Thông tin

NGHĨ VỀ CHỮ HIẾU THỜI NAY

 

VU GIA

 

 

Chúng ta sống vì tiếng đời hay sống vì tương lai con cái? “Bâng khuâng đứng giữa đôi dòng nước/ Chọn một dòng hay để nước trôi?” (Tố Hữu).

Có hai gia đình thuộc lớp đàn anh của tôi và gia đình nào cũng chỉ có một con nên nuôi con ăn học đến đầu đến đũa, dựng vợ gả chồng đâu vào đấy. Cuộc sống gia đình của mấy cháu không giàu hơn ai, nhưng cũng thuộc vào hàng trung lưu trong xã hội hiện thời. Mấy năm qua, lần lượt hết chồng tới vợ sống đời thực vật. Người thân, bạn bè đến thăm cũng chỉ nhìn “ông một giường”, “bà một giường”, không ai làm chủ được trong việc tiêu, tiểu thì trò chuyện được gì, chỉ thở dài và động viên mấy cháu vài câu gọi là.

Nhà cũng được gọi là thoáng, nhưng bước vào, dường như không ai không nhận ra “mùi bệnh viện”, bởi làm sao hết mùi thuốc kháng sinh, mùi cơ thể người, mùi thuốc sát khuẩn,… Tôi đã gợi ý các cháu đưa cả bố lẫn mẹ vào nhà dưỡng lão có đóng phí. Tiền thuê người nuôi một người (10 triệu đồng/tháng), cộng với tiền hưu của mỗi người, thừa trả cho nhà dưỡng lão. Con cháu thương, thì dăm ba ngày ghé vào thăm một tí; bạn bè cũng thế. Nơi ấy, người ta chăm sóc người bệnh chuyên nghiệp hơn, cần đi cấp cứu cũng dễ và cũng kịp thời hơn.

Hai cháu con hai gia đình tôi quen không biết nhau, không cùng địa phương gốc, thế mà câu trả lời cứ như đọc cùng một sách: “Khổ lắm chú ơi! Bà con nội ngoại đều nhắc phải cố gắng nuôi bố mẹ đến ngày cuối cùng, nếu không tiếng đời sẽ cho rằng chúng con bất hiếu. Bố mẹ nuôi con khôn lớn, khi bố mẹ đau thì con lại đẩy bố mẹ vào nhà dưỡng lão cho rảnh tay rảnh chân. Biết con như thế chẳng thà ngày ấy rặn ra cục phân có ích hơn”.

Chữ Hiếu của Nho giáo/ Khổng giáo

Cả ngàn năm qua, văn hóa tín ngưỡng dân gian bản địa hòa quyện cùng văn hóa Nho giáo/ Khổng giáo, Phật giáo, Lão giáo/Đạo giáo, hình thành nên nền văn hóa Đại Việt và càng ngày, chúng ta tiếp thu có chọn lọc nhiều nền văn hóa khác, làm giàu thêm văn hóa dân tộc. Nho gia Tử Du hỏi về đạo hiếu, Khổng Tử nói: “Ngày nay, thấy ai có thể nuôi dưỡng được cha mẹ, thì người ta gọi là có hiếu. Nhưng đến như giống chó ngựa thì người ta cũng nuôi được vậy. Cho nên nếu không có lòng hiếu kính cha mẹ trong khi nuôi dưỡng, thì nuôi cha mẹ và nuôi chó ngựa có gì khác nhau?1. Hoặc khi Tử Hạ hỏi về đạo hiếu, Khổng Tử nói: “Điều khó nhất là con cái đối với cha mẹ có giữ được vẻ hòa vui mãi mãi hay không. Chứ còn như có việc gì cần làm, con cái làm thay cho cha mẹ, có gì ngon thì mời cha mẹ ăn, đây chắc gì đã là có hiếu?”2.

