Thông tin

NGHĨ VỀ PHẬT GIÁO DÂN GIAN

NGHĨ VỀ PHẬT GIÁO DÂN GIAN

(tiếp theo và hết)

 

VU GIA

 

 

Cái hiền, cái ác chỉ cách nhau một sát-na, nếu ta không chính tâm hoặc cứ không bằng lòng với hiện tại, đứng núi này trông núi nọ rất dễ sa vào ác nghiệp, đến khi hối hận mọi sự đã muộn màng. Và dân gian chỉ biết than thở, lấy đó làm bài học dạy con cháu: "Vì ham chùa ngói Phật vàng/ Chùa tranh Phật đất ở làng thiếu chi".

Từ xưa đến nay, có lẽ đa phần người Việt Nam thích cái cụ thể hơn cái trừu tượng. Trong cái cụ thể, dân gian còn có câu: "Thứ nhất là tu tại gia/ Thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa". Tu tại gia là tu sao? Có người nói với tôi là tin Phật, theo Phật thì ở nhà phải thờ Phật, phải hương khói, thậm chí trước khi thắp nhang phải thỉnh chuông, phải thực hành tam quy ngũ giới, v.v. Đó là tu tại gia. Tôi thì không nghĩ vậy. Đã là Phật thì Ngài không buộc chúng ta phải thờ cúng Ngài; không buộc chúng ta phải tụng kinh với chuông mõ thì Ngài mới chứng cho lòng thành của mình. Tam quy ngũ giới không có gì sai, thậm chí rất tốt, bởi vì nó giống như hàng rào pháp luật của thế quyền giúp con người hạn chế tới mức thấp nhất phạm vào điều ác. Ngũ giới còn gọi là bảo giới: 1/ Không được sát sinh, 2/ Không được trộm cắp, 3/ Không được tà dâm, 4/ Không được nói dối, 5/ Không được uống rượu. Do vậy, dân gian mới có câu: "Lấy câu bảo giới làm răn/ Muối dưa kinh kệ đạo hằng chính tâm". Bây giờ, không thiếu người giữ gìn bảo giới, nhưng tâm thì không. Bây giờ, vào một số quán ăn chay, tôi nghe người ta gọi bún giò, tôm rim, bánh hỏi thịt heo quay, gà kho sả ớt… Đó là những món chay, nhưng đầu óc nghĩ đó là món mặn, thì cứ ăn mặn cho đơn giản, chứ cần gì phải ăn chay?

Trong kinh sách Phật giáo, đức Thế Tôn khuyên không sát sanh chứ không cấm ăn thịt. Kinh Trung Bộ II (Jivaka), đức Thế Tôn có nói: “Này Jivaka, những ai nói như sau: Vì Sa môn Gotama, họ giết hại các sinh vật. Và Sa môn Gotama tuy biết thế vẫn dùng các loại thịt được giết vì mình, được làm cho mình, những người ấy không nói chính lời của Ta, họ xuyên tạc Ta, không như chân, không như thật. Này Jivaka, Ta nói trong ba trường hợp, thịt không được thọ dụng: thấy, nghe và nghi (vì mình mà giết). Này Jivaka, Ta nói trong ba trường hợp này, thịt không được thọ dụng. Này Jivaka, Ta nói trong ba trường hợp, thịt được thọ dụng: không thấy, không nghe và không nghi (vì mình mà giết). Này Jivaka, Ta nói trong ba trường hợp này, thịt được thọ dụng”. Kinh sách nhà Phật được chuyển ngữ sang chữ Hán gọi là “Tam tịnh nhục” (ba thứ thịt thanh tịnh mà người xuất gia dùng được). Nhưng cũng có kinh cho biết, ngoài “Tam tịnh nhục” còn có “Ngũ tịnh nhục”, nghĩa là còn có thêm “loại thịt đã sẵn có”, thịt “vô can” – hiểu là thịt của các con thú tự chết và thịt mà các loài thú khác ăn còn dư.

