NGỌN LỬA VÀ TRÁI TIM BỒ TÁT QUẢNG ĐỨC
SÁNG NGỜI BẤT DIỆT
TUỆ KHƯƠNG
Kính bạch Chư Tôn Đức Đại Lão Hòa Thượng trong Hội Đồng chứng minh, Hội Đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Hội Đồng Lãnh đạo Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam.
Kính thưa Quý vị đại biểu, Chư Tôn Đức Tăng ni cùng Quý vị học giả, nhà nghiên cứu và đông đảo Phật tử, đạo hữu trong cuộc Hội thảo hôm nay.
Trước hết, tôi xin chân thành cảm ơn và hoan nghênh Ban lãnh đạo Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam (NCPHVN), ban Phật giáo Việt Nam (PGVN) ngay từ đầu năm 2005 đã sớm có chương trình làm việc, đề cương hướng dẫn cụ thể và chỉ đạo triển khai tích cực để hôm nay có thể long trọng tổ chức cuộc Hội thảo với chủ đề “Bồ Tát Quảng Đức vị pháp thiêu thân”đúng vào dịp kỷ niệm 42 năm ngày cố Đại Lão Hòa Thượng Quảng Đức thiêu thân: Biểu tượng của tinh thần Phật giáo Việt Nam. Thể hiện tấm lòng “Ghi ơn Tiền Bối”và “Ôn cố Tri Tân”của các thế hệ Tăng ni, Phật tử Việt Nam.
- Cuộc Hội thảo được tổ chức vào dịp này còn là một sự trùng hợp đầy ý nghĩa giữa Đạo – Đời. Trong khí thế phấn chấn hào hùng chung của cả nước, đang liên tiếp tổ chức các hoạt động Lễ hội kỷ niệm 30 năm Miền Nam hoàn toàn được giải phóng, giang sơn thu về một mối, Tổ quốc Việt Nam được hoàn toàn thống nhất. Trong đó có sự đóng góp xứng đáng của Phật Giáo Đồ Việt Nam. Điều này đã được khẳng định qua lời phát biểu rất nhiệt thành, hào sảng của Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng trong buổi tiếp Quý vị đại biểu Hội nghị thống nhất Phật giáo Việt Nam tại Phủ Chủ Tịch – tháng 11/1981:
“….Trong quá khứ, Phật giáo Việt Nam đã gắn chặt với dân tộc trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước… Trong sự nghiệp cách mạng cao cả của dân tộc ngày nay, Phật giáo VN đã góp phần xứng đáng. Đối với Việt Nam, nói đến Tôn giáo là người ta nghĩ ngay đến Đạo Phật, đến những việc làm Quý báu, đẹp đẽ của đông đảo Tăng ni, Phật tử. Đạo Phật ở Việt Nam đã mang mầu sắc dân tộc Việt Nam rõ rệt. Có thể nói rằng Phật giáo Việt Nam đã góp phần làm sáng ngời lý tưởng của dân tộc và trưởng thành cùng dân tộc...”
- Với độ lùi về thời gian, sau 30 năm Đại thắng mùa Xuân năm 1975 của Tổ quốc, sau hơn bốn mươi năm “Sự kiện Bồ Tát Quảng Đức Tự Thiêu”và phong trào đấu tranh của Phật giáo Đồ Việt Nam, của học sinh, sinh viên và các tầng lớp nhân dân Sài Gòn, Huế và các đô thị miền Nam chống lại sự kỳ thị, đàn áp Phật giáo và các Giáo phái khác của tập đoàn tay sai gian ác, độc tài, gia đình trị Ngô Đình Diệm. Đến nay, chúng ta đã có khá đầy đủ các nguồn tài liệu của tất cả các bên tham dự cuộc đấu tranh, các nguồn tư liệu trong và ngoài nước cùng công luận rộng rãi trên toàn Thế giới từ thời điểm đó đến nay, đã có thể giúp chúng ta, những người quan tâm đến sự chấn hưng Phật giáo Việt Nam và cả các nhà chính trị, xã hội, có cơ sở để thẩm định, hoàn chỉnh lại nhận thức về giá trị lịch sử của sự kiện này.
Chúng ta nhớ lại từ đầu những năm sáu mươi của Thế kỷ trước, dưới ngọn cờ của Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam Việt Nam, hàng đêm đã xuất hiện những ngọn đuốc của phong trào Đồng khởi của Nhân Dân Miền Nam Việt Nam. Nhưng cuộc chiến diễn ra chủ yếu ở các vùng rừng núi, nông thôn, ven đô, và đang tìm cách phát triển vào các đô thị Miền Nam để đối phó với các thủ đoạn kìm kẹp, đàn áp ngày càng dã man xảo quyệt của bộ máy cai trị Mỹ – Ngụy. Phong trào đấu tranh của Phật giáo Đồ ở miền Nam Việt Nam năm 1963 được khởi đầu từ việc Chính quyền Ngô Đình Diệm cấm treo cờ Phật giáo trong mùa Phật Đản, tiếp đó là vụ tàn sát Tăng ni, Phật tử, học sinh tại Đài Phát thanh Huế đêm 15/4 Âm lịch (8/5). Trước tình hình ấy, Hòa Thượng Thích Tịnh Khiết Hội chủ Tổng Hội Phật giáo Việt Nam tại Huế phát động cuộc đấu tranh trong Tăng ni, Phật tử đòi chính quyền Ngô Đình Diệm thực hiện 5 điều:
1. Yêu cầu chính phủ Việt Nam Cộng Hòa thu hồi vĩnh viễn công điện triệt hạ giáo Kỳ Phật giáo.
2. Yêu cầu Phật giáo phải được hưởng một chế độ đặc biệt bình đẳng như các hội truyền giáo Thiên chúa giáo đã được ghi trong đạo dụ số 10.
