Thông tin

NGÔI CHÙA TUỔI NHỎ

 

NGUYỄN THỊ THANH XUÂN

 


 

Trong ngôi nhà của ba má tôi suốt một thời gian dài không có bàn thờ. Trẻ trung, hiện đại, ba má tôi tạo dựng một cuộc sống nhẹ nhàng, đơn sơ về vật chất mà phong phú về tinh thần, đặc biệt là luôn gần với sách vở và thiên nhiên. Thế nên, cuối tuần, khi về chơi nhà Nội, đi qua cánh đồng mênh mông đối với đôi chân lũn cũn bé bỏng, bước vào vuông sân lát gạch rộng trước ngôi nhà ngói dài hình chữ L, chúng tôi bắt đầu bíu lấy tay nhau để bước lên tam cấp. Những cánh cửa gỗ tiện xoay đã mở đón chúng tôi, và gian bàn thờ lớn hiện ra, vô cùng trang nghiêm với nhiều di ảnh ông bà. Chúng tôi đứng đó hồi lâu bên cạnh ba má mình, nghe mùi hương tỏa ra từ vầng khói xám bay lên nhè nhẹ. Có một không khí thiêng liêng làm chúng tôi rón rén khi về nhà nội. Nhưng khi ấy, nhà nội chúng tôi cũng không có bàn thờ Phật.

Thế mà khi tôi bắt đầu cắp sách đến trường thì má tôi dẫn tôi đến chùa, vào một sáng ngày rằm, chủ nhật. Đi qua con đường quen thuộc, gặp ngôi trường, chúng tôi rẽ trái bước vào một khu xóm rợp bóng tre. Khu xóm ấy và ngôi chùa ấy, ngay trong cuộc tiếp xúc đầu tiên tuổi lên sáu, đã vĩnh viễn lưu vào ký ức tôi, nằm yên ở đó như một đốm lửa thiêng chưa bao giờ tắt.

Ngôi chùa ấy nhỏ nhắn lẫn giữa vòm cây lá, mái ngói âm dương nhuốm màu thời gian, nhưng từ cái sân đất nện cho đến các gian thờ tự, dù đơn sơ, đều toát lên một sự ngăn nắp, sạch sẽ đến ngạc nhiên. Lạ thay, khi bước vào chánh điện, ngước mắt nhìn chư Phật và quỳ lạy theo mẹ, tôi không hề cảm thấy sợ hãi mà như được bao bọc bởi một luồng khí dịu dàng, bình an. Tôi thơ thẩn đi hết các ngõ ngách trong chùa, như đi trong ngôi nhà của chính mình, sung sướng lắng nghe tiếng gió lùa vào các khung cửa sổ mùi hương của hoa sen cuối hạ ngoài đầm. Những chiếc áo tràng lam và nâu, sư ông treo trên vách, thanh bạch, hiền hòa. Chùa vắng, một chú điệu tóc ba vá lớn hơn tôi vài tuổi đang xách nước tưới những luống khoai, luống đậu, nói giọng chim non: “Dạ, chút nữa Thầy về”.

Từ đó, tôi vào gia đình Phật tử của chùa, đội Oanh vũ. Chúng tôi được mặc một bộ áo mà bây giờ hình dung lại, tôi vẫn thấy là rất đẹp:  Nữ, áo lam nhạt cổ lá sen, tay bồng, bỏ trong váy xòe màu xanh dương đậm có giây đai; nam áo sơ mi lam ngắn tay, hai túi có nắp, bỏ trong quần short xanh dương đậm, mũ vành cứng có chóp như hình đóa sen nhọn, giống mũ hướng đạo sinh. Có thể nói, đó là đoàn thể mà tôi nhận được nhiều niềm vui trong trẻo nhất trong đời. Vào mùa Phật đản, chúng tôi hát ca rộn ràng. Và đây là bài hát mà giai điệu và lời lẽ của nó thấm vào tôi, đã sáu mươi năm: “Một hôm một hôm mồng một đến chùa/ Em đi đi với mẹ mua vài hoa sen/ Đến chùa đến chùa dâng cả hồn em/ Lên trên trên Đức Phật lòng em kính thành/ Trầm hương trầm hương ngào ngạt lan tràn/ Thành tâm tâm em niệm mơ màng Bổn Sư/ Dấu từ dấu từ in hiện khoan thư/ Em mơ mơ Đức Phật dường như mỉm cười/ Nhịp kinh nhịp kinh vang dậy trong lòng/ Hòa theo theo tiếng mõ chuông đồng vang đưa/ Mối tình mối tình mến cảm cha xưa/ Luôn ghi ghi bên dạ tuổi thơ tâm thành/ Cầu xin cầu xin Phật Tổ ban lành/ Từ Bi Bi gia hộ con thành trẻ ngoan/ Từ rày từ rày con bỏ chơi hoang/ Và siêng năng tu học, Đoàn con vui vầy”. (Dương Thiện Hiền, Em đến chùa).

Mỗi khi nhớ lại tuổi thơ, tôi tự hỏi: Điều gì đã dẫn dắt má tôi để bà đưa tôi đến với Phật, ngay khi tôi bước vào trường? Phải chăng với tấm lòng người mẹ và với một trực giác đặc biệt của người phụ nữ, dù ở trong độ tuổi đôi mươi, nhưng đã chứng kiến quá nhiều những đổi dời của đời, đã tiếp xúc khá nhiều sách vở, má tôi hiểu rằng, cần phải giúp con mình khai tâm trước khi khai trí?

Có lẽ nhờ vậy mà khi bước vào đại dương đầy biến động của cõi người, vào thế giới mênh mông của tri thức, vào vũ trụ lộng lẫy của văn chương, tôi thấy mình không bị đắm chìm. Từ đâu đó thâm sâu, xuyên qua cõi không huyền diệu, tôi nhìn thấy vạt áo bạc màu của Người bay theo bước chân không mỏi đi tìm chân lý. Ở bên tôi, lúc nào cũng có nụ cười rất nhẹ bất tuyệt của Người.

Nhưng ký ức về một ngôi chùa đơn sơ hòa trong cây lá ấy luôn làm tôi khó tìm lại cảm giác tương thông khi đến những ngôi chùa đồ sộ, tráng lệ tấp nập người ra kẻ vào. Người ta nói với tôi rằng, uy lực của một vị sư trụ trì sẽ thể hiện nơi việc thầy làm cho ngôi chùa của mình ngày càng phát triển, nguy nga hơn, đông đảo tín đồ hơn. Ngày tôi đến viếng một ngôi chùa nổi tiếng ở Bà Rịa, sư cô trụ trì là bạn đồng môn thời đại học hỏi tôi: “Em có biết hai cây cột này ở đâu không? Nó được nhập về từ Indonesia đó và một tỷ đồng một cây, người ta cúng dường”. Tôi ngưỡng mộ quá, nhưng tôi cứ nhớ về ngôi chùa tuổi nhỏ.

Sài Gòn, 22-11-2019

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 73
    • Số lượt truy cập : 6946751