Á thánh Mạnh Tử cũng viết: “Tay chân chẳng chịu cử động mà làm bất cứ việc gì để chăm sóc nuôi dưỡng cha mẹ khi già yếu, đó là điều bất hiếu thứ nhất. Ham mê cờ bạc rượu chè mà quên mất việc chăm sóc nuôi dưỡng cha mẹ khi gì yếu, đó là điều bất hiếu thứ hai. Chạy theo của cải, chỉ lo cho vợ con mà quên việc chăm sóc nuôi dưỡng cha mẹ, đó là điều bất hiếu thứ ba. Thích đàn hát, hám sắc đẹp mà làm những việc để cha mẹ bị nhục nhã, đó là điều bất hiếu thứ tư. Thích đánh nhau và tranh đấu bạo tợn mà khiến cha mẹ bị tổn thất nguy hại, đó là điều bất hiếu thứ năm3. Mạnh Tử còn viết: “Cái chỗ chí của người con không gì lớn bằng làm cho cha mẹ được tôn trọng, không gì lớn bằng đem cả thiên hạ ra mà phụng dưỡng cha mẹ4, v.v…

Chữ Hiếu của Phật giáo

Với Phật giáo, Kinh Vu Lan Báo Hiếu, Phật chỉ ra những khổ cực của cha mẹ đối với con cái: “Thế Tôn lại bảo A-nan:/ Ơn cha nghĩa mẹ mười phần phải tin/ Điều thứ nhất giữ gìn thai giáo/ Mười tháng trường chu đáo mọi bề/ Thứ hai sanh đẻ gớm ghê/ Chịu đau chịu khổ mỏi mê trăm phần. Điều thứ ba thâm ân nuôi dưỡng/ Cực đến đâu bền vững chẳng lay/ Thứ tư ăn đắng nuốt cay/ Để dành bùi ngọt đủ đầy cho con/ Điều thứ năm lại còn khi ngủ/ Ướt mẹ nằm, khô ráo phần con/ Thứ sáu sú nước nhai cơm/ Miễn con no ấm chẳng nhờm chẳng ghê/ Điều thứ bảy không chê ô uế/ Giặt đồ dơ của trẻ không phiền/ Thứ tám chẳng nỡ chia riêng/ Nếu con đi vắng cha phiền mẹ lo/ Điều thứ chín miễn con sung sướng/ Dầu phải mang nghiệp chướng cũng cam/ Tính sao có lợi thì làm/ Chẳng màng tội lỗi, bị giam bị cầm/ Điều thứ mười chẳng ham trau chuốt/ Dành cho con các cuộc thanh nhàn/ Thương con như ngọc như vàng/ Ơn cha nghĩa mẹ, sánh bằng Thái Sơn5.

Vì khó khăn, khổ cực của đấng sinh thành như thế, nên Phật dạy rằng: “Ân cha nghĩa mẹ nặng nề/ Không phương báo đáp cho vừa sức đâu/ Ví có người ơn sâu dốc trả/ Cõng mẹ cha tất cả hai vai/ Giáp vòng hòn núi Tu-di/ Đến trăm ngàn kiếp ân kia chưa vừa6. Và… “dọa” những ai bất hiếu với cha mẹ: “Trong năm đại tội kể ra/ Bất hiếu thứ nhất, thật là trọng thay/ Sau khi chết bị đày vào ngục/ Ngũ Vô Gián cũng gọi A-tỳ/ Ngục này trong núi Thiết Vi/ Vách phên bằng sắt vây quanh bốn bề/ Trong ngục nầy hằng ngày lửa cháy/ Đốt tội nhơn hết thảy thành than/ Có lò nấu sắt cho tan/ Rót vào trong miệng tội nhơn hành hình/ Một vá đủ cho người thọ khổ/ Lột thịt da đau thấu tâm can/ Lại có chó sắt, rắn gang/ Phun ra khói lửa đốt đoàn tội nhơn/ Ở trong ngục có giường bằng sắt/ Bắt tội nhơn nằm khắp đó xong/ Rồi cho một ngọn lửa hồng/ Nướng quay kẻ tội da phồng thịt thao!/ Móc bằng sắt, thương, đao, gươm, giáo/ Trên không trung đổ tháo như mưa/ Gặp ai chém nấy chẳng chừa/ Làm cho thân thể nát nhừ như tương/ Những hình phạt vô phương kể hết/ Mỗi ngục đều có cách trị riêng/ Như là xe sắt phân thây/ Chim ưng mổ mắt trâu cày lưỡi lê/ Chớ chi đặng chết liền rất đỡ/ Vì nghiệp duyên không hở hành thân/ Ngày đêm sống chết muôn lần/ Đến trăm ngàn kiếp không ngừng một giây7.

