Thông tin

NGHĨ VỀ ĐẠI HÙNG ĐẠI LỰC ĐẠI TỪ BI

VU GIA

 


 

Qua lịch sử dân tộc, tôi cho rằng từ bi là tốt, nhưng đôi khi quá nhân từ, chính là tàn nhẫn với bản thân mình. Thiện lương cũng phải tùy lúc.

Sau khi đạo Phật vào Việt Nam, từng bước những thuật ngữ nhà Phật đi vào đời sống, như cơ duyên, tùy duyên, duyên khởi, sát na, cõi ta bà, từ bi… Riêng về “từ bi”, đến nay, dân gian vẫn cho rằng từ bi là tấm lòng thiện lương, thương người, thương vật, không ích kỷ, không làm hại người lợi mình, giúp đỡ chúng sinh trong lúc khó khăn, nguy nan… Từ điển Tiếng Việt cũng giải thích: “Từ bi: Có lòng yêu và thương người theo quan niệm của đạo Phật”. Trong dân gian có người gọi “Cửa Thiền” là “Cửa Từ bi”, bóng dáng các sứ giả Như Lai gọi là “bóng từ bi”,… tức là những hình ảnh ấy tượng trưng cho nơi bình yên, không giận hờn, không thù hận, chỉ có lòng yêu thương không phân biệt giàu nghèo, không phân biệt người hay không phải loài người.

Theo Kinh Đại Bảo Tích, từ bi là lòng thương tất cả chúng sanh theo lẽ thường, là kết quả của việc chứng ngộ được tính vô ngã pháp, là quả vị của tất cả những vị Thanh văn, Duyên giác và Bồ tát bước vào địa vị thứ nhất của thập địa, là tấm lòng thương yêu không phân biệt, không điều kiện của một vị Phật.

Chắc từ chỗ “từ bi” này mà nhiều đời ở xứ ta cho rằng đạo Phật là đạo yếm thế, xa rời cuộc sống nhân gian, mặc dù trong Pháp bảo đàn kinh (phẩm Bát nhã) có bài kệ, viết rõ rằng: “Phật pháp tại thế gian/ Bất ly thế gian giác/ Ly thế mích Bồ đề/ Kháp như cầu thố giác/ Chánh kiến danh xuất thế/ Tà kiến danh thế gian/ Tà chánh tận đả khước/ Bồ đề tính uyển nhiên” (Phật pháp nơi thế gian/ Không lìa thế gian giác/ Lìa thế tìm Bồ đề/ Giống như tìm sừng thỏ/ Chánh kiến gọi xuất thế/ Tà kiến là thế gian/ Tà chánh đều dẹp sạch/ Tánh Bồ đề hiện rõ), nhưng dường như ít người để ý.

Đã là Cửa Từ bi, tại sao có Ông Ác?

Những ngày này, chúng ta đến một số chùa, trước khi vào chánh điện, đều thấy có hai vị hộ pháp đứng hai bên. Dân gian gọi hai vị hộ pháp này là Ông Thiện (Vi Đà Bồ tát) và Ông Ác (Tiêu Diện Đại Sĩ, còn gọi là Ông Tiêu - nhiều làng trên đất nước ta có miếu thờ Ông Tiêu). Đã là Cửa Từ bi, tại sao có Ông Ác?

Theo tài liệu công bố xưa nay, cụ thể trên Bách khoa toàn thư mở, thì Tiêu Diện Đại Sĩ là vị Bồ tát chuyên hàng phục quỷ yêu, cứu độ chúng sanh. Đó là hóa thân của ngài Bồ tát Quán Thế Âm, mặt trước là hình tượng mang sắc tướng nữ, rất mực từ bi với dương chi ngọc liễu và bình cam lồ sẵn sàng độ sanh giải nạn.

Mặt sau của hóa thân là hình tướng nam, là một vị thần dáng điệu oai nghiêm, trang phục võ tướng nhiều màu sắc sặc sỡ, tay phải cầm lá cờ, tay trái chống nạnh, gương mặt quái dị hung dữ với 3 cái sừng nhọn trên đầu và trán, hai mắt lồi to trợn ngược dữ tợn, sáng hoắc, cái miệng rộng nhe răng lởm chởm, khạc ra lửa khói, đặc biệt nhất là chiếc lưỡi thè cong dài xuống tới ngực.

Chiếc lưỡi là biểu tượng uy quyền, đặc trưng nhất của Tiêu Diện Đại Sĩ (Ông Ác/ Ông Tiêu). Trong cái thế giới bóng tối dày đặc của ma quỷ, ngài xuất hiện với gương mặt hung dữ, dễ sợ để xua đuổi ma quỷ, ma quỷ tránh né ông bằng cách chạy về phía có ánh sáng, nơi đó ma quỷ sẽ được cứu vớt ra khỏi ác đạo.

Thì ra là thế! Có ánh sáng ắt có bóng tối. Có người tốt ắt có kẻ xấu. Có người hiền ắt có kẻ dữ… Nếu không có ánh sáng và bóng tối thì không có thế gian này. Mọi người đều tốt, đều thánh hiền thì không có tôn giáo, chẳng có luật pháp làm chi. Đạo Phật lấy từ bi làm cốt lõi, nhưng cũng không ngại diệt ác để cuộc sống được tốt đẹp hơn. Ông Ác chính là biểu tượng sự nhập thế của đạo Phật, và những người con Phật đều ý thức được nếu “Lìa thế tìm Bồ đề/ Giống như tìm sừng thỏ”. Các cuộc kháng chiến chống xâm lược, giành độc lập tự do cho dân tộc của chúng ta qua hàng ngàn năm lịch sử đã chứng minh sự nhập thế ấy.