3. Yêu cầu Chính phủ chấm dứt tình trạng bắt bớ và khủng bố Tín Đồ Phật giáo.
4. Yêu cầu cho Tăng ni, Phật tử được Tự do truyền Đạo và hành Đạo.
5. Yêu cầu Chính phủ đền bồi một cách xứng đáng cho những người chết oan vô tội và kẻ chủ mưu giết hại phải bị xử lý thích đáng.
Phong trào nhanh chóng được sự hưởng ứng rộng rãi của đông đảo nhân dân và học sinh, sinh viên và cả một số sỹ quan binh lính Ngụy. Tuyên ngôn 5 điểm và tình hình vụ tàn sát tại Huế được truyền tin khắp cả nước. Ngay sau đó tại Sài Gòn Uỷ ban liên phái bảo vệ Phật giáo Việt Nam gồm tất cả 11 tập đoàn giáo phái Phật giáo được thành lập dưới sự lãnh đạo tối cao của Hoà Thượng Thích Tịnh Khiết, yêu cầu gặp trực tiếp Tổng thống Diệm để giải quyết mọi vấn đề giữa Phật giáo và Chính phủ. Song không đạt yêu cầu, Ủy ban liên phái buộc phải hành động theo phương pháp Bất bạo động bằng các hình thức biểu tình, tuyệt thực, thuyết pháp, tố giác tội ác trước các nhà báo, cơ quan ngoại giao, tổ chức rước linh, cầu siêu cho các nạn nhân Phật tử. Cuộc đấu tranh căng thẳng kéo dài nhưng Chính quyền Ngô Đình Diệm ngoan cố đàn áp. Trước tình hình ấy, Hòa thượng Thích Quảng Đức đã gửi bức tâm thư lên Uỷ ban liên phái xin Tự nguyện Tự Thiêu cúng dường Phật pháp, Uỷ ban liên phái chưa chấp nhận vì thấy chưa cần thiết. Tình hình càng quyết liệt hơn, Hòa Thượng Quảng Đức lại tình nguyện Tự Thiêu cúng dường, quyết tử vì Đạo và cuộc đấu tranh đã đi đến đỉnh cao là sự kiện “Bồ Tát Quảng Đức Tự Thiêu”đã có sức kêu gọi quy tụ mọi tầng lớp nhân dân đô thị Miền Nam Việt Nam, tạo nên một biến cố có ý nghĩa to lớn làm rung động lòng người, làm thức tỉnh lương tri của cả những người trong bộ máy Mỹ – Ngụy, các Tôn giáo khác và cả nhân loại tiến bộ, làm dấy lên một làn sóng đấu tranh phản kháng trong cả nước và hầu hết các nước trên Thế giới. Điều này đã chứng minh cho lời tâm nguyện của Hoà Thượng Quảng Đức thể hiện qua bài Kệ Thiêu Thân cúng dường Phật pháp
Kính dâng thập phương Chư Phật
Đệ tử hôm nay nguyện đốt mình
Làm đèn soi sáng nẻo vô minh
Khói thơm cảnh tỉnh bao người ác
Tro trắng phẳng san hô bất bình
Thân cháy nát tan ra tro trắng
Thần thức nương về giúp sinh linh
Hỡi ai mộng ảo đang còn mộng
Hãy gấp tỉnh đi kẻo giật mình.
8-4 nhuần Quý mão (1963)
Tỳ khưu THÍCH QUẢNG ĐỨC
Sau hơn 40 năm diễn ra sự kiện, với khả năng, trình độ, thời gian, điều kiện, tài liệu nghiên cứu rất hạn chế, điểm qua diễn biến tình hình thời điểm đó chúng ta càng thấy tầm vóc ý nghĩa và sự tác động mãnh liệt của ngọn lửa thiêng liêng do Bồ Tát Quảng Đức khởi nguồn, nối tiếp là hàng chục Quý vị Tăng ni, Phật tử toàn miền Nam Tự nguyện Thiêu thân, quyết tử vì Đạo pháp và dân tộc, đã từng bước chuyển hóa các loại động cơ, làm thay đổi bộ mặt cuộc xung đột giữa các thế lực tay sai ở Miền Nam Việt Nam và cả lối suy nghĩ xử lý của phương Tây, chủ yếu là Đế quốc Mỹ.
Vụ chính quyền Ngô Đình Diệm cấm treo cờ Phật giáo chỉ là nguyên nhân gần, như là “Giọt nước sau cùng làm tràn ly nước đã đầy có ngọn”khởi đầu tạo nên cuộc biến động đầu năm 1963. Song sự kiện Phật giáo lại quá trầm trọng dẫn tới hậu quả ghê gớm và kéo dài mãi đến những năm sau. Xét về khía cạnh chính trị thì cả đế quốc Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm đã phạm phải một sai lầm to lớn. Nếu cắt nghĩa theo Luật Nhân Quả hoặc sự An Bài của định mệnh thì sự kiện Phật giáo năm 1963 quả là định mệnh đối với Ngô Đình Diệm và chế độ độc tài Họ Ngô, “Nhân nào quả ấy”“Kẻ gieo gió thì phải gặp Bão”. Tạo thế bất lợi cho bọn xâm lược Mỹ, buộc Mỹ phải “Thay ngựa giữa đường”. Dẫn tới cuộc binh biến lật đổ chế độ gia đình trị và giết hại anh em Diệm – Nhu (1.11.1963). Sau đó cái gọi là Hội Đồng Tướng lĩnh lại liên tục tạo nên sự biến động sáo trộn, chính trường Ngụy quyền tay sai những năm tiếp theo. Thay đổi tới 4 -5 đời Chính phủ, Quốc trưởng, Tổng thống, cuối cùng dẫn tới sụp đổ hoàn toàn trong Đại thắng mùa xuân năm 1975.
- Cuộc Hội thảo trang trọng này cũng là dịp tạo cơ hội cho chúng ta, từ các vị chức sắc tu hành đến các nhà nghiên cứu học giả, từ các cơ quan quản lý Tôn giáo của Nhà nước đến toàn thể đạo hữu Phật tử chúng ta ôn lại một cách có hệ thống về những bài học sâu sắc từ trang sử bi hùng nhất của Phật giáo Đồ Việt Nam những năm sáu mươi của thế kỷ trước, trong giai đoạn đấu tranh quyết liệt nhất của Đồng bào đô thị miền Nam, dưới ách kìm kẹp, đàn áp dã man của kẻ thù.
