Thông tin

NGHĨ VỀ TƯỢNG VUA CÕNG PHẬT Ở CHÙA HÒE NHAI

NGHĨ VỀ TƯỢNG VUA CÕNG PHẬT Ở CHÙA HÒE NHAI

                  

VICHKY LE

 


 

Pho tượng vua cõng Phật ở chùa Hòe Nhai, phố Hàng Than, Hà Nội là một tác phẩm độc đáo có một không hai của Phật giáo Việt Nam, tuy nhiên về ý nghĩa của nó lại gây ra bao tranh cãi lâu nay.

Thật khó mà lột tả được hết ý nghĩa thâm sâu của pho tượng này qua một bài viết và theo chúng tôi những người đến thăm chùa, chiêm bái tượng cũng không cần thiết phải hiểu đủ các tầng ý nghĩa. Những tầng ý nghĩa ấy là gì?

- Ý nghĩa theo Kinh điển.

- Ý nghĩa theo lịch sử.

- Nhìn thấy chính mình nơi pho tượng.

- Pho tượng không tồn tại nơi chính nó.

-  Ý nghĩa khác ...

1. Ý nghĩa theo kinh điển

Pho tượng này gồm hai phần:

Phần trên là một vị đầu trọc như nhà sư nhưng thần thái tướng mạo, cử chỉ đôi tay thì giống một vị Phật, tuy không thấy bông hoa nơi tay, nhưng cả thế tượng nhìn đã thấy đó là tượng Phật Thích Ca trong dáng Niêm hoa quen thuộc, tay phải của Ngài vốn đưa lên như đang cầm một bông hoa vậy.

Phần dưới pho tượng là hình ảnh một vị vua đang quỳ để nâng đức Phật ngồi ở trên. Đây là tượng lấy theo tích trong kinh "Đại Phạm Thiên Vương Vấn Phật Quyết Nghi Kinh", nói: Phật Thích Ca Mâu Ni đang thuyết pháp tại núi Linh Thứu, Đại Phạm Thiên Vương dâng lên cành hoa Kim Sắc Ba La Mật, sau đó Phạm Thiên còn xả thân làm tòa cho Phật ngự lên vì chúng sinh mà thuyết pháp, sau là truyện "Niêm Hoa Vi Tiếu" nổi tiếng của Thiền tông.

 Một pho tượng như vậy để ở nơi Tổ đình phái Thiền Tào Động là rất hợp lý. Lâu nay, có một số giả thiết cho rằng đó là tượng Đế Thích cõng Phật nhưng với hình dáng tay tượng như cầm một bông hoa thì có lẽ đây là tượng Vua Phạm Thiên cõng Phật mới đúng, và có thể do Phạm Thiên-Đế Thích bị nhầm lẫn sang nhau chăng?

Một điểm khác là tuy tay như cầm bông hoa nhưng không rõ hoa đó trước có nay không hay là ngay từ khi bắt đầu tạo tác pho tượng đã cố ý không tạc hoa? Tuy nhiên, trong lý Thiền thì không tạc bông boa cũng không quá quan trọng.

Một điểm nữa cho thấy đây là tượng Phật Niêm hoa do Phạm Thiên cõng là ở Tam bảo chùa Hòe Nhai hiện có 2 bộ tượng, tượng Vua cõng Phật có 2 tượng Phạm Thiên, Đế Thích khâm trực, còn Tòa Cửu Long lại do Văn Thù và Phổ Hiền Bồ tát thị giả 2 bên. Đáng chú ý là 2 pho Văn Thù, Phổ Hiền này cũng đầu trọc như phong cách tượng Vua Cõng Phật và hầu như các chùa thường để Phạm Thiên, Đế Thích khâm trực 2 bên tòa Cửu Long. Như vậy, khả năng là bộ tượng Vua Cõng Phật ban đầu cũng tương tự như các chùa khác gồm có 2 pho Văn Thù, Phổ Hiền 2 bên, còn tòa Cửu Long có Phạm Thiên, Đế Thích hầu 2 bên. Điểm khác là tượng Phật ở đây ngự trên vua và các Phật Bồ tát đều tướng Tăng. Sau đó, có thể do đợt đại trùng tu, các tượng được bài trí lại theo bố cục khác như đến hiện nay.

Đối xứng với bộ tượng Vua cõng Phật là tượng Quan Âm tọa sơn ở gian bên kia cũng có Phạm Thiên, Đế Thích ngồi 2 bên .

Hình ảnh 4 vị Phạm Thiên, Đế Thích này tạo cảm giác nhấn mạnh đến ý nghĩa các vị Vua Hộ pháp, bảo vệ Chính pháp.

