Thông tin

NGHĨ VỀ SẮC PHONG VÀ SẮC TỨ CÁC CHÙA CỦA TRIỀU NGUYỄN

 

NCS TRẦN LÊ ĐÌNH HIẾU
Học viện Phật giáo Việt Nam tại TPHCM

 

 

Sắc tứ 敕賜. Sắc là chiếu chỉ của vua. Tứ là người trên ban cho bề tôi. “Sắc tứ” được hiểu là thứ do vua ban. Sử liệu triều Nguyễn thường chép về việc các chúa Nguyễn ban sắc tứ cho chùa. Do đó, chùa sắc tứ được hiểu là các ngôi chùa được nhận “Sắc tứ” của các chúa Nguyễn, vua triều Nguyễn.

Chùa sắc tứ là ngôi chùa được vua nhà Nguyễn ban sắc chỉ, chấp nhận chính thức và có tên trong danh sách của Bộ Lễ1. Thời nhà Nguyễn, chùa sắc tứ xuất hiện ở nhiều tỉnh thành trong cả nước. Ở giai đoạn đầu, chỉ chùa tổ đình, đại danh lam, quốc tự mới được liệt vào hàng sắc tứ. Về sau, việc ban sắc tứ cho các ngôi chùa có phần dễ dãi hơn. Tất cả những ngôi chùa này được triều đình nhà Nguyễn quản lý, sử dụng bằng nhiều quy định đôi khi rất chi tiết.

Được nhận sắc tứ là một ân điển và vinh dự vô cùng to lớn đối với bất kỳ tự viện nào. Vì thế, nghi lễ đón phong sắc vô cùng đặc biệt. Nghi lễ tiếp nhận sắc tứ bao gồm các bước sau: Điều kiện để được tiếp nhận sắc tứ; Chuẩn bị cho nghi lễ; Tiếp đón và đọc sắc tứ; Cúng dường và lưu giữ sắc tứ. Sắc tứ thường được đọc bởi các quan chức hoặc giáo sĩ. Các quan chức đọc sắc tứ thường là các quan chức trong triều đình hoặc các quan chức tôn giáo. Khi đọc sắc tứ, người đọc cần phải đọc to, rõ và trang trọng để tôn vinh giá trị của sắc tứ. Đọc sắc tứ cũng giúp người đọc hiểu rõ hơn về nội dung của sắc tứ và có thể giải thích cho người khác hiểu được giá trị của sắc tứ. Người nghe đọc sắc tứ thường là những người trong cộng đồng tôn giáo hoặc những người quan tâm đến lịch sử và văn hóa Việt Nam. Sắc tứ thời triều Nguyễn có đặc thù là được viết bằng chữ Hán và được đặt tên theo tên của các vị quan chức hoặc các vị tôn giáo. Sắc tứ thời triều Nguyễn cũng được coi là một trong những di sản văn hóa quý giá của Việt Nam. Sắc tứ thường được viết bằng chữ Hán và không được viết bằng chữ Nôm. Mặc dù triều đình nhà Nguyễn cũng có giai đoạn đã sử dụng chữ Hán và Nôm, nhưng chủ yếu là chữ Hán. Các vị vua triều Nguyễn đã sử dụng chữ Hán2. Tuy nhiên, các vị vua triều Nguyễn cũng đã nỗ lực “thoát Hán” bằng cách cổ vũ chữ Quốc ngữ. Sắc tứ phản ánh hệ thống hành chính với những địa danh và đơn vị hành chính mang niên đại cụ thể. Sắc tứ thể hiện vai trò tối thượng của nhà vua trong việc trị vì muôn dân và cai quản cả thế giới thần linh, kết hợp với các tín ngưỡng và đời sống tâm linh, có quan hệ mật thiết với các lễ hội dân gian và sinh hoạt văn hóa của làng, xã.

Sắc tứ chỉ có duy nhất một bản. Trong mỗi bản, niên đại tuyệt đối chính xác đến tận ngày, tháng, năm. Về giá trị theo giới chuyên môn đánh giá, sắc tứ thể hiện rõ rệt dấu ấn uy quyền của các vị vua, niên đại ghi ở cuối văn bản gồm triều vua và ngày tháng ban sắc là thông tin tuyệt đối chính xác làm căn cứ để người đời sau có thể hiểu về phong cách mỹ thuật, thư thể của từng thời kỳ lịch sử. Theo sách Đại Phùng tổng khoán ước: “Sắc đưa về đến chùa, chép thêm ra một bản, giống như bản chính (đều dùng giấy vàng mực đen, lấy người có chữ đẹp trong thôn viết đằng tả), rồi lập một hương án, đặt lên, vái 5 vái (thay thần tạ ơn Vua). Sau đó, hóa bản sao đi, còn bản chính thì rước vào trong chùa, tự viện, đình”3.

