Thông tin

NGHIÊN CỨU MẠCH TRUYỀN THỪA

CỦA CÁC THIỀN SƯ TÔNG TÀO ĐỘNG TẠI TRUNG QUỐC -

THEO NHÁNH PHÁT TRIỂN SANG VIỆT NAM

 

THÍCH DI SƠN*

 

Lời dẫn

Nếu có người hỏi: Thiền tông Tào Động truyền thừa ở miền Bắc Việt Nam từ đâu mà đến? Sự truyền thừa đó từ ai và như thế nào? Luận văn này sẽ đi tìm lời giải đáp cho câu hỏi đó.

Sau khi đức Phật Thích Ca Mâu ni nhập diệt, y pháp của Phật truyền cho tổ sư Ma Ha Ca Diếp, từ tổ Ca Diếp truyền đến thiền sư Bồ Đề Đạt Ma là đời thứ 28. Thiền sư Bồ Đề Đạt Ma mang y pháp sang Trung Quốc truyền đến thiền sư Huệ Năng là đời thứ 33. Đến đây, Lục tổ Huệ Năng không truyền y mà chỉ truyền tâm ấn. Từ thiền sư Huệ Năng chia thành 2 phái lớn do hai đại để tử tiêu biểu: Hoài Nhượng và Hành Tư. Từ hai phái lớn lại chia thành 5 tông, trong đó: Tào Động, Vân Môn, Pháp Nhãn thuộc pháp hệ của Thanh Nguyên, từ pháp hệ này về sau thành tông Tào Động. Tông Tào Động đến đời Ngũ đại truyền sang Triều Tiền, đời Nam Tống truyền đến Nhật Bản, đến thế kỷ XVI, truyền đến Việt Nam. Tông Tào Động truyền đến Việt Nam có 2 nhánh: Nhánh của thiền sư Thủy Nguyệt truyền ở miền Bắc, nhánh của thiền sư Đại Sán (1633 - 1704 ) truyền đến Việ Nam ở thế kỷ XVII lưu truyền ở miền Trung Việt Nam.

Thiền sư Thủy Nguyệt năm 1664 đến Hồ Châu tiếp nhận tâm ấn và kệ truyền thừa của tông Tào Động mang về Việt Nam. Đến nay, mạch truyền thừa đó vẫn miên trường không dứt. Nghiên cứu về sự truyền thừa của các thiền sư tông Tào Động ở Trung Quốc truyền từ Thiền sư Hành Tư đến thiền sư Nhất Cú Trí Giáo-Thầy của thiền sư Thủy Nguyệt là việc làm nhằm thể hiện tinh thần: Nước có nguồn, cây cây cội, con cháu có tổ tiên, tu hành có pháp mạch.

 

Sơ đồ mạch truyền thừa:

 

Tư liệu cho việc nghiên cứu này, tác giả căn cứ vào cuốn “Kế Đăng Lục” của tổ Như Sơn viết năm (1734), thiền sư Phúc Điền tái bản để làm cơ sở chính để xác minh việc truyền thừa tông Tào Động đến Việt Nam. Nhưng tác phẩm này chỉ ghi chép rất khái lược tiểu sử từng thiền sư theo hình thức: Tên, chùa, đắc pháp, kệ truyền đăng cho đệ tử, viên tịch. Để làm rõ hơn những điều mà “Kế đăng lục”, chưa nói đến, tác giả căn cứ vào những tác phẩm chữ Hán khác của Trung Quốc lưu hành như: “Phật tổ đạo ảnh”, “Kế đăng Lục”, “Phật quang đại từ điển”.... để so sánh, đối chiếu với tác phẩm “Kế đăng lục” ở Việt Nam, từ đó làm sáng tỏ hơn hành trạng, sự truyền thừa của các tổ tông Tào Động trước khi đến Việt Nam là có nguồn gốc, chính mạch.

Bài viết gồm 2 phần: Phần 1: Tìm hiểu hành trạng của các thiền sư, phần 2. Nhận định đánh giá quá trình nghiên cứu.

1. Hành trạng các Thiền sư tông Tào Động – nhánh phát triển sang Việt Nam

1.1. Đời 34. Thiền sư Thanh Nguyên Hành Tư (青原行思) 671-7402[1]

Sư họ Lưu, là vị cao tăng Phật giáo thời Đường, người Cát Châu (Nay thuộc tỉnh Giang Tây, thành phố Cát An, huyện Yên Phúc), học pháp ở nơi Lục Tổ Huệ Năng làm chức thủ tọa. Theo “Pháp Bảo Đàn”: Năm 713, tổ Huệ Năm 76 tuổi, Thiền sư Huệ Năng tập trung đồ chúng và nói với Hành Tư: “từ trước thầy trò cùng truyền y – pháp, lấy y để tin, lấy pháp truyền tâm. Ta nay được ngươi, lo gì không tin. Nhưng ta từ khi được y đến nay, gặp nhiều các nạn, huống chi đời sau, sẽ có cạnh tranh. Y lưu lại trấn sơn môn, các ngươi đi giáo hóa mỗi người một phương không cho đoạn tuyệt”. Hành Tư sau khi đắc pháp đến núi Thanh Nguyên, ở chùa Tĩnh Cư tu tập, hoằng pháp, đồ chúng vân tập rất đông. Sư truyền pháp cho đệ tử là Thạch Đầu Hy Thiên.

1.2. Đời 35. Thiền sư Thạch Đầu Hy Thiên (头希迁) 700~790[2]

Sư họ Trần, người tỉnh Quảng Đông, huyện Cao Yếu. Sư từng thụ giới Sa Di nơi Lục tổ Huệ Năng, Thiền sư Huệ Năng viên tịch, sư theo Thiền sư Hành Tư thụ giới tỷ khiêu. Sau được truyền tâm ấn, giáo hóa ở Nam Nhạc. Theo “Cảnh Đức truyền đăng lục” (quyển 14) chép: đệ tử sư có 21 người, trong đó nổi tiếng có: Duy Nghiễm, Đạo Ngộ, Thiên Nhiên, Đại Điên, Chấn Lãng, Thi Lợi v...Sư truyền pháp cho đệ tử là Duy Nghiễm. Tác phẩm để lại có: “Sam đồng khế”, “Thảo am ca”.

1.3. Đời 36. Thiền sư Dược Sơn Duy Nghiễm (药山惟俨 )750-834[3]

Thiền sư họ Hàn, quê ở Ráng Châu ( nay thuộc tỉnh Sơn Tây), Từ sư, tông Tào Động chính thức được phân nhánh. Theo Tống Cao Tăng truyện, quyển 17 ghi: 17 tuổi xuất gia theo thiền sư Tuệ Chiếu, thụ giới cụ túc tại chùa Hành Nhạc, về sau tham thiền, đắc pháp ở thiền sư Hy Thiên. Sau truyền kệ cho đệ tử là: Vân Nham Đàm Thạnh.

1.4. Đời 37. Thiền sư Vân Nham Đàm Thạnh (云岩昙晟)781—841[4]

Sư họ Vương, người Đàm Châu (Nay thuộc huyện Kiến Xương), lúc nhỏ tu học nơi thiền sư Bách Trượng 20 năm vẫn chưa ngộ đạo, sau đến sam học nơi thiền sư Dược Sơn mà ngộ đạo. Do tu ở thiền viện Vân Nham nên hiệu là: “Vân Nham Đàm Thạnh”. Trước tác của sư có “Bảo Kính Tam muội” còn lưu hành, đây là một trong những tác phẩm quan trọng của tông Tào Động. Môn đồ xuất sắc có thiền sư Lương Giới-người khai sáng tông Tào Động. “Cảnh đức truyền đăng lục” ghi: Lương giới khi cáo biệt thầy liền hỏi: “nếu có người đến hỏi diện mạo thế nào thì phải trả lời sao? Đàm Thạnh đáp: “Tức là cái này”. Lương giới không hiểu ý, sau đến bên bờ sông thấy bóng trong nước liền ngộ lý này. Ngày 27 tháng10 năm 841 Đàm Thạnh viên tịch. Đời sau còn xưng là Tổ thứ mười của thiền tông.

1.5. Đời 38. Thiền sư Động Sơn Lương Giới (洞山良价)807~869[5]

Sư là bậc cao tăng đời Đường, họ Du, người đất Cối Kê, được ban sắc hiệu là “Ngộ Bản Thiền Sư”. Sư cùng với đệ tử là Tào Sơn Bản Tịch(840-901)cùng sáng lập nên tông, gộp 2 tên thầy trò thành “Tào Động tông”. Do sư tu hành ở núi Động, chùa Phổ Lợi (Nay thuộc tỉnh Giang Tây) nên gọi là “Động Sơn Lương Giới”. Căn cứ Đại Chính Tạng ghi: “Tháng 3 niên hiệu Hàm Thông, sư cạo đầu tắm gội, đánh chuông tập chúng từ biệt, đại chúng khóc lóc không dứt. Sư chợt mở mắt bảo: Người xuất gia tâm chẳng nương vật là chân tu hành dứt khổ sinh tử làm sao lại buồn?” đến bảy ngày sau, sư tại phương trượng, đoan tọa mà tịch, thọ 63 tuổi.”[6] Để tử đắc pháp có 26 người, tác phẩm để lại “Huyền Trung Minh”, “Phong Trung Ngâm”, Bảo Kính Tam Muội ca”... Tư tưởng Ngũ vị quân thần là tinh thần chủ đạo của tông Tào Động  5 được sư lưu trong “Phong trung Ngâm” Ngũ vị quân thần hay “Động sơn ngũ vị” (năm địa vị giác ngộ).[7]

1.6. Đời 39. Thiền sư Vân Cư Đạo Ưng (云居道膺) 853~902[8]

Sư họ Vương, đất Hồng châu, xuất gia từ nhỏ, 25 tuổi đến chùa Diên Thọ, ở núi Vân Cư nên có tên là “Vân Cư Đạo Ưng”. Sư từng sam học thiền sư Động Sơn Lương Giới và đắc pháp. Sư giảng pháp 30 năm, đồ chúng thường đạt hơn một nghìn năm trăm người, Vua Đường Chiêu Tông ban tặng Ca Sa và tên hiệu: “Hoằng giác đại sư”. Đệ tử có: Vân Trụ, Phật Nhật, Thiệm Quyền, Đạo Phi v.v...

1.7. Đời 40. Thiền sư Đồng An Đạo Phi (道丕禅师) ( ?-905)[9]

Người đất Hồng châu (Nay thuộc tỉnh Giang Tây), sam học nơi thiền sư Đạo Ưng, được truyền mật chỉ, pháp ngữ sâu xa, đạo phong hưng thịnh. Sau trụ ở An viện núi Phượng Thê hoằng dương tông phong Tào Động. “Tống cao tăng truyện chép”, Sư Đạo Phi là tông thất nhà Đường, sau khi sinh sư tròn một năm cha phải đi trận mà mất, bảy tuổi xuất gia, năm mười chín tuổi gặp đời loạn lạc, cõng mẹ vào Hoa Sơn, khất thực nuôi mẹ, sau đến Hoắc Sơn thu lượm hài cốt chiến trường thành một đống sau đó tụng kinh trì chú để tìm xương cha. Vài  6 ngày sau, từ trong đống xương, xương cha sư nhảy ra đến trước mặt. Sư liền nhặt những xương còn lại đi mai táng, xương cha mang về quê an táng.[10]

1.8. Đời 41. Thiền sư Đồng An Chí (còn gọi là Đồng An Quán Chí 同安观志)[11]

Thiền sư không rõ năm sinh năm mất, hoằng pháp ở Hồng Châu, núi Phượng Thê, viện Đồng An (nay thuộc tỉnh Giang Tây). Theo “Kế Đăng lục” và “Phật tổ đạo ảnh” đều ghi: Thiền sư Đạo Phi sắp viên tịch có lên tòa nói: “Nhiều con trước pháp con nào giỏi, trước năm ngọn núi việc thế nào?” hỏi như vậy 3 lần, không ai đáp, Sư liền bước ra trả lời: Đêm sáng trước rèm bày ban đứng, muôn dặm ca dao đạo thái bình”. Thiền sư bảo: Chỉ có vị Lư Hán này tạm được. Sư hiểu ý. Thiền sư Đạo Phi viên tịch, sư kế thừa trụ viện Đồng An nên có tên là Đồng An Quán Chí. Sau truyền pháp cho Duyên Quán.

