Thông tin

NGHIÊN CỨU NGUỒN GỐC HAI DÒNG THIỀN

AN NAM TÔNG TRÊN DÒNG SÔNG MÊ-KÔNG  TẠI THÁI LAN

 

NGUYÊN CHƠN - ĐẠO BÌNH

 

1. MỞ ĐẦU

Thời gian vừa qua, do những tương tác ngoại giao, kinh tế, xã hội cùng với những đóng góp của các nhà nghiên cứu khoa học [5] mà ‘Tăng Đoàn Việt Nam tại Thái Lan’ [6] (泰國越僧團) hay tên chữ là ‘An Nam Tông’ (được dịch sát nghĩa theo tiếng Thái ‘Annamnikai, อนัมนิกาย’ và tiếng Pāli ‘Annamnikāya’) đã được biết đến một cách phổ biến. Ở đây xin dùng chữ ‘An Nam Tông’ vì đã phổ biến hơn so với tên chữ Hán cổ là ‘Thái Quốc, Việt Tăng Đoàn’. Từ những ngôi chùa đầu tiên, trải qua bao thăng trầm của lịch sử, An Nam tông đã củng cố và hình thành nên một trong hai tông phái Đại thừa chánh tông được công nhận tại Thái Lan. Tính tới thời điểm của nghiên cứu này (tháng 1 năm 2015), An Nam Tông đã có lịch sử hình thành 228 năm (từ ngôi chùa đầu tiên tên Quảng Phước [7] (Annam-nikairam) xây năm 1787) với 21 ngôi chùa (trong đó 20 ngôi đã có tên ‘Wat - Chùa’, còn ngôi chùa Cực Lạc Cảnh Giới đang đệ đơn xin tên là Watpa Sukhavadi) [8] thông qua hai dòng thiền chính tông là Lâm Tế và Tào Động, một cơ sở đại học đào tạo hệ cử nhân mang tên Đại Học Đại Trí (Mahāpanya) trực thuộc đại học Mahachulalongkorn tại thành phố Hatyai và một đài phát thanh đặt tại chùa Phổ Phước thuộc Chinatown. Với một khoảng không gian lịch sử rộng hơn 200 năm nên không thể trình bày trong một bài viết ngắn. Hơn thế, chủ đề ‘An nam tông Thái Lan’ đã được viết chi tiết cụ thể, ít nhất là trong 2 luận án thạc sĩ được trình tại đại học Chulalongkorn và đại học Ma- hachulalongkorn, Bangkok. Do vậy, người viết chỉ tập trung nghiên cứu nguồn gốc hình thành của hai dòng thiền của An Nam Tông này với phương pháp cổ sử thông qua các tư liệu, bi ký, bài vị tại các Tổ đường của các ngôi chùa cổ, và thừa kế các nghiên cứu trước đây nhằm bổ sung những quan điểm còn bỏ ngõ.

2. THỜI ĐIỂM VÀ LÍ DO TRUYỀN THỪA

Có thể nói rằng An Nam Tông là một thực thể sinh động chứng minh sự tồn tại của Phật giáo Việt Nam truyền ra nước ngoài dưới hình thức Tăng Đoàn vẫn còn tồn tại và phát triển một cách mạnh mẽ cho tới hôm nay. Theo dòng lịch sử, vào thời kỳ rất sớm của nền Phật giáo Việt nam, cụ thể là vào thế kỷ thứ III, thầy Khương Tăng Hội đã mang Phật giáo Việt truyền vào sứ Đông Ngô thuộc Giang Nam của Ngô Quyền (229-252 TL) thời Tam Quốc nước Trung Hoa [9]. Dấu tích còn lại là ngôi chùa Kiến Sơ và Kinh tạng mà Ngài đã dịch gồm Lục độ tập Kinh, An ban thủ ý... Tiếp bước thầy Tăng Hội, có thầy Đại Đăng sang Ấn Độ du học rồi về Trung Hoa tham gia phiên dịch Kinh Tạng với thầy Huyền Tráng nhưng không thấy mở tông tu tập. Trong khi đó, Phật giáo từ Ấn Độ (Tây Thiên), Trung Quốc (Đông Độ) lần lượt truyền sang Việt Nam hình thành nên các dòng thiền tông tồn tại và phát triển cho đến hôm nay. Mãi đến thời nội chiến của chúa Nguyễn Phúc Ánh (vua Gia Long sau này) với triều Tây Sơn, thì Phật giáo Việt nam được truyền sang Xiêm La quốc (Siam hay Thái Lan ngày nay) mà công lao to lớn là do những Tôn thất nhà Nguyễn (một trong số ấy là Tôn Thất Xuân), tướng lãnh và gia quyến của họ. Một điều đặc biệt là bốn ngôi chùa mang tên ‘Phước’ (Phúc) – tên chữ của dòng họ Chúa Nguyễn (Phước) - gồm: Chùa Quảng Phước (xây năm 1787), Phổ Phước và Cảnh Phước, Biểu Phước với chữ đệm là Sắc tứ Trấn quốc (Cảnh Phước tự), sắc tứ Hưng Quốc (Khánh Vân) giúp ta có thể liên hệ đến những mục đích khác nữa đó là: - (1) Góp phần cầu nguyện cho công nghiệp thống nhất giang sơn của vị Chúa (Nguyễn Phúc Ánh) mà họ tôn thờ được sớm thành công (các ngôi chùa đầu tiên); (2) sau khi nước nhà độc lập thống nhất sắc phong cho xây dựng chùa chiền làm cho quốc gia vững bền (trấn quốc) và hưng thịnh (hưng quốc) nhằm bảo đảm cho nhà Nguyễn (Phúc) mãi mãi dài lâu và rộng khắp (Phổ Phước) (các ngôi chùa xây sau). Riêng chữ