Các vị vua triều Nguyễn sử dụng sắc tứ thường được phong sắc cho chùa; còn sắc phong thì thường được dùng phong thần và các vị thành hoàng trong làng. Chùa và đình là hai khái niệm khác nhau. Đình là một ngôi đền nhỏ, thường được xây dựng ở các làng quê Việt Nam. Trong đời sống người dân Việt Nam khi xưa, đình làng khi khởi dựng được phục vụ nhiều mục đích, từ thờ tự, tế lễ, là nhà hội đồng chung, là nơi xử kiện, nộp sưu thuế, nơi nghỉ cho khách lỡ độ đường, đình làng cũng là nơi vui chơi, nơi sinh hoạt ca hát, có đình làng còn là lớp học… Đình làng còn được coi như biểu tượng của quyền lực làng xã, nó có chức năng như một ngôi nhà lớn của cộng đồng.

Trước năm 1945, đứng đầu chùa sắc tứ là một vị Tăng cang và một vị trụ trì. Chùa được sắc tứ được xem như là chùa quan. Việc bổ nhiệm chức trụ trì chùa sắc tứ do Bộ Lễ và Phủ Tôn Nhân4 đảm nhận, nhất là với những quốc tự hoặc là những ngôi chùa do hoàng thân xây dựng. Ban đầu, vua là người chọn tăng cang, rồi lệnh cho bộ Lễ cấp độ điệp và giao chùa cho cai quản. Sau này, khi nhiều chùa được thành lập nếu chùa nào thiếu chức tăng cang sẽ trình bộ Lễ tìm người mới, trình lên nhà vua sát hạch, phê chuẩn và cấp sắc chỉ. Ở mỗi chùa quan thường có một tăng cang, thường có một trụ trì phụ giúp tang cang quản chúng. Các vị tăng cang, trụ trì thường được triều đình miễn thuế khóa, sưu dịch, được cấp lương hàng tháng, cấp pháp phục. Triều đình quy định rõ số sư tăng trong các chùa sắc tứ, chùa công, quốc tự, tùy theo yêu cầu của triều đình. Các sái phu, người canh giữ, trong chùa cũng được quy định rõ không chỉ số lượng mà còn cả nguồn gốc dân cư để dễ bề kiểm soát. Các vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức đều tổ chức sát hạch cấp giới đao độ điệp, quản lý số sư sãi chân tu, và chọn ra người giỏi phái đến các chùa của nhà nước trông coi. Những tăng sỹ tinh thông Phật pháp đã qua thi tuyển đều được triều đình bổ dụng, đến coi giữ các chùa công. Lễ vật cúng tế được quy định và kiểm tra cụ thể về số lượng, trọng lượng, hình thức, thể lệ. Chức Tăng cang ban đầu được vua Gia Long đặt cho chùa Thiên Mụ. Các vua kế tiếp là Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức lập thêm nhiều quốc tự và cử Tăng cang quản lý các chùa đó. Cũng có những trường hợp ngoại lệ như trong việc tổ chức tăng chế ở Phật giáo Ngũ Hành Sơn là vào tháng 10 năm Thành Thái thứ 7 (1895) triều đình còn sắc chuẩn thêm một vị tăng cang cai quản chung hai chùa Tam Thai và Linh Ứng. Trong khi, ở mỗi chùa vẫn duy trì chức trụ trì để cai quản riêng. Tăng cang được triều đình chuẩn cấp cho xây dựng nhà ở riêng biệt. Người đầu tiên được vinh dự này là thiền sư Ấn Lan – Tổ Huệ – Từ Trí, lúc bấy giờ đang giữ chức trụ trì chùa Linh Ứng.5

