Thông tin

NGÔI SAO NHỎ NƠI NÚI RỪNG CHỨA CHAN

 

HÀNG CHÂU

 

 

Từ thành phố rộn ràng sức sống lấp lánh ánh mặt trời, dọc theo quốc lộ, đi mãi, đi mãi theo chiều dài đất nước ra khỏi mảnh đất Biên Hòa, vẫn tiếp tục theo lộ trình đến thị trấn Long Khánh, huyện Xuân Lộc, bên tay trái hiện ra ngọn núi tuyệt đẹp in rõ trên bầu trời cao xanh thẳm với niềm hy vọng tương lai.

Anh Phạm Công Tính, một thời là luật sư, có đôi mắt to tròn lúng liếng thơ ngây như con gái, say sưa với chiếc honda màu đen tuyền, khoác chiếc áo bồng bềnh theo ngọn gió mát rượi, hướng về ngọn núi, buột miệng:

- Ôi! Núi Chứa Chan.

Chứa Chan! Cái tên nghe thật dịu dàng, tình cảm, ngọt ngào như trái tim tất cả dành cho quê hương đất nước Việt Nam.

Càng gần đến núi, trước mắt anh như hiện ra hình ảnh của người tu sĩ với nét thâm trầm, dáng thanh nhã, ngồi suy tư cạnh chiếc bàn dài với quyển sách Phật ở ngôi chùa yên ả vùng núi Chứa Chan.

Như mới ngày nào, cậu bé quê ở ấp Trảng Cò, xã Trần Hội, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau, 9 tuổi đã mồ côi cha. Những ngày có ba, cậu bé hằng ngày cắp sách đến trường ê a với những bài học sử ký Hai Bà Trưng, Ngô Quyền, Lê Lợi giữ nước. Có lúc cô giáo kể chuyện vua Hùng lập quốc, chuyện Lạc Long Quân - Âu Cơ đem 50 người con lên núi, 50 người con xuống biển như huyền thoại mê mẩn đầu óc trẻ thơ. Rồi với phép toán cộng trừ, để sau này khi lớn lên biết cộng vào cái tâm tốt, loại trừ điều xấu qua bạn bè cãi nhau len lỏi vào con người cậu.

Mất cha, người trụ cột gia đình, cậu cảm thấy như hụt hẫng, đành phải nghỉ học ở vào tuổi 12. Cơm áo đâu mà đến trường? Thấy các bạn buổi sáng ôm cặp đi học, trưa mặt trời chói chang, các bạn trở về, cậu đứng dựa cột nhà, mắt ướt, như có ai bóp chặt trái tim, cậu nén lòng, thở dài.

Những lúc mẹ đi vắng, ở nhà một mình, đơn côi, cậu và lũ trẻ cùng xóm rủ nhau vào rừng bắn thun các loại chim, chúng hốt hoảng bay loạn xạ.

Thằng Tèo nói:

- Con chim mẹ kêu chít chít, nó rớt xuống đất kìa tụi bay ơi!

Cậu bé Nhân chẳng chút động lòng, với tính háo thắng của tuổi thơ. Cậu vạch nhánh cây rừng tìm con chồn, con cáo, chốc chốc nhìn xuống nước lấp xấp mắt lom lom kiếm lươn. Những ngày rỗi rảnh, bàn tay của Nhân đã sát hại không biết bao nhiêu con vật đếm không xuể. Lũ con nít trong xóm kênh kiệu cậu trên vai chạy chạy lòng vòng giữa sân, vỗ tay la hét, tôn vinh là tướng giặc trời. Con trai, tuổi nhỏ quá tinh nghịch, thích bay nhảy. Vắng mẹ là biến mất, kêu mỏi miệng cũng chẳng thấy bóng dáng đâu. Ông cậu sang chơi nhà, gọi Nhân ngồi cạnh đọc cho ông nghe truyện Tàu - Phong Thần, Tây Du Ký do ngòi bút tài hoa của Ngô Thừa Ân hư cấu nội dung với phép thần thông biến hóa tuyệt vời y như thật làm cho lứa tuổi nhỏ như cậu mê mẩn, giàu óc tưởng tượng, nghĩ rằng nhìn lên bầu trời cao xanh thẳm kia có Ngọc Hoàng, có Tiên, có Phật, nhìn sâu dưới lòng đất thì có Diêm Vương, có lũ quỷ sứ ác ôn với chảo dầu sôi. Tối tối thích nghe ông bà kể chuyện con ma đi hổng mặt đất. Sợ ma nhưng thích nghe, ngồi trên bộ ván không dám thòng chân sợ ma ở dưới gầm phản nắm chân.