Thường thì chỉ tạc 2 pho Phạm Thiên, Đế Thích vậy nhiều hơn thì có gì sai? Theo kinh Phật thì có vô số thế giới, trong 1 hạt bụi cũng có vô số thế giới và cũng có vô số cặp Phạm Thiên - Đế Thích, nên tạc 2 hay 4 hay 1.000 cũng không thừa hay thiếu gì cả.

2. Ý nghĩa theo lịch sử

Ý nghĩa dân gian của pho tượng này thường gắn với sự kiện Pháp nạn của Phật giáo đời Lê Hy Tông (1676-1705) được thiền sư Chân Dung Tông Diễn (1640-1711) - đệ nhị Tổ chùa Hòe Nhai hóa  giải. Sau đó, vua Lê ăn năn liền cho tạc tượng này để tỏ lòng sám hối. Cách hiểu nôm na nữa là tượng trên chính là Lê Hy Tông cõng Phật, thậm chí còn có cách hiểu là Lê Hy Tông cõng Tổ Tông Diễn.

Cách nhìn này thường bị giới nghiên cứu phê là không có cơ sở, không hiểu kinh điển. Nhưng thật ra cách nhìn này không hề sai, chẳng qua do trình độ nhận thức.

Tượng Phật Thích Ca Niêm Hoa khá phổ biến tại Đông Độ nói chung và Việt Nam nói riêng, nhưng vì sao tượng này lại tạc khác và đặc biệt tượng Phật lại đầu trọc? lại tọa trên lưng vua? rồi chẳng những pho tượng này mà còn nhiều pho tượng Phật, Bồ tát khác trong chùa cũng tạc đầu trọc?

Đây là cách nhấn mạnh vai trò của Tăng là sứ giả của Phật, Bồ tát, vì vậy hệ tượng này không thể tách rời sự kiện Pháp nạn đời Lê Hy Tông, cho nên nếu chỉ hiểu theo ý nghĩa kinh điển sẽ không đầy đủ, nhất là giải thích tượng Phật sao lại trọc đầu như sư.

Nếu là một pho tượng thần thánh ở đền miếu thì chẳng nói làm gì nhưng một pho tượng Phật ở chùa luôn có nhiều ý nghĩa sâu xa của nó.

Về mặt tương đối, chúng ta có thể phân biệt các vị qua y áo, hình tướng, tay ấn, tọa kị... đại loại như Phật Thích Ca ngồi tòa sư tử, hở vai áo,... Phật Di Đà tay ấn thiền định, Phật Dược Sư có viên ngọc, bảo tháp, bình bát có cây thuốc, tay ấn thí nguyện, Phật Di Lặc thì ngồi thống chân, rồi Bồ tát... rồi tòa Khổng tước, tòa Bảo mã, tòa Kim sí điểu, pháp khí, chuông chày,...

Nhưng tuyệt đối mà nói thì mỗi pho tượng Phật đó đều đại diện cho tất cả 3 đời Phật Qúa Khứ, Hiện Tại, Vị Lai, vô số mười phương Phật.

Dù có đủ một bộ 3 pho đề mỗi pho là Qúa - Hiện - Vị Lai thì tự thân 1 trong 3 pho cũng lại đủ cả Qúa - Hiện - Vị Lai chứ không phải pho được đặt thời Qúa khứ thì chỉ có Qúa Khứ. Lại nữa, chúng sinh trong 3 cõi triển chuyển không ngừng, vậy ai dám nói Lê Hy Tông không làm Phạm Thiên ở đời vị lai? ngay chính chúng ta cũng vậy.

Hơn nữa khi được cao tăng chỉ pháp sửa sai đó chắc chắn không chỉ là sám hối việc đã làm mà còn phải phát nguyện Hộ trì giáo pháp mới mong tiêu trừ nhanh tội lỗi, vậy thì chuyện tượng đó là Lê Hy Tông cõng Phật là có cơ sở, chuyện mượn ý kinh cũ để nói lên tâm ý hiện tại là có thực.

Chẳng những vị vua đang quỳ đó là Đại Phạm Thiên Vương hay Lê Hy Tông phát nguyện hộ pháp đâu, mà đó là hình ảnh của tất cả các vị vua hộ pháp.

Thế hình ảnh Lê Hy Tông cõng Tổ Tông Diễn thì sao? Cũng như vậy, Tông Diễn chẳng nhận mình là Phật nhưng thực ra Tông Diễn chẳng sớm thì muộn lại thành Phật ở Vị lai, chẳng những Tông Diễn Đại sư thành Phật Vị lai mà chúng sinh cũng vậy.

Qua đây, ta thấy mượn tích xưa tạc tượng nhưng hoàn toàn có thể thấy Lê Hy Tông cõng Phật hay Lê Hy Tông thành Phạm Thiên, Tông Diễn thành Phật ở đời Vị lai.