‘Quảng Phước’ rất hay vì chữ ‘Quảng’ vừa mang ý nghĩa là đất kinh kỳ vừa có nghĩa là ‘dài rộng thêm ra’ giống như chữ ‘Quảng Nam – mở rộng về phía Nam’ và chữ Phước là chữ lót của hoàng tộc nhà Nguyễn. Một hiện tượng tương tự là tại Bà Rịa, Vũng Tàu vào thời vua Gia Long (1802-1820) xuất hiện các tên gọi mang chữ Phước: làng cá Phước Hải, làng Phước Thắng, đàn Kỳ Phong thuộc xã Phước Tỉnh tôn thờ các vị hải thần. Tương tự, tại Lệ Thủy, Quảng Bình, năm 1821, vua Minh Mạng (Nguyễn Phúc Đảm) trong chuyến ngự giá Bắc tuần, ghé thăm chùa Kính Thiên tự, đã đổi chùa này thành Hoằng Phúc tự [10, tr. 4]. Ở đây ta có thể thấy rằng chữ ‘Phúc’ rất được ưa dùng trong các triều đại nhà Nguyễn vì nó không chỉ là tên chữ đệm của hoàng tộc này mà còn có một ý nghĩa chính trị nhất định. Riêng vấn đề vua Gia Long với Phật giáo An Nam Tông Thái Lan vẫn còn là vấn đề cần nghiên cứu thêm vì chúa Nguyễn Ánh chỉ ở Xiêm la 4 năm (1783 đến1787) sau đó Chúa bí mật trở về Việt nam để lãnh đạo cuộc kháng chiến thống nhất đất nước, nên công lao xây dựng chùa chiền bên này hẳn là kiều bào và các Tôn thất nhà Nguyễn, có chăng sau khi đã đăng cơ, Ngài cho sắc tứ tên chữ và hỗ trợ tinh thần cho các ngôi chùa Việt tại Thái Lan. Theo quan điểm của Peter A. Pool “ngôi chùa đầu tiên của người Việt ở Thái Lan là chùa Quảng Phước (Wat An- namnikairam) do hai vị tướng của Nguyễn Ánh là Thong Dung Gian và Hồ Dương Đắc cùng với số người Việt đã quyên góp và xây dựng nên vào năm 1787 tại khu vực Bang Po”. [2, tr. 23]

Tóm lại, năm 1787 là mốc lịch sử mở Tông An Nam tại Thái Lan với chứng tích còn đó là ngôi chùa Quảng Phước và lí do truyền thừa là do những Tôn thất, tướng lãnh nhà Nguyễn và đoàn tùy tùng sau khi họ quyết định ở lại Xiêm La làm ăn sinh sống đã xây dựng chùa chiền để thờ cúng tổ tiên và gìn giữ tôn giáo cổ truyền của họ. Ngoài ra, xây chùa tạo phúc, góp phần cầu nguyện cho sự hưng thịnh của nhà Nguyễn cũng là một lí do quan trọng trong việc hình thành nên hệ thống Tông An Nam tại Thái Lan.

