NGỌN LỬA QUẢNG ĐỨC VÀ BIẾN CỐ PHẬT GIÁO 1963
DƯỚI CÁI NHÌN CỦA THẾ GIỚI
BÙI KHA
Sau Thế Chiến Thứ II (1939-1945) hàng hóa và vũ khí của Mỹ để cung ứng cho chiến tranh bị tồn đọng rất nhiều. Mỹ thay chân Pháp ở Đông Dương biến miền Nam Việt Nam thành tiền đồn chống Cọng với khẩu hiệu “Để chận đứng sự bành trướng của chủ nghĩa cọng sản tại vùng Đông Nam Á”, nhưng thực tế cũng còn để tiêu thụ hết số hàng hoá và khí giới thặng dư. Để thi hành hai mục tiêu then chốt cùng một lúc tại Việt nam, chính phủ Mỹ sẽ chỉ chấp nhận một chính quyền bù nhìn phục tòng Mỹ, nghĩa là một chính quyền Công Giáo (vì Tin Lành còn yếu vào thời điiểm đó) trong một quốc gia mà số tín đồ của họ chỉ có 5 % dân số. Chính sách phản dân chủ ‘Đa số phục tòng thiểu số’ do tay sai bản xứ của Mỹ tại Việt Nam thực hiện, do đó, đã là một trong những nguyên nhân xa và gián tiếp đưa đến vụ tranh đấu Phật Giáo 1963, và Ngọn đuốc Thích Quảng Đức nhằm thức tỉnh chính quyền Ngô Đình Diệm và đánh động lương tâm nhân loại về một thực trạng bất công đè nặng lên thân phận người dân Việt kể từ thời Pháp thuộc kéo dài đến không những với chế độ Ngô Đình Diệm mà còn với chính quyền Nguyễn Văn Thiệu, một chính quyền ‘bình mới nhưng rượu còn nguyên’.
Phác họa lại vài nét đơn sơ về bối cảnh lịch sử như thế để thấy cuộc tranh đấu của Phật giáo 1963 không phải chỉ vì sự bất công giữa Phật giáo và Kitô giáo (CG và TL) mà nguyên nhân chính còn là sự bất công áp bức giữa một tôn giáo và các tôn giáo, là sự đày đọa bất công của người dân miền Nam Việt Nam dưới một chế độ tôn giáo ngoại lai độc tài bù nhìn Ngô Đình Diệm. Biến cố Phật Giáo 1963 chỉ là một giọt nước làm tràn ly nước đã quá đầy. Vì thế cuộc tranh đấu do Phật Giáo khởi xướng là một cuộc tranh đấu không những của toàn dân miền Nam Việt Nam mà cũng là cuộc tranh đấu của những người yêu chuộng tự do bình đẳng công bằng xã hội trên khắp thế giới.
Với cái nhìn thoáng qua chiều dài lịch sử như thế chúng ta mới biết được nguyên nhân tại sao cuộc tranh đấu nầy lại được toàn dân và thế giới nhiệt liệt ủng hộ mà trong đó có nhiều nhân vật lãnh đạo không có cùng một tín ngưỡng với người Phật tử Việt nam và nhiều quốc gia lại có cùng một khuynh hướng chính trị với chính phủ Ngô Đình Diệm. Chiều hướng ủng hộ tích cực nầy càng mạnh hơn sau khi Hoà Thượng Thích Quảng Đức tự nguyện đem thân làm ngọn đuốc để cảnh tỉnh lòng người.
Ngài sinh năm 1897 tại làng Hội Khánh, tỉnh Khánh Hòa, xuất gia lúc 15 tuổi, tu học tại chùa Linh Mụ Huế. Trước lúc tự thiêu Ngài trú tại chùa Quán Thế Aâm, Sài Gòn. Sau khi 8 Phật tử bị giết tối ngày 8.5.1963 tại đài phát thanh Huế, và 5 nguyện vọng chính đáng của Phật giáo không được chính quyền Ngô Đình Diệm thỏa thuận, Hoà Thượng Thích Quảng Đức người đầu tiên trong lịch sử Phật Giáo Việt Nam, sau nhiều tuần thiền định để tăng trưởng nội lực, đã tự nguyện hy hiến cuộc đời cho đại nghĩa giữa ngã tư đường Phan Đình Phùng-Lê Văn Duyệt Sài-gòn sáng ngày 11.6.1963.
