NGHĨ VỀ “NGŨ UẨN GIAI KHÔNG”
TRẦN TAM NGUYÊN
Kỷ niệm ngày tiệc mừng sinh nhật thứ tám mươi
trên dòng sông Seine Paris.
Đến một lúc nào đó con người cũng phải nghĩ đến lúc từ giã cuộc đời này và tôi nhận ra được một lối ra khỏi cuộc đời từ bốn chữ “ngũ uẩn giai không” khi đọc ở đoạn mở đầu của kinh Bát Nhã: “Quán tự tại Bồ Tát hành thâm Bát Nhã Bà La Mật Đathời chiếu kiến ngũ uẩn giai không độ nhất thiết khổ ách”.
Con người có hai phần chính yếu là thân và tâm. Ngũ uẩn gồm sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Sắc là thân còn bốn uẩn còn lại là tâm.
Theo ngôn ngữ kinh điển Phật giáo thì “sắc” gọi là “sắcuẩn” là cái thân xác thịt của chúng ta và chúng ta đã mê lầm cho rằng nó đẹp, nó quý, nó sống lâu dài. Nếu chúng ta soi thấu thì nó không phải như vậy nữa, mà nó là do các yếu tố được gọi là tứ đại, là đất, nước, gió, lửa, hợp lại mà thành. Các chất cứng trong cơ thể thuộc về đất, các chất lỏng thuộc về nước, hơi thở thuộc về gió, nhiệt độ, hơi nóng trong người thuộc về lửa. Như thế cái thân mà chúng ta cho là của mình là do sự kết hợp của tứ đại gồm đất, nước, gió, lửa mà thành, chứ không phải của riêng mình, thân tâm do sự giả hợp của tứ đại mà thành và chính nguyên thể của tứ đại cũng chỉ là giả hợp, tất cả đều là giả hợp, cho đến sự hiện hữu của chúng ta ở đây cũng chỉ là một sự sống vay mượn. Suốt ngày chúng ta chỉ sống với cái vay mượn và gọi đó là sống! Thật ra chỉ đem tứ đại vô, rồi đem tứ đại ra, bốn yếu tố đó đến rồi đi, làm như thế suốt đời và chúng ta cho đó là vui sướng, là hạnh phúc, thật ra chỉ là tạm bợ và giả dối “lâu nay mình thấy thật sự nó là của mình, thật ra không phải của mình gì cả”. Hợp lại từ buổi đầu, đến nay cũng vẫn còn hợp lại, nhưng khi thiếu một trong tứ đại là chết, là tan rã. Danh từ nhà Phật xem sự hợp lại của tứ đại là nhân duyên. Do nhân duyên mới có thân tâm này! Phải có trí tuệ bát nhã mới biết được sắc uẩn là không!
Thọ uẩn là khi mắt, tai, mũi, lưỡi, thân ý tiếp xúc với màu sắc, tiếng động, hương vị, cảm xúc, nhận thức thì sinh ra cái nhận chịu khổ vui hoặc không khổ, không vui. Sự nhận chịu đó là thọ.
Tưởng uẩn tức là tâm tưởng của chúng ta chợt nhớ đến một cái gì đó.
Hành uẩn là cái suy nghĩ, phản ứng của chúng ta, nó thường liên tục, không ngừng. Hành uẩn phải có mắt thấy, tai nghe.
Thức uẩn là sự biết có hay không theo ý thức của con người.
Giai không: chữ không ở đây không có nghĩa là không có, không có gì cả, mà nó có nghĩa là không bản thể, không thực thể, không sở đắc, không thực tại, không cố định, là trạng thái trống không (vacuité). Chúng ta không thể nào nói thân tâm của chúng ta là không có gì cả (theo nghĩa có, không) vì dưới mắt của chúng ta vẫn rõ ràng là có, là hiện hữu ở đó. Nhưng khi nói “ngũ uẩn giai không” tức là thân và tâm đều ở trạng thái trống không, không cố định, không có cốt lõi, không bản thể, giống như ta lột một củ hành hay một thân cây chuối đến cuối cùng chẳng thấy bản thể, cốt lõi của chúng ở đâu cả! Sở dĩ kinh điển nói thân tâm ở trạng thái trống không vì tất cả sự vật trên đời kể cả thân tâm đều do duyên khởi mà có, tức là do tập hợp mọi yếu tố cần thiết thì nó mới tạo thành và hiện hữu và khi một trong những yếu tố đó mất đi thì nó cũng biến mất, như thế nó luôn ở một trạng thái bất định, không trường cửu, đó là “không” trong ngũ uẩn giai không. Tánh không chỉ tất cả mọi thứ thế gian này đều không có cái gì cố định, chỉ là tạm bợ, di dịch, nghĩa là luôn đổi dời và mọi sự vật không thật sự như chúng ta nhìn thấy. Thế nên tánh không là bản tính của mọi sự vật, là đối tượng của thiền định và mọi người tìm tánh không để được giải thoát. Tại sao tìm thấy được tánh không thì tránh được sự đau khổ và tai ách?
Nếu chúng ta quan niệm và thực hành hay tu tập để đạt được cái ý thức nhập thể thân tâm hiện đang ở trạng thái trống không, có nghĩa là mọi vật đều là không thì chúng ta có thể tìm thấy được lối ra khỏi cuộc đời rất nhẹ nhàng, không lo sợ, không đau khổ.
Tôi xin nhấn mạnh rằng “không” ở đây là trạng thái trống không chứ không phải là không đối nghịch với có, vì trên thực tế thân tâm chúng ta vẫn có, vẫn hiện hữu. Nhưng vì thân tâm không có bản thể, không có sở hữu, không thường hằng nên luôn thay đổi. Thân tâm của chúng ta thay đổi thì đến một lúc nào đó tức phải bị hủy diệt hay chết đi. Như thế nếu ý thức chúng ta trở thành “ngũ uẩn giai không” thì chuyện khổ ách không còn là vấn đề trong đời sống đối với chúng ta nữa. Nhưng muốn đạt được đến một ý thức cho là thân tâm chỉ là không thì không phải dễ dàng vì trên thực tế chúng ta đang sống, đang hiện hữu.
Chuyên chú thực hành, không để tâm đến những suy luận, phán đoán, chúng ta hãy cố gắng tu tập trong nhận thức “ngũ uẩn giai không” để đạt đến được ý thức nhập thể toàn diện của đời sống trong “ngũ uẩn giai không” thì chúng ta sẽ tìm thấy được một nơi chốn tĩnh mịch, lặng lẽ, êm đềm, không sinh, không tử, cõi niết bàn, nơi đó là chốn chân không, không có thời gian và không gian, khác biệt như ở hiện tại. Chúng ta hãy “vượt qua, vượt qua, vượt qua bên kia bờ, vượt qua hết thảy. Ô hô! tỉnh thức rồi!”
Cuối cùng, những gì muốn nói là rồi đây chúng ta sẽ cùng nhau sống mãi ở bên ngoài cái thời gian giết người này, bên ngoài cái không gian chen chúc này, chúng ta sẽ ở trong những kỷ niệm, nơi đó là chân không, và “Ở đó có lá cuốn dây ngoài song. Có những tháng năm buồn tênh. Có giếng nước soi trời trong. Có gió mát đêm bình yên...” một nơi chốn lạ lùng, êm đềm, thảnh thơi, không còn chen chúc.
Bình luận bài viết