1.9. Đời 42. Thiền sư Lương sơn Duyên Quán (梁山缘观)[12]

Sự tích của sư ghi trong “Phật tổ đạo ảnh” trùng nội dung với “Kế đăng lục” Nhưng “kế đăng lục” còn phong phú hơn. Sư người Lãng Châu, sau trụ Lương Sơn (Nay thuộc tỉnh Hồ Nam) nên gọi là Lương Sơn Duyên Quán. Có vị Tăng Cảnh Huyền đến hỏi đạo: Sư hát bài của ai? Tông phong truyền cho ai? Sư đáp: rồng sinh rồng con, phượng sinh phượng con. Huyền đỉnh lễ tạ. Sư bảo: gia phong (có) con cháu ngoan. Nay chính pháp nhãn tạng truyền cho ngươi. Sư nói kệ truyện pháp xong, ngồi viên tịch. Tháp tại Lương Sơn.

1.10. Đời 43. Thiền sư Thái Dương Cảnh Huyền(大阳警玄) 948-1027[13]

Sư là một trong những bậc cao tăng long tượng đời Tống, họ Trương, người Sính Châu (Tỉnh Hồ Bắc), lúc nhỏ ở chùa Sùng Hiếu (Kim Lăng-nay là Nam Kinh), xuất gia theo chú ruột là hòa thượng Trí Thông. Sau khi thụ giới liền có thiền cơ, giáo hóa đồ chúng. Thiền sư Hiển Như đến sam vấn sư. Sư hỏi: ngươi là người phương nào? Đáp: Ích sơn. Hỏi: Cách đây bao xa? Đáp: năm nghìn dặm. Hỏi: Ngươi đi bằng gì đến hay đạp đất mà đến? Đáp: Chưa từng đạp đất. Hỏi: Vậy ngươi có thể bay? Đáp: Chưa từng biết bay. Hỏi: Vậy sao ngươi có thể đến đây? Đáp: Mỗi bước chẳng lạc phương hướng, thân chẳng ngại nơi nào. Hỏi: Ngươi siêu việt tam muội chăng? Đáp: Tâm thánh chẳng thể được, Tam muội há nêu danh. Sư bảo: Đúng thế, đúng thế, ngươi nên tin vậy tức bản thể hiển bày, sự lý không hai, khéo nên hộ trì. Ngày 19 tháng 7 năm Đinh Mão (1027) niên hiệu Thiên Thánh thứ năm Tống Nhân Tông, thiền sư Huyền Cảnh thị tịch, xây tháp ở Thái Dương phụng thờ.

Trong “Thiền Lâm Tăng bảo truyện” có ghi rõ sự truyền pháp Thiền sư Cảnh Huyền: Trước khi thiền sư tịch đem tín vật trao cho Pháp Viễn (Tống Nhân tông ban pháp hiệu là Viên Giám)[14] bảo: Ngươi tuy không tiếp pháp của ta nhưng ngươi sau này thay ta truyền pháp cho người khác. Sư tịch 10 năm sau, Pháp Viễn gặp Đầu Tử Nghĩa Thanh và đem tín vật của Cảnh Huyền ra trao và bảo: Ngươi không phải đệ tử của ta mà là đệ tử của của hòa thượng Thái Dương Cảnh Huyền, ngươi phải kế thừa thiền pháp của tổ, ta nhận trọng trách phó thác của tổ trao cho ngươi, ngươi là kế đăng của tông Tào Động.

1.11. Đời 44. Thiền sư Đầu tử Nghĩa Thanh (义青) 1032-1083[15]

Sư họ Lý, người tỉnh Hà Nam, 7 tuổi xuất gia tại chùa Diệu Tướng, đắc pháp nơi thiền sư Thái Dương Cảnh Huyền, truyền thừa tông phong Tào Động, truyền pháp cho thiền sư Phù Dung Đạo Khải, sau trụ ở núi Đầu Tử, chùa Thắng Nhân nên gộp tên là “Đầu tử Nghĩa Thanh”. 

Sự đắc pháp của sư như trên đã nói ở trên, các giai thoại thiền về sư khá phong phú. Đơn cử: Nghĩa Thanh đắc pháp từ tổ Cảnh Huyền thông qua Pháp Viễn, Pháp Viễn bảo: ông nên qua chùa Viên Thông đi. Nghĩa Thanh đến chùa Viên Thông chỉ ăn và ngủ, tri sự tăng báo cáo với Trụ trì Pháp Tú. Pháp Tú cầm tích trượng đến bảo: Nơi đây không cung cấp cho người ăn không ngồi rồi. Thanh bảo: Vậy sư phụ bảo con làm gì? Đáp: Vì sao không đi sam thiền? Thanh đáp: người ăn no rồi thì cỗ ngon còn ích gì. Hỏi: có người không đồng ý với cách nghĩ của ông. Đáp: Đợi người khác đồng ý thì ý nghĩa gì. Thấy Nghĩa Thanh ứng đáp đầy thiền cơ, liền hỏi: Thượng tọa từ nơi nào đến? Đáp: Từ đạo tràng của Pháp Viễn đến. Pháp Tú sững sờ: Thảo nào!. Hai người liền bắt tay, nhìn nhau cười lớn.

Theo “Ngũ đăng hội nguyên”, về sau sư ở núi Đầu Sơn hoằng pháp, tự thân thường mặc áo vá, không chứa vật dư, nỗ lực thuyết pháp, thường làm thơ viết kệ, ý tứ xâu xa. Tác phẩm để lại “Ngũ vị tụng tinh tự”. Niên hiệu Nguyên Phong triều Bắc Tống thị tịch, thọ 53 tuổi, tháp tại Chùa Đầu tử.

1.12. Đời 45. Phù Dung Đạo Khải (芙蓉道楷) 1043 -1118[16]

Cao tăng thời Bắc Tống, truyền thừa tông Tào Động từ Thiền sư Đạo Ưng xuống là đời thứ 6. Sư họ Thôi, người Nghi Châu, lúc nhỏ học đạo lão, ở ẩn ở núi Y Dương. Năm 31 tuổi, nhân thi kinh Pháp Hoa mà xuất gia. Đắc pháp ở nơi thiền sư Đầu Tử. Tại Đầu Tử, sư làm điển tọa quản việc ăn uống trong tăng. Năm 40 tuổi, sư từ tạ thiền sư Đầu Tử đi du hóa, thuyết pháp tại các nơi: Động tiên thuộc Sơn Tây, Long Môn (Hà Nam), Thái Dương, Đại Hồng (Hồ Bắc). Năm 63 tuổi, vua sắc lệnh ở chùa Tịnh Nhân (Hà Nam) 4 năm, sau lại đến chùa Thiên Ninh. Vua Tống ban sắc phong là “Định Chiếu Thiền sư” cùng cà sa tía nhưng sư từ chối không nhận, do đó mắc tội. Sử chép: Vua ban hiệu cho thiền sư là Định Chiếu cùng một tấm áo cà sa tía. Sư liền lên hương bái tạ ân thánh và viết biểu từ chối: “Cúi mong thánh ân, ban hiệu và y. Thần nghĩ ơn lớn, thăng tòa đốt hương, chúc thánh thọ vạn tuế. Nhưng chợt nghĩ: Thần giới sơ đức bạc, đạo lực mỏng manh, đã từng phát nguyện, chẳng nhận lợi danh, 9 kiên trì ý này, mới có vài năm. Nay dẫu đội ơn, thì trái với nguyện làm sao dạy người? Cho nên các vật, chẳng dám tiếp nhận...”

Năm 1113 sư về cố hương xây chùa Hưng Hóa, giáo hóa đồ chúng. Ngày 14 tháng 5 niên hiệu Trùng Hòa năm đầu đời Tống Huy Tông (1118) sư viết kệ cho Đơn Hà Tử Thuần rồi viên tịch. Xá lợi thờ tại chùa Hoa Nghiêm, sau dời đến Đại Hồng Sơn Phật Tháp ở Tùy Châu. Tác phẩm để lại một quyển “Kỳ viên chính nghi” (Lưu trong Tân Soạn Tục Tạng Kinh).

1.13. Đời 46. Đơn Hà Tử Thuần(丹霞子淳)1064~1117[17]

 Sư họ Giả, người đất Kiếm Châu (Nay thuộc tỉnh Tứ Xuyên), tuổi nhỏ xuất gia ở chùa Đại An. Từng sam phương học đạo với các thiền sư: Ngọc Tuyền Phương, Chân Như Mộ Triết, Chân Tịnh Khắc Văn, Đại Hồng Pháp Ân... về sau sam học thiền sư Phù Dung Đạo Khải và được nối pháp tông Tào Động. Trước ở núi Đơn Hà (Nay thuộc tỉnh Hà Nam), sau đến núi Đại Hồng hoằng dương thiền phong. Ngày 11 tháng 3 niên Hiệu Tuyên Hòa thứ nhất viên tịch, tháp ở Hồng Sơn. Đệ tử có các vị tiêu biểu: Chân Yết Thanh Liễu, Thiên Đồng Chính Giác, Đại Thừa Lợi Thăng, Đại Hồng Khánh Dự... tác phẩm để lại có 2: “Hư Đường Tập” 6 quyển, “Đơn Hà Tử Thuần thiền sư ngữ lục” 2 quyển.

1.14. Đời 47. Thiền sư Thanh Liễu (Chân Yết Thanh Liễu 了 1088~1151[18]

Sư họ Ung, người Tứ Xuyên, đời Nam Tống, lúc nhỏ học kinh ở Thành Đô, ngộ đạo nơi thiền sư Đơn Hà. Từng ở các nơi: Trường Lô ( Hà Nam), Kính Sơn (Hàng Châu), Từ Ninh v.v... 64 tuổi khai sơn chùa Hiến Hiếu ở Hàng Châu. Truyền pháp cho thiền sư Thiên Đồng, sau khi viên tịch tháp ở Chân châu.

1.15. Đời 48. Thiền sư Thiên đồng Tông Ngọc (宗珏) hiệu Đại Hưu 1091~1162[19]

Sư họ Tôn, người An Huy, xuất gia năm 16 tuổi, từng sam yết thiền sư Chiếu Đạo Hòa, sau đến học với thiền sư Chân Yết Thanh Liễu, được tâm ấn. Năm 1132 bắt đầu giảng pháp ở chùa Nhạc Lâm, sau dời đến chùa Tuyết Đậu. Bốn năm sau đến  10 chùa Thiên Đồng hoằng pháp rộng lớn, học chúng có đến trên ba nghìn người nên xưng là “Thiên Đồng Tông Ngọc”. Sư thị tịch năm 72 tuổi, truyền pháp cho Túc Am Trí Giám.

1.16. Đời 49.Thiền sư Tuyết Đậu Trí Giám (窦智鉴)1105~1192[20]

Sư họ Ngô, người An Huy. Lúc trẻ sam học nơi thiền sư Thanh Liễu được thầy rất coi trọng. Sau sư tu khổ hạnh ở núi Tích Tượng, nửa đêm khai ngộ. Về sau lại theo thiền sư Tông Ngọc và đắc pháp. Năm 1154, sư trụ ở chùa Thê Chân, sau trụ ở các chùa: Định Thủy, Hương Sơn, Báo Ân. Năm 1184, sư trụ ở núi Tuyết Đậu, bốn phương tìm về, tông phong hưng thịnh, sau ẩn ở am phía đông của chùa. Niên hiệu Thiệu Hy thứ ba thị tịch, thọ 88 tuổi, để tử được truyền kệ là Thiên Đồng Như Tịnh.

1.17. Đời 50. Thiền sư Như tịnh (净), tự Trường Ông 1163-1229[21]

(Tổ sư Tào Động Tông Nhật Bản)

Tổ người Du, người tỉnh Triết Giang, xuất gia từ nhỏ, tinh tiến học kinh luận, mười chín tuổi mắt đầu du phương học đạo. Về sau sư sam học nơi thiền sư Tuyết Đậu. Năm 1210, sư được mời thỉnh trụ trì chùa Thanh Lương, sau hoằng hóa ở 5 đạo tràng: Chùa Thụy Nham (Đài Châu), chùa Tịnh Từ (An phủ), chùa Thụy Nham (Khánh Nguyên), cuối đời kiêm trụ trì chùa Cảnh Đức (Núi Thiền Đồng). Sư hành cước hơn 40 năm, thọ 66 tuổi. Sư viên tịch tại chùa Tịnh Từ, nay vẫn còn tháp tổ. Tác phẩm để lại có: “Thiên Đồng Như Tịnh thiền sư ngữ lục” (2 quyển), “Thiên đồng Như Tịnh thiền sư tục ngữ lục” (1 quyển) hiện lưu trong “Tục Tạng Kinh”.

