Thông tin

NGHĨ VỀ GIỚI

 

VU GIA

 

 

Có người còn cho rằng giữ giới là nhằm vào những đệ tử cửa Phật ý chí không kiên định, tâm tính không thuần túy, còn những người có đại trí tuệ, đại nghị lực, có tâm trong sáng, không dính nhân quả, chẳng nhiễm bụi trần thì việc giữ giới hay phạm giới đều không.

Thời gian qua, các cơ quan truyền thông trong nước phản ánh nhiều người phạm giới phải đứng trước vành móng ngựa, hoặc bị dư luận bất bình. Giới là hàng rào ngăn cản con người sa vào những việc không lương thiện. Do đó, đời cũng như đạo đều có “giới”. Pháp luật chính là “giới” mà công dân nước đó phải chấp hành. Với những người con Phật, sau khi quy y Tam bảo, phải học theo hạnh Phật, phải giữ gìn Ngũ giới, tức là năm giới cấm căn bản: không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối và không uống rượu.

Đức Phật không bắt buộc người Phật tử phải tuân theo triệt để, cũng không hăm dọa nếu không tuân theo thì phải bị chịu hình phạt, có giữ giới hay không là tùy thuộc mỗi người tự liệu lấy. Năm giới là năm thành trì ngăn chặn cho chúng ta đừng đi vào đường ác, là năm hàng rào cản cho chúng ta khỏi rơi vào vực sâu tội lỗi. Theo nhà Phật, Giới đứng đầu trong Tam vô lậu học (Giới, Định, Tuệ) và là con đường duy nhất giúp chúng sinh đạt đến tiến trình từ mê đến giác. Người ta ví giới, định, tuệ như cây. Giới là rễ, nếu rễ vững chắc thì thân cây (định) càng phát triển khỏe mạnh, cuối cùng sẽ trổ hoa kết trái (tuệ). Hoa trái này chính là quả vị Niết bàn.

Kinh Bồ Tát Giới có viết: “Giới như đại minh đăng/ Năng tiêu trừ dạ ám/ Giới như chơn bảo kính/ Chiếu Pháp tận vô di/ Giới như ma ni châu/ Vũ vật tế bần cùng/ Ly thế tốc thành Phật/ Duy thử Pháp vi tối” (Giới như ngọn đèn lớn/ Tiêu trừ đêm tăm tối/ Giới như tấm gương quý/ Soi hết thảy các Pháp/ Giới như ngọc ma ni/ Hóa vật giúp kẻ nghèo/ Muốn mau chóng thành Phật/ Chỉ có giới là hơn). Kinh Phạm Võng cũng viết: “Giới như minh nhật nguyệt/ Diệc như anh lạc châu/ Vi trần Bồ tát chúng/ Do thử thành chánh giác” (Giới sáng như nhật nguyệt/ Sáng như ngọc anh lạc/ Rất nhiều vị Bồ tát/ Nhờ đó thành chánh giác).

Giữ giới và phá giới

Với nhà Phật, người phá giới thì không có nghĩa là họ có tội với Phật, mà chính họ đã tự tạo cho mình ác nghiệp để phải chịu quả nghiệp khổ đau sau nầy chớ không phải trời phạt hay Phật đọa gì cả; còn người giữ giới thì họ tránh không làm điều gì phương hại đến người và vật chung quanh, tức là mang lại sự an ổn cho tất cả mọi người. Đây chính là sự phát triển tâm từ bi của mình. Đạo Phật khác với các tôn giáo khác một phần là ở điểm này.

Nhưng nếu ai cũng thiện lương, cũng thánh thần cả thì xã hội không cần phải lập hàng rào pháp luật và thường xuyên nhắc nhở mọi công dân phải “sống, làm việc theo hiến pháp và pháp luật. Nếu ai cũng thiện lương, cũng thánh thần cả thì chắc chắn tôn giáo cũng không có điều kiện xuất hiện trên đời. Nói tới chuyện này, nhiều người cười vui (chơi chữ) nói với tôi, chúng ta dù tu hành hay không tu hành cũng là người đang sống ở “thế gian”, mà đã “gian” thì chắc phải có phạm giới. Phật môn không khỏi giết chóc, chỉ không chịu được giết chóc. Uống một ngụm nước là nuốt cả vạn sinh linh; ăn một miếng thức ăn là giết không ít sinh mệnh cây cỏ; không cho sói ăn dê thì sói sẽ chết đói, không cho ưng ăn thỏ thì ưng sẽ chết đói,… Thiên địa tuần hoàn, sinh sôi không ngừng, giết chóc là một phần trong đó. Nếu cấm giết chóc thì chẳng khác nào ngăn trở thiên địa vận chuyển và đại kiếp sẽ đến, tai kiếp chúng sinh sẽ giáng lâm. Vì thế với Phật lý, tu được vẫn là tự thân, tu được là thiền tâm, người theo thiên tính mà làm, liền không phải phá giới. Do đó, từ xa xưa, trong giới tu Phật có người nói rằng rượu thịt xuyên qua ruột, Phật Tổ lưu lại trong lòng, chính là đạo lý này. Nếu tùy ý phóng túng, liền nhập ma, nhưng cái gọi là Phật, gọi là ma chẳng qua chỉ là nhất niệm. Người có Phật tâm liền nội tâm yên tĩnh, hoặc còn hoặc mất, tương đối thản nhiên. Người có ma tâm liền ngang ngược khó bình, lúc nào cũng khó có thể bình an, cuối cùng dẫn đến sinh linh đau khổ, hủy diệt chính mình. Đến lúc thấy thích đáng, dừng lại thì thành đạo, hăng hái hóa dở thì thành ma. Ma hay Phật tự hỏi lòng mình. Nhìn ở góc độ nào đó, phần lớn những người đến cầu Phật là những người có nội tâm dao động, không được yên tĩnh.

