Thông tin

NGHĨ VỀ “ĐỊA TẠNG MẬT NGHĨA” CỦA CƯ SĨ CHÁNH TRÍ

 

VU GIA

 


 

Năm nay đã qua nửa thế kỷ (1973-2024), cụ Chánh Trí Mai Thọ Truyền giã từ cõi Ta bà, nhưng những gì cụ để lại cho đời đã giúp ích không nhỏ cho người đọc, nhất là những người học Phật.

Các chùa Phật giáo Bắc Tông đều có thờ Địa Tạng Vương Bồ tát. Trong văn hóa Á Đông, Ngài thường được xem như là vị Bồ tát của chúng sinh dưới địa ngục, là giáo chủ của cõi U minh. Những người thường đi chùa, hoặc tham dự các tang lễ theo khoa nghi Phật giáo, ít ra cũng được tụng hoặc nghe kinh Địa Tạng.

Địa ngục và kinh Địa Tạng

Có trời có đất, thì có thiên đàng, địa ngục. Hầu hết nhân loại đều có suy nghĩ như thế, chứ không riêng gì người Việt Nam, thậm chí không riêng gì tôn giáo nào. Bách khoa toàn thư mở, cho biết “Địa ngục (chữ Hán: 地 獄, nghĩa: “lao ngục trong lòng đất”), cũng gọi là Hỏa ngục (chữ Hán: 火 獄, nghĩa: “lao ngục lửa”) là một địa danh siêu nhiên được nhắc đến trong nhiều nền văn minh và tôn giáo. Theo đó, đây là nơi đến của các linh hồn sau khi chết. Phần lớn các tôn giáo đều cho rằng địa ngục là nơi giam giữ và trừng phạt các linh hồn tội lỗi, ngược với Thiên đàng. Người ta tin rằng khi lìa đời, chỉ có thể xác bị hủy hoại, linh hồn sẽ được lên thiên đàng hay xuống địa ngục, hoặc đầu thai sang kiếp khác (làm súc vật hoặc làm người) tùy theo việc lúc còn sống ở thiện hay ở ác.

Theo kho tàng văn hóa dân gian: Thập Điện Diêm Vương là 10 vua cai quản cõi âm, nơi sẽ trừng phạt kẻ có tội. Trong điện có gương Nghiệp kính đài. Tất cả những hành vi của người chết lúc còn tại thế sẽ hiện ra trong gương. Chiếu theo bản án của Diêm Vương ghi chép, linh hồn có tội sẽ bị quỷ sứ điệu đi thụ hình tại các ngục. Tổng cộng có 8 cửa ngục lớn, và 128 cửa ngục nhỏ. Mỗi cửa ngục lại có kiểu trừng phạt riêng: mổ bụng, moi tim, đun trong vạc dầu sôi, chặt tay, chặt chân, cưa người,... Kiểu nào cũng đáng sợ và đau khổ ghê gớm. Ngoài ra Diêm Vương còn có Bổ Kinh Sở để phạt các sư sãi tụng kinh không đủ, phải vào đó tụng bù.

Điện Diêm Vương thứ 10 (Thập Điện Chuyển Luân Vương) cai quản việc chuyển kiếp đầu thai. Tại điện này có cầu Nại Hà bắc qua sông Vong Xuyên hình cầu vồng, rất trơn. Ven sông Vong Xuyên, có một tảng đá, gọi là Tam Sinh Thạch. Những kẻ giết người, gian ác phải leo qua cầu, dưới sông đầy thuồng luồng, cá sấu; hai đầu cầu lại lại có bầy chó ngao sẵn sàng cắn xé. Những linh hồn được đi đầu thai trở lại làm người đều phải qua Vong Đài (đài quên), uống canh Quên Lãng của Mạnh Bà để quên hết chuyện kiếp trước. Canh Mạnh Bà khiến người quên đi hết thảy, Tam Sinh Thạch ghi lại kiếp trước kiếp này của con người”1.