Thiền sư Như Tịnh nhấn mạnh việc ngồi thiền là phương pháp tu tập chính của thiền tông, chủ trương lấy tâm truyền tâm, kiến tính thành Phật. Niên hiệu Gia định thứ 16, danh tăng Đạo Viễn người Nhật Bản đến học đạo nơi thiền Như Tịnh, đắc pháp rồi về Nhật bản truyền thừa tông Tào Động, thờ thiền sư Như Tịnh làm thủy tổ.

1.18. Đời 51. Thiền sư Lộc Môn Tự Giác (鹿门自觉) Lộc Môn Giác[22]

Sư sam học nơi thiền sư Như Tịnh. Gặp lúc thiền sư Như Tịnh thăng tòa nói kệ: “Chim đậu cành mai vốn nguyên hình. Nhện dăng mạng lưới bắt chuồn chuồn. Chuồn chuồn rụng mất hai cái cánh, đáng cười con chim cắn phải đinh”. Sư không hiểu cười rằng: “Sớm biết đèn là lửa, cơm chín biết bao giờ”. Về sau được thừa ấn ký, rộng độ quần sinh. Truyền pháp cho đệ tử là Nhất Biện. Sư tịch, tháp thờ tại Nhượng Châu.

1.19. Đời 52. Thiền sư Phổ Chiếu Nhất Biện. (1081—1149)[23]

Sư họ Hoàng, người Giang Tây, xuất gia năm mười một tuổi. Sau khi xuất gia từng đi tham vấn thiền Vân Môn và Lâm Tế sau mới đến chỗ thiền sư Lộc Môn và đắc pháp ở đây. Về sau thiền sư Lộc Môn giới thiệu cho đến sam học nơi thiền sư Đạo Khải và được ấn khả. Không lâu được mời thỉnh trụ trì các chùa Thiên Ninh, chùa Vạn Thọ, chùa Phổ Chiếu. Tại chùa Thiên Ninh thường ở trong thất lập ra trăm câu hỏi để khảm nghiệm người tu học, sau biên tập thành sách “Thanh Châu Bách Vấn”. Sư còn trụ trì chùa Chùa Hoa Nghiêm tức chùa Đàm Giá (Yến Kinh-Nay là Bắc Kinh), tại đây sư hoằng dương tông phong tông Tào Động và “giới hạnh”, đương thời đại chúng khâm phục, đời sau gọi là Tị tổ của Tông Tào Động tại phương Bắc từ thời Nguyên, Kim. Sư Thị tịch vào niên hiệu Kim Hy Tông Hoàng Thống thứ 9, thọ 69 , tháp tại Thanh Châu.

1.20. Đời 53. Thiền sư Đại Minh Bảo (大明僧宝) (Đại minh Tăng bảo)[24]

Sư người Từ châu (Nay thuộc tỉnh tỉnh Hà Bắc), còn gọi là Đại Minh Tăng Bảo, là đệ tử đắc pháp của tổ Phổ Chiếu Nhất Biện. Tăng bảo xuất gia học đạo nơi pháp tòa của tổ Nhất biện.

Sư để lại “Ngũ vị tụng” khá đơn giản giải thích về ngũ vị của tông Tào Động. Trước khi viên tịch nói kệ cho đệ tử (không nói rõ là cho đệ tử nào), rồi bảo: Ta nhìn thấy cảnh giao trì đến tiếp đón rồi, nói xong ngồi tịch, xây tháp thờ sư ở Từ Châu.

1.21. Đời 54. Thiền sư Ngọc Sơn Thể (玉山师体) (Ngọc Sơn Sư Thể)[25]

Sư họ La, người Đài Châu, Sư tu ở chùa Đại Minh (Từ châu, tỉnh Hà Bắc), được làm thị giả thiền sư Tăng Bảo mười năm. Tại đây Sư căn cứ phép tắc của tông Tào Động tu hành, miên mật dụng công, tơ hào không xuất hiện. Về sau được thiền sư Đại Minh ấn khả, nhưng Ngọc Sơn vẫn không vội xuất thế hoằng pháp mà ẩn tu ở Thái Nguyên Tây Sơn, Về cuối đời, ứng theo lời thỉnh cầu của quan địa phương, sư trụ trù chùa Ngọc Sơn, sáng lập thiền tịch. Trước khi tịch nói kệ truyền pháp cho thiền sư Tuyết Nham

1.22. Đời 55. Thiền sư Tuyết Nham Mãn 雪岩满 (Vân Nham Mãn)[26]

Sư kế đăng trụ trì chùa Đại Minh, ở Từ châu (Nay thuộc tỉnh Hà Bắc) mà có tên: “Từ châu, đại minh, tuyết nham mãn”. Sau khi xuất gia sam phương học đạo ở Trịnh châu với thiền sư Phổ Chiếu Bảo. Sau khi được đào tạo ở nơi thiền sư Phổ Chiếu Bảo, sư mới đến Thái Nguyên lễ Ngọc Sơn Sư Thể làm thầy. Một hôm thiền sư Sơn Thể giơ bức tranh nhân duyên thiền sư Lương Giới ngộ đạo lên, nhất thời lòng nghi phát khởi, Thiền sư Sư Thể liền khai thị: “không nghi lời nói, thì là bệnh lớn, người nay đã nghi, bệnh đã phát rồi, nay biết bệnh, đã biết thuốc chữa chưa? Từ đó Tuyết Nham ngày đêm tại thiền đường dụng công sam cứu công án ngộ đạo của thiền sư Động Sơn Lương Giới. Khi đọc đến “Ngũ vị tụng” thì hốt nhiên tỉnh nói rằng: “Ngày nay mới biết bệnh là thuốc”.  Sau khi khai ngộ đem kiến giải trình sư phụ, sư phụ ấn chứng sai làm thủ chúng. Sau đó sư về chùa Đại Minh ở Từ Châu đào tạo được lượng lớn các thiền sư kế thừa tông phong Tào Động.

1.23. Đời 56. Thiền sư Vạn Tùng Hành Tú (万松行秀) 1166—1246

Sư họ Thái, quê gốc Hà Nam, cha di cư đến Hà Bắc nên sư được sinh ở đây. Năm 15 tuổi đến chùa Tịnh độ ở châu Hình (邢州) xuất gia với thiền sư Vân Doãn 赟允. Khi gặp triều đình tổ chức thi kinh điển, Sư tham gia và được cấp chứng điệp. Sau khi thụ giới cụ túc, sư đi sam học các nơi. Sư đến chùa Đàm Giá ở Yến Kinh (Nay là Bắc Kinh), chùa Đại Khánh Thọ học thiền với thiền sư Thắng Mặc Quang. Tại đây, sư nỗ lực sam thiền mà chưa tỏ ngộ nên lại đến chùa Đại Minh ở Từ Châu sam bái thiền sư Tuệ Mãn. Sư ở đây 27 năm nỗ lực dụng công và được làm thư ký của Thiền sư Tuệ Mãn. Một ngày lúc đang đi kinh hành, có con chim chợt bay qua, Hành Tú hoát nhiên đại ngộ.

 Sau khi ngộ đạo, sư ở bên thầy thêm 2 năm, học hết tinh túy tông Tào Động. Khi cáo biệt, thiền sư Tuệ Mãn trao y bát cho và khuyên sư hoằng dương tông Tào Động. Sư liền về chùa Tịnh độ, sửa lại hiên Vạn Tùng để tu hành nên người đời gọi là Vạn Tùng Hành Tú. Sư công hạnh thâm hậu, mọi người đều kính phục. Năm 1193, vua Kim Chương Tông mời sư vào kinh thuyết pháp cho vua và được vua ban Ca sa. Niên hiệu Thừa An năm thứ 2, sư phụng chiếu vua trụ trì chùa Thê Ẩn ở Bắc kinh, các vị học tăng ở vùng phía nam cũng ngược về phương bắc học đạo nơi sư. Năm Thái Hòa thứ nhất, sư dời về đến chùa Hồng Tế chấn chỉnh lại trật tự của ngôi chùa hoàng gia này. Cũng năm đó, thầy sư là Tuyết Nham Mãn viên tịch, sư chẳng đợi xe ngựa mà lập tức một mình đi bộ hơn nghìn dặm về Từ châu chịu tang sư phụ.

Tại nước Kim (Nay là Bắc Kinh), từ vua đến nhân sĩ đều đến nơi sư để cầu thiền hỏi đạo khiến thanh danh của vang khắp phía bắc. Trước tác của sư để lại còn: “Thung dung lục”, “Thỉnh ích lục”, “Tổ đăng lục”, “Thích thị tân văn”, “Tâm kinh tông thuyết”, “Khang thiền phú”, “Minh đạo tập”, “Biện tông thuyết”, “thiền duyệt pháp hỷ tập”. Riêng “Thung dung lục” là tác phẩm sau khi sư nhập thất 7 năm chỉnh lý 14 công án thiền và các bài tụng cổ biên tập mà thành. Đây là tác phẩm giải thích các công án của Tông Tào Động. Tác phẩm này với “Bích Nham Lục” được xưng là “Thiền môn song bích”. Với việc làm này đánh dấu bước quật khởi toàn diện của tông Tào Động ở Phương Bắc, ảnh hưởng toàn bộ phương bắc bấy giờ, đồng thời cùng phát triển với Vân Môn, Lâm Tế trên địa bàn toàn quốc. Sư thị tịch năm 1246 trụ thế 81 năm, tháp gạch của sư hiện nay (2015) vẫn còn ở Tây Thành, đường Tây Tứ Nam, xây từ thời Kim-Nguyên, cao 16m.[27]

Các đệ tử đắc pháp của sư rất nhiều như: Tuyết đình Phúc Dụ, Hoa Nghiêm Chí Ôn, Lâm Tuyền Tùng Luân v.v... và Nghĩa Giới(1225—1280)- Du học sinh Nhật Bản đến sam học với sư, sau về Nhật làm tổ thứ 2 của tông Tào Động tại Nhật bản.

1.24. Đời 57. Thiền sư Tuyết Đình Phúc dụ (雪庭福裕) 1203-1275[28]

Cao tăng nổi tiếng thời Nguyên Sơ, tự Hảo Vấn, hiệu Tuyết Đình, họ Trương người huyện Văn Thủy tỉnh Sơn Tây. Lúc nhỏ, sư là người thông minh lanh lợi, 9 tuổi đi học một ngày có thể biết nghìn chữ, người trong thôn gọi là “Thánh tiểu nhi”. Cha mẹ mất sớm, sư đến chùa Tiên Nham, lễ Hưu Hưu thiền sư làm thầy. Thầy nhận ra là pháp khí trong tương lai nên tận lực dạy bảo. Năm sư 21 tuổi được thụ giới tỷ khiêu và ở hầu thầy tiếp 7 năm.

Sau đó sư đi Nam Kinh học đạo nơi thiền sư Vạn Tùng mười năm (Từ 1231~ 1241), Trong 10 năm đọc sách, sư đã đọc “Tạng kinh” 3 lần và học thông tư tưởng Tào Động. Sau đó sang trụ trì chùa Phụng Phúc (Sau đổi thành thành chùa Quảng Ân). Năm 1245, Vua hạ lệnh sư về phương nam trụ trì chùa Thiếu Lâm. Trong hơn 6 năm trụ trì chùa Thiếu Lâm, sư đã rốc sức kiến thiết quy hoạch, dạy học giảng pháp.

 Sư còn trụ trì các chùa: Báo Ân; Năm 1248 trụ trì chùa Hưng Quốc; Khôi phục xây dựng chùa Bạch Mã; Từng trụ trì các chùa Vạn thọ (14 năm); Trụ trì hạ viện của Thiếu Lâm ở 5 nơi: Hòa Lâm, Yến Kinh, Trường An, Thái Nguyên, Lạc Dương. Sư từng nhận chức “Tổng lĩnh thích giáo “总领释教”, từng được tặng phong “Quang tông chính pháp thiền sư”.