Khác với những lời xuyên tạc của những người bênh vực nhà Ngô, ký giả Nữu Ước Thời Báo (New York Times) David Halberstam đã tường thuật bằng những lời vừa ngạc nhiên vừa kính nễ:
“Tôi được thấy lại cảnh tượng ấy, nhưng chỉ một lần cũng đã quá đủ. Lửa phủ khắp người; thân từ từ khô lại, đầu cháy nám, không khí bay mùi khét thịt, thân hình chìm trong lửa đỏ thật kinh ngạc. Phía sau, tôi có thể nghe tiếng khóc của những người đang lần lượt kéo đến. Tôi quá xúc động khóc không nên lời, quá bàng hoàng để ghi chép hoặc hỏi một câu, quá bối rối để suy nghĩ...thân thể chìm trong biển lửa nhưng người vẫn bất động, thịt gân không nhúc nhích, không một tiếng rên la, thân ngã xuống, những người đang đứng xung quanh òa khóc.”
I was to see that sight again, but once was enough. Flames were coming from a human being; his body was slowly withering and shriveling up, his had blackening and charring. In the air was smell of burning human flesh; human being burn surprisingly quickly. Behind me I could hear the sobbing of the Vietnamese who were now gathering. I was too shocked to cry, too confuse to take notes or ask questions, too bewildered to even think... As he burned he never move a muscle, never uttered a sound, his outward composure in sharp contrast to the wailing people around him. (http://www.uwec.edu/greider/BMRB/culture/student.work/hicksr/ ).
Những bài tường thuật của Malcolm Browne về cuộc tự thiêu của HT Thích Quảng Đức được hảng thông tấn AP gởi về Mỹ nhanh chóng, và những bức hình tự thiêu do ông chụp cũng được hầu hết các tờ báo khắp thế giới đăng lên trang đầu. Từ đó, lần đầu tiên độc giả khắp nơi bắt đầu tò mò về những gì đang xẩy ra tại Việt Nam, một quốc gia xa lạ ở vùng Đông Nam Á.
“Tuy nhiên, thái độ của phái bộ truyền thông Hoa Kỳ lúc đầu là cố gắng làm giảm cường độ một số các nguồn tin chính thức thường cung cấp cho giới truyền thông. Nhưng đây không phải là một công việc dễ mặc dầu bản doanh của báo giới bị buộc chặt, có nhóm đoàn kết chặt chẻ, và có nhóm lo sợ. Cảnh sát ngầm của chính phủ Diệm lại lén thu băng các cuộc điện đàm của các nhà báo, theo giỏi các máy điện tín, gài người vào các văn phòng và chạy theo ký giả trên các đường phố. Dẫu vậy, qua việc xử dụng các người thăm viếng, nhân viên hàng không, và ngay cả những cảm tình viên quân sự nên giới nhà báo vẫn chuyển đi được các bản tin mà họ chứng kiến. Vì thất bại trong việc điều khiển nguồn cung cấp tin nên chính phủ Kennedy đã phải đưa công việc nầy lên một đơn vị cao hơn.” (A reader, The American Experience in Vietnam, edited by Grace Savey, University of Oklahoma Pess, 1989 pp. 112 & 113).
Làm đủ mọi cách, nhưng cả phái bộ truyền thông của Mỹ và của Việt Nam đã không thể ngăn chận nỗi các tin tức về cuộc tranh đấu của Phật giáo, nhất là sau khi HT Quảng Đức tự thiêu, nên cả thế giới hầu như được biết tường tận về biến cố vĩ đại nầy.
a. New York Times và Washington Post: Ký giả kiêm nhiếp ảnh gia Malcolm W. Browne viết :
“Những bức hình mà tôi chụp về cái chết của HT. Quảng Đức đã trở thành một sở hữu vật mà người ta gởi đi cùng khắp thế giới. Những bức hình đó mang nhiều ý nghĩa tùy theo cái nhìn của mỗi người.
Một người quen ở Lisbon gởi thư cho tôi biết rằng những bức hình về cái chết của ngài Quảng Đức được thành phần diều hâu bày bán khắp cùng ngõ hẻm. Một nhóm giáo sĩ nỗi tiếng người Mỹ cũng dùng một trong những bức hình nầy như là một Chú ý cho những trang quảng cáo của họ trên Nữu Ước Thời Báo (New York Times) và báo Hoa Thịnh Đốn (Washington Post) với hàng chữ “Chúng ta cũng phản đối: We, too, protest”. Sự phản đối của họ là nhắm vào việc người Mỹ ủng hộ chế độ Diệm.” Malcolm W. Browne, The New Face Of War, Revised Edition, The Bobbs-Merrill Company, Inc. Indianapolis-New York,1968, Tr. 261-262. Xin xem thêm Christian G. Appy, Patriots The Vietnamese War Remembered From All Sides, tr. 64,68 & 69).
b. Trung Hoa: Hình tự thiêu của ngài Quảng Đức được Hoa Lục in ra hằng triệu bản. Một trong những bức hình đó đã gởi cùng khắp các quốc gia Á-Phi với hàng chữ lớn “Một tăng sĩ Phật Giáo hy sinh thân mạng để chống chủ nghĩa đế quốc Mỹ-Diệm.”