Kinh Cựu ước có ghi: “Những gì trong tầm tay, bạn hãy ra sức làm; vì dưới âm ty, nơi bạn đang đi tới, không còn hoạt động, không còn dự tính, chẳng còn hiểu biết, chẳng còn khôn ngoan” (Giảng viên 9:10). Kinh Tân ước có ghi: “Nếu mắt bạn làm cớ cho bạn sa ngã, thì móc nó đi; thà chột mắt mà được vào Nước Trời còn hơn là có đủ hai mắt mà bị ném vào hỏa ngục” (Mác-cô 9:47).

“Trong Thập Bát Nê Lê Kinh, địa ngục hay còn gọi là Naraka. Đây là khái niệm về địa ngục của đạo Phật, đạo Jaina, đạo Sikh, đạo Hindu. Trong một số nơi còn được dùng cho Hồi giáo. Naraka được chia thành 18 tầng gọi là Quang Tựu Cư, Cư Hư Thối Lược, Tang Cư Đô, Lâu, Phòng Tốt, Thảo Ô Ti Thứ, Đô Lư Nan Đán, Bất Lư Bán Hô, Ô Cảnh Đô, Nê Lư Đô, Ô Lược, Ô Mãn, Ô Tịch, Ô Hô, Tu Kiện Cư, Vị Đô Can Trực Hô, Khu Thông Đồ, Trần Mạc. Mỗi tầng đều có những hình phạt khác nhau tùy theo những tội lỗi đã làm khi đang ở trần gian”2.

Theo quan niệm nhà Phật, khi người thân sắp mất, chúng ta có thể niệm danh hiệu Địa Tạng Bồ tát hoặc tụng kinh Địa Tạng, làm nhiều việc thiện cho người đó. Trong giai đoạn 49 ngày sau khi mất, việc tụng kinh Địa Tạng cho vong linh quá cố có thể giúp họ được siêu thoát.

Bồ tát Địa Tạng và một số thắc mắc

Có người bạn nói với tôi, Phật giáo không giống như các tôn giáo khác. Vai trò và quyền hạn của phụ nữ được quan tâm một cách thích đáng. Việc thành lập Ni đoàn tại Vashali, Đức Phật đã nói lên quyền bình đẳng giới trong Phật giáo. Đây được xem là cuộc cách mạng bình đẳng giới đầu tiên trong lịch sử loài người, đã mở ra cơ hội tiến thân của nữ giới trên con đường thực tập tâm linh cũng như các mối quan hệ khác trong xã hội. Nhưng không hiểu tại sao phần lớn tôn tượng ở các chùa là nam, ngay cả giáo chủ cõi U minh với những đại nguyện đáng kính như thế cũng là nam. Những đại nguyện ấy dành cho người mẹ thì tốt hơn, hợp với bản tính nữ hơn.

Khẩu thiệt vô bằng, tôi dẫn anh vào quầy Ấn tống Hoa Sen của Chùa Phật học Xá Lợi, lấy tặng anh cuốn kinh Địa Tạng Bổn Nguyện, đề nghị anh chịu khó đọc chừng vài ba chục trang sẽ hiểu cơ bản, bởi trong phần “Trưởng giả tử phát nguyện” có đoạn: “Này Văn-Thù Sư-Lợi! Trưởng-Giả tử nghe xong liền phát nguyện rằng: ‘Từ nay đến tột số chẳng thể kể xiết ở đời sau, tôi vì những chúng sanh tội khổ trong sáu đường mà giảng bày nhiều phương tiện làm cho chúng nó được giải thoát hết cả, rồi tự thân tôi mới chứng thành Phật Đạo’”3. Cuối phần “Bà La Môn nữ cứu mẹ” có viết: “Đức Phật bảo Ngài Văn Thù Sư Lợi rằng: ‘Quỷ Vương Vô Độc trước đó nay chính ông Tài Thủ Bồ tát. Còn Thánh Nữ Bà La Môn đó nay là Địa Tạng Bồ tát vậy’”4.

Sau khi được Đức Như Lai ủy thác, Bồ tát Địa Tạng hứa: “Con phân hiện thân hình ra ở cùng khắp trăm nghìn muôn ức Hằng-hà-sa thế giới. Trong mỗi thế giới hóa hiện trăm nghìn muôn ức thân. Mỗi thân đó hóa độ trăm nghìn muôn ức người làm cho quy kính ngôi Tam bảo, khỏi hẳn vòng sanh tử hưởng vui Niết bàn.