Sư một đời tận lực hoằng dương tông phong Tào Động. Để kế thừa mạch truyền thừa của thiền sư Bản Tịch, sư làm kệ truyền tông 70 chữ như sau: “Phúc Tuệ Trí Tử Giác, Liễu Bản Viên Khả Ngộ. Châu Hồng Tấn Quảng Tông, Đạo Khánh Đồng Huyền Tổ. Thanh Tịnh Chân Như Hải, Trạm Tịch Thuần Trinh Tố. Đức Hạnh Vĩnh Diên Hằng, Diệu Bản Thường Kiên Cố. Tâm Lãng Chiếu U Thâm, Tính Minh Giám Sùng Tộ. Ai Chính Thiện Hy Thiền, Cẩn Xác Nguyên Tế Độ. Tuyết Đình Vi Đạo Sư, Dẫn Nhữ Quy Huyền Lộ”.[29] Sư từng được xưng danh là người trung hưng Thiếu Lâm tự, đời nay vẫn lấy tên hiệu là: “Truyền nhân thứ.... của thiền sư Tuyết Đình”. Các đệ tử đắc pháp của sư tiêu biểu như: Thiếu Thất Văn Thái, Trung Lâm Trí Thái, Túc Am Tịnh Túc, Vĩnh Bình Nghĩa Vân v.v... Sau khi viên tịch, tháp được xây tại chùa Thiếu Lâm, ngày nay ngôi tháp lớn nhất tại chùa Thiếu Lâm là của Sư. Sau khi viên tịch, niên hiệu Nhân Tông (1312) vua phong là: “Đại tư khong, khai phong nghĩa đồng tam ti”, và truy phong là “Tấn quốc công”. Tác phẩm để lại của sư có 2 cuốn là “Ngữ lục” và “Thi tập”. Từ thiền sư Phúc Dụ đến 11 đời sau, mạch truyền thừa của tông Tào Động đều là phương trượng trụ trì chùa Thiếu Lâm, đều hoằng dương Tông Tào Động. Không những thế, các danh tăng nối tiếp xuất hiện, hoằng truyền không gián đoạn. Từ thiền sư Phúc Dụ trụ trì chùa Thiếu Lâm (1249-1255) đến đời thứ 67 là thiền sư Phương Niệm, trong hơn 300 năm truyền thừa liên tục, không bị gián đoạn, mạch của tông Tào Động được phục hưng rực rỡ. (Nhánh này được truyền sang Việt Nam). Trong khi đó, tổ đình của tông Tào Động ở Động sơn đến cuối đời Tống đã có chỗ chưa rõ, trụ trì chùa phần nhiều là truyền nhân của tông Lâm Tế. Còn nhánh khác của tông Tào Động chùa thiền sư Bản Tịch sớm đã thất truyền. Sau này mới phục hưng.

1.25. Đời 58. Thiền sư Linh Ẩn Văn Thái(灵隐文泰)1229~1289[30]

 Sư họ Ngụy, Tự Linh Ẩn, người đất Phần châu, Dương Thành (Tỉnh Sơn Tây, thành phố Thái Nguyên). Sư lúc nhỏ thông minh xuất chúng, xuất gia thụ giới cụ túc với thiền sư Bản Hương Trí, sau sam học với các cao tăng đương thời: Luật sư Tam Tạng Đức, Tuyết Phong Hằng thiền sư, Thâm Hòa thượng ở Thái Nguyên, sau cùng đến đến chùa Vạn Thọ sam học với thiền sư Phúc Dụ. Theo hầu thầy 10 năm, đạo nghiệp thâm thúy. Năm 1282, về trụ trì chùa Thiếu Lâm 8 năm. Tại đây làm tông phong hưng thịnh. Năm 1289 viên tịch, đệ tử có Phúc Ngộ, Thu Giang Khiết v.v...

1.26. Đời 59. Thiền sư Hoàn Nguyên Phúc Ngộ (还源福遇 )1245-1311[31]

Sư còn gọi là Phất Ngộ 弗遇, tự Hoàn Nguyên, người đời xưng là: “Hoàn nguyên phúc ngộ”. Sư họ Vương, người đất Linh Thạch (Nay thuộc tỉnh Sơn Tây). Lúc nhỏ sư thế phát xuất gia tại chùa Đâu Xuất nơi sinh quán. Sau khi thụ giới cụ túc, sam học các phương. Sư hùng biện như nước, đối đáp vô ngại. Sau đến chùa Thiếu Lâm lễ thiền sư Văn Thái học thiền, được ấn khả. Năm 1286 đến hoằng pháp tại chùa Vĩnh Hưng (huyện Hoàng Cương, tỉnh Hồ Bắc), rộng mở chiếu pháp. Ba năm sau trụ chùa Bảo Ưng đất Lạc Dương. Từ năm 1295-1299 trụ trì chùa Thiếu Lâm. Năm 1311, về chùa Bạch Mã ở Lạc Dương. Năm 1313 viên tịch, thế thọ 69, pháp lạp 49. Đệ tử rất đông, ảnh hưởng lớn có Thuần Chuyết Văn Tài, Không Tướng, Long Đàm Thâm, Long Đàm Đoan. Tác phẩn “ngữ lục” của sư lưu hành ở đời.

1.27. Đời 60. Thiền sư Thuần Chuyết Văn Tài (淳拙文才)1273-1352

Sư họ Diêu, người Sơn Tây, châu Đặng, cha là cư sĩ Tĩnh Diệu kiền thành hướng Phật. Lúc nhỏ sư đến thiền sư Phúc Nghiêm thế phát xuất gia. Sau khi thụ giới cụ túc, đọc “Chứng đạo ca” đến câu “Huyễn hóa không thân tức pháp thân” thì vui vẻ khế ngộ. Sau đến chỗ thiền sư Phúc Ngộ ở Thiếu Lâm được ấn khả và kệ truyền y, làm chức thủ tọa. Không lâu đến chùa Long Môn bế quan ba năm, chuyên đọc kinh tạng. Sau lại chuyển đến ẩn cư ở núi Chung Nam Sơn. Năm 1324, sư được thỉnh về trụ trì chùa Thiếu Lâm (1324~1329), sư nghiêm trì giới luật, lãnh chúng tu học, tiếng tốt đồn xa. Năm năm sau, về ẩn cư ở chùa Hương Nghiêm, giải thích các bộ kinh “Lăng Nghiêm Pháp giới tắc”, “Bát Nhã tâm kinh”, “Quy Sơn cảnh sách” v.v... hiệu đích bộ “Tứ gia ngữ lục” khắc ván lưu hành. Năm 1345, lại được thỉnh làm trụ trì chùa Thiếu Lâm, (1345~1352). Trụ trì hai khóa tại chùa Thiếu Lâm, sư đã có cống hiến rất lớn cho ngôi cổ tự có dấu ấn của tổ thứ 29: Bồ Đề Đạt Ma. Đặc biệt, lần trụ trì 8 năm về sau, sư đã xây lại lầu chuông, lập bia tổ Bồ Đề Đạt Ma.

Đệ tử đắc pháp của sư, ngoài đệ tử trong nước ra còn có tăng nhân Nhật Bản là Cổ Nguyên Thiệu Nguyên. Năm 1327 sư đến sam học với thiền sư Văn Tài và được ấn khả. Năm 1347 về Nhật trụ trì chùa Đại Thánh, Đông Phúc. Khi học ở Thiếu Lâm tinh thông Phật học, giỏi thư pháp hán văn. Văn bia tại tháp tổ Văn Tài do Thiệu Nguyên viết đến nay vẫn còn.

1.28. Đời 61. Thiền sư Tùng Đình Tử Nghiêm (松庭子严) 1321~1391[32]

Sư họ Câu, người Hà Nam. Lúc nhỏ sư yếu nhiều bệnh, cha mẹ sợ không thọ bèn cho đi xuất gia. 9 tuổi đến chùa Thiếu Lâm, lễ thiền sư Tế Vân làm thầy thế độ. Sư bản tính thông minh hiếu học, thông nội ngoại điển, giỏi thơ văn. Sau khi thụ giới cụ túc đi sam học với thiền sư: Pháp Chiếu, Tức Am đều có khai mở. Sau đến sam học với thiền sư Văn Tài được ấn khả, trao y pháp, kế thừa tông Tào Động. Về sau đến chùa Vạn An ở Hà Nam, chùa Phổ Chiếu, chùa Thiên Ninh (Bắc Kinh), chùa Thiên Khánh (Lạc Dương). Năm 1369, phụng sắc lệnh của vua về trụ trì chùa Thiếu Lâm (1369-1382). Trong quá trình trụ trì chùa Thiếu Lâm, sư hoằng dương tông phong Tào Động, đề xướng “Nông thiền tịnh trọng” (Thiền và nông nghiệp đều coi trọng), tự cày tự cấp để giảm thiểu việc phải nhận sự cúng dàng của tín đồ. Mùa đông năm 1380, sư thuyết pháp trong pháp hội cầu siêu cho Hoàng hậu Từ Hiếu và được ban ca sa tía. Tác phẩm của sư gồm: “Tùng Đình tập”, “Từ Nham hòa thượng ngữ lục”. Đệ tử đắc pháp có Ngưng Nhiên Liễu Cải.

1.29. Đời 62. Thiền sư Ngưng Nhiên Liễu Cải (凝然了改) 1335~1421[33]

Cao tăng triều Minh, Người Tung Dương (Nay thuộc tỉnh Hà Nam), họ Nhậm. Lúc nhỏ đến chùa Thiếu Lâm xuất gia với thiền sư Đề Điểm Huấn. 20 tuổi thụ giới cụ túc, sau đến Hương sơn sam học với thiền sư Nguyệt Ấn nhưng chưa khế ngộ, lại đến chùa Thiên Khánh ở Lạc Dương sam học với Tử Nham thiền sư liền được ấn chứng kế thừa đời thứ 21 của tông Tào Động. Sau về am Nhị Tổ ở Tung Sơn, năm 1390, ứng theo sự thỉnh cầu của đại chúng trụ trì chùa Thiếu Lâm (1309-1392). Khi làm trụ trì, nghiêm chỉnh thực hiện nội quy tự viện, kế tiếp thiền phong, được các khanh tướng đương thời đến núi cúng dàng. Minh Thành Tổ ban hiệu “Đại quốc sư”. Năm 1420 viên tịch, trụ thế 87 năm. Tác phẩm để lại: “Ngưng Nhiên lục”, “Ngưng Nhiên Liễu Cải Quốc sư ngữ lục” lưu truyền ở đời. Đệ tử nối pháp có Câu Không Khế Bân v.v...

1.30. Đời 63. Thiền sư Câu Không Khế Bân (俱空契斌) 1383~1452[34]

Sư người Bình Dương (Tỉnh Sơn Tây). Cha là Vương Tấn Lương, mẹ họ Lương. Lúc nhỏ xuất gia tại chùa Trung Hưng trong huyện, lễ Vô Tướng Giảng Chủ làm thầy. Năm 1408, đi sam học ở chùa Hương Sơn với trưởng lão Nguyệt Ấn 3 năm mà vẫn chưa ngộ. Năm 1411, sư đến chùa Thiếu Lâm học với thiền sư Liễu Cải hiểu được lý huyền. Liễu cải xác chứng cho Khế Bân “Tông phong Tào Động, truyền tại nơi ông”. Sau sư lại đến học với thiền sư Tông Lệ Kim Giác, được ấn chứng rồi về quê. Năm 1420 mùa thu, sư về đến chùa Trùng Hưng, nương vào Y Bạch Thạch Công học “Triệu Luận”, “Luận ngữ”, “Mạnh tử”, “Chu Dịch”. Năm 1449-1452, sư trụ trì chùa Thiếu Lâm. Đối với tông phong của tông Tào Động có kiến giải mới về “Ngũ vị quân thần”. Hỏi: Thế nào là “vua”? đáp: “Ai hay soi xét chín tầng sâu. Hỏi: Thế nào là “thần”. Đáp: Muôn dặm núi sông điểm vết đen. Hỏi: Thế nào là vua hướng bề tôi?. Đáp: Điện báu chứa khắp, muôn vật đều mới mẻ. Hỏi: thế nào là bề tôi thờ vua? Đáp: Gậy tiên gần mặt rồng bệ ngọc. Hỏi: thế nào là vua tôi hợp đạo? Đáp: Chắp tay vô vi thiên hạ thái bình. Năm 1452 sư viên tịch, tháp tại Thiếu Lâm, tác phẩm “Ngữ Lục” của sư còn lưu ở đời. Đệ tử đắc pháp rất đông, xuất sắc có thiền sư Khả Tòng.