Những hình ảnh tự thiêu của HT. Quảng Đức cũng là một ấn tượng ảnh hưởng đến tòa Bạch-ốc. Tôi (Browne) được biết rằng lúc ông Henry Cabot Lodge đến gặp cố Tổng Thống Kennedy về việc được bổ nhiệm chức đại sứ tại Việt Nam, Kennedy cũng đã có một bức hình tự thiêu của HT. Quảng Đức trên bàn giấy. Cái chết của ngài Quảng Đức có lẻ là một trong những yếu tố chính để cuối cùng Bộ Ngoại Giao và Toà Bạch ốc chống đối chính phủ Diệm, đang đổi hướng lịch sử Việt Nam” {...Quang Duc’s death probably was one of the factors that finally turned the State Department and White House against Diem, altering the course of Vietnamese history to some extent} (Malcolm W. Browne, The New Face of War, tr. 263).
c. Báo Le Monde, Pháp ngày 13.6.64 viết: “Trước hành động tự sát để đấu tranh, kẻ tàn bạo nhất cũng phải chùn bước.” (Minh Không Vũ Văn Mẫu, Sáu Tháng Pháp Nạn 1963, bản Ronéo 1984, tr.320)
d. Báo La Gazette de Lausanne tại Thụy sĩ: Viết những lời rất cảm động về cuộc tự thiêu của HT Quảng Đức như sau:
“Sự hy sinh rất khích động của vị tăng sĩ thiêu sống ngay tại Sài Gòn buộc người ta phải kính trọng. Sự hy sinh vì Chính Pháp của ông khiến chúng ta liên tưởng tới những người Gia Tô đầu tiên và sự liên tưởng nầy càng làm cho chúng ta cảm thấy oái oăm.” (Hoành Linh Đỗ Mậu, Việt Nam Máu Lửa Quê Hương Tôi, Hồi Ký Chính Trị, Hoa Kỳ 1986, tr. 640).
e. Báo Journal de Genève: Là một tờ báo khác ở Thụy sĩ có ảnh hưởng lớn trên thế giới nhận định:
“Người ta có thể tuyên truyền rằng đó chỉ là cuộc nỗi loạn của phe đa số khắc khổ kiếm chuyện vì chính phủ chỉ là một thiểu số bó kết chặt chẻ với nhau mà bộ tịch lại vênh váo và cứng nhắc. Nhưng việc phải hy sinh vì Chánh Pháp của Hòa Thượng Thích Quảng Đức lại cho thấy rằng Phật Giáo Việt Nam đang phải bảo vệ nếp sống và tư tưởng của họ.” (Đỗ Mậu, sách đã dẫn, tr. 641).
g. Chính Phủ Ngô Đình Diệm: Sau vụ tự thiêu chấn động dư luận của HT. Quảng Đức. Ngô Đình Diệm thực sự bối rối:
“Ông vu khống nhiếp ảnh gia Browne đã hối lộ các nhà sư Phật giáo để giết một nhà sư đồng nghiệp.”
Diem’s reaction was to accuse Browne of bribing the Buddhist monks to murder their fellow monk. (Grace Sevy, sách đã dẫn, tr.112).
Bà Ngô Đình Nhu: Lúc trả lời cuộc phỏng vấn đài truyền hình American, ký giả Mecklin viết rằng bà Nhu nói:
“Tất cả những việc mà Phật Giáo đóng góp cho đất nước từ trước đến nay không có gì ngoài việc thiêu sống một nhà sư”... và “Ông Thích Quảng Đức bị chích thuốc và bị cưởng bách thiêu sống, nhưng về sau bà Nhu đã tìm cách từ chối một các phát biểu thiếu trách nhiệm nầy.”
All that the Buddhists have done for the country is to barbecue the monk...She claimed that Thích Quảng Đức had been drugged and burned against his will. She later tried to deny having made some of her cynical comments. (Joseph Buttinger, Vietnam: A Dragon Embattled, Volum II Vietnam at War, Frederick A. Praeger, Publisher, New York, 1967, p .1184).
Ông Ngô Đình Nhu: Sau vụ tự thiêu của sư cô Diệu Quang tại Nha Trang ngày 18.8.1963, ông Nhu tuyên bố:
“Nếu Phật Giáo muốn có một vụ nướng thịt khác thì tôi rất vui lòng cung cấp xăng.”
If Buddhists want to have another barbecue, I will be glad to supply the gasoline. (J. Buttinger, Ibi. p. 995).
Những cuộc tự thiêu đã thức tỉnh thế giới và chấn động lương tâm nhân loại, nhưng ý nghĩa của nó thì thường bị hiểu lầm và cho đó là một vụ tự tử (suiside) không hơn không kém. Để làm sáng rõ ý nghĩa các cuộc tự thiêu của Tăng Ni và Phật Tử năm 1963, tôi xin trích dẫn hai ý kiến của hai tu sĩ sau đây, một Tin Lành một Phật Giáo để làm sáng rõ thêm lịch sử.