Những chúng sanh nào ở nơi Phật pháp chỉ làm việc lành bằng một sợi lông, một giọt nước, một hột cát, một bụi nhỏ, hoặc chỉ bằng chừng mảy lông tóc, con đều độ thoát lần lần, làm cho chúng nó được lợi ích lớn.

Cúi mong đức Như Lai chớ vì những chúng sanh ác nghiệp trong đời sau mà sanh lòng lo lắng!...’.

Cúi mong đức Như Lai chớ vì những chúng sanh ác nghiệp trong đời sau mà sanh lòng lo lắng!...’.

Ngài Địa Tạng Bồ tát bạch cùng đức Phật ba lần như thế.

Lúc ấy, đức Phật khen Ngài Địa Tạng Bồ tát rằng: ‘Hay thay! Hay thay! Ta hỗ trợ cho ông được toại nguyện! Từ số kiếp lâu xa đến nay thường phát nguyện rộng lớn, cứu độ tất cả chúng sanh xong rồi, thời ông liền chứng quả Bồ đề’”5.

Tôi tin chỉ cần chừng ấy cũng tạm đủ trả lời câu hỏi của bạn tôi. Nhưng, đó chỉ là bề nổi, trong tôi vẫn có thắc mắc tại sao Ngài Địa Tạng chỉ là một vị Bồ tát mà “Chư Phật ba đời đồng khen chuộng/Mười phương Bồ Tát chung tin tưởng”6? Ngài Địa Tạng có phải là nhân vật lịch sử như Phật Thích Ca Mâu Ni không? Ngài Địa Tạng làm sao có đủ quyền năng để “cải mệnh Trời”? Nếu Ngài có “oai thần” như thế, thì chúng sinh bị đọa vào địa ngục chưa chắc đã khổ? Vân vân và vân vân. Nếu giải thích không khéo và lậm vào “oai thần” của Ngài, thì sa vào mê tín như chơi.

Cách hiểu khác nhau về địa ngục và Bồ tát Địa Tạng

Tết Giáp Thìn (2024), Chùa Phật học Xá Lợi có gian triển lãm sách. Nơi đây, tôi chọn được cuốn “Địa Tạng Mật nghĩa” của Chánh Trí và biết cách nay 67 năm (1957) cũng có không ít người suy nghĩ như tôi. Viên Pháp viết: “Về Địa ngục, thường chúng tôi thấy có hai thái độ khác nhau trong hàng Phật tử:

+ Một đàng thì tin có địa ngục, nhưng tin một cách mù mờ, sai lạc, vì thế không dứt đặng nhân địa ngục, để khỏi cái quả địa ngục, cho nên không bao giờ thoát ly đặng cái khổ địa ngục.

+ Một đàng thì phân vân bất quyết, không biết phải tin hay không, vì vậy trong trí quán không có gì dứt khoát và trong hạnh tu không có gì nhứt định.

Đối với Địa Tạng Bồ tát cũng có hai luồng tư tưởng khác nhau:

+ Một hạng tin rằng đã có ngài Địa Tạng phát nguyện cứu độ tội vong ra khỏi U minh địa ngục, thì ta cứ “làm ăn” như ai, rủi ro có bề nào sẽ có ngài đùm bọc. Ngài lại còn nguyện “Địa ngục chưa trống không, ta quyết không thành Phật”, thì dầu ta còn phải đọa địa ngục lâu xa thế mấy đi nữa, cũng còn có ngài cứu thoát, không đến nỗi nào mà sợ.

Hạng này còn tin đức Địa Tạng có quyền lực dẫn vong vào cảnh Tây phương tự tại, vô ngại. Hễ có ngài dẫn, thì không có một quỷ sứ nào dám bắt đem nạp cho Diêm vương phán xét. Hơn nữa, ngài lại còn có quyền lực phá ngục thả tội mà chẳng có ông Diêm vương nào dám cản trở. Do những tin tưởng này, mới có việc mướn làm chay với cảnh thầy cả đội lốt Địa Tạng phá ngục giải phóng tội vong. Ôi thôi! Kể sao cho xiết những quan niệm sai lầm như thế về Bồ tát Địa Tạng và về quyền năng của ngài! Ròng rã là những sự tin tưởng thần quyền, ỷ lại tha lực, làm hoen ố Phật giáo nước nhà!

