NGHĨ VỀ SỐ MỆNH VÀ NGHIỆP QUẢ
VU GIA
Thế gian này, có dục vọng liền có người lừa ta gạt, có dã tâm liền có phân tranh, không thể có thái bình thịnh thế. Tất cả điều tốt đẹp ấy đều là ước vọng mà thôi.
Dân gian Việt Nam thường có câu nói đầu môi: “Ở hiền gặp lành”, “Có phước làm quan”,… Nếu ai đó không được như ý, thì người ta cho là “Cái số nó thế”, “Số phận nó như thế”, “Định mệnh an bài như thế, cải mệnh sao được”, “Định mệnh buộc như thế”, “Cái nghiệp nó như thế”…, Nhưng “Số” là gì? “Nghiệp” là gì? “Số phận” là gì? “Định mệnh” là gì? Có thật không?
Số mệnh mỗi người mỗi khác
Theo Bách khoa toàn thư mở, “Định mệnh, đôi khi được gọi là số phận, là một quá trình được xác định trước của các sự kiện. Nó có thể được hình thành như một tương lai định trước, cho dù nói chung hay của một cá nhân”. (…) Trong ngôn ngữ hàng ngày, "định mệnh" và "số phận" là đồng nghĩa, nhưng liên quan đến triết học thế kỷ 19, các từ đã đạt được ý nghĩa khác nhau vốn có.
Đối với Arthur Schopenhauer, định mệnh chỉ là một biểu hiện của Ý chí sống, có thể đồng thời là định mệnh sống và lựa chọn số phận vượt trội, bằng Nghệ thuật, Đạo đức và Khổ tu.
Đối với Friedrich Nietzsche, định mệnh giữ hình thức Amor fati (Tình yêu định mệnh) thông qua yếu tố quan trọng trong triết lý của Nietzsche, “ý chí quyền lực” (der Wille zur Macht), nền tảng của hành vi con người, chịu ảnh hưởng của Ý chí sống Schopenhauer. Nhưng khái niệm này có thể có những góc nhìn khác, mặc dù ông, ở nhiều nơi, đã thấy ý chí quyền lực là một yếu tố mạnh mẽ để thích nghi hoặc sống sót theo cách tốt hơn. Nietzsche cuối cùng đã biến ý tưởng về vật chất thành trung tâm lực lượng thành vật chất là trung tâm ý chí để nắm quyền lực như định mệnh của loài người phải đối mặt với Amor fati. Thành ngữ Amor fati được Nietzsche sử dụng nhiều lần như là sự chấp nhận lựa chọn số phận, nhưng theo cách đó nó lại trở thành một thứ khác, chính xác là một định mệnh theo "lựa chọn"”1
Mệnh theo nghĩa dân gian là số mệnh, số phận. Số mệnh mỗi người mỗi khác, vì lệ thuộc vào thân thế và hoàn cảnh. Số mệnh có dở, có hay, có truân chuyên, có hạnh phúc. Nhiều người cho rằng số mệnh dở, hay đều do Trời định sẵn: “Ngẫm hay muôn sự tại Trời/ Trời kia đã bắt làm người có thân/ Bắt phong trần, phải phong trần/ Cho thanh cao, mới được phần thanh cao” (Kiều). Đây là ảnh hưởng Nho giáo. Trong Luận Ngữ, Khổng Tử viết: “Ngũ thập tri thiên mệnh” (Năm mươi tuổi biết được mệnh của trời), có thể thông suốt chân lý của tạo hóa, và khẳng định: “Bất tri Thiên mệnh vô dĩ vi quân tử dã” (Không biết mệnh trời thì không phải là người quân tử). Nhưng rồi, có lúc Ngài cũng… mơ mơ hồ hồ: “Ngã ư từ mệnh, tắc bất năng dã” (Ta bàn chữ Mệnh không nổi).
Nghiệp riêng của mỗi người mỗi khác
Nói về nghiệp, thì “Nghiệp, nghiệp chướng, nghiệp báo, quả báo hay báo ứng (tiếng Phạn: कर्म, IPA: [ˈkərmə], tiếng Nam Phạn: kamma) là một khái niệm về hoạt động, hành động hay công việc và hệ quả hay hậu quả của nó. Trong các tôn giáo Ấn Độ, nó đề cập đến nguyên lý tâm linh trong tôn giáo khi các ý định và hành động của một cá nhân có thể ảnh hưởng cá nhân đó trong tương lai.