Theo Luật tạng (Mahàvagga) II, chương Dược phẩm, tụng phẩm thứ nhì, kể chuyện nữ cư sĩ Suppiyà muốn cúng dường một vị Tỳ kheo, bảo người giúp việc rằng: “Hãy đi và tìm (mua) loại thịt đã được làm sẵn”. Như vậy, Luật tạng đã xác định “thịt thanh tịnh” bao gồm các loại thịt do các lò mổ cung cấp, bày bán ngoài thị trường. Rõ ràng, thuyết Tam tịnh nhục và Ngũ tịnh nhục là cơ sở vững chắc cho hình thái ẩm thực của chư Tăng từ thời đức Thế Tôn tại thế cho đến trong Tăng đoàn Phật giáo Nguyên thủy ngày nay. Vì vậy, nhân thế cần gì phải dùng ba thứ của giả ấy? Với tôi, đây cũng là cách dối mình, dối người, dối chư Thiên, chư Phật… chẳng hay ho chi. Về chuyện này, dân gian nói ngắn gọn, nhưng đầy đủ: “Miệng nhai thịt rắn, thịt dơi/ Lòng thì dối Phật, dối Trời: - Ăn chay!”.

Nhưng trên thế gian này, ai ai cũng là hiền nhân thì cần gì đến pháp luật? Và tại sao chúng ta không thử làm hiền nhân? Hiền nhân hoặc ác nhân cũng từ tâm mà ra. Dân gian nói: "Đừng nên tìm Phật đâu xa/ Cứ tìm những việc mà ta đang làm". Cái hiền, cái ác chỉ cách nhau một sát-na, nếu ta không chính tâm hoặc cứ không bằng lòng với hiện tại, đứng núi này trông núi nọ rất dễ sa vào ác nghiệp, đến khi hối hận mọi sự đã muộn màng. Và dân gian chỉ biết than thở, lấy đó làm bài học dạy con cháu: "Vì ham chùa ngói Phật vàng/ Chùa tranh Phật đất ở làng thiếu chi".

"Phật tại tâm" chứ ở đâu xa. "Phật tại tâm" chỉ là một câu ngắn gọn chứa đựng được tinh hoa cốt tủy của đạo Phật, cần phải suy ngẫm lâu ngày. Với tôi, suy ngẫm cho ra câu ngắn gọn này cũng giống như suy ngẫm một công án thiền chứ chẳng dễ lắm đâu. Tâm chính là mình, là "cái tôi đáng ghét" của mình. Nó tạo tác ra tất cả, cái nhân cũng như cái quả. Mỗi người do cái tâm tự tạo nên cái nghiệp, nên phải chịu trách nhiệm tất cả những gì mình đã làm. Kinh Pháp cú cũng có câu: "Chỉ có tự mình gây nên điều xấu, tự mình làm nhơ uế mình/ Tự mình hủy bỏ điều xấu, tự mình làm mình thanh tịnh/ Thanh tịnh hay nhơ uế đều tùy thuộc mình/ Không ai làm ai thanh tịnh được". Do đó, ta phải tự đốt đuốc tìm đường cho mình. Ngày xưa, ông cha ta chưa chắc đã hiểu giáo lý nhà Phật, nhưng từ thực tế cuộc sống đã có lời khuyên: "Hãy tìm nẻo sáng mà đi/ Bước vào nẻo ác còn gì tương lai". Với tôi, tương lai đây không chỉ ở kiếp sau, đời sau mà ở giây phút sau, giờ sau, ngày sau, tháng sau… chứ không đợi lâu đâu. Buôn bán ma túy không phải "bước vào nẻo ác" là gì? Và kết quả là chung thân, là tử hình. Cướp của giết người là "bước vào nẻo ác" chứ gì? Kết quả, không lãnh án tử hình cũng lãnh án chung thân. Nếu ta không tự tin trên đường đời, hoặc cố gắng không để "bước vào nẻo ác", thì tam quy ngũ giới cũng có cái hay, rất cần thiết cho cuộc sống, nhưng phải luôn nhắc nhở mình rằng "ăn chay nói dối" thì không bằng "ăn mặn nói ngay".

