Thông tin

NGỌN ĐÈN CHÁNH PHÁP VẪN THẮP SÁNG

 

LƯƠNG THỊ THU

 

 

Tạp chí Từ Quang đối với tôi không chỉ như ngọn đèn chánh pháp của bản Chùa Phật học Xá Lợi mà còn là ngọn đèn chánh pháp đối với những người học Phật như chúng tôi.

Tạp chí Phật học Từ Quang (tục bản) đã tròn 10 năm (2012-2022) và tôi đã biết đến khi trở thành học viên Cao học của Học viện Phật giáo Việt Nam tại TPHCM (2017-2020), nhất là khi được HT-TS Thích Đồng Bổn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, Trụ trì Chùa Phật học Xá Lợi (Quận 3, TPHCM), Chủ biên Tạp chí Phật học Từ Quang (tục bản), hướng dẫn luận văn tốt nghiệp. Với cơ duyên như thế, tôi không bỏ lỡ, bởi Tạp chí Từ Quang đối với tôi không chỉ như ngọn đèn chánh pháp của bản Chùa Phật học Xá Lợi mà còn là ngọn đèn chánh pháp đối với những người học Phật như chúng tôi. Đây là tạp chí Phật học được cụ Chánh Trí Mai Thọ Truyền sáng lập và tồn tại đến năm 1975.

Tạp chí Từ Quang và ánh sáng “Từ quang” được tôi tiếp nhận từ HT-TS Thích Đồng Bổn như đã khai sinh tôi thêm một lần nữa ở tuổi 64. Nói như vậy, vì nếu “Từ quang” là tấm lòng từ rộng lớn của chư Phật mười phương thì chính lòng từ mẫn của Thầy đã thắp dần lên một ánh sáng hy vọng làm mờ dần cái kiếp sống mòn của người phụ nữ góa bụa, chênh vênh ngay trong cuộc sống của chính mình. Sau này, tôi mới ngộ ra lý vô thường.

Ánh mặt trời Phật pháp làm tạnh ráo cái ướt át ái nhiễm, làm hồng hào diện mạo bên ngoài lẫn cái tâm linh ẩn khuất khi tôi được Thầy mở đường bằng tri thức Phật học đậm sắc màu dân tộc Việt Nam. Quả thật, mặt trời Phật pháp làm cho an lạc tinh thần và Sứ giả của Như Lai là cầu nối truyền hơi ấm cho muôn người đang bị si mê, tham giận, lung lạc, giày vò.

Hơn cả việc làm phúc thiện như cho cơm, cho áo, cho gạo, cho tiền,... HT-TS Thích Đồng Bổn đã từ thiện cho quãng đời còn lại của tôi. Thầy Đồng Bổn là cách gọi thân quen mà chúng tôi cảm thấy thân mật. Trong Hội đồng Khoa học chấm và hướng dẫn luận văn thạc sĩ, Thầy là một Giáo thọ sư dễ gần trong phong cách đối đãi với học viên.

Song song với tiếng kệ lời kinh, Phật sự quan trọng đối với Thầy là sự nghiệp đào tạo tu sĩ, cư sĩ. Phải nói rõ quan điểm của Thầy là học ở đây không phải là học cao mới hành đúng pháp. Quá trình được Thầy hướng dẫn, bản thân tôi ví như lần một xâu chuỗi, mỗi ngày là một hạt, mỗi tuần, mỗi tháng... hai năm trải qua trong an lạc, an lạc trong nghiên cứu. Chúng tôi vui trong niềm vui tìm kiếm tri thức của đạo pháp. Đã qua rồi những năm tháng Học viện Phật giáo Việt Nam tại TPHCM đào tạo, nhờ sự tích lũy tri thức của pháp học và hành, chúng tôi dễ dàng nhận ra Thầy Đồng Bổn và Tạp chí Từ Quang đã trao cho chúng tôi niềm hy vọng trong tu tập, tu học, gắn đạo với đời, gắn đời với đạo.