Qua lịch sử dân tộc, tôi cho rằng từ bi là tốt, nhưng đôi khi quá nhân từ, chính là tàn nhẫn với bản thân mình. Thiện lương cũng phải tùy lúc.

Hạnh nguyện của Bồ tát Đại Thế Chí

Đại Thế Chí Bồ tát còn được gọi là Đắc Đại Thế Bồ tát, Đại Tinh Tấn Bồ tát, Vô Biên Quang Bồ tát, Linh Cát Bồ tát,… Ngài có hạnh nguyện đại hùng đại lực đại từ bi, dùng hạnh nguyện này để trụ trong Ta bà thế giới, điều phục và tiếp độ chúng sanh cang cường. Ngài thường dùng ánh sáng trí tuệ chiếu khắp mọi loài, giúp chúng sanh mười phương thế giới thoát khổ đau, thành tựu đạo quả Bồ đề. Qua đây, chúng ta thấy hạnh nguyện của Đại Thế Chí Bồ tát là muốn có “đại từ bi” thì trước tiên phải có “đại hùng đại lực”. Không có “đại hùng đại lực” thì khó mà nói đến và đạt đến “đại từ bi”, nếu có cũng chỉ là lời nói vui mà thôi.

Thực tế cuộc sống, nhất là qua các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc ta, tôi thấy chỉ làm cho người ta sợ, rồi mới rao giảng đạo lý, công bằng được. Chỉ có kẻ yếu mới yêu cầu công bằng, nhưng thường không biết công bằng chân chính không nằm trên người kẻ yếu. Nếu ông cha chúng ta không ở “Cửa Hàm Tử bắt sống Toa Đô/ Sông Bạch Đằng giết tươi Ô Mã” (Bình Ngô đại cáo), thì dân tộc ta khó tồn tại dưới vó ngựa xâm lăng của bọn giặc phương Bắc. Nếu ông cha chúng ta không đánh cho bọn giặc xâm lược quay mòng mòng không còn biết đâu Đông Tây Nam Bắc, thì làm sao có thể khiến “Tướng giặc bị cầm tù, như hổ đói vẫy đuôi xin cứu mạng” (Bình Ngô đại cáo). Và dân tộc ta không phải là dân tộc hiếu sát mà là dân tộc hiếu sinh, mở lòng từ bi tha tội chết cho bọn giặc xâm lược. Chính vì biết dân tộc ta có đại hùng đại lực, nên dù được tha chết, được cấp phương tiện cho bọn giặc về đoàn tụ gia đình, mà “Mã Kỳ, Phương Chính, cấp cho năm trăm chiếc thuyền, ra đến biển mà vẫn hồn bay phách lạc/ Vương Thông, Mã Anh, phát cho vài nghìn cỗ ngựa, về đến nước mà vẫn tim đập chân run” (Bình Ngô đại cáo). Nếu chúng ta không có “Thắng trận tin vui khắp nước nhà” (Thơ chúc Xuân 1968 của Hồ Chí Minh), thì làm sao tạo nên bước ngoặt đưa tới bàn đàm phán về Hội nghị Paris. Pháp nạn 1963 kết thúc thắng lợi đem đến đại từ bi cũng chính nhờ Phật giáo đồ có đại hùng đại lực…

Có câu thỏ nóng giận còn có thể cắn người, chó gấp còn có thể nhảy tường. Có số việc giải quyết giống như đánh chó, nếu phản ứng nhẹ, chó sẽ chạy theo mà cắn, cho nên chỉ có thể đánh cho ra đánh, dồn toàn lực mà đánh, chúng mới sợ mà chạy, lần sau thấy mình chỉ có cúi đầu đi đường vòng, không dám liều mạng, thậm chí một tiếng gầm gừ cũng không dám thốt ra khỏi cổ họng.

Lui bước, nhường nhịn chỉ có thể làm cho người ta dâng lên lòng tham không đáy, làm cho bản thân mình bị tổn thương ngày một nhiều hơn. Tuy nói việc nhỏ không nhẫn khó thành đại sự, nhưng ngay cả mặt mũi cũng bị mất thì cho dù mưu lớn tới đâu cũng có tì vết. Chỉ có tự thân cường đại mới thật sự cường đại, bất kỳ bảo hộ nào cũng đều chỉ là tạm thời.

Dẫu biết không ai không có phần nhân nghĩa đạo đức trong người, phần này nhà Phật gọi là Phật tâm, Phật tánh; nếu không có đạo đức, nhân nghĩa khác nào súc sinh, nhưng phải biết thể hiện đúng lúc mới có tác dụng, ngược lại không chỉ phản tác dụng mà còn hại mình. Mọi sinh linh hầu như đều thế cả, vào lúc cùng đường mạt lộ ban cho chút ân huệ, hoặc tương trợ người trong hiểm cảnh một chút ân đức đều như phụ mẫu tái sinh. Nhưng đối mặt với phụ mẫu ban cho mình sinh mạng thì cảm kích trong lòng sợ rằng còn không nhiều bằng chút ân huệ mà người khác ban cho. Loại tình huống này, thời nào cũng thường thấy nhất.

Viết tới đây, tôi bỗng rùng mình. Tam độc sao cứ níu lấy tôi. Đọc sách Phật lâu nay, tôi hiểu được rằng diệt được ngu si, tà kiến là niết bàn; tham dục tiêu hết, sân si tiêu hết cũng là niết bàn. Nhưng tâm tôi cứ rục rịch chuyện đời như thế nên niết bàn cứ xa vời vợi. Thế mới biết phàm nhân như tôi không biết tới kiếp nào mới nhìn thấy đạo quả. Thôi thì tu được chút nào hay chút nấy vậy.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 10)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 9)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 26
    • Số lượt truy cập : 6795752