1.31. Đời 64. Thiền sư Vô Phương Khả Tòng (无方可从)1420-1483[35]

Sư họ Hứa, người đất Lạc Dương (nay tỉnh Hà Nam). Lúc nhỏ xuất gia với thiền sư Phúc Tiên Tí Phong (福先芘峰), sau khi thụ giới cụ túc đến sam học với các Thiền sư Long Đàm Thuận Mật, Đàm Siêu Hóa Tông. Về sau đến lễ hòa thượng Khế Bân ở Thiếu Lâm, ngộ sâu lý quân thần mới được ấn khả, liệt vào hàng kế thừa tông Tào Động. Về sau đến ẩn tu tại chùa Định Quốc (nay thuộc Tỉnh Hà Nam), giảng pháp ở chùa Bồ Đề. Từ năm 1473-1483 phụng sắc trụ trì chùa Thiếu Lâm, kiêm trụ trì chùa Quan Âm ở Hà Nam. Năm 1483 sư thị tịch, thế thọ 64, tuổi hạ 40. Tháp tại Thiếu Lâm, tác phẩm lưu truyền có: “Khả Tòng tập”, “Vô Phương ngữ lục”. Truyền pháp cho Nguyệt Chu Văn Tải.

1.32. Đời 65. Thiền sư Nguyệt Chu Văn Tải (月舟文载) 1454-1526

Sư tự là Nguyệt Chu, pháp danh Văn Tải, tự là Bạch Hư. Sư họ Vương, đất Thông Châu (Nay thuộc Giang Tô). 13 tuổi xuất gia thế phát tại chùa Quảng Tế nơi quê nhà theo thiền sư Bạch Am. 19 tuổi thụ giới cụ túc tại chùa Linh Ẩn Hàng Châu, sau đến chùa Thiếu Lâm sam học thiền sư Khả Tòng, ba năm khổ hạnh tu hành mới được ấn chứng nối tiếp mạch truyền thừa chính tông Tào Động. Sau đến chùa Bạch Tháp (Bắc Kinh) hơn 30 năm. Sư ở đó “nghiêm giữ giới luật, Cà sa chẳng lìa thân, đi không quá bước”. Đề xướng tu hành: “Khi mê phải mượn tam giáo, ngộ rồi một chữ cũng không”. Năm 1497, chùa Thiếu Lâm khuyết trụ trì, vị tri tự trong chùa chẳng quản nghìn dặm đi lên Bắc Kinh thỉnh sư về trụ trì. Sư từ chối 3 lần không nhận. Đến năm 1510, chùa Thiếu Lâm lại thỉnh, sư thỉnh ý triều đình. Triều đình sai Bộ Lễ chính thức ban phát công văn, cử sư về nhậm chức, sư mới nhận. Sư trụ trì chùa Thiếu Lâm 16 năm, làm trụ trì đời thứ 28 ngôi chùa này. Từ đó: “Thực hành thiền uyển thanh quy, chỉnh đốn tùng lâm mô phạm, tiếp người xa đến, dạy dỗ không mệt.... Sư để lại tác phẩm “Động Sơn Dư Tự” cho đời. Nối pháp hơn nghìn người, truyền pháp cho Tông Thư. Năm Gia Tĩnh thứ 5 (1525) sư viên tịch, thế thọ 73, tháp tại Thiếu Lâm nay vẫn còn.

1.33. Đời 66. Thiền sư Đại Chương Tông Thư (大章宗书) 1500-1567[36]

Sư tên tự Tiểu Sơn, hiệu Đại chương, pháp danh Tông Thư, họ Lý, người phủ Thuận Đức (nay tỉnh Hà Bắc). Lúc nhỏ thông minh xuất chúng, hành động khác người, thường mô phỏng làm việc Phật. 15 tuổi đến chùa Khai Nguyên trong quận xuất gia. Hai năm sau đến núi Thái Hành bế quan. Năm 20 tuổi, mến mộ đạo phong của thiền sư Văn Tải liền đến chùa Thiếu Lâm sam học 8 năm, học hết tông phong Tào Động, được ấn chứng làm người truyền thừa tông phong. Sau đó tiếp tục đến chùa Thiên Khánh ở Lạc Dương, am Tích Thiện, am Tông Kính ở Bắc Kinh. Năm Gia Tĩnh thứ 31 (1552), thường trụ tăng chùa Thiếu Lâm đến thỉnh sư về làm trụ trì, sư không đồng ý. Sáu năm sau, các bậc kỳ túc của Thiếu Lâm lại đến thỉnh, được sự đồng ý của triều đình sư mới về chùa. Sau khi về trụ trì, sư mở rộng việc hoằng pháp, học trò hơn trăm người, Phật tử bốn phương vân tập. Về sau lại đến chùa Quảng Thông (Hồ Bắc), chùa Bảo Quang (Sơn Tây). Năm 1565, lại về chùa Thiếu Lâm tái nhậm trụ trì. Năm sau, phụng chỉ đến am Tông Kính ở Bắc Kinh. Tháng 12 năm 1567, sư viên tịch tại Tây Sơn, Tam Học Động (Bắc Kinh) trụ thế 68, pháp lạp 36. Sau khi trà tì, xá lợi chia chia ba phần để xây tháp tôn thờ: Chùa Khai Nguyên; Nơi sinh quán của sư ở Phủ Thuận Đức và chùa Thiếu Lâm.

Tác phẩm có: “Tiểu Sơn biệt tập”, “Tông Thư ngữ lục” , “Tiểu sơn gia truyền lục hợp chu quyền quyền”, “Thiếu Lâm tâm ý bả”, “Kiếm kinh”, “Đạt ma lão tổ dịch cân kinh”, “Thiếu Lâm thương trị”. Đệ tử đắc pháp hơn trăm người, xuất sắc có Ích Không Thường Tư, Huyễn Hưu Thường Nhuận, Ẩn Am Như Tiến.

1.34. Đời 67. Thiền sư Huyễn Hưu Thường Nhuận (幻休常润) 1514-1585[37]

Sư họ Vương, quê Tiến Hiền (Nay thuộc tỉnh Giang Tây), Lúc nhỏ cha mẹ mất sớm, sư ở với chú ruột học sách Nho. Lớn lên theo thiền sư Thản Nhiên xuất gia ở núi Phục Ngưu. Sau khi thế phát, sư thường sam thiền, dùng cách lấy ức chế tâm niệm để nhiếp tâm, việc này như lấy quả hồ lô ấn xuống nước nó lại nổi lên, không thấy hiệu quả. Sau khi thụ giới cụ túc, đọc kinh Lăng Nghiêm đến câu: “Viên minh liễu tri, bất nhân tâm niệm xứ” (Hiểu biết tròn đầy, chẳng ở nơi tâm niệm), sư hơi tỉnh liền đến hỏi đạo nơi thiền sư Phương Liên nhưng vẫn không quyết nghi. Sư đến chùa Thiếu Lâm lễ thiền sư Tông Thư, theo hầu 3 năm, sam cứu thiền tông, trâm giới tương đầu (thầy trò cùng hợp) mới được truyền pháp làm truyền nhân đời 25 tông Tào Động. Sau khi thiền sư Tông Thư viên tịch, đại chúng thỉnh sư trụ trì, sư khiêm nhường không nhận. Đại chúng bất đắc dĩ lấy kệ phó chúc ra, Thường Nhuận vừa thấy, lặng yên rơi lệ, chẳng dám chối từ. Năm 1574, sư phụng sắc chỉ trụ trì chùa Thiếu Lâm. Khi trụ trì tích cực hoằng dương tông phong Tào Động, tiếng tốt đồn xa, đệ tử nhập thất có 270 người. Trong đó xuất sắc có: Vô Ngôn Chính Đạo, Hồng Đoạn Chư Duyên, Từ Chu Phương Niệm, Kính Đường Pháp Trung. Vô Ngôn Chính Đạo sau nối vị trụ trì Thiếu Lâm.

1.35. Đời 68. Thiền sư Từ Chu Phương Niệm (慈舟方念) 1510-1594[38]

Sư tự là Từ Chu, pháp danh Phương Niệm, biệt hiệu Thanh Lương, họ Dương, người Đường Huyện (Tỉnh Hà Bắc). 10 tuổi xuất gia, sau khi thụ giới cụ túc, đi khắp vùng Kinh, Triệu, Dự, Hoán. Lúc đến Thạch Thành dụng công thái quá, hai mắt sắp mù. Sư nghĩ: “Huyễn thân chẳng có, bệnh từ đâu đến”, liền đem thân tâm buông bỏ, ngồi liền bảy ngày, hai mắt lại sáng. Sư đến tổ đình Thiếu Lâm, sam học với thiền sư Thường Nhuận. Lúc mới đến Thường Nhuận hỏi: Từ đâu đến? Đáp: Bắc Phương. Hỏi: Đạo pháp phương bắc khác gì phương này? Đáp: Nước chia nghìn phái, dòng xuất một nguồn. Hỏi: Làm sao đạt được vậy? Đáp: Dòng xuất một nguồn, nước chia nghìn phái. Thường Nhận ấn chứng, cho nhập chúng làm Duy Na. Sau sư đến vách núi nơi tổ sư Đạt Ma xưa kia ngồi nhìn vách đá 9 năm, tham thiền ngộ đạo, trình kiến giải được Thường Nhuận ấn khả và là người kế thừa tông phong Tào Động đời thứ 26. Năm 28 tuổi sư vào núi ngũ đài tiềm tu ba năm. Sau khi xuất quan, trụ trì chùa Đông Tháp (Hồ nam), chùa Chân Như (Giang Tây), chùa Viên Thông (Côn Minh, tỉnh Vân Nam). Cuối đời về chùa Đại Giác ở Kinh Sư, sau khi viên tịch tháp tại Ngũ Đài Nam Sơn. Tác phẩm có “Từ Chu thiền sư quảng lục” truyền thế. Đệ tử nối pháp có nhiều vị xuất sắc như: Trạm Nhiên Viên Trừng, Đoan Bạch Minh Tuyết, Thạnh Vũ Minh Phương v.v...

Đến đời sư không kế thừa ngôi vị trụ trì chùa Thiếu Lâm và đồng thời không đặt tên của kệ truyền thừa theo mạch của Thiếu Lâm mà nối theo mạch của phái Tào Động Vân Môn (xem phần đời tổ sư thứ 69 sẽ giải thích).

1.36. Đời 69. Thiền sư Trạm Nhiên Viên Trừng (湛然圆澄) 1561—1626[39]

Thiền sư Viên Trừng, tự Trạm Nhiên, hiệu Tán Thủy đạo nhân. Sư họ Hạ, người Cối Kê (Thiệu Hưng, tỉnh Triết Giang). Sư có hình tướng kỳ dị: Mắt to, mũi lớn, môi ngắn, răng hở nhưng thiên tư dĩnh ngộ thông minh, khả năng biện tài. 20 tuổi xuất gia, sau khi thụ giới sam học với thiền sư Ẩn Phong, lấy câu thoại đầu “Ai?” liên tục ba ngày đêm mới hơi tỉnh. Khắc khổ ba năm, xem thiền sư Càn Phong nêu thoại đầu: “Cử một không cử hai” mới được triệt ngộ. Có một hôm trời tối, sư đang tĩnh tọa, bỗng có sấm, trong khoảng khắc, sư liền tỉnh, khắp thân mồ hồi, chợt nhiên như thoát gánh nặng. Lúc đó sư 30 tuổi, không lâu sư đến sam lễ thiền sư Vân Thê Châu Hoằng, thông qua khảo nghiệm, Châu Hoằng ấn khả cho sư.