3. Pho tượng không tồn tại trong chính nó

Phần này nói dễ thì dễ, nói khó thì lại khó, ít ai quan tâm nhưng lại mang chút phong vị Thiền. Sau phần ý nghĩa thứ 2, có người bảo "đó là suy diễn, gán ghép, dùng ngôn tự giảo hoạt ra, chứ nhỡ tượng đó có tên hiệu yểm rõ ràng ở trong tượng thì sao?".

Đúng vậy, dù có tên hiệu ghi rõ ràng "Đại Phạm Thiên Vương" thì cũng chẳng hề chi. Tượng ở chùa trong Phật Pháp là như vậy.

Chưa cần trí tuệ sâu xa, chỉ cần lý trí thông thường chúng ta hãy định tĩnh và bóc tách pho tượng.

Pho tượng này là tượng sơn, tác giả cũng không khẳng định rõ bằng gỗ hay đồng hun rồi sơn nhưng cái đó tương tự nhau, cứ cho là tượng gỗ sơn phổ biến đi. Vậy nó có cái gì?

- Gỗ làm cốt, đất đắp ngoài, sơn then, sơn bề mặt, vàng bạc thếp..., lỗ yểm tâm, tên hiệu... cả một tổ hợp như vậy thì Đại Phạm Thiên nằm ở chỗ nào trong mớ vật liệu đó? hay do tổ hợp của vật liệu? Lại nữa, tờ giấy ghi tên hiệu yểm tâm thì sao?

Viết bằng chữ Nho chẳng hạn, thì trẻ con, người không biết chữ Nho xem có hiểu không? hay chỉ hiện lên ở người biết chữ?

Giả sử chữ đó là "Phạm Thiên ", thì cũng tờ giấy đó hay tờ văn bản in hàng ngày, viết hàng ngày đem phóng thật to lên, chúng ta sẽ thấy:

Nó không giống như ta đã thấy, chẳng có con chữ nào liền nét cả, toàn là các hạt mực đen nhỏ li ti đè lên nhau, lỗ chỗ...

Vậy cái chữ đó nó nằm chỗ nào trong đống hạt mực nhỏ li ti đó?

Nó là một ảo ảnh, cả con chữ hay pho tượng là một sự tưởng tượng gán ghép được tổ hợp trên đống vật liệu, hay đống hạt mực. Sâu xa nữa, cả đống hạt mực cũng là ảo ảnh tổ hợp trên vô số hạt nhỏ khác, tờ giấy cũng chỉ là một đống sợi gỗ, sơn cũng vậy...

"Chư Pháp Do Duyên Sinh"

Chẳng có cái gì tự nhận là pho tượng hay tên hiệu cả đó chỉ là do tâm chúng ta tự phóng chiếu ra mà thôi.

4. Thấy chính mình ở pho tượng

Nếu các pho tượng chùa chỉ dừng ở mức kể lại chuyện xưa, tích cũ thì bài học cho bản thân ở đâu? công dụng của các giáo cụ trực quan đó chỉ thế thôi sao.

Kính Phật, Bồ tát, La Hán là quý, thấy việc lành tán thán là quý nhưng quý hơn là tự mình làm, quý hơn là phát Bồ đề Tâm thành Phật độ hết chúng sinh.

Trong kinh có ẩn dụ chúng sinh chúng ta như anh chàng Cùng Tử, có ngọc quý đeo mà vẫn chịu đói nghèo.

Nếu ai thấy tượng mà phát nguyện tu trì để thành Đại Phạm Thiên ở Vị lai ủng hộ Phật pháp thì nguyện đó là thù thắng và sẽ thành sự thật khi đủ duyên, khi đó nó là tượng chính mình ở Vị lai.

Nếu người nào nguyện thành Phật để độ hết chúng sinh thì làm gì còn thù thắng nữa.

Phật, Bồ tát, Thánh Tăng không phải chỉ muốn chúng sinh kính trọng Tam bảo đâu mà thực sự muốn chúng ta đi theo con đường của các Ngài để thành như các Ngài không khác.

Nếu ai thấy tượng chính mình ở đời Vị lai không phải để thành sự ngã mạn được cung kính, mà thành các đấng lợi ích hữu tình thì đó là nhận ra đạo Phật, đạo của ngôi chùa Hòe Nhai.

Chẳng có gì ngoài Tâm mà cái Tâm thì chúng ta cũng có Từ nền tảng Tâm đó, chúng ta có thể thành Phật, thành Phạm Thiên hộ pháp.

5. Các ý nghĩa khác

Có lẽ còn vô số ý nghĩa khác nhau tùy nhận thức, một người vào chùa cũng chưa cần hiểu nhiều ý nghĩa như vậy, nhưng mục đích bài viết nêu chẻ ra chỉ nhằm cho thấy nhiều ý nghĩa mà không chống trái nhau, không có chuyện có cái này thì không thể có cái kia.

Thực tế chính bài viết này cũng có vô số cách nhìn nhận.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 364
    • Số lượt truy cập : 6947172