+ Một hạng khác lại suy nghĩ: không lẽ lại có một ông Bồ tát “cải Trời” cho đến bỏ luật nhơn quả, dám vì cảm tình với người sống mà làm việc bất công là thả tội hộ vong. Vì suy nghĩ như thế, họ mất lòng chánh tín đối với vị Bổn tôn Bồ tát và thối bộ, không bước được vào cửa Phật tu hành, để thâu hoạch lợi ích cho mình. Thật đáng phàn nàn cho hạng này, vì họ là bậc có trí, biết suy nghĩ và có đạo tâm, chỉ vì không ai chỉ bảo thành ra hiểu lầm, nghi sai”7.

Mật nghĩa trong kinh Địa Tạng

Để có cuốn “Địa Tạng Mật nghĩa”, Viên Pháp cho biết: “Thứ bảy tuần rồi, 9-11-1957, Đạo hữu Chánh Trí đã mở đầu khóa giảng với bộ kinh Địa Tạng, trước trên ba trăm thính giả, phần đông là học thức, của đủ các hạng tuổi”8. Theo Chánh Trí, “kinh Địa Tạng thuộc về quyền giáo, khác với những bộ kinh thuộc về Thực giáo, trực chỉ Chơn lý. Có thể xem kinh Địa Tạng như một bài ngụ ngôn trường thiên, trong đó Phật dùng ngụ ý (paraboles) để ám chỉ một chơn lý đáng phát minh, như những bài ngụ ngôn của các hiền triết Đông Tây mà cốt yếu là để dạy những nguyên tắc luân lý, hoặc những truyện đời xưa, những truyện giải buồn, do văn nhơn, hiền sĩ đặt ra vì thiết tha với thế sự, muốn hoán cải nhơn tâm”9. Và từ kinh văn, ông khẳng định Bồ tát Địa Tạng “không phải là một nhân vật lịch sử như đức Phật Thích Ca, mà là một nhân vật tượng trưng (personnage symbolique), một tỷ dụ (parabole, allégorie) để chỉ cái Bản thể, cái “Soi” (cái gốc, bản thể) của chúng sanh. Bản thể ấy thường được biết dưới cái tên là Tâm.

Tâm vô hình, vô tướng, không ai đập phá được, do đó nói là cứng rắn.

Tâm không thể dò lóng, đo lường được, cho nên nói sâu dày.

Ngoài Tâm là cái vô cùng cực (l’illimité), không có một vật gì hết, hay không một vật nào có được ngoài cái vô cùng, vô cực, cho nên nói ngậm chứa tất cả”10.

Từ kinh văn, Chánh Trí “tìm hiểu nghĩa ẩn của từng đoạn”11. Chẳng hạn, qua câu “U minh Giáo chủ Bổn Tôn Địa Tạng Bồ tát Ma ha tát”, Chánh Trí cho rằng đó là “ám chỉ Tâm mà ai cũng có, cho nên nói là sẵn có. Biết tôn trọng Tâm là người đã “minh tâm kiến tánh” và Tâm, trong trường hợp này, là Giáo chủ soi đường hắc ám (u minh) cho mình. Các vị Thiền sư dẹp qua một bên kinh sách và để hết thời giờ vào chỗ tiếp xúc với Tâm (tham thiền) hầu học hỏi với vị Giáo chủ này. Lầm lẫn vì tâm, mà giác ngộ cũng nhờ Tâm. Trong khi bị u minh che ám, muốn thấy đâu chân, đâu giả, đâu thiện đâu ác, hãy lắng lòng trong sạch sẽ thấy. Như thế Tâm không phải là vị Giáo chủ trong cõi U minh sao?”12.

Từ câu xưng tán Bồ tát Địa Tạng: “Tam thế Như Lai đồng tán ngưỡng/ Thập phương Bồ tát cộng quy y”, Chánh Trí giảng: “Tâm là Phật, Phật là Tâm, nhưng Tâm ở chúng sanh chưa hoàn toàn thanh tịnh như ở Phật, cho nên chưa gọi là Phật thật được. Tâm ở chúng sanh thức tỉnh là Tâm đang tu sửa như Bồ tát đang tu sửa, cho nên ví Tâm này như Bồ tát.

