NGÔI CHÙA LỊCH SỬ
NGÔI CHÙA LỊCH SỬ
HÀNG CHÂU
Con đường thơ mộng mang tên Bà Huyện Thanh Quan, dọc hai bên đường là hàng me xanh mượt. Thi thoảng ngọn gió nhẹ lướt qua, những chiếc lá bé tí xíu bay bay như những cánh hoa vàng phủ trên lề đường dọc theo hai hàng phố nhỏ.
Ngôi chùa Xá Lợi là ngôi chùa trước tiên của thành phố Sài Gòn, xây dựng theo lối kiến trúc hiện đại. Chùa được khởi công đặt viên đá đầu tiên vào đầu thu năm 1956. Bản vẽ với trí tuệ và bàn tay khéo léo của hai kiến trúc sư Trần Văn Đường và Đỗ Bá Vinh. Hai năm lao động miệt mài của công nhân xây dựng, chùa được hoàn thành vào mùa hè năm 1958. Chùa có thư viện để Phật tử cùng khách thập phương đến đọc và nghiên cứu các tài liệu Phật giáo quý giá. Ngoài ra, trong khuôn viên chùa còn có phòng phát hành kinh sách cho những ai muốn lưu giữ sách tại ngôi nhà của mình.
Khác với nhiều chùa, chùa Xá Lợi chỉ đặt một tượng Phật cao lớn, uy nghi, không thờ nhiều vị Phật khác. Tháp chuông của chùa có 7 tầng, khánh thành vào cuối năm 1961. Mỗi tầng thờ một vị Phật. Trên tầng cao nhất có treo một đại hồng chung, với trọng lượng hai tấn, đúc dựa theo mẫu của chùa Thiên Mụ - Huế. Điều quý giá nhất, chùa có một tháp bằng vàng đựng ngọc xá lợi Phật do ngài Narada Mahathera, một danh tăng Phật giáo Tích Lan trao tặng. Ngoài ra, chùa còn có một pho kinh bằng chữ Pali, in trên lá Ô bôi tức lá muôn, cách nay trên 10 thế kỷ.
Chùa Xá Lợi là trụ sở chính của Hội Phật học Nam Việt từ năm 1951 đến năm 1981. Rồi từ năm 1981 đến năm 1993, ngôi chùa này là Văn phòng hai của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
***
Bảo tàng Hoa Thạnh Đốn cao tầng, trang trọng, thoáng mát, không xa tòa nhà Quốc hội là mấy, chiếm một diện tích rộng rãi ngay trung tâm thành phố. Hôm ấy vào ngày Chủ nhật cuối tháng hạ sắp sang thu, bầu trời trong xanh với vầng mây trắng lững lờ, từng đoàn người từ khắp nơi đổ về, họ nhẹ nhàng bước lên bậc thềm vào từng phòng triển lãm, thì thầm trao đổi về lịch sử của đất nước con người Hoa Kỳ. Cách nay 300 năm, vùng đất Mỹ châu do Christopher Columbus, người Ý du lịch theo vòng trái đất phát hiện vùng đất cao nguyên hoang sơ, nơi ấy có bộ lạc người da đỏ sinh sống, rồi từ đó từng dòng người da trắng nhập cư. Ban đầu họ làm nông nghiệp, từ từ khoa học phát triển, tiến lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đi lên vài tầng nữa, sẽ thấy mảng tường trưng bày hình ảnh cuộc chiến tranh Việt Nam, một đất nước nhỏ bé ven biển Thái Bình Dương. Hàng đầu, trên cao là chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh trang trọng. Hàng thứ hai, bên dưới, bức ảnh Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu ở ngã tư đường Lê Văn Duyệt – Phan Đình Phùng, bây giờ là Cách Mạng Tháng Tám – Nguyễn Đình Chiểu, Quận 3. Nhìn ngọn lửa ngút trời bao phủ nhục thân vị Bồ tát người Việt Nam ngay giữa thủ đô Hoa Thạnh Đốn, Hoa Kỳ, lòng tôi không khỏi bồi hồi, đau thắt, nước mắt thấm mi đồng thời thoáng sự hãnh diện. Vị Bồ tát ấy là thiên thần ghi vào trang sử đất nước Việt Nam đòi quyền tự do tôn giáo, đòi hòa bình.