Sử liệu triều Nguyễn ghi nhận thời chúa Nguyễn có khoảng 26 ngôi chùa sắc tứ tại miền Trung, trong đó chỉ riêng thời chùa Nguyễn Phúc Khoát đã có 7 ngôi chùa ban sắc tứ và biển ngạch6. Dưới thời Tự Đức có 245 chùa thuộc hàng danh lam được sửa chữa trên cả nước7. Tuy nhiên, việc vua hay hoàng thân và các quan triều đình nhà Nguyễn sửa chữa thì cũng chưa hẳn là đã ban sắc tứ. Cho đến hiện nay, các vị vua khác của triều Nguyễn ban sắc tứ bao nhiêu chùa thì chưa có thống kê đầy đủ. Tuy nhiên, tôi sẽ cố gắng tập họp gần đầy đủ các chùa đã được sắc tứ trong triều đại nhà Nguyễn để quý vị tham khảo và đóng góp thêm. Bên cạnh việc Sắc tứ 敕賜 cho biển ngạch tên chùa, các bậc vua chúa còn ban Sắc tứ để tặng thưởng hoành phi, liễn đối (vật thể), sắc tứ giới đao độ điệp, hoặc tặng phẩm trật hay sắc tứ để tổ chức các đại giới đàn truyền giới (gọi là Giới đàn sắc tứ, tức giới đàn do vua ân chuẩn và triều đình khai mở). Việc ban sắc tứ và treo biển ngạch tại các chùa bắt đầu dưới thời chúa Nguyễn và nó được chính quyền Đàng Trong đặc biệt chú trọng. Thoát thai từ một lực lượng cát cứ tách ra khỏi sự kiểm soát của chính quyền trung ương, trong suốt quá trình xây dựng quyền lực trên vùng đất Đàng Trong việc khẳng định tính chính danh luôn là vấn đề đặt ra cho chính quyền chúa Nguyễn. Do đó, việc phổ biến các biểu tượng quyền lực nhà nước thông qua các dấu ấn, triện khắc trên biển ngạch và các loại hình chuông, khánh, đối liễn treo ở chùa và các không gian công cộng mang ý nghĩa to lớn trong việc khẳng định quyền lực tối cao tính chính danh của chính quyền chúa Nguyễn. Trên tất cả các văn bản sắc tứ, các vua triều Nguyễn bao giờ cũng đóng triện (con dấu) của mình vào đó. Con dấu là biểu tượng quyền lực tối cao của một thể chế nhà nước. Trong đó, việc khắc các dấu ấn triện trên biển ngạch là một đặc điểm phổ biến dưới thời chúa Nguyễn. Ngoài việc khắc trên biển ngạch các dấu ấn, triện còn được tìm thấy trên nhiều thể loại văn tự khác như chuông, khánh, đối liễn, ngự đề thi, văn bia...

Về chất liệu giấy của các bản sắc phong, qua các đời triều Nguyễn đều có những quy định cụ thể nhằm thể hiện uy đức của hoàng đế và dấu ấn của ngự trị. Dấu ấn là con dấu được triện trên các văn bản sắc tứ. Mỗi vua là một con dấu ấn riêng. Về chất liệu giấy, trong sách Khâm Định Đại Nam Hội Điển sự lệ viết: “Năm Minh Mạng thứ 10 (1829) tấu chuẩn: Phụng chiếu cáo thứ giấy các trục hạng nào, xét điển lệ nhà Thanh, về lệ chức tạo Ty Đô Thủy ở Bộ Công nói rằng: Về cáo mệnh tứ phẩm trở lên dùng thứ bằng tơ chín 5 sắc, ngũ phẩm là 3 sắc, sắc mệnh dùng thứ lụa trắng... lại nói rằng: Các quan văn võ có công đời đời được phong tước, cấp cho sắc dài một trượng, giấy vàng có vẽ rồng chung quanh... Vả lại, nước ta nguyên không có phường dệt gấm, nếu dùng những bức bằng tơ mà giao cho Cục Thêu thì không khỏi phí tổn, nhân công lại khá nhiều mà từ trước đến nay các loại cáo sắc về điển lệ phong tặng dùng các vải lụa ấy rồi, nên nếu dùng loại ấy cho các bản sắc phong thì khó mà phân biệt. Nghĩ nên chiếu theo lệ của nhà Thanh những cáo sắc dùng bằng giấy, châm chước quy định làm cáo sắc, để biết sự vẻ vang về xuất thân dương danh, mà tờ giấy đẹp lại bền, cũng có thể để lâu được. Nay đem kiểu mẫu về cáo sắc giao cho quan ở Vũ Khố phải chuẩn bị làm trước để đến kỳ lĩnh ra mà viết. Tên gọi loại giấy đó là “Long Đằng”8. Đây là loại giấy tốt nếu biết cách bảo quản có thể tồn tại đến vài trăm năm. Về chữ viết thì cũng có quy định. Vào năm Minh Mạng thứ 3 (1822) thì quy định: Từ nay về sau các sắc biểu văn thư dùng ở các nha chỗ dòng niên hiệu những chữ năm... tháng... ngày đều dùng chữ viết đơn, chuẩn từ sau đều dùng chữ viết kép như những loại chữ nhất (一) viết là (壹), nhị (二) viết là (貳) để phòng sự thay đổi. Đến năm Minh Mạng thứ 15 (1834) có chỉ: Lại nghị chuẩn lần này việc ban cấp các sắc là buổi ban đầu, cung chiếu nghị định, có khi dùng giấy sắc vàng, có khi dùng giấy sắc bạc nếu cứ viết theo như trước, thì người viết có khi nhầm lẫn sợ không khỏi hư phí. Xét nên in ra mà dùng để cho được giản tiện. Hiện đã thuê thợ khắc bản in, kiểm chữ, in mà dùng, cũng được ngay ngắn. Còn chuyến này một loạt ban cấp khá nhiều và rắc rối, xin chiếu xuống cho Bộ Công, huy động thợ do Bộ Lại lĩnh vật liệu, ra chỉ thị cho quy thức, làm ngay xong việc, sau này có khắc thêm chữ gì và tu bổ bản in, đến kỳ do bộ ấy huy động thợ cho làm.

