Thông tin

NGHĨ VỀ XU HƯỚNG SỐNG TỐI GIẢN

 

VU GIA

 

Nhìn lại xu hướng sống tối giản, tôi nhớ đến câu thơ của Nguyễn Công Trứ: “Tri túc tiện túc, đãi túc hà thời túc” (Biết đủ là đủ, đợi cho đủ thì bao giờ đủ), nên chúng ta hãy tìm vui trong những ngày đang sống. Đức Phật cũng đã dạy: “Tri túc thường lạc” (Biết đủ là vui).

Trong kinh Thủy Sám, Phật thuyết: “Tri túc chi nhơn tuy ngọa địa thượng du vi an lạc. Bất tri túc chi nhơn tuy xứ Thiên đường diệt bất xứng ý” (Người biết đủ, dù nằm trên đất cát vẫn an vui. Trái lại, người không biết đủ, dù ở xứ Thiên đường cũng không vừa ý). Phật còn dạy: “Tri túc thường lạc” (Biết đủ là vui). Cách sống ít ham muốn và biết thế nào là đủ (Thiểu dục tri túc) theo quan niệm nhà Phật, thời nào cũng cần suy ngẫm. Đặc biệt, vài ba mươi năm trở lại đây, xu hướng sống tối giản trở nên phổ biến trên phạm vi toàn cầu.

Cái mặc, cái ở thời nay

Nói về cái mặc, ca dao có câu: “Người giàu má đỏ, mày xanh/ Quần là áo lượt đua tranh lên đường”. Thành ngữ phổ biến nhất: “Quần là áo lượt”. Là và lượt là hai thứ hàng lụa. Do vậy, nói đến “quần là áo lượt” là nói đến những người giàu có, sang trọng, luôn tỏ ra lịch sự, chỉnh tề trong ăn mặc, đi đứng; hoặc chỉ người ăn mặc đẹp đẽ, gọn gàng. Còn những người nghèo chỉ cần có mảnh vải che thân là tốt lắm rồi, dẫu mảnh vải ấy vá chằng vá đụp. Nghe bà nội tôi kể trước Cách mạng Tháng Tám, ở quê tôi có nhiều người không có áo quần để mặc, suốt ngày chỉ mặc áo tơi. Nói áo tơi cho sang, chứ tiền đâu mà mua lá tơi. Người ta vót tre làm bộ khung cái tơi, thay vì phủ lá tơi, họ phủ rơm rạ, và... cũng qua một đời.

Bây giờ, khác lắm lắm. Thời trang đường phố (Street fashion) là phong cách thời trang nổi lên không phải từ các phòng chụp ảnh mà là từ trang phục đường phố bình dân. Nói chung, thời trang đường phố có liên quan đến văn hóa giới trẻ và thường thấy nhất tại trung tâm các đô thị lớn trên thế giới từ thập niên 90, ảnh hưởng đến Việt Nam, trở thành xu hướng khá nổi bật.

Ngày nay ra đường, chúng ta thấy nam thanh nữ tú mặc quần rách, áo rách, quần áo bạc màu, thậm chí có vài miếng vá khác màu để cho người ta biết đó là miếng vá,... không còn lạ, bởi đó là phong cách Street style. Đó cũng là xu hướng sống tối giản được lớp trẻ ưa chuộng.

Tiếp đến là cái ở. Gần đây, báo chí cho biết Travel Cabin là sản phẩm của Jack Stewart, vốn làm nghề hướng dẫn viên du lịch, dẫn chương trình truyền hình và là nhà tự nhiên học. Chỉ mất 7 ngày để chế tạo, Travel Cabin được làm từ những vật liệu tái chế được tận dụng, có pin năng lượng mặt trời, kho chứa quần áo và thiết bị, và đã đi khắp bang Minnesota của nước Mỹ, cho thấy giá trị của một căn nhà “bé như hạt tiêu”.

Xu hướng sống tối giản, những ngôi nhà tí hon và các giải pháp sống di động đã trở nên phổ biến bất ngờ trong những năm gần đây. Một trong số đó, có ngôi nhà tí hon của YouTuber David Rule. YouTuber này từng gây chú ý khi chứng minh rằng có thể tự tay làm nhà tí hon mà không cần kế hoạch và ngân sách dưới 8.000 USD.

Ngôi nhà tí hon của David Rule không thực sự là nhà di động theo cách hiểu truyền thống. Nhà di động có hai hình thức phổ biến, một là cải tạo không gian cabin xe làm nơi sống, hai là dạng rơ moóc kéo đằng sau một chiếc ô tô.

Nhà của Rule không thuộc nhóm nào cả, song vẫn là một ngôi nhà thu nhỏ nằm trên bánh xe ở bốn góc. Vì vậy về cơ bản, nhà vẫn có thể di chuyển - hoặc ít nhất là di động theo ý muốn của gia chủ. Nhà di động mini của David Rule gói gọn tất cả những tiện nghi sinh hoạt của một ngôi nhà thực sự, mặc dù được thu nhỏ lại về kích thước, bao gồm hệ thống ống nước thô sơ, điện, nước sinh hoạt, nhà vệ sinh và thậm chí cả vòi hoa sen. Ngôi nhà tí hon của Smith có diện tích 2,3m2, trong đó có 2,1m2 là có thể ở được và tiếp được vài vị khách đến chơi.