* Mục sư Donald Harrington tại Nữu ước: Trong buổi giảng tại một thính đường ở New York ngày 30.6.63, Mục sư Harrington đã mô tả trung thực chân tình và cảm phục việc HT Quảng Đức tự thiêu. Bài giảng đó cũng có đoạn nói lên ý nghĩa đích thực của hành động tự thiêu:
“Cách đây hơn hai tuần, vào ngày 11.6.63 vị sư tên Thích Quảng Đức đã ngồi theo kiểu tọa thiền trên đường nhựa nóng. Trong tay Người cầm một xâu chuổi 54 hạt và bắt đầu niệm Phật còn trên chiếc áo cà sa của Người thì đã tẩm ướt đầy xăng. Tất cả Tăng Ni lùi lại, kính cẩn, kinh sợ. Khách bộ hành nhận thấy một biến cố phi thường gì sắp xẩy ra nên tất cả đều dừng lại chờ đợi.
Với vẻ yên lặng, bình thản trên khuôn mặt, Ngài Quảng Đức niệm lớn: “Nam Mô A Di đà Phật”. Thế rồi Người bật một que diêm và ngọn lửa phừng phực bốc lên phủ kín thân thể nhưng Người không hề rên la hay lay động. Người ngồi thẳng trong mười phút, thân hình chìm trong lửa đỏ, và khi lửa tàn, Người nằm xuống bất động...
Người ta có thể tự hỏi sự khủng khiếp và niềm phẫn hận nào đã có thể khiến cho một người của “Tình Thương” của “Hòa Bình”, quyết chí tự thiêu?...
Nếu sự tuyệt vọng hoàn toàn và chán đời cực độ đã đưa con người trên đời nầy đến chỗ tự tử, thì một lý tưởng cao cả nhất và lòng yêu đời nồng nàn nhất một đôi khi cũng đã sản xuất những người tử đạo quả cảm nhất trong lịch sử...
Hòa Thượng Quảng Đức hy sinh đời mình bằng cách tự thiêu để thức tỉnh lương tâm của Tổng Thống Diệm và lưu ý cho toàn thế giới..
Người đã chịu đựng sự đau đớn của tia lửa hồng đang đốt da thịt nhưng không một lời kêu than. Người gởi mấy lời của Người cho Tổng Thống Diệm, và cho đến nay ông Diệm vẫn chưa chịu nghe hay chú ý. Nhưng dù sao tiếng nói ấy vẫn là tiếng nói của tình thương, tiếng nói mà trong thâm tâm của nó chứa đưng sự giải thoát của miền Nam Việt Nam. Người đã để lại một bóng đen sĩ nhục lên sự huy hoàng mà Giáo Hoàng Gioan đã mang lại cho Giáo hội Thiên Chúa. Người đã làm và Người phải làm, cho mỗi người Hoa Kỳ đi tìm linh hồn của Người và cho chính phủ Hoa Kỳ biết rằng, trừ phi chính phủ Sài Gòn thực thi ngay quyền bình đẳng tôn giáo cho Phật Giáo đồ và tự do cho dân chúng Việt Nam, tất cả mọi viện trợ của Hoa Kỳ đều phải chấm dứt ngay...
Ngọn lửa ấy có thể thành một tia hy vọng cho những người từ lâu bị áp bức bởi người ngoại quốc hay bởi ngay chính đồng bào của họ...” (Vũ Văn Mẫu, sách đã dẫn, tr.322-324. Xin xem thêm trong cuốn: 1963-2003 Bốn Mươi Năm Nhìn Lại, Giao Điểm 2003, tr.148-160).
* Ý Kiến của Thượng tọa Thích Nhất Hạnh:
“Báo chí gọi đó là một hành động tự tử, nhưng thực chất không phải. Ngay cả đó không phải là một hành động phản đối. Điều mà những vị sư đã viết trong những bức thư để lại trước lúc tự thiêu là nhằm cảnh tỉnh, là để chuyển đổi tâm tư của những nhà cầm quyền, và để kêu gọi thế giới quan tâm đến những nỗi thống khổ triền miên của người dân Việt Nam. Người tự thiêu là để chứng tỏ rằng nguyện vọng mà ông đề cập là rất tối ư quan trọng...Tu sĩ Việt Nam tự thiêu nói lên với tất cả sức mạnh và quyết chí rằng tôi có thể chịu đựng sự khổ đau cùng cực nhất để bảo vệ cho đồng bào của tôi...Để bày tỏ ước vọng bằng cách tự thiêu của một người, vì thế, không phải là một hành động hủy diệt mà là một hành động tạo dựng, đó là, để đau khổ và để chết cho người khác. Như thế, tự thiêu không phải là một hành động tự tử.”
