Thông tin

NGỌN LỬA

 

ĐỖ HỒNG NGỌC

 


 

Người ta hỏi Phật vậy chớ chia sẻ cái “phước” cho nhiều người thì phước đó có bớt đi không? Phật mỉm cười bảo: “Như lửa ở một ngọn đuốc, hàng trăm hàng ngàn người đến lấy lửa từ ngọn đuốc đó để soi sáng, để nấu ăn, thì lửa nơi ngọn đuốc kia vẫn y như cũ!”.

Dạy học chính là chia lửa! Nếu dạy học chỉ là trao truyền kiến thức không thôi thì kiến thức sẽ rất mau... lỗi thời, rất mau cạn kiệt, nhất là trong một xã hội thông tin vô tận như hôm nay!

Nhưng để có thể chia lửa thì trước hết phải có... lửa! Muốn có lửa thì phải... tự đốt mình lên và phải có nguồn nhiên liệu bất tận nơi trái tim mình. Người thầy băng giá thì chỉ có thể truyền lạnh lẽo, giá băng. Người thầy máy móc chỉ có thể truyền những động tác. Còn người thầy truyền lửa thì lửa đôi khi có thể bốc cháy nhưng thường khi chỉ ngun ngún, âm ỉ, đợi một cơn gió bùng lên. André Maurois, viện sĩ Viện Hàn lâm Pháp nói đến kỹ năng “nhóm lửa” cho người bạn trẻ trong cuốn Lettres ouvertes à un jeune homme (Thư ngỏ gởi tuổi đôi mươi, Nguyễn Hiến Lê dịch): Đó là hãy bắt đầu với những bùi nhùi, mạt cưa, những cành khô nho nhỏ, sau đó, khi ngọn lửa đã ngún rồi thì mới có thể nhen dần vào những thân cây to, nhờ đó mà giữ hơi nóng bền lâu, không bị tắt ngúm!

Ai cũng có những người thầy trong đời mình, đã nhen cho mình ngọn lửa ấm nồng, cách này hay cách khác. Người thầy đó không nhất thiết dạy mình trên ghế nhà trường, trên bục giảng đường. Miễn là có một tần số để nhận ra ngọn lửa truyền trao, và nhen nhóm. Đến một lúc nào đó, ta bỗng nhận ra “bán tự vi sư” - nửa chữ cũng là thầy!

Khi còn là một nhóc con 11- 12 tuổi ở một tỉnh lẻ, mỗi lần đau ốm, tôi đều một mình đến bác Hai Cương, một thầy thuốc Bắc nổi tiếng. Gặp bác là tôi thấy nhẹ bệnh hết một nửa rồi! Bác lớn tuổi lắm rồi, vậy mà ân cần hỏi han tôi, mời tôi ngồi, chậm rãi bắt mạch, chăm chú, có khi chưa yên tâm còn vào tủ sách lấy một quyển to đùng ra đọc, nghiền ngẫm kỹ trước khi biên toa. Lúc hốt thuốc, còn cho tôi vài trái táo, một nhúm cam thảo, căn dặn cách sắc, cách uống! Còn nhớ khi tôi đậu vào Y khoa Đại học đường Saigon, ngày tựu trường, giáo sư khoa trưởng, bác sĩ Phạm Biểu Tâm, đã ân cần nhắc nhở các tân sinh viên: Nghề y là một nghề cao quý nếu ta muốn cao quý, cũng là một nghề thấp hèn nếu ta muốn thấp hèn. Người thầy thuốc phải là người sinh viên suốt đời. Trong khi hành nghề, ta có thể đôi lần ân hận nhưng đừng bao giờ để phải hối hận! Nửa thế kỷ rồi đó, vậy mà bọn học trò chúng tôi gặp nhau còn luôn nhắc lời thầy!

Các ngành nghề khác cũng vậy thôi. Cái còn lại chính là ngọn lửa đã được thầy truyền trao, chia sẻ, ngọn lửa đã được tiếp nối từ ngọn đuốc của thầy. Lòng yêu nghề. Đạo đức nghề nghiệp. Tinh thần tự học...

Ngọn lửa không cần nói nhiều, không cần phải là những bài giảng hùng biện, bác học. Nhiều khi chỉ là sự “dung thông” giữa thầy và trò. Tần số có thể bắt được, một cách nào đó. Không cần kỹ thuật truyền thông hiện đại.

Hạnh phúc có thể đo đạc!