- Bằng lý tưởng từ bi bác ái, đấu tranh cho sự bình đẳng Tôn giáo, Độc lập Tự Do cho dân tộc, dân chủ hạnh phúc cho Đồng bào, bằng phương pháp đấu tranh “Bất bạo động”. Không xuất phát từ sự cạnh tranh giữa người Phật giáo với người Công giáo, từ chối mọi sự lợi dụng của các thế lực, phe nhóm khác không phù hợp với Tôn chỉ, mục đích của Phật giáo, chỉ nhằm chống lại chế độ độc tài, kỳ thị Tôn giáo của tập đoàn tay sai gia đình trị Ngô Đình Diệm. Do đó đã huy động, tập hợp được sức mạnh lòng tin của các hệ phái, giáo phái Phật giáo của các địa phương trong cả nước. Sự ủng hộ của các Tôn giáo khác và nhân dân cả nước và nhân loại tiến bộ, cùng sát cánh bên nhau tranh đấu cho cái Chân - Thiện - Mỹ được hình thành trong lòng mỗi người và trong toàn xã hội, nhân loại.
Chúng ta còn nhớ, vào thời điểm ấy, đã có không ít lời xuyên tạc, lăng mạ về ý nghĩa ngọn lửa Quảng Đức từ phía chính quyền, gia đình Họ Ngô và phương Tây. Nhưng cũng chính thời điểm ấy, một nhà tu hành thuộc Tôn giáo khác, mục sư Mỹ Donal Harrington đã có nhận định khá sâu sắc về sự hy sinh cao cả của Hoà Thượng Thích Quảng Đức :
“Con người ít khi coi nhẹ cái chết. Tham sống, có lẽ là một bản năng thiên phú sâu xa nhất. Thường chỉ có những người hoàn toàn tuyệt vọng mới Tự tử và … Hành động Tự tử chỉ là kết quả của sự sợ hãi.
Người ta có thể Tự hỏi sự khủng khiếp và niềm phẫn uất nào đã có thể khiến cho một con người của tình thương, của Hoà bình , quyết chí Tự Thiêu.
Chúng ta không thể trả lời câu hỏi đó theo danh từ sợ hãi.
Chúng ta chỉ có thể hiểu được sự kiện đó, nếu biết rằng còn có một cái chết khác thường được gọi là “TỬ ĐẠO”. ”
Trong lời nguyện tâm quyết của Hoà Thượng Quảng Đức đã có lời gửi Tổng Thống Diệm:
… “Cầu nguyện cho đất nước thanh bình, quốc dân an lạc. Trước khi nhắm mắt về nơi cảnh Phật, tôi trân trọng gửi lời cho Tổng Thống Ngô Đình Diệm, nên lấy lòng bác ái từ bi đối với quốc dân, lấy chính sách bình đẳng Tôn giáo để vững yên nước nhà muôn thủa”…
Nhưng phản ứng của Diệm là tiếp tục đàn áp khủng bố và đã đưa đến tấm thảm kịch bị lật đổ và thảm sát vào tháng 11/1963.
Từ sự kiện này, Mục sư Harrington đã kết luận trong ký sự viết về giai đoạn cuối cùng của chế độ Ngô Đình Diệm như sau: “Theo một nghĩa nào đó, ta có thể gọi đó là một tấm thảm kịch. Nhưng theo một nghĩa khác thì đó là một sự chiến thắng”
Tôi nghĩ chắc mục sư Harrington cũng hiểu biết phần nào về đạo lý của người Việt Nam ta. Đó là: “Ác giả, ác báo”, “Đạo nghĩa thắng hung tàn”
Ngọn lửa và trái tim bất diệt của Bồ Tát Quảng Đức và phong trào đấu tranh của Phật giáo Đồ miền Nam Việt Nam giai đoạn này còn là một bài học hiện thực sinh động về sự hòa hợp giữa các lợi ích. Đoàn kết thành một khối thống nhất theo tinh thần Quảng Đức vì lợi ích chung, gắn liền Đạo Pháp với Dân Tộc. Dựa vào triết lý Phật giáo và đạo lý của dân tộc làm nền tảng tâm linh cho cuộc sống nhân sinh, chấn hưng Phật giáo, góp phần đưa Giáo hội Đồng hành cùng Đất nước, dân tộc. Thật vô cùng xúc động khi chúng ta đọc lại bài kệ của Bồ Tát Quảng Đức
Dâng chư hiền Thánh Tăng
Phật giáo sử vàng máu thay son
Than ôi! Quỷ kế họ vẫn còn
Quyết diệt suy tàn nền chánh pháp
Làm cho Tăng tín phải chết mòn
Vì sự bất công tôi Thiêu xác
Khói hồn nguyện độ kẻ hàm oan
Kính chúc Tăng – Ni tâm dũng tiến
Chánh pháp ngày mai phải trường tồn.
8-4 nhuần Quý mão (1963)
Tỳ khưu THÍCH QUẢNG ĐỨC
Xin chân thành cảm ơn và hoan nghênh Viện NCPHVN, qua cuộc Hội thảo trang trọng này đã tạo cơ hội cho hàng hậu học và thế hệ Tăng ni, Phật tử sinh ra sau thời kỳ này có dịp được gặp gỡ, tham vấn với các vị Đại Lão Hòa Thượng , các giáo sư, học giả lão thành là những nhân chứng lịch sử cùng thời với Cố Đại Lão Hoà Thượng Bồ Tát Quảng Đức. Chúng tôi rất mong được nghe những hồi ức, kỷ niệm sâu sắc, cùng những đánh giá, nhận thức trung thực nhất về những sự kiện và tháng năm lịch sử oanh liệt này của Phật giáo, của dân tộc, để có thể rút ra những bài học chuẩn xác, sâu sắc nhất về các giá trị lịch sử xã hội nhân văn đối với ngọn lửa quang vinh và trái tim ngọc đá đời đời bất diệt của Bồ Tát Quảng Đức.