Chữ Hiếu của Lão giáo/ Đạo giáo

Lão Tử cũng nói đến chữ Hiếu, nhưng theo ông, “Đạo lớn bị bỏ rồi mới có nhân nghĩa; trí xảo xuất hiện rồi mới có trá ngụy; gia đình (cha mẹ, anh em, vợ chồng) bất hòa rồi mới sinh ra hiếu, từ; nước nhà rối loạn mới có tôi trung8. Nguyễn Hiến Lê cho rằng: “Theo Lão Tử thì loài người bẩm sinh có lòng yêu cha mẹ, yêu con, yêu đồng loại, tôn trọng bề trên, v.v… cũng như loài chim, loài nai chẳng hạn, không loài nào không muôi nấng, che chở con khi con còn nhỏ, không quyến luyến với mẹ, không hợp đoàn, không theo con đầu đàn…; đạo và đức khiến như vậy. Những tình cảm đó hồn nhiên, trong sạch, không suy tính”9.

Bách khoa toàn thư mở cho biết: “Đạo giáo khi vào Việt Nam, hòa quyện với văn hóa tín ngưỡng dân gian đã hình thành một khuynh hướng của những người thật sự không phải là tín đồ đạo Lão nhưng có tư tưởng gần với phái Tiên Đạo hay Đạo giáo Thần Tiên, tức ưa thích đời sống thanh tĩnh nhàn lạc. Đó là những bậc trí thức Nho giáo, sinh không gặp thời, gặp chuyện bất bình nơi chốn quan trường hay các bậc anh hùng đã làm xong phận sự nam nhi đến lúc công thành thân thối lui về ẩn dật, vui thú điền viên cùng với thiên nhiên thi phú, cuộc cờ chén rượu mà theo dòng lịch sử, chẳng hạn như Nguyễn Trãi, Chu Văn An, Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Khuyến, Nguyễn Công Trứ,... với cuộc sống “tri túc, tiện túc, đãi túc, hà thời túc; tri nhàn, tiện nhàn, đãi nhàn, hà thời nhàn” của học thuyết Lão - Trang”10, chứ không thể đi vào đời sống đại đa số quần chúng nhân dân. Vì thế, Đạo giáo nhân gian hay Đạo giáo phù thủy có những nét tương đồng với tín ngưỡng dân gian Việt Nam phụng thờ đa thần, nên dễ hằn sâu vào tâm thức người Việt từ vua quan đến dân chúng. Và trong quảng đại quần chúng nhân dân đều ý thức rằng: “Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra/ Một lòng thờ mẹ, kính cha/ Cho tròn chữ Hiếu mới là đạo con”.

Chữ Hiếu của Ki-tô giáo

Công giáo có mặt tại Việt Nam từ thế kỷ 16 và được thiết lập vững chắc bởi các thừa sai Dòng Tên Bồ Đào Nha và Ý vào đầu thế kỷ 17. Từ đó, văn hóa Ki-tô giáo từng bước hòa quyện với văn hóa Đại Việt như nước với sữa, nhất là đời sống hiếu nghĩa của con cái đối với cha mẹ.

Sách Cựu Ước, cho biết một trong những giới luật nổi bật quan trọng về lòng thảo hiếu đối với mẹ cha là “Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, để được sống lâu trên đất mà ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ngươi, ban cho ngươi” (Xh 20, 12). Sách Cách Ngôn dạy rằng: “Này con, giáo huấn của cha, con hãy nghe, lời dạy của mẹ, con đừng gạt bỏ. Vì những lời ấy sẽ là vòng hoa xinh con đội lên đầu, là vòng kiềng con đeo vào cổ” (Cn 1, 8-9), hay người con hiếu thảo là người con biết tuân giữ lời cha truyền và nghe lời mẹ dạy: “Hỡi con, lệnh cha con truyền, hãy lo tuân giữ, lời mẹ con dạy, chớ bỏ ngoài tai. Những lời truyền dạy đó, con hãy khắc trong tim, con hãy đeo vào cổ, để ghi nhớ đêm ngày. Những lời đó sẽ hướng dẫn con lúc con tới lui, sẽ giữ gìn con khi con nằm xuống, sẽ cùng con chuyện trò khi con thức dậy” (Cn 6, 20-22).