Các ý định tốt và hành vi tốt sẽ tạo ra nghiệp tốt và hạnh phúc trong tương lai, trái lại ý định xấu và hành vi xấu mang lại nghiệp xấu và sự đau khổ trong tương lai.
Karma được liên kết gần với ý niệm đầu thai trong nhiều tôn giáo châu Á. Với các nguồn gốc từ Ấn Độ cổ đại, nghiệp là khái niệm chủ chốt trong Ấn Độ giáo, Phật giáo, Jaina giáo, Sikh giáo, và Đạo giáo.
Thiên chúa giáo có ảnh hưởng ở Văn hóa phương Tây cũng có một khái niệm tương tự như nghiệp, được biểu lộ trong cụm từ “What goes around comes around” - một hành động tốt hay xấu của một người, thường có hệ quả lên chính người đó”2
Trong Trung Bộ kinh (Majjhima Nikàya), Đức Phật cho biết: “Với thiên nhãn thanh tịnh, siêu nhiên, vượt tri kiến phàm tục, ta thấy cách chúng hữu tình sinh tử như thế nào. Ta thấy rõ cao quý hay hạ liệt, thông minh hay ngu đần, mỗi chúng sinh được tái sinh cõi lành hay cõi dữ tùy theo hạnh nghiệp của mình”.
Một số cuộc đối đáp giữa Đức Phật và các ngoại đạo sư hoặc những người đi tìm cầu chân lý được ghi lại trong kinh Phật giúp người ta hiểu rõ hơn về Nghiệp theo quan niệm của đạo Phật:
Có một người tên Sudha hỏi Đức Phật rằng: “Do nguyên nhân nào trên thế gian có quá nhiều sự chênh lệch, bất đồng, như: người chết yểu, người sống thọ; người bệnh hoạn, người khỏe mạnh; người xấu xí, người xinh đẹp; hạng người làm gì cũng không ai ủng hộ, không ai làm theo, nói gì cũng không ai nghe; hạng người làm gì cũng có người ủng hộ, cũng có người làm theo, nói gì cũng có người nghe; người nghèo khổ, người giàu sang; người sinh ra trong gia đình bần cùng, người sinh ra trong dòng dõi cao quý; người khôn, kẻ đần…”.
Đức Phật trả lời: “Tất cả chúng sinh đều mang theo nghiệp của chính mình như một di sản, như vật di truyền, như người chí thân, như chỗ nương tựa. Chính vì nghiệp riêng của mỗi người mỗi khác nên mới có cảnh dị đồng giữa các chúng sinh” (Kinh Trung A Hàm).
Lẽ nào Ông Trời lại điên rồ?
Chuyện tưởng chừng đơn giản, nhưng chẳng đơn giản chút nào. Nhiều bậc thức giả phương Đông cũng như phương Tây lao vào nghiên cứu, lý giải và đã có người tin, có người không tin. Không tin “muôn sự tại Trời”, nên có người cho rằng chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh thường xuyên diễn ra, nếu thế gian là tạo vật của Trời, tức là của Đấng Tối Cao, thì lẽ nào Ông Trời lại điên rồ đến mức sáng tạo ra thế gian rồi lại làm hư hỏng thế gian?
Nếu bảo nhân loại được sinh ra từ ý chí của Ông Trời, của Đấng Tối Cao, là tạo vật của Đấng Tối Cao thì tại sao có người kính tin Đấng Tối Cao nhưng lại có người không kính tin Đấng Tối Cao? Tại sao có người luôn hướng về Đấng Tối Cao nhưng không được Đấng Tối Cao che chở, bảo vệ, họ phải tuyệt vọng trong bất hạnh khổ đau? Có người không hướng về Đấng Tối Cao, không kính tin Đấng Tối Cao lại có đời sống tốt đẹp an lành?