Suy nghĩ này, có người cho là cực đoan, có người cho là cưỡng từ đoạt lý, song không thể không tham khảo. Có người còn cho rằng giữ giới là nhằm vào những đệ tử cửa Phật ý chí không kiên định, tâm tính không thuần túy, còn những người có đại trí tuệ, đại nghị lực, có tâm trong sáng, không dính nhân quả, chẳng nhiễm bụi trần thì việc giữ giới hay phạm giới đều không. Nhưng sự thật trên đời có mấy người có đại trí tuệ, đại nghị lực, có tâm trong sáng, không dính nhân quả, chẳng nhiễm bụi trần?

Ăn chay, ăn mặn

Mới đây, tôi đọc được một tài liệu nước ngoài, thấy qua đại dịch Covid-19, người ta bắt đầu điều chỉnh thực phẩm, và chế độ ăn kiêng (ăn chay), hướng tới các sản phẩm thực phẩm bền vững và thân thiện với môi trường hơn. Nghĩ cho cùng, vạn vật có linh. Từng cành cây, ngọn cỏ, từng hòn núi, viên sỏi,… tất cả đều có linh tính, chỉ có điều linh tính ấy quá yếu ớt khiến con người không nhìn thấy đó thôi. Do vậy, ăn thực vật cũng giết mầm sống, chẳng khác nào giết động vật.

Theo tài liệu này, thì thay vì đấu tranh giữa hai phe ăn chay và ăn thịt, nhiều người chủ yếu tập trung vào các loại thực phẩm có tác động đến khí hậu thấp nhất, chứ không phân biệt ăn chay hay ăn mặn. Với họ, mục tiêu của chế độ ăn theo khí hậu sẽ góp phần mang lại hiệu quả rất lớn cho toàn xã hội. Hiện có tới 60% thế hệ trẻ quan tâm đến việc áp dụng chế độ ăn kiêng linh hoạt. Người tiêu dùng có thể đổi một vài bữa ăn từ thịt thành những bữa ăn có nguồn gốc thực vật mỗi tuần. Ngoài ra, họ có thể giảm phần sản phẩm động vật trong công thức nấu ăn của mình và thêm nhiều thành phần thực vật hơn. Xu thế mới, người ta khuyến khích ăn chay nhưng khuyên không nên cực đoan như trước. Dự kiến, năm 2021, nhiều khả năng các chế độ ăn kiêng hạn chế và các chương trình giảm cân sẽ không còn được ưa chuộng khi mọi người tìm kiếm cách tiếp cận cân bằng hơn đối với sức khỏe. Các chế độ ăn kiêng phổ biến, chẳng hạn như Keto, Whole30, F-Factor,… đã bị chỉ trích nặng nề vì những hạn chế cực đoan không bền vững hoặc không thú vị. Họ muốn mọi người hướng tới hạnh phúc, sức mạnh bản thân và sức sống hơn là đạt được các tiêu chuẩn ảo về vẻ đẹp bên ngoài.

Đời cũng như đạo, một khi không phạm giới, tức là giới trong sạch thì tâm không phiền não. Tâm không phiền não thì cuộc sống sẽ vui vẻ và an lạc. Với nhà Phật, một khi tâm an thì đưa đến an tịnh, sáng suốt và đây là con đường phát sinh trí tuệ để thấy được thực tướng của vạn hữu. Khi chân tướng hiện bày thì không còn tham ái tức là chứng được Niết bàn và giải thoát ra khỏi vòng sinh tử luân hồi. Muốn giới trong sạch thì con người phải quan tâm về lợi dưỡng. Vì thế, kinh Phật có câu: “Sơ nghiệp Bồ tát đương quán lợi dưỡng sanh tham dục cố”, có nghĩa là “Sơ nghiệp Bồ tát nên biết rằng lợi dưỡng sanh ra tham dục”.

Tóm lại, với tôi, thanh quy giới luật chẳng qua là cái lồng khóa khỏa tục tâm. Một khi tâm tĩnh như giếng cổ, một lòng hướng Phật thì chẳng có thanh quy giới luật nào sánh được.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 10)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 9)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 25
    • Số lượt truy cập : 6795206