Con người sống theo luật hiếu thảo của Thiên Chúa lại được cụ thể trong lời mời gọi hãy ghi nhớ công ơn cha mẹ, như sách Huấn ca viết: “Cha con, con hãy hết lòng tôn kính, và đừng quên ơn mẹ đã mang nặng đẻ đau. Hãy luôn nhớ công ơn dưỡng dục sinh thành, công ơn ấy, con sẽ lấy chi đáp đền cho cân xứng?” (Hc 7, 27-28).

Trong sách Tân Ước, Đức Giêsu đã ủng hộ và đòi hỏi sống đạo hiếu không chỉ trong lời nói mà phải cụ thể hóa trong hành động sống của mỗi người. Ngài nhắc lại luật hiếu thảo trong Xh 20, 12 và Lv 20, 9: “Bất cứ người nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử. Nó đã nguyền rủa cha mẹ, thì máu nó đổ xuống đầu nó”. Do đó, những kẻ làm con luôn được kêu gọi hãy vâng lời cha mẹ trong mọi sự, vì đó là điều phải đạo, Thánh Phaolô dạy rằng: “Kẻ làm con hãy vâng lời cha mẹ trong mọi sự, vì đó là điều đẹp lòng Chúa” (Cl 3, 20). Đó là giới răn thứ nhất để được sống và sống hạnh phúc trên trần gian này: “Kẻ làm con, hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo. Hãy tôn kính cha mẹ. Đó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa: để ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này” (Ep 6, 1-3).

***

Nhìn chung, chữ Hiếu trong văn hóa phương Đông hay phương Tây đều nhắc nhở con người phải biết ơn đấng sinh thành dưỡng dục. Nhưng để tránh tiếng bất hiếu như hai người con của hai gia đình mà tôi quen biết, quả thật là khó. Mấy cháu nhỏ luôn cần bầu không khí trong lành, giàu dưỡng khí. Người bệnh cũng cần môi trường như thế. Kéo dài chữ Hiếu kiểu này, người bệnh sẽ thêm bệnh, người chưa bệnh sẽ mắc bệnh, nhất là mấy cháu nhỏ. Chúng ta sống vì tiếng đời hay sống vì tương lai con cái? “Bâng khuâng đứng giữa đôi dòng nước/ Chọn một dòng hay để nước trôi?” (Tố Hữu). Nhân mùa Vu lan năm nay, và từ hai câu chuyện có thật ấy, tôi mong những bậc cha mẹ khi còn sống khỏe mạnh, tỉnh táo, hãy tính trước chặng đường cuối cho mình, đừng để lụy con. “Thấu triệt được lẽ đời/ Là tì kheo đích thực”. Kinh Pháp Cú đã dạy như thế.

 


1. Trần Trọng Sâm, Kiều Bách Vũ Thuận (biên dịch), Tứ thư, NXB Quân đội nhân dân, H, 2003, trang 127.

2. Tứ thư, sđd, trang 127-128.

3. Tứ thư, sđd, trang 689.

4. Tứ thư, sđd, trang 710.

5. HT Thích Huệ Đăng (dịch), Kinh Vu Lan Báo Hiếu, NXB Tôn giáo, H, 2017, trang 18-19.

6. Kinh Vu Lan Báo Hiếu, sđd, trang 25.

7. Kinh Vu Lan Báo Hiếu, sđd, trang 28-29.

8. Lão Tử (Nguyễn Hiến Lê dịch), Đạo Đức Kinh, NXB Văn hóa, H, 1994, trang 190.

9. Đạo Đức Kinh, sđd, trang 98.

10. https://vi.wikipedia.org/wiki/Đạo_giáo_Việt_Nam

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 39
    • Số lượt truy cập : 6495184