Có thể ai đó cho là chúng tôi đi tìm kiếm danh vị, học vị. Sẽ không bao giờ đúng đối với chúng tôi. Trải nghiệm cuộc sống, chúng tôi được nhiều hơn danh vị. Đó là hạnh phúc, đó là nhận thức chân chính. Đôi lúc cũng không tránh khỏi những cơn sóng ngầm lăn tăn, khuấy động trên lộ trình nghiên cứu để đi đến đích. Giờ đây, những con sóng khuấy động đó đã chuyển hóa thành niềm vui phụng sự. Tiêu điểm của riêng tôi: Học để phụng sự đạo cũng như đời. Lợi lạc trước tiên là cho bản thân. Mỗi một ngày, tôi đều tự thân tặng cho mình một món quà. Điều này, tôi học ở Thầy. Có lần Thầy nói: “Ngày nào tôi cũng viết. Không viết, lâu dần sẽ không viết được”! Tri thức Phật học cũng không đi ra khỏi quan niệm “văn ôn võ luyện”. Nhận thức như thế, hạnh phúc đã không chối từ tôi khi cầm trên tay cuốn Tạp chí Từ Quang, trong đó có bài viết của mình!

Mọi góp ý của Ban biên tập với bài viết của tôi đều là niềm vui, dù tốt hay chưa tốt, dù được đăng hay không được đăng. Chẳng hạn như:

“Chuyển những ý này kết hợp cùng vốn sống có thể hình thành được bài viết đọc được. Suy nghĩ về hạnh phúc như vậy chưa đúng lắm. Kẻ đói có được bữa ăn no là hạnh phúc. Kẻ khát uống được cốc nước là hạnh phúc, kể cả đó là rượu độc. Kẻ lạnh cóng gặp được bếp than hồng là hạnh phúc. Hạnh phúc như cái thùng không đáy, chấp nhận dừng ở chỗ nào đó mà mình thấy thỏa mãn là hạnh phúc. Suốt ngày chạy theo hạnh phúc là không hạnh phúc.

Viết nhật ký cho khỏi quên một số chi tiết dễ quên thì như bài này là được, chứ coi đây là một bài viết cho công chúng đọc là chưa ổn”.

Đó là lời nhận xét của nhà văn, nhà báo Vu Gia, cũng là một vị Thầy thứ hai của tôi, ông đã hiện diện trên từng trang viết Luận văn Tốt nghiệp Thạc sĩ Phật học, Chuyên ngành Lịch sử Phật giáo Việt Nam. Vu Gia là một bút danh, Thầy được mệnh danh là “Người tự lực làm văn đoàn”. Thầy Vu Gia cũng trong Ban Biên tập Tạp chí Phật học Từ Quang. Câu nói của Thầy mà tôi khắc sâu để lý giải mọi thắc mắc trong cuộc sống: “Không hiểu là mê, hiểu rồi là ngộ”. Tôi học ở Thầy Vu Gia là ý chí, nghị lực, tinh thần phản biện, là những hiểu biết về tín ngưỡng dân gian, là người Thầy dày dặn trong kinh nghiệm hướng dẫn viết Luận văn, Luận án. Từng trải, Thầy cho biết: “Trên thực tế đã không thiếu người lúng túng, không biết làm thế nào để viết một luận văn, luận án, đành phải “nửa đường đứt gánh”, hoặc xin gia hạn để rồi cuối cùng cũng đành phải... vui vẻ giã từ mơ ước. Và tôi nghĩ, chẳng có ai thích thú với “niềm vui” ấy”1.

Mỗi khi bước vào nơi làm việc của hai vị Thầy, bên ngoài mái hiên, cạnh Giảng đường Chánh Trí, chỉ là mấy cái bàn nhỏ cũ kỹ bằng nhựa như ở những quán cóc bên đường. Trên bàn, một đĩa khoai luộc, hoặc bắp luộc, hoặc bánh mì, nước tương và mấy tách trà... Và chính nơi đây, kiến thức Phật học Từ Quang đã được bàn bạc, trao đổi... trên tinh thần lục hòa. Chính nơi đây, các vị Thầy mách bảo cho chúng tôi biết đầu tư vào việc tu không tách rời việc học. Tôi chưa xuất gia, chỉ quy y Tam Bảo mà đã có phước báo chính ngay thời khắc được quý Thầy hướng dẫn.