Kính thưa Chư Tôn Đức cùng toàn thể Quý liệt vị!
Trong lịch sử của dân tộc và nhân loại, thế giới đã từng có không ít những sự kiện, nhân vật lịch sử, trải qua thử thách khắc nghiệt của thời gian, sự thăng trầm của các Triều đại và Thế thái nhân tình, đã từng trải qua các cuộc Hội thảo tranh luận gay gắt. Có nhân vật, sự kiện được kiểm chứng, đánh giá lại nhiều lần. Đôi khi trái ngược với sự ghi nhận, phong tặng ban đầu.
Điều đáng Tự hào trân trọng cho Phật giáo Đồ và dân tộc Việt Nam ta là: Đối với “Bồ Tát Quảng Đức”bằng những tư liệu công khai về tiểu sử, Đơn xin Thiêu thân, các bài Kệ Thiêu thân cúng dường chánh pháp, Lời nguyện tâm quyết và nét lưu bút bằng chữ Nôm của Bồ Tát Quảng Đức trước lúc Tự Thiêu, với ngọn lửa rực vàng chính nghĩa và trái tim ngọc thạch bất diệt là một tài sản tâm linh, tinh thần vô giá ngày càng ngời sáng và trường tồn với Phật giáo Đồ, vẫn còn sáng chói mãi trong lòng các thế hệ Tăng ni, Phật tử, nhân dân trong và ngoài nước đến muôn đời sau.
Chính vì vậy mà 36 năm sau với chủ đề : Năm 2000 và những năm tiếp theo (2000 and beyond) tờ báo “The Nation”của Thái Lan ra ngày 23.12.1999 đã chọn bức ảnh chụp “Bồ Tát Quảng Đức Tự Thiêu”làm bức ảnh của Thế kỷ (có bản phôtô bản tin của Báo Giác Ngộ kèm theo đây).
Theo đoạn cuối tư liệu về Tiểu sử Bồ Tát Quảng Đức trong “50 năm chấn hưng Phật giáo Việt Nam (1920 -1970)”. Hay là “Ghi ơn Tiền Bối”(Chùa Ấn Quang – Sa môn Thích Thiện Hoa, Rằm tháng chạp Kỷ Dậu 1970).
Sự thị tịch của Bồ Tát Quảng Đức có hai điều huyền diệu:
• Khi Ngài Tự Thiêu, lửa cháy phủ người mà Ngài vẫn ngồi như tượng Đồng đen, tay bắt ấn tam muội, chân ngồi kiết giá không hề lay chuyển.
• Khi trà tỳ, sau khi hỏa Thiêu suốt ngày, xương thịt đều tan hết nhưng trái tim Bồ Tát vẫn còn y nguyên, mặc dù đã Thiêu bằng lửa điện trên sáu tiếng Đồng hồ. Sự huyền diệu này làm cho Tăng ni, Phật tử, các giới Đồng bào trong và ngoài nước vô cùng kính phục, Tự hào.
- Quả tim bất diệt của Ngài hiện đang được Giáo Hội Phật Giáo và Nhà nước Việt Nam giữ gìn bảo quản cẩn trọng theo nguyên tác chế độ đối với Bảo vật quốc gia, quốc tế.
- Linh cốt của Bồ Tát được Tôn thờ tại các chùa như sau:
1 Việt Nam Quốc Tự.
2 Chùa Ấn Quang.
3 Tháp Đa Bảo Chùa Phước Hậu, Trà Ôn, Vĩnh Long.
4 Chùa Từ Nghiêm.
5 Chùa Quán Thế Âm (Phú Nhuận – TPHCM) nơi di tích cuối cùng của Bồ Tát Quảng Đức.
Ngoài ra theo các thông tin chưa đầy đủ chúng tôi được biết ngoài các di tích về Bồ Tát Quảng Đức và các vị Thánh tử Đạo tại Sài Gòn- Gia Định, nhiều nơi trong nước như Hà Nội, Huế, các tỉnh miền Trung, Nam Bộ. Tăng ni, Phật tử Đồng bào cả nước đã thể hiện lòng chiêm ngưỡng của mình bằng các công trình xây tháp thờ vọng, lập Tu viện, vẽ chân dung bài vị của Ngài thờ phụng rất trân trọng.
Riêng Tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu nhân dịp nghiên cứu sưu tầm tài liệu, hiện vật, tham gia Hội thảo tôi được biết từ lâu tại Vườn Tháp Tổ Đình Thiên Thai (Huyện Long Điền) đã xây dựng một cây Tháp lớn Thờ vọng Bồ Tát Quảng Đức.
- Tại số 352, đường Trần Phú, Phường 5, Tp. Vũng Tàu cũng có một Tu Viện Quảng Đức khá khang trang trên sườn núi Lớn nhìn ra biển Cần Giờ hướng về Tp. Hồ Chí Minh.
Trái tim, Linh cốt, Bảo Tháp, Chân dung của Bồ Tát Quảng Đức trường tồn cùng chúng ta như một lời kêu gọi, lời nhẳn nhủ của Ngài đối với toàn thể Tín Đồ Phật giáo chúng ta.
Cùng toàn thể tín Đồ Phật giáo
Cùng hàng Phật tử ở tại gia
Hãy quên bản ngã bỏ cái ta
Gấp sửa thân tâm vì đại cuộc
Ngàn năm sử Việt vẫn Phật gia
Thân tôi dù cháy linh thiêng máu
Thần thức tôi luôn giúp đạo nhà
Đã mang danh thể con dòng Thích
Bi – Trí – Hùng sao chẳng đem ra.