Như vậy về chữ viết và các bản sắc phong có sự linh hoạt. Tùy thuộc vào mỗi ông vua mà ban ra lệ chữ viết trong các bản sắc phong. Tất cả các văn bản hiện lưu trữ đều được sử dụng bằng chữ Hán. Các văn bản này đều được sử dụng loại giấy Long Đằng. Các chữ viết trên các văn đều được in sẵn bằng các bản gỗ mộc khắc chữ ngược. Hoa văn trang trí: Kể từ khi chúa Nguyễn vào phương Nam mở cõi, ông dần dần có ý định độc lập với triều đình chúa Trịnh ở Đàng Ngoài. Theo Đại Nam thực lục tiền biên, năm 1744, quần thần dâng biểu tôn chúa Nguyễn Phúc Khoát lên ngôi vương. Sau hai ba lần bầy tôi nài xin, chúa đồng ý rồi cho đúc ấn quốc vương. Như vậy, chúa Nguyễn Phúc Khoát, ngày 12 tháng 4 năm 1744, chúa tự ý xưng vương, lấy hiệu Võ Vương9. Ông quyết định thay đổi nghi lễ mục đích muốn tạo nên một “một cõi y quan văn hiến”. Có lẽ cũng ảnh hưởng từ các chúa Nguyễn, các bản sắc phong của triều Nguyễn đều được trang trí lộng lẫy theo kiểu “long vân ẩn hiện” chính là đặc trưng của văn hiến cung đình triều Nguyễn. Tuy nhiên, mỗi vị vua đều có những dấu ấn riêng về cách trang trí hoa văn. Nhưng tất cả đều nhằm mục đích thể hiện sự uy nghi của mình, đồng thời để phân biệt với các sắc phong của những vị vua khác nhau.

Phôi giấy sắc phong dựa trên hoa văn Hồi Long triều Nguyễn là viền dạng hoa văn chữ vạn 5 ô chữ “thọ” dạng chữ nhật khuyết góc, mỗi hình chữ nhật lại chứa 5 chữ “thọ” tròn, theo quan điểm “ngũ phúc thọ vi tiên”. Rồng theo thế gió, uốn khúc chuyển động nhẹ nhàng, chân năm ngón đạp mây, ngoảnh đầu phun châu nhả ngọc đuôi xoáy theo chiều kim đồng hồ mây xuất hiện trên đầu ngực, lưng, bụng, đuôi rồng, và lác đác xuất hiện trên toàn đạo sắc có rất nhiều chấm tròn tượng trưng cho tinh tú ngọc châu. Cách bài trí hoa văn này tương đồng trên các sắc phong tìm thấy ở các niên hiệu:

Sắc Minh Mệnh năm thứ 5 (1825), Sắc Thiệu Trị năm thứ 3 (1843), Sắc Tự Đức năm thứ 3 (1850), Sắc Tự Đức năm thứ 33 (1870), Sắc Đồng Khánh năm thứ 2 (1887), Sắc Thành Thái năm thứ 2 (1890), Sắc Duy Tân năm thứ 3 (1909), Sắc Khải Định năm thứ 2 (1917). Công dụng của phôi sắc phong này dành cho việc phục sao sắc phong thần tại đình, chùa, đền thờ, điện thờ, nhà thờ họ. Tham khảo cho việc cấp sắc thanh đồng, cấp sắc Tứ Phủ, sắc Trần Triều, sắc Hạ Ban (sắc Ngũ Hổ), sắc Chúa Bói, sắc bản điện. Đặc trưng của thượng đẳng thần triều Nguyễn niên hiệu Khải Định năm thứ 9 là viền hoa chanh lục giác như mai rùa, 5 ổ chữ “thọ” dạng chữ nhật khuyết góc, mỗi ổ chữ thọ ở 4 góc có hình phượng chầu thọ chính giữa, xung quanh là hoa văn dạng “thêu lỏng mốt”. Rồng ẩn trong biển mây (ám long, ẩn long) rất thần bí, thân rồng đầy đặn, đuôi xoáy theo chiều kim đồng hồ. Bên dưới mây là hoa văn dạng “lỏng mốt” thường xuyết hiện trong áo giáp. Đặc trưng của Phôi sắc phong thần triều Lê niên hiệu Vĩnh Thịnh năm thứ 2, là viền hoa văn dạng dây cuốn. 5 ô thường thấy dạng chữ thọ triều Nguyễn thì ở đây là một tập hợp hình chấm tròn. Rồng theo thế gió, uốn khúc chuyển động nhẹ nhàng, chân năm ngón, xoay thân phun châu nhả ngọc, đuôi vuốt nhọn uốn khúc về sau. Không có mây mà có nhiều hình chấm tròn tượng trưng cho châu ngọc tinh tú. Nền đạo sắc có nhiều vạch ngang và uốn lượn, thể hiện gió. Đặc trưng của sắc phong thần triều Lê niên hiệu Cảnh Hưng năm thứ 44 là viền hoa chanh bốn cánh. 5 ổ chữ “thọ” dạng chữ nhật, 4 ổ 4 góc có hình tứ linh Long – Lân – Quy – Phượng, viền ổ thọ là các chữ thọ tròn xếp liên tiếp. Rồng ẩn trong biển mây (ám long, ẩn long) rất thần bí, thân rồng đầy đặn, đuôi xoáy theo chiều kim đồng hồ, thân rồng ngoái lại hẳn từ lưng, miệng rồng há to nhả chữ thọ.

Từ năm 1600, Nguyễn Hoàng lúc ấy đã 76 tưổi, quyết tâm trở lại Đàng Trong mưu đồ giang sơn. Ông nhận thấy sự ảnh hưởng to lớn của Phật giáo trong mưu đồ thu phục lòng dân, nên Nguyễn Hoàng và các vị chúa Nguyễn sau đó đã có những hành động cụ thể để phát triển đạo Phật. Nhận định này của ông đã đem lại một hậu thuẫn vững chắc từ phía nhân dân theo đạo Phật, và lúc bấy giờ là chiếm gần như tuyệt đại đa số dân cư sinh sống trên lãnh thổ Đàng Trong. Đặc biệt, Phật giáo miền Trung được đặt dưới sự bảo hộ của chúa Nguyễn cả về mặt cơ sở thờ tự lẫn nhân sự. Các khu vực Phật giáo xa hơn cũng bị tác động ảnh hưởng bởi những rung động từ Phật giáo miền Trung. Vào đến thế kỷ XVII, khi cuộc chiến tranh Trịnh – Nguyễn nổ ra, mọi giao thương và liên lạc bị cắt đứt, tất nhiên Phật giáo cũng không tránh khỏi tác động. Chúa Nguyễn đã cung thỉnh một số nhà sư Trung Quốc thuộc hai thiền phái Lâm Tế và Tào Động vào hoằng pháp. Sự có mặt của hai dòng thiền từ Trung Quốc vào đất nước ta làm phong phú thêm Phật giáo Việt Nam nói chung và Phật giáo miền Trung nói riêng. Tuy nhiên, đến thế kỷ XVIII, giai đoạn chúa Nguyễn Phúc Thuần, xã hội Đàng Trong trở nên rối ren với các bè đảng tranh đoạt quyền lực... nên Phật giáo đã không còn được quan tâm như trước. Năm 1775, quân Trịnh chiếm Phú Xuân, ty Tăng Lục bị giải tán. Thời gian này, chùa chiền hoang phế, nhiều tăng sãi cởi áo nhập thế, và cũng nhiều vị trốn tránh vì sợ liên lụy. Giai đoạn từ 1786 đến 1801, thành Phú Xuân tiếp tục do quân Tây Sơn cai quản, nhiều chùa chiền bị chiếm giữ hay phá hủy, nhiều chuông lớn tượng thờ và các pháp khí bằng đồng bị tịch thu để đúc quân khí và quân dụng, nhiều sư sãi bị bắt sung quân, hoặc buộc phải hoàn tục. Đây cũng là giai đoạn suy thoái nhất của Phật giáo. Đến giai đoạn 1801-1932, đối với Phật giáo, các vị vua quan đầu triều Nguyễn tùy mức độ khác nhau đều có những đóng góp đáng kể trong việc xây dựng chùa chiền, độ tăng, ban sắc tứ, góp phần thúc đẩy Phật giáo phát triển. Giai đoạn này cũng là giai đoạn nhiều chùa được ban sắc tứ.