Chùa Phật học Xá Lợi, nơi đã tạo duyên, khơi duyên cho biết bao học viên mến mộ đạo Phật. Bằng hai con mắt, hai lỗ tai, và chỉ có một trái tim, tôi lắng nghe từng lời nói của quý Thầy. Trái tim tôi không xao động như thuở ban đầu nhưng nó rung lên để đánh thức và khẽ nói: Cuộc sống chưa hoàn thiện, cần thiết sửa sai: sửa thân, khẩu, ý, điều chỉnh lại tri thức nông cạn. Trong khi người tu chia sẻ với nhau nỗi niềm tu tập, thì nơi đây trò được phép chia sẻ với Thầy những tri thức Phật học còn mơ hồ. Mỗi lời dạy bảo của quý Thầy, tôi đón nhận để làm hành trang bước tiếp quãng đời còn lại: Đến với đạo Phật, cư sĩ có thể không phải là một tín đồ, nhưng nhất định phải là một hành giả biết chuyển hóa, biết tu tập.

Những cuốn sách Thầy Đồng Bổn là tác giả hoặc là chủ biên, trao cho tôi trong quá trình nghiên cứu như: Phong tục dân gian Nam Bộ và Phật giáo, Phật giáo và những dòng suy tư, Phật giáo từ góc nhìn đa chiều, Những tư duy đa chiều trong Phật giáo... cũng như những công trình dày công của Thầy, tôi đã tìm đọc như Tiểu sử Danh Tăng Việt Nam, tập I, II, III; Tuyển tập các bài Sám văn (6 quyển); Phật giáo & những tản văn; Giới đàn Tăng thế kỷ XX; Vai trò chính trị của Tăng sĩ Phật giáo Lý Trần; Tập tục dân gian Nam bộ chịu ảnh hưởng Phật giáo Đại thừa, Chùa Xá Lợi - văn hóa truyền thống; Nghi thức lễ Phật của Đại sư Hoằng Tán (dịch)... Tất cả tâm bút và lực bút của Thầy đều nói lên tấm lòng tri ân báo ân các bậc tiền nhân đã phụng sự cho Đạo. Có những tác phẩm mang màu sắc của đạo Phật trong tín ngưỡng dân gian với những nghi lễ Phật giáo đã góp sức Phật hóa phong tục dân gian để chuyển hóa tâm ác trở thành hiền thiện... chứng tỏ đạo Phật đi vào đời không phải là một con đường duy nhất mà còn nhiều cánh cửa khác nữa mở ra để đạo đi vào đời.

Với vai trò chủ biên của quý Thầy và Ban biên tập, từ Từ Quang, tập 1 (2012) đến Từ Quang, tập 39 (2022), vẫn với tiêu chí: “Không chủ trương luận thuyết cao siêu, không bàn luận chính sự, không chuyên biệt cổ súy pháp môn, giáo phái nào” trong lời ngỏ Từ Quang, tập 1, tháng 6 năm 2012, đã khiến cho ai đã từng mến mộ đạo Phật nói chung, khi đọc được trên từng trang viết của tạp chí sẽ cảm thấy một đạo Phật gần gũi, dễ tu, dễ học. Nhận ra “tâm bút” trên từng trang viết, chúng tôi tâm thành tri ân tất cả các tác giả, các vị là những cây bút đã và đang “Thắp sáng ngọn đèn chánh pháp” nói chung và kính dâng lên quý Thầy là người trực tiếp hướng dẫn cho chúng tôi suốt hành trình nghiên cứu Lịch sử Phật giáo Việt Nam những lời chúc nguyện an lành nhất.

 


1. Vu Gia (2006), Làm thế nào để viết Luận văn, Luận án, Biên khảo, Nxb Thanh niên, H, tr. 7

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 7)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 6)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 30
    • Số lượt truy cập : 6703993