8-4 nhuần Quý Mão (1963)
Tỳ khưu THÍCH QUẢNG ĐỨC
Điểm lại các tác phẩm, tư liệu bình luận, đánh giá về phong trào đấu tranh của nhân dân, Phật giáo miền Nam Việt Nam và sự kiện “Bồ Tát Quảng Đức”Tự Thiêu những năm sáu mươi Thế kỷ trước của cả trong và ngoài nước, chúng ta thấy khá phong phú, đa dạng.
+ Ngoài các luồng thông tin, dư luận báo chí Thế giới viết về sự kiện này đã đăng tải được tổng hợp lại. Đã có nhiều tập Hồi ký, Ký sự khá đầy đặn, Tiểu thuyết nhiều tập của nhiều tác giả đáng chú ý. Thí dụ như tập ký sự của Mục sư harrington đã trích dẫn ở phần trên.
+ Ngay từ đầu những chương đầu của tập Hồi ký “Nhìn lại quá khứ: Tấm thảm kịch và những bài học về Việt Nam”viết năm 1995 của cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert McNamara đã viết khá chi tiết và ông ta đã phải thú nhận rằng : “Những sự kiện này làm tôi và nhiều người Mỹ ở Washington sửng sốt kinh hoàng và làm cho sự thống trị của Diệm gặp khó khăn hơn bao giờ hết”…
- Ở trong nước, sự kiện này được thể hiện trên rất nhiều loại ấn phẩm của hai miền từ 1963 đến nay, nhiều tư liệu được hệ thống lại khá chi tiết cụ thể, khó thống kê hết và không thể có thời gian đọc hết được. Người viết có dịp được đọc, điểm qua một số tư liệu đáng chú ý sau đây:
+ 50 năm (1920 – 1970) Chấn hưng Phật giáo Việt Nam hay là Ghi ơn Tiền bối.
+ Đạo Phật và Dòng sử Việt (Đức Nhuận – 1996).
+ Một số tập Tiểu thuyết, Ký sự của các nhà xuất bản trong nước ấn hành trong 30 năm qua như:
• Ông cố vấn (Hữu Mai).
• Ai giết anh em Ngô Đình Diệm (Quốc Đại).
• Đệ nhất Phu nhân.v.v…
- Cùng nhiều ấn phẩm khác của Ban văn hóa Thành Hội Phật Giáo TP. HCM, của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Nhà xuất bản Tôn giáo, Tuần báo và Nguyệt san Giác ngộ, Nội san của Tổ đình quán Thế Âm..v.v. vào các dịp Đại lễ, Đại lễ Đàn, kỷ niệm hàng năm. Tuy còn ít các tác phẩm đầy đặn nhưng đều đã có những bài viết, chuyên đề về Bồ Tát Quảng Đức và sự kiện Phật Giáo những năm sáu mươi của Thế kỷ trước.
- Nhưng nhìn chung là còn tản mạn cục bộ tuỳ theo vị thế, quan điểm, nhận thức của từng tác giả và muc đích của từng nhà xuất bản, tính chất của từng loại ấn phẩm mà đã có sự hư cấu, thiên kiến nhất định, đòi hỏi người đọc phải có sự xem xét lựa chọn cần thiết.
Đặc biệt trong tác phẩm “Việt Nam Phật giáo Sư luận”của tác giả Nguyễn Lang – Nhà xuất bản Văn Học – 2000. Trong tập III, tác giả đã dành trên 100 trang với 4 chương (từ 36 – 40) đề cập đến sự kiện trọng đại này một cách có hệ thống với những tư liệu đáng tin cậy vì Tác giả là một người trong những nhân chứng lịch sử của Phật giáo Đồ Việt Nam đang còn hiện diện với chúng ta, với tư cách vừa là Học giả, là nhà Tu hành, một vị Hoà thượng, Thiền sư khả kính, có uy tín rộng rãi trên Thế giới và trong nước.
Trong “Lời nhà xuất bản”(Trang 745-746) đã viết: “Đây là một công trình biên soạn công phu, với một khối lượng tư liệu phong phú, có nhiều tư liệu thuộc loại hiếm, cung cấp cho ta một bức tranh toàn cảnh về tình hình Phật giáo Việt Nam từ đầu Thế kỷ cho đến cuối năm 1963. Sau những chuyện đàn áp khốc liệt Phật giáo miền Nam của chính quyền Ngô Đình Diệm.
Tuy vậy về quan điểm mà nói, giữa Tác giả với chúng tôi còn có những điểm chưa nhất trí trong việc phân tích, đánh giá một số sự kiện lịch sử, một số nhân vật trong hàng ngũ Phật giáo miền Nam cũng như miền Bắc, và cả vai trò thực tế của giới Phật tử miền Nam đối với sự sụp đổ của chính quyền Ngô Đình Diệm vào ngày 1.11.1963.
Mặc dầu vậy để giúp bạn đọc có một tài liệu nghiên cứu cần thiết về lịch sử, nhất là lịch sử văn hóa, lịch sử tư tưởng nước ta thời kỳ hiện đại, Nhà Xuất Bản cho in tập III, công trình này dưới dạng sách Tham Khảo nội bộ và chỉ gửi đến những địa chỉ cần sách. Đây đó, ở những chỗ xét thấy tư liệu mà tác giả dẫn dụng chưa đảm bảo độ chính xác. Hoặc việc kiểm tra xuất xứ không dễ, tôi lược bớt một đôi câu chữ, cho việc đọc sách được tập trung hơn. Ở những chỗ này chúng tôi đều có để ba dấu chấm lửng trong dấu ngoặc vuông […]
Nguyên bản Việt Nam Phật giáo sử luận Tập III do Ban văn học cổ cận đại Viện văn học cung cấp”…
- Kính bạch Chư Tôn đức và toàn thể Quý liệt vị!