Các chúa Nguyễn cho xây dựng hàng trăm ngôi chùa trên vùng đất Đàng Trong. Khoảng cuối thế kỷ XVII, bắt đầu hình thành hệ thống chùa sắc tứ, theo đó, chính quyền có chính sách quan tâm đặc biệt đối với các ngôi chùa công, chùa sắc tứ qua việc chu cấp tiền bạc, ruộng đất; tu sửa nâng cấp, ban đồ thờ, tượng Phật, pháp công pháp khí; bổ tăng sái trông nom… Chùa sắc tứ phân bố ở hầu hết các dinh, trấn từ Quảng Bình đến Phú Yên (Nam Bộ ít hơn do khai phá sau), trong đó tập trung nhiều nhất ở vùng Huế và vùng Thuận Quảng. Chùa sắc tứ thường diễn ra các hoạt động Phật giáo có quy mô lớn của chính quyền chúa Nguyễn nhằm mục đích dẫn dắt, chấn hung đời sống Phật giáo ở các dinh, trấn10. Đối với hàng ngũ tăng sãi: Một mặt, các chúa Nguyễn có biện pháp quản lý, sát hạch, kiểm tra giới điệp, chấn chỉnh pháp giới trong hàng ngũ tăng sãi, ai vi phạm bị đuổi về địa phương bổ hạng thường dân11. Mặt khác, chính quyền thường xuyên tổ chức các hoạt động hoằng pháp, thuyết pháp kết hợp với các giới đàn có quy mô hàng trăm hàng nghìn người tham gia. Các giới đàn có 3 loại, gồm: Sa di giới, Tì kheo giới và Bồ Tát giới trên cơ sở sát hạch chính quyền cấp văn điệp cho các tăng chúng thụ giới (văn điệp có đóng dấu Quốc vương)12.

Để bố trí tăng - ni cho các chùa sắc tứ, nhà Nguyễn thi hành chính sách kiểm tra trình độ của tăng sĩ và chi cấp lương bổng, lễ vật trong chùa sắc tứ. Triều đình đề cao việc thông hiểu giáo lý nhà Phật, nên việc kiểm tra trình độ tăng sĩ được tổ chức khá thường xuyên nhằm tìm ra người giỏi, hạn chế kẻ núp bóng cửa Phật để mưu sinh, đồng thời, cũng nghiêm minh đối với công tác quản lý nhân sự lúc bấy giờ. Các đời vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức đều tổ chức sát hạch cấp giới đao13 độ điệp14. Vua Gia Long và vua Tự Đức đều ban một chỉ dụ thống nhất quản lý số sư sãi chân tu. Năm 1804, vua Gia Long ra lệnh: “Sư sãi có kẻ chân tu thì lý trưởng sở tại phải khai rõ tính danh quán chỉ, đem nộp ở quan trấn để biết rõ số”15. Năm 1830, vua Minh Mạng ra chỉ dụ: “Lần này sư các chùa đến kinh, chuẩn cho Bộ Lễ xét thực, ai giữ được giới luật tinh nghiêm, thông được giáo lý nhà Phật, đều chiếu cấp cho một độ điệp để cho yên tâm mà trì giáo, chứng được cơ mầu nhiệm của đạo Thiền, tạp dịch và thuế thân đều khoan miễn cho cả (…). Lần này, sư ở chùa các hạt gọi đến kinh, gồm 53 người, đã qua Bộ Lễ sát hạch lập thành danh sách, tâu lên, nay chuẩn thưởng cấp cho 12 người vào hạng xảo thông đều 5 lạng bạc, 38 người vào hạng hơi thông đều 3 lạng bạc, lại ban tiệc chay ở chùa Thiên Mụ một lần, chuẩn đều cấp độ điệp giới đao còn 3 người không thông, không chuẩn cho thưởng cấp, để tỏ ra có sự phân biệt, đều khiến cho về”16. Triều đình thậm chí còn ra chỉ dụ: “Nếu tăng đạo nào không được cấp cho tờ điệp mà tự tiện gọt đầu, thì phải phạt 80 trượng. Các tăng đạo trụ trì ở các chùa, quán nào và thầy dạy học của các tăng đạo mà tự tiện cấp tờ điệp thì cùng chịu tội, đều phải đuổi về nhà cả (ghi tên vào sổ chịu sai dịch)”17.