The press spoke then of suiside, but in the essence, it is not.It is not even a protest. What the monks said in the letters they left before burning themselves aimed only at alarming, at moving the hearts of the oppressors, and at calling the attention of the world to the suffering endured then by Vietnamese. To burn oneself by fire is to prove that what one is saying is of the utmost importance. The Vietnamese monk, by burning himself, says with all his strength and determination that he can endure the greatest of sufferings to protect his people. To express will by burning oneself, therefore, is not to commit an act of destruction but to perform an act of construction, that is, to suffer and to die for the sake of one’s people. This is not suicide.
Thầy Nhất Hạnh đi xa hơn để giải thích tại sao sự tự thiêu của HT Thích Quảng Đức không phải là một cuộc tự tử, tự tử là trái với lời dạy của Đức Phật:
“Tự tử là một hành động tự hủy do những nguyên nhân sau đây: (1) thiếu ý chí để sống và gặp những khó khăn; (2) thất bại trong cuộc sống và tuyệt vọng; (3) không muốn sống...Vị tu sĩ tự thiêu (Thích Quảng Đức) không mất nghị lực, không thiếu hy vọng; cũng như không phải không muốn sống. Trái lại, ngài có đầy nghị lực, tràn hy vọng và mong ước một cái gì tốt cho tương lai. Ngài không có ý nghĩ tự hủy;
nhưng tin vào những hoa trái tốt từ sự tự hy hiến đời mình cho kẻ khác...Tôi tin chắc rằng tất cả các vị sư tự thiêu không muốn những người cai trị chết, nhưng chỉ nhằm thay đổi chính sách của họ. Kẻ thù của chúng ta không phải là con người. Kẻ thù của chúng ta là sự thiếu khoan dung, cuồng tín, độc tài, tham đắm, hận thù và kỳ thị, chúng đang nằm sẵn trong tâm của con người.”
(Suicide is an act of self-destruction, having as causes the following: (1) lack of courage to live and cope with difficulties; (2) defeat by life and loss of all hope; (3) desire for non exsistence... The monk who burns himself has lost neither courage nor hope; nor does he desire nonexsistence. On the contrary, he is very courageous and hopeful and aspires for something good in the future. He does no think that he is destroying himself; he belives in the good fruition of his act of self-sacrifce for the sake of others ... I believe with all my heart that the monks who burned themselves did not aim at the death of their oppressors but only at a change in their policy. Their enemies are not man. They are intolerance, fanaticism, dictatorship, cupidity, hatred, and discrimination which lie within the heart of man.” (Vietnam: Lotus in a Sea of Fire. Hill and Wang, Inc.1967).
Sau cuộc bố ráp chùa và bắt tăng ni đêm 20.8 bằng kế hoch “Nước Lũ” của chính quyền Ngô Đình Diệm, thế giới ngày càng hiểu rõ hơn nguyện vọng chính đáng của Phật Giáo Việt Nam. Vì thế, họ đã lên tiếng mạnh mẽ ủng hộ Phật Giáo và chỉ trích chính sách kỳ thị bạo ngược của chính phủ Diệm.
Trong những cá nhân, đoàn thể và quốc gia ủng hộ cuộc tranh đấu của Phật Giáo ta có thể chia làm ba thành phần. Những người khác tín ngưỡng với Phật Giáo, những quốc gia đa phần theo Phật Giáo và những nước tân tiến kỹ thuật. Sau đây là một số trích dẫn.
1. LM. Lê Quang Oánh: Từ hồ Than Thở Đà Lạt ngày 12.5.1963, Linh Mục Lê Quang Oánh đại diện khối Giải Sĩ Đồng Tâm, Linh Mục T. Võ Quang Thiêng, nữ sinh M. Ngọc Lan Hương... gởi thư cho Hoà Thượng Hội Chủ Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam bày tỏ sự đồng tình cuộc tranh đấu của Phật Giáo. Thư có đoạn viết như sau:
“Chúng tôi lên án “Tội bất công” đã giết hại đồng bào vô tội. Thật là tàn bạo, dã man, phản dân chủ, phản tự do, phản đạo đức, làm nhục cho quốc thể Việt Nam, một nườc văn hiến trên bốn nghìn năm lịch sử.
“Giám quả quyết rằng: “Nhân nghĩa sẽ thắng.”