Kinh Kim cang có đoạn: "Nhược dĩ sắc kiến ngã/ Dĩ âm thanh cầu ngã/ Thị nhơn hành tà đạo/ Bất năng kiến Như Lai". Tôi đọc lung tung và chắc hiểu cũng lung tung, nhưng tôi hiểu kinh Phật theo cách của tôi và tôi thấy lòng thanh thản là đủ. Do đó, "tu tại gia" theo tôi nghĩ là phải quý trọng thương yêu thật lòng những người trong gia đình, không nên làm cho gia đình xào xáo, giận hờn nhau. Chúng ta phải tạo được gia đình là tổ ấm, chứ không nên biến gia đình thành địa ngục. Nói như nhà Phật là "tùy duyên hóa độ". Từ suy nghĩ về "tu tại gia", tôi nghĩ về "tu chợ". Tu chợ không phải đến chợ tụng kinh niệm Phật, giáo hóa chúng sinh mà là mua ngay bán thật, không gian dối, lừa người. Khoai tây Đà Lạt thì nói khoai tây Đà Lạt; khoai tây Trung Quốc thì nói khoai tây Trung Quốc. Không nên phun đất đỏ bazan lên khoai tây Trung Quốc nói là khoai tây Đà Lạt để kiếm thêm ít đồng lời. Người mua cũng không nên lợi dụng người bán bận rộn mà khoèo thêm trái ớt, xớt thêm trái chanh. Nói chung cả người bán lẫn người mua không nên lừa đảo, dối trá để giành phần lợi về mình. Chợ là nơi ồn ào, có đủ cả tam độc (tham, sân, si), nhưng ta luôn giữ tâm luôn tịnh, hòa ái với mọi người không luận giàu sang, thấp hèn, bất biến trước những cảnh ngộ dễ dẫn đến tham, sân, si… thì đó mới đích thực là chân tu. Do đó, việc “tu tại gia”, “tu chợ” ngó vậy chứ không dễ chút nào.

"Cây xanh thì lá cũng xanh/ Cha mẹ hiền lành để đức cho con". Lời khuyên của dân gian thật đơn giản, dễ hiểu, dễ thấm vào lòng người mà cũng phù hợp với giáo lý Phật Đà. Cái “đức” ấy chính là quả được nhận từ cái nhân mà cha mẹ gieo. "Người trồng cây hạnh người chơi/ Ta trồng cây đức để đời mai sau". Trong các loài động vật, chỉ có con người mới thương tới đời cháu. Vì thương con, thương cháu và những mong “đời mai sau” được hưởng quả ngọt, quả lành nên các bậc cha mẹ cố gắng “trồng cây đức” khi còn sống. Đây cũng là cách tu tâm vậy, dẫu ở nhà hay ở chợ. Phật thoại có kể về chàng trai đi tìm Phật khắp nơi, đến cuối cùng tìm được Phật ở ngay tại nhà của mình, đó là đấng sinh thành. Thế nhân lắm người “trồng cây đức” ở đâu đâu mà quên những người gần gũi nhất của mình. Dân gian mỉa mai chuyện này như là lời răn cho người đời: “Lúc sống thì chẳng cho ăn/ Đến khi chết xuống làm văn tế ruồi”. Và họ minh định: "Tu đâu cho bằng tu nhà/ Thờ cha kính mẹ mới là chân tu". Với họ, "Những phường khi dễ mẹ cha/ Bội nghịch bất hiếu thì sa miệng hùm/ Cầu Trời khấn Phật tùm lum/ Cũng không thoát cảnh gông cùm kiếp sau". Kiếp sau có hay không, thì tôi chưa trải qua nên không biết, nhưng có biết câu chuyện sau đây:

Có người đến hỏi một vị cao tăng: “Đời tôi bây giờ là do tiền kiếp mà tái sinh. Thế thì kiếp trước, tôi là người thế nào? Nếu tôi phải đầu thai lần nữa, ngài có thể cho tôi biết kiếp sau tôi sẽ thành người ra sao?”. Vị cao tăng quay lưng, đọc bài kệ: “Dục tri tiền thế nhân/ Kim sinh thụ giả thị/ Dục tri hậu thế quả/ Kim sinh tác giả thị” (Muốn biết nguyên nhân của kiếp trước/ Cứ xem những gì mình nhận được ở kiếp này/ Muốn biết hậu quả của kiếp sau/ Cứ xem những gì mình đang làm ở kiếp này). Người bình dân Việt Nam thì nghĩ đơn giản hơn, cụ thể hơn: "Lòng bác ái, dạ nhân từ/ Giúp người cứu khổ, phước dư muôn ngàn", và khẳng định: "Những người ăn ở bất nhân/ Rồi ra cũng chịu trăm phần khổ đau". Dòng sông thời gian, khó khăn nhất là phỏng đoán tương lai, nhưng từ nhỏ nghe vậy, được dạy vậy thì về sau cái phần “ăn ở bất nhân” chắc chắn sẽ được kìm hãm phần nào. Ai thực hiện được lời dạy ấy, thì không cầu Phật, tâm Phật cũng nảy mầm, từng bước mạch thiện khơi dòng.