Điểm qua một vài ấn phẩm có đề cập ít nhiều đến sự kiện Tự Thiêu của Bồ Tát Quảng Đức và xin phép được trích dẫn khá dài dòng “Lời nhà xuất bản văn học”là để được kính bạch với Chư Tôn Đức và phản ảnh với các nhà học giả cùng Quý liệt vị một điều: Đây là tình trạng chung khá phổ biến hiện nay trong việc xuất bản và phê bình giới thiệu tác phẩm. Nó thể hiện một sự tắc trách chiếu lệ về mối liên hệ giữa các nhà : xuất bản – phê bình – Tác giả và cả với bạn đọc, trong việc xuất bản các tư liệu, các tác phẩm lịch sử về Tôn giáo, Phật giáo, Phật học. Đành rằng Tự do tư tưởng, học thuật, công khai phê bình, tranh luận một cách bình đẳng, dân chủ là một việc làm bình thường. Nhưng đi liền đó là phải có sự trao đổi qua lại giữa các nhà có liên quan, cùng với sự thẩm định cần thiết thông qua các cuộc Hội thảo và một Hội đồng thẩm định chuẩn mực để từng bước có sự đánh giá tương đối thống nhất, góp phần định hướng cho bạn đọc và hàng hậu học sau này. Thiết nghĩ trong điều kiện đất nước Hoà bình Thống nhất đã ba chục năm nay, công cuộc đổi mới , hội nhập giao lưu trong nước – Thế giới nhanh chóng thuận lợi như hiện nay, tình trạng trên không thể kéo dài. Vì vậy, nhân cuộc Hội thảo với đề tài : “Bồ Tát Quảng Đức vị pháp Thiêu Thân”nhằm khẳng định, tôn vinh, suy tôn Công đức của Ngài: Biểu tượng của tinh thần Phật giáo Việt Nam.
Tôi xin mạnh dạn kiến nghị với Hội đồng lãnh đạo Viện, với Ban Tổ chức Hội thảo một vài đề xuất sau đây:
I/ Sau cuộc Hội Thảo trang trọng này, trên cơ sở những tư liệu, Hồi ức sâu sắc của các bậc cao Tăng, Thạc đức là những nhân chứng cùng thời với Bồ Tát Quảng Đức và các Tham luận tại Hội thảo, với tư cách là cơ quan của Trung ương giáo hội Phật Giáo Việt Nam, viện Nghiên cứu Phật học cần chủ trì với sự tham gia của các nhà sử học về Tôn giáo, văn hoá, chính trị - xã hội để sớm hoàn chỉnh một tập kỷ yếu chuẩn mực phong phú về phong trào chấn hưng và đấu tranh của Phật giáo Việt Nam nói chung, Phật giáo miền Nam Việt Nam nói riêng trong công cuộc Chống Mỹ cứu nước (1954 – 1975) về tiểu sử công đức của tấm gương “Thiêu Thân cúng dường Đạo Pháp – Dân tộc”của Cố Đại Lão Hòa thượng Bồ Tát Quảng Đức – Biểu tượng của Tinh thần Phật giáo Việt Nam. Coi đó là một cuốn cẩm nang để nghiên cứu, học tập trong quá trình tu hành của Quý vị Tăng ni, Phật tử và là một tập trong bộ giáo trình chính thức cho các Tăng ni sinh Học viện các trường từ Đại học đến Trung, Sơ cấp Phật học. Đồng thời là tài liệu chính thức tuyên truyền quảng bá với du khách nước ngoài và các tổ chức Phật giáo trên Thế giới.
II/ Kính đề nghị Trung ương Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam nghiên cứu, lựa chọn cho phép một Học viện, Viện nghiên cứu hoặc một trường Đại học Cao cấp Phật học trong số các Học viện, trường Đại học, Cao cấp Phật học hiện có được vinh hạnh mang Danh hiệu là Học viện hoặc trường Đại học, Cao cấp Phật học Việt Nam có Pháp danh hoặc Pháp hiệu của Bồ Tát Quảng Đức để khuyến khích các Thế hê Tăng ni sinh noi theo tấm gương ngời sáng của Ngài.
III/ Việc giữ gìn bảo quản cẩn trọng đối với Quả tim bất diệt của “Bồ Tát Quảng Đức”từ trước đến nay là rất cần thiết. Nhưng theo thiển nghĩ của tôi đây là một Quý bảo đặc biệt, cần được bảo quản cẩn trọng. Nhưng không nên bảo quản trong Kho bạc Nhà nước mà nên được đặt trang trọng trong một Bảo tháp hoặc dạng Tàng kinh các dựng bằng vật liệu kiên cố với chế độ bảo vệ nghiêm ngặt (Thí dụ: tháp Pha lê, Thấu kính Hải đăng…). Đặt trang trọng trong Bảo tàng Phật giáo Việt Nam hoặc Trụ sở chính thức của Trung ương Giáo Hội Phật giáo Việt Nam. Có như vậy mới đáp ứng được nguyện vọng thiết tha của đông đảo Tăng ni, Phật tử và đồng bào cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài và khách Quốc tế là được đến chiêm bái, đảnh lễ trong các dịp Đại lễ kỷ niệm và các dịp đồng bào về thăm quê hương, Tổ quốc và khách Quốc tế đến thăm nước ta.
Đây là một vấn đề rất nhạy cảm, quan trọng, xin được Kính bạch để Hội đồng Lãnh đạo Viện nghiên cứu. Kính trình với Hội đồng Chứng minh – Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam và cơ quan nhà nước xem xét.
IV/ Về việc xây Tượng Đài – Tháp tưởng niệm Bồ Tát Quảng Đức:
Qua tạp chí tuần báo Giác Ngộ tháng 04/2005, đông đảo Tăng ni, Phật tử, đồng bào ta rất hoan hỉ và hoan nghênh sự quan tâm của Quý vị Lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh về chủ trương kế hoạch chỉ đạo xây dựng Tượng đài và Tháp Tưởng niệm tại khu vực Bồ Tát Quảng Đức Thiêu Thân. Được biết Uỷ Ban Nhân dân Thành Phố giao cho Sở Văn hoá Thông tin là chủ đầu tư.