2. Vatican: Giáo Hoàng Phao Lồ Đệ Lục cũng đã ba lần lên tiếng về vấn đề Phật Giáo. Ngày 30.8.63 Giáo Hoàng đọc một thông điệp gởi đến nhân dân Việt Nam, nhưng văn thư nầy đều bị chính quyền Ngô Đình Diệm ngăn cấm không cho phổ biến. Một đoạn trong thông điệp nầy đã được Giáo Hoàng viết như sau:
“Giáo Hoàng đã biểu lộ sự chú tâm và đau đớn theo dõi các biến cố bi thảm đương dầy vò nhân dân Việt Nam và sự lo âu của Giáo Hoàng ngày càng thêm sâu sắc...Giáo Hoàng cầu nguyện để cho tất cả mọi người, rong mối hợp tác khoan dung và trong sự tương kính các quyền tự do chân chính, đoàn kết với nhau để tái lập tương thân và tình huynh đệ”
Le Pape exprime sa douloureuse préocupation au sujet des tristes évènements qui affigent le cher peuple Viêtnamien, tandis que l’angoisse devient de jour en jour plus profonde et lancinante...Et il fait des voeux que tous, dans une généreuse collaboration et dans un mutual respect des libertés legitimes, unissent pour rétablir la concorde réciproque et la fraternite.ù (Bốn Mươi Năm Nhìn Lại tr.126.
3. Cao Miên: Sau ngày HT Quảng Đức tự thiêu, ông Trần Văn Được, hội trưởng hội Phật Giáo Việt kiều tại Cao Miên, đã viết thư lên án chính phủ Ngô Đình Diệm và thỉnh cầu Quốc Trưởng Sihanouk yêu cầu Liên Hiệp Quốc can thiệp. Sau khi cacù chùa bị tấn công, tăng ni bị bắt đêm 20.8.63, chính phủ Cao Miên ngày 23.8.63 đã chính thức ra thông cáo kịch liệt lên án chính phủ Việt Nam. Một đoạn trong thông cáo viết:
“Chính phủ Hoàng gia Cam Bốt kinh hải khi nhận đươc tin Chính phủ Sài Gòn đã đàn áp dã man tín đồ Phật giáo...Chính phủ Hoàng gia Cam Bốt hoàn toàn ủng hộ các Tăng Ni Phật tử Việt Nam” (Bốn Mươi Năm Nhìn Lại sách đã dẫn, p.133).
Đến ngày 27,8.63, chính phủ Cam Bốt gởi văn thư đoạn giao với Việt Nam bằng những lời lẻ rất nặng nề:
“..Toàn thể dân tộc Cam Bốt cũng như tất cả các dân tộc khác trên thế giới đều công phẫn và ghê tởm trước những hành động dã man đàn áp Phật Giáo Việt Nam...” (BMNNL, tr . 134).
4. Tích Lan: Ngọn lữa từ bi hùng tráng Thích Quảng Đức và sự ngược đải Phật tử tại Việt Nam đã khiến bà Sirimavo Bandaranaike, thủ tướng Tích Lan, vô cùng xúc động. Bà kêu gọi các nước theo Phật giáo tại Á châu ủng hộ Tích Lan trong việc yêu cầu Liên Hiệp Quốc can thiệp vào vấn đề đàn áp Phật Giáo tại Việt Nam. Ngày 26.8.63 hội nghị Phật Giáo Tích Lan yêu cầu các đoàn thể Phật Giáo trên toàn quốc treo cờ rũ để tang các Phật tử hi sinh vì tín ngưỡng (BMNNL tr.136).
5. Miến Điện: Sau ngày các chùa tại Việt nam bị bố ráp, chính phủ Miến Điện càng công phẫn hơn. Báo Guandiantai tai Rangoon, thủ đô Miến Điện, cực lực lên án chính sách bạo ngược của chính phủ Ngô Đình Diệm. Báo viết rằng:
“Mỹ sẽ lầm khi nghĩ rằng tiếp tục ủng hộ một chính phủ đang ngự trị trên thân xác đau thương của những Phật tử Việt Nam mà có thể giữ được nguyên vẹn tình cảm ngoại giao với các quốc gia trong vùng Đông Nam Á” (BMNNL. tr.138).
6. Ấn Độ: Nhiều hội Phật Học Aán yêu cầu thủ tướng Néru can thiệp. Ngày25.8.63, Tổng Thư Ký đảng Quốc Gia Aán rất công phẫn chế độ Ngô Đình Diệm và cảm nhận nỗi đau thương của tín đồ Phật Giáo Việt Nam:
“Những tin tức loan đi từ Sài Gòn đã làm chấn động du9 luận tại Aán Độ, quê hương của Phật Giáo. Những sự tàn bạo mà các đạo hữu Việt Nam là nạn nhân càng làm cho ta phẫn nộ khi nhớ rằng Phật Giáo chủ trương bất bạo động.”(BMNNL, tr.138).