Triết lý về nghiệp, chắc chắn người bình dân không ai hiểu, nhưng từ thực tế cuộc sống, họ biết chuyện tu nhân tích đức: "Lênh đênh qua cửa Thần Phù/ Khéo tu thì nổi, vụng tu thì chìm". Khéo tu là tu như thế nào? Với dân gian, chuyện “khéo tu” cũng… đơn giản: "Ăn ở xởi lởi thì Trời gởi của cho/ Ăn ở so đo thì Trời gò của lại", chứ không cần phải vào núi sâu, phải tìm nơi thanh vắng tịch cốc mà lòng vẫn mang nặng hồng trần: "Học đòi sư tổ Đạt Ma/ Chín năm diện bích không ma, chẳng người".

Chuyện tình Lan và Điệp” (rút từ nội dung tiểu thuyết Tắt lửa lòng của Nguyễn Công Hoan) được lên sân khấu ca nhạc, kịch nói, cải lương,… và cho rằng: "Tu là cội phúc, tình là dây oan". Với tôi, đây là cách nói để trốn đời, nhưng cũng tốt hơn là kết thúc tính mạng. Trong những chuyện này, nhà chùa trở thành chốn nương thân cho những người như thế cũng là chuyện tốt. Và trong thực tế, không thiếu người gặp hoàn cảnh như vậy, từng bước rời xa được ba ngôi nhà của chúng sinh (nhà thế tục, nhà phiền não và nhà tam giới – dục giới, sắc giới, vô sắc giới), phát nguyện dũng mãnh “thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sinh”.

"Cuộc đời biến ảo khôn lường/ Thất tình khéo dứt, tìm đường giải oan". Ở đây, tôi không bàn chuyện đúng sai về động cơ tu hành. Với tôi, chỉ cần có thất tình lục dục, nhất định sẽ có ân oán tình cừu. Và nhà chùa là nơi nương náu những tâm hồn yếu đuối, thất vọng, thậm chí là những người sa cơ lỡ vận… đã được nhân dân khắc sâu vào tâm thức. “Ra đi gặp vịt cũng lùa/ Gặp duyên cũng kết, gặp chùa cũng tu”. Phải chăng đây chính là “thứ ba tu chùa”?

Người bình dân còn kết hợp và giản dị hóa thuyết tiền định, nhân duyên, luân hồi thành quan niệm duyên nợ rất thú vị: "Chồng gì anh, vợ gì tôi/ Chẳng qua là cái nợ đời chi đây/ Mỗi người một nợ cầm tay/ Người xưa nợ vợ, người nay nợ chồng".

"Cạo đầu vào cửa Thích Ca/ Quy y nương bóng Di Đà độ thân". Độ thân ở đây có những lúc dân gian hiểu khác, không phải là giúp người xuất gia giác ngộ, mà giúp người ấy tự nuôi sống lần hồi cho qua ngày. Đọc lịch sử Việt Nam và lịch sử Phật giáo Việt Nam vào khoảng cuối triều Trần và mười năm kháng chiến chống quân Minh xâm lược dẫn đến sự ứng xử của nhà Hậu Lê sẽ rõ điều ấy. Thời của tôi, ở đô thị miền Nam không thiếu người "nương bóng Di Đà độ thân", và đã thọ tỳ kheo. Nói nôm na là tu trốn lính. Sau ngày giải phóng, họ trả áo cà sa lại cho cửa Phật, hòa nhập với đời, nhưng không ai trách, bởi "Chùa vàng cảnh Phật, không bằng sống thật với mình". Tôi có người quen, cởi áo cà sa trở lại cõi hồng trần, nhưng vẫn giữ ngày hai thời kinh và ứng xử thường ngày như người tu sĩ chân chính. Thật là đáng quý đáng trọng. Tôi đem chuyện này kể cho nhiều người nghe. Sau khi nghe tôi kể, có người nói: "Cần chi khấn nguyện Phật Bà/ Tu nhân tích đức mới là lập thân". Với tôi, đây cũng là cách tu đáng trọng.

Bây giờ, hầu hết nhân dân ta đều biết chữ, kinh sách nhà Phật cũng được ấn hành nhiều, nhưng nhìn cách hành xử của phần lớn người đến chùa, tôi vẫn thấy Phật giáo dân gian vẫn bàng bạc trong tâm thức họ. Và nhìn họ, tôi tin chẳng ai "Không mong áo ngọc cơm châu/ Chỉ mong một chén giải sầu hôm nay". Thế là tốt rồi!

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 20
    • Số lượt truy cập : 6508213