Thiết nghĩ, đây tuy là một công trình Di tích lịch sử, văn hóa của Thành phố. Nhưng còn là một công trình Di tích lịch sử Phật Giáo đặc biệt vì vậy xin mạnh dạn đề nghị Quý vị Trung ương Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam và Thành Hội Phật Giáo Thành phố cần chủ động, tham vấn đóng góp ý kiến, cộng tác với Quý vị Lãnh đạo và Sở Văn hóa Thành phố trong quá trình tư vấn, thiết kế kiến trúc, tổ chức thi công để công trình di tích sớm được hoàn thành mỹ mãn, đảm bảo chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật phù hợp sắc thái văn hóa, kiến trúc Phật giáo Việt Nam. Đáp ứng được nguyện vọng và lòng ngưỡng mộ thiết tha của đông đảo đồng bào Phật tử và Tăng ni trong cả nước.
- Kính bạch Chư Tôn Đức và toàn thể Quý Liệt vị!
Năm nay, kỷ niệm 42 năm ngày vị pháp Thiêu Thân của Bồ Tát Thích Quảng Đức (1963 –2005), lại trùng hợp vào dịp kỷ niệm 30 năm miền Nam hoàn toàn được giải phóng, đất nước Thống nhất. Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam tổ chức trang trọng cuộc Hội thảo với chủ đề : “Bồ Tát Quảng Đức vị pháp Thiêu Thân”là một sự trùng hợp có ý nghĩa rất to lớn, thể hiện sự gắn bó sâu sắc giữa Đạo và Đời, giữa Đạo pháp và Dân tộc.
- Cuộc đời và sự nghiệp của Bồ Tát Thích Quảng Đức với phong trào đấu tranh bất bạo động là bài học lịch sử về thực trạng Phật giáo ở giai đoạn trước. Đồng thời có tác dụng định hướng cho hiện tình Phật giáo Việt Ban ở hiện tại và tương lai theo tinh thần “như nước và sữa”góp phần làm cho chân lý và đạo đức được định hình trong xã hội và trong mọi người.
Kinh Niết bàn dạy rằng: “Trong thời mạt pháp sẽ có lúc hưng pháp”. Vậy thì đây đang là thời kỳ Hưng pháp tại Việt Nam.
Kính thưa Quý liệt vị. Trong lịch sử nhân loại và các Tôn giáo đã từng có những huyền thoại cổ tích về những nhân vật phi thường. Vì một lý tưởng cao cả cùng với lòng từ bi cứu thế và yêu đời nồng nàn thiết tha nhất đã tạo ra những người Tử Đạo quả cảm nhất: Chúa Giêsu, Thánh Jeanne d’Are của Pháp và nhà Bác Học Galilê với lời nói bất hủ: “Dù sao thì trái đất của Ta vẫn cứ quay”. Trước lúc bị bước lên giàn thiêu – Là những người như thế.
Từ hình ảnh “Ngọn lửa và Trái tim bất diệt”của Bồ Tát Quảng Đức, tôi lại nhớ đến “Ngọn lửa và trái tim Đankô”trong truyện cổ tích Nga “Bà lão IDECGHIN”in trong Tuyển tập Truyện ngắn Macxim Gorki (Nhà Xuất bản văn học – Hà Nội) mà tôi đã đọc từ hơn 40 năm trước đây. Đại ý vắn tắt như sau: “Thuở xưa... có một bộ lạc vốn quen sống an bình trên thảo nguyên bao la và cũng có một lời di chúc thiêng liêng. Bỗng đâu có một bộ tộc người từ xa tới, dồn đuổi bộ lạc đó vào một thế bị bao vây triền miên bởi màn đêm đen tối và ... sức mạnh quỷ quyệt của kẻ thù. Trước tình thế đó, có một chàng thanh niên tên là ĐanKô đã tự nguyện xông lên hàng đầu dẫn đoàn người đi bỗng nhiên anh đưa hai tay lên xé toang lồng ngực, dứt trái tim ra và giơ cao lên đầu “Trái tim sáng rực như mặt trời”. Xóa tan màn đêm và làm tan rã kẻ thù, dẫn đoàn người trở về với thảo nguyên quê hương.
“Chàng ĐanKô can trường và kiêu hãnh đưa mắt nhìn thảo nguyên bao la trước mặt, sung sướng nhìn vùng đất tự do và bật lên tiếng cười tự hào. Rồi anh gục xuống và chết. Đoàn người vui sướng tràn đầy hy vọng, tiếp tục bước đi không nhận thấy ĐanKô đã chết và không thấy trái tim can đảm của anh vẫn cháy bừng bừng cạnh xác anh...”.
Nhưng có điều đáng chú ý là trước khi kể câu chuyện trên, bà lão INDECGHIN cứ da diết hỏi:
“Tôi sẽ kể cho anh câu chuyện ấy... cũng là truyện cổ tích cũ... toàn chuyện cũ kỹ cả thôi! Anh không thấy thời xưa có biết bao nhiêu câu chuyện hay?... Còn thời nay chẳng có gì hết : Không có công việc, không có con người, cũng chẳng có những chuyện cổ tích như thời xưa nữa... tại sao? Nào, nói đi.... Anh không trả lời được đâu...
Nếu các người nhìn kỹ vào thời xưa thì sẽ giải đáp được hết, nhưng các người không nhìn và vì thế các người không biết sống... Tôi không nhìn thấy cuộc đời chăng? Ồ, tôi thấy hết mặc dù mắt tôi kém! Tôi thấy thiên hạ không sống, mà chỉ đắn đo, suy tính và phí cả đời vào việc đắn đo, suy tính đó...
Số phận của mỗi người là ở chính bản thân người đó! Cho tới nay, tôi vẫn gặp đủ mọi loại người nhưng không thấy những người dũng cảm! Họ đâu cả rồi? ... Người đẹp cũng ngày một ít đi”.
Thú thực với Quý vị, thời gian đó đọc xong truyện ngắn ấy chúng tôi rất thích, suốt đêm rì rầm không ngủ vì những lời da diết băn khoăn của Bà lão trong chuyện cổ tích của nước Nga.
