, những gia đình ấy được xem là cộng trú với chư thiên thời xưa. Những gia đình nào, này các tỳ khưu, các cha mẹ được các con đảnh lễ cúng dường ở trong nhà, những gia đình ấy, này các tỳ khưu, được xem là cộng trú với các bậc thánh.

Phạm thiên, này các tỳ khưu, là đồng nghĩa với cha mẹ. Các bậc đạo sư thời xưa đồng nghĩa với cha mẹ. Chư thiên thời xưa là đồng nghĩa với cha mẹ. Các bậc thánh là đồng nghĩa với cha mẹ.

Vì cớ sao? Vì cha mẹ giúp đỡ rất nhiều cho các con, nuôi dưỡng chúng lớn và dẫn dắt chúng vào cuộc đời này”.

“2- Trả ơn cha mẹ

Có hai hạng người, này các tỳ khưu, ta nói không thể trả ơn được. Thế nào là hai? Mẹ và Cha.

Nếu một bên vai cõng mẹ, nếu một bên vai cõng cha, làm vậy suốt trăm năm, cho đến trăm tuổi; nếu đấm bóp, thoa xức, tắm rửa, xoa gội và dù tại đấy, cha mẹ cho có vãi tiểu tiện đại tiện, như vậy, cũng chưa làm đủ hay trả ơn đủ mẹ và cha. Hơn nữa, nếu có an trí cha mẹ vào quốc độ với tối thượng uy lực, trên quả đất lớn với bảy báu này, như vậy, cũng chưa làm đủ hay trả ơn đủ mẹ và cha. Vì cớ sao? Vì rằng cha mẹ giúp đỡ rất nhiều cho các con, nuôi dưỡng chúng lớn và dẫn dắt chúng vào cuộc đời này.

Nhưng này các tỳ khưu, ai đối với cha mẹ không có lòng tin, người ấy khuyến khích, hướng dẫn, an trú cha mẹ vào lòng tin; đối với cha mẹ theo ác giới, người ấy khuyến khích, hướng dẫn, an trú cha mẹ vào thiện giới; đối với cha mẹ có lòng xan tham, người ấy khuyến khích, hướng dẫn, an trú cha mẹ vào bố thí; đối với cha mẹ theo ác trí tuệ, người ấy khuyến khích, hướng dẫn, an trú cha mẹ vào trí tuệ. Cho đến như vậy, này các tỳ khưu, là làm đủ và trả ơn đủ cha và mẹ”.

Từ ngày xa xưa ấy, Đức Phật đã xem gia đình là đơn vị cơ bản của hội nhập xã hội và tiếp biến văn hóa. Đặc biệt là mối quan hệ yêu thương, gần gũi giữa cha mẹ và con cái, nuôi dưỡng đạo đức và ý thức trách nhiệm nhân tính cần thiết cho một trật tự xã hội gắn kết. Đức Phật nhấn mạnh lòng hiếu thảo và lòng biết ơn của con cái đối với cha mẹ. Nhưng lời dạy của Ngài ngày đó đúng với các nước nông nghiệp truyền thống, ngày nay có khác. Thế giới bây giờ đổi thay nhiều, con cái của nhiều nhà phải đi làm ăn xa, thậm chí ở tận nước ngoài, nên khó thực hiện được vẹn toàn như lời dạy của Đức Phật.

Theo tôi, một khi bản tâm không bị vấy bẩn vì vật chất hay vì cái gì gì đó, luôn hướng về cha mẹ với sự biết ơn và trả ơn thì chữ Hiếu vẫn đong đầy. “Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, nhưng phận làm con cố gắng đừng làm việc gì cho cha mẹ xấu hổ, buồn lòng, đó cũng là báo hiếu; biết hạnh bố thí và thực hành bố thí không chỉ cho “thập loại chúng sinh” mà còn cho những người bất hạnh hơn mình, đó cũng là cách làm vui mình, vui người, trong đó có cha mẹ. Người biết ơn và trả ơn một cách chân thành, đó là người tốt và không thể nào là người bất hiếu. Tôi nghĩ vậy và tin như vậy.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 14)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 167
    • Số lượt truy cập : 7076668