7. Thái Lan: Ngày 22.8.63 thống chế Sarit Thanarat, thủ tướng Thái Lan, đề nghị triệu tập một hội nghị sơ bộ gồm các nước Phật giáo trước lúc đưa vấn đề Phật Giáo Việt Nam ra Liên Hiệp Quốc. Bốn ngày sau đó Đại tá Mutukhan, Phó giám đốc nha Tôn giáo thuộc bộ Giáo Dục, đã khuyến cáo chính phủ Việt Nam bằng những lời gay gắt và như một tiên tri:
“Vì đã đàn áp Phật tử Việt Nam, Tổng Thống Ngô Đình Diệm sẽ hứngg chịu hết những tai hoạ dưới đủ mọi hình thức, hiểu theo giáo lý nhà Phật, kể cả giệt vong và địa ngục...” (BMNNL, p.141).
8. Đài Loan: Bộ ngoại giao Đài Loan tuyên bố rất lo ngại cuộc khủng hoảng tôn giáo tại Việt Nam và mong mõi chính phủ Việt Nam sớm có giải pháp thích hợp để chấm dứt cuộc khủng hoảng.
9. Nam Hàn: Đại đức Kapchong, Hội chủ Tổng Hội Phật Giáo, gởi thư cho chính phủ Việt Nam yêu cầu chấm dứt việc đàn áp Phật tử. Tướng Chang Chung Sơn, nhân viên trong hội đồng Quân nhân cách mạng, đã gởi thư lên án chíng phủ Việt nam đàn áp Phật tử một cách vô nhân đạo.
10. Nhật Bản: Tổ đình Bổn Nguyệt Tự tổ chức một buổi lễ đại cầu siêu cho cố HT. Quảng Đức và Phật tử Việt Nam hy sinh vì tín ngưỡng. Mặc dù dè giặt nhưng Thứ trưởng Ngoại giao ông Shigenobu Shima tiếp xúc với Đại sứ Việt Nam tại Nhật để biểu lộ sự lo âu về biến cố Phật Giáo Việt Nam.
Báo chí và dư luận của các nước Tây Phương rất nhiệt tình và ủng hộ cuộc tranh đấu của Phật Giáo Việt Nam.
11. Báo Le Monde: Được xem là phản ảnh quan điểm của Bộ Ngoại giáo Pháp. Số ra ngày 10.6.63 đã công kích chính phủ Việt Nam bằng những lời lẽ kịch liệt như sau:
“Biến cố ở Huế đã xẩy ra do sự đàn áp tàn bạo của nhà cầm quyền, và đã là một cơ hội tốt để sự bất mãn của nhân dân bộc phát. Sự tranh chấp nầy đã lột trần sự cô lập và thất nhân tâm của một nhóm thiểu số Thiên Chúa Giáo được ưu đải.” (BMNNL, tr.144).
12. La Croix: Là một nhật báo có nhiều ảnh hưởng trong giới Công Giáo Pháp đăng bài quan điểm chống đối chính sách độc tôn của chính Phủ Ngô Đình Diệm và kêu gọi tín đồ Công Giáo cầu nguyện cho Phật Tử Việt Nam. (Hoành Linh Đỗ Mậu, tr. 640).
13. Báo New York Times (Nữu Ước Thời Báo): Số ra ngày 8.8.1963 viết:
“... Chính phủ Hoa Kỳ đã tìm đủ mọi cách để buộc ông Diệm phải giải quyết vấn đề Phật Giáo. Nhưng người ta hết sức kinh ngạc khi nghe bà Ngô Đình Nhu, em dâu của Tổng Thống Diệm, vu khống các lãnh tụ Phật giáo là phiến loạn, sát nhân, và áp dụng chiến dịch Cọng sản. Có tin cho biết, chồng bà Nhu, em của Tổng thống Diệm, có thể cầm đầu một cuộc đảo chánh đã làm cho Hoa Kỳ lo ngại. Có nhiều người cho rằng những tin đồn về cuộc đảo chánh như vậy là một phần trong chiến tranh tâm lý chống Phậ giáo, và cũng là một sự hăm dọa đối với Hoa Kỳ.” (BMNNL, tr.147).
14. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ: Liền sau khi các chùa trên toàn miền nam bị tấn công, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ phổ biến một tuyên ngôn, có đoạn như sau:
“Căn cứ vào các tin loan đi từ Sài goon, rõ ràng chính phủ Việt Nam Cọng Hòa đã có hnững biên pháp đàn áp nghiêm khắc các lãnh tụ Phật giáo Việt Nam. Hành động nầy là một vi phạm trực tiếp của chính phủ Việt Nam vào lời cam kết theo đuổi một chính sách hòa giải với tí đồ Phật Giáo. Hoa kỳ phiền trách các hành động đàn áp loại nầy.”