Năm 1591, sư đến sam học nơi thiền sư Phương Niệm và được ấn chứng làm truyền nhân thứ 27 của tông Tào Động. Về sau đến hoằng pháp ở chùa Quảng Hiếu (Cối Kê), chùa Thọ Thiền, chùa Đông Tháp. Từ năm 1614 trở về sau, liên tục ở chùa Hiển Thánh và chùa Thiên Hoa đăng tòa thuyết pháp, hoằng dương tông phong Tào Động, đề xướng “Nhất tâm pháp môn”, chủ trương dùng tâm thống nhất, dung hợp: Thiền, giáo, luật, tịnh. Cho rằng: “Niệm Phật là niệm tâm này, xem kinh là buộc tâm này, trì chú là hộ trì tâm này, sam thiền là cứu xét tâm này. Tâm này tức là Định Tuệ, ngoài tâm ra không có định tuệ”. Do sư tu trì nghiêm cẩn, pháp môn thâm thúy, thính chúng lên đến 8 nghìn người, đắc pháp tinh túy có gần trăm người, đời sau nối tiếp. Suất xắc như: Đoan Bạch Minh Tuyết, Phật Nhật Minh Phương, Hóa Sơn Minh Mãnh. Trước thuật gồm có 8 quyển lưu hành ở đời: “Tông Môn Hoặc vấn”, “Khái cổ lục”, “Pháp Hoa ý ngữ”, “Lăng Nghiêm ức thuyết”, “Kim cương tam muội kinh chú sớ”, “Niết Bàn hội sớ”, “Trạm Nhiên Viên Trừng thiền sư ngữ lục”. Với công hạnh của sư, đời sau tôn xưng là: Tổ sư trùng hưng tông phong Tào Động đời nhà Minh.

Đến đời Sư là người kế thừa pháp mạch của hệ “Vân Môn Tào Động” với bài kệ truyền phái: “Quảng Tòng Diệu Tuệ, Hồng Thắng Hy Xương. Kế Tổ Tục Tông, Tuệ Chấn Duy Phương. Viên Minh Tịnh Trí, Đức Hạnh Phúc Tường. Trừng Thanh Giác Hải, Liễu Ngộ Chân Thường”[40]Vì sư đứng chữ “Viên” nên pháp tôn của sư đến chữ “Tịnh”. Chữ “Tịnh” là chữ khởi đầu cho bài kệ truyền đăng mà tổ Thủy Nguyệt từ Việt Nam sang học.

1.37. Đời 70. Thiền sư Đoan Bạch Minh Tuyết (瑞白明雪)1583-1641[41]

Sư họ Dương, người Tương Thành (Phúc Kiến), lúc nhỏ thông minh lanh lợi. xuất gia tại am Tụ Long núi Cửu Hoa, thụ giới cụ túc nơi chùa Vân Thê. Năm 18 tuổi đến chùa Hiển Thánh ở Cối Kê sam cứu thiền tông với thiền sư Viên Trừng, trải qua khảo nghiệm, lúc nghe tiếng chuông liền đại ngộ, được Thiền sư Viên Trừng ấn khả là truyền nhân đời 28 tông Tào Động. Sau khi thiền sư Trạm Nhiên viên tịch, sư kế đăng trụ trì chùa Hiển Thánh. Không lâu lại đến chùa Biện Sơn ở Hồ Châu, lại đến chùa Không Động ở Giang Tây, trụ tại chùa Bách Trượng (Tỉnh Giang Tây). Tại chùa Bách Trượng, sư hoằng dương tông phong Tào Động, chỉnh nghiêm quy củ của chùa, lãnh chúng thực hiện phương trâm của tổ Bách Trượng Hoài Hải “Ngày không làm thời cũng không ăn” (Nhất nhật bất tác, nhất nhật bất thực), nông-thiền cùng tu, được người đời tôn xưng là: “Hoài Hải tái lai”. Ngày 19 tháng 3 năm 1641, sư viên tịch tại chùa Bách Trượng, thế thọ 58, hạ lạp 38. Đệ tử của sư có 36 người, trong đó các đệ tử tiểu biểu tận lực hoằng pháp ở vùng Hồ Nam như: Nguyên Khiết Tịnh Oánh, Thạch Nhân Tịnh Bích, Thả Chuyết Tịnh Nột, Thạch Giản Tịnh Lặc, Thúy Cốc Tịnh Nguyên và Tử Mai Tịnh Chu.

1.38. Đời 71. Thiền sư Thục An Tịnh Chu (淑安净周) 1596-1648[42]

Sư người Diêm Quan thành phố Hải Ninh (Tỉnh Giang Tô). Lúc nhỏ thấy người trong thôn mất, sư than: một hơi thở ra, biết nương vào đâu an thân lập mệnh? Do đó khởi chí sam học. Khi nghe kinh Lăng Nghiêm đến đoạn: “Đức Phật nhắc A Nan đây chẳng phải tâm ngươi” thì càng nghi hơn. Biết tin thiền sư Đoan Bạch Minh Tuyết khai pháp ở chùa Giới Châu núi Biện, sư liền đến sam học. Về sau được truyền tâm pháp, đời thứ 39 của thiền tông, đời 29 của tông Tào Động. Khi tu hành ở Lạc Bình, Hồ Châu, tính sư chan hòa điềm đạm, tự thân nguyên tắc, đối đãi rộng lượng (Luật kỷ khoan nhân). Sư tại chùa An Cát hoằng pháp độ nhân, thường xuyên khai  thị thiền ngữ. Niên hiệu Thuận Trị thứ 5 (1648) sư thị tịch, thọ 52, tăng lạp 38. Đệ tử xây tháp thờ tại núi Kỳ Đường (Hồ Châu) nay vẫn còn. Nhất Cú Trí Giác đắc pháp từ sư.

1.39. Đời 72. Thiền sư Nhất Cú Trí Giáo[43]

Sư sam học nơi thiền sư Tịnh Chu và hỏi: Câu “Đoan cư ba thượng tuyệt trần ai” (Ngồi trên sóng nước tuyệt trần ai) nghĩa là thế nào? Tịnh Chu hét lên. Nhất Cú liền lễ. Lại hỏi: Ngươi biết cái gì mà làm lễ? Đáp: Lửa dữ đốt núi, một ngôi sao tự rơi. Hỏi: Lửa tắt, núi lạnh khói hết, gió không trăng lạnh dứt ráng sương, thì đạo như thế nào? Nhất Cú không nói. Tịnh Chu lại hỏi: Đầu núi sẽ nổi lửa, dưới mây có gió bay, ý này nghĩa là gì? Sư đáp: Hòa vang tiếng chuông trống, sóng và nước theo nhau. Tịnh Chu biết là người lợi căn đặt tên cho là “Nhất Cú”, dặn phải khéo phải giữ gìn gia phong. Nhất Cú đỉnh lễ về núi Phượng Hoàng, thăng tòa dạy chúng, đạo pháp tinh nghiêm, bốn phương vân tập. Khi Thiền sư Thủy Nguyệt sang học đạo, lúc này đạo tràng tổ đã trang nghiêm: “điện gác nghiêm tịnh, tổ sư ngồi trên tòa, thị giả đứng hầu bai bên, chúng tăng đều nghiêm chỉnh, Phật pháp và pháp vua nào có khác gì”. Thiền sư Thủy Nguyệt lưu học tại pháp tòa của thiền sư Trí Giáo từ năm Ất Tỵ (1665) đến năm Bính Ngọ (1666). Tại đây thiền sư Thủy Nguyệt đã được thụ giới Tỷ Khiêu từ thiền sư Nhất Cú Trí Giáo năm 30 tuổi và nhận được kệ truyền đăng, tâm ấn của thiền sư Nhất Cú rồi về nước. 

2.  Tổng kết – đánh giá

Từ sự lược khảo sự truyền thừa của các thiền sư tông Tào Động ở Trung Quốc, nay tổng kết lại thành 4 luận điểm sau:

2.1. Mạch truyền thừa

Việc truyền thừa nhánh Tào Động từ Trung Quốc sang Việt Nam như trên hoàn toàn căn cứ vào bản “Kế đăng lục” ở Việt Nam lưu thông. Nhưng nếu so sánh với mạch truyền thừa của tông Tào Động ở Trung Quốc sẽ có khác biệt đôi chút của các vị tổ sư. Căn cứ vào cuốn vào 3 tác phẩm tiến hành khảo sát, so sánh. 3 tác phẩm là:

1. Thiền uyển kế đăng lục, gọi tắt là: “Kế đăng lục”

2. Văn bia “Tào Động chính tông phổ” lập năm dân quốc thứ 21 (1970) tại Thiếu Lâm tự.

3. “Biện sơn long hoa thiền tự tự lịch đại trụ trì hòa danh tăng”, gọi tắt là lịch đại danh tăng”, do công ty Thiên Mã xuất bản tháng 8 năm 2014.

 

Đời

KẾ ĐĂNG LỤC

TÀO ĐỘNG CHÍNH TÔNG PHỔ

LỊCH ĐẠI DANH TĂNG

Ghi chú

34   

Thanh Nguyên Hành Tư 671-740

Tương đồng

Tương đồng

 

35

Thạch Đầu Hy Thiên 700~790

Tương đồng

Tương đồng

 

36

Dược Sơn Duy Nghiễm 750-834

Tương đồng

Tương đồng

 

37

Vân Nham Đàm Thạnh 781—841

Tương đồng

Tương đồng

 

38

Động Sơn Lương Giới 807~869

Tương đồng

Tương đồng

 

39

Vân Cư Đạo Ưng 853~902

Tương đồng

Tương đồng

 

40

Đồng An Đạo Phi ?-905

Tương đồng

Tương đồng

 

41

Đồng An Chí (Đồng An Quán Chí)

Tương đồng

Tương đồng

 

42

Lương sơn Duyên Quán

Tương đồng

Tương đồng

 

43

Thái Dương Cảnh  Huyền 948-1027

Tương đồng

Tương đồng Đầu tử Nghĩa Thanh

Đảo vị trí

44

Đầu tử Nghĩa Thanh 1032-1083

Tương đồng

Thái Dương Cảnh Huyền

45

Phù Dung Đạo Khải 1043 -1118

Tương đồng

 

 

46

Đơn Hà Tử Thuần 1064~1117

Tương đồng

 

Không truyền

47

Chân Yết Thanh Liễu 1088~1151

Tương đồng

48

Thiên đồng Tông Ngọc 1091~1162

Tương đồng

49

Tuyết Đậu Trí Giám 1105~1192

Tương đồng

50

Như tịnh, tự Trường Ông 1163-1229.

Tương đồng

51

Lộc Môn Tự Giác

Tương đồng

Lộc Môn Tự Giác

 

52

Phổ Chiếu Nhất Biện. (1081—1149)

Tương đồng

Tương đồng

 

53

Đại Minh Bảo (Đại minh Tăng bảo)

Tương đồng

Tương đồng

 

54

Ngọc Sơn Thể (Ngọc Sơn Sư Thể)

Tương đồng

Tương đồng

 

55

Tuyết Nham Mãn (Vân Nham Mãn)

Tương đồng

Tương đồng

 

56

Vạn Tùng Hành Tú 1166—1246

Tương đồng

Tương đồng

 

57

Tuyết Đình Phúc dụ 1203-1275

Tương đồng

Tương đồng

Liên tục trụ trì chùa Thiếu Lâm

58

Linh Ẩn Văn Thái 1229~1289

Tương đồng

Tương đồng

59

Hoàn Nguyên Phúc Ngộ 1245-1311

Tương đồng

Tương đồng

60

Thuần Chuyết Văn Tài 1273-1352

Tương đồng

Tương đồng

61

Tùng Đình Tử Nghiêm 1321~1391

Tương đồng

Tương đồng

62

Ngưng Nhiên Liễu Cải 1335~1421

Tương đồng

Tương đồng

63

Câu Không Khế Bân 1383~1452

Tương đồng

Tương đồng

64

Vô Phương Khả Tòng 1420-1483

Tương đồng

Tương đồng

65

Nguyệt Chu Văn Tải 1454-1526

Tương đồng

Tương đồng

66

Đại Chương Tông Thư 1500-1567

Tương đồng

Tương đồng

67

Huyễn Hưu Thường Nhuận1514-1585

Tương đồng

Tương đồng

68

Chu Phương Niệm 1510-1594

Vô ngôn đạo

Tương đồng

 

69

Trạm Nhiên Viên Trừng 1561—1626

Tâm duyệt hỷ

Tương đồng

 

70

Đoan Bạch Minh Tuyết 1583-1641

Bỷ ngạn khoan

Tương đồng

 

71

Thục An Tịnh Chu 1596-1648

Đại giác niệm

Tương đồng

 

72

Nhất Cú Trí Giáo

Vân môn trừng

 

 

 

Từ bảng biểu và khái lược tiểu sử các thiền sư cho thấy năm điểm sau:

Một là: tác phẩm “Lịch đại cao tăng” do mới xuất bản nên có thể có nhầm lẫn ở vị trí truyền thừa 43 và 44.