Cậu bé bị truyện Tàu mê hoặc lôi cuốn, cậu nghĩ rằng những nhân vật trong các truyện này là có thật. Nhân mê Tam Tạng và Tôn Ngộ Không. Rồi theo mẹ ngày rằm đi chùa, cậu phát tâm ăn chay trường, không nghịch phá như trước kia. Nhân ăn chay trong ba năm, ước mơ được thấy Tiên, Phật nhưng nào có thấy. Nghe đồn ngọn núi Thất Sơn dọc theo biên giới Việt Nam – Campuchia rất linh thiêng, có nhiều thanh niên luyện võ khi ánh bình minh vừa ló dạng.

Nhân tìm cách trốn mẹ đi về miền đất ấy. Từng bước, từng bước hơn ba tháng trời dong ruổi, nhìn thấy dãy núi dài chập chùng ẩn hiện trên bầu trời với vầng mây trắng vắt ngang như thôi thúc chàng thanh niên 17 tuổi phải đi thật nhanh. Vừa leo lên tảng đá, Nhân ngồi thở dốc. Những ngày này chắc mẹ anh không ngủ được, con mình đã bỏ nhà đi đâu? Bà tự hỏi - 17 tuổi đã đủ trí khôn quyết định đời mình chưa?

Đôi mắt Nhân thấm ướt. Rồi hình ảnh lúc 4-5 tuổi, cậu ở trong đội thiếu nhi, đêm đêm cùng các bạn hát bài ca giải phóng. Nhà cậu ở vùng ruộng đồng xen thị tứ, bọn lính đi càn đốt nhà, rượt bắt gà vịt của dân. Từ đó cậu thấy ở đời có những loại người tham lam mất nhân tính. Rồi ông ngoại Nhân theo kháng chiến, bị bắt đày ra Côn Đảo. Con của ông ngoại, cậu của Nhân hãnh diện là bộ đội trong tiểu đoàn 307.

Nhân cố gắng trườn bò lên ngọn núi cao đến được tịnh xá Phượng Hoàng. Sau 8 tháng tập sự, thấy cậu thanh niên quyết tâm tu, quý sư ở chùa cho nhập vào hàng ngũ chúng tăng, chính thức trở thành nhà sư giới phẩm Sa di, pháp danh Giác Nhi thuộc phái Khất Sĩ sơn lâm. Các sư chỉ dạy pháp tu thiền định.

Năm 1964, thật hạnh phúc, sư Giác Nhi được nghe sư Thích Giác Nhiên, đệ tử của sư Minh Đăng Quang thuyết pháp nhân ngày lễ Phật đản, sư thấm thía với lời giảng:

- Tu mà không học là tu mù. Học mà không tu là túi đựng sách.

Có một thời gian, sư Giác Nhi quá giang theo ghe đánh cá ra đảo Thổ Chu ở Vịnh Thái Lan tu trong hang đá. Đây là quần đảo có gần 100 hòn đảo, nơi nào cũng có bàn chân của sư đến. Ở đảo Nam Du một thời gian, một hôm có đoàn người du lịch ra đảo, người phụ nữ lững thững đi sau cùng, thấy sư tu nơi vắng vẻ bèn hỏi:

- Nhà sư ở đây để làm gì?

Sư Giác Nhi tự ái trả lời:

- Là nhà sư thì ngồi ở đâu cũng để tu chớ để làm gì!

Chị ta hỏi tiếp:

- Nhà sư tu pháp gì?

- Tu pháp niệm Phật.

Người phụ nữ bình tâm giải thích:

- Phải niệm Phật theo lời Phật dạy. Niệm là nhớ, Phật là giác ngộ, nghĩa là không quên giác ngộ trong lòng.