Xu hướng sống tối giản này, đúng theo tinh thần “Thiểu dục tri túc” của nhà Phật.

Cái khổ trước mắt của đời người

Nhà Phật nói đời là bể khổ, nhưng cái khổ trước mắt được con người quan tâm là ăn, mặc, ở. Thời đức Phật còn tại thế, Ngài tu khổ hạnh 6 năm. Đệ tử của Ngài có rất nhiều vị tu hành chứng đắc quả vị A La Hán, trong đó, Ngài Đại Ca Diếp được mệnh danh Đầu đà đệ nhất. Đầu đà nghĩa là khổ hạnh. Người thực hành hạnh này sẽ dễ thúc liễm thân tâm, thanh tịnh ba nghiệp (thân, khẩu, ý).

Trong Phật Quang Đại Từ Điển, người tu hạnh đầu đà thực hành 12 pháp khổ hạnh, còn trong Thanh Tịnh Đạo Luận, người tu hạnh đầu đà chuyên hành trì 13 pháp khổ hạnh. Nhưng, đó là chuyện trong kinh sách ghi lại sự việc cách nay hơn 2.500 năm, nên tin cũng được, không tin cũng chẳng sao.

Chuyện gần đây của ông Lê Anh Tú (sinh năm 1981), dân gian gọi là sư Minh Tuệ. Nhìn cách “tập học” của ông, người ta tin ông tu hạnh đầu đà, giống như Phật Thích Ca Mâu Ni sau khi khai ngộ. Ông bộ hành khất thực, ngày ăn một bữa, không có trú xứ nhất định. Ông đi khắp đất nước trong nhiều năm. Hành trình ấy của ông gây nên sự chú ý với đông đảo quần chúng, đến nay vẫn còn nhiều người quan tâm.

Ông không tự xưng mình bằng “thầy” hay xưng “tôi” như các nhà sư khi giao tiếp với người khác, mà chỉ xưng “con”. Điều này, được cho là mang tinh thần triết lý “vô ngã” của nhà Phật. Thật ra, trong kinh Bồ Tát Giới, Phật dạy: “Hết thảy người nam là cha ta. Hết thảy người nữ là mẹ ta”, nên ông xưng “con” với mọi người là thực hiện đúng lời Phật dạy.

 


Ông Lê Anh Tú, dân gian gọi là sư Minh Tuệ

 

Qua thực tế từ sự tu hành của sư Minh Tuệ, cho chúng ta đôi điều suy ngẫm. Về cái ăn, ông chỉ ăn ngày một bữa, nhưng lao động (đi bộ) không có ai bằng, ấy mà ông vẫn khỏe, vẫn vui, mặt lúc nào cũng tươi roi rói. Điều này, nói lên cái gì? Ai cũng biết ăn uống để bồi đắp năng lượng tiêu hao, nhưng ông ăn như thế, lao động như thế, tại sao vẫn khỏe? Chỉ có lời giải thích đơn giản là năng lượng trong cơ thể mỗi người tiêu hao nhiều do tâm trôi nổi, suốt ngày nghĩ đông nghĩ tây, nghĩ những chuyện cả đời không thể giải quyết được và cũng không có bổn phận để giải quyết.

Như vậy, cái ăn không quan trọng, nhắc nhở chúng ta đến bữa ăn chớ nên chê món này mặn, món kia nhạt, cơm hôm nay khô hoặc nhão,... làm buồn lòng vợ con, khiến gia đình không vui. Một bữa ăn thôi mà, có cần thiết gây buồn phiền như thế không?

Về cái mặc. Nhìn cách mặc của ông, chúng ta thấy đó là hạnh mặc y phấn tảo, nghĩa là vải may y nhặt ở lề đường, nghĩa địa, đống rác..., đủ màu sắc, có gì phối nấy. Và y phấn tảo này trở thành thương hiệu thời trang hiện nay, nhất là phù hợp với xu hướng thời trang đường phố (Street fashion). Điều này, cho thấy cái mặc cũng không quan trọng, miễn sao trong lòng thấy vui là... trên cả tuyệt vời! Phật dạy: “Tri túc thường lạc” (Biết đủ là vui).

Về cái ở. Sư Minh Tuệ giống như đức Phật ngày xưa, không có trú xứ nhất định, nghỉ dưới gốc cây, trong lều chợ, ngoài nghĩa trang,... ấy mà vẫn vui, vẫn khỏe.