Nếu muôn loài vạn vật là do Đấng Tối Cao tạo ra thì con người cần gì phải học tập, lao động, sáng tạo để làm ra của cải vật chất, những sản phẩm vật chất, tinh thần; loài vật cần gì tìm kiếm thức ăn và môi trường sống, cần gì tranh giành cấu xé lẫn nhau để được sinh tồn? Muôn loài phải vất vả nhọc nhằn để sinh tồn, để tạo dựng cuộc sống, có nhiều mảnh đời quằn quại trong bất hạnh khổ đau, nếu đó là do Đấng Tối Cao tạo ra thì Đấng Tối Cao là một kẻ độc ác đầy tội lỗi chứ không phải là kẻ nhân từ, chí thiện!
Từ đó, cho thấy Trời, Đấng Tối Cao chỉ là nhân vật giả định hay sản phẩm của trí tưởng tượng khi con người chưa tìm ra được lời giải đáp cho những thắc mắc về các hiện tượng trong đời sống, nguồn gốc của con người, nguyên nhân của vũ trụ.
Theo quan điểm của Đức Phật, con người và thế giới được hình thành từ vô số điều kiện, nhân duyên, không do một đấng tối cao hay một thần linh nào tạo ra cả. Cũng không có số mệnh, định mệnh buộc con người phải phục tùng, khiếp sợ. Lịch sử nhân loại luôn thay đổi, thế giới luôn thay đổi theo định luật vô thường, con người có thể chuyển biến từ xấu thành tốt, từ phàm phu thành thánh hiền, thì làm gì có số mệnh định sẵn. Nếu con người không nỗ lực học tập, nghiên cứu, trau giồi, rèn luyện, tu dưỡng thì không thể tiến bộ, không trở thành gì cả, làm sao có thể ngồi chờ số mệnh an bài? Thái độ sống thụ động, thả trôi thả nổi cuộc đời là thái độ tiêu cực có hại cho bản thân và xã hội.
Theo Đức Phật, những gì con người lầm tưởng là số mệnh đều là Nghiệp nhân và Nghiệp quả của mình tạo ra trong hiện tại và quá khứ. Quan niệm về Nghiệp (karma-sanskrit hay kamma- Pàli) của đạo Phật khác với quan niệm về Nghiệp của đạo Bà la môn hay đạo Hindu. Nghiệp là suy nghĩ, lời nói, hành động cố ý, có chủ tâm, có ý muốn, ý định, gọi là tác ý. Trong kinh Tăng Nhứt A Hàm, Đức Phật nói: “Này hỡi các tỳ kheo, Như Lai xác nhận rằng chính tác ý là nghiệp”. Suy nghĩ, lời nói, hành động, việc làm có chủ tâm, có ý muốn, ý định là nghiệp nhân và kết quả của nó là nghiệp quả. Những suy nghĩ, lời nói, hành động có tác ý tạo thành kinh nghiệm, thói quen và xây dựng nên tính cách, cá tính của con người, tạo ra cái mà người ta cho là số phận. Do vậy, trong Kinh Pháp Cú (số 1), Đức Phật dạy: “Ý dẫn đầu các pháp/ Ý làm chủ ý tạo/ Nếu với ý ô nhiễm/ Nói lên hay hành động/ Khổ não bước theo sau/ Như xe theo bò vậy”. Kinh Pháp Cú (số 2), Ngài dạy: “Ý dẫn đầu các pháp/ Ý làm chủ ý tạo/ Nếu với ý thanh tịnh/ Nói lên hay hành động/ An lạc bước theo sau/ Như bóng không rời hình”.
Tóm lại, tin vào số mệnh và nghiệp quả cũng được, không tin cũng chẳng sao. Thế gian này, có dục vọng liền có người lừa ta gạt, có dã tâm liền có phân tranh, không thể có thái bình thịnh thế. Tất cả điều tốt đẹp ấy đều là ước vọng mà thôi. Do đó, trong những ngày chìm nổi trong cõi Ta bà này, chúng ta cố giữ tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng, chút nào hay chút ấy và sẽ thấy niềm vui rộng mở với mình.
1. https://vi.wikipedia.org/wiki/Định_mệnh.
2. https://vi.wikipedia.org/wiki/Nghiệp.
Bình luận bài viết