Làm sao có thể quên được hình ảnh rừng người bao quanh nhục thân của Hòa thượng Thích Quảng Đức, với tiếng nức nở vang dội cả một vùng trời Quận 3 ngày ấy. Sự đàn áp Phật giáo âm ỉ, lan tỏa từ chùa Từ Đàm – Huế tràn vào Sài Gòn, bùng nổ khốc liệt. Dân chúng ùa ra đường như ong vỡ tổ. Sinh viên Đại học Khoa học, Y khoa, Phú Thọ - Bách khoa, Văn khoa, Luật khoa, học sinh Pétrus Trương Vĩnh Ký – Gia Long – Chu Văn An – Trưng Vương, Kỹ thuật Cao Thắng,... với gương mặt phẫn uất, khí thế của tuổi trẻ lan tỏa khắp đất trời:
- Yêu cầu chánh phủ không đàn áp Phật giáo!
- Phải được tự do tôn giáo!
- Tự do! Tự do!
Và nhục thân của Hòa thượng Thích Quảng Đức được quàng ở chùa Xá Lợi.
***
Chùa Xá Lợi ngày xưa ấy, có một giai đoạn như huyền thoại buồn ngập tràn nước mắt. Đời người trăm năm với tiết trời, lúc thì bão tố, lúc thì rạng rỡ ánh bình minh – những điều biến thiên ấy tạo sự già dặn, thâm trầm, sâu lắng với bước chân đi vững chắc trong kiếp người trầm luân. Ngôi chùa cổ kính in sâu vào trái tim người dân.
***
Thời gian qua đi, lặng lẽ êm đềm. Bây giờ thì chùa tiếp nối nhiều vị tu sĩ trẻ tu ở đấy – những gương mặt hiền hòa, đôi mắt sáng thông minh, miệt mài kinh sử là tấm gương âm thầm đưa lối, dìu dắt từng bước chân Phật tử theo Phật tổ Như Lai.
Vườn hoa nhỏ với bức tượng bán thân của cư sĩ Mai Thọ Truyền, vừa được khánh thành vào đầu mùa xuân 2018, tuyệt đẹp, để ghi nhớ người đã có công hình thành ngôi chùa Xá Lợi.
Thấp thoáng trên tầng một, người tu sĩ áo nâu, gương mặt tròn phúc hậu, lặng im, tưới cây kiểng, gieo mầm sống cho những đóa hoa hé nụ. Cạnh đấy, sát tường, cây Sala cao ngất, lá xanh um, tỏa mát sân chùa với những chùm hoa thơm ngát. Thầy Đồng Bổn gắn bó mật thiết với ngôi chùa lịch sử từ ngày còn rất trẻ, đây là nơi tu thân, là nơi rèn luyện tâm trí, là nơi có trái tim ngào ngạt với dòng thơ – bầu trời nhân ái, nhẹ nhàng với bước chân vào hạ, lãng mạn với gió thu, ngây ngất với ánh nắng xuân long lanh. Nối tiếp cư sĩ Mai Thọ Truyền, Tạp chí Phật học Từ Quang tiếp tục ra đời, với những bài nghiên cứu của các tu sĩ, các nhà trí thức, thơ văn cùng nhau góp sức. Họ đến, gắn bó và quý trọng thương yêu ngôi chùa lịch sử bao nhiêu năm đã dìu dắt bước chân Phật tử gần xa đi đúng hướng. Thầy Đồng Bổn cùng với các bạn tâm giao ước ao Phật học Từ Quang tồn tại mãi với thời gian.
Có tiếng chim ríu rít trên ngọn cây cao ven đường. Ai đi xa mà chẳng nhớ ngôi chùa cổ kính êm đềm sâu lắng ấy!
Ngày 4.4.2018
Viết tại Pennsylvania – Hoa Kỳ
Tin tức khác
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 26 – THÁNG 10 NĂM 2018 (PL. 2562)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 25 – THÁNG 7 NĂM 2018 (PL. 2562)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 24 – THÁNG 4 NĂM 2018 (PL. 2561)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 23 – THÁNG 1 NĂM 2018 (PL. 2561)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 22 – THÁNG 10 NĂM 2017 (PL. 2561)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 21 – THÁNG 7 NĂM 2017 (PL. 2561)
Bình luận bài viết