3. VẤN ĐỀ DANH XƯNG

Trước hết, phải nên minh bạch rằng ‘An Nam Tông’ là ‘Phật Giáo Đại Thừa Việt Tông tại Thái Lan’ chứ không hề liên hệ đến ‘Phật giáo Nam Tông/truyền Việt Nam’ dù là ‘Nam tông Kinh’ hay ‘Nam tông Khmer’. Tên gọi chữ Hán bản cổ ghi là ‘Thái quốc Việt tăng đoàn’ ‘泰國越僧團’ hay ‘Tăng Đoàn Việt Nam tại Thái Lan’ thì đã rõ. Còn tên tiếng Thái ‘Annamnikai’ (อนัมนิกาย) thì sao? Tại sao không phải là ‘Vietnamnikai’ (Việt Nam Tông)? An Nam là An Nam nào, An Nam thời Pháp thuộc chỉ các tỉnh miền trung sau khi Pháp phân chia Việt nam thành Tonkin (Hà nội) Annam (Miền trung) và Cochinchina (Sai-gon) hay An nam của ‘An Nam Đô hộ phủ’ mà thời Đường (673-757 và 768-866) người Trung quốc ám chỉ biên cương phía nam đã bình định, đã an bài. Căn cứ vào thời điểm truyền thừa “Do tình hình chiến tranh trong nước, một số gia nhân của nhà Nguyễn đứng đầu là Tôn Thất Xuân đã chạy trốn xuống Hà Tiên. Năm 1778, Vua Taksin của Siam cho quân sang đánh Hà Tiên và bắt tất cả đưa về Băng Cốc” [2, tr.14] thì chúng ta có thể thấy rằng An Nam là chỉ chung cho toàn cõi Việt nam chứ không thể là An nam chỉ riêng phần dãi đất miền Trung được. Vì rằng thời ấy, Pháp chưa đô hộ Việt nam [11] thì lấy gì mà phân chia ranh giới và như thế làm gì có phần đất An Nam giành riêng cho miền Trung. Như vậy, An Nam tông là Việt Nam tông hay Tăng đoàn Phật Giáo Việt Nam nói chung và so với tên chữ Hán ‘Việt tăng đoàn’ là hoàn toàn thỏa đáng. Hơn thế nữa, theo niên biểu Việt nam thì quốc hiệu ‘Đại Việt’ được dùng xuyên suốt từ thời kỳ Lý Thánh Tông lên ngôi năm 1054 đến gian đoạn đầu thời nhà Nguyễn trước năm 1804, nhưng lịch sử bang giao với ngoại quốc, cái tên ‘An nam quốc’ được dùng thay thế. Một ví dụ cụ thể là vào thời Trần Thái Tông, quốc hiệu Đại Việt nhưng khi viết thư ngoại giao và dâng biểu thì vẫn viết tên nước là An Nam quốc: ‘Tống Bảo Hựu, An Nam Trần, thọ vị vu tử, thượng biểu’[1, tr. 645]: - năm Bảo Hựu thứ 6 (1258) của nhà Tống, vua Trần (Trần Thái Tông) nước An nam nhường ngôi cho con (Trần Thánh Tông), dâng biểu. Hoàng đế Quang Trung làm hịch trước lúc xuất trận Ngọc Hồi Đống Đa đã viết: “Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ”. Người Trung quốc có thói quen gọi nước ta là An nam quốc khi các vị vua Việt nhận thụ phong của Trung quốc với hiệu là An nam quốc vương và cách dùng này ảnh hưởng đến cách gọi của người nước ngoài khi nói về Việt Nam ít nhất là tới trước năm 1945 (các từ điển tiếng Việt-Bồ-La xuất bản năm 1651 (Dictionarium Annnamiticum Lusitanum et Latinum) thời sơ kỳ của chữ Quốc ngữ đều dùng tên Annamiticum, nguyên bản gốc viết dư một chữ n). Cũng vì lí do đó mà các vua Thái đều thừa nhận Phật giáo Việt nam thời bấy giờ là An nam tông và cho tới khi vua Rama V, Chulalongkorn chứng nhận An nam tông là đại thừa chánh tông vào năm 1899 vẫn giữ tên cũ theo tiếng Thái là Annamnikai (อนัมนิกาย) và dịch sang tiếng Việt là An Nam Tông dù rằng vào năm 1804 quốc hiệu chính thức của nước ta đã đổi thành Việt Nam. Tuy nhiên, Annamnikai lại là tên gọi mang tính hành chính và học thuật, còn thực tế đời sống xã hội thì người Thái gọi An nam tông là Yuan (duân) ní-kai, chùa Việt thì gọi là Wat Yuan hay Wat Viết Nam (có dấu sắc), Thầy Việt gọi là Phra Yuan (Phá Duân). Chữ Yuan có thể bắt nguồn từ chữ yavana của tiếng Phạn (Sanskrit), từ yavana thành yauana (vì v và u có thể hoán đổi theo luật sandhi) rồi do cách đọc bỏ nguyên âm cuối [a] trong tiếng Thái thành ra yauan cuối cùng viết gọn thành Yuan. Chữ yavana có nghĩa là người ngoại quốc hay người đến từ miền biên viễn. Trong cuộc chiến biên giới Tây Nam với chế độ Pol Pot, chữ cáp-yuan (cắt cổ người Việt) được dùng đến làm cho một bộ phận không nhỏ người Việt không thích mình bị gọi là Yuan, và tương tự người Campuchia cũng không thích bị gọi là Miên vậy. Tuy nhiên, ở Thái Lan, chữ Yuan chỉ thuần túy là dùng cho người Việt cũng như chữ Xiêm (Siam, xà- dảm) là chỉ cho người Thái, không có gì là miệt thị cả.