Lời nói của người phụ nữ đi du lịch đã để lại trong lòng sư Giác Nhi nhiều suy ngẫm, những điều lệch lạc trong thời gian qua kịp thời chựng lại. Nhớ lại năm tháng đi qua nhiều am, tịnh thất, chùa, mỗi nơi đều có học nhiều điều hay rồi cũng có những điều không chuẩn. Thời gian sau, Sư về núi Dinh, Bà Rịa - Vũng Tàu khai sơn ngôi chùa Ngọc Sơn Dinh. Xuân Mậu Thân, tổng công kích, tổng khởi nghĩa, chính quyền Sài Gòn bấy giờ cho lùa tất cả sư sãi xuống núi. Sư Giác Nhi ra đảo Phú Quốc. Chiến trường càng ngày càng khốc liệt, ở các ngã ba ngã tư thanh niên bị chận xét bắt lính, chỉ trong vòng vài tháng là đưa ra tác chiến. Lúc bấy giờ ngôi chùa Sư tu ở Phú Quốc có 53 thanh niên vào chùa khoác chiếc áo cà sa, không muốn bàn tay rướm máu. Tấm lòng của vị sư trẻ bị một tu sĩ thân chánh quyền trong bộ máy tuyên ủy Phật giáo tố cáo. Sư Giác Nhi bị bắt, mặc dầu có luật sư bào chữa, Sư vẫn bị kết án 3 năm tù. Sư tuyệt thực 20 ngày phản đối bản án phi nhân.

Vào ngày 30 tháng 4 năm 1975, ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, sư được thở không khí của bầu trời tự do. Năm 1991, sư Giác Nhi về núi Chứa Chan, thấm thía với chữ đạo. Đạo chính là con đường - đường lối chủ trương - là vai trò, bổn phận, trách nhiệm. Nếu bổn phận không tròn là lỗi đạo. Vai trò trách nhiệm không hoàn thành là thất bại.

Sư Giác Nhi tỉnh ngộ hướng về rừng thiền định, được quý thầy trong hệ phái tận tình hướng dẫn.

***

Ước chừng đã 10 giờ, mặt trời đã lên cao, ánh nắng len lỏi vào khu rừng ở chân núi Chứa Chan. Phạm Công Tính điều khiển chiếc xe honda từ thành phố, quanh co vào chân núi với đoạn đường lúc thì tráng nhựa, khi thì tô xi măng, vào đến gần cổng là đường đất đỏ.

Đến chùa, nhìn quanh là khu rừng điều mênh mông, rải rác vài cây dừa, chuối, đu đủ, xa xa có bụi măng. Anh dựng xe ở sân, từng bước lên bậc thềm. Sư Nhựt Minh, vị sư trẻ 35 tuổi, quê Xuân Lộc, Đồng Nai, vào chùa từ năm 10 tuổi, thấy người khách từ xa đến, Sư nở nụ cười tươi, gật đầu chào. Có bóng dáng của sư Giác Nhi, vị sư trụ trì tịnh xá Tam Quy nơi vùng đất Thọ Phước, xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc, ra phòng khách.

Phạm Công Tính rất ngưỡng mộ sư Giác Nhi. Từ ngày về núi Chứa Chan, sư Giác Nhi và sư Nhựt Minh, hai thầy trò khai thác mảnh rừng thành vùng cây trái, sống tự túc, trồng điều, làm rẫy, tự lo kinh tế. Đến mùa điều nở rộ, Hòa thượng mua xe đạp, sách vở tặng cho học sinh nghèo hiếu học. Những hộ đời sống còn khó khăn, chùa phát gạo.

Anh Tính lặng thinh, chăm chú nghe sư Giác Nhi kể lại cuộc đời thăng trầm của mình. Tuổi cao, sư bị tai biến, cánh tay trái run bần bật cao độ, nhưng sư không đầu hàng trước số phận. Thuở thiếu thời sư chỉ học bậc Tiểu học, nhưng trên bước đường tu sư cố gắng tiếp nhận trí tuệ của các bậc tiền bối lưu truyền qua kinh sách. Cánh tay phải của sư vững chắc cầm bút cống hiến cho Phật pháp, 33 tác phẩm kinh nghiệm trên con đường theo đức Thích Ca Mâu Ni với tên Sơn Nhân.

Không gian tĩnh lặng, trùng điệp bạt ngàn cây xanh quanh ngọn núi thiên thai làm cho tâm hồn người sáng trong. Đâu đây ngọn giáo xuân lả lướt mát rượi.

Nhiều năm sư Giác Nhi là Trưởng ban Hoằng pháp huyện Xuân Lộc - 4 nhiệm kỳ và giữ chức Phó ban Kinh tế Tài chính Phật giáo tỉnh Đồng Nai.

Thật quý thay một con người say mê học hỏi, luôn phát triển trí tuệ, trau dồi kiến thức, sống vì mọi người. Ở nơi núi rừng Chứa Chan thơ mộng lấp lánh ngôi sao nhỏ giữa bầu trời bình yên.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 19
    • Số lượt truy cập : 6920629