Hai là: từ đời 45 đến đời 51 bị khuyết truyền. Nhưng nếu tính từ đời thiền sư Phù Dung Đạo Khải (1043 -1118) đến thiền sư Lộc Môn Tự Giác. Thiền sư Lộc Môn 28 Tự Giác không rõ năm sinh năm mất nhưng được truyền cho thiền sư Phổ Chiếu Nhất Biện. (1081—1149). Nếu tính theo năm sinh mất của thiền sư Tự Giác đến thiền Nhất Biện thì khoảng trống này là có khả năng.

Ba là: căn cứ vào bản “Kế đăng lục” là hoàn toàn chính xác, có cơ sở.

Bốn là: Các tổ sư đều có những hạnh đáng để người sau học tập như: Khổ hạnh tu hành, giữ gìn giới luật, sam phương học đạo, chẳng màng lợi danh...

Năm là: Các thiền sư khi truyền thừa căn cứ vào yếu tố: Giác ngộ, đạo hạnh, hiền tài... chứ không nhất định truyền cho đệ tử thế độ.

2.2. “Giác ngộ” và đối đáp trong thiền tông.

Trong ngôn ngữ thiền, những thuật ngữ “Giác ngộ”, “Khai ngộ”, “Ấn chứng”, Ấn khả”... được sử sụng rất nhiều. Đây là dấu hiệu quan trọng của quá trình tu tập. Giác ngộ là bước chuyển từ phàm thành thánh, từ mê thành ngộ. Sự giác ngộ tối cao gọi là “Đại triệt, đại ngộ” đó là thành Phật. Chỉ có Phật mới chở thành bậc giác ngộ hoàn toàn chân lý, thấu rõ nguyên lý của nhân sinh và vũ trụ. Từ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đến Đức Phật Di Lặc ra đời, trên trái đất này không có bất cứ một ai có thể thành Phật. Do đó, sự giác ngộ mà thiền tông đề cập đến không phải là “Đại triệt đại ngộ” mà chỉ là “khai mở một phần chân tâm Phật tính”. Chân tâm, Phật tính là tính giác vốn có của mỗi con người. Các cấp độ giác ngộ có sự phân chia sai khác. Nếu theo Phật giáo nguyên thủy quả vị giác ngộ từ việc chứng quả Tu đà hoàn, Tư đà hàm, A na hàm, A la hán. Quả A La Hán còn là cảnh giới tối cao của Phật. Nhưng nếu theo đại thừa Phật giáo, chứng quả La Hán chưa phải cảnh giới tối cao mà là thành Phật mới là cảnh giới giác ngộ tối cao. Quả vị này thông qua con việc tu Bồ Tát đạo, đi giáo hóa chúng sinh, dùng trí Bát Nhã, dùng thiện sảo phương tiện để độ sinh, từ đó thành tựu cảnh giới giác ngộ tối cao của bản thân. Vì vậy, sự giác ngộ của từng người thông qua con đường tu: Giới-Định-Tuệ. Hoặc Văn-Tư-Tu (Nghe-Nghĩ-Làm).

 Nếu từ lập trường này nhìn nhận sự đối đáp của các thiền sư trong thiền tông sẽ thấy rõ: các thiền sư không ngừng tích lũy công đức để làm rõ Phật tính của từng người.

Sự giác ngộ của từng người sẽ do từng người cảm nhận. Sự giác ngộ đó là “Lìa tướng nói năng, lìa tướng văn tự, lìa tướng tâm duyên, thanh tịnh bình đẳng rốt ráo”.[44] Cho nên, sự giác ngộ của thầy và trò chỉ 2 người tự hiểu, trò chưa hiểu sẽ do thầy ấn chứng. Thầy hiểu sẽ biết rõ đệ tử mình giác ngộ đến cảnh giới nào thông qua đối đáp, thi kệ, đó gọi là “Tâm tâm tương ứng”. Cách khai thị của các thiền sư trong thiền tông có nhiều hình thức. Như dùng gậy đánh, hét, mời uống trà, truy vấn v.v... khách quan nhìn nhận sẽ thấy việc hỏi đáp rất kỳ quái, không logich, nhưng nếu nắm bắt được tư duy tư biện sẽ thấy hoàn toàn rõ việc vấn đáp là có ý thiền. (Xem phần vấn đáp của các thiền sư đời 55-Thiền sư Tuyết Nham Mãn, thiền sư Nhất Cú Trí Giáo đời 72...)

2. 3. Văn hóa sam học trong Phật giáo Trung Quốc-Việt Nam.

Thông qua quá trình nghiên cứu các vị tổ sư Tông Tào Động, có thể thấy rõ văn hóa sam học vẫn được bảo lưu từ xưa đến nay.

Vì đất nước Trung Quốc rộng lớn, các đạo tràng, tự viện được phân bố ở các địa phương, mỗi vị sư phát huy một sở trường hoặc một quan điểm của Phật giáo để làm phương thức tu hành. Phật giáo Từ Ấn Độ truyền đến Trung Quốc, đến hết nhà Đường (thế kỷ thứ X), Phật giáo Trung Quốc đã hình thành 10 tông phái lớn tiêu biểu như: Luật, Thiền, Tịnh, Thiên Thai v.v... Từ đời Đường trở về sau, các bộ phái đã được hoàn chỉnh hệ tư tưởng của mình và bắt đầu truyền vào nhân gian. Do đời sống người dân cần đến Phật giáo những vấn đề đơn giản như: cầu an, cầu siêu nên pháp môn Tịnh Độ được ưa chuộng và phát triển. Đối với tầng lớp tri thức cần tư duy trừu tượng, biện chứng nên Thiền tông vẫn được truyền thừa từ đời này đến đời khác. Vì vậy mỗi khu vực, mỗi thời đại sẽ có những bậc cao tăng xuất hiện để hoằng dương Phật pháp. Với bối cảnh Phật giáo Trung Quốc như vậy, đã hình thành nên quá trình tu hành của một người xuất gia với truyền thống sam học tạm kể theo trình tự sau:

Người tại gia muốn xuất gia cần tìm được thầy thế độ (Thầy cạo tóc, độ cho ở chùa). Nếu thầy thế độ có danh tiếng, Phật pháp uyên thâm thì người đệ tử sẽ ở bên thầy học đạo, thụ giới. Sau khi đã được thầy thế độ tiếp nhận cạo tóc, người xuất đó phải thụ đại giới. Căn cứ vào các cứ liệu lịch sử và thực tế hiện nay: Việc mở đàn giới tại Trung Quốc căn cứ vào từng khu vực mà tổ chức đàn giới, không nhất định căn cứ vào địa danh hành chính. Do đó, gặp kỳ tổ chức đàn giới là sư phụ cho đệ tử đến thụ giới. Ví dụ thiền sư Thủy Nguyệt, khi đến Hồ Châu vẫn chưa thụ giới Tỷ Khiêu, sư liền thỉnh thầy tổ chức đàn giới, tổ sư bảo, đến ngày 8 tháng 4 sẽ đăng đàn thụ giới ngay tại chùa có đầy đủ tam sư thất chứng.

 Sau khi thụ giới, người xuất gia có thể tiếp tục ở với sư phụ để học đạo, sam thiền, nhưng nếu muốn, vị đệ tử có thể đi sam phương tại các đạo tràng. Đến đạo tràng này “Quải đơn” (xin ở trọ) tu hành vài ba năm, lại đi tiếp. Khi đã trưởng thành mới dừng tại một nơi để hoằng pháp, tiếp chúng độ nhân.

Từ luận chứng này cho thấy các thiền sư nghiên cứu kể trên đều theo nguyên lý này. Chỉ khi nào gọi là “Giác ngộ” rồi thì mới dừng chân, hoằng pháp. Vì vậy thiền sư Thủy Nguyệt từ Việt Nam sang Trung Quốc sam học cũng là nét văn hóa Phật giáo đặc trưng đương thời là như vậy.

2.4. Thiền sư Thủy Nguyệt và quá trình du học bên Hồ Châu-những vấn đề đáng chú ý.

Thứ nhất: Căn cứ vào “Kế đăng lục” ghi: “Đệ thất thập nhị tổ, Hùng phong sơn, Thủy Nguyệt Thông Giác hòa thượng, vãng Bắc Kinh Hồ Châu, Phượng Hoàng Sơn sam Nhất Cú...”[45] (Tổ thứ 72, núi Hùng Phong, hòa thượng Thủy Nguyệt Thông Giác đến Bắc Kinh, núi Phượng hoàng sam học với thiền sư Nhất Cú). Nhưng căn cứ vào “Tào động nam truyền đệ nhất tổ sư ngữ lục” của thiền sư Thủy Nguyệt thì không hề nhắc đến hai từ “Bắc kinh”. Do đó sẽ có 2 vấn đề xảy ra. 1 là: Có thể thiền sư Thủy Nguyệt trước đến Bắc Kinh, sau mới về Hồ Châu do đó phù hợp với “Kế Đăng lục” ghi chép. 2 là. Nếu thiền Thủy Nguyệt không đi Bắc Kinh mà chỉ đến Hồ Châu thì “kế đăng lục” đã ghi nhầm.

Thứ 2: Địa danh “Hồ Châu, Phượng Hoàng Sơn” (Núi Phượng Hoàng ở Hồ Châu), đến nay vẫn còn nhiều nghi vấn chưa được làm rõ triệt để. Căn cứ vào phái đoàn của Phật giáo Việt Nam đi sang Hồ Châu ngày 1-11-2015 cũng mở ra nhiều khả năng chùa Phụng Hoàng trong Kế đăng lục ghi nay thuộc về chùa Nhân Vương Hộ Quốc, núi Nhân Hoàng, thành phố Hồ Châu, tỉnh Triết Giang. Trong phần cước chú đời tổ 72 đã nói rõ: Thân thế sự nghiệp của tổ sư đời 72 ở Trung Quốc và việc thiền sư Trí Giáo dạy thiền sư Thủy Nguyệt hoàn toàn căn cứ vào Ngữ lục của Việt Nam khắc ván, chứ căn cứ vào tư liệu ở Trung Quốc và thực tế hiện nay tại ở Trung Quốc vẫn chưa làm rõ được tổ sư quê quán, gốc tích, quá trình hành đạo, quá trình tiếp chúng độ nhân như thế nào. Tóm lại, việc sơ khảo lịch sử các thiền sư tông Tào động tại đã đáp ứng được cơ bản câu hỏi của phần mở đầu đã đề ra. Tuy nhiên, chắc chắn còn nhiều vấn đề có tính lịch sử, tính Phật học, tính triết học vẫn cần tiếp tục nghiên cứu ở những góc độ khác nhau, từ đó góp phần làm sáng tỏ chân lý Phật pháp, sáng tỏ mạch truyền thừa của thiền tông Phật giáo Việt Nam.



* Nghiên cứu sinh Tôn giáo học - Học viện Khoa học xã hội, niên khóa 2014-2017.

[1] . Nguồn từ “Phật tổ lịch đại thông tải”, “Giáo ngoại biệt truyền”, “Ngũ đăng hội nguyên”

[2] . Nguồn dịch từ “Phật tổ lịch đại thông tải”, “Giáo ngoại biệt truyền”, “Ngũ đăng hội nguyên”,”Ngũ đăng toàn thư”, “Thiền tông chính mạch”.

[3] . Nguồn từ: “Phật tổ cương mục”, Ngũ đăng hội nguyên”, “cảnh đức truyền đăng lục”...

[4] . Nguồn từ: “Cảnh đức truyền đăng lục”, “Ngũ đăng hội nguyên”, “Ngũ đăng nghiêm thống”, “Thiền tông chính mạch”.

[5] . 6 Nguồn từ: “Ngũ đăng toàn thư”, “ngũ đăng hội nguyên”, “Ngũ đăng nghiêm thống”, “Thiền tông chính mạch”, “Chỉ nguyệt lục”, “Cảnh đức truyền đăng lục”, “Liên đăng hội yếu”.

[6] . Đại chính tạng, tập 51·323b 5 được sư lưu trong “Phong trung Ngâm” Ngũ vị quân thần hay “Động sơn ngũ vị” (năm địa vị giác ngộ).