4. HAI DÒNG THIỀN LÂM TẾ VÀ TÀO ĐỘNG (CỦA AN NAM TÔNG, THÁI)

Căn cứ vào các bài vị tại các Tổ đường, cũng như pháp danh, pháp hiệu của các sư Thái tu theo An nam tông xưa và nay, gốc tích của hai dòng thiền này chủ yếu được truyền thừa qua hai dòng chính tông là thiền Lâm Tế và Tào Động. Vấn đề là Lâm Tế và Tào Động nào, phát tích từ đâu?

d.1. Lâm Tế Trí Bảng - Đột Không智板 - 突空

(Cũng gọi là Lâm Tế Trí Huệ, Lâm Tế Long Động (đàng ngoài)) Bài vị của chùa Phổ Phước Bangkok khắc tên các thế hệ Tổ sư của thiền phái Lâm Tế như sau:

Lâm Tế chánh tông,

Nguyên Bảo - Chánh Tạng (đời thứ 38)

Quảng Diễn - Vĩnh Khánh và Quảng Cần – Tinh Chuyên (đời thứ 39)

Tục Nhuận - Diệu Trạm và Tục Nghi - Thủ Lễ (đời thứ 40)

Bản Mặc - Viên Mãn (đời thứ 41)

(Nguyên bản pháp danh được ghi ngược lại, ví dụ: Chánh Tạng- Nguyên Bảo)

(Theo hệ: Nguyên, Quảng, Tục, Bổn (Bản)…)

Như vậy, từ bài vị này có thể cho ta biết được hai điểm. Một là sơ Tổ của dòng Thiền Lâm Tế tại Thái Lan là Tổ Nguyên Bảo - Chánh Tạng (đời thứ 38). Thứ đến, nó giúp ta truy nguyên dòng thiền này là thuộc chi phái Lâm tế Trí Bảng - Đột Không. Dòng này do ngài Trí Bảng - Đột Không mở tông với bài kệ bắt đầu là chữ Trí Huệ, nên còn gọi là Lâm tế Trí Huệ:

Trí Huệ Thanh Tịnh 智慧清淨, Đạo Đức Viên Minh 道德圓明, Chân Như Tánh Hải 真如性海, Tịch Chiếu Phổ Thông  寂照普通, Tâm Nguyên Quảng Tục 心源廣續, Bổn Giác Xương Long 本覺昌 隆, Năng Nhơn Thánh Quả 能仁聖果, Thường Diễn Khoan Hoằng常 演寬宏, Duy Truyền Pháp Ấn 惟傳法印, Chánh Ngộ Hội Dung 正悟 會容, Không Trì Giới Hạnh 空持戒行, Vĩnh Kế Tổ Tông 永繼祖宗.

Hiện tại, dòng Lâm Tế Thái Lan đã truyền xuống tới chữ Xương ( 昌) (43th), Long (隆) (44th) ví dụ vị Tổng thư kí An Nam Tông hiện tại là Phra Therazut tên pháp danh: Xương Thịnh (昌盛) và Thầy thư kí chùa Cảnh Phước, Phra Cô, hiệu là Xương Cảnh – Thiện Cụ. Bài biệt kệ pháp tự của chùa Phổ Phước Bangkok:

得安樂成田,  達通就廣寶,  善受發應光,  明海德勇慈.

Đắc an lạc thành điền, Đạt thông tựu quảng bảo, Thiện thọ phát ứng quang, Minh hải đức dũng từ. (Tư liệu do Phra Therazut cung cấp)

Vậy thì ai là Bổn sư của Tổ Nguyên Bảo - Chánh Tạng (đời thứ 38) của dòng Lâm tế Trí Bảng - Đột Không của An nam tông Thái Lan?

Theo Lịch sử Phật giáo Đàng Ngoài [4]:

‘Hòa thượng Chuyết Công hay Thiền sư Viên Văn- Chuyết Chuyết (1590 1644) thuộc phái thiền Lâm Tế của Trung Hoa, thế hệ thứ 31, truyền thừa theo bài kệ truyền pháp của Tổ sư Trí Bảng-Đột Không là vị Thiền sư phục hưng dòng thiền Lâm Tế miền Bắc Hà. Ngài sang Đại Việt vào khoảng năm 1630, vào Đàng Trong trước, rồi năm 1633 ra Thăng Long lưu lại ở chùa Khán Sơn hoằng pháp. Sau đó dời về chùa Phật Tích ở Tiên Du (Bắc Ninh) và cuối cùng, sau khi chúa Trịnh cho trùng tu chùa Ninh Phúc (Bút Tháp) thì về trụ trì chùa Ninh Phúc cho đến khi viên tịch vào năm 1644’.