Liên tiếp nhiều năm dưới thời vua Minh Mạng và vua Thiệu Trị tiến hành kiểm tra giới luật, cấp văn bằng và chọn ra người giỏi phái đến trông coi các quốc tự. Về văn bằng xét cấp cũng theo trình tự xem xét đề xuất từ các quan địa phương, như hương hào, kỳ dịch, lý trưởng từ xã, huyện, phủ tỉnh trình đến Bộ Lễ. Sau đó, Bộ Lễ mới xét cấp văn bằng. Việc cấp văn bằng này cũng được căn cứ xem xét trên các văn bản mà các thời vua trước ban hành. Văn bằng được cấp cũng ghi rõ ngày tháng năm và có triện con dấu18. Sau khi thi cử, những tăng sĩ tinh thông Phật pháp đã qua thi tuyển được triều đình bổ dụng coi giữ chùa công. Đặc biệt, những tăng sĩ được giao giữ chùa được ban sắc tứ đều có lương bổng, gạo muối do triều đình ban cấp. Tùy mỗi thời kỳ hay mỗi ngôi chùa sắc tứ được coi giữ mà số lương bổng có khác nhau. Lễ vật cúng tế được quy định và kiểm tra rất cụ thể về số lượng, trọng lượng, hình thức và thể lệ. Những quy định tỷ mỷ, rườm rà, phức tạp không chỉ cho thấy thái độ coi trọng của triều Nguyễn đối với các nghi thức Phật giáo nói riêng, các nghi thức tế lễ nói chung, mà còn thông qua đó có thể nhận diện được vị trí và vai trò của từng ngôi chùa so với chùa sắc tứ đối với hoạt động Phật giáo của triều đình.

 


1. Xưa kia, nhà Nguyễn có 6 bộ gồm: Bộ Hình, Bộ Binh, Bộ Lại, Bộ Hộ, Bộ Lễ, Bộ Công, quan đứng đầu mỗi Bộ được gọi là Thượng Thư. Theo chức phẩm quy định triều Nguyễn thời vua Minh Mạng, chức phẩm Tham tri đứng thứ 2 sau quan Thượng thư.

2. Ngày 22 tháng 2 năm 1869, Phó Đề đốc Marie Gustave Hector Ohier ký nghị định bắt buộc dùng chữ Quốc ngữ thay thế chữ Hán trong các công văn ở Nam Kỳ. Nghị định 82 do Thống đốc Nam Kỳ Lafont ký ngày 6/4/1878 cũng đề ra mốc hẹn trong 4 năm (tức năm 1882) thì phải chuyển hẳn sang chữ Quốc ngữ. Nhưng mãi cho đến năm 1938 thì chữ Quốc Ngữ mới phổ cập đại trà và mới được sử dụng hầu hết trong các văn bản từ các cấp của triều đình.

3. Trịnh Cao Nguyên, Về bản chế phong thời vua Tự Đức ở làng Duy Viên, Tạp chí Cửa Việt, 2019, https://tapchicuaviet.com.vn/nguoi-dat-que-huong/ve-ban-che-phong-thoivua-tu-duc-o-lang-duy-vien-12029.html

4. Nhiệm vụ chính của cơ quan này là trông nom sổ sách của hoàng tộc, soạn thảo ngọc phả, việc ghi chép ngày sinh và ngày mất cùng sơ yếu lý lịch của mọi thành viên trong hoàng tộc, cộng thêm việc thờ cúng đền miếu trong hoàng tộc. Ban đầu, Tông Nhân phủ chỉ là nơi lưu giữ ghi chép, song về sau thì cơ quan này cũng có quyền hạn giải quyết các vấn đề có liên quan đến các Thân vương, Công tử và Công tôn trong hoàng tộc.