Xưa nay, ước mơ của con người “ăn no, mặc ấm”. Bây giờ, “ăn no” của nhân dân ta đã được giải quyết. Sau sự nghiệp đổi mới chừng mươi năm, nhiều người đã đạt đến “ăn ngon, mặc đẹp”. Mươi năm lại đây, đã có không ít người tiến lên thêm một bước “ăn đủ dinh dưỡng, mặc hợp thời trang”. Mặc hợp thời trang bây giờ là Street fashion, nên không lo lắng bị chê không lịch sự, không nghiêm túc. Còn chốn ở, với quan niệm “sống cái nhà, già cái mồ”, nên nhiều người khổ vì chuyện này. Từ túp lều, phấn đấu lên nhà lá, nhà tranh, tiếp tục phấn đấu lên nhà cấp 4, nhà lầu, biệt thự,...

Hiện nay, nhiều người đang khổ vì nhà cao cửa rộng, bởi con cái đã ổn định cuộc sống ra ở riêng. Bây giờ, làm gì có chuyện tam đại đồng đường, tứ đại đồng đường. Con cháu đã thành gia lập thất, mà còn phải nương thân vào ông bà, cha mẹ là điều đáng buồn hơn vui. Do vậy, không nên kiêu căng ngạo mạn khi được ở nhà cao cửa rộng, cũng không nên dấy lên tham, sân, si khi chỗ ở thấp kém hơn người khác. Vướng vào những thứ độc ấy (tham, sân, si, mạn) chỉ dấy lên phiền não thôi. Hãy tin lời Phật dạy: Biết đủ là vui.

Cầu thân tâm an lạc ở đâu?

Nhìn lại xu hướng sống tối giản, tôi nhớ đến câu thơ của Nguyễn Công Trứ: “Tri túc tiện túc, đãi túc hà thời túc” (Biết đủ là đủ, đợi cho đủ thì bao giờ đủ), nên chúng ta hãy tìm vui trong những ngày đang sống. Thời đi học, tôi có đọc cuốn sách của tác giả người Mỹ Dale Caregie, Nguyễn Hiến Lê dịch, nhan đề rất hay: Quẳng Gánh Lo Đi Và Vui Sống (How to Stop Worrying and Start Living). Quyển này xuất bản từ năm 1948, chứ không phải gần đây và được đưa vào “Tủ sách Học làm người” ở miền Nam. Quyển sách này là một cẩm nang về cách làm việc và vui sống không bị lo âu. Trong đó, tôi nhớ có mấy ý đồng hành cùng tôi nhiều năm, chẳng hạn: “Hễ lo lắng thì hãy cặm cụi làm việc để khỏi bị chết vì thất vọng”, “Hợp tác với những tình thế không tránh được”, hoặc nếu không có việc gì làm, thì “Hãy chọn công việc dọn dẹp vệ sinh nhà cửa và cố kéo dài thời gian làm việc đó”... Tôi nghĩ, thực hiện được những điều này, chắc sẽ được tâm thanh tịnh, được thân tâm an lạc. Tất cả đều cầu ở mình.

Kinh Vô Lượng Thọ, viết: “Tâm thanh tịnh, không nhiễm lợi dưỡng”. Qua thực tế việc tu hành của ông Minh Tuệ, chúng ta có thể thấy ông đã và đang học đức hạnh của đức Phật Thích Ca Mâu Ni, ngày ngày đi khất thực, chỉ ăn một bữa, đêm ngủ dưới gốc cây, ở lều chợ, ở nghĩa trang...; trên tay không cầm kim ngân, tài vật. Tất cả đều tùy duyên, không hề có chút tham tâm, người ta cúng dường thứ gì ăn thứ đó.

Thức ăn ấy có ngon không? Tôi tin chắc không ngon, nhưng với tâm chân thành, dù mùi vị không ngon, khi ăn vào đều cảm thấy rất ngon, không cảm thấy dở. Điều này, tôi cũng nhận ra được từ bản thân tôi. Mỗi lần có bạn bè gọi mời ăn sáng, uống cà phê, tôi thấy lòng vui rộng mở, nên dù ổ bánh mì thịt 10.000 đồng, và ly cà phê sữa nóng ven đường 12.000 đồng cũng thấy rất có ý nghĩa. Đây là giá cực rẻ hiện nay ở giữa đất Sài Gòn hoa lệ này.

Có người khi ra về không bằng lòng lắm, nhưng tôi thường khuyên chúng mình đã ăn uống cả đời, gặp nhau dù một mẩu bánh mì, một cốc nước lọc, nói chuyện trên trời dưới đất là vui lắm rồi. Ăn đây là ăn tâm tình. Uống đây là uống tâm tình. Mỗi người có hoàn cảnh riêng, còn nhớ bạn bè, mời bạn bè một cốc cà phê, một ổ bánh mì, trò chuyện râm ran, thế là vui, là mừng anh em còn sống, còn đi lại được để gặp mặt nhau. Bây giờ, rất nhiều người chúng ta muốn gặp, có gặp được đâu. Với tôi, tâm chân thành giải quyết tất tật những nghi nan tạp chướng. Và ông Minh Tuệ đã có cái tâm chân thành này, đáng để suy nghĩ.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 19
    • Số lượt truy cập : 6920741