Từ năm 1946, Tổ chức Sức khỏe Thế giới (WHO) đã định nghĩa: Sức khỏe là một tình trạng hoàn toàn sảng khoái (well-being; bien-être) về thể chất, tâm thần và xã hội, chớ không phải chỉ là không có bệnh hay tật. Một định nghĩa như thế cho thấy đánh giá sức khỏe của một con người không thể chỉ dựa vào chuyện có hay không có bệnh tật; tương tự, không thể đánh giá sức khỏe của một cộng đồng mà chỉ dựa vào tỷ lệ bệnh tật, tỷ lệ tử vong, số giường bệnh, số bác sĩ... Cái khó ở đây là làm cách nào đánh giá được “tình trạng sảng khoái” về cả ba mặt: thể chất, tâm thần và xã hội - như định nghĩa đã nêu? Đánh giá sự sảng khoái, sự hài lòng cũng chính là đánh giá hạnh phúc. Mà đánh giá hạnh phúc là chuyện không đơn giản chút nào vì nó nặng tính chủ quan, dễ lệch lạc. Chính vì thế mà mãi nửa thế kỷ sau, WHO mới đưa ra được một bảng “Đánh giá chất lượng cuộc sống” (Quality of Life Assessement) liên quan đến sức khỏe và chăm sóc sức khỏe để cụ thể hóa định nghĩa đã nêu trên. Theo đó, người thầy thuốc chỉ quan tâm chữa trị bệnh tật là chưa đủ, mà phải quan tâm đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Nói khác đi, người bệnh sống không phải chỉ là sống sót, tồn tại, mà phải là sống có ý nghĩa, có hạnh phúc ở một mức độ tốt nhất có thể được.

WHO đề ra một bảng chỉ số gọi là WHOQOL-100 (WHO quality of life,100 đề mục) có thể triển khai thực hiện trên nhiều nước khác nhau, nhiều nền văn hóa khác nhau, bao gồm 6 lãnh vực: 1. Sức khỏe thể chất; 2. Tâm lý; 3. Mức độ độc lập; 4. Các mối quan hệ xã hội; 5. Môi trường và 6. Niềm tin, tôn giáo, vấn đề tâm linh. Các chỉ số đo đạc này sẽ rất hữu ích cho việc cải thiện chất lượng phục vụ của ngành y trong việc chăm sóc sức khỏe người dân nói chung cũng như trong nghiên cứu khoa học, giám sát và cả trong hoạch định chính sách.

Theo WHO, Chất lượng cuộc sống là những cảm nhận của các cá nhân về cuộc sống của họ trong bối cảnh văn hóa và các hệ thống giá trị mà họ đang sống và liên quan đến các mục đích, nguyện vọng, tiêu chuẩn và các mối quan tâm của họ.

Điều dễ thấy ở đây là cách đo đạc Chất lượng cuộc sống đặt trọng tâm lên cảm nhận cá nhân của từng người, cho thấy có cái nhìn khác xưa đối với bệnh tật và sức khỏe lâu nay chủ yếu dựa vào “cảm nhận” của thầy thuốc! Do vậy, đánh giá bệnh tật sẽ không chỉ dựa trên kết quả các xét nghiệm máy móc mà còn trên những cảm nhận chủ quan, quan điểm riêng của từng cá nhân về bệnh tật của họ, về sự sảng khoái của họ trong cuộc sống thường ngày, trong bối cảnh văn hóa và môi trường thiên nhiên quen thuộc. Ở đây cho thấy vai trò của giáo dục sức khỏe, của truyền thông hiệu quả trong mối quan hệ giữa thầy thuốc và bệnh nhân. Mối quan hệ thầy thuốc - bệnh nhân không tốt thì người bệnh khó có thể duy trì chất lượng cuộc sống!

Suy nghĩ từ góc độ quan tâm đánh giá chất lượng cuộc sống của người bệnh như vậy sẽ làm thay đổi cái nhìn của người thầy thuốc về bệnh nhân trong quá trình điều trị. Cả người bệnh - khi hiểu rõ chất lượng cuộc sống là do mình quyết định – cũng sẽ không chỉ biết lệ thuộc vào thầy, vào thuốc, vào xét nghiệm mà còn biết tự tăng cường sức khỏe, nâng cao sức khỏe, nhờ vậy mà phấn đấu, rèn luyện, hợp tác tốt với thầy thuốc. Dịch vụ y tế cũng phải thay đổi, xem có đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng cuộc sống của người bệnh chưa, người bệnh có hài lòng về chất lượng phục vụ không và hệ thống tổ chức y tế có dễ tiếp cận, có luôn trong tình trạng sẵn sàng phục vụ bệnh nhân không?

“Hạnh phúc” hóa ra không còn là khái niệm chung chung nữa mà nay đã có thể đo đạc!

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 82
    • Số lượt truy cập : 6952539