“Đồng thời theo Thiền Uyển truyền đăng lục quyển hạ tờ 23a được soạn bởi Phúc Điền hoà thượng về truyền thừa chùa Thiên Tâm như sau: “Khai sơn thuỷ tổ chùa Thiên Tâm núi Tiêu ở Yên Phong Bắc Ninh là Vạn Hạnh tổ sư. Truyền xuống đời thứ 2 là Như Trí. Truyền xuống đời thứ 3 là Tính Dũng đại sư. Truyền xuống đời thứ 4 là Hải Trinh đại sư. Truyền xuống đời thứ 5 là Đồng Giáo Cánh Chủ Tịch Lâm tổ sư. Truyền xuống đời thứ 6 là Tịch Quang Chiếu Trí đại sư. Truyền xuống đời thứ 7 là Phổ Thuận Đại sư. Truyền xuống đời thứ 8 là Thông Tuệ Đại sư”[12].

Nếu chúng ta bôi đậm chữ đầu dòng kệ thì sẽ thấy ngay Pháp danh của chư Tổ Sư đều được đặt đúng theo biệt kệ của dòng thiền Lâm Tế Trí Bảng: Như (Trí), Tính (Dũng), Hải (Trinh), Tịch (Lâm, Quang), Chiếu (Trí), Phổ (Thuận), Thông (Tuệ).

Vậy thì, Bổn sư của ngài Nguyên Bảo – Chánh Tạng phải có chữ đầu là Tâm và có thể là đệ tử của Tổ sư Thông Tuệ hay vị Tổ đồng hàng mang pháp hiệu chữ Thông.

Theo Kết Liên hoa tuyển Phật đồ: ‘Tiêu biểu là sơn môn Bổ Đà, ngôi chùa ở tỉnh Bắc Giang truyền pháp theo bài kệ của thiền sư Đột Không-Trí Bản đã truyền đến chữ TỤC, chữ BẢN”.

Các chùa “Long Động, Liên Tôn, Nguyệt Quang ngoài Bắc đều truyền thừa theo bài kệ của thiền sư Đột Không-Trí Bản. Thiền sư Chân Hiền Liễu Nhất, trụ trì chùa Hoa Yên, đệ tử của Thiền sư Minh Lương, Ngài có đệ tử là thiền sư Như Văn, tổ sư khai phái chùa Muống (Hải Dương) cũng truyền thừa theo bài kệ trên…”[13].

Điều gì giúp chúng tôi kết luận rằng Lâm tế tại Thái Lan là chi phái của phái Lâm Tế Trí Bảng - Đột Không miền Bắc (Đàng ngoài) thay vì Lâm tế miền Trung, Nam (Dòng Nguyên Thiều, Chúc Thánh, Liễu Quán). Trước hết, giọng tụng và kinh điển (phiên âm Hán- Thái) của An Nam tông tại Thái Lan hầu hết đều đọc theo giọng Trung và Nam ví dụ danh hiệu “Nam Mô Đại Trí Dăng Thù Sư Lợi Bồ Tát, Nam Mô Địa Tạng Dương Bồ Tát” thì rõ ràng là không thể giọng Bắc được vì nếu đã là Bắc thì phải đọc là Văn Thù hay Địa Tạng Vương Bồ Tát thay vì Dăng và Dương. Không một tu sĩ nào đọc kinh giọng thuần Bắc cả nhưng riêng Tông Lâm Tế thì có pha trộn giọng Bắc [2, tr.116]. Nhưng điều này không thể kết luận vấn đề truyền tông vì giọng đọc có thể thay đổi do các vị Tổ sư sau này khi phiên âm ra tiếng Thái đọc bằng giọng Nam, Trung trong khi thời kỳ truyền thừa ban đầu là giọng Bắc. Do vậy mà tông Lâm Tế còn giữ lại một số ít giọng Bắc. Thời kỳ đầu, các trưởng lão An nam tông khi đọc kinh phải học thuộc lòng chữ Hán trực tiếp, vấn đề phiên âm chỉ diễn ra sau này. Một điều khá thú vị là dù đọc kinh giọng Trung, Nam nhưng nghi thức và cách đánh chuông mõ lại theo lối miền Bắc, nghĩa là vị chủ Sám (chủ lễ) sẽ phải đánh cả chuông và mõ. Trước khi vào tụng Kinh thì phải đọc chú cúng hương, hoa, đăng, trà, quả. Điều này thì miền Trung và Nam không có. Vấn đề thứ hai, chúng tôi nghiên cứu pháp danh của các vị đệ tử đang tu theo tông Lâm Tế này và phát hiện họ đều có pháp danh truyền kệ đúng theo dòng truyền thừa của tông phái này. Pháp danh, pháp tự của các dòng thiền là vấn đề hết sức thiêng liêng và chặt chẽ.

Nó nói lên sự chính tông và gốc tích dòng truyền của các Tổ sư, và vì vậy, cho dù có thay đổi địa điểm tu tập, dòng kệ pháp danh vẫn được lưu truyền cho hậu thế, đệ tử nối tiếp mà không thể khác đi được.