5. Tạ Quốc Khánh, Nhà Nguyễn với việc quản lý và hệ thống sử dụng chùa sắc tứ, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 06 (132), 2014, trang 31-45

6. Trương Thúy Trinh, Một số khảo cứu về biển ngạch chùa sắc tứ ở Đàng Trong thời chúa Nguyễn Phúc Khoát (1738-1765), Tài liệu khoa học công nghệ, Liên Hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam, https://sti.vista.gov.vn/tw/Lists/TaiLieuKHCN/Attachments/324135/CVv250S52021010.pdf

7. Tạ Quốc Khánh, Nhà Nguyễn với việc quản lý và hệ thống sử dụng chùa sắc tứ, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 06 (132), 2014, trang 31-45

8. Bùi Cao Cường, Một vài quy định sắc phong thần thời Nguyễn, Bảo tàng Tỉnh Hải Dương, 2023, https://baotang.haiduong.gov.vn/ViewDetail/ZKYzQBlnyg4@/m%E1%BB%99tv%C3%A0i-quy-%C4%91%E1%BB%8Bnh-c%E1%BB%A7a-s%E1%BA%AFc-phongth%E1%BA%A7n-th%E1%BB%9Di-nguy%E1%BB%85n.html

9. Võ Quang Yến, Nguyễn Phúc Khoát (1714-1765) vị chúa Nguyễn đầu tiên xưng Vương, Tạp chí Huế xưa và nay, 2008, https://nghiencuulichsu.com/2017/11/09/nguyen-phuckhoat-1714-1765-vi-chua-nguyen-dau-tien-xung-vuong/

10. Trương Thúy Trinh, Chính quyền chúa Nguyễn với Phật giáo Đàng Trong (Giai đoạn 1558-1777), Tạp chí Nghiên cứu tôn giáo, số 11(179), 2018, trang 12-30

11. Quốc sử quán triều Nguyễn, Minh Mệnh chính yếu, Nhà xuất bản Thuận Hóa, 2004, tr.121-122

12. Thích Đại Sán, Hải ngoại Ký sử, Nhà xuất bản Đại học Sư Phạm, 2015, tr.136-137

13. Theo Căn Bản Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ Tỳ Nại Da Tạp Sự quyển 3 chép, lúc đức Phật ngự tại thành Thất La Phiệt, có tỳ-kheo muốn may y, phải dùng tay xé vải, khiến vải bị rách mà may y không được nên Phật mới cho phép dùng dao. Nhóm Lục Quần tỳ-kheo thừa cơ dùng các chất báu trang trí cán dao, nên đức Phật quy định dao phải bằng sắt, dài sáu ngón tay, hình cong như cánh quạ. Giới Đao dùng để cạo tóc hoặc để cắt vải, xén y khi cần may vá

14. Còn gọi là Độ Duyên (度緣), là giấy chứng nhận do quan phủ cấp khi Tăng Ni xuất gia, tức Chứng Điệp Tu Sĩ, trên đó có ghi ngày tháng năm xuất gia, tên các vị quan chứng minh và dấu ấn.

15. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, Nhà xuất bản Giáo dục, 2007, tập 1, trang 587.

16. Nội các triều Nguyễn, Khâm Định Đại Nam hội điển sử lệ, Nhà xuất bản Thuận Hóa, tập 4B, trang 361

17. Nội các triều Nguyễn, Khâm Định Đại Nam hội điển sử lệ, Nhà xuất bản Thuận Hóa, tập 6, trang 173

18. Nguyễn Đại Đồng, Tìm hiểu về việc phong tăng cương và cấp độ điệp giới đao: Trường hợp của Tổ Phúc Chỉnh, Tạp chí Nghiên cứu Phật học, 2019, https://tapchinghiencuuphathoc.vn/tim-hieu-viec-phong-tang-va-cap-do-diep-gioi-dao-truong-hop-tophuc-chinh.html

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 10)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 9)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 31
    • Số lượt truy cập : 6793302