Điểm qua các tấm gương Tử vì đạo của lịch sử, Huyền thoại xa xưa trên Thế giới là để được trở về với lịch sử hiện đại, càng thêm niềm tự hào và Tôn Kính Thiết Tha về “Ngọn lửa và trái tim bất diệt”của Bồ Tát Quảng Đức cuối thế kỷ 20.
- Thật diễm phúc cho Việt Nam chúng ta; Thời nay, trên Đất nước Việt Nam của chúng ta có một sự kiện thật, một nhân vật có thật , được cả nhân loại biết đến bằng trực diện và qua các phương tiện thông tin đại chúng và còn rất nhiều hình ảnh, hiện vật trường tồn. Đó là Hòa Thượng Thích Quảng Đức, một Tu sĩ Phật Giáo khổ hạnh, đã kiên trì tự nguyện gia nhập vào các Thánh tử Đạo và hy sinh đời mình cho Đạo Pháp dân tộc, cho tình thương và cho sự hoàn thiện của con người, của nhân loại.
- Tôi được một vị Tỳ khưu từ nước ngoài về nói lại gần đây nhiều nước trên Thế giới chú ý nhiều đến Tư thế ngồi vững vàng trong lửa và Quả tim kỳ lạ của Bồ Tát Quảng Đức, đã có ảnh hưởng to lớn đối với sự thức tỉnh Tâm linh của nhân loại nên đã đề xuất với Cơ quan Liên hiệp Quốc xem xét, có quyết nghị xác định, công nhận Ngài Thích Quảng Đức là một vị “BỒ TÁT THỊ HIỆN THẾ GIAN”.
Đây là tin tốt lành. Về ý kiến trên chính xác đến đâu, xin mạnh dạn nêu và kính đề nghị Quý vị có thẩm quyền của Trung ương Giáo hội phật giáo việt Nam và Nhà nước ta tìm hiểu, thẩm định; tác động để sớm thành hiện thực.
Với đạo lý: “Uống nước nhớ nguồn”, “Kế tục tiền nhân”, sau cuộc Hội thảo trang trọng này, chúng ta nguyện khắc sâu lời di huấn của Bồ Tát Quảng Đức trong đơn Xin thiêu Thân đầu tiên viết ngày 27.05.1963 – PL 2057:
+ “Nhìn lại quá trình lịch sử Truyền thống dân tộc, Phật Giáo Việt Nam ghi đậm những nét son huy hoàng trong mọi lĩnh vực : Học thuật, văn hóa, chính trị, quân sự, thiết kế, đã hòa một trong nếp sống của quần chúng”...
+ “Tinh thần Phật Giáo đã đã gắn liền với tinh thần Quốc gia Dân tộc. Phật giáo thịnh thì quốc gia thịnh. Phật giáo suy thì quốc gia suy. Điều này lịch sử đã minh nhận”...
+ “Và xin Quý Thượng tọa chấp thuận, chuyển tới toàn thể Tín đồ lời ước nguyện cuối cùng của chúng tôi: Phật tử chúng ta hãy cùng nhau tự nguyện tự giác, bền chí với sứ mệnh duy trì Chánh Pháp và bảo vệ lá cờ Phật giáo”...
KÍNH
Tỳ khưu THÍCH QUẢNG ĐỨC
(Nguyễn Văn Khiết ký tên và đóng dấu)
- Trong “Lời Nguyện Tâm Quyết “của Hòa Thượng làm tại chùa Ấn Quang ngày 4 tháng 6 năm 1963, trong 5 điều tâm quyết thì có tới 3 điều nhắn nhủ gởi tới Tăng ni, Phật tử và nguyện cầu cho Đất nước:
• “Nhờ ơn Phật từ bi gia hộ cho phật giáo Việt Nam được Trường Tồn Bất Diệt”.
• “Cầu nguyện cho đất nước thanh bình, quốc dân An lạc. Trước khi nhắm mắt về nơi cảnh Phật, tôi trân trọng gửi lời cho Tổng thống Ngô Đình Diệm, nên lấy lòng bác ái từ bi đối với quốc dân. Hãy thi hành chính sách bình đẳng Tôn giáo để vững yên nước nhà muôn thuở”.
• “Tôi thiết tha kêu gọi Chư Đại Đức tăng ni, Phật tử nên Đoàn kết nhất trí hy sinh để bảo tồn Phật giáo”.
- Đáp lại những lời nguyện tâm quyết thiết tha của Ngài, Tăng ni Phật tử – Toàn thể Phật giáo Đồ Việt Nam ta ở cả trong và ngoài nước hãy cùng lắng đọng tâm tư, quán chiếu lại mình, tu hành tinh tấn, hoằng dương Phật pháp, để xứng đáng là đệ tử của Đức Phật sống trong thời kỳ hậu Bồ Tát Quảng Đức.
Cuối cùng để kết thúc bản tham luận trong buổi Hội thảo trang trọng này Tôi xin phép Quý Liệt vị được đọc lại Bài Xuất Kệ Vân cuối cùng trước lúc Ngài hóa thân cúng dường Phật pháp để thay nén T6am nhang, thay Lời tâm nguyện của hàng Cư sỹ Phật tử hàng hậu chúng tôi gởi tới Hương Linh “Bồ Tát Quảng Đức”nơi cõi Phật:
Xuất kệ Vân
Nền Phật dò lên Kiếp tẩy sang
Phủi tay rửa sạch nợ trần gian
Tránh đường danh lợi tìm nơi tịnh
Niệm chữ từ bi lánh cửa quan
Chuỗi hột tay lần khuya với sớm
Kệ Kinh tụng niệm vái rồi van
Một lòng Thành kính lòng mình nguyện
Tịnh độ từ Tây rất ở an
8 – 4 Nhuần Quý Mão
Tỳ khưu THÍCH QUẢNG ĐỨC
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Nam Mô Đại Hùng - Bi - Lực Quảng Đức Bồ Tát.
Bình luận bài viết