[7] . 8 Căn cứ Tục Tạng Kinh, quyển 119, trang 885 “Động sơn lương giới thiền sư ngữ lục”: Động sơn ngũ vị” (năm địa vị giác ngộ) gồm: 1. Chính trung thiên (正中偏): Dụng nằm trong lý. 2. Thiên trung chính (正中偏): Lý nằm trong dụng. 3.Chính trung lai (正中来): nghĩa là từ trung tâm giữa Thiên và Chính đến. Các pháp hữu vi như Lý tuỳ duyên, như tính duyên khởi. Nơi đây cảm giác về thân, tâm đều được bỏ qua một bên, cả hai đều biến mất. Người tu nơi đây như Lý tu Sự, như tính khởi hành, tương đương với Bồ Tát từ sơ địa đến thất địa (Thập địa) tu hành còn dụng công. 4. Thiên trung chí (偏中至): bước vào giữa Thiên và Chính. Nơi đây người tu cảm nhận được sự độc nhất vô nhị của mỗi Pháp. Ngay cả tính Không cũng đã biến mất trong pháp này. Sử dụng toàn hợp nơi thể người tu, trọn ngày tu mà lìa niệm tu, trọn đêm dụng mà chẳng thấy dụng công. Tương đương với hàng Bồ Tát từ bát địa đến thập địa. 5. Kiêm trung đáo (兼中到): Đã đến đích, đến trung tâm của hai thái cực Thiên và Chính. Thể Dụng đồng đến, Sự và Lí cùng hành. Tức là vị quân thần hiệp (vua tôi hiệp). Đây là Phật quả tối thượng.

[8] . Nguồn từ: “Phật tổ đạo ảnh” và “Ngũ đăng hội nguyên”

[9] . Nguồn từ: “Phật tổ đạo ảnh”, “Kế đăng lục”, “Tống cao tăng truyện”.

[10] . 11 Sự tích này sau được chép trong “Truy môn sùng hạnh lục”. Nhưng truyện thiền sư Đạo Phi này chưa được xác minh rõ có phải Thiền sư Đạo Phi – Tổ của tông Tào Động hay không, vấn đề còn hồ nghi. Nhưng căn cứ vào năm mất của sư trùng hợp với giai đoạn Thiền sư Đạo Phi tông Tào Động nên tác giả cho rằng: 2 vị là một.

[11] . Nguồn từ: “Ngũ gia chính tông tán”, “Ngũ đăng hội nguyền”, “Phật tổ đạo ảnh”.

[12] . Nguồn từ: “Ngũ đăng hội nguyên”, “Cảnh đức truyền đăng lục”, “Thiền tông chính mạch”, “Phật tổ đạo ảnh”.

[13] . Nguồn từ: “Ngũ đăng hội nguyên”, “Thiền tông chính mạch”, “Giáo ngoại biệt truyền”. “Thiền lâm tăng bảo truyện”

[14] . Đến thiền sư Cảnh Huyền, mạch truyền thừa của Tông Tào Động có phần gián đoạn. Cụ thể, theo như “Kế Đăng Lục” Tổ đời 43 Cảnh Huyền không truyền trực tiếp cho Nghĩa Thanh mà truyền cho Pháp Viễn. Pháp Viễn truyền lại cho Nghĩa Thanh, do đó, trong Kế đăng lục không liệt Pháp Viễn vào hàng tổ thứ 44, mà đời 44 lại là Thiền sư Nghĩa Thanh.

[15] .  Nguồn từ: “Ngũ đăng hội nguyên”.

[16] . Nguồn từ: “Ngũ đăng toàn thư”, “Ngũ đăng hội nguyên”, “Giáo ngoại biệt truyền”...

[17] . Nguồn từ: “Ngũ đăng toàn thư”, “Tục truyền đăng lục”, “Ngũ đăng hội nguyên”.

[18] . Nguồn từ: “Ngũ đăng toàn thư”, “Ngũ đăng nghiêm thống”, “Tục kế đăng lục”.

[19] . Nguồn từ: “Ngũ đăng toàn thư”, “Tục truyền đăng lục”, “Ngũ đăng hội nguyên”.

[20] . Nguồn từ: “Gia Thái Truyền đăng lục quyển 7”, “ngũ đăng hội nguyên quyển 14, tục truyền đăng lục quyển 30.

[21] . Nguồn từ: “Nam tống Nguyên Minh tăng bảo truyện”, “Thiên đồng sơn, cảnh đức tự, như tịnh thiền sư ngữ lục”, “Tục đăng tồn cảo”, “Tục đăng chính thống”.

[22] . Kế đăng lục ghi là Lộc Môn Giác. Nguồn từ: “Ngũ đăng hội nguyên tục lục”, “Ngũ đăng chính thống”, “Ngũ đăng toàn thư”.

[23] . Nguồn từ: “Tục chỉ nguyệt lục” phần (Phổ chiếu nhất biện); “Tông giám pháp Lâm” (Tục tạng kinh, tập 116, thanh châu Hy Biện); “Gia long tạng”, tập 36, tập 37, thanh châu hy biện;

[24] . Nguồn từ “Ngũ Đăng toàn thư”, sau biên tập vào “Thiền tông ngữ lục từ điển”. Tuy nhiên, những tư liệu này đều không nói rõ xuất thân của sư, chỉ nói về hỏi đáp thiền ngữ của sư.

[25] . Nguồn từ: “Ngũ đăng toàn thư”, “ngũ đăng hội nguyên tục lược”, “truyền đăng chính thống”, “Tục đăng tồn cảo”, “kế đăng lục”, “Tục chỉ nguyệt lục”... nội dung thiền thoại gần như nhau, bình sinh không ghi rõ.

[26] . 2Nguồn từ: “Ngũ đăng toàn thư”, “ngũ đăng hội nguyên tục lược”, “truyền đăng chính thống”, “Tục đăng tồn cảo”, “kế đăng lục”, “Tục chỉ nguyệt lục”, “Tục đăng chính thống” ... đều ghi tên sư là “Vân Nham Mãn” chứ không phải như “kế đăng lục” ở Việt Nam khắc in là “Tuyết Nham Mãn”. Hành trạng của sư chỉ ghi khá sơ lược.

[27] .  Nguồn từ: “Hà Bắc Phật giáo sử”, “Ngũ đăng nghiêm thống”, “Tục đăng tồn cảo”...

[28] . Nguồn từ: “Tục đăng tồn cảo”, “Ngũ đăng toàn thư”, “Kế đăng chính thống”.

[29] . 30 “福慧智子觉,了本圆可悟。周洪普广宗,道庆同玄祖。清净真如海,湛寂淳贞素。 德行永延恒,妙本常坚固。心朗照幽深,性明鉴崇祚。衷正善禧禅,谨悫原济度。雪庭为 导师,引汝归铉路。”

[30] . 31 Nguồn từ: “Ngũ đăng toàn thư”, “Tục đăng tồn cảo”, “Ngũ đăng nghiêm thống”. 

[31] . 32 Nguồn từ: “Ngũ đăng hội nguyên” quyển 1, “tục chỉ nguyệt lục” quyển 10, “Tục kế tồn cảo” tập 11.

[32] . 33 Nguồn từ: “Ngũ đăng toàn thư”, “Kế đăng chính thống”.

[33] . 34 Nguồn từ:Tục chỉ nguyệt lục quyển 13, ngũ đăng hội nguyên tục lược quyển 1, Phật tổ đạo ảnh, Phật quang từ điển đều ghi hành trạng của sư.

[34] . 35 Nguồn từ:Tục chỉ nguyệt lục quyển 14, Tục đăng chính thống quyển 37, ngũ đăng hội nguyên tục lược quyển 1, trang 3768. Phật quang từ điển đều ghi chép về sư.

[35] . 36 Nguồn từ: Tục Đăng chính thống quyển 37, Ngũ đăng hội nguyên quyển 60, ngũ đăng hội nguyên tục lược quyển 1. Phật quang đại từ điển.

[36] . 37 Nguồn từ: Tục đăng chính thống quyển 37, Ngũ đăng hội nguyên tục lược quyển 1, ngũ đăng toàn tập quyển 611, trang 3157. Phật quang từ điển.

[37] . 38 Nguồn từ: Phật tổ đạo ảnh, Tục chỉ nguyệt lục, tục đăng chính thống, chính nguyên lược tập, ngũ đăng toàn thư, tục đăng tồn cảo.

[38] . 39 Nguồn từ: Phật tổ đạo ảnh, Tục chỉ nguyệt lục, tục đăng chính thống, ngũ đăng hội nguyên, chính nguyên lược tập, ngũ đăng toàn thư, tục đăng tồn cảo.

[39] . 40 Nguồn từ: Phật tổ đạo ảnh, Ngũ Đăng Hội Nguyên Tục Lược, Tục đăng chính thống, Chính Nguyên lược tập, Tục đăng tồn cảo, ngũ đăng toàn thư, ngũ đăng nghiêm thống.

[40] . 广从妙普,洪胜禧昌。继祖续宗,慧镇维方 圆明净智,德行福祥。澄清觉海,了悟真常。

Về sau sư lại làm bài kệ gồm 56 chữ kế thừa dưới đây, nhưng sự truyền phái chưa được nghiên cứu làm rõ: 识心达本,大道斯彰。能仁正演,古洞源长。果因融彻,显密均扬。法云等润。灵树 舒芳。慧灯良耀,遍照慈光。应化乘运,祖印元纲。匡扶奕世,传永弥昌

[41] .  Nguồn từ: “Phật tổ đạo ảnh”, Ngũ đăng toàn thư”, “Ngũ đăng nghiêm thống”, “kế đăng chính thống”, “Ngũ đăng hội nguyên tục lược”.

[42] . 43 “Ngũ Đăng toàn thư” ghi là: “安吉州乐平淑安净周” an cát châu, lạc bình, thục an, tịnh chu. Kế đăng lục ghi: “安吉州乐平紫梅净周”An Cát, lạc bình, tử mai, tịnh chu”. Vì chùa “Lạc bình” ngày nay xưa gọi là “Tử Mai khê”. Do “Thục Mai” và “Lạc Bình” vốn là tên gọi theo địa danh. Mà địa danh đã bị đổi theo thời gian. Vì vậy khẳng định thiền sư Tịnh Chu là một. Vì vậy tư liệu về Thiền sư Tịnh Chu căn cứ hoàn toàn vào “Ngũ đăng toàn thư”.

[43] . 44 Hàng chữ “Tịnh” mở đầu của dòng thiền Tào Động Việt, nhưng theo các tư liệu gần đây đã thống kê (tiêu biểu cuốn Long Hoa Thiền Tự Lịch đại trụ trì và danh tăng”, đệ tử thiền sư Minh Tuyết là đến hàng chữ Tịnh có rất nhiều như:Tịnh Sán, Tịnh Thông, Tịnh Oánh, Tịnh Bính, Tịnh Lữ, Tịnh Trụ, Tịnh Phô, Tịnh Bảo, Tịnh Khải, Tịnh Phù.. Nhưng đáng tiếc là tư liệu về thiền sư “Tịnh Chu” vẫn chưa tìm thấy. Theo như pháp sư Từ Mẫn-đương kim trụ trì chùa Nhân Vương Hộ Quốc thiền tự (xưa là Núi Phượng Hoàng) cho biết. Thiền sư Tịnh Chu có thể là thiền sư Ngu Tuyệt, vì thiền sư Ngu Tuyệt đã trụ trì chùa này trong khoảng thiền sư Thủy Nguyệt từ Việt Nam sang. Theo cuốn ngữ lục của Việt Nam còn lưu lại ghi Thiền sư Tịnh Chu là: “Động thượng chính tông, ngũ thế trụ trì, Nhân Ngũ Trí Giáo thư” (truyền thừa đời thứ năm tông Tào Động là Thiền sư Nhân Ngũ Trí Giáo. Đời thứ năm là tính từ thiền sư Phương Niệm trở xuống. Pháp sư Từ Mãn còn đang nghi cuốn ngữ lục ở Việt Nam khắc ván ghi là “Nhân Ngũ 仁五” có thể là “Nhân Vương 仁王”. Từ đó mới xác định được chùa Nhân Vương Hộ Quốc (xưa là núi Phượng Hoàng) nay thuộc thành phố Hồ Châu, tỉnh Triết Giang thực sự là chốn tổ mà sư Thủy nguyệt sang du học. Nay tư liệu về thiền sư Nhất Cú Trí Giáo chỉ căn cứ vào bản “Kế đăng lục” và “Tào động nam truyền đệ nhất tổ sư ngữ lục”.

[44] . 45 “Khởi tín luận”. Đại chính tạng T32n1666_001 , trang 0576a03

[45] . 46 “Kế Đăng Lục”, trang 42 31

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 2
    • Số lượt truy cập : 6174410