Tóm lại, Lâm Tế Thái Lan là chi phái của Lâm Tế Trí Bảng Đột Không Miền Bắc. Tổ Đình của ‘Lâm Tế An-nam tông Thái Lan’ trên đất Việt nam phải là chùa Ninh Phúc nơi vị Tổ sư Khai tông dòng Lâm tế Đàng Ngoài, Viên Văn – Chiết Chiết đang yên vị và tại Thái Lan ngài Nguyên Bảo Chánh Tạng đời 38 là Tổ sư khai tông Lâm tế An Nam.

d.2. Tào Động Thọ Xương (Cũng Gọi là Vĩnh Xương)

Tấm bài vị chư vị Tổ sư tại ‘Tổ sư điện chùa Cảnh Phước’ khắc tên các thế hệ Tổ sư của thiền phái Tào Động là:

Từ Tào Động Chánh Tông,

Tân Thành - Tánh Huyền, (đời thứ 39) Thông Huệ - Chân Hưng, (đời thứ 40) Thiên Vân - Bảo Hải, (đời thứ 41) Kiêm Khuyết - Diệu Khê, (đời thứ 42) Triệt Thanh - Bạch Ngọc, (đời thứ 43) Địa Kim - Giác Mẫn; Địa Tường - Phong Điều (đời thứ 44)

(Theo hệ: Tân, Thông, Thiên, Kiêm (Tịnh), Triệt, Địa….và đôi khi chữ Kiêm ‘’ được thay bằng chữ Tịnh ‘’ có lẽ vì ý nghĩa giống nhau)

Một điều khá đặc biệt là dòng chữ Hán chính giữa tấm bài vị, đề: Nam Mô Tây Thiên, Đông Độ lịch đại Tổ Sư Giác Linh. Đây có thể là sai lầm về mặt nhận thức của người khắc bài vị chăng! Vô hình trung, người đọc cứ tưởng đây là ngôi chùa Trung Hoa tông trên đất Thái vì nếu dịch nghĩa bài vị sẽ là: ‘Kính lễ Giác linh chư Vị Tổ sư [đến từ] Tây thiên (Ấn Độ) và Động độ (Trung Hoa)’ mà quên rằng Tổ Sư là người Việt, tại ngôi chùa Việt trên đất Thái. Do vậy nếu viết đúng phải là:  Nam Mô Tây Thiên, Đông Độ, Việt/An Nam truyền Giáo lịch đại Tổ Sư Giác Linh. Cụ thể chứng minh là linh vị Tổ sư toàn là người Việt (Tân Thành- Tánh Huyền…) kia mà. Hầu hết các chùa An Nam tông đều mắc sai lầm tế nhị này. Rất có thể do nghi cổ lạy thù ân sám hối chỉ đề là: ‘Chí tâm đảnh lễ Nam mô, Tây Thiên, Đông Độ lịch đại Tổ Sư, tam bái.’ Do vậy, nếu phải sửa đổi lại thì nên bắt nguồn từ bổn sám hối này, rồi đến bài vị Tổ sư.

Nhìn vào dòng truyền thừa chúng tôi khẳng định đây là Tào Động Thọ Xương do thiền sư Vô Minh - Tuệ Kinh sáng lập. Ngài Huệ Kinh (慧經,1548-1618) Thiền tăng đời Minh, họ Bùi, tự Vô Minh, người xứ Sùng Nhân (nay thuộc tỉnh Giang Tây) Trung Quốc; nối pháp Thiền sư Thường Trung, tông Tào Động. Sư trụ chùa: Bảo Phương, Thọ Xương. Tác phẩm: Vô Minh Huệ Kinh Thiền sư ngữ lục (Phật Quang đại từ điển).

Gọi là Tào động Thọ Xương là vì vẫn còn đang truyền đến chữ Diệu, Cổ (Ví dụ: HT. Diệu Giác – Tịnh Liên – Trú trì chùa Cảnh Phước, TT. Diệu Hải – Tổng điều hành đại học Đại Trí (Mahāpanya), Hatyai; trong khi đó dòng thiền này tại Đài Loan và Phật Giáo Hoa Tông Miền Nam Việt Nam đã nối sang dòng thiền Cổ Sơn nên gộp lại là Tào Động Thọ /Vĩnh Xương Cổ Sơn, và nếu tinh ý chúng ta sẽ thấy khi viết chữ Hán luôn đề là tục phái (續派) nghĩa là chi nối, dòng truyền thêm để phân biệt với dòng gốc.

Thọ Xương phái 壽昌派:

Tuệ nguyên đạo đại hưng 慧元道大興, Pháp giới nhất đỉnh tân 法 界一鼎新, Thông Thiên Kiêm Triệt Địa 通天兼徹地, Diệu Cổ Phục Đằng Kim 耀古復騰今.

Cổ Sơn tục phái 鼓山續派:

Kim nhựt thiền tông chấn 今日禪宗振, Hoằng khai đỗng thượng truyền 宏開洞上傳, Chánh trung diệu hiệp chỉ 正中妙挾旨, Hư dung chiếu độc viên 虛融照獨圓.