Vì Bồ tát Địa Tạng tượng trưng cho Tâm, mà Tâm một khi hoàn toàn thanh tịnh thì sanh Trí Bát Nhã (sáng suốt tuyệt vời) cho nên chư Phật ba đời đều phải khen ngợi và kính mến (Tam thế Như Lai đồng tán ngưỡng) - Trong kinh Đại Bát Nhã, Phật dạy: “Này Kiều-thi-Ca, ta nay đã thành Phật mà còn tuân theo Bát-nhã ba-la-mật-đa, ẩn náu và đứng vững nơi đây, hà huống những kẻ muốn cầu vô thượng bồ đề mà không hết lòng quay về và nương tựa vào đó để tinh cần tu học?” (Kiều-thi-Ca, ngã dĩ thành Phật, thượng tuân như thị thậm thâm bát-nhã ba-la mật-đa y chỉ nhi trụ, huống thiện-nam-tử đẳng dục cầu vô thượng chánh đẳng bồ đề, như bất ư thử chí tâm quy y, tinh cần tu học?).

Tại sao cũng đồng Bồ tát như nhau, mà chư Bồ tát trong mười phương lại cùng quy y Bồ tát Địa Tạng? Chỉ vì Địa Tạng là Tâm. Muốn thành Bồ tát phải quy y Tâm, Bồ tát rồi mà muốn thành Phật, cần phải quy y Tâm nhiều hơn, vì Tâm là Đại Từ, Đại Bi, Đại Hỷ, Đại Xả”13.

Nhìn chung, tôi rất tâm đắc với những “mật nghĩa” trong kinh Địa Tạng mà Chánh Trí đã giảng. Nhưng vì khuôn khổ bài báo có hạn, nên tôi hy vọng bạn đọc Tạp chí Từ Quang chưa có cơ duyên đọc “Địa Tạng Mật nghĩa” của Chánh Trí, thì tìm đọc để khỏi băn khoăn, sa vào mê tín.

 


1. https://vi.wikipedia.org/wiki/Địa_ngục

2. https://vi.wikipedia.org/wiki/Địa_ngục

3. HT. Thích Trí Tịnh (dịch), Kinh Địa Tạng Bổn Nguyện, NXB Tôn giáo, H, 2016, trang 21-22.

4. Kinh Địa Tạng Bổn Nguyện, sđd, trang 32.

5. Kinh Địa Tạng Bổn Nguyện, sđd, trang 38-39.

6. Kinh Địa Tạng Bổn Nguyện, sđd, trang 5. Câu này trong bài Tựa xưng tán Bồ tát Địa Tạng: “Tam thế Như Lai đồng tán ngưỡng/ Thập phương Bồ tát cộng quy y”. Ban Hộ niệm Hội Việt Nam Phật giáo (Chùa Quán Sứ - Hà Nội) dịch: “Chư Phật ba đời đều tán ngưỡng/ Mười phương Bồ tát thảy quy y”. Chánh Trí dịch: “Ngài là bậc mà chư Phật trong quá khứ, hiện tại và vị lai đều khen ngợi và kính mến/ Ngài là chỗ mà chư Bồ tát trong mười phương đều quay về và nương tựa”.

7. Viên Pháp, Thay lời tựa – Tôi đi nghe giảng kinh Địa Tạng. - Dẫn theo Chánh Trí, Địa Tạng Mật nghĩa, NXB Tôn giáo, H, 2006, trang 4-6.

8. Địa Tạng Mật nghĩa, sđd, trang 4.

9. Địa Tạng Mật nghĩa, sđd, trang 6.

10. Địa Tạng Mật nghĩa, sđd, trang 21.

11. Địa Tạng Mật nghĩa, sđd, trang 21.

12. Địa Tạng Mật nghĩa, sđd, trang 21-22.

13. Địa Tạng Mật nghĩa, sđd, trang 23.

 

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 27
    • Số lượt truy cập : 6294249