Text of Statement issued by Department of State, Washington, on August 21: On the basis of information from Saigon, it appears that the Government of the Republic of Vietnam has instituted serious repressive measures against Vietnamese Buddhist leaders. The action represents a direct violation by the Vietnamese Government of assurances that it was pursuing a policy of reconciliation with the Buddhists. The United State deplores repressive action of this nature. (Vũ Văn Mẫu, tr.333).
15. Liên Hiệp Quốc: Với những hình ảnh Phật tử Việt nam bị đàn áp, bắt bờ, tù đày, vu khống bởi chính quyền Ngô Đình Diệm được đăng tải vào trang nhất của hầu hết các báo khắp thế giới, tổ chứccLiên Hiệp Quốc đã không thể làm ngơ, nên ngày 24.9.1963 một phái đoàn đặc biệt được gởi đến Việt Nam để điều tra vụ Phật Giáo. Mặc dầu chính quyền Ngô Đình Diệm không cho phái đoàn Liên Hiệp Quốc tự do đến những nơi cần thiết để điều tra, nhưng cuối cùng phái đoàn cũng đã thu thập đủ bằng chứng để kết luận rằng “Phật tử Việt Nam bị chính quyền Ngô Đình Diệm kỳ thị, khủng bố, tra tấn, tù đày, giết hại và cải đạo trong nhiều năm qua.”
Tóm kết, cuộc tranh đấu Phật giáo 1963 không nằm hạn hẹp trong việc đòi hỏi sự bình đẳng và quyền tự do tôn giáo mà còn là một cuộc đòi hỏi về công bằng xã hội và quyền được sống an bình trong một quốc gia như bao nhiêu quốc gia khác trên thế giới. Cuộc tranh chấp ý thức hệ mà Việt Nam là một bải chiến trường để đọ sức. Khí giới, bom đạn, hàng hoá bị thặng dự sau Thế chiến Thứ hai thì Việt Nam là một thị trường tốt để tiêu thụ. Người Việt trở thành nạn nhân nhưng được các cường quốc che dấu bằng những danh từ hoa mỹ.Vì thế, cuộc tranh đấu Phật Giáo 63 được toàn dân, toàn quân ủng hộ và thế giới tán đồng. Sự tự hy hiến bi hùng của Bồ Tát Thích Quảng Đức cũng như những ngọn lửa thiêng tiếp nối sau đó là để chính phủ Ngô Đình Diệm tỉnh thức và thế giới lưu tâm, nhưng kết quả là cộng đồng thế giới có lưu tâm nhưng chính phủ Ngô Đình Diệm lại không đếm xĩa nên cuối cùng, chế độ mất lòng dân và ngược thời đại nầy đã bị sụp đổ..
Những ngọn lửa thiêng và biến cố 63 đã tạo cơ duyên tốt cho Phật Giáo để chấn hưng và vận hội mới cho quy trình cách mạng xứ sở, nhưng tất cả đều tùy thuộc vào vận nước, vào thế chính trị quốc tế, vào ý chí của toàn dân và nhất là tùy thuộc vào những con người có lương tâm, trí tuệ và hùng lực của thành phần lãnh đạo.
Bùi Kha
Ngày Phật Đản
22.5.2005
--------------------------------------------------------------
- Tôi chỉ liệt kê một người khác tín ngưỡng tiêu biểu.
Sách tham khảo
1. Giao Điểm: 1963-2003 Bốn Mươi Năm Nhìn Lại, Giao Điểm 2003
2. Hoành Linh Đỗ Mậu, Việt Nam Máu Lửa Quê Hương Tôi, Hồi Ký Chính Trị, Hoa Kỳ 1986
3. Minh Không Vũ Văn Mẫu, Sáu Tháng Pháp Nạn 1963, bản Ronéo 1984
4. Appy, Christian G. Patriots The Vietnamese War Remembered From All Sides, New York 2003
5. Browne, Malcolm W. , The New Face Of War, Revised Edition, The Bobbs-Merrill Company, Inc. Indianapolis-New York,1968
6. Buttinger, Joseph, Vietnam: A Dragon Embattled, Volum II Vietnam at War, Frederick A. Praeger, Publisher, New York, 1967
7. Nhat Hanh, Vietnam: Lotus in a Sea of Fire. Hill and Wang, Inc.1967
8. Savey, Grace, A Reader, The American Experience in Vietnam, edited by Grace Savey, University of Oklahoma Pess, 1989
9. Tucker, Spencer C. Editor Encyclopedia of the Vietnam War, a Political, Social, and Military History
10. Tuần báo New York Times (Nữu Ước Thời Báo), tháng 6-8.1963
11. U.S. News & World Report: Tháng 6-8.1963
12. Tuần báo Time, tháng 6-8.1964
13. Tuần báo Washington Post tháng 6-8. 1964
14. http://www.uwec.edu/greider/BMRB/culture/ tudent.work/hicksr/
Bình luận bài viết