Căn cứ vào lịch sử truyền thừa của tông phái Tào động Đàng trong tại Đại Việt lúc bấy giờ phải kể đến tổ sư Thạch Liêm – Đại Sán (1633 - 1704) đời thứ 29. Sư được chúa Nguyễn Phúc Chu mời sang Đại Việt năm 1695 và tổ chức giới đàn cho Tăng chúng và hoàng thân quốc thích tại chùa Thiền Lâm (Thuận Hóa) và Di Đà (Hội An). Năm ấy chúa Nguyễn Phúc Chu được thọ Bồ tát giới với pháp danh Hưng Long (30th). Căn cứ vào dòng truyền thừa (từ Đại đến Hưng) chúng ta có thể kết luận rằng dòng Tào động Đàng Trong này là dòng Tào Động Thọ Xương. Dù rằng Thạch Liêm rất có công trong vấn đề truyền bá tông phái Tào Động, độ được vị quốc chủ là chúa Hưng Long (đời 30) nối tông nhưng ông không phải là người đặt nền móng đầu tiên phát triển tông phái Tào động tại đại Việt mà người đó phải là quốc sư Hưng Liên, đệ tử của Thạch Liêm. Sư Hưng Liên được mời sang Đại Việt từ thời chúa Nguyễn Phúc Trăn (cha của Nguyễn Phúc Chu) như vậy có nghĩa là Sư đã hoằng pháp tại đây từ 4 tới 5 năm so với thầy mình là Thạch Liêm. Một người được phong là quốc sư hẳn nhiên công trạng, đạo đức và sự cống hiến là không nhỏ. Từ quốc sư Hưng Liên đến sơ tổ Tân Thành – Tánh Huyền của Tào Động An Nam tông là 4 đời như vậy đúng nghĩa Ngài Tân Thành phải là đời thứ 35, song bài vị Tổ sư lại đề đời thứ 39 cho thấy có sự chênh lệch nào đó trong cách tính. Tuy nhiên, căn cứ vào bài kệ truyền tông thì chúng ta có thể kết luận rằng thầy của Tổ Tân Thành - Tánh Huyền phải có pháp danh là chữ Đỉnh.

Mặc dù có những sai sót nhỏ trong cách tính toán, nhưng theo kết quả khảo cứu thực tế cho thấy dòng thiền Lâm Tế An Nam tông là chi phái của dòng Tào Động (Thọ Xương) Miền Trung Việt Nam truyền sang. Tại Miền Trung Việt Nam, dòng thiền này được Quốc sư Hưng Liên truyền vào trước nhất và người làm cho nó phát triển hơn là Tổ sư Thạch Liêm - Đại Sán. Tại Thái Lan, sơ Tổ Tân Thành – Tánh Huyền tại Tổ đình Long Sơn (Wat Thamkhaunoi) là người khai truyền tông này. Hiện tại dòng Lâm Tế An Nam này đang truyền tới chữ Cổ (古) tức là hàng đệ tử của các Vị Hòa Thượng Diệu Giác, TT. Diệu Hải. Theo truyền thống An nam tông tại Thái Lan, khi bổ nhiệm trụ trì, Tăng đoàn An Nam tông sẽ quyết định, nên một ngôi chùa có thể có cả thế hệ trụ trì vừa Lâm Tế vừa Tào Động và các trụ trì có thể thuyên chuyển làm trụ trì chùa này sang chùa khác tùy theo sự bổ nhiệm và vị trí lãnh đạo giáo hội của họ.

Theo thống kê thực tế từ các bài vị của các tổ đình và số lượng tăng sĩ xuất gia theo An nam tông hiện tại cho kết quả là toàn nước Thái có khoảng 400 Tăng và Sa di tu theo An nam tông, trong đó 77% tăng sĩ thuộc tông Lâm Tế Trí Bản và 23% theo tông Tào Động Thọ Xương [3, tr.71].

e. Kết luận

An nam Tông Thái Lan là một dấu ấn rõ nét của việc truyền tông ra nước ngoài của nền Phật giáo Việt. Dù trải qua những thăng trầm của lịch sử, và đôi khi vắng bóng hoàn toàn sự hiện diện của sư Việt trên đất Thái (kể từ khi ngài Tăng Trưởng Bình Lương hay Sư Cụ Ba về Việt Nam năm 1964) nhưng mạng mạch Phật pháp của tông phái vẫn được duy trì và phát triển do những đệ tử xuất gia và tại gia người Thái và Thái- Hoa kế tục hơn 228 năm qua. Linh hồn của Phật giáo Việt tồn đọng ầm thầm qua nhị thời khóa tụng bằng âm Hán-Việt, qua những bái tán ‘dương chi tịnh thủy, hải chấn triều âm’ hay khoa chẩn tế cô hồn mang đậm truyền thống dân tộc Việt: giản dị và kiên cường. Lâm Tế Trí Bản (Đàng ngoài) và Tào Động Thọ Xương (Miền Trung) đã kế tục xuất sắc hai dòng thiền phái của Phật giáo đại thừa Việt nam khi truyền sang sứ sở của Phật giáo Nam Truyền tạo nên một nền Phật giáo Việt giàu khả năng thích ứng và bản sắc. Nghiên cứu nguồn gốc hai dòng thiền này, giúp chúng ta có cái nhìn toàn diện về nền Phật giáo Việt nam, kết nối những khoảng trống trong lịch sử Phật giáo nước nhà. Hơn thế, An nam tông còn là kho tàng sống động để nghiên cứu lịch sử Phật giáo Việt nam giai đoạn thế kỷ XVIII, XIX, những vấn đề nghi lễ, nghi truyền giới theo cách thức cổ (Bản Giới Đàng Tăng cổ), khoa nghi cúng chẩn, âm nhạc Phật giáo (các bản khoa) cũng như các thế hệ danh tăng Việt nam tại nước ngoài v.v…tất cả có thể được tìm thấy khi chúng ta đi vào nghiên cứu sâu mỗi bình diện của tông An nam này.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Lê Mạnh Thát (2004), Toàn tập Trần Thái Tông, NXB Tổng hợp Tp.HCM.

2. Đỗ Thuý Hà: Tiwaree Kosittanakiat (2005), The Adaptation of Annam-Nikai in Bangkok, M.A Thesis-Chulalongkorn University Bangkok.

3. Trần Duy Hiếu (Thích Nhuận Ân) (2008), A study of Annam- Nikaya in Thailand, M.A Thesis-Mahachulalongkorn University.

4. Nguyễn Hiền Đức, Lịch Sử Phật Giáo Đàng Ngoài, Chương II.

5. Hai bản luận án Thạc sĩ viết cùng chuyên đề ‘An Nam Tông’ của Đỗ Thúy Hà đại học Chulalongkorn và Thích Nhuận Ân đại học Mahachulalongkorn, Thái Lan.

6. Tên chữ Hán theo tư liệu hình ảnh cũ tại chùa  Cảnh Phước, Bangkok ghi: ‘Thái Quốc, Việt Tăng Đoàn’

7. Theo ghi chép của HT. Nguyễn Văn Khước (Luang Ta Khuoc) tại chùa Cảnh Phước: ‘Chùa Quảng Phước, Thái gọi là wat Bang Fo, xưa truyền là chùa Gia Long’.

8. Tư liệu do thầy chánh thư kí Therāzut từ văn phòng An Nam Tông chùa Phổ Phước (chinatown) cung cấp.

9. Thiền Sư Nhất Hạnh cho rằng thiền Sư Tăng Hội là sơ Tổ của dòng Thiền Việt Nam. Tuy nhiên, sách sử chỉ ghi lại hành trạng truyền thừa Phật giáo, dịch kinh, lập chùa của Ngài, nhưng không nói đến việc khai Tông dạy thiền và mở ra dòng thiền nào cả.

10. Theo Trương Quang Nam, báo Giác Ngộ số 773 – 5-12-2014, tr.4

11. Pháp nổ súng đánh Việt nam vào năm 1858 với trận đánh mở màn tại Đà Nẵng, năm 1884 chiếm Hà Nội và 1887 chiếm toàn cõi Đông Dương.

12. Phạm Tuấn (Viện Hán Nôm) Tiêu Sơn tự và sự ngộ nhận tông phái về Như Trí Thiền sư, http://giacngo.vn/lichsu/2008/09/15/774218/.

13. Chánh Tuệ Định, Phạm Đình Nhân: ‘Một số tồn nghi về các bài kệ truyền thừa Phật giáo’, http://www.phattuvietnam.net/phat- giaovietnam/lich-su-phat-giao-viet-nam/16481-một-số-tồn-nghi-về- các-bài-kệ-truyền-thừa-phật-giáo.html.

14. Đỗ Thuý Hà, “Những Ngôi Chùa Việt Nam Tại Thái Lan (Viet- namese Temples in Thailand)”, Retrieved on 25th September 2006. http://www.thuvienhoasen.org/anamtonghaychuavietothailan.htm

15. Thích Huệ Giáo. “Những Ngôi Chùa Việt Nam Tại Thái Lan ” (The Vietnamese Temples in Thailand). Retrieved on 26th December 2006. http://www.thuvienhoasen.org/cvn-thailan.htm

16. Hạnh Chơn, Thông Đạt. “Truyền Thống Tu Tập Của Phái An- nam-Nikaya” (The Traditional Training of Annam Niakya). Retrieved on 10th , April 2007. http://daophatngaynay.com/viet/dien/truyen- thong_AnnamNikaya.htm

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 10)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 9)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